THÁI ĐỘ TU HÀNH ĐÚNG NGHĨA
Thích Tánh Tuệ
Tu hành là gì? Có phải nhất định cần thoát ly cuộc sống, chạy vào trong chùa niệm kinh lạy Phật, có phải nhất định cần chuyên chú đả tọa ngồi thiền, đọc sách tu sửa tâm tính hay không?
- Khi những vấn đề xuất hiện trong cuộc sống, chúng ta thường cảm giác chúng làm rối loạn việc tu hành của chúng ta. Kỳ thực, tu hành và cuộc sống là một thể, chúng là nhất tính và đồng hành.
Mục đích của tu hành cũng là vì giải quyết những vấn đề trong thực tế cuộc sống. Cách ly cuộc sống mà nói chuyện tu hành, chẳng giống như né tránh vấn đề hay sao? Nấu cơm rửa bát, làm việc nhà cũng là một loại tu hành .Bao nhiêu khổ não sinh ra trong vũ trụ, thường khiến con người chuyển hướng suy nghĩ về sự yên ổn, quy ẩn nơi núi rừng, mạc thiên tịch địa, ngồi thiền, hành bộ…
Tuy nhiên, định nghĩa của tu hành tuyệt không phải chỉ có ngần ấy. Tu hành ngay trong cuộc sống, cần phải dũng cảm hơn những người tu ẩn một mình rất nhiều lần, phải cân bằng giữa công việc và gia đình, giữa áp lực và sức khỏe, giữa những mong muốn, cảm xúc, vui vẻ, khổ đau cùng vô thường. Tìm cầu sự cân bằng trong cái mối quan hệ phức tạp đan xen, trái lại càng có thể khiến chúng ta nhìn rõ bản chất thực của cuộc sống.
Đơn giản mà nói, chỉ cần bạn chuyên chú thì lập tức việc nấu cơm, rửa bát, trông trẻ nhỏ… cũng là một loại tu hành.
Chư Tổ có dạy:
Phật Pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ Đề
Du như tầm thố giác.
(Dịch: Phật Pháp ở nơi thế gian, không lìa thế gian mà có sự giác ngộ. Lìa thế gian tìm sự giác ngộ, cũng ví như đi tìm sừng thỏ vậy.)
Vậy nên, chỉ cần thời thời khắc khắc kiểm tra tự ngã, loại bỏ những kiêu mạn, tham cầu, kỳ vọng và sợ hãi của bản thân, để đạt được một tâm hồn thanh tĩnh, thấy được các tầng thứ khác nhau của sinh mệnh, bạn và tôi đều sẽ thành những người thầy trong cuộc sống. Tu hành tức là.. ở đâu có vấn đề thì ở đó có tu sửa .
Ở nơi chùa chiền, thiền đường, đại sơn lâm, ở những nơi xung quanh toàn người tâm tính tốt, không xuất hiện vấn đề gì, vậy thì tu làm sao?
Tu hành không phải là hiển thị ra bên ngoài, kiểu như: “Nhìn xem tôi tu tốt chưa này? Tôi là một người tu”, mà là hướng vào chính bản thân, ví như: “Vấn đề này dù khó cũng không cản được tôi; khó cũng không thành vấn đề; cái gì cũng không thể mang đến vấn đề rắc rối hoặc phiền não cho tôi…” Tu hành không phải vì để gặp Phật bên ngoài, mà vì để gặp chính mình trước nhất, tu cho tròn trước nhất đạo làm người…
Chân chính tu hành không ở nơi núi sâu, cũng không tại đền chùa hay thoát ly xã hội, mà chính ở trong hiện thực cuộc sống mà tôi luyện tâm can. Môi trường, hoàn cảnh chính là nơi tu đạo tốt nhất mà bạn nên tận dụng.
Tây Phương vốn tại ta bà
Chỉ trong một niệm Phật Ma đổi dời..
Đạo kia vốn chẳng lìa đời
Giữa bùn sen vẫn rạng ngời, ngát hương..
Khúc Tâm Khai
Ai ơi! mở cánh cửa lòng
Để cho trời đất mênh mông hiện vào
Đón bình minh rất ngọt ngào
An lành trên mỗi tế bào thân, tâm.
Ai ơi! tỉnh thức lặng thầm
Phút giây, hơn cả nghìn năm mê mờ.
Nhìn đời ánh mắt trẻ thơ
Lòng không biên giới .... chạm bờ yêu thương!
Ai ơi! đời đó hạt sương
Được, thua chi cũng ... vô thường cuốn trôi
Buông đi, một lúc riêng ngồi
Ngắm vầng hồng rụng bên trời hạo nhiên!
Trăm năm rộn rã ưu phiền
Biết chân hạnh phúc - bình yên tại lòng.
- Ai về gạn đục khơi trong
Sẽ nghe từ ái bên lòng nở hoa.
Sẽ thương yêu cõi ta bà
Vòng tay ôm trọn hằng sa hữu tình.
Vì rằng muôn vạn hàm linh
Chung cùng bản thể, giống mình khác chi!
Khi hồn mê muội vỡ đi
Nghìn năm giọt nước tức thì đại dương ...
- Ai hay giữa chốn vô thường
Một cành sen nở miên trường thảnh thơi.
Dừng chân xuôi ngược giữa đời!
Lặng nghe ... tâm lượng - đất trời chẳng hai...
Khi đời một đóa tâm khai
Càn khôn là giấc mộng dài chẳng qua!
Ân cần chắp lại tay hoa
Ca cùng sanh tử bài ca Chân thường ...
Như Nhiên-
Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