HÀNH TRÌNH CỦA GIỌT NƯỚC (12)
(tập tùy bút)
Vùng đất phương Nam của xứ Cờ Hoa này quả là thật phong nhiêu, gió thuận mưa hòa, đất đai trù phú, sản vật sung túc… ấy là cái phước của người ở đây, trong đó cũng có phần công sức không nhỏ của Xíu và anh em nhà Xíu.
Tuy nhiên mấy năm nay thời tiết cũng thất thường, có lẽ cái nghiệp chung của cả loài người, trái đất nóng lên, khí hậu thay đổi, băng tan biển dâng… Hai tuần qua mưa quá trời luôn, sáng mưa, trưa mưa, chiều mưa, được cái mưa nhiều vậy mà bầu trời vẫn trong xanh. Anh em nhà Xíu bị lôi kéo về một cách bất thường, muốn không được mà không muốn cũng không xong! Nghiệp chung của loài người và vạn vật muôn loài, không một ai có thể ở trên hay ở ngoài cái quy luật vô thường. Những chiều mưa buồn quá, buồn muốn khóc, nhìn noài trời cây lá xanh mướt nhưng khi buồn thì thấy đắng cả mắt. Những chiều mưa viễn xứ dễ khiến cho con người ta thêm thương nhớ người thân ở phương trời cũ.
Cơn gió hắt nhẹ làm Xíu, Xinh, Sót, Út… tấp vào khung cửa kiếng của ngôi nhà nhỏ trong tiểu trấn Hoa Mộc Lan. Giọt Sót ngạc nhiên kêu lện:
- Ô kìa, cậu chủ Hoàng Hoa trang, sao trông cậu ta buồn thế? Đàn ông con trai gì mà đôi mắt buồn muốn rớt cả bầu trời!
Xíu bảo:
- Mấy erm không biết đâu, cậu chủ sanh ra vốn đã có đội mắt buồn rười rượi như thế rồi. Đời sống có nhiều điều bất như ý nên càng buồn thêm. Hai tuần nay thì cái buồn như đông đặc lại. Số là con gái rượu của cậu ta đã đủ trưởng thành và cô ấy muốn dọn ra ngoài. Mấy em có biết không? Cha con nhà cậu ta quấn quýt bên nhau suốt bao nhiêu năm, yêu thương ra rít là vậy. Cô con gái xinh lắm, mà cậu chủ lại yêu hoa nên mới lấy tên trang trại đặt cho con gái. Cô con gái ngoan, hiền giờ vướng vào tình yêu dị chủng và đã làm nhiều việc không còn ngoan hiền nữa. Việc con cái không lớn rời nhà ra đi là chuyện thường tình, hợp tan là lẽ tự nhiên, tuy nhiên ở đây cô con gái rượu còn ngây thơ và khờ lắm, cố ấy chưa đủ sức tự nuôi bản thân, ấy là chưa nói đến chuyện lớn mua nhà, mua xe...Cậu chủ thương con nhưng không biết nói làm sao. Cậu ta lo cho cô con gái chua đủ sức tự lập mà ra riêng thì e có nhiều điều không lành. Cậu chủ vốn đã buồn giờ càng thêm buồn, sự ly tán đã bắt đầu, lý hợp ta đã khởi. Dẫu biết thế gian vô thường, mọi sự, mọi việc, mọi người… luôn luôn thay đổi. Bao lâu nay biết lý thuyết, giờ thì sự thật nếm trải.
Giọt Xinh khịa:
- Anh ta là một Phật tử thuần thành, lý thuyết thuộc làu, vậy mà giờ không áp dụng hay thực hành được sao? Hóa ra lâu nay chỉ ba hoa khoác lác.
Xíu nói:
- Em thấy cậu ta thuộc loại ba hoa khoác lác ư? Không phải đâu! Thậm chí ngược lại là khác. Cậu ta là người ít lời ăn tiếng nói, rất kiệm lời, chẳng mấy khi mở miệng. Cũng không phải là cậu ta không thực hành, tuy nhiên giữa lý thuyết với thực hành nó vẫn có một khoảng cách nhất định. Ở vào trường hợp của cậu ta thì em mới thấy hết nỗi lòng. Cậu ta vốn nặng tình, vị tình, lụy tình. Cậu ta thương cô con gái rượu hơn hết mọi thứ trên đời, phần nữa cậu ta ở xứ này khôgn có thân nhân, chja mẹ, anh em cách xa, bạn bè quê hương ly biệt… âu đó cũng là ái biệt ly vậy! Những chiều mưa xa xứ, nhớ mẹ cha. Nhớ quê hương quốc thổ, nhớ anh em bạn bè… ai mà không buồn cơ chứ! Giờ thì con gái rượu, chỗ gắn bó gần gũi và sâu sắc nhất cũng sắp rời đi.
