Chánh Niệm Trên Các Cảm Thọ | Thích Nữ Hằng Như

06/09/20244:11 SA(Xem: 935)
Chánh Niệm Trên Các Cảm Thọ | Thích Nữ Hằng Như

CHÁNH NIỆM TRÊN CÁC CẢM THỌ
Thích Nữ Hằng Như

 

 
I. DẪN NHẬP

Thich Nu Hang Nhu 1Kinh Tứ Niệm Xứ dạy hành giả thiết lập Chánh Niệm trên bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp gọi tắt là Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp. Nội dung của các chánh niệm này là quán Thân, quán Thọ, quán Tâm, quán Pháp với nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhằm nhiếp phục tham dục và ưu não ở đời. Kinh ghi: “ Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. (* hết trích). Bài hôm nay, chúng ta đặc biệt  quan sát về lãnh vực Thọ.

 

II. QUÁN CÁC CẢM THỌ

Quán các cảm thọ, là quan sát, ghi nhận sự sanh khởi của Thọ uẩn: Đây là Thọ khổ, đây là Thọ lạc, đây là Thọ xả, đây là Thọ liên hệ vật chất, đây là Thọ không liên hệ vật chất. Niệm Thọ để thấy tính sanh diệt, vô thường, khổ, vô ngã của Thọ uẩn. Từ đó hành giả sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời, mà chỉ chuyên tâm tu tập hướng đến chánh trí, an trú trong chánh niệm... Nguyên văn đoạn kinh dạy về cảm Thọ như sau:

“Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri: “ Tôi cảm giác lạc thọ”; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: “ Tôi cảm giác khổ thọ”; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri“ Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ”. Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ thuộc về vật chất”; hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc về vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc về vật chất”. Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất”. Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thuộc về vật chất”, hay khi cảm giác bất khổ bất lạc không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc không thuộc vật chất”.

Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. “Có thọ đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ” (hết trích)

               

III. TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐOẠN KINH

- Thế nào Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ?  Thân con người khi tiếp xúc với những gì khiến mình cảm thấy dễ chịu, hoặc những gì làm thân mình đau nhức khó chịu. Mình cảm nhận và biết rõ cảm giác xảy ra trên thân mình ngay lúc đó thì gọi là quán thọ trên các thọ.

- Lạc thọ:cảm giác dễ chịu, vui vẻ, thích thú.

- Khổ thọ:cảm giác khó chịu, bực bội, không ưa.

- Bất khổ bất lạc: Tâm bình thường, không cảm thấy khổ, cũng không cảm thấy lạc. Trạng thái trung tính. Còn gọi là xả thọ.

- Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri : “Tôi cảm giác lạc thọ”: Phật dạy hành giả khi cảm thấy lạc thọ như thế nào, thì vị ấy biết rõ như thế đó. Thí dụ: Trời đang nóng nực có cơn gió thổi qua, mình cảm thấy mát mẻ dễ chịu. “Cảm giác mát mẻ dễ chịu này chính là lạc thọ”.  Hay là mình uống một ly nước mát lạnh lúc mình đang khát nước, thì có cảm giác khoan khoái đã khát, “cái cảm giác đã khát khoan khoái đó là lạc thọ”.

- Khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: “Tôi  cảm giác khổ thọ: Thí dụ như mình bị gai hoa hồng đâm vào ngón tay rất khó chịu. “Khó chịu vì ngón tay bị gai đâm khổ thọ”. Đau ở chỗ nào thì biết khổ thọ ở chỗ đó.

- Khi cảm giác bất khổ bất lạc, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ”: Bất khổ bất lạc, nghĩa là thân của ta không có cái lạc, cũng không có cái khổ. Nó bình thường, “cái bình thường đó là cảm giác bất khổ bất lạc”, mình cũng rõ biết cái cảm giác bất khổ bất lạc thọ đó.

Trong kinh Tứ Niệm Xứ, đức Phật nêu lên ba loại thọ. Đó là thọ dễ chịu gọi là lạc thọ. Thọ khó chịu là khổ thọ, và thọ trung tính tức là bất lạc bất khổ thọ. Khi quan sát một đối tượng nếu ta cảm thấy thích thú, dễ chịu, thì đó chính là lạc thọ. Còn như mình không ưa, ghét một đối tượng nào đó, thì chính là khổ thọ.  Còn trường hợp mình biết một đối tượng mà cảm giác của mình thế nào cũng được, không thích cũng không ghét, thì đó là thọ trung tính, tức là bất lạc bất khổ thọ.

Mỗi loại lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ, đức Phật lại chia ra làm hai phần. Đó là thọ thuộc vật chất hay thọ không thuộc vật chất.

- Thọ thuộc vật chất: Lạc thọ, Khổ thọ, Bất lạc bất khổ thọ ... phát sanh do những đối tượng được ghi nhận qua năm căn:  Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân là những loại thọ thuộc vật chất.

Thí dụ: Nhìn thấy một người, mình cảm thấy ghét , cảm thấy khó chịu về người đó, thì cái thọ đó là khổ thọ về vật chất.  Còn khi nhìn thấy người đó mà mình thương mình thích, thì cái đó là cảm giác lạc thọ thuộc vật chất. Hoặc khi nhìn thấy một người, mà tâm bình thường không ưa, cũng không ghét, thì đó là bất lạc bất khổ thọ thuộc về vật chất.

Khi nghe một âm thanh nhói tai, mình cảm thấy khó chịu, không ưa, thì đó là khổ thọ thuộc về vật chất. Ngược lại nghe tiếng nhạc du dương, mình thích, thì đó là lạc thọ thuộc vật chất. Hoặc nghe, mà không ưa cũng không thích thì đó là bất lạc bất khổ thọ thuộc về vật chất.  

Tương tự với mũi, lưỡi hay thân cũng như thế! Hễ cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc đối tượng qua mũi, lưỡi, thân, thì đó là lạc thọ thuộc vật chất. Còn như cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với đối tượng qua mũi, lưỡi, thân, thì đó là khổ thọ thuộc vật chất. Nếu cảm thấy bình thường không dính mắc với dễ chịu hay khó chịu.... thì đó là bất lạc bất khổ thọ thuộc vật chất.

- Thọ không thuộc vật chất:   Thọ do đối tượng phát sinh qua  Ý căn, thì đó là thọ phi vật chất, tức không thuộc vật chất. Thọ này cũng có ba loại. Đó là khổ thọ không thuộc vật chất, lạc thọ không thuộc vật chất, và bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất.

Thí dụ như mình cảm thấy rất khó chịu vì đầu óc bần thần, mệt mỏi. “Trạng thái khó chịu này, là khổ thọ không thuộc vật chất”. Hay cảm thấy lòng hân hoan dễ chịu khi nhớ lại việc làm thiện lành trước đó vài hôm, thì “sự hân hoan dễ chịu này là lạc thọ không thuộc vật chất”.  Còn như “suy nghĩ khởi lên trong tâm, hoặc tâm có trạng thái hôn trầm dả dượi, hay là trạng thái an lạc mát mẻ... mà mình vẫn bình thản, không dính mắc vào đó, không cảm thấy dễ chịu, hay khó chịu, thì đó là bất lạc bất khổ thọ không thuộc vật chất”.

Nói chung, tất cả những cảm thọ do các đối tượng của Ý gây nên đều là những cảm thọ không thuộc về vật chất.

Tóm lại, trong bài kinh Niệm xứ này, đức Phật dạy có sáu loại thọ. Thứ nhứt là ba loại thọ: Khổ, Lạc, bất Khổ bất Lạc. Và đối với mỗi loại này chia ra làm hai là thuộc vật chất hoặc không thuộc vật chất, thành ra có sáu loại. Đó là khổ thọ thuộc vật chất, khổ thọ không thuộc vật chất. Lạc thọ thuộc vật chất, lạc thọ không thuộc vật chất. Bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, bất khổ bất lạc không thuộc vật chất.

- Vị Tỷ-khưu sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ, hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ:  Nội thân, nội thọ, nội tâm, nội pháp là của mình. Ngoại thân, ngoại thọ ... là của người khác. Thí dụ như mình biết hơi thở là của mình, đồng thời mình cũng hiểu biết hơi thở bên ngoài tức của người khác cũng giống như vậy. Hoặc mình có Lạc thọ, Khổ thọ, không Lạc không Khổ thọ, khi quán ngoại thọ, mình biết người khác cũng có các loại cảm thọ giống như mình.  

            - Vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ:  Quán tánh sanh khởi trên các thọ là quan sát ngay lúc cảm thọ vừa mới bắt đầu xuất hiện. Quán tánh diệt tận trên các thọ là quan sát sự chấm dứt của cảm thọ. Nói chung là quán tánh sanh diệt của thọ uẩn. Thí dụ như mình cảm thấy thích thú hưng phấn hay phiền muộn về một vấn đề gì, thì ghi nhận ngay từ lúc bắt đầu, đó là quán tánh sanh khởi, rồi quán tiến trình của cảm xúc là quán cường độ thích thú hay phiền muộn cao thấp như thế nào cho đến khi cảm thọ dần lần loãng đi, rồi chấm dứt, đó là tánh đoạn diệt.

            Khi tuệ tri được tánh sanh diệt của cảm giác, cảm thọ, thì hành giả nhận ra được tánh Vô thường, Khổ, Vô ngã của Thọ uẩn nói riêng, hay nói chung là nhận ra đặc tánh của Ngũ uẩnVô thường, bất toại ýVô ngã.

 

 

IV. NHỮNG BƯỚC THỰC HÀNH CĂN BẢN TRONG KINH NIỆM XỨ

 Trong kinh Niệm Xứ có nhiều đề mục để thực hành. Các đề mục được phân chia qua bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp.   Cách thực tập mỗi lãnh vực đều tương tự như nhau. Hành giả có thể chọn một đề mục chánh nào thích hợp với căn cơđời sống của mình, và hai hoặc ba đề mục phụ trong lúc tu tập.

Đề mục về Thân đơn giản nhất vì nó cụ thể. Thọ thì trừu tượng hơn, nó là yếu tố chuyển tiếp giữa Thân và Tâm. Nhưng cũng dễ nhận ra. Sau đây là các bước thực hành cụ thể của niệm Xứ.

- Tuệ tri hay chánh niệm: Bước thứ nhất hầu hết các đề mục đều bắt đầu bằng hai chữ “Tuệ tri”. Tuệ tri là nói đến cái biết bằng trí tuệ. Đó là cái biết trong sạch, khách quan, bởi vì nó không có sự can thiệp của tự ngã, không có sự so sánh phê bình đúng sai, thiện ác, không chấp nhận cũng không xua đuỗi, nghĩa là không có tham, sân, si trong cái biết này, nên tạm xem như là cái biết của Chân tâm. Khi thực tập, đối tượng diễn biến như thế nào, quan sát thấy biết đầy đủ như thế ấy. Cái biết hay tuệ tri này còn gọi là chánh niệm. Hành giả đặt “tâm thiền” tức “chánh niệm” vào “cái đang là” của đối tượng,  từ lúc nó xuất hiện cho đến khi nó chấm dứt.

Hôm nay chúng ta chỉ nói về quán Thọ thôi.  Quán thọ là quán như thế nào? Đó là chúng ta quan sát đối tượng qua các căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân. Chúng ta chú ý nhiều hơn Ý căn, xem các căn nhìn thấy đối tượng như vậy thì trong Ý, tức là trong Tâm có  phát sinh sự thích hay ghét, tức là dễ chịu hay khó chịu, thì đó mới là quán thọ. 

Như vậy, muốn quán thọ, hành giả phải quan sát được các đối tượng, bao gồm đối tượng vật chất và các đối tượng thuộc về tâm tức không vật chất. Cho nên quán thọ là bao gồm cả quán thânquán tâm trong đó.

Bốn phép quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp có liên hệ chặt chẻ với nhau. Chúng ta không thể chỉ thực hành một loại quán, tức là không thể chỉ quán thân mà không quán thọ, không quán tâm, không quán pháp, mà thực hành đầy đủ cả bốn phép quán luôn.

 Nếu trên thân có cảm giác đau nhức đưa đến tâm khó chịu tức Khổ thọ.  Quán cảm Thọ là dù Lạc thọ hay Khổ thọ, hành giả chỉ “tuệ tri” chứ không can thiệp. Tuệ tri tức biết rõ khi cảm thọ bắt đầu sanh khởi như thế nào,? Cường độ dễ chịu tức Lạc thọ, hay khó chịu tức Khổ thọ, tồn tại lên xuống ra làm sao?  Và khi nó dịu xuống rồi chấm dứt như thế nào?  Đó là quán Thọ theo chu kỳ Sanh-Trụ-Hoại-Diệt.

Nhận ra tánh sanh diệt của Cảm Thọ rồi, hành giả tiếp tục quán tánh Vô thường, Khổ, Vô ngã của cảm Thọ. Quán cảm thọVô thườngcảm Thọ không thường hằng, không trụ một chỗ, tức không vui hoài, mà cũng không khổ hoài. Quán các cảm Thọ là Khổ. Cảm thọ khổ là vì hành giả luôn bị sự sanh diệt bức bách không ngừng. Quán các cảm ThọVô ngã, vì không có thực chất nào trong các cảm Thọ.

 Như vậy, ở giai đoạn đầu hành giảtuệ tri như thật” về đối tượng.  Tiến đến giai đoạn thứ hai hành giả nhận rabản thể của đối tượng” tức là nhận ra các tánh sanh diệt, vô thường, khổ, vô ngã của đối tượng. Đó là sự tiến triển của trí tuệ.

            Khi tuệ giác được tất cả mọi thứ trên đời này, ngay cả tấm thân ngũ uẩn của mình và tất cả mọi thứ trên đời đều Vô thường, Khổ, Vô ngã... thì kết quả là : “Có thọ đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ”.

 

V. KẾT LUẬN

 

            Thực tập quán Niệm Xứ, trên bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp nhuần nhuyễn, cho đến lúc thấu hiểu và thể nhập được tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp... sẽ đưa đến kết quả tất yếu là hành giả không còn nương tựa bất cứ một thứ gì trên đời này nữa, vì vị ấy tuệ tri rằng tất cả các pháp hữu vi đều Vô thường-Khổ-Vô ngã, không có gì vững chắc thường hằng. Ngay cả cái pháp tu, vị ấy cũng không nương tựa bám víu, vì pháp tu cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, là chiếc bè đưa người tu đi qua sông, tới bờ rồi cũng phải buông. Không dính mắc với mọi thứ trên đời, đó là “Vô sở trụ” là “Tánh không” ,  là “Vô nguyện, Vô tác”. Bấy giờ an trúchánh niệm như vậy”,  tức an trụ tâm trong cái chỗ biết tất cả đều như vậy mà thôi, không diễn tả gì hết. Đó là thể nhập Chân như là Niết-bàn...

 

                                                

                                                       THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

                                          (Chân Tâm thiền đường, September 05-2024)









Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Thư Ngỏ của Tỳ kheo Thích Giác Tâm Thế danh: Trương Mậu Nam Hiện trụ trì tại: Chùa La, thôn Cẩm Liên, xã Cẩm La, Tx Quảng Yên, T Quảng Ninh, nước Việt Nam Do ảnh hưởng trực tiếp từ bão Yagi quá mạnh đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh nên chùa con bị thiệt hại nặng nề. Trụ xứ chúng con có 9 chú tiểu là trẻ mồ côi con nhận cưu mang nuôi dưỡng, đang ở mái che tạm.
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
Phái đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ đã đến thăm Orange County và tổ chức buổi cơm chay "Gây Quỹ Xây Dựng Học Viện Phật Giáo Viên Giác tại Đức Quốc" vào thứ bảy ngày 5/10/2024 tại trung tâm Sangha, 7641 Talbert Avenue, thành phố Huntington Beach....Kiều Mỹ Duyên có buổi phỏng vấn Hòa Thượng Thích Như Điển và Hòa Thượng Thích Thông Triết vào thứ hai ngày 7/10/2024 trên đài truyền hình VBS 57.6 cùng cô Thu Anh, chuyên viên địa ốc.