‘SANG PHƯƠNG ĐÔNG TU TẬP’
ĐƯỢC KỂ LẠI RA SAO?
TS. Nguyễn Hữu Liêm
Cách đây đúng 130 năm, 1894, một cuốn sách xuất bản ở Pháp làm chấn động giới thần học và tôn giáo sử: La vie inconnue de Jésus-Christ (Cuộc đời chưa biết đến của Chúa Giê Su) của Nicolas Notovitch, một nhà báo người Nga.
Đây là một cuốn du ký, kể lại chuyện tác giả du hành qua Ấn Độ, vùng Kashmir và Tây Tạng vào năm 1887. Theo đó thì Notovitch đã đích thân vào ở trong một tu viện ở Tây Tạng, Hemis Monastery, và được nghe các nhà sư kể lại chuyện một nhà tiên tri tên là Issa đã từng đến tu học giáo pháp đạo Phật ở đó vào thế kỷ Công nguyên thứ Nhất.
Theo Notovitch thì trong văn khố lưu trữ của tu viện Hemis có một văn kiện cổ có tên “Cuộc đời của Thánh Issa”. Các lạt ma cho ông biết rằng văn kiện này được dịch ra tiếng Tạng từ Pali. Tác giả phải nhờ một người thông dịch sang tiếng Nga và ông ghi nhớ lại nội dung của nó để viết thành cuốn sách tiếng Pháp trên.
Notovitch còn khám phá ra rằng Thánh Issa chính là Chúa Giê Su. Thời gian mà Issa ở tu viện trùng vào những năm từ lúc Chúa Ki-tô vắng bóng ở Palestine lúc 14 tuổi cho đến khi Ngài xuất hiện lại ở đó ở tuổi 28. Issa là tên thổ ngữ Tây Tạng Jeshua, tức là Jesus (chúa Giê Su).
Notovitch cũng biết thêm rằng Chúa Giê Su, tức Issa, đã đến Ấn Độ và Tây Tạng lúc còn tuổi thiếu niên và đã đi học đạo từ các huyền nhân Hindu, tăng sỹ Phật giáo và các tăng nhân các đạo khác ở vùng Bắc Ấn. Issa cũng đã học tiếng Pali để có thể nghiên cứu kinh Phật. Trên đường trở về lại Palestine, Issa đã ghé qua Ba Tư để giảng đạo cho tín đồ đạo Zoroaster.
Mặc dù Notovitch không giải thích rõ, nhiều người sau khi đọc sách của ông đã cho rằng những phép lạ mà Chúa Jesus đã làm, như biến nước lã thành rượu, chữa người mù, bệnh cùi, hay đi trên mặt nước, đều là những pháp thuật huyền bí mà Ngài đã học được từ các huyền nhân Phật giáo Tây Tạng.
Sự thật hay hư cấu huyền thoại?
Tuy nhiên, theo Max Muller, giáo sư Đông phương học nổi tiếng của Đại học Oxford, thì cuốn sách của Notovitch chỉ là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, bao gồm những chuyện hư cấu.
Trong một bài viết mang tựa “The Alleged Sojourn of Christ in India” trong Tạp chí “The Nineteenth Century” xuất bản năm 1894, Muller đã phân tích kỹ nội dung cuốn sách, và dựa theo lời của những nhân chứng khác thì Notovitch chưa hề đến tu viện Hemis và không ai ở đó từng nghe hay biết đến nhà báo người Nga này.
Tiếp theo là một bài báo khác của giáo sư J. Archibald Douglas của Đại học Hoàng gia Agra, “The Chief Lama of Hemis on the Alleged Unknown Life of Christ” cũng đăng trong cùng tạp chí hai năm sau (1896), tường thuật rằng chính ông đã đích thân đến tu viện Hemis và các vùng lân cận để điều tra hư thật mà Notovitch viết.
Douglas gặp vị Lạt ma viện chủ Hemis và đọc cuốn sách của Notovitch, qua thông dịch viên, cho vị viện chủ nghe. Vị lạt ma phủ nhận tất cả nội dung và cho biết rằng ông đã là một lạt ma ở đó suốt 42 năm qua và chưa hề nghe hay biết đến nhân vật nào gốc Nga từng đến ở, và hoàn toàn không có một văn kiện cổ đại, ancient scroll, nào đề cập đến nhân vật tên Issa như Notovitch kể.
