Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Phương Đông 2003
LỜI NÓI ĐẦU
Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của khoa học, và nền kinh tế tri thức là một mắt xích chiến lược trong sự phát triển bền vững. Bằng tri thức, con người tạo ra những tiện nghi cho đời sống, kéo dài tuổi thọ và thậm chí tìm cách cướp quyền Tạo hoá. Bằng tri thức, con người đã khám phá ra nhiều bí mật của tự nhiên và vũ trụ, đã khai thác những tài nguyên nơi đại dương bao la và trong lòng đất bí ẩn; đã tiến một bước dài trong việc quan sát các vùng thiên hà cách trái đất hàng nghìn năm ánh sáng.
Tuy nhiên, những bước tiến đột phá của khoa học và sự phát triển tột bực của nền văn minh nhân loại, đến nay vẫn không thể tháo gỡ những bế tắc tinh thần và tình cảm cho con người, không thể diệt trừ tận căn nguyên của tội ác, và nhất là không thể giúp con người tiếp cận chân lý. Sự đối đầu về tư tưởng và quân sự do ý thức hệ, đã chấm dứt vào thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, tưởng mở ra cho nhân loại con đường thênh thang dẫn đến hòa bình phồn vinh, tưởng là khúc dạo đầu của bản giao hưởng hạnh phúc và hy vọng. Nhưng thật sự không phải thế. Hành tinh xanh của chúng ta vẫn còn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố và xung đột khu vực, có thể biến thành ngòi lửa chiến tranh bất kỳ lúc nào. Những vấn nạn về bùng nổ dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, thiên tai bệnh họa ngày càng phức tạp..., tất cả đều là những thách thức lớn mang tính quy mô toàn cầu.
Về mặt xã hội, sự khổng lồ của những luồng thông tin cập nhật qua mạng internet, những trang web hoặc diễn đàn (forum) cá nhân dễ dàng mở ra nhờ các phần mềm biếu không, càng khiến mọi người thấy rõ mặt trái của lối sống hưởng thụ, được khoác lên những hình thức hoa mỹ. Cũng vì choáng ngợp thông tin, am hiểu thời sự, cộng thêm cuộc sống hối hả tranh đua, nên con người dễ bị căng thẳng thần kinh tâm lý. Thuật ngữ chuyên môn gọi là Stress. Biểu hiện của Stress là thay đổi tính tình, dễ cáu gắt bực bội hoặc trở nên chán chường, mệt mỏi. Dần dần ý thức giảm linh hoạt, nhận thức rối loạn, ảnh hưởng nặng đến tâm thức và cuối cùng là đột tử.
Đầu năm 2002, Tiến sĩ Wilcox thuộc Đại học Harvard Hoa Kỳ đã báo cáo trong một nghiên cứu về tuổi thọ, tỷ lệ người dân trên 100 tuổi cao nhất thế giới là ở quần đảo Okinawa Nhật Bản; đặc biệt là số người mắc các bệnh tim mạch, ung thư và đột qụy thấp nhất. Ông kết luận rằng, nguyên nhân do dân bản xứ sử dụng nhiều rau quả và cá làm thực phẩm, vận động nhiều và có tinh thần lạc quan yêu đời. Điều nầy phù hợp với hướng đi mới của các nhà y học trong lĩnh vực điều trị và dự phòng, chủ trương bệnh tật là do mất cân bằng giữa các dòng năng lực sống của cơ thể. Ý tưởng nầy đặt căn bản trên Sinh lực luận, một quan điểm triết học cho rằng “năng lực sống” của con người quyết định sức khoẻ và sự sống. Vì thế, khác với y học thường quy quan tâm đến những nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài, các nhà nghiên cứu ngày nay chú trọng việc khôi phục sự cân bằng từ bên trong, nghĩa là phát huy khả năng tự điều trị cho chính mình. Trong đó, Thiền được xem là một phương tiện điều trị hữu hiệu nhất.
