VÀI CÁCH NHÌN KHÁC
VỀ HIỆN TRẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Của Một Phật Tử Bình Thường nhân đọc bài
‘Đức Phật Giảng Về Viễn Cảnh Thời Mạt Pháp:
Ma Quỷ Đội Lốt Thầy Tu , Sư Tăng Vô Đạo’
Đăng Ở Thư Viện Hoa Sen Ngày 31/07/2024
(Bài viết của Võ Đình Trâm)
“Chánh pháp tồn tại bao lâu?” ,” Phật giáo VN có phải đang trong thời kỳ mạt pháp?” Đây là những vấn đề gần đây nổi lên trong dư luận xã hội khi có những vụ việc, tin tức tiêu cực liên quan đến một số tu sĩ và tín đồ Phật giáo.
Gần đây nhất, Thư viện Hoa Sen có đăng bài:” Đức Phật giảng về viễn cảnh thời mạt pháp: ma quỷ đội lốt thầy tu, sư tăng vô đạo”(viết tắt: Đức Phật giảng về viễn cảnh thời MP…) (1) của tác giả Tuệ Tâm. Trong bài viết này, Kinh Pháp Diệt Tận(2) và một đoạn ngắn trong phần 17 - phẩm 15- kinh Đại Tập (3), là hai nguồn chủ yếu được trích dẫn nhằm chứng minh cho quan điểm của tác giả.
Thực ra, phần lớn nội dung bài viết của tác giả Tuệ Tâm đã có sẳn ở hai bài được chia sẽ đồng loạt nhiều năm trước trên các trang truyền bá Pháp Luân Công tiếng Việt: Đại Kỷ Nguyên, Minh Huệ net, Tinh Hoa, Tân Sinh, Tân Đường Nhân…Đây là những trang được nhân bản, xuất phát chỉ từ một đầu mối là Tập đoàn truyền thông Pháp Luân Công - do một nhóm học viên Pháp Luân Công điều hành bao gồm cả trang tiếng Hoa zhengjian.org nêu trên:
-Bài một:“Dự ngôn của Phật Thích Ca Mâu Ni đối với Phật giáo thời kỳ mạt pháp” (4) đăng ngày 11-08-2009 ở trang web “Chánh kiến” - bài này được dịch từ nguyên văn tiếng Hoa : 释迦牟尼佛对佛教末法时 đăng ngày 17/7/2008 ở địa chỉ zhengjian.org(5) .Phần tác giả chỉ ghi: Đệ tử Đại Pháp (Pháp Luân Công)
-Bài hai:“ Lời Phật: Đại kiếp đến giới hạn, nữ thọ hơn nam, sư tăng vô đạo” đăng ngày 12/9/2015 ở trang web Đại Kỷ Nguyên (6). Tác giả: Ban biên tập Đại Kỷ Nguyên.
QUAN ĐIỂM CỦA PHÁP LUÂN CÔNG VỀ THỜI MẠT PHÁP VÀ TU SĨ PHẬT GIÁO :
Rải rác trong 9 bài giảng ở sách Chuyển Pháp Luân( 7), một trong những tài liệu căn bản quan trọng nhất của Pháp luân Công ông Lý Hồng Chí giảng rằng:
Pháp của Đức Phật Thích Ca giảng ở các giai đoạn ban đầu sau khi giác ngộ tất cả đều sai do Đức Phật chưa giác ngộ đến tầng cuối cùng. Ngài chỉ giác ngộ tầng Như Lai (tầng cuối cùng) vào nhũng năm cuối đời. Mặt khác, trong bài trả lời phỏng vấn của tạp chí TIME do nhà báo WILLIAM DOWELL thực hiện ngày 10 tháng 5 năm 1999 - ông Lý Hồng Chí lại cho rằng khi tại thế , đức Phật chỉ truyền dạy Pháp bằng lời , không có ngôn ngữ ghi chép nên sau khi Phật nhập diệt 500 năm , trải qua thời gian dài, diễn ngôn con người làm thay đổi lời dạy nguyên thủy của ngài nên Pháp đã đi đến chấm dứt , phương pháp tu hành đã đi vào hổn loạn và không còn có thể tu tập được
(TIME: You talk about the period of the end of Dharma.
Li: While Buddha Sakyamuni [563-483 B.C.] was teaching his Dharma, there was no written language so the Dharma was passed by word of mouth. After 500 years, human discourse changed Buddha Sakyamuni's original words and it came to an end. The ending of the Dharma means that the cultivation method began to become chaotic and could no longer enable people to practice cultivation) (7).
Ông Lý dạy tiếp :Đây là thời kỳ mạt pháp và tăng đoàn suy đồi về đời sống đạo đức . Với việc giáo pháp chân chính đã biến mất dẫn đến việc tăng, ni không biết đường lối tu hành do đó không thể tự độ bản thân và độ người khác được. Tăng, ni đã vậy, giới cư sĩ thì càng không ai quản. Hiện nay chỉ có ông là người chứng ngộ được tầng cao nhất và thấu triệt lẽ huyền vi của vũ trụ . Việc ông ra đời là để cứu độ nhân loại và đây là việc truyền chính pháp lần cuối cùng đối với thời mạt pháp, do đó, những người hữu duyên không nên bỏ qua cơ hội quý giá này ( 8)
Người viết bài này không có ý bàn luận thị phi, hơn thua hoặc tạo ra những kích động gây hiềm khích ; nhưng bất đắc dĩ phải dẫn ra như thế để thấy rằng cả hai bài viết nêu trên đều được mặc định xoay quanh luận điệu này và từ đó ta có thể hiểu mục đích , hàm ý nằm trong bài viết:”Đức Phật giảng về viễn cảnh thời MP… “ Dụng ý của nó đã rõ: tăng sĩ Phật giáo bây giờ chỉ là ma quỷ đội lốt, vô đạo ; Phật pháp chân chính đã không còn và ông Lý Hồng Chí chính là bậc Pháp Luân thánh vương – vị cứu tinh và các Phật tử không nên bỏ lỡ cơ hội để gia nhập Pháp Luân Công!
Trong tình hình một số tăng, ni giả hiệu nằm trong tăng đoàn gây ra những chuyện tiêu cực đang bị dư luận lên án hiện nay tại Việt Nam , những bài viết nghiêm khắc phê phán các hiện tượng xấu này, góp phần làm cho chốn Thiền môn được trong sạch là cần thiết . Tuy nhiên bài :”Đức Phật giảng về viễn cảnh thời MP… “ làm ta ngạc nhiên : thay vì cung cấp một đánh giá khách quan, đúng với thực tế đa chiều, toàn bộ giới tăng, ni đều bị mạt sát –tất cả bị liệt vào hàng vô đạo ; đặc biệt, điều đáng lưu ý là các nguồn kinh văn, tài liệu đuợc trích dẫn và xử lý trong bài viết này có dấu hiệu bị cắt xén, sắp đặt làm lời dạy của Đức Phật bị diễn dịch khác đi , thiết nghĩ cần được phân tích làm sáng tỏ .
VÀI ĐÁNH GIÁ VỀ VIỆC TRÍCH DẪN VÀ XỬ LÝ KINH VĂN TRONG BÀI VIẾT”ĐỨC PHẬT GIẢNG VỀ VIỄN CẢNH THỜI MP…”
+Về phần 17- phẩm 15 - kinh Đại Tập: sự khác biệt giữa lời dạy của Đức Phật và sự diễn dịch ở bài viết :”Đức Phật giảng về viễn cảnh thời MP… “ (9):
Đại Tập là một bộ kinh lớn của Đại thừa có tất cả 60 cuốn chia làm 17 phẩm. Riêng tiêu đề đầy đủ trong kinh của phần 17 quyển 55 này là: “phân công đầy đủ việc hộ trì chánh pháp ở cõi Diêm-phù –đề”.