Sau hai bài viết của Muller và Douglas thì Notovitch bắt đầu thay đổi câu chuyện.
Ông cải chính rằng không có văn kiện cổ đại đích xác nào về Issa ở tu viện Hemis. Những gì về Issa chỉ là những gì ông hiểu được từ những văn kiện khác.
Theo Giáo sư tôn giáo học Per Beskow của Thụy Điển trong cuốn Strange Tales about Jesus (1983) thì Notovitch, có thể là một điệp viên Nga, chưa hề đặt chân đến Ấn Độ và Tây Tạng. Notovitch chỉ dựa theo những giả thuyết và huyền thoại nghe được để dựng lên câu chuyện Issa.
Sau khi bị tố cáo ngụy thư, Notovitch rút lui về ẩn dật và không còn xuất hiện trên văn đàn.
Tuy nhiên, những điều mà Notovitch viết ra đã được xác nhận là sự thật bởi nhiều nhân vật uy tín.
Giáo sư người Nga Nicholas Roerich, Tu sĩ Swami Abhedananda, đệ tử của Ramakrishna, cũng như Gloria Gasque và Elizabeth Caspari, hai nhà huyền học lừng danh, đều đã đến tu viện Hemis và đã chính mắt trông thấy các văn tự ghi chú việc Issa tu học ở đó.
Có thể rằng đối với Muller và Douglas, hai người Anh quốc, thì các lạt ma ở đó phủ nhận văn bản cổ đại, vì lúc đó, họ sợ Đế quốc Anh sẽ tịch thu văn bản bí truyền đó như họ đã làm với nhiều gia sản tôn giáo và văn hóa khác ở các thuộc địa?
Huyền thoại Issa muôn năm
Cuốn sách về Chúa Giê Su tức Issa của Notovitch đã mở ra một kỷ nguyên tràn ngập những câu chuyện về cuộc đời bí mật của Chúa Giê Su từ năm 14 tuổi đến năm Ngài bắt đầu rao giảng giáo lý lúc 28 tuổi ở Palestine.
Bốn sách Tân Ước - Mark, Mathew, Luke và John - hoàn toàn không nói gì về khoảng thời gian trên. Ngài đã đi đâu, làm gì trong suốt 14 năm đó?
Câu chuyện của nhà tiên tri Issa là một phần trong cao trào lãng mạn huyền bí học hướng về nền văn minh cổ bí ẩn Tây Tạng và Ấn Độ ở cuối thế kỷ 19.
Đã có hàng chục cuốn sách và phim ảnh tài liệu về cuộc đời của Issa, tức là Chúa Giê Su, về thời gian Ngài tu học ở Á Đông.
Ngay cả cơ quan truyền thông uy tín British Broadcasting Corporation (BBC) cũng đưa lên truyền hình một documentary (2011, trên kênh BBC4 ở Anh) nói về Issa mang đề tài khẳng định, “Jesus was a Buddhist monk”.
Cùng năm đó, chính phủ Ấn Độ cũng chính thức đưa ra một phim tài liệu minh chứng câu chuyện Issa như là sử liệu chính thống, dù với lời cảnh giác rằng đó không phải là giả thuyết tối hậu.
Theo cuốn phim này thì rất nhiều tài liệu, bằng chứng, di tích, rằng Chúa Giê Su tức Issa, Yousef hay Isaf, sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá thì Ngài đã được cứu sống và trốn theo con đường tơ lụa để đến vùng Kashmir, Bắc Ấn, sống đến cuối đời và mất ở đó, và hình ảnh mộ Ngài nay vẫn còn.
Cũng có giả thuyết rằng Chúa Giê Su đã trốn thoát đến miền núi Nam nước Pháp và sống đến cuối đời.
Nếu câu chuyện Issa là khả tín thì có thể khiến nền tảng đức tin Thiên Chúa giáo sẽ bị sụp đổ - vì theo thuyết mới đó thì Chúa Giê Su đã không phục sinh ba ngày sau khi mất để bay lên Thiên đàng ngự bên phải Chúa Cha.
Dĩ nhiên là tín đồ Thiên Chúa giáo không chấp nhận câu chuyện này. Tiếng nói phủ nhận mạnh hơn nữa đến từ Giáo hội Công giáo La Mã.
Nhưng ta cần hiểu câu chuyện trên ra sao? Có phải sự tích Issa và hành trình Ấn Tạng chính là một phần, và là hệ quả của cao trào Khai sáng Âu châu nhằm phủ định giáo lý huyền học đạo Chúa?
Cũng vào giai đoạn thế kỷ 18-19 nhiều người châu Âu tìm sang châu Á, với những tác giả Nga muốn xây dựng các huyền thoại về tín ngưỡng Á-Âu cho đế quốc khủng hoảng của họ, người Đức đi tìm nguồn gốc chủng tộc tận Himalayas và các học giả Hungary, Pháp, Anh, Mỹ cũng hướng tới đạo Phật khá đông đảo.
Ý chí đức tin
Câu chuyện tuy thế có ảnh hưởng tới cả người Việt Nam.
Năm trước, 2022, tôi về Việt Nam và gặp lại một người bạn ở Huế. Anh từng là du học sinh, tốt nghiệp ngành khoa học, và là một chuyên gia điện toán. Anh hỏi tôi về câu chuyện Issa, tức Chúa Giê Su, và cuốn sách của Notovitch. Tôi hơi ngạc nhiên vì anh là người theo tôi biết chưa hề bàn đến chuyện tôn giáo hay triết học. Tôi nói với anh là có những niềm tin không cần bằng chứng. Faith is the evidence of the unseen. (Hebrews 11:1) - Đức tin làm chứng cho sự thật.
Anh chia sẻ rằng anh rất muốn tin những gì Notovitch viết – Chúa Jesus là một Phật tử - dù rằng câu chuyện như thế vẫn chỉ là những huyền thoại tôn giáo đầy nghi ngờ.
Thì ra anh vốn là một người theo đạo Phật thuần thành, mẹ anh đang tu ở ngôi chùa cổ ở quê nhà Thừa Thiên. Anh kết hôn với một người Công giáo. Để kết hôn anh đã rửa tội, mang tên thánh; hai đứa con hằng Chủ Nhật đều đi thánh lễ với mẹ. Anh là người không tin vào Chúa Giê Su phục sinh. Tình yêu dành cho người bạn đời chính là đức tin đạo Chúa.
Từ trong thâm tâm thì anh vẫn là một Phật tử với tất cả những chắc mãn về giáo lý nhà Phật. Nhưng anh muốn tin câu chuyện Issa là Chúa Giê Su như là một thang thuốc hóa giải niềm u uẩn mâu thuẫn tôn giáo trong tình nghĩa vợ chồng đối với đạo giáo mình đã sinh ra và lớn lên.
Anh muốn tin rằng Chúa Giê Su cũng là một vị Bồ Tát về Phương Đông học đạo rồi rao giảng Phật pháp cho người Trung Đông theo căn cơ và duyên nghiệp ở các dân tộc đó.
Từ gốc rễ ý chí đức tin đó, ngày nay, mỗi khi đến giáo đường cùng với gia đình, khi nhìn lên tượng Chúa đóng đinh, anh thấy đó là hình ảnh một vị Bồ Tát vĩ đại hóa thân hy sinh thân xác nhằm cứu độ nhân loại. Anh đã tìm ra niềm hạnh phước như bao nhiêu tín đồ đạo Chúa với đức tin thuần khiết. Ý chí đức tin trong tình yêu cho người bạn đời và con cái chính là đức tin dành cho Chúa Issa. Anh cảm thức một nỗi bình an dịu ngọt. Từ ân sủng nội tại đó, với anh, Issa có phải là Giê Su không còn là một câu hỏi.
Bài thể hiện quan điểm riêng của TS Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, California, Hoa Kỳ.
Xem thêm bài tiếng Anh của Sam Miller về câu chuyện có người tin là "mộ chúa Giê Su ở Kashmir": Tourists flock to 'Jesus's tomb' in Kashmir