- Con đường nào cho tôi
- Mục đích tối hậu
- Một trái tim
- Con đường tự do
- Ánh sáng nội tâm
- Kỹ thuật và tâm linh
- Cách mạng tâm linh
- Trăm hoa đua nở
- Sáng tạo
- Cái đẹp riêng
- Dấu ấn Làng Mai
- Thiền tập
- Cánh cửa mầu nhiệm
- Dòng sông tâm thức
- Không theo phe
- Bến bờ tâm linh
- Không làm gì cả
- Cánh đồng bao la
- Các đặc tính của tri giác
- Mùa xuân là của em
- Vết thương
Bến bờ tâm linh
Bạn trẻ thân mến;
Chánh niệm có hai đặc tính: Một là chỉ (samatha), tức là dừng lại những tạp loạn, suy tư, tính toán, dừng lại tâm chạy rong, tâm khỉ, tâm vượn, tâm phóng đãng… Hai là quán (vipassanà), nghĩa là nhìn sâu vào những gì đang xảy ra, vào lòng sự vật.
Chỉ có nghĩa là dừng lại sự tạo tác của tâm ý như sự phán xét, sự đánh giá, sự đòi hỏi, sự suy tính và không bị cuốn theo trong dòng sông tâm ý ấy. Chỉ không phải chận đứng lại dòng sông tâm thức. Tâm thức là một dòng chảy, nó âm thầm tuôn chảy mãi ngày đêm, các giọt nước vui buồn, thương ghét, hờn tủi… cứ xô đẩy, đắp đổi, tuôn chảy mãi như một dòng sông. Dừng tâm nghĩa là nhìn thấy dòng sông tâm thức mà không thêm bớt, không khích lệ và không bị cuốn theo.
Sư Ông dạy: “Trong chỉ có quán và trong quán có chỉ. Chỉ càng lâu, quán càng sâu, quán càng sâu, chỉ càng mạnh”. Nghĩa là dừng tâm ý càng lâu thì quán chiếu càng sâu. Quán chiếu càng sâu thì dừng tâm ý càng mạnh. Bạn thử dừng tâm trên một bông hoa thì bạn thấy bông hoa sâu hơn. Nhìn bông hoa càng sâu thì tâm bất an, phóng dật của bạn dừng lại càng mạnh. Bạn thử dừng tâm vào nỗi buồn thì bạn thấy nỗi buồn rõ hơn, và nhìn nỗi buồn càng lâu thì bạn hiểu nó sâu hơn.
Quán (Vipassanà) là quán chiếu, nghĩa là tới gần, thẩm sát, xem xét, nhìn rõ, nhìn sâu vào lòng thực tại. Trái cam đang nằm trong lòng bàn tay bạn nâng nó lên, đưa tới gần, nhìn kỹ, nhìn sâu vào nó. Từ đó bạn có cái thấy về bản chất của trái cam, cái thấy này gọi là tuệ giác.
Quán chiếu không phải suy nghĩ, suy luận, diễn tả, tính toán… Cho nên chữ quán sát (observe) rất là quan trọng, nghĩa là chỉ nhìn thôi, ý thức không được xen vào để vẽ vời, ảnh hưởng hoặc tạo tác gì cả. Quán sát có nghĩa là nhận diện đơn thuần; nó là nó (những gì đang trôi ngang qua trong dòng sông tâm thức) mà không xua đuổi, không đè nén, cũng không đồng lõa hay chìm đắm theo nó.
Nói rằng thiền minh sát (vipassanà) không thực tập chỉ (Samatha) là không đúng chút nào. Sự thật, thiền minh sát chú trọng phần dừng tâm (chỉ) nhiều hơn phần quán chiếu. Ta hãy đọc vài đoạn trong bài giảng của ngài Mahàsi Sayàdaw:
“Khi thở thì bụng phồng lên và xẹp xuống. Đó là cử động hiển nhiên. Đó là tính chất vật lý gọi là vàyodhàtu, nguyên tố di động trong vật chất, thường được gọi là nguyên tố gió. Nên bắt đầu ghi nhận di động ấy, tâm chăm chú theo dõi quan sát bụng. Ta sẽ thấy bụng phồng lên khi thở vô và xẹp xuống khi thở ra. Trạng thái phồng lên phải được ghi nhận thầm, "phồng, phồng", và di động đến trạng thái xẹp xuống, với ghi nhận "xẹp, xẹp".
