- Con đường nào cho tôi
- Mục đích tối hậu
- Một trái tim
- Con đường tự do
- Ánh sáng nội tâm
- Kỹ thuật và tâm linh
- Cách mạng tâm linh
- Trăm hoa đua nở
- Sáng tạo
- Cái đẹp riêng
- Dấu ấn Làng Mai
- Thiền tập
- Cánh cửa mầu nhiệm
- Dòng sông tâm thức
- Không theo phe
- Bến bờ tâm linh
- Không làm gì cả
- Cánh đồng bao la
- Các đặc tính của tri giác
- Mùa xuân là của em
- Vết thương
Các đặc tính của tri giác
Bạn trẻ thân mến!
Tri giác là cái thấy, cái nhận thức của mình. Duy biểu học gọi là tưởng. Chữ tưởng (想) viết theo Hán văn gồm có chữ tướng (相) ở phía trên và bộ tâm (心) ở phía dưới, nghĩa là tâm xúc tiếp với hình tướng bên ngoài như hình ảnh, âm thanh đều tạo ra một tri giác, một cái thấy.
Định nghĩa như thế thì tưởng chịu ảnh sâu đậm màu sắc của tâm, nói một cách khác tâm tạo ra tri giác như cái thấy, cái nghe, cảm nhận… Bạn thấy cảnh ấy đẹp hay xấu đều tùy sự vẽ vời của tâm bạn. Bạn thấy người kia đẹp hay xấu tùy theo sự vẽ vời của tâm ý… Đây là ý nghĩa của câu kinh: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Vậy, bạn hãy cẩn thận với tri giác của mình. Dưới đây là những đặc tính của tri giác.
*Tri giác thường dễ bị lờn, nghĩa là cái thấy của bạn mau chán! Tới nơi nào đó, bạn thấy cảnh ấy đẹp một cách huy hoàng, nhưng ở một thời gian thì bạn thấy nó thật bình thường, đôi khi nó trở nên vô vị, đến nỗi chán chường là khác. Đây là tình trạng chung của tri giác con người, nghĩa là ở núi này trông núi nọ, do tri giác dễ bị lờn.
Ở với một người nào đó, bạn cảm thấy hạnh phúc được yêu thương và thương yêu, và nếu vắng bóng người ấy trong vài giờ là bạn cảm thấy trống trải vô cùng. Nhưng sống chung với nhau một thời gian, cái thấy của bạn từ từ bị lờn đi, nên bạn không còn trân qúy sự sống, sự hiện hữu của người ấy nữa. Có lúc bạn có cảm giác không muốn gặp, không muốn nhìn thấy người ấy nữa. Vì thế bạn hãy cẩn thận với tri giác mong manh, mau lờn của bạn và nên giữ tâm hồn cho trong sáng. Thi ca Việt Nam có câu diễn tả khi tình yêu đã hết:
"Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi"
(Thế Lữ, Giây phút chạnh lòng)
*Tri giác thường dễ sai lầm. Thấy sợi dây mà tưởng là con rắn. Bỏ quên máy iphone ở đâu, thấy người kia đi ngang qua phòng, tri giác bạn thấy nghi nghi. Hình như người ấy lấy cái máy của bạn, nhưng một hai ngày sau bạn thấy máy iphone nằm trong túi áo. Cho nên tri giác thường đi chung với nghi ngờ, tưởng tượng, phán xét… Thông thường nó hay sai lầm.
*Tri giác dễ trở nên thành kiến. Thành là bức thành và kiến là tên khác của tri giác, là cái thấy, cái nhận thức. Sống với nhau, bạn có nhiều tri giác về chính bạn, người thương và cuộc đời. Sự thật, tri giác không phải là một cái mà một dòng chảy của nhận thức. Mỗi khi thấy gì, bạn có một tri giác; nghe âm thanh gì, bạn có một tri giác, và cứ như thế cái thấy này trôi chảy để nhường cho cái thấy khác, và chúng nó trở thành một dòng sông tri giác. Nếu không chiếu ánh sáng chánh niệm vào dòng tri giác, thì âm thầm qua nămtháng, tri giác của bạn sẽ ứ đọng, dồn nén, tạo thành một bức tường ngăn cách bạn với cảnh thật, với người thật đang hiện hữu trước mặt. Anh ấy là vậy, chị ấy là vậy, nơi ấy là vậy đó… Bạn chắc mẽm là như vậy, cho nên hễ có thành kiến rồi thì tri giác, cái thấy của bạn không còn mới nữa. Ồ! Tôi biết rồi. Ồ! Tôi thấy rồi… Bạn đóng hết tất cả cánh cửa giác quan bằng bức tường của tri kiến hạn hẹp, cố thủ của mình.
“Mắt em mang chiếc kiếng màu
Nhìn đời em thấy một màu âm u" (*)
*Tri giác dễ rơi vào cố chấp, nghĩa là bạn bị kẹt vào tri giác, vướng vào cái thấy của bạn nên bạn không thể nhìn khác hơn, rộng hơn, bao la hơn. Cố chấp là ghì lấy, ôm lấy, vì thế cố chấp là một ngục tù nhốt bạn trong cái nhìn nhỏ hẹp, chủ quan của bản ngã.
“Ôi khung cửa vắng
Ngục tù nhận thức
Nhốt linh hồn em
Suốt mấy ngàn thu
Hiu quạnh, cô đơn
Âm u, mịt mù.” (**)
(*), (**) Thơ Pháp Đăng.