Hiện Tượng Osho - Hoàng Liên Tâm

03/12/201012:00 SA(Xem: 76215)
Hiện Tượng Osho - Hoàng Liên Tâm

HIỆN TƯỢNG OSHO
Hoàng Liên Tâm

osho_laughingMột hiện tượng, tưởng rằng đã chết khi ông Osho tức Bhagwan Shree Rajneesh bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về Ấn Độ vào năm 1987, nay đang có những chỉ dấu sống dậy, không phải chỉ trong cộng đồng Oregon, Hoa Kỳ như trước đây mà là trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và có thể ở cả trong nước qua một số sách do Osho giảng được Sư cô Thích nữ Minh Tâm và hội Osho International Foundation dịch ra Việt ngữ. Một số sách đó được bầy bán tại các nhà sách ở quận Cam Hoa Kỳ và quảng bá qua liên mạng Internet. Họ cũng rao quảng cáo trên một vài nhật báo xuất bản ở miền Nam California, kêu gọi đóng góp tiền ấn tống hai quyển sách Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Kim Cương giảng giải.

Nhằm tìm hiểu hiện tượng này, người viết đành phải bỏ thì giờ ra đọc một số tác phẩm của Osho qua các ấn bản giấy và ấn bản điện tử do thân hữu hội Osho gửi đến. Càng đọc, người viết càng cảm thấy có bổn phận phải viết ra đôi lời để những độc giả, hoặc không biết hay đã biết về Osho, có cái nhìn bao quát hơn về những khía cạnh khác của ông này.

Mặc dù đã dựa chủ yếu vào các nguồn căn bản cho phần tiểu sử Osho, người viết thấy cần phải đưa thêm vào những tin tức khả tín nhất về ông Osho, nhằm mô tả hình ảnh Osho một cách trung thực.

Bài viết được chia làm hai phần, phần đầu viết về con người của Osho và phần sau viết về một vài tác phẩm của ông giảng dạy về đạo Phật, như Kinh Kim CươngBát Nhã Tâm Kinh.

 

PHẦN I:
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Tên thực của Osho là Acharya Rajneesh, sau đổi là Bhagwan Shree Rajneesh (1931-1990). Ông sanh ngày 11 tháng 12 năm 1931 tại làng Rajneesh Chandra Mohan tỉnh Kuchwara, miền Trung Ấn Độ. Vào cuối đời ông đổi tên là Osho. Song thân ông theo đạo Kỳ Na (Jainism), nhưng bản thân ông chưa từng gia nhập một tôn giáo nào trong suốt quãng đời của ông. Từ lúc còn bé, Osho đã tỏ ra là một con người có cá tính độc lập, cương quyết, nổi loạn và luôn luôn bảo hộ ý kiến của mình. Theo sách của ông ghi lại, ông đã đạt định “samadhi” và chứng ngộ vào ngày 21 tháng 3 năm 1953 lúc ông 21 tuổi. Rajneesh đậu bằng Cao học Triết từ viện đại học University of Saugar. Sau đó ông dạy Triết học tại viện đại học University of Jabalpur trong chín năm. Cùng thời gian đó ông đi du thuyết nhiều nơi và trở nên một nhà lãnh đạo tôn giáo.

Năm 1966, ông từ nhiệm việc giảng dạy tại viện đại học Jabalpur và tập trung các nỗ lực vào việc giáo huấn cho các đệ tử theo ông. Ông thường tiếp các nhóm tu họccá nhân ở căn hộ apartment của ông ở Bombay, ông hành xử như là vị lãnh đạo tâm linh của họ. Phần lớn các đệ tử của ông đến từ Âu Châu và đã ở Ấn từ vài năm trước.

Năm 1974, Osho từ bỏ Bombay đến thành phố Pune (Poona), miền Nam Ấn thiết lập trung tâm tu học. Có nguồn tin từ những người chống đối ông cho rằng việc ông rời Bombay là do những sự chống đối của cư dân địa phương. Thực tế việc đến Pune là do nhu cầu phát triển cơ sở hầu thoả mãn chỗ ăn ở và tu tập cho các đệ tử. Trung tâm tu học mới rộng sáu mẫu, nằm ở ngoại ô thành phố Pune. Người ta ước tính có tới năm mươi ngàn người Tây Phương đã đến đây tu học để tìm cầu giác ngộ với ông. Vào năm 1979, ông nhìn thấy phong trào tu học theo ông như là một con lộ nhắm hướng bảo hộ dòng giống sinh sản mới cho nhân loại. Ông nói: “Nếu chúng ta không thể tạo ra những người mới trong hai mươi năm tới, thì nhân loại sẽ không có tương lai. Cuộc tàn sát kiểu holocaust trên quả địa cầu chỉ có thể được ngăn chặn nếu chúng ta cho ra đời những con người mới”.

Osho dạy một loại thiền mới, một loại thiền động (dynamic meditation) mà ông lấy từ các đạo Kỳ Na giáo (Jainism), Ấn Giáo (Hinduism), Phật Giáo, Lão Giáo (Taoism), Thiên Chúa Giáo (Christianity) và một vài tư tưởng triết học nổi tiếng đương thời, rồi pha trộn thành của mình.

Năm 1980, ông bị một người theo Ấn Giáo tấn công bằng dao trong khi ông đang thuyết giảng. Vết thương không nặng nhưng do sức khoẻ của ông vốn yếu kém từ những năm trước đây nay trở nên tồi tệ hơn. Một vài đệ tử thân cận với ông cho biết ông thường hay đau yếu và mắc phải hội chứng mệt mỏi (Chronic Fatigue Syndrome CFS), bị bệnh tiểu đường loại 2, bệnh đau bắp thịt, bệnh cao áp huyết và thường xuyên dùng thuốc Valium.

Năm 1981 ông rời Ấn Độ qua Hoa Kỳ chữa bệnh. Các đệ tử của ông mua một nông trại rộng 65,000 mẫu tại Big Muddy Ranch, Dalles, Wasco County, bang Oregon với giá 6 triệu dollars. Nông trại này sau đó được đổi tên là Rajneeshpuram . Ông đã thiết lập được một làng tâm linh tu học rộng lớn cách thị trấn Antelope 12 miles với một giảng đường rộng 88,000 square foot, một sân bay nhỏ và 4000 hội viên thường trú, một số được trang bị súng phòng thủ. Đời sống trong làng bị nhiều áp lực từ ban lãnh đạo của Oshọ cho đến chính quyền địa phương. Nhiều cư dân địa phương xung quanh sống lâu đời ở đây đã dị ứng với những người mới đến này. Họ chống đối sự hiện diện của nhóm người do ông lãnh đạo, và vì vậy đã có những sự va chạm lẫn nhau. Thành phố từ chối cấp giấy phép xây cất và ra lệnh triệt hạ những cơ sở đã xây không có giấy phép. Khi các viên chức chính quyền địa phương ngăn cản việc xây cất không có phép, thì văn phòng chính quyền liền bị nhóm người lạ mặt ném chất nổ.
Do hội đồng thành phố tiếp tục từ chối cấp giấy phép xây cất, nên các đệ tử của Osho bầu người của mình vào hội đồng thành phố. Tân hội đồng thành phố lãnh đạo bởi phe thân Osho, đổi tên Antelope thành City of Rajneesh.

