Hành Trình Của Giọt Nước (19)

01/11/20243:03 SA(Xem: 478)
Hành Trình Của Giọt Nước (19)

HÀNH TRÌNH CỦA GIỌT NƯỚC (19)
(tùy bút)


HỒN CỐT XỨ SỞ

Những ngày cuối hạ không khí hầm hập oi bức, thỉnh thoảng lại chợt mát dịu, tiết trời sắp chuyển mùa. Cái thời điểm giao mùa thường làm cho con người ta bâng khuâng.

Cuối Hạ sắp vào Thu, một vài loài cây cảm nhận sớm nhất như: Đào, cherry… lá bắt đầu nhuộm sắc vàng, đó đây lốm đốm sắc vàng giữa ngàn xanh. Xíu và anh em bay về đồng quê du lãng. Trời, cái xứ sở này rộng mênh mông bát ngát. Những xa lộ chạy tới tận chân trời, những con đường kết nối nhau đưa người ta đi khắp bốn phương. Dọc xa lộ là những cánh rừng, đồng cỏ, trang trại… nối nhau xanh mướt mắt. Người nông dân xứ này nhiều phước báo, sống sung túc, đất đai bao la, máy móc nông cụ đủ loại nên con người không phải vất vả như nông dân những xứ nghèo nàn, lạc hậu. Máy móc nông cụ từ làm đất cho đến tưới tiêu, thu hoạch sản phẩm, vừa năng suất cao, vừa đỡ tốn công sức con người. Ở đây có những trang trại vài chục mẫu, vài trăm mẫu hay vài ngàn mẫu đất là chuyện thường. Những ngôi nhà giữa đồng quê sao mà yên ả thanh bình.

Xíu thả hồn lãng du, mặc tình để gió đưa đi đâu thì đi, đi không cần biết đích đến. Xíu ghé vào những tiểu trấn giữa đồng quê như: Ellijay, Chattanooga, Cherokee, Oconee… những cái tên mang đậm màu sắc và âm hưởng ngôn ngữ, văn hóa của thổ dân bản địa xa xưa. Những tiểu trấn nho nhỏ xinh xinh mơ màng trong nắng sớm chiều sương như chưa ra khỏi giấc mơ, mặc cho thời gian cứ trôi qua như tên bay. Những tiểu trấn giữa đồng quê có những đặc điểm chung như thế này: Một tòa thị chính nho nhỏ với kiến trúc thời thuộc địa, một ngôi giáo đường trắng tinh khôi với tháp chuông xinh xinh, những tiệm bánh kẹo và đồ thủ công mỹ nghệ, những tiệm quà lưu niệm, tiệm đồ cổ, những con đường nho nhỏ với quán sá sát mép đường y hệt như những phố cổ phương Đông.

Xíu loanh quanh thơ thẩn khắp các tiểu trấn nhìn ngắm, sờ mó mà cảm nhận cái hồn của xứ sở, dường như hơi thở của người xưa còn quanh quất đâu đây. Người xưa đến đây lập quốc, mở đất. Người xưa đã đi rồi, thời gian đã qua nhưng những tiểu trấn hãy còn đây! Cái hồn cốt của xứ này ở đồng quê, ở những tiểu trấn chứ không phải ở những đô thành to lớn. Sức mạnh của Mỹ ở Pentagon, White House, NASA, Apple, Microsoft, Coca Cola, Mc Donald, Walmart, NFC, Ford...Những thương hiệu này là biểu tượng sức mạnh Mỹ, văn hóa Mỹ nó ảnh hưởng đến toàn thế giới. Những biểu tượng của thời thượng là uống Coca Cola, ăn Big Mc, xem bóng chày, nghe nhạc Rock & Roll… Tuy nhiên cái hồn cốt của Cờ Hoa lại là những đồng quê, những tiểu trấn, nơi ấy đang lưu giữ cái hoài niệm của một thời mở đất lập quốc chưa xa.

Xíu yêu lắm, thích lắm khung cảnh thanh bình của đồng quê, nhìn những đàn bò, ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, những bành cỏ to lớn cuộn lại chờ người đến chở đi. Xíu thăm thú những gian hàng nông sản đổ đống ở đấy, người mua tự lấy và tự bỏ tiền vào cái lon chứ chẳng cần người bán có mặt. Tự dưng Xíu liên tưởng đến tích xưa của người phương Đông thường nói: “Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ, của rơi ngoài đường không ai nhặt”. Những vùng quê của xứ sở này, nông sản để đấy, người mua tự lấy và tự bỏ tiền vào lon, điều này không thể có ở những nơi đô thị hay những vùng sầm uất phát triển. Chính nơi đồng quê này cái văn hóa của người da trắng, văn hóa của thổ dân bản địa chưa bị mai một như ở thành phố. Người ta bảo xứ sở này là cái lẩu thập cẩm (hot pot), có đủ mọi sắc dân và đủ mọi sắc thái văn hóa khác nhau trên thế giới, điều ấy chỉ đúng với các thành phố hay thị trấn chứ còn ở nông thôn thì người da trắng vẫn là tuyệt đối.

