Cánh đồng bao la

Bạn trẻ thân mến;

Muốn mến được vị ngọt của vô ngã, bạn phải nhận rõ vị đắng của ngã chấp. Bạn phải nhận diện sự hoạt động, đường đi nẻo về của ngã chấp, cũng như muốn có sen thơm thì phải có bùn hôi, có hoa tươi thì phải có rác bẩn.

Ngã là một thực thể riêng biệt, một cái tôi độc lập, mà sự thật làm gì có một cái tôi, một thực thể riêng biệt. Cho nên bạn không cần phá ngã mà buông bỏ sự chấp trước vào bản ngã. Vậy, ngã chấp là một ý niệm sai lầm, một suy tư âm thầm, vi tế về một cái tôi riêng biệt. Bộ mặt xuất hiện của ngã chấp chính là cố chấp, nắm bắt, đo lường, đánh giá, phán xét, lên án…

Cái chấp về một bản ngã đã có từ lâu nhiều đời, nhiều kiếp. Nó trở thành thói quen, cho nên bạn có thể gọi ngã chấp là một hạt giống. Bạn cần nhận mặt, quán chiếu về hạt giống ngã chấp ấy để chọc thủng cái vỏ u mê về bản ngã. Lúc ấy bông hoa vô ngã mới có thể đâm chồi nảy lộc. Giống như muốn gieo hạt sen vào hồ bên Pháp, bạn phải cưa một phần nào cái vỏ hạt sen để nước có thể thấm vào trước khi ngâm nó vào bùn, thì hạt sen mới có cơ hội nẩy mầm, bởi vì nắng bên Pháp không đủ nóng để cái vỏ cứng của hạt sen nứt ra.

Chấp ngã thường biểu hiện qua sự so sánh giữa bạn với người, cái này và cái kia… Bạn thấy bạn hay hơn, dở hơn hay bằng người này. Bạn thấy bạn có tài năng hơn người kia. Suy nghĩ của bạn sâu sắc hơn. Pháp môn bạn hay nhất, hay hơn tất cả pháp môn khác. Pháp môn bạn mới chánh thống, còn các pháp môn khác không có hiệu quả, không phải do Bụt trao truyền… Bạn nên nhận diện thói quen so đo, tính toán này và tập suy nghĩ, nhận thức, nói năng với tâm không so sánh. Bạn có thể chia sẻ về kinh nghiệm sống cá nhân, nhưng không cần so sánh với bất cứ người nào. Mỗi người mỗi kinh nghiệm, không ai phải giống ai, không ai phải hơn thua ai.

Khi nghe cũng vậy, bạn dừng lại sự phán đoán, đánh giá, so đo, chỉ nghe thôi. Bạn nghe người kia như nghe tiếng gió vi vu, tiếng suối reo, lời ru em của mẹ. Vui buồn, thương ghét có thể biểu hiện qua lời chia sẻ, nhưng bạn không nên đánh giá lời nói ấy. Ai có thể hiểu chiều sâu của dòng nước mắt? Ai có thể biết được đường đi của tâm thức? Nghe không phán xét, tâm bạn sẽ trở nên thênh thang, và người kia có không gian để tâm sự. Người ấy vẫn còn là người ấy, mà không trở thành một hình ảnh trong ngục tù thành kiến của bạn.

Bạn chia sẻ hết lòng, chia sẻ thật, từ kinh nghiệm sống dù có những khó khăn, lên xuống, trần lụy. Bạn không cần phải có mặt cảm xấu hổ, tủi nhục. Bạn cũng không có khuynh hướng muốn thuyết phục mọi người tin lời bạn. Kinh nghiệm dù sâu sắc đến mấy cũng chỉ là kinh nghiêm cá nhân, chứ không phải là sự thật tuyệt đối. Sau khi chia sẻ, bạn sẽ nhận được những lời khen chê. Bạn tập mỉm cười thanh thản với lời phản ánh. Bạn không nên vui, tự đắc khi được khen, mà không cần buồn, mặc cảm khi bị chê. Khen chê là sự đánh giá từ nhận thức của người nghe, do đó nó là thước đo thôi. Nó là tấm kính để phản chiếu lòng bạn. Có gì thật của bạn đâu mà phải vui hay buồn!

Không so sánh thì bạn không bị mặc cảm tự ti, tự tôn. Thấy bạn không ra gì nên bạn có khuynh hướng rút vào vỏ ốc mặc cảm là một biểu hiện của ngã chấp. Thấy bạn rất giỏi, tài năng nên bạn dương dương tự đắc cũng là biểu hiện khác của ngã chấp. Không so sánh phát xuất từ tâm vô phân biệt. Tâm bạn có hai mặt: phân biệtvô phân biệt chỉ cách nhau một cánh cửa nhỏ có thể xoay trở qua lại. Chỉ cần thở để xoay cánh cửa phân biệt, cố chấp, so sánh, sang cánh cửa không phân biệt. Tâm bạn sẽ mở ra để bạn bước vào thế giới thênh thang của tâm không phân biệt. So sánh chỉ làm cho tâm hồn bạn thêm chật hẹp mà thôi.

Bạn có muốn mở cánh cửa tâm hồn để nhảy vào cánh đồng bao la của tâm không so đo, không đánh giá, không phán xét, không phân biệt không? Nơi ấy có không gian, nắng ấm, hoa lá, tình bạn, cảm thông và sự trân quý.

Ở với một người nào đó, bạn cảm thấy hạnh phúc được yêu thươngthương yêu.