Đúng là phần này Đức Phật dạy: theo thời gian , sau khi Ngài nhập diệt 2500 năm thì trong chánh pháp dấy lên sự tranh giành kích bác, pháp bị chìm khuất, tánh chất kiên cố bị tổn giảm .Trong chánh pháp những tỳ kheo mặc pháp phục nhưng phạm giới – đây là nội dung đoạn kinh văn nằm trong bài viết “ Đức Phật giảng về viễn cảnh thời MP…”được trích từ phần 17- phẩm 15 - kinh Đại Tập nêu trên.
Tuy nhiên, Đức Phật –sau khi nói về sự suy đồi, điều đáng suy nghĩ là Đức Phật dạy tiếp rằng- mặc dầu những tỳ kheo này phạm giới nhưng qua hình tướng tăng sĩ họ vẫn gợi cho chúng sinh nhớ về Như Lai và những chúng sinh cúng dường họ vẫn trưởng dưỡng được đạo tâm, gặt hái những quả vị trên lộ trình tu tập. Rồi Ngài tiếp tục phân công, phó chúc các chư Bồ tát, chư Thiên, Long thần, Hộ pháp các chúng Quỷ, Thần trong pháp hội- căn dặn họ- sau khi Ngài nhập Niết Bàn-tất cả phải luôn làm cho diệu nghĩa chánh pháp được sáng tỏ, sửa trị các tăng sĩ phạm giới, ngăn trừ các chúng sinh xấu ác để chánh pháp không bị đoạn tuyệt, được lưu truyền lâu dài, rộng khắp vì lợi ích của chúng sinh.
Các chư Bồ tát, chư Thiên, Long thần, Hộ pháp các chúng quỷ, thần …trong pháp hội ai nấy đều hứa khả phụng trì sứ mạng Đức Phật giao phó. Đức Phật không khẳng định pháp tất yếu bị diệt vong như sự cắt xén, xuyên tạc trong bài viết ở trang zhengjian.org.
Bên cạnh đó, các thế lực Ma vương theo như mô tả trong bài viết ở trang zhengjian.org là những thế lực đã khuynh đảo làm suy vong Phật pháp, thì toàn bộ các chương liên quan đến Ma vương trong kinh Đại Tập - các thế lực xấu này đầu tiên tìm cách hãm hại Đức Phật nhưng sau đó được Đức Phật hàng phục và tất cả sám hối quy y Tam Bảo , hứa phụng trì chánh pháp, thậm chí có vị còn được Ngài thọ ký thành Phật trong các kiếp vị lai .
(Kinh Đại Tập : Phần 3- quyển 19- (10); phần 6-quyển 49 -(11); phần 10- quyển 52)- (12).
Điều này xem ra ứng hợp với quá trình lịch sử tồn tại 2500 năm của Phật giáo – Trong thực tế lịch sử, Phật giáo có lúc thịnh lúc suy – có những lúc tưởng như hoàn toàn suy vong, nhưng rồi khi nào cũng có những thánh tăng xuất hiện, ra đời để xiển dương , chấn hưng làm cho Phật pháp được tồn tại lâu dài …Khỏi cần phải lục lọi mất thời gian, ta có thể dễ dàng đưa ra một hình ảnh đang mang tính thời sự, nóng bỏng của truyền thông hiện nay là sự xuất hiện của sư Minh Tuệ. Không thuyết giảng dài dòng nhưng hành trạng và đạo hạnh của sư đã làm lay động, thức tỉnh thiện tính , sự kính phục của hàng triệu người kể cả người ngoài Phật giáo. Đó cũng là sự chứng minh mạnh mẽ rằng: Phật pháp không bao giờ mạt cả . Phật pháp luôn hiện thể trong vô số mầu nhiệm sinh động, luôn xảy ra trong lịch sử tồn tại : quá khứ , hiện tại và vị lai.
Liên hệ đến thực tế - sự tin vào sức mạnh quyền lực của Ma vương hơn chánh pháp của Đức Phật là do chánh tín, chánh kiến chưa đầy đủ,và với dạng tâm thức như thế thì con đường tu hành chắc chắn đang cầm chừng hoặc thối thất. Đức Phật dạy “nghi”là một trong năm hạ phần kiết sử ( Tham, Sân, Nghi, Thân kiến, Giới cấm thủ) cần được tu tập loai bỏ mới tiến vào được đạo lộ giải thoát .
+Vài nét về kinh Pháp Diệt Tận và giới thiệu hai kinh nguyên thủy tương đương kinh Pháp Diệt Tận với lời dạy chi tiết hơn về vấn đề mạt pháp :
Kinh Pháp Diệt Tận được trích dẫn trong bài viết ”Đức Phật giảng về viễn cảnh thời MP… “ như bằng chứng của Đức Phật nói về thời mạt pháp. Kinh này do đại sư Tăng Hựu ( 僧祐; C: sēngyòu; 445-518 ) sao lục, phụ vào dịch phẩm đời Lưu Tống nằm trong Niết Bàn tập-số 396- tập cuối cùng , không có tên người dịch . Bối cảnh kinh này nói rằng Phật thuyết ở thành Câu-thi-na, thời gian 3 tháng trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Kinh nói về thời mạt pháp, ma quỷ đội lốt sa môn phá hoại đạo pháp làm đạo pháp biến mất , rồi trải qua ngàn vạn năm đức Phật Di Lặc ra đời khi đó chánh pháp mới được phục hồi(13 ).
Ở đây-kinh Pháp Diệt Tận không có tên, nguồn gốc người dịch qua Hán văn. Lại nữa, trong kho tàng kinh điển Đại thừa cũng có nhiều kinh, luận nói về thời mạt pháp nhưng những kinh luận này xuất hiện muộn hơn so với kinh tạng Nikaya và A-hàm, lại nhiều chỗ không nhất quán với nhau .
May mắn, khi lược khảo qua các kinh tạng nguyên thủy : Nikaya và A- hàm ta tìm đuợc 2 kinh có tình tiết trùng hợp đồng nhất với kinh Pháp Diệt Tận nhưng ghi lại lời dạy của Đức Phật đầy đủ, chi tiết hơn . Đặc biệt nội dung, ý nghĩa của hai kinh này khác biệt hoàn toàn với kinh Pháp Diệt Tận . Có lẽ hai kinh này là hai kinh cốt lõi, quan trọng nhất ghi lại lời dạy của Đức Phật về thời Mạt pháp mà các Kinh Đại Thừa sau này y cứ vào đó . Sự khả tín của nó còn ở chỗ là nội dung của bản Hán tạng và bản Pali tạng đồng nhất với nhau. Do đó, thiết tưởng việc khảo sát hai bộ kinh này giúp ta tìm ra lời dạy rõ ràng minh bạch của Đức Phật về vấn đề mạt pháp :
1- Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống ( Pali tạng-HT Minh Châu dịch) (14)
2-Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành ( Trường A-hàm –Hán tạng- HT Tuệ Sỹ dịch)(15)
+Những lời dạy rõ ràng của Đức Phật về vấn đề mạt pháp ở hai kinh Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống & Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành so với kinh Pháp Diệt Tận:
Mở đầu hai kinh này, Phật khuyến giáo các đệ tử hãy nương tựa vào bản thân mình và chánh pháp, không nương tựa vào gì khác; nghiêm trì giới luật; tinh cần tu tứ niệm xứ, hành trì như thế thì công đức không ngừng tăng trưởng và chánh Pháp tăng thịnh; như vậy không có lực lượng ma quân nào nhiễu hại được.
Kế đến, Phật kể lại trong thời xa xưa có vị Chuyển luân thánh vương tên Kiên Cố Niệm dùng chánh pháp trị vì thần dân, trong quốc độ đó đều hành trì ngũ giới và sống hạnh phúc an lạc, tuổi thọ kéo dài .Trải qua hàng vạn năm vị chuyển luân thánh vương bắt đầu già yếu bèn truyền ngôi cho con và đi tu .