Xíu bất chợt nảy ra ý  ghĩ sao ở đây không có ngôi chùa Phật giáo nào cả, bèn đem ý ấy hỏi mấy anh em mình. Giọt Cả bảo:

- Chưa thể được, thời tiết nhân duyên chưa có, đồng quê là lãnh địa của người da trắng, của đạo Tin Lành, Mormon. Đồng quê không có người Á châu, vì vậy chưa có sắc thái văn hóa Á châu và dĩ nhiên là chưa thể có một ngôi chùa Phật giáo. Người đồng quê hầu như chưa có ai biết đến đạo Phật, giả sứ có nghe đến thì họ cũng chưa dễ dàng chấp nhận vì người đồng quê rất bảo thủ.

Xíu tài lanh:

- Sao ta không tạo ra điều kiện, sao không có một Bồ Tát nào thị hiện ở đây để mở chùa, truyền bá Phật pháp?

Cả bọn giọt Xinh, Điệu, Út, Sót… đều hưởng ứng lời Xíu. Giọt Cả bác đi:

- Sao em biết không có Bồ Tát thị hiện ở đây? Bồ Tát vốn vô tướng kia mà, có thể hiện bất cứ tướng trạng nào, bất cứ nơi đâu. Có thể là một chiếc lá cung cấp dưỡng khí, có thể là một giọt nước trong lành như Xíu, có thể là một con người vị tha làm việc vì cộng đồng, có thể là một anh lính cứu hỏa sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu người và vật, có thể là bất cứ hành động nào mà mang lại lợi ích cho người và vật. Bồ Tát không nhất thiết phải mang hình tướng Sa Môn, chùa chiền hay màu sắc Phật giáo. Việc lập chùa ở đây cũng không thể cưỡng cầu, nhân duyên nó thế, thời thế nó thế, nếu cưỡng cầu, chủ quan duy ý chí thì chẳng được gì, chẳng những không có lợi mà còn có thể có hại.

Giọt Út khẽ khàng:

- Anh Hai, em thấy khái niệm Bồ Tát chỉ có ở Phật giáo Bắc truyền chứ Phật Giáo Nam truyền không có. Với Phật giáo Nam truyền thì chỉ có A La Hán và bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

- Ừ, thì giữa hai dòng truyền thừa có sự khác biệt trong nhận thức, lý giải, đó cũng là lẽ thường tình.

Giọt Xinh cũng thắc mắc:

- Em đọc sách, nghe giảng thấy nhiều vị tỳ kheo bên Nam truyền bác và không chấp nhận Bồ Tát, họ cho đó là sáng tạo, hư cấu của Phật giáo Bắc truyền.

-Ừ, thì đúng là có chuyện này nhưng tốt hơn hết không nên so sánh làm gì, việc này để các học giả uyên bác, các vị sa môn xuất chúng luận. Mình cứ giữ đức tin với sự cung kính của mình. Có một điều là các em cũng cần phải biết là có những tên gọi các vị Phật hay Bồ Tát chỉ là mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu trưng chứ không nhất thiết đó phải là một vị Phật hay Bồ Tát. Tỷ như khi niệm Nam mô công đức lâm Bồ Tát, ý nghĩa danh hiệu này nói công đức nhiều như cây trong rừng, công đức nhiều nhưng cũng dễ cháy thiêu hủy mất, bởi vậy làm công đức phải nhớ giữ gìn công đức. Vì vậy danh hiệu này là ý nghĩa biểu trưng chứ không nhất thiết là tên riêng của một vị Bồ Tát. Cũng như thế khi niệm Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, không nhất thiết là có vị Bồ Tát Thanh Tịnh Đại Hảiý nghĩa ở đây là chúng có tâm thanh tịnh như biển. Các em thấy đấy, nước trong đại dương trong sạchtinh khiết biết bao, có gì thanh tịnh hơn nước biển trùng khơi.

Cả bọn Xíu, Xinh, Điệu, Sót, Út…. Ngớ người ra, đồng thanh reo lên:

- Vậy mà hồi nào giờ tụi em đâu có biết!

Giọt Cả giải thích thêm:

- Không chỉ tên gọi Bồ Tát mang tính ẩn dụ mà ngay cả tên các vị Phật cũng hàm ý nghĩa sâu xa, mang tính biểu trưng và ẩn dụ rất sâu sắc. Tỷ như trong kinh A Di Đà nói về danh hiệu Phật ở sáu phương: Phương Đông có Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật có thể hiểu là tên riêng của vị Phật, lại cũng có thể hiểu là núi Tu Di diệu cao, sáng rỡ, thấu suốt, ánh sáng và âm thanh vi diệu là những biểu trưng của Phật. Vô Lượng Tướng Phật là biểu đạt Phật vốn vô tướng, tùy chúng sanhhiện tướng. Đại Diệm Kiên Phật, ẩn ý ánh sáng đẹp từ vai Phật tỏa ra ba ngàn thế giới. Đôi vai gánh vác việc khai ngộ độ sanh. Phật quang vốn phát từ ra từ đầu đến chân, từ mỗi lỗ chân lông, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… đều phóng quang. Quang từ đôi vai càng thêm vi diệu, là ý nghĩa biểu trưng vậy. Lần lượt tên các vị Phật ở các phương khác cũng như thế, vừa lý vừa sự, lý sự viên dung.

Xíu và mấy em nghe giọt Cả nói mà ngẩn người ra, xưa nay chưa từng biết điều này. Xíu nói:

- Cảm ơn anh Hai, nhờ anh mà tụi em vỡ lẽ ra, biết thêm những ý nghĩa trong tên các vị Phật, mở mang thêm chút kiến thức Phật học. Có một điều là anh hai xài nhiều từ Hán – Việt làm tụi em thấy khó hiểu.

Giọt Cả cười khanh khách:

- Ừ, thì từ Hán – Việt khó hiểu thật nhưng những chỗ không thay được nên phải xài, vả lại những từ Hán – Việt cô đọng, ý nghĩa sâu, đa nghĩa nếu chuyển qua từ thuần Việt thì diễn giải thêm dài dòng, rắc rối. Trong tiếng Việt, số lượng từ Hán – Việt rất lớn, thật khó có thể bỏ hay không xài từ Hán – Việt. Mấy em muốn học Phật thì cũng cố gắng học hỏi, tra  từ điển để biết nghĩa của từ Hán – Việt. Kinh sách Phật phần nhiều dịch từ chữ Hán, tuy nhiên cũng có một số dịch thẳng từ tiếng Phạn, Pàli.

Xíu lại hỏi:

- Em thấy kinh điển Nam truyền và Bắc truyền khác nhau quá từ văn phong bút pháp, nội dung...bởi vậy có nhiều vị cho là kinh điển Phật giáo Bắc truyền do các tổ sư Tàu chế ra, còn kinh Phật giáo Nam truyền là nguyên thủy.

- Vấn đề này có từ xưa, nay vẫn cứ bàn cãimai kia ắt cũng tiếp tục bàn cãi. Thật ra chữ nguyên thủy cũng không thậtnguyên thủy vì sau khi Phật diệt độ đến mấy trăm năm chúng đệ tử mới bắt đầu kết tập lại. Còn như bảo Pàli ngôn ngữ thời đức Phật, được chấp nhận để chép kinh, điều này cũng không đúng. Các nhà Phật học đã nghiên cứuchứng minh rồi, kinh Phật từ hai nguồn Pàli và Sanskrit. Kinh Phật Bắc truyền cũng từ Ấn Độ chứ chẳng phải từ Trung Hoa. Pháp sư Cưu Ma La Thập người nước Quy Từ (Kurchar, một tiểu quốc xưa, nay thuộc Kashmir) đã mang kinh tiếng Phạn đến Trung Hoa và đích thân dịch sang tiếng Hán. Ngài Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh sách Pàli, Sanskrit mang về Trung Hoa rồi mới dịch sang Hán ngữ. Kinh điển và hai dòng truyền thừa vốn chịu ảnh hưởng bởi văn hóa bản địa, việc này chúng ta chẳng cần lo, đã có các nhà Phật học uyên thâm, các cao tăng thạc đức lo.

Giọt Xinh xí xọn, giọng nũng nịu:

- Không dưng đang lãng du mà cứ nói chuyện Phật, kinh sách nghe thấy khô khan quá.

Cả bọn nghe thế cười hinh hích. Giọt cả bảo:

- Tụi em chưa thấy được ý nghĩa và sức hấp dẫn của Phật học nên cho là khô khan, một khi “ngộ” được cái ý thâm sâu thì tự nhiên sung sướng lâng lâng ngay. Xưa nay các vị sư phụđồ đệ khi thầm khai ngộấn chứng thì họ tự biết như mình thường nói uống nước nóng hay lạnh thì tự biết. Ờ, mà thôi, hôm nay nhiêu đó đủ rồi hén! Giờ chúng ta phó hội hén!

Lập tức cả bọn tung tẩy bay lên thật cao, một làn gió nhè nhẹ đưa cả bọn về gần thành Ất Lăng hơn, nơi có hòn Stone Mountain là khối đá khổng lồ nổi lên giữa vùng bình nguyên mênh mông, nơi này phong cảnh hữu tình, bình an, yên ả. Nơi này đang diễn ra lễ hội hoa cúc vàng, mở màn cho hàng loạt lễ hội mùa Thu khác của tiểu bang này.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 10 24

Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21452)
12/10/2016(Xem: 19343)
26/01/2020(Xem: 12056)
12/04/2018(Xem: 20284)
06/01/2020(Xem: 11118)
24/08/2018(Xem: 9588)
12/01/2023(Xem: 4016)
28/09/2016(Xem: 25239)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…