Hai phụ tá cao cấp của Osho là Sally-Anne Croft và Susan Hagan bị truy tố liên quan đến một số tội ác, bao gồm cả tội dự mưu ám sát vị luật sư công tố Charles Turner và vị bác sĩ riêng của Osho. Hai viên phụ tá này bị kết tội 5 năm tù ở với tội danh âm mưu ám sát viên luật sư công tố liên bang Charles Turner, trong âm mưu ngăn chặn việc đóng cửa nông trại. Một số phụ tá khác của Osho chạy thoát về Thuỵ Sĩ, ở đó họ còn nắm giữ một số trương mục ngân hàng cho tổ chức Osho.

Năm 1983, thư ký riêng Sheela Silverman của Osho thay mặt Osho tuyên bố sẽ có đại cơn tàn phá địa cầu trong khoảng từ 1984 và 1999. Các thành phố Tokyo, New York, San Francisco, Los Angeles, Bombay sẽ bị xoá tên khỏi bản đồ thế giới. Điều tiên đoán này không xảy ra và người ta cũng nghi ngờ điều tiên đoán đó không phải của Osho.

Theo tài liệu lưu giữ tại Quốc Hội Hoa Kỳ Congressional Record và ghi lại trong quyển sách Germs, New York Times reporter Judith Miller, [Simon & Schuster Book] cho biết một số đệ tử của Osho là thủ phạm gieo rắc vi khuẩn Salmonella tại một số nhà hàng bán salad bar nhằm đe doạ cư dân ủng hộ dự án luật ngăn cấm các hoạt động của Osho. Trong vụ này có 751 người nhiễm vi khuẩn Salmonella. Sự cố này đã gây chấn động ở Hoa Kỳ vào năm 1984 khi được các đài truyền hình quốc gia như ABC News, Lehrer NewsHour of Public Television loan tải trong ngày 1 tháng 10 và trên tuần báo Time Magazine, số ra ngày 3 tháng 10, với tựa đề là "America's First Bioterrorism Attack." [01], [02], [03]

Lo sợ bị chính quyền áp dụng biện pháp mạnh, một số đệ tử của Osho đã thu xếp cho ông di chuyển đến thành phố Charlotte, bang North Carolina. Nhưng báo Origonian cho biết là Osho đã được các đệ tử đưa đi trốn qua vùng hải đảo, biển Caribbien bằng một máy bay riêng của ông, nhưng bị chận bắt khi máy bay dừng tiếp tế nhiên liệu tại Charlotte, North Carolina. Osho bị bắt giữ vì đã liên tiếp vi phạm luật di trú Hoa Kỳ. Ông bị kết tội môi giới làm giả hôn nhân cho những đệ tử mang quốc tịch Ấn kết hôn với những đệ tử mang quốc tịch Hoa Kỳ để hợp pháp hoá việc định cư. Osho cũng bị truy tố về tội khai man trên những giấy tờ di trú.

Năm 1987 Osho nhận tội, bị phạt 400 ngàn Mỹ kim và trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Ông trở về lại Pune (Poona) Ấn Độ, ở đó sức khoẻ của ông trở nên trầm trọng. Osho quyết định khai tử tên Rajneesh (có lẽ là để dấu khuôn mặt thật của ông bị lộ diện ở Hoa Kỳ) và khai tên mới là Osho. Ông từ gĩa cõi đời ngày 19 tháng 1 năm 1990. Giấy khai tử ghi nguyên do tử vong là bệnh trụy tim.

Vào thời kỳ cao điểm, có khoảng 200 ngàn hội viên và 600 trung tâm tu học trên thế giới. Osho bị nhiều nhóm chống đối coi ông như là một giáo phái ma quỷ (an evil). Ông cũng được họ gọi là “sex guru” vì ông quảng bá mạnh mẽ về sex. Ông cho rằng “sự thèm khát dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thành chiếc thang mà qua đó đạt tới ngôi đền của tình yêu", rằng "dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thành phương tiện để đạt tới siêu tâm thức, đạt tới định samadhi. Ông chỉ bày kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu. Xin trích đoạn: “… Việc thở của người ta càng nhanh, thì thời gian giao hợp càng ngắn; hơi thở người ta càng bình thản và chậm chạp thì việc đó càng kéo dài hơn. Và việc giao hợp càng kéo dài lâu, thì càng nhiều khả năng từ dục tạo ra cánh cửa tới samadhi, một kênh cho siêu tâm thức. …. Vào lúc giao hợp chúng ta ở gần với Thượng đế. Thượng đế tồn tại trong chính hành động sáng tạo cho sinh thành nên cuộc sống mới, và do vậy thái độ của người ta nên giống như thái độ của người đi vào chùa chiền, đền đài hay nhà thờ. Vào lúc cực khoái chúng ta ở gần nhất với đấng Tối cao (From Sex To Super-Consciousness – Osho International Foundation)

Osho phát triển một dạng thiền năng động mới mẻ, được nhiều người biết với tên Dynamic Meditation, thường khởi đầu với các hoạt động mạnh mẽ về thể chất như nhảy múa với âm nhạc kích động, sau đó là thiền im lặng. Phương pháp thiền này, theo Osho, có thể phát triển đến một trạng thái “không tính” và đạt đến giác ngộ. Hành giả sau đó sẽ trở thành “no past, no future, no attachment, no mind, no ego, no self”

Trong thập niên 1980, các đệ tử của Osho thường mặc y phục toàn màu vàng cam đậm (có khi màu nâu đỏ), không phải chỉ có áo choàng. Vì vậy, họ được gọi là "Orange People". Tên gọi nầy khá phổ thông trong thời kỳ đó. Osho ban tước hiệu mới cho đệ tử. Nam được gọi là “Swami” và nữ được gọi là “Ma”. Mặc dầu đa số đệ tử sống trong môi trường khiêm tốn và đơn giản, nhưng Osho, ngược lại, sống trong xa hoa lộng lẫy, tư thất ông ở có máy điều hoà không khí, có bồn tắm nước nóng. Ông có 27 chiếc xe hơi mang hiệu Rolls Royces do các đệ tử hiến cúng. (Có sách nói 93 chiếc)

Osho dạy rằng Thượng đế trong mọi ngườihiện diện mọi nơi chốn. Không có gì ngăn cách giữa God và Not God. Ông thừa nhận Jesus Christ đã giác ngộtin tưởng là Jesus còn sống sau khi bị đóng đinh trên cây Thập tự giá và trốn qua Ấn Độ, ở đó Jesus chết lúc 112 tuổi.