Vị tân vương lên ngôi thì quốc độ có dấu hiệu suy vong , Ngài xin lời dạy của người cha (vị chuyển luân thánh vương đầu tiên)và vâng lời thực hiện theo lời cha dạy: cũng cố lại việc cai trị theo chánh pháp, dẫn dắt dân chúng sống hành trì ngũ giới và quốc độ hưng thịnh trở lại , kéo dài ngàn vạn năm .
Nhưng, đến vị vua thứ ba lên ngôi , ông này không cai trị theo chánh pháp, người dân không còn hành trì theo ngũ giới - sống theo tà hạnh , Phật pháp bị mất hẳn và trộm cướp chiến tranh , thiên tai , dịch bệnh nổi lên khắp nơi.Tuổi thọ chúng sanh rút ngắn , đau khổ tràn ngập.
Sau đó chúng sanh ăn năn sám hối nghiệp chướng , trở lại tu hành thiện nghiệp rồi đức Di Lặc hạ sanh và xã hội thái bình an lạc trở lại .
Cuối hai bài kinh trên, đức Phật nhắc lại : Nếu người nào tu tập thành tựu Tứ Đế thì sự an lạc, tuổi thọ, thế lực, tài bảo, Đạo quả .. đều tăng thịnh và ma quân không hãm hại được.
Rõ ràng, Đức Phật dạy : thời mạt pháp nếu biết tu hành theo chánh pháp lấy ngũ giới làm căn bản thì hung trở thành kiết và mạt pháp trở thành thịnh pháp.
Mạt hay không là do con người quyết định , do hành nghiệp của con người thiện hay bất thiện. Nó không mang tính tất định.Và, theo như lời Phật dạy trong hai kinh trên và thực tế lịch sử chứng minh: Kể từ khi đạo Phật ra đời cách đây 2500 năm, đối với những quốc gia số đông theo Phật giáo,thời kỳ nào nếu nhà cầm quyền và dân chúng biết tu dưỡng đạo đức thì Phật pháp hưng thịnh, và ngược lại thì Phật pháp suy vong.
Đức Phật dạy: tất cả các pháp hữu vi đều như trăng đáy nước,như mộng như huyển.Vạn pháp đều do duyên khởi –tất cả theo chu trình thành , trụ , hoại, không- liên tục sinh diệt .Sự tồn tại dài lâu hay ngắn ngủi tùy theo tướng dụng của mỗi pháp hoặc đặc điểm thọ mạng, nghiệp lực của mỗi cá thể. Phật giáo cũng theo quy luật đó. Không phải bây giờ mới là mạt pháp, sự hưng vong của đạo Phật đã xảy ra ngay từ thời xưa . Trong thực tế lịch sử : mạt pháp xảy ra theo cộng nghiệp của từng quốc gia, hưng vong theo từng giai đoạn . Ví dụ ở thế kỷ thứ 12 , đạo Phật dần suy tàn ở Ấn Độ (mạt pháp ) nhưng nó là thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam (thời Lý –Trần).Như ở Trung Hoa đại lục, hoặc Nhật Bản, từ khi có mặt trên những quốc gia này, Phật giáo cũng trải qua biết bao nhiêu pháp nạn, nhiều lần suy rồi lại thịnh trong tiến trình lịch sử . Hoặc như Phật giáo Sri Lanka –từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20 – giai đoạn này Phật giáo bị ngoại bang đàn áp gần như tiêu vong nhưng đến giữa thế kỷ 20 cho đến nay–đất nước Sri Lanka được độc lập và hoạt động tu học được phục hồi mạnh mẽ trở lại …Do đó không nên chỉ nhìn vào tình hình một thời điểm rồi cho rằng mạt pháp .
Mặt khác, xét dưới khía cạnh cá nhân , mạt hay thịnh tùy theo sự tu tập từng người (chỉ đề cập giới Phật tử tại gia), người nào thâm tín Tam bảo, nghiêm trì ngũ giới , siêng năng tinh tấn tu học theo chánh pháp, có sự tiến bộ trong pháp hành , đạt được an vui trong đời sống hiện tại thì đó là thịnh pháp ; ngược lại nếu tu hành bế tắc, đường lối tu hành mù mờ, chấp việc cầu khấn cúng bái là cứu cánh cuối cùng của đạo Phật, nghi ngờ chánh pháp - tin thế lực ma mạnh hơn chánh pháp thì là mạt pháp.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện tại chùa Viên Giác ở Hannover lần thứ hai vào ngày 20 tháng 9 năm 2013 cũng dạy rằng: Phật pháp không bao giờ mạt, chỉ có con người không chịu học Phật, cách sống suy đồi, sống không đạo đức rồi mạt mà thôi ( 16).
Đúng là hiện nay con người đang đối mặt với những thách thức lớn: Môi trường sống bị suy thoái, bị ô nhiễm nghiêm trọng , rừng bị thu hẹp,và nhiệt độ trái đất tăng cao so với trước đây. Thời tiết thay đổi cực đoan :hạn hán, bão lụt, đại dịch xảy ra với tần suất cao . Hệ sinh thái mất cân bằng . Nhiều giống loài bị tuyệt chủng . Tất cả là do sự sản xuất và tiêu dùng quá mức của con người. Về mặt xã hội: sự chia rẽ, phe phái, tôn giáo , các quan điểm cực đoan dẫn đến chiến tranh , xung đột… Đời sống đạo đức tinh thần con người có nhiều sự suy đồi , do thiên về sự hưởng thụ vật chất và thỏa mãn các lạc thọ giác quan .Nếu không nhận thức và phòng ngừa thì nhân loại sẽ gặp những hậu quả đau thương không thể tránh khỏi .Tuy nhiên , như hai kinh nêu trên đã chỉ rõ: Nếu con người biết sống thiểu dục tri túc, hành ngũ giới , thập thiện thì sẽ đảo ngược những hệ quả xấu - vượt qua những tai ương tưởng như tất định.
PHẬT PHÁP TỒN TẠI BAO LÂU THEO KINH TẠNG?:
Xin dẫn hai bài kinh Đức Phât giảng để kết thúc phần này:
-Ngài A- nan hỏi Phật sau khi Phật diệt độ, chánh pháp sẽ tồn tại ở đời bao lâu: Phật bảo A-nan:
“Sau khi Ta diệt độ, Pháp sẽ tồn tại lâu dài. Sau khi Phật Ca-diếp diệt độ, di pháp chỉ tồn tại bảy ngày. Này A-nan, ông nay nghĩ rằng đệ tử của Như Lai rất ít. Chớ nghĩ như vậy .Ở phương Đông, đệ tử Ta nhiều vô số. Ở phương Nam, đệ tử nhiều vô số. Cho nên, này A-nan, hãy khởi lên ý nghĩ này: Ta, Phật Thích-ca Văn, thọ mạng cực kỳ lâu dài. Sở dĩ như vậy, vì nhục thân tuy vào diệt độ, nhưng Pháp thân vẫn tồn tại...
(Kinh Tăng Nhất A – Hàm (Hán tạng-Phẩm 10 pháp- phẩm Bất thiện –kinh số 2 -thầy Đức Thắng và Tuệ Sỹ dịch)- (17)
-Trước lúc Phật nhập diệt, Ca-Diếp Bồ-Tát hỏi : “Bạch Thế-Tôn ! Đức Như-Lai được thọ mạng dài lâu thế nào?” Phật trả lời : “… Như-Lai thọ mạng vô lượng. .. Phật là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi...”
