Khi chúng ta học hoặc nghe trong kinh điển dạy rằng, hãy xem thế giới này như là một ảo ảnh hoặc một giấc mơ, chúng ta thường rất dễ mắc phải một sai lầm. Chúng ta nghĩ rằng điều này có nghĩa là cuộc sống này không có gì là thực, không có gì là quan trọng, cuộc sống này không có ý nghĩa gì hết. Sự sai lầm này có thể khiến chúng ta cảm thấy chán nản, và đôi khi còn là tuyệt vọng nữa.
Ảo ảnh không phải là ảo giác.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy ra sự sai lầm của lối suy nghĩ này, khi đơn giản hiểu được thế nào là bản chất của ảo tưởng và giấc mơ. Ảo tưởng (illusion) không phải là ảo giác (hallucination). Ảo giác (hallucination) là trải nghiệm về một điều gì mà nó không hiện hữu, không có thật ở đó. Còn Ảo tưởng (illusion) là sự nhận thức sai lầm về một việc gì đang thực sự có mặt, thay vào bằng một điều gì đó không thực.
Ví dụ như một người bị lạc trong sa mạc, anh ta có thể nhầm lẫn hơi nóng lung linh bốc lên ở cuối chân trời, và tưởng rằng đó là một hồ nước ở phía xa. Hồ nước là một ảo ảnh, đánh lừa mắt ta, nhưng hơi nóng lung linh kia là có thật. Do đó, bản chất của ảo ảnh là nhận thức sai lầm, diễn giải không chính xác những gì giác quan cảm nhận được. Tương tự như vậy, giấc mơ là có thật. Tất cả chúng ta ai cũng đều có trải nghiệm chúng. Tuy vậy, chúng không giống với cuộc sống thức giấc, vì chúng được tạo ra hoàn toàn bởi tâm tưởng.
Khi Đức Phật bảo chúng ta hãy xem mọi sự vật có điều kiện (conditioned) như một ảo ảnh, hoặc một giấc mơ, Ngài muốn nói rằng những kinh nghiệm của ta về thực tại, và hiểu biết về chúng, đã bị bóp méo và sai lạc. Và nguồn gốc của sự sai lầm đó là do tâm phân biệt, nhị nguyên, của mình.
Thế giới hiện hữu, nhưng không như ta nghĩ
Đức Phật không hề nói rằng không có gì là hiện hữu. Thế giới hiện hữu. Chúng sinh hiện hữu. Đức Phật cũng không hề nói rằng không có gì là quan trọng. Thế giới và chúng sinh chắc chắn là quan trọng. Vì vậy mà quan điểm của Phật giáo là làm giảm bớt khổ đau của mọi loài. Đau khổ là có thật, nhưng nguyên nhân của nó thì không như là chúng ta nghĩ tưởng. Đức Phật muốn nói với chúng ta rằng, phần lớn những đau khổ của ta là do một nhận thức sai lầm về thế giới và về chính mình. Sự sai lầm này dựa trên những cảm quan sai lệch, và một tâm thức tạo dựng lên một quan điểm về cuộc sống và bản thân, dựa trên những giả định không chính xác.
Ý thức được rằng những gì còn bị điều kiện (conditioned), thì bản chất của chúng sẽ là ảo và mộng, sẽ giúp mở ra một cánh cửa dẫn ta đến những gì không còn bị điều kiện (unconditioned). Đó cũng còn được gọi là phật tánh (buddha-nature). Khi ta nhận ra bản chất không thật trong những trải nghiệm của mình, thì những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực sẽ không còn phát sinh nữa. Và khi ấy, phật tánh trong ta sẽ tự nhiên chiếu sáng. Sự tỏa sáng đó là niềm vui, tình thương, lòng bi mẫn và sự quân bình.
Một bình an trọn vẹn
Sự thật đó, thực tại đó, không thể diễn tả được thành lời. Nó nằm ngoài mọi khái niệm, nhưng nó có hương vị của niềm vui, tình thương, lòng bi mẫn và một sự bình an trọn vẹn. Đó mới chính thật là thực tại. Đó mới chính là bản chất chân thật của ta. Đây mới là điều mà Đức Phật muốn dạy: chúng ta được an trú trong bản tánh chân thật của mình, thấy ra được thực tại và chính mình.
Đức Phật không muốn chúng ta tuyệt vọng hay cảm thấy nản lòng. Ngài muốn chúng ta thoát ra được những ảo tưởng đang che lấp nhận thức của mình, và che khuất đi con người thực của ta. Và Ngài tin rằng chúng ta có thể thực hiện được điều ấy, ngay trong kiếp sống này.
Pema Duddul
Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên dịch