Sót giọng buồn buồn:
- Ừ khổ thật! Buồn thật! Thế giới này tụ tán vô kỳ, hợp tan bất định, đời sống trong trăm năm nhưng biết bao nhiêu chia ly sum họp. Người may mắn lắm thì cũng sum vầy một thời gian ngắn với người thân yêu rồi cũng phải tạm biệt hoặc vĩnh biệt. Sự tạm biệt hay vĩnh biệt nó có mặt ngay từ khi mới sanh ra, nó hiện diện trong từng phút giây trong đời. Thế gian này buồn thật, những cuộc chia ly ngắn – dài, lớn - nhỏ nào cũng đều đượm màu bi ai, làm người ở thế gian này không làm sao tránh được sự khổ đau ái biệt ly, oán tắng hội khổ. Ngày xưa đức bổn sư cũng từng đau buồn giã biệt vợ con, cha mẹ, anh em để ra đi tìm đường giải thoát. Ngài dõng mãnh thà một lần đau để rồi vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau, vĩnh viễn không còn sanh tử luân hồi, không còn hợp tan theo lẽ thường. Ngài đã một lần đau từ thân. cắt ái ly gia, đoạn dục… để rồi chứng đắc Niết Bàn, tìm ra con đường sáng cho nhân loại. Ngài khai phá ra con đường giải thoát, phương pháp giải thoát hết mọi khổ đau ràng buộc của kiếp nhân sinh. Ngài đã vạch ra cho con người thấy thế nào là khổ, nguyên nhân khổ, cách thoát khổ, con đường đi đến hết khổ. Ngài đề ra bát chánh đạo và nhiều phương cách để đưa con người đi đến hết khổ, chứng đắc tịch tịnh Niết Bàn. Thuốc đã có, cửa đã mở, con đường đã khai phá… chỉ tiếc là mọi người quá yếu kém không đủ dõng mãnh để dấn thân vượt qua bể khổ.
Giọt Út lý sự:
- Nếu ai cũng tu giải thoát, ai cũng chứng đắc hết thì thế gian này trống không à? Và nếu ai cũng được giải thoát hết khổ thì lấy đâu để nhận biết khổ và không còn khổ?
Giọt Cả cười khanh khách:
- Xíu à! Út nói phải đấy! Cái lý của Út cũng đã có nhiều người nói chứ không phải không có, tuy nhiên điều ấy không thể có được! Không thể có chuyện tất cả mọi người hết khổ, tất cả chứng đắc. Đừng nói là tu chứng, ngay ở đời này, không phải ai đi học cũng đều thành thầy giáo hay bác sỹ kỹ sư, bác sỹ... chỉ có một số rất ít thôi! Út mắc cười ghê vậy đó, khéo lo chuyện người ta chứng đắc hết khổ thì lấy đâu ra khổ để so sánh. Giả sử có chứng đắc hết thì một khi chứng đắc thì tự biết, còn trầm luân sanh tử luân hồi thì không cần đối chiếu làm gì, đau khổ dàn trời kia mà! Người thế gian xưa nay phần lớn đều nói, nghĩ, làm bất thiện nhiều hơn là nói, nghĩ, làm thiện lành, bởi vậy sự chiêu cảm khổ đau tràn ngập khắp thế gian!
Giọt Xinh ngờ nghệch hỏi:
- Anh Hai, em có chỗ thấy khó hiểu. Nhà Phật thường nói con người là do danh sắc hợp thành, thân này là tứ đại duyên hợp chứ không có cái ngã độc lập, nó không là ta, không phải của ta. Con người cũng không có cái gọi là linh hồn vĩnh viễn, vậy thì “ai” ở đây thọ lạc, thọ khổ? “ai” ở đây thăng – đọa? “ai” ở đây chứng đắc hay đi vào tam đồ lục đạo?
Giọt Cả giật mình:
- Đây là một câu hỏi lớn, mộtc âu hỏi cực kỳ khó mà nhiều người đã từng hỏi. Anh thật sự không biết giải thích, anh bí! Tuy nhiên đọc sách thì thấy nói chỉ có sự khổ chứ không có “ai” chịu khổ, thực tế thì mình và mọi người vẫn than khổ quá trời. Ai cũng từng kêu ca: “Sao tui khổ như thế này?” Làm sao mình có thể thấy mình không chịu khổ, không có “ai”chịu khổ trong khi mình không có cái năng lực đó! Chỉ có Phật, Bồ Tát, A La Hán, chư lịch đại tổ sư đã chứng minh là vô ngã, không có “ai” chịu khổ cả, tuy nhiên cái thấy của chúng mình kém quá, cái năng lực không có nên không sao “thấy” được hay “chấp nhận” được! Còn cái “ai” thăng hay đọa sau khi thân hoại mạng chung anh càng mù tịt, may ra chỉ có thể nói là do cái nghiệp lực thiện – ác nó kết hợp với một thân xác tương ưng hay nhập vào một cảnh giới tương ưng. Anh đọc sách và đoán mò vậy thôi, càng nói càng lộ thêm cái dốt, nói nữa e nói bậy người ta cười mà mình mang vạ miệng như chơi.
Xíu ôm lấy Xinh, bẹo má, véo cằm, nhìn vào mắt mà cười:
- Xinh à, hôm nay hỏi một câu làm ai cũng giật mình, hỏi gì mà khó hơn cả triết học siêu hình.
Xinh cười lỏn lẻn dễ thương gì đâu á:
- Ờ thì em đọc xong mấy cuốn sách nói về khổ, không, vô thường vô ngã và bất chợt nảy ra cái câu hỏi này.
Giọt Cả khen:
- Em tư duy rất khá nên mới hỏi điều này. Anh cũng đọc sách Phật học nhưng đâu nảy sinh ra câu hỏi này. Anh em mình biết chút chút về Phật pháp căn bản, thực hành những điều tương đối thiết thực với đời sống của một Phật tử sơ cơ. Còn những vấn đề tánh không. Bát nhã, duy thức học, trung quán luận...cao xa thâm sâu quá, kham không nổi!
Xíu xía vào:
- Những điều căn bản của một Phật tử còn làm hổng xong thì nói gì đến điều cao xa thâm sâu. Mấy bộ kinh Pháp Hoa, Bát Nhã, Lăng Nghiêm… to lớn quá, mật nghĩa thâm sâu, uyên áo làm sao kham nổi và càng khó thực hành. Nội bản kinh ngắn như Kinh Phước Đức dễ thuộc, dễ nhớ, gần gũi và thực tiễn nhưng thực hành trọn vẹn cũng không hề dễ chút nào. Nếu mà làm được thì “Chung đụng trong nhân gian/ tâm không hề ô nhiễm/ phiền não hết, an nhiên/ sống tinh cần, tỉnh thức/ học chân lý nhiệm mầu/ thực chứng được niết bàn...” rồi còn gì!
Giọt Cả ôn tồn:
- Toàn bộ Phật pháp không ngoài việc tránh các điều ác, làm các điều lành, thanh tịnh tâm ý, một khi tâm thanh tịnh thì mọi thứ tự nhiên thành.
Anh em nhà Xíu mãi nói chuyện mà quên cả thời gian và không gian, mưa vẫn ràn rạt bên ngoài, nhìn vào bên trong căn nhà thấy thật ấm cúng, trên tường treo những bức chân dung đức bổn sư, trên bàn và trên tủ có nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát. Cả bọn cứ ngắm nghía mãi không thôi, bất chợt một cơn gió tạt mạnh làm cho những anh em họ của Xíu từ ngoài hư không tấp vào đầy đặc trên cửa kiếng, cả bọn hợp lại và chảy thành những lằn chi chít. Xíu ngoảnh mặt cố nhìn vào bên trong căn nhà lần nữa thì thấy cậu chủ đang hí hoáy viết, vừa lúc Xíu chảy ngang qua tầm mắt thì cậu ta buông viết xuống và chống cằm tư lự nhìn trời mưa bên ngoài. Xíu, Xinh, Sót, Út… vẫy tay chào, reo lên ríu rít. Cảnh giới khác nhau nhưng dường như cậu chủ nghe thấy hay sao ấy, cậu ta lấy ngón tay vẽ quẹt quẹt gì đấy trên lớp kiếng bị mờ bởi hơi nước.
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 0824