Trong pháp hành thiền Minh sát (Vipassanà), bất luận danh từ nào mà ta nói lên, hay tên nào mà ta gọi đến, cũng không thành vấn đề. Vấn đề thật sự là hay biết hoặc cảm nhận. Ta phải ghi nhận cái bụng phồng lên khi nó mới bắt đầu, và liên tục theo dõi di động của bụng cho đến khi nó không còn phồng lên nữa, cũng rõ ràng giống như ta nhìn thấy và theo dõi cử động phồng lên bằng mắt. Khi bụng xẹp xuống cũng vậy, ghi nhận di động của bụng từ đầu đến cuối.
Trong khi ghi nhận cử động của bụng như thế thì tâm hành giả có thể phóng đi nơi khác. Sự kiện này cũng phải được ghi nhận liền bằng cách nói thầm, "phóng tâm, phóng tâm". Khi ghi nhận như vậy một hoặc hai lần thì tâm ngừng phóng đi và hành giả trở lại bài tập ghi nhận bụng phồng xẹp.”
(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)
Bài thực tập trên rõ ràng là phương pháp hơi thở ý thức chú ý nơi huyệt đan điền để cảm nhận sự phồng xẹp của bụng, giúp bạn dừng lại tâm ý. Đó chính là thiền chỉ (samatha).
Bạn thực tập quán chiếu như thế nào?
Không dừng tâm suy nghĩ, tạo tác, phóng đãng, lăng xăng (chỉ) thì không thể nhìn thấy (quán), do đó chỉ cũng là quán, mà đối tượng quán sát chính là hơi hơi. Kỹ thuật là bạn để ý tới sự phồng lên của bụng khi thở vào và xẹp xuống của bụng khi thở ra. Nếu thân tâm có gì đang xảy ra, thì bạn quán sát nó bằng cách gọi tên, ví dụ như suy nghĩ, suy nghĩ, phóng tâm, phóng tâm, ngứa, ngứa, gãi, gãi, tháo chân, tháo chân, muốn đứng dậy, muốn đứng dậy…
Bất luận ý nghĩ hay suy tư nào phát sanh cũng phải được bạn ghi nhận rõ ràng. Nếu tưởng tượng, bạn ghi nhận "tưởng tượng". Nếu suy nghĩ, bạn ghi nhận "suy nghĩ". Nếu toan tính, bạn ghi nhận "toan tính". Nếu nhận thấy, bạn ghi nhận "nhận thấy". Nếu cảm nghe hạnh phúc, bạn ghi nhận "hạnh phúc". Nếu nhàm chán, bạn ghi nhận "nhàm chán". Nếu nghe bằng lòng, bạn ghi nhận "bằng lòng". Nếu buồn phiền, bạn ghi nhận "buồn phiền"… Sự ghi nhận, nhận diện các sinh hoạt của tâm ý được gọi là niệm tâm (cittànupassanà) trong kinh Tứ niệm xứ.
Đó là quán sát chứ gì nữa. Trong kinh Quán niệm hơi thở, Bụt dạy:
-Thở vào, tôi thấy tâm tham, thở ra tôi mỉm cười với tâm tham.
-Thở vào, tôi thấy tâm phóng dật, thở ra tôi nhận diện tâm phóng dật…
Thiền quán không dừng lại sự quán chiếu gọi tên mà bạn còn thấy những gì đang xảy ra không phải là ngã.
“Vì thiếu sót, không ghi nhận những sinh hoạt của tâm như vậy nên ta có khuynh hướng đồng hóa sinh hoạt tâm linh ấy với một người, một cá nhân. Thấy tâm là người, người là tâm, tâm với người là một. Ta có khuynh hướng nghĩ rằng chính "Ta" đang tưởng tượng, suy tư, toan tính, hiểu biết v.v. Ta nghĩ rằng có một người sống và suy tư từ bé đến lớn.
Đúng ra thì không có một người như vậy hiện hữu. Thay vì một người, xem như một thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, chỉ có hành vi của tâm liên tục nối tiếp. Vì lẽ ấy ta phải ghi nhận những sinh hoạt tâm linh và thấu đạt thực tướng của nó, hiểu biết đúng như thật sự nó là vậy. Vì lẽ ấy phải ghi nhận tất cả và mỗi hành vi của tâm, ngay lúc nó khởi phát. Khi được ghi nhận như vậy thì nó có khuynh hướng tan biến. Chừng đó hành giả quay trở về phương pháp ghi nhận sự phồng xẹp.”
(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)
Đa số bạn không thấy đường đi của tâm ý, bởi nó quá khôn ngoan, nó hoạt động cực nhanh. Nó luôn điều khiển bạn suy nghĩ thế này, suy nghĩ thế kia, đánh giá người này, đánh giá người kia, phân tích, tính toán. Nó tạo ra biết bao phiền muộn cho bạn và gây ra sự mâu thuẫn với người chung quanh. Bạn chấp suy nghĩ này là tôi, ý kiến này là tôi, cảm thọ này là tôi. Bạn phán đoán cái này là đúng, cái kia là sai, suy nghĩ này là chánh, suy nghĩ kia là tà như một ông quan tòa (a judge). Đây là gốc của mọi khổ đau, phiền muộn của con người.
Quán chiếu là khảo sát sự hoạt động của tâm ý, nhận biết đơn thuần mặt mũi của nó, mà không được đồng lõa với cái tôi, của tôi, cũng không nên xua đuổi nó. Chấp ghì cũng là ngã chấp, mà xua đuổi cũng là ngã chấp. Đây là phép quán chiếu vô ngã cụ thể nhất.
Quán chiếu là loại ánh sáng nhằm thấy rõ dòng tâm ý, giống như bạn đang ngồi trên bờ sông ngắm nhìn dòng sông. Hơi thở ý thức là bến bờ ấy. Cái gì trôi qua trên dòng sông như con thiên nga, bịch rác, cành cây, thì bạn thấy như vậy, không thêm không bớt, không ghì lấy, không xua đuổi… Muốn nhìn như vậy, bạn phải trở về với hơi thở và sự phồng xẹp của bụng. Hơi thở và sự phồng xẹp như là dây neo giữ con thuyền chánh niệm không cuốn phăng trong dòng sông tâm ý.
Tiếp tục quán chiếu, bạn thấy các dòng sông tâm ý, cảm thọ, nhận thức, tâm tư, thân thể đều luôn
chuyển động, biến đổi lạ thường, không bao giờ đứng yên dù trong một giây lát. Thấy rõ sự chuyển biến ấy, tuệ giác vô thường phát sinh ngay. Sự thật không có một hiện tượng gì trong thân tâm bền vững làm nơi nương tựa đâu, vậy nên bạn trở về với chánh niệm. Đó gọi là trí tuệ quán sát bằng sự phồng xẹp của bụng.
Hơi thở là đối tượng của thiền tập. Hơi thở là nhiên liệu nuôi dưỡng ánh sáng của tuệ giác, mà thiền Miến Điện gọi là minh sát. Bây giờ, bạn nắm rõ cách quán sát của thiền quán rồi phải không? Chúc bạn thành công!
Sư chú thích đi thiền tự nhiên, cảm nhận sự xúc chạm giữa bàn chân và lòng đất, cũng đủ đưa tâm của sư chú trở về với đất mẹ, với hiện tại.