( Kinh Đại Bát Niết Bàn -Kinh Đại thừa Hán tạng-Phẩm Trường Thọ Thứ Tư- HT Trí Tịnh dịch) -(18)
- Bởi thế, trước khi nhập Niết Bàn , Đức Phật con thiết tha căn dặn các đệ tử:
“ Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu…”. (kinh Đại Bát Niết Bàn -Pali tạng-bản dịch của HT Minh Châu) - (19)
Thế thì đã rõ : Phật pháp luôn thường trụ vĩnh cữu -Và mãi sẽ được cần cho những chúng sinh đau khổ - có nhu cầu và có duyên với nó. Ngay ở vào thời kiếp hoại, những người tu hành đúng theo giáo pháp Như Lai thì vẫn được siêu sanh lên thiện giới thoát khỏi mọi kiếp nạn.
PHẬT GIÁO VIỆT NAM CÓ PHẢI ĐANG Ở THỜI KỲ MẠT PHÁP?
VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO VN TỪ THỜI PHÁP THUỘC CHO ĐẾN TRƯỚC NĂM 1990:
Khi ta chỉ nhìn vào một số sự việc tiêu cực , hoặc bị tác động bởi dư luận các mạng xã hội với những thuộc tính thị phi, tranh chấp, vàng thau lẫn lộn thì PG Việt Nam đang ở trong thời kỳ Mạt pháp.Tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp không thể dựa theo cảm tính hoặc những quan điểm một chiều.Thiết nghĩ , cần một sự khái quát xuyên suốt quá trình tồn tại của Phật giáo Việt nam từ quá khứ đến hiện tại để có cơ sở đánh giá, so sánh sự hưng vong của nó qua từng thời kỳ .
Từ khi Phật giáo du nhập vào nước Việt, thời Lý -Trần là giai đoạn vàng son của Phật giáo Việt nam ; đến đời Lê, Phật giáo dần dần đi xuống; đến thời Pháp thuộc , Phật giáo lại càng lụn bại hơn –thời kỳ này - Phật giáo chỉ tồn tại tương đương các Hội đoàn thế tục linh tinh không hơn không kém. Một nghiên cứu về tình hình Phật giáo tại Bắc kỳ thời Pháp thuộc cho ta thấy rằng :mặc dầu rãi rác vài nơi vẫn còn một số ít các bậc chân tu nhưng đa số sư tăng mù chữ hoặc chỉ có trình độ sơ học, các sư trú trì chỉ là những người giữ chùa, thuộc vài câu tụng niệm, cốt để phục vụ cho các nghi lễ thông thường. Sự phạm giới trong các nhà sư là thường .Kinh sách trong chùa đã ít ỏi , thiếu thốn lại bằng chữ Hán nên chẳng có tác dụng . Ông thầy đắc pháp mà không biết thế nào là Phật pháp, tín đồ quy y mà không biết thế nào là quy y, thọ giới mà chưa hề giữ một giới trong năm giới Ưu Bà tắc.Đa số tín đồ xem chùa là nơi để cầu danh , cầu tài, cầu duyên . Tình trạng mê tín dị đoan, đồng bóng, tà tín,thần thánh đa tạp trong các chùa chiền làm cho Phật giáo trở thành một đạo kỳ kỳ quái quái, lỗi thời, lạc hậu trong xã hội hiện đại (20).Từ đó mới phát sinh phong trào chấn hưng bắt đầu từ các năm sau 1930..Tuy nhiên chiến tranh và sau khi đất nước hết chiến tranh , Phật giáo lại phải trải qua một giai đoạn bị kiềm tỏa gắt gao bởi chính sách của chính quyền lúc đó : mọi sinh hoạt tu học, hoằng pháp dường như tê liệt-thậm chí nhiều vùng chùa chiền bị tháo dỡ, việc phát hành in ấn kinh sách,hoằng pháp không được phép, nhiều tăng, ni phải hoàn tục…mãi cho đến sau năm 1986 - thời kỳ gọi là đổi mới- mọi sinh hoạt tu học mới được gầy dựng và dần dần phục hồi trở lại .
VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO VN TỪ SAU NĂM 1990 ĐẾN NAY:
Việc đánh giá này chỉ đặt trên cơ sở quán sát, ghi nhận khái lược các hoạt động từ thực tế khách quan. Việc tu hành thuộc về ý thức và nỗ lực cá nhân.Những bậc chân tu là những người luôn vượt qua những chướng duyên từ nghiệp lực cá nhân đến những ràng buộc, bất lợi từ môi trường tự nhiên và thể chế xã hội.
Phật giáo Việt nam có phải đang ở thời kỳ mạt pháp ?Trên cảm nhận trực quan ta có thể nhận thấy nếu so với thời kỳ từ Pháp thuộc, rồi thời kỳ từ 1975 đến trước 1990 thì chắc chắn Phật giáo Việt Nam hiện nay nhiều mặt khởi sắc hơn .Để đánh giá thế nào là thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp ta có thể vận dụng ba tiêu chí mà Phật Quang đại tự điển đúc kết từ kinh luận nêu ra để làm thước đo nhằm đánh giá hiện trạng PG Việt nam hiện nay, đó là:
- Về giáo pháp
- Tình hình tu học
- Về sự chứng đắc
1-VỀ GIÁO PHÁP :
Như đã dẫn ở trên , trước lúc nhập Niết Bàn đức Phật vẫn ân cần dặn dò“Tăng đoàn phải học hỏi , thực chứng tu tập và truyền rộng khắp Pháp của Ngài vì hạnh phúc cho loài Trời và loài Người..”.
Thật là may mắn!Mặc dầu trễ hơn Trung Quốc 1000 năm và Cao Ly 800 năm, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước ta , đại tạng Nam truyền và đại tạng Bắc truyền- bao gồm gần như toàn bộ những lời dạy của đức Như Lai bao trùm mọi tông phái- đã được dịch gần đầy đủ toàn diện qua tiếng Việt. Chưa bao giờ kho tàng Phật pháp được lưu bố rộng rãi và đầy đủ như hiện nay tại VN. Sự hình thành của Đại tạng kinh VN là một thành tựu phi thường do nhiều bậc tôn túc với tâm nguyện Bồ Tát cao cả , hy sinh quên mình làm việc chẳng quản ngày đêm để có thành quả hôm nay .Từ đây không chỉ giúp những Phật tử thỏa sức tắm gội trong biển pháp của Như Lai mà còn giúp ích cho những ai yêu mến hoặc muốn tìm hiểu Đạo Phật có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, hiểu biết về giáo pháp. Đại tạng kinh cũng sẽ góp phần làm giàu có cho đời sống văn hóa tâm linh VN như đại tạng kinh của các dân tộc Đông Phương theo đạo Phật. So với ngày xưa , đa số kinh sách giáo lý được lưu hành ở VN bằng chữ Hán- ít ỏi lại thiếu thốn, số người biết chữ Hán chỉ có một thiểu số Nho sĩ -trong số này người biết về chữ Hán trong kinh Phật lại ít hơn . Hệ quả là thiếu chánh pháp nên chánh kiến bị lu mờ và tà tín phát triển như đã phân tích ở trên.
Ngày nay nhờ kinh,luật , luận được dịch ra tiếng Việt và phổ cập rộng rãi nên ngày càng nhiều người trong các tầng lớp xã hội bao gồm trong và ngoài Phật tử hiểu biết chánh pháp và số tín đồ quy y không ngừng tăng trưởng.. Với sự lan tỏa đầy đủ của chánh pháp như thế thì làm sao mạt được! ( 21a)
2- TÌNH HÌNH TU HỌC :
2.1Về giáo dục đào tạo và hoằng pháp :
-Các học viện Phật giáo (đại học) Cần Thơ, TP HCM, Huế, Hà Nội được thành lập và hàng năm đào tạo hàng ngàn tăng ni sinh chính quy. Hệ thống các trường trung cấp , cao đẳng được mở ở nhiều tỉnh thành cũng góp phần đào tạo nền móng căn bản về giáo pháp cho tăng ni . Tất cả các nỗ lực trên đều nhằm mục đích đào tạo đủ nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của đạo pháp .( Trong tương lai đông đảo Phật tử hy vọng rằng , giáo hội cần xây dựng những trường mầm non song song với việc đào tạo sư phạm trong lực lượng ni chúng, cư sĩ nữ để góp phần xây dựng đạo đức con người ngay từ bé ).
-Ngoài hệ thống giáo dục tăng, ni trong nước ; hàng năm, không kể các cá nhân tu học ở nước ngoài theo diện tự túc , nhiều đợt tăng ni sinh liên tục được gởi đi đào tạo tại các trường Phật học quốc tế như:Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, Hoa Kỳ…. đã bổ sung thêm nhiều tăng tài cho Phật giáo.
-Về hoằng pháp: Nhiều danh tăng, ni đêm ngày không biết mệt mõi truyền bá, diễn giảng giáo nghĩa của Như Lai, luôn thu hút được hàng triệu người xem.
- Ngoài sách giấy, internet, những tạp chí Phật pháp online như Thư Viện Hoa Sen, Đại tạng kinh. org, Budsas.org, Giác Ngộ online,Quản Đức.com… hoặc của các tự viện, tổ chức Phật giáo trong và ngoài nước cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và truyền bá Chánh pháp.Việc giáo dục- đào tạo và hoằng pháp xảy ra khá đồng khắp, chưa từng có so với trước đây…
2.2 Hoạt động tu học của tăng ni, Phật tử:
- Pháp môn Tịnh độ và Pháp Hoa:
Pháp môn Tịnh độ là pháp môn tu tập truyền thống của Phật giáo Bắc tông và có số lượng tăng ni Phật tử tu học đông đảo và đều khắp nhất hiện nay. Nhiều đạo tràng Tịnh độ , Pháp Hoa như : Đạo tràng niệm Phật, lạy Phật , tu Bát quan trai, đạo tràng Pháp Hoa… được tổ chức thường xuyên nhiều nơi. Hoạt động tu học này ngày càng được cũng cố và phát triển…
-Sự phục hồi truyền thống tu thiền từ cuối hậu bán thế kỷ 20 đến nay :
‘Đạo tòng thiền trí..” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu thiền và đi đến giác ngộ. Thiền là pháp tu thuần túy của Phật giáo thời Nguyên thủy. Thiền là phi tông phái do đó nó mang tính phổ quát và có thể truyền bá khắp nơi trên thế giới không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc. Mặt khác, thiền lại khế hợp với căn cơ tâm lý của thời đại ngày nay vốn nghiêng về suy luận khoa học .
Riêng tại VN trước đây, Phật giáo trải qua các biến thiên của lịch sử , việc tu thiền trong các chùa bị pha loảng với các hình thức tu tập khác, quy củ , tôn chỉ cũng bị thất lạc.
Tuy nhiên , sự nổi bật của Phật giáo Việt nam từ hậu bán thế kỷ 20 đến nay là sự xuất hiện và phục hưng của truyên thống tu tập thiền từ Bắc tông lẫn Nam tông:
Sự chấn hưng của dòng thiền Trúc Lâm Việt nam :.
Từ cuối thế kỷ 20 , việc tu thiền chuyên nhất bắt đầu được chấn hưng và tu tập chính thống trở lại với sự phục hồi dòng thiền Trúc Lâm - Đây là Di sản và tinh hoa của PG Việt nam thời Lý Trần .Dòng thiền Trúc Lâm là một dòng thiền mang màu sắc của Phật giáo Việt nam, dòng thiền này cũng đóng góp vào trang sử oanh liệt và niềm tự hào của lịch sử Đại Việt. Sau một thời gian dài suy vong bởi các biến cố và sự thịnh suy của lịch sử, dòng thiền này đã được chấn hưng với sự phát triển các thiền viện trên khắp cả nước kể cả nước ngoài .Con đường tu thiền chánh thống thời Đức Phật đã được phục hồi. Các thanh quy giới luật được thiết lập bảo đảm sự nghiêm tịnh chốn Thiền môn. Các hình thức mê tín đã được thanh lọc, phù hợp với tinh thần khoa học thời hiện đại .
Đặc trưng của dòng thiền này là các tu sĩ sống trong các thiền viện – tất cả ngoại duyên thế tục bên ngoài như các hoạt động cúng kiếng bị cắt đứt, quan hệ với ngươi đời từ gia đình và xã hội gần như bị hạn chế tối đa; thiền sinh không giữ tiền bạc (trừ các vị có trách nhiệm lo cho đời sống của thiền viện),không sử dụng điện thoại, các nhu yếu sinh tồn như việc ăn uống, thuốc men khi bệnh tật có thiền viện lo .
Đây là môi trường lý tưởng cho thiền sinh tu tập trau dồi làm viên mãn giới luật và là điều kiện tốt để việc tu thiền được liên tục không gián đoạn. Với phương châm dứt khoát, kiên quyết, đạm bạc, chư tăng, ni sống cùng nhau trong tinh thần lục hòa vui với cuộc sống kham nhẫn, tam thường bất túc . Phải nói đây là một trong những địa chỉ tu tập khuôn mẫu uy tín về giới luật, sự tinh tấn tu học. Nó không chỉ là nơi đào tạo những con người có khả năng phụng trì, gánh vác sứ mạng của Như Lai mà còn góp phần xây dựng tầm cao đời sống tâm linh văn hóa Việt nam .
Sự phát triển của Thiền Nam tông và Phật giáo Nam tông tại VN :
Từ đầu nhưng năm 30 thế kỷ 20, nhiều bậc tôn túc người Việt đã tìm sang các nước Nam tông tu học và đã mang thêm về các đặc trưng tu tập, các tinh hoa , giáo pháp làm cho kho tàng Phật pháp được toàn diện và đầy đủ hơn. Có thể nhận định rằng việc tu thiền của tăng ni Nam tông là phổ biến và chuyên nhất. Về Phật tử - số đông Phật tử Nam tông bình dân nắm vững giáo pháp căn bản phổ thông tốt hơn số đông Phật tử Bắc tông bình dân - vốn nặng về cầu nguyện, nghi lễ . Phật giáo Nam truyền hiện không ngừng phát triển trên đất nước, xuất hiện nhiều danh tăng và số lượng tín đồ ngày càng gia tăng đóng góp thêm một dòng chảy lớn hòa nhập vào dòng chảy có sẳn .
Dòng thiền Làng Mai:
Dòng thiền này nổi tiếng ở Tây phương bởi sự truyền bá Thiền chánh niệm trong các xã hội này nhằm mang lại sự tĩnh thức, bình an cho con người - vốn luôn đối mặt với nhiều sự cạnh tranh , áp lực và biến động nhanh chóng. Dòng thiền này mang những tinh túy đặc thù của Phật giáo Việt nam . Đây không chỉ là niềm tự hào cho PG Việt nam mà cùng là niềm tự hào cho văn hóa Việt nam.
Dòng thiền Liễu Quán :
Dòng Liễu Quán là nơi đào tạo và xuất phát những danh tăng đã giữ vai trò then chốt trong công cuộc chấn hưng Phật giáo thế kỷ 20 và hiện nay những thế hệ tiếp theo cũng đang đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của Phật giáo Việt nam.
Cũng cần nói thêm: trước đây do chưa có sự phổ cập giáo pháp, thiếu tài liệu và sự giao lưu nên có sự ngộ nhận giữa Phật giáo Bắc tông và Nam tông bao gồm cả Thiền học. Nhưng ngày nay qua nghiên cứu , đối chiếu kinh điển chính thống của Hán tạng và Pali tạng ta thấy rằng : tất cả đều xuất phát từ lời dạy của Đức Phật. Hiện tại có nhiều bậc tôn túc của hai bên vẫn am tường cả hai truyền thống .
2.3 Phong trào tu tập thiền trong xã hội :
Các Thiền viện của hệ phái Trúc lâm VN và các thiền viện như Phước Sơn, Pháp Sơn ,Quán Tâm, Bửu Long, Huyền Không Sơn Thượng, rừng thiền Viên Không , Nguyên Thủy, Linh Quy Pháp Ấn …luôn đón nhận các người bên ngoài đến học hỏi , tu tập thiền hoặc tổ chức các khóa tu thiền dành cho mọi giới. Các khóa thiền theo trường phái của Thiền sư cư sĩ Goenka cũng được tổ chức hàng đợt đều đặn các tháng trong năm tại TP. HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Nam Định . ..hàng năm có hàng ngàn người tham dự .
Người viết bài này trong những thời gian lưu trú tại các thiền viện hoặc tham gia những khóa tu ở các nơi- luôn bắt gặp những hạng người , mọi lứa tuổi, kể cả những người không phải Phật tử hoặc những người nước ngoài đến tìm hiểu giáo pháp , tu tập thiền. Điều này cho ta thấy rằng ánh sáng giáo pháp luôn có độ thu hút, gây cảm hứng và không ngừng lan tỏa trong xã hội.
(Ngày 24/6/2024 , BBC tiếng Việt đưa tin, dẫn theo khảo sát của Trung tâm nghiên Pew(Pew Research Center) cho thấy: Có sự gia tăng trong số lượng tín đồ Phật giáo tại Việt nam. Có 25 % Phật tử trưởng thành cho biết: họ trước đây là người không tôn giáo hoặc tôn giáo khác.Riêng những người không tôn giáo được phỏng vấn- nếu theo tôn giáo- đa số trả lời họ sẽ chọn Phật giáo)-(21b)
2.4 Các hoạt động từ thiện xã hội: Khi một tai ương xảy ra,cùng với tôn giáo bạn và các lực lượng khác trong xã hội , đông đảo tăng ni Phật tử luôn nhanh chóng tổ chức, giúp đỡ kịp thời những đối tượng ở khu vực gặp nạn . Nó không chỉ bó hẹp trong nước mà còn vươn ra tới bên ngoài.Các hoạt động từ thiện được tổ chức khoa học, chính quy, với vô số sáng kiến hiệu quả. Ngay như khi đại dịch Covid 19 xảy ra năm 2021, chỉ tính riêng TP HCM,thời điểm này mọi hoạt động trong xã hội dường như tê liệt nhưng vẫn có hàng trăm Phật tử tập trung nấu nướng và đi đến hang cùng ngõ hẻm phân phát hàng chục ngàn suất cơm mỗi ngày (chùa Tường Nguyên, chùa Nam Thiên Nhất Trụ..). Hoặc trận lụt lớn 2019 vẫn có những Phật tử trong và ngoài nước xông pha trong phong ba bảo táp để cứu trợ những khu vực bị cô lập đang lâm cảnh đói rét. Tất cả đều không quản sự gian khó, hiểm nguy để giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn… Phải nói rằng, sinh khí và quy mô hoạt động từ thiện so với trước đây là chưa từng có.Ngoài phản ứng, giúp đỡ kịp thời của giới Phật tử đối với những những biến cố lớn như đề cập ở trên, các hoạt động từ thiện phổ biến,đa dạng thường trực như : các Tuệ Tĩnh đường cấp phát thuốc miễn phí, các cơ sở dưỡng lão cho người già, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chương trình bữa cơm từ thiện trong các bênh viện lớn hàng ngày, các chương trình giúp đỡ người nghèo,người bệnh , chương trình xây cầu ở vùng sâu vùng xa …là những hoạt động đang góp phần giúp đỡ những phận đời bất hạnh một cách thiết thực… Khó có thể bao quát hết các hoạt động lớn lao này.
3-VỀ SỰ CHỨNG ĐẮC:
Đạo Phật là một con đường thực nghiệm tâm linh, Đức Phật dạy nếu tu tập siêng năng đúng chánh pháp sẽ có kết quả thiết thực ngay trong hiện tại.Mặc dầu sự chứng đắc được xem như một thực tại mà chỉ những người chứng đắc mới biết được.Tuy nhiên, nếu thiếu sự chứng đắc đạo Phật đã biến mất hoặc chỉ nằm trên thư viện như một triết thuyết trong muôn ngàn triết thuyết chỉ dành cho một số ít người chuyên ngành đọc và nghiên cứu mang tính học thuật mà thôi . Từ khi Đức Phật nhập diệt, qua các thời đại, chân lý Ngài tuyên thuyết luôn được tồn tại, thể hiện sống động, sáng chói trong đời sống của các thánh tăng, các đệ tử đạt đạo. Theo kinh điển : Chứng đắc có nghĩa vị hành giả qua sự tu tập chánh pháp lên đến một mức độ nhất định, sẽ tháo gở, buông bỏ từng phần kiết sử làm phát sinh trí tuệ khế hợp với chân lý cùng với sự giải thoát và công đức phát sinh . Kinh tạng Nikaya liệt kê 4 thánh quả của sự chứng đạt là Tu -đà -hoàn, Tu –đà- hàm, A- na- hàm, A-la- hán. Thánh quả đầu tiên - sơ quả Tu –đà- hoàn-có nghĩa là nhập lưu- nhập vào dòng thánh. Đạt được quả vị sơ khởi này vị hành giả sẽ không còn đọa vào các cõi giới xấu ác nữa mà từ đây tu tập tiếp cho đến khi đoạn tận hoàn toàn 10 kiết sử; thân hành , khẩu hành, ý hành đều trong sạch thanh tịnh không còn tu tập gì nữa là đạt đến quả vị cuối cùng–quả vị A-la-hán và vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi sinh tử .(Kinh điển Đại thừa chia các quả vị chứng đạt là thập địa: từ Sơ địa đến Đẳng giác . Diệu giác - bậc cuối cùng- là quả vị của Đức Phật.Tuy nhiên, tất cả các cách phân chia chỉ mang tính tương đối).
Để chứng đắc được các quả vị này, Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp tu hành nhưng nòng cốt vẫn là Giới Định Tuệ hoặc phải dẫn đến Định Tuệ trong đó Giới là nền tảng căn bản cho mọi pháp môn .
“Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng, tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng được bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh…hoặc :
… nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự tri tự chứng, ta chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc!", Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.
(6.Kinh Ước Nguyện- Trung Bộ Kinh –HT Minh Châu dịch) (22)
Trong thời điểm hiện nay mặc dầu Phật giáo VN còn có những vấn đề cần chấn chỉnh nhưng so với trước đây dòng chảy tích cực là vô cùng lớn : dù Nam hay Bắc tông hay hệ phái Du tăng khất sĩ ta vẫn tìm thấy các bậc trưởng lão nghiêm trì giới luật, sống kham nhẫn, trọn đời tu và hành theo giáo pháp của Như lai; có người dành trọn cả đời cho sự nghiệp hoằng pháp, từ hải ngoại cũng như trong nước nhằm đem ánh sánh Phật pháp đến mọi nơi; có vị làm việc ngày đêm –nghiên cứu dịch kinh, luật, luận để có đầy đủ kho tàng Pháp bảo tiếng Việt; có người âm thầm với những kế hoạch từ thiện –xã hội giúp những phận đời nghèo khó, neo đơn, làm các điều lợi đạo ích đời …. Họ vẫn là những bậc long tượng , những ngọn đèn sáng cho các Phật tử noi theo. Nhìn sang các nước Phật giáo bạn như Thái lan , Myanmar, Sri Lanka, Đài loan …thế kỷ nào cũng có các đại sư ra đời để hoằng truyền Phật pháp không những ở trong nước mà còn lan tỏa đến phương Tây .
Về phía cư sĩ Phật tử - hiện tại không thiếu những nam , nữ cư sĩ là những đệ tử chơn chánh, có khả năng duy trì Chánh pháp, thành tựu chánh pháp, sống theo chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý có thể tuyên bố diễn giảng , khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà kiến khởi lên có thể hàng phục một cách khéo léo, có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu…(lấy ý trong kinh Đại Bát Niết Bàn- (xem (18))
Không cần những thống kê chi tiết , chỉ cần quan sát chung quanh, mỗi người trong chúng ta dễ dàng bắt gặp các nam, nữ Phật tử tại gia từ bình dân đến trí thức, từ thanh niên đến ông già bà cả, giáo sư , tiến sĩ , văn nghệ sĩ , doanh nhân … họ lặng lẽ tự tin tu hành- thúc liễm thân , khẩu , ý ; nghiêm trì 5 giới, siêng năng niệm Phật hoặc tu thiền; âm thầm hành Bồ Tát đạo. Điều này chứng tỏ họ đã chánh kiến, chánh tín đầy đủ, ta không thể nói họ là hàng không biết tu hành …
CÁC TU TẬP ĐỨC PHẬT DẠY DÀNH CHO NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA:
Trong số đệ tử của Đức Phật, đông nhất vẫn là tầng lớp Phật tử tại gia –đặc điểm của tầng lớp này là sự ràng buộc với đời sống xã hội thế tục, điều kiện để tập trung chuyên tu về Thiền định không bằng giới tăng ni . Từ căn cơ của đối tượng này, Đức Phật đã đưa ra những phương cách tu tập phù hợp, đơn giản nhằm giúp họ đạt được sự chứng đắc sơ quả .
Hộ trì đầy đủ năm giới : giới hạnh căn bản để khỏi rơi vào các đọa xứ xấu, ác và có cuộc sống an lạc:
Đức Phật dạy: bước đầu ngay cả khi chưa đạt được các quả vị thâm sâu, chỉ với việc giữ đầy đủ giới luật , tự thân vị Sa môn (kể cả Phật tử tại gia) đã hưởng được niềm hạnh phúc trong hiện tại như một hệ quả tất yếu.
“… Cũng vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩn đục. Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật.”( kinh Sa Môn Quả - tạng Pali- HT Minh Châu dịch ) - (23 )
(.. so the bhikkhu who is thus possessed of moral discipline sees no danger anywhere in regard to his restraint by moral discipline. Endowed with this noble aggregate of moral discipline, he experiences within himself a blameless happiness. In this way, great king, the bhikkhu is possessed of moral discipline )
(Bản tiếng Anh của Tỳ kheo Bhikhu Bodhi)- (24)
Con đường cho người cư sĩ nhập vào sơ quả : thâm tín Tam Bảo và thành tựu năm giới ; hoặc thâm tín Tam bảo, thực hiện rộng rãi hạnh bố thí :
Mặc dầu bị ràng buộc với những điều kiện thế tục, Đức Phật dạy chỉ cần thâm tín Tam Bảo và giữ năm giới trọn vẹn ; hoặc thâm tín Tam bảo và không có tâm xan tham – thực hiện bố thí rộng rãi thì người cư sĩ sẽ có những an vui trong đời sống như đề cập ở phần trên và chứng nhập được quả dự lưu – không còn bị đọa ác xứ và bị lui sụt trên con đường hướng đến Phật quả.
“.. Với bốn Dự lưu phần nào, vị ấy được thành tựu? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Đây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn..". đối với Pháp... đối với chúng Tăng... vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Bốn Dự lưu phần này được thành tựu.”
(Kinh Tương Ưng Bộ - Thiên Đại Phẩm –Tương ưng Dự Lưu- Phẩm Saranàni -.VIII. Hận Thù, hay Anàthapindika)- ( 25)
“.. Ở đây, này các người Thợ mộc, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Đây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Vị ấy sống ở gia đình, với tâm gột sạch cấu uế, xan tham. Vị ấy thường bố thí, bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, thích được nhờ cậy, thích thú chia xẻ vật được bố thí. Thành tựu bốn pháp này, này các người Thợ mộc, vị Thánh
đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. (Kinh Tương Ưng Bộ - Thiên Đại Phẩm -Tương ưng Dự Lưu-VI.Các người thợ mộc)- ( 26)
Đương nhiên, bên cạnh các giới hạnh căn bản phù hợp với người Phật tử tại gia cần tu tập để đạt được sơ quả -dự lưu nêu trên, Đức phật dạy họ cũng có thể chứng đắc những quả vị cao hơn nếu kết hợp điều đó với việc tu Tứ niệm xứ hoặc pháp tu niệm Phật là hai pháp môn tu tập phổ biến nhất hiện nay .
Sự quan trọng của pháp tu Tứ niệm xứ:
Đức Phật dạy, sở dĩ chánh pháp biến mất, một trong những nguyên nhân quan trọng là không tu tập Tứ niệm xứ:
”.. Này Bà-la-môn, do Bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. - Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài. ….”
( Kinh Tương Ưng Bộ -Thiên Đại Phẩm-Tương Ưng Niệm Xứ- Phẩm Giới Trú- II .Trú )-(27).
Đức Phật dạy tiếp : Tứ niệm xứ “ là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn…” nếu người hành giả tu tập đúng đắn miên mật “ …thì chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn”. (Kinh niệm xứ-Trung bộ- HT Minh Châu dịch (28).
“ Ngày nay, ở phương Tây đặc biệt ở Anh, Mỹ thiền chánh niệm đã trở thành một công cụ thế tục phổ biến giúp giải tỏa sự đau khổ trong cuộc sống đương đại. Nó được thực hành rộng rãi nhằm kiểm soát các tình trạng căng thẳng và đau đớn về thể chất và tinh thần, điều trị chứng nghiện ngập, ngăn ngừa sự trầm cảm và rối loạn tái phát … Chánh niệm được sử dụng để dạy cho học sinh về sự tập trung và giải phóng sự sáng tạo cùng vô số ứng dụng mới trong đời sống… Sự du nhập của thiền chánh niệm đưa đến sự xuất hiện của nhiều thiền viện, các trung tâm thiền, các khóa tu trong các thành phố. Cùng với đó là các khóa học , hội thảo , các lớp giảng dạy chuyên về thiền, các app hứơng dẫn, các chương trình đào tạo giáo viên và các nhà tư vấn trị liệu, các nguyệt san chuyên về thiền chánh niệm…”(29a)
Điều này dường như chứng minh cho nhận định của sử gia nổi tiếng người Anh Arnold Toynbee:
”Sự du nhập của Phật giáo vào phương Tây có thể được xem là sự kiện quan trọng nhất của Thế kỷ 20”( the arrival of Buddhism in the West 'may well prove to be the most important event of the twentieth century”. Quoted by Jeffrey Paine)-(29 b)
Mặc đầu các ứng dụng mang tính thế tục đã đưa đến những lợi ích to lớn nhưng mục đích tối hậu của việc tu tập thiền chánh niệm hướng tới không phải là sự thực tập ngắn hạn để giải quyết những nhu cầu cấp bách nhất thời mà là công phu tu tập lâu dài để thấu triệt bản chất của thân, tâm nhằm vĩnh viễn thoát khỏi vô minh và tham ái là nguyên nhân gốc rể của mọi đau khổ , trói buộc con người trong nhiều đời, nhiều kiếp.
Pháp môn niệm Phật:
Việc niệm Phật là một trong các cách tu tập được Đức Phật dạy ở kinh tạng Nikaya . Khi Phật giáo Đại thừa phát triển , nó đã trở thành một pháp tu hoàn bị từ lý thuyết đến thực hành.Đây là pháp tu thù thắng có số lượng tín đồ đông nhất trong các nước Phật giáo Bắc tông bởi đặc tính dễ hướng dẫn, dễ áp dụng và thực hành của nó. Theo các kinh liên quan : Pháp tu này phù hợp cho mọi đối tượng , bao trùm tất cả không phân biệt trình độ cao thấp. ”.. Nếu nịệm hồng danh Phật từ một đến bảy ngày sẽ được nhất tâm bất loạn và quyết định vãng sanh Tịnh Độ ( Kinh A –di –đà)...Tuy nhiên cũng như các pháp tu khác nó vẫn đòi hỏi sự thâm tín Tam Bảo, giữ giới , hạnh nguyện và sự tinh cần thực hành.
NHỮNG VẤN ĐỀ BẤT CẬP CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM VIỆT NAY
Những vấn đề thuộc tăng đoàn: Hiện tượng phạm giới, sống đầy đủ, lơi lõng tu tập; việc khai thác sự cúng kiếng để phục vụ cho mục đích lợi dưỡng; việc diễn giảng pháp tùy tiện, sai lạc làm méo mó giáo pháp của Đức Phật của một thiểu số tăng ni gây bức xúc trong dư luận… Mặc đầu chỉ là thiểu số nhưng”con sâu làm rầu nồi canh”…Đức Phật dạy:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất định. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy” (Tăng Chi Bộ-Tám Pháp-Phẩm Lớn- A-Tu-La Pahàràda)-(30). Quần chúng Phật tử mong muốn các bậc tôn túc trách nhiệm có những biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ sự thanh tịnh của Thiền môn để Phật giáo ngày càng phát triển. Trong một gia đình chỉ vài thành viên, nhưng có gia đình cũng không tránh khỏi có những đứa con hư hỏng huống hồ một đoàn thể rộng lớn.Tôn giáo nào qua quá trình phát triển cũng phát sinh những bất cập cần phải điều chỉnh.
Những vấn đề thuộc ý thức của người Phật tử: Hiện tượng xin xăm, bói toán, mê tín, phóng sinh thiếu trí tuệ… thuộc về ý thức của người Phật tử. Điều này sẽ rơi rụng dần theo thời gian khi ánh sáng chánh pháp được giảng dạy, lưu truyền đều khắp.
THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TRONG MA TRẬN TRUYỀN THÔNG HIỆN NAY:
Đức Phật dạy rằng sự vô thường xảy ra nhanh chóng, chỉ cần sự đoạn dứt hơi thở là đời sống mong manh kết thúc và nếu lúc còn sống không chịu tu tập thì khi chết sẽ rơi vào đọa xứ tương ưng với hành nghiệp thân khẩu ý của mình..Những câu chuyện tranh luận hoặc những câu chuyện về thế tục” không đưa đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn “
(Tương Ưng Bộ-Tập –Thiên Đại Phẩm-Tương Ưng Sự Thật-Phẩm Định )-( 31)
Do đó cần tận dụng mọi phút giây quý giá trong đời sống để tu tập . Tuy nhiên khi cần thiết chia sẽ giáo pháp hoặc những điều hữu ích , Đức Phật dạy nên bám chặt vào nền tảng chánh ngữ và phép lục hòa. Không chia sẽ những điều dối trá, không dùng lời ác khẩu, không nói những lời gây chia rẻ và tổn thương người khác, không tải lên những nội dung gây nên sự chia rẽ tôn giáo, chia rẽ xã hội và không tải lên những điều vô ích.
Thực ra, trong truyền thông ta luôn gặp những viên ngọc, những tư tưởng thông thái nhưng mặt khác nó cũng đầy rẩy tin giả , những sự thật bị bóp méo , xuyên tạc;vô số những thông tin thiên chấp, bôi bẩn , kích động thù ghét, bạo lực… Vấn nạn truyền thông không phải chỉ xảy ra ở xã hội chúng ta, ở phương Tây cũng gặp nhiều vấn đề tương tự đến nỗi Đức Giáo Hoàng , chủ chăn của cả tỉ tín đồ Ki –tô giáo phải lên tiếng :
“Tại sao bạn nhìn thấy hạt bụi trong mắt người anh em mà không để ý đến miếng gổ trong mắt mình?.. Trước tiên hãy lấy miếng gỗ ra khỏi mắt bạn, rồi bạn sẽ thấy rõ ràng để lấy cái hạt bụi ra khỏi mắt của người anh em." Đức Giáo Hoàng nói tiếp : Những người phán xét người khác mà không tự mình cải thiện bản thân là những kẻ đạo đức giả”
"Why do you see the speck that is in your brother’s eye and do not notice the log that is in your own eye?.. The pope then went on to add, "First take the log out of your eye, and then you shall see clearly to take the speck out of your brother’s eye." People who judge others without working on themselves are hypocrites, the pope said ( 32 )
Võ Đình Trâm
Bài viết liên hệ:
-Đức Phật giảng về viễn cảnh thời mạt pháp: ma quỷ đội lốt thầy tu, sư tăng vô đạo
-Danh Sách Các Giáo Phái "Có Vấn Đề" Cần Quan Tâm
Chú thích:
(1) https://thuvienhoasen.org/a33180/duc-phat-giang-ve-vien-canh-thoi-mat-phap-ma-quy-doi-lot-thay-tu-su-tang-vo-dao
(2) https://www.daitangkinh.org/index.php/18-pdf/625-fbonietban
(3) https://www.daitangkinh.org/index.php/18-pdf/626-fbodaitap
(5) http://www.zhengjian.org/zj/articles/2008/7/17/53866.html
(6) https://www.dkn.tv/van-hoa/loi-phat-dai-kiep-den-gioi-han-nu-tho-hon-nam-su-tang-vo-dao.html
(7) https://vi.falundafa.org/book/zfl_html/index.html
( 8) https://time.com/archive/6954898/interview-with-li-hongzhi-2/
(9) https://vi.falundafa.org/book/zfl_html/lecture3.html#2
( 10 ) https://www.daitangkinh.org/index.php/18-pdf/626-fbodaitap
(11) https://www.daitangkinh.org/index.php/gioithieudtk/18-pdf/626-fbodaitap
(12) https://www.daitangkinh.org/index.php/18-pdf/626-fbodaitap
(13) https://www.daitangkinh.org/index.php/18-pdf/625-fbonietban
(14) https://thuvienhoasen.org/a236/26-kinh-chuyen-luan-thanh-vuong-su-tu-hong-cakkavati-sihanada-sutta
(15) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham06.htm
(16) https://thuvienhoasen.org/a41510/nguoi-cu-si-thoi-mat-phap-hoa-lan-thien-gioi
(17) https://thuvienhoasen.org/p16a11273/3/muoi-phap
(18) https://thuvienhoasen.org/p16a162/04-pham-truong-tho-thu-tu
(19) https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong16.htm
(20) https://chuaxaloi.vn/thong-tin/thuc-trang-phat-giao-viet-nam-thoi-phap-thuoc/3164.html
(21a),(21b) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crgggqgyrj7o
(22) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung06.htm
(23) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong02e.htm
(24) https://suttacentral.net/dn2/en/bodhi?lang=en&reference=none&highlight=false
(25) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55a.htm
(26) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm
(27) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-47b.htm
(28) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung10.htm
(29a) Chánh Niêm và Tuệ Giác .Mahasi Sayadaw . Nhóm Phương Quảng dịch NXB Hồng Đức -2023
(29b) https://www.theguardian.com/theobserver/2004/apr/04/philosophy
(30) https://budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi08-0103.htm
(31) https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu-00.htm#tap5
(32) https://www.huffpost.com/entry/pope-francis-reminds-catholics-why-judging-others-isnt-christian_n_5769981ee4b065534f48071f