Osho nói rằng ông không chỉ định người kế vị khi ông qua đời, vì tất cả các đệ tử của ông đều sẽ là những người kế vị ông. Tuy nhiên, trước khi chết, ông đã chỉ định một hội đồng gồm 21 người điều hành trung tâm tu học Pune. Trung tâm này đã được phát triển từ 6 mẫu thành 32 mẫu. Ngày nay họ điều hành 20 trung tâm trên khắp thế giớitrở thành một tổ chức kinh doanh với lợi tức hàng năm lên đến nhiều triệu Mỹ kim. Ảnh hưởng chính của Osho bây giờ chính là những sách viết của ông. Cũng nên biết hai phụ tá cao cấp của Osho là Sally-Anne Croft và Susan Hagan bị kết án 5 năm tù ở Oregon hồi năm 1995, đã được phóng thích trước thời hạn mãn tù vào tháng 6 năm 1998 và bị trục xuất về Anh Quốc.

PHẦN 2:
ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN ĐẠO

Nói rằng ông Osho là một Đạo Sư và những lời giảng dạy của ông là Giáo lý thì không đúng vì tất cả những lời giảng của ông không có gì mới lạ, chỉ là sự góp nhặt rồi pha trộn từ một số giáo lý của các đạo Kỳ Na giáo (Jainism), Ấn Giáo (Hinduism), Phật Giáo, Lão Giáo (Taoism), Thiên Chúa Giáo (Christianity) và một vài tư tưởng triết học đương thời. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc giảng dạy môn Triết học tại đại học, rồi từ đó chuyển qua dạy về khoa Tâm linh cho những đệ tử và những người theo ông. Thị trường khoa Tâm linh học ở Ấn Độ thời đó rất cạnh tranh và ông là một người giỏi về tiếp thị. Ông đã tung ra thị trường một sản phẩm mới nhiều hấp dẫn. Đó là những lời hứa hẹn “giác ngộgiải thoát” bằng một đường lối rất quyến rũcon đường tình yêu và tình dục; mà ông tin rằng sẽ được đón nhận ở cả phương Tây lẫn phương Đông.

Mặc dầu là một người độc tài, độc tôn, độc đoán, nhưng ông lại là một nhà thuyết giảng có tài, có mãnh lực quyến rũthuyết phục người nghe, người đọc. Văn tiếng Anh ông viết giản dị, sáng sủa. Ông thuyết giảng rất nhiều và thuộc đủ mọi đề tài.

Với Phật Giáo, ông ca ngợi đức Phật, dùng những thuật ngữ nhà Phật, nên người đọc, nhất là những Phật tử mới vào đạo hay những người có ý muốn hướng về một nền đạo học Đông Phương cảm thấy thích thú và gần gũi với ông. Ông nói thao thao bất tuyệt về kinh Kim Cương, Bát Nhã Tâm KinhKinh Pháp Cú. Ông thuyết giảng về Vô NgãKhông Tánh của Phật Giáo. Ông cũng giảng và đề cao nhiều pháp thiền định khác nhau của nhiều tôn giáo, như của Mật tông: Kundalini, Mandala và Tình Dục, lẫn của cả Thiền Minh Sát Vipassana của Phật giáo Nam Tông, cũng như thiền quán âm thanh của kinh Lăng Nghiêm v... v… Ông có lối diễn giảng như hỏa mù, vừa ca ngợi, vừa xuyên tạc đạo Phật (một cách tinh vi), lại vừa lợi dụng uy tín của đức Phật, dùng đức Phật như một cái dù che; nhưng thực chất bên trong nôị dung những điều ông giảng lại chứa đựng những tư tưởng đối nghịch với tư tưởng nhà Phật. Đây chính là điều mà người ta thường gọi là “cái bẫy của ngôn ngữ”.

Chúng ta hãy đọc một đoạn của Osho dưới đây: ”Đừng lo sợ gì cả, vì toàn bộ tiến trình giáo lý Bát Nhã Tâm Kinh sẽ giúp anh phóng thể, khai sáng cái bản ngã: cái “Tôi” đó thực không hiện hữu – chỉ cái “Tôi” đó là cái duy nhất không hiện hữu, không thực! Ngoài ra tất cả đều thực có. Có nhiều đạo sư đã nói: “Thế giới này là ảo ảnhlinh hồn mới hiện hữu – cái ‘Tôi” là thực, ngoài ra đều là ảo giác.” Đức Phật lại giảng trái ngược lại: “Cái Tôi là không thực, còn những thứ khác là thực.” Tôi đồng ý với Đức Phật về quan điểm này hơn tất cả những lập thuyết, quan niệm của những đạo sư khác…[Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích nữ Minh Tâm]

Đức Phật không hề nói “cái Tôi là không thực, còn những thứ khác là thực” Những người am tường giáo lý đạo Phật đều biết trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, Đức Phật đều là tuỳ căn cơ, hay nói một cách khác, tuỳ bệnh “chấp thật” của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau. Ngài phá chấp thật: phá Ngã chấp, Pháp chấpKhông chấp; [01] ngay cả lời nói của Ngài, Ngài cũng nói là vọng tưởng, chớ nên chấp thật.

Một đoạn khác, cũng trong Bát Nhã Tâm Kinh, Osho cho rằng Tiểu ngã hoà nhập vào Đại ngãNiết Bàn: “Chỉ có người nào yêu và thiền định thì mới có thể chết tỉnh thức được. Và một khi anh chết trong tỉnh thức rồi, thì anh không cần phải lộn lạo luân hồi trở lại cuộc đời này nữa, vì anh đã học xong bài học thế gian rồi. Rồi anh tan biến vào vũ trụ, hội nhập vào đại thể, hoà mình vào chân ngã – đó là Niết Bàn tịch tĩnh đấy, anh ạ! [Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích nữ Minh Tâm]

Đây chính là quan niệm của Ấn Độ giáo hay Bà La Môn Giáo. Đối với Phật giáo thì mọi khái niệm, tư tưởng về Bản Ngã, dù là Tiểu Ngã hoặc Đại Ngã đều bị quét sạch, kể cả cái công cụ quét cũng bị quét luôn. Ngay cả đến giáo lý của Phật giảng dạy cũng chỉ được coi là phương tiện như con đò đưa người qua sông. Khi đã đến được bến đò thì phải bỏ đò và người đưa đò tức Phật cũng phải bỏ luôn và phải bỏ luôn cả cái vọng chấp gọi là bến đò nữa mới có thể đạt tới cái mà sách vở tạm dùng ngôn từ mà gọi là Niết Bàn, Chơn Như.