Quyển
sách nầy không nói về Thiền như một phương thuốc chữa
trị hay phòng bệnh, vì mục đích tối hậu của hành giả
tu Thiền là Giác ngộ và Giải thoát. Tuy nhiên, vì Phật pháp
và thế gian pháp không thể tách rời, nên thiền sinh không
xa rời thế gian tìm cầu Phật pháp, cũng không trốn tránh
thế gian hưởng hạnh phúc riêng mình. Thiền trong đời thường
là sự hòa hợp nhịp nhàng giữa một khối óc minh triết
và một trái tim nhân hậu, nghĩa là hòa quyện giữa trí tuệ
và từ bi. Con đường thiền tập là chánh niệm tỉnh giác,
chứng nghiệm vào thực tại sống động. Khi tâm an định,
hành giả có sự trầm tĩnh sáng suốt thích nghi với mọi
hoàn cảnh thuận nghịch, giải quyết mọi vấn đề một cách
tốt đẹp nhất. Một mặt, hành giả làm tròn tracùh nhiệm
đối với gia đình và cộng đồng, một mặt dốc toàn lực
vào việc lớn của đời mình, là nhận ra và hằng sống với
tự tánh bản lai. Chỉ có thể tánh thanh tịnh ấy mới vĩnh
viễn thường còn, mới là hạnh phúc đích thực, và luôn
lung linh tỏa sáng trong sự biến động muôn màu muôn vẻ của
cuộc sống. Bằng những bước chân tự do và vong ngã, hành
giả nhập vào dòng sống luân lưu, thực hiện lợi ích cho
mình và nhiêu ích cho mọi người mọi vật. Có thể nói, tinh
thần Thiền tông là sống với bản tâm thanh tịnh trong cuộc
sống đời thường, là đóng góp công sức mình vào hạnh
phúc chung của cộng đồng nhân loại.
Khoa
học và văn minh càng phát triển, thế giới càng trở nên
nhỏ bé, con người càng tùy thuộc vào nhau một cách sâu sắc
và toàn diện. Việc xây dựng một thế giới hòa bình thịnh
vượng không phải trách nhiệm của riêng một tổ chức hay
quốc gia nào, mà cần có sự hợp tác chặt chẽ của toàn
thể cộâng đồng; trong đó, vai trò của cá thể trong đời
sống tập thể là yếu tố quan trọng và quyết định. Ý
thức vai trò ấy, những người con Phật chúng ta thấy trách
nhiệm của mình vô cùng lớn lao và cao quý. Cho nên, xin hãy
thông cảm nhau bằng trái tim trong sáng và từ bi để chung
tay tịnh hoá cuộc đời. Khi tất cả mọi người đều sống
theo tinh thần Đạo Phật nhập thế, thì cõi Ta bà sẽ trở
thành Tịnh độ nhân gian.
Những
điều bình thường nhất lại tiềm ẩn ý nghĩa sâu mầu uyên
áo nhất, khó diễn đạt bằng ngôn ngữ thế gian. Chúng tôi
không dám có tham vọng gởi đến quý độc giả một thông
điệp hòa bình, chỉ mong những điều trình bày sau đây đem
lại vài lợi lạc nhỏ trong phạm vi rộng lớn của cuộc
sống thường nhật. Hy vọng quý vị tùy hỷ và vui lòng chỉ
bảo những thiếu sót trong quyển sách nầy. Trong tinh thần
cầu tiến, chúng tôi xin chân thành cảm tạ mọi đóng góp
xây dựng của các bậc Tôn túc cao minh và tất cả chư vị.
Nếu quyển sách nầy có được chút ít công đức nào, công
đức ấy đều thuộc về pháp giới chúng sanh.
Thiền
thất Viên Giác
Nha
Trang, mùa đông Nhâm Ngọ 2002 - PL. 2546
Thích
Thông Huệ
Người
gửi bài: Toàn Trung
07-31-2007
05:15:13