Còn trên phương diện hành trì, giáo lý nhà Phật chủ trương diệt dục vì dục là nguồn gốc của khổ đau và luân hồi thì Osho lại chủ trương ngược lại. Ông đề cao dục, ca ngợi dục, quảng bá dục; nhất là tình yêu và tình dục, ông dành nhiều buổi thuyết giảng về tình dục và viết thành một quyển sách nói về Dục. Ông chỉ dạy kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu. Nên lưu ý, đây là điểm quan trọng trong quá trình truyền đạo của ông, là “đường lối hành trì” để hành giả đạt đến giác ngộ giải thoát, đến Niết Bàn hay Thượng Đế” của cái gọi là “giáo lý” của “Đạo sư Osho”. Xin trích đoạn:

“..Nhưng người đã nghiên cứu về dục, người đã đi sâu vào nó, người đã thiền về những kinh nghiệm nhiều kiếp, đều nêu ra rằng nếu giao hợp chỉ kéo dài một phút thì con người sẽ ham muốn nó lần nữa vào ngày hôm sau, nhưng nếu nó có thể được kéo dài trong ba phút thì người đó sẽ không nghĩ về dục trong một tuần tiếp sau. Hơn nữa, họ đã quan sát rằng nếu giao hợp có thể được kéo dài trong bẩy phút thì người đó sẽ tự do khỏi dục đến mức không ý nghĩ đam mê dục nào nẩt sinh trong người đó trong ba tháng. Và nếu thời kì giao hợp có thể kéo dài ba giờ thì người đó sẽ tự do với dục mãi mãi; người đó sẽ không bao giờ ham muốn nó lần nữa!

Nhưng kinh nghiệm của con người nói chung chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc; thậm chí khó mà tưởng tượng được một thời kì ba giờ. Tuy nhiên, tôi lặp lại: nếu một người có thể vẫn còn trong tư thế giao hợp, có thể vẫn còn trong samadhi đó, trong sự chìm ngập ba giờ, thế thì chỉ một hành động giao hợp đó cũng đủ để giải phóng người đó khỏi dục cho phần còn lại trong cuộc đời mình. Nó để lại sau một kinh nghiệm mãn nguyện, một kinh nghiệm phúc lạc đến mức nó kéo dài cả đời. Sau việc giao hợp hoàn hảo đó thì không còn rào chắn để đạt tới vô dục thực sự.

Thậm chí sau cả đời kinh nghiệm dục chúng ta cũng chẳng bao giờ đạt tới bất kì đâu gần cái giai đoạn tối cao đó, gần điều thiêng liêng đó. Tại sao? Người ta đạt tới tuổi già chín muồi, đi tới cuối cuộc sống của mình, nhưng người đó chưa bao giờ được tự do khỏi sự thèm khát dục, khỏi niềm đam mê giao hợp. Tại sao? Bởi vì người đó chưa bao giờ hiểu mà cũng không được bảo cho về nghệ thuật dục, về khoa học dục. Người đó chưa bao giờ xem xét nó; người đó chưa bao giờ thảo luận về nó với người đã chứng ngộ.

Bạn có thể ngần ngại rằng một kinh nghiệm mà thường chỉ kéo dài một khoảnh khắc lại có thể được kéo dài trong ba giờ, cho nên tôi sẽ nêu ra cho bạn một số điểm chỉ dẫn. Nếu bạn chú ý tới chúng, thì cuộc hành trình tới vô dục sẽ trở nên đơn giản hơn.

Việc thở của người ta càng nhanh, thì thời gian giao hợp càng ngắn; hơi thở người ta càng bình thản và chậm chạp thì việc đó càng kéo dài hơn. Và việc giao hợp càng kéo dài lâu, thì càng nhiều khả năng từ dục tạo ra cánh cửa tới samadhi, một kênh cho siêu tâm thức. Như tôi đã nói trước đây, việc hiểu về vô ngã, về vô thời gian, bắt đầu hé mở ra cho con người trong samadhi-dục đó. Việc thở phải rất chậm. Việc làm chậm hơi thở sẽ mở ra viễn cảnh ngày càng sâu sắc hơn của nhận thức rõ.

Một điều khác cần phải nhớ trong hành động giao hợp là ở chỗ nhận biết của bạn nên được tập trung vào giữa hai con mắt, ở chỗ của agnichakra. Nếu sự chú ý được tập trung vào đó, thì thời hạn cực đỉnh có thể được kéo dài - thậm chí tới ba giờ. Và một hành động giao hợp như vậy có thể bắt rễ chắc chắn một người vào mảnh đất của vô dục - không chỉ cho kiếp sống này mà cho kiếp sống tiếp nữa..” [Osho: Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức (Bài nói thứ 4)©Osho International Foundation]

Có người cho rằng những điều giảng trên không phải là của Phật giáo mà là của Mật Giáo Ấn Độ hay như Osho gọi chung chung là Mật tông.

Thêm vào đó, tình yêu và tình dục nam nữ mà Osho đề cao cũng được ông giảng lồng vào trong các kinh Phật, như trong kinh Kim CươngBát Nhã Tâm kinh. Điều này xác nhận tư tưởng của ông đối nghịch với giáo lý nhà Phật như nước với lửa. Xin trích đoạn: “…Chỉ có tình yêu lan tràn ra thế giới mới đem đến cách mạng. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại, chủ nghĩa phát xít đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã thất bại. Tất cả các "chủ nghĩa" đều thất bại bởi vì sâu bên dưới tất cả chúng đều kìm nén dục. Về phương diện này, không có sự khác biệt giữa Washington và Moscow, Bắc kinh và Delhi không có khác biệt nào hết cả. Tất cả họ đều đồng ý về một điểm rằng dục cần phải bị kiểm soát, rằng người ta phải không được phép có niềm vui hồn nhiên trong dục. Mật tông tới để lập lại quân bình. Mật tông là phương thuốc cho nên nó nhấn mạnh quá nhiều vào dục. Những cái gọi là tôn giáo nói dục là tội lỗi, còn mật tông nói dục là hiện tượng thiêng liêng duy nhất. Mật tông là phương thuốc. Thiền không phải là phương thuốc. Thiền là trạng thái khi bệnh tật đã biến mất và tất nhiên, cùng mất đi với bệnh thì phương thuốc cũng mất đi nữa. Một khi bạn được chữa lành khỏi bệnh, bạn không còn giữ lại toa thuốc và cả lọ thuốc và thuốc với mình. Bạn vứt chúng vào sọt rác. Xã hội thông thường chống dục; Mật tông tới để giúp loài người, để trả lại dục cho loài người. Và khi dục đã được trả lại, thì nảy sinh Thiền. Thiền không có thái độ. Thiền là sự mạnh khỏe thuần khiết. " [Osho: Kinh Kim Cương Việt dịch: Như Không]

“…Khi anh ân ái giao hợp với một người phụ nữ anh thương, cái tột đỉnh của khoái lạc chính là đỉnh cao của Chân Không. Ngay giây phút Chân Không hay khoái lạc cực điểm đó, người đàn bà không còn là người đàn bà nữa và người đàn ông cũng không còn là người đàn ông nữạ Những hình thái nam nữ đó đã biến mất. Cái tính chất phân cực, sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà không còn đó nữa, sự căng thẳng không còn đó nữa; tất cả đã tuyệt đối buông xả, thư giản hoàn toàn…” [Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích Nữ Minh Tâm]

Những lời ông giảng về kinh Phật và hành thiền nghe thật hấp dẫn, rất êm tai, nhưng theo ông, hành giả chỉ có thể đến được với nó qua đường tình yêu và tình dục. Đây chính là viên thuốc độc bọc đường để mê hoặc lòng người và đó chính là cái bẫy của ngôn từ, nên những người mới vào đạo Phật cần phải lưu ý mà tránh xa. Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 đã cảnh giác những ai đi theo con đường dâm (sex), Ngài nói: “…Nói chung sự tà dâm được thực hiện bởi sự tham muốn, nhưng người ta cũng có thể làm như thế bởi lòng sân hận, như khi một người ngủ với vợ của một kẻ thù. Cũng thỉnh thoảngđược thực hiện do sự vô minh, cho rằng qua sự giao hợp người ta có thể đạt được các chứng ngộ vĩ đại” [Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom, Dalai Lama Thứ 14 - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999]

Cũng nên nói thêm, trong cuốn Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức, Osho khẳng định khôngcon đường nào khác hơn để đi đến samadhi là phải qua con đường tình dục:“Con đường từ dục tới samadhi là con đường dài. Samadhi là mục tiêu tối thượng; dục chỉ là bước đầu tiên. Và tôi muốn chỉ ra rằng những người từ chối thừa nhận bước đầu tiên, người chỉ trích bước đầu tiên, thì thậm chí không thể nào đạt tới bước thứ hai được. Họ không thể nào tiến bộ được chút gì. Điều bắt buộc là phải tiến bước thứ nhất có ý thức, hiểu biếtnhận biết. …”

Trong một bài giảng khác, Osho cũng xác nhận rằng: “Sex contains samadhi, because life contains God. Move from sex to samadhi, from sex to superconsciousness; this is the only natural and rightful way. Don't get stuck anywhere in sex. I teach you sex and transcendence both, because the transcendence is possible only through it. And the people who are teaching repression are not teaching transcendence. In fact, they go on pouring more mud on you. They go on forcing you deeper in the mud because there is no possibility of transcendence if you have not moved through these sexual stages of autoeroticism, of homoeroticism, of heteroeroticism, and then to transcendence. And the lotus blooms, the one-thousand-petalled lotus. You are containing it in yourself. Avoid the priests and the politicians and you can achieve it. They are standing in the way…” [Osho: The Secret of Secrets, Vol 2, Chapter 15 (Available on Audio only) Talks by Titles Subject Index - Audio Talks © Osho International Foundation 1995]

Khi giảng về Thiền Định trong Bát Nhã Tâm Kinh, Osho giảng huyên thuyên, dùng toàn thuật ngữ Phật giáo nhưng chỉ có chữ mà không có nghĩa, hầu như khôngliên hệ gì với giáo lý nhà Phật, lại còn có những điểm trái ngược với Phật giáo, như khi giảng về thiền định, ông phân chia Thiền Định làm hai lực đối kháng nhau: Thiền là một cái gì “yên tĩnh, ôn hòa, sâu lắng” trong khi đó Định thì có bản chấtbạo hành, cá nhân bản ngã…” Chúng ta hãy đọc thử một đoạn: “…Định là ý thức đối đãi, nhị nguyên: bởi thế Định tạo ra sự mệt mỏi, chán ngán, cho nên khi anh tập trung vào một đối tượng nào, anh cảm thấy mệt lả. Anh không thể tập trung suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ liền được, anh phải nghỉ ngơi. Sự tập trung không bao giờ có thể trở thành bản chất của anh được. Thiền không bao giờ làm cho anh mệt mỏi. Thiền không bao giờ làm cho anh đuối sức. Anh có thể thiền hai mươi bốn giờ đồng hồ liền hay ngày nọ qua ngày kia, năm nọ qua năm kia. Thiền có thể trở thành vô tận vì chính bản chất thiền là thư thái, an nhiên, tuyệt đối không căng thẳng, mệt lả, đuối sức. Định là một hành động, một loại hành động có ý chí mạnh mẽ. Còn Thiền là trạng thái không ý chí, một trạng thái vô hành….Trong Định, chúng ta đã có sẵn một kế hoạch, một dự án, một tư tưởng trong tâm trí. Khi anh tập trung tâm trí vào một đối tượng, đầu óc anh hoạt động dữ dội, anh thấy rõ là anh đang quán chiếu cái gì, tập trung tâm ý vào cái gì, vì tập trung hiện ra từ vùng quá khứ….Định sẽ khiến anh trở thành một con người ý chí. Nhưng thiền sẽ đưa anh đến Chân Không, sẽ đưa anh đến vùng Chân Như tự tại. Đó là chính xác những gì Phật nói với Xá Lợi Phất…[Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích Nữ Minh Tâm]

Trong khi đó, Định theo Phật giáo là “trạng thái chú tâm lên một đối tượng duy nhất bằng sự lắng lọc từ từ của tâm. Định là một dạng tâm thức, trong đó không còn tính nhị nguyên, trong đó chủ thể biến thành một với khách thể, lúc đó chỉ còn một "kinh nghiệm tâm thức" là có thật. Khả năng đạt định là một trong những điều kiện tiên quyết để tu tập Thiền…, hành giả nhờ Định (s: samadhi) mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức, trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục dần dần suy giảm. Một khi hành giả trừ Năm chướng ngại thì đạt được bốn cõi thiền (Tứ thiền định) của sắc giới (xem Ba thế giới), đạt được Lục thông (s: abhij) và tri kiến vô thượng. Tri kiến này giúp hành giả thấy rõ các đời sống trước của mình, thấy diễn biến của sinh diệt và dẫn đến giải thoát mọi Ô nhiễm. Hành giả đạt bốn cõi thiền cũng có thể chủ động tái sinh trong các cõi Thiên (deva) liên hệ.

Trong giai đoạn một của thiền định, hành giả từ bỏ lòng tham dục và các pháp bất thiện, nhờ chuyên tâm suy tưởngđạt đến. Trong cấp này, hành giả có một cảm giác hỉ lạc. Trong giai đoạn hai, tâm suy tưởng được thay thế bằng một nội tâm yên lặng và tâm thức trở nên sắc sảo bén nhọn, xuất phát từ sự chú tâm quán sát. Hành giả tiếp tục ở trong trạng thái hỉ lạc. Qua giai đoạn ba, tâm hỉ lạc giảm, tâm xả bỏ hiện đến, hành giả tỉnh giác, cảm nhận sự nhẹ nhàng khoan khoái. Trong giai đoạn bốn, hành giả an trú trong sự xả bỏ và tỉnh giác.

Tại Trung Quốc, Thiền có một ý nghĩa rộng hơn rất nhiều. Nó bao gồm tất cả phép tu như quán niệm hơi thở, Bốn niệm xứ ... với mục đích nhiếp tâm và làm tâm tỉnh giác. Từ phép Thiền do Bồ-đề Đạt-ma truyền, Thiền Trung Quốc đã phát triển rất mạnh (Thiền tông).

Trong một ý nghĩa bao quát, Thiền cũng không phải là những phương pháp đã nêu trên. Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể mô tả và phải do mỗi người tự nếm trải. Trong nghĩa này thì Thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn giáo nào cả kể cả Phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói đã được các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đạivăn hóa khác nhau trực nhậnmô tả bằng nhiều cách. Đó là kinh nghiệm giác ngộ về thể sâu kín nhất của thật tại, nó vừa là thể của Niết-bàn và vừa của Luân hồi, sinh tử. Vì vậy, Tọa thiền không phải là một phương pháp đưa con người đi từ vô minh đến giác ngộ, mà là giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện…” [Tự điển Phật Học Đạo Uyển: http://www.daouyen.com/Data/Ph_T/T132.htm]

Còn có quá nhiều điều đối nghịch với giáo lý nhà Phật, nhưng người viết cho là tạm đủ để độc giả có thể nhìn rõ thêm về ông Osho và giá trị những lời thuyết giảng của ông về đạo Phật. Osho có phải là đạo sư và những lời thuyết giảng của ông có phải là khuôn vàng thước ngọc không, điều đó không tuỳ thuộc vào những điều ông nói, không tuỳ thuộc vào những khả năng trích dẫn từ kinh điển Phật giáo mà là từ hành động của ông và động lực để giảng dạy của ông.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 đã nói rằng: “Động lực giảng dạy (của một vị Thầy) phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ…” … Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với Phật Pháp thì hành xữ như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp…” Ở Ấn Độ, một lần kia, một vị thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi ra ngoài ăn trộm. Vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn và rất nghèo. Ông dạy rằng khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó thì có quyền ăn cắp. Ông nói, là những người được Trời Brahma - đấng sáng tạo của thế giới – yêu quý, đối với một người Bà la môn, việc ăn cắp không xấu xa. Những đệ tử sắp đi ăn cắp thì vị thầy người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng cúi đầu xuống. Ông hỏi anh tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm được điều đó. “ Lời nói này làm vui lòng người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.” …” [Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom, Dalai Lama Thứ 14 - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999].

Hoàng Liên Tâm


Chú Thích
[01] Ngã chấp, Pháp chấp, Không chấp: Chấp thật cái thân thể và sự suy nghĩ của bộ não của ta gọi là Ngã Chấp. Chấp thật vạn sự vạn vật trong vũ trụ pháp giới do ta hiểu biết được cho là Thật Tánh Thật Tướng, gọi là Pháp Chấp. Phá được Ngã ChấpPháp Chấp, thấy tất cả đều không, chấp cái không này là thật Không gọi là Không Chấp.

[02] Cần biết thêm về ông Osho, quý độc giả có thể tìm mua đọc Bhagwan: The God That Failed, published by Saint Martin's Press and written by Hugh Milne (Shivamurti), quyển sách này được viết bởi Hugh Milne, một đệ tử thân cận với Osho trong thời kỳ ở Poona và Oregon. Một quyển sách thứ hai cũng nên xem là cuốn: Promise of Paradise: A Woman's Intimate Life With 'Bhagwan' Osho Rajneesh, published by Barrytown/Station Hill Press. Cả hai quyển sách đều không còn, nhưng có thể mua lại sách cũ tại http://www.Amazon.Com and http://www.Amazon.Com.UK

Sách và Tư Liệu Trích Dẫn:
[01] Has Any American City Ever Faced Biological Warfare?
By George Beres http://www.hnn.us/articles/355.html
Mr. Beres, a graduate of Northwestern's Medill School of Journalism, was sports information director at the University of Oregon.
[02] Oregon. Town Never Recovered From Scare
The Associated Press/October 19, 2001
By Gillian Flaccus
http://www.rickross.com/reference/rajneesh/rajneesh8.html
[03] The Story of a Truly Contaminated Election
Columbia Journalism Review/Jan/Feb 2001
By Lawrence K. Grossman
http://www.rickross.com/reference/rajneesh/rajneesh4.html
[04] Osho: From Sex To Super-Consciousness – ©Osho International Foundation (ấn bản Anh)
[05] Osho: Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức – ©Osho International Foundation (ấn bản Việt)
[06] Osho: The Secret of Secrets, Vol 2, Chapter 15 (Available on Audio only) Talks by Titles Subject Index - Audio Talks © Osho International Foundation 1995
[07] Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Minh Tâm
[08] Osho: Kinh Kim Cương, Việt dịch: Như Không, ©Osho International Foundation (ấn bản Việt)
[09] Dalai Latma 14: Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999
[10] Osho: "Autobiography of a spiritually incorrect mystic," St. Martin's Press, (2000) Review/order this book
[11] Osho: "Meditation: The first and last freedom," ST, Martin's Press, (1997). Review/order this book
[12] Osho: "Courage: The joy of living dangerously," Griffin, (1999). Review/order this book This is one of a new series of books in the series "Insights for a new way of living."
[13] Osho: The science of meditation is at: http://osho.com
[14] Friends of Osho has a web site at: http://www.sannyas.net/ They have a list of Sannyasins, [15] Osho information centers, etc. at: http://oz.sannyas.net/friends/
[16] Friends of Osho have a biography of Osho at: http://earth.path.net/osho/osho02.htm
[17] Osho Vision: A lifestyle of meditation and celebration at: http://www.meditate-celebrate.com
[18] Christopher Calder, "Osho, Bhagwan Rajneesh, and the Lost Truth," at: http://home.att.net/~meditation/Osho.html
[19] Article in the New York Times, 1998-MAR-11, Page A21. Mentioned in "Food Poisoning and Biological Warfare,"
[20] "Osho Rajneesh," is a particularly beautiful web site, which covers a wide range of topics: http://osho.toptelemedia.com/index1.htm
[21]Tự điển Phật Học Đạo Uyển: http://www.daouyen.com/Data/Ph_T/T132.htm]

Trích các bình luận từ website: ĐẠO PHẬT NGÀY NAY: sau khi loan tải bài viết trên:

Bình luận (90 đã gửi)

Phương Hải 07/03/2010 23:52:53

Sách của Osho nói về Đạo Phật, lại do một Sư cô dịch ra Việt ngữ, thật là đáng tin cậy! Đa số độc giả không thể biết rõ những uẩn khúc trong đời tư của tác giả, có khi cũng không đủ trình độ Phật Pháp để nhận định giá trị tác phẩm. Thế là cứ mua về đọc ... thoải mái. Tôi cũng vậy! Nhưng tôi thấy không hài lòng ở chỗ tác giả này cứ viện dẫn "thượng đế" là điều không có trong tín ngưỡng của tôi, nên tôi cho là ông ta chỉ nói "tào lao"; thế là dẹp.

KeVoDanh 10/11/2010 02:18:46

Xin lỗi tất cả các bạn,
Ở đây tôi thấy có các bạn ngoại đạo muốn phá rối. Các bạn nên biết đây là diễn đàn Phật học, bạn nói gì đó cũng chính là đứng trước Tam Bảo mà nói, cho nên không được nói những lời không thích hợp. Có Bạn rất vô lý khi đề cao Osho trong khi không đưa ra luận chứng phản bác luận thuyết của tác giả Hoàng Liên Tâm dùng tư tưởng Phật Giáo. Tôi cho rằng bạn sẽ không làm được điều này vì cái sai của Osho không đúng tinh thần Phật pháp để cho Phật tử noi theo.
Bạn thích Osho thì đọc Osho. Ở đây là thông tin cho Phật tử biết để đề phòng. Bạn nào ca ngợi Osho ở trang này thì người ta rất dễ hiểu lầm là bạn đang quảng cáo sách cho Osho để kiêm tiền.
Có một số bạn khi đọc bình luận của họ tôi thấy họ ko tin Phật pháp, không tin thì các bạn nên tìm trang khác thích hợp với bạn mà đọc. Đừng comment ở đây khi chính các bạn không biết cơ bản Phật Pháp là gì, các bạn chỉ tốn thời gian quí giá của mình.
Xin cám ơn Ban Biên Tâp đả cung cấp bài viết này.

Zorba 25/03/2010 09:49:55

Các bản dịch Việt ngữ đều mang nặng màu sắc Phật giáo, do người dịch là người theo đạo Phật, không thể hiện đúng tinh thần của Osho. Bản thân ông chủ trương phi tôn giáo, chỉ có tôn giáo tính, thượng đế tính là tồn tại, giống như niết bàn, bản thể, tánh không, Phật tính vậy.

Bài viết của bạn trích dẫn rất hoành tráng nhưng đó chỉ là tư liệu 1 chiều. Các chính phủ rất sợ Osho vì ông lên án chính trị và những thủ đoạn của các quốc gia nên có rất nhiều biện pháp đối phó với ông. Cũng như thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày xưa bị coi như... gì vậy - bây giờ thì đâu ai dám nói xàm nữa.

Nếu bạn có cơ hội thì lên oshoworld.com và download ebook tiếng Anh về, nhất là những đoạn bình giảng của ông về Bồ Đề Đạt Ma, Phật Cồ Đàm, Mật Tông... bạn sẽ rất kinh ngạc trước tâm trí khoáng đạt và mứng độ giác ngộ của ông. Đừng nghe người ta nói không, mình phải làm nhân chứng cho mình :-)

Thêm 1 chút xíu nữa, Mật tông chủ trương sử dụng năng lượng dục để thành tựu, rất giống với Osho. Bạn tu theo pháp môn khác, có thể yêu cầu ly dục nhưng 2 con đường trông thì rất khác nhau, cũng có thể tới cùng một đích vậy.

Cuộc chiến đại thừa - tiểu thừa, tịnh độ - thiền, mật tông - không mật tông, diễn ra lâu quá rồi. Chúng ta nên "kiên tâm" đi con đường chúng ta, và không nên chê con đường của người khác. Đó mới là người Phật tử chân chính, phải không bạn?

Cá nhân tôi thấy tình dục chẳng xấu, cũng chẳng tốt. Nó cũng chỉ là "sắc" mà thôi. Sắc tức là không! Nó cũng có thể là một đối tượng quán chiếu như bất cứ pháp thế gian nào khác. Siêu việt tình dục thì cũng như siêu việt được sắc không, vô thường, vô ngã. Nếu bạn coi tình dục như ăn uống vậy, 1 nhu cầu giống loài, thì bạn chẳng thấy có gì xấu cả. Nếu bạn nói nó xấu, tức là bạn phủ định cả nhân loại rồi.

Osho cũng nói, ông dùng đến mấy mươi năm nói về thiền, xuất bản hàng trăm cuốn sách, chỉ có 1-2 cuốn nói về tình dục, vậy mà nói ông là đạo sư tình dục. Vậy có mắc cười không? Lẽ ra phải gọi ông là đạo sư Zen chứ.

Nhưng tôi đảm bảo ông ấy cũng chẳng quan tâm chúng ta nói gì đâu.

abc 25/03/2010 14:05:18

Tôi chỉ là một người mới nhập môn, không có đủ kiến thức để luận bàn những vấn đề phức tạp, cao siêu, nên chỉ có thể góp những ý kiến đơn giản thôi.
Đức Phật dạy phải tu "Giới - Định - Tuệ". Bây giờ Osho lại cho rằng: "Định là ý thức đối đãi, nhị nguyên: bởi thế Định tạo ra sự mệt mỏi, chán ngán, ..." Thế là sao?
Nếu Định tạo ra sự mệt mỏi, chán ngán ... như thế thì sao Phật lại dạy phải tu tập Thiền Định?
Chắc phen này trứng phải khôn hơn vịt rồi ...

Diệu Ngọc 25/03/2010 15:40:39

Hình như ma cũng biết thuyết pháp đấy. Bài thuyết pháp của ma cũng gần giống với bài thuyếp pháp của Phật, chỉ khác tí xíu thôi, chừng vài phần trăm, vì nếu khác nhiều quá hay khác hẳn thì người nghe biết ngay mà chẳng ai tin theo; nhưng chỉ cần tí xíu đó thôi cũng đủ cho người đọc vô tâm rơi vào đó để đi theo ma.
Tôi nghe nói nếu ngồi Thiền mà nhập được vào Định thì hành giả sẽ phát sinh trí tuệhỷ lạc. Còn bây giờ Osho lại cho rằng Định tạo ra sự mệt mỏi, chán ngán. Không biết Osho đã từng nhập được vào Định chưa, hay chỉ nói mò theo suy luận của ông ta. Còn nếu ông cho rằng đã nhập được vào Định mà lại thấy mệt mỏichán ngán thì chắc vì đó là Định của ma chăng? Hay đó là Định mà ông ta vào bằng cửa dục? Tới ba giờ đồng hồ thì phải mệt mỏi thôi.
Nếu ông ta chủ trương phi tôn giáo thì nói nhiều về tôn giáo chi vậy? Ông ta bình giảng về Bồ Đề Đạt Ma, Phật Cồ Đàm, Mật Tông... để làm gì?
Chính trị tại sao phải lên án? Một nền chính trị đúng đắn cũng cần thiết lắm chứ. Ông ta lên án nền chính trị nào?
Tất nhiên ông ta chẳng quan tâm chúng ta nói gì đâu. Cũng như ngày xưa Hitler cũng chẳng quan tâm xem dân chúng nói gì về mình, vậy thôi!

hvt 18/04/2010 06:26:41

Trước đây tôi đọc các sách viết về Krishnamurti, tôi rất thích các quan điểm của ông và dần hiểu ra thế nào là một người giác ngộ. Khi tôi đọc sách của osho thì cảm giác là không có một tí trình độ gì (không hiểu sao tôi lại có cảm giác vậy), nhiều ý tưởng copy 100% của krishnamurti mà lại nói là của mình (như thế là tà đạo rồi), tôi chưa bao giờ có thể đọc hết 1 cuốn của osho :). Nhưng tôi thấy sách của osho được xuất bản và bán rất nhiều tại các hiệu sách ở HN, khoảng 20-30+ đầu sách, ko hiểu sao các cơ quan quản lý ko kiểm duyệt các loại sách này. Bây giờ tôi đã thấy được ánh sáng của Đạo phật, cũng buồn cười là mình sống mấy chục năm trên cõi đời, thời đại này thông tin cũng bùng nổ, bản thân cũng mất rất nhiều thời gian nghiên cứu sách vở mà đến tân bây giờ mới hiểu được Đạo phậtý nghĩa gì ... Đúng là mình ko có phước :) đạo Phật kéo con người khỏi bóng đêm, và đưa đến ánh sáng. Nghe các bài Pháp của TT TNT ở trang web này thật là hay. Xin chân thành cảm ơn.

Nam mô A di da phat.

Le Quoc Trinh 18/04/2010 07:34:32

Chào các bạn,

Tôi xin góp ý về ba giai đoạn tu tập Giới-Định-Tuệ của Nhà Phật. Tôi đã thử tập thiền định vài lần để học kinh nghiệm. Trước tiên hành giả cần phải tự xác định rõ ràng mục đích tu Thiền Định phát triển Trí Tuệ để làm gì nếu không sẽ bị lạc lối không biết đi về đâu. Đức Thế Tôn xưa kia đã vạch rõ mục tiêu tối hậu là "tìm giải pháp diệt Khổ Não" từ khi Ngài thoát ly gia đình, cắt tóc ra đi. Phải có mục tiêu rõ thì khi phát triển Trí Tuệ thì năng lực mới được phát huy đúng chỗ đưa đến Giác Ngộ. Không biết mình tìm cái gì thì chẳng bao giờ thấy được cái mình muốn tìm.

Ba giai đoạn Giới Định Tuệ phải tu tập theo thứ tự ưu tiên thì kết quả mới đạt được. Người quyết tâm đi tìm chân lý bắt buộc phải sử dụng năng lượng nội tại (tư duy) đến mức tối đa, nhưng không bị phụ thuộc vào vật chất quá nhiều, do đó trước tiên hành giả phải giữ GIỚI cho thật trong sạch, không một chút tà niệm hay phóng dật, vì những thứ đó sẽ làm đầu óc đen tối, vẩn đục, huyết mạch không lưu thông. Tất cả những ý niệm khởi lên trong đầu giống như những mạch điện vi ba rất tinh vi sẽ cản trở mọi tập trung tư tưởng. Nếu hành giả cứ cố sức tập trung (Định) thì mọi năng lượng chạy loạn xạ trong đầu trong huyết mạch sẽ khiến cho người tu tập bị điên loạn, gọi nôm na là "tẩu hoả nhập ma".

Hãy nhìn gương Đức Thế Tôn xem, suốt đời Ngài giữ giới thanh tịnh, không một chút nóng nảy, u buồn, không hề bị vật chất quyến rũ. Ông giáo sĩ Osho đã giữ GIỚI được chưa mà đã đòi ĐỊNH, do đó ông chán nản bỏ cuộc là phải.

Một khi GIỚI giữ trong sạch, huyết mạch lưu thông thì tập trung năng lượng đi đến ĐỊNH không mấy khó khăn. Tuy nhiên ĐỊNH mới chỉ là giai đoạn thứ hai mà thôi, khi đã ĐỊNH rồi, tích trữ năng lượng rồi thì hành giả phải biết hướng năng lượng về mục tiêu tìm kiếm, Nhà Phật gọi đây là giai đoạn Thiền Chỉ tức là bắt đầu quan sát, phân tích công án, tìm hiểu và đi đến lời giải. Thực hành ba giai đoạn này liên tục hàng ngày đến một lúc nào đó nhân duyên đưa đến thì hành giả đột nhiên Giác Ngộ tìm ra được Chân Lý, đó chính là thành quả tuyệt vời của Trí Tuệ. Đó là con đừơng tu hành gian khổ kiên trì của Đức Thế Tôn suốt mười năm ròng, qua biết bao nhiêu khó khăn, để đến lúc Thiền Định 49 ngày sau cùng thì bùng Giác Ngộ.

Giới Định Tuệ không dễ gì mà tu tập.

khongaihet 05/05/2010 08:15:35

Bạn hvt thân mến,

Mình cho rằng, có lẽ bạn không nên dựa trên cảm giác chủ quan của mình để đưa ra đánh giá về một ai đó hay sự việc nào đó, vì điều đó có thể chỉ là kết luận trên quan điểm của bạn, nó có thể không phải là chân lí.

Những điều người ta thấy, hay những điều người ta cảm nhận được, đôi khi chỉ là đã được chiếu qua lăng kính của riêng người đó.

Bạn nói "chưa bao giờ có thể đọc hết 1 cuốn sách cua Osho" nhưng lại có thể kết luận về ông ấy sao? Hẳn bạn đã có thể mang một vài định kiến nào rồi. Đôi khi người ta mang kính màu, và sự vật hiện tượng vốn không màu sắc, bông hoa có thể là trắng nhưng dưới con mắt của người đó màu sắc đã được tô diểm, bông hoa trở nên mang màu của kính.

Và cũng dể để nhận thấy bạn đã phóng đại qua lăng kính của mình như thế nào. Khi bạn nói ở HN, bạn thấy có khoảng "20-30" đầu sách của Osho đã được xuất bản. Chưa nhiều đến thế đâu bạn, ít ra bạn đã phóng đại số đó lên 2-3 lần mất rồi. Có thể bởi chính sự không thích của mình nên bạn đã nhìn thấy nó nhiều như thế. :D

Điều gì người ta không thích thì nó bao giờ cũng được phóng đại. Và sách của Osho, theo bạn còn cần phải kiểm duyệt như thế nào nữa? Có hàng nghìn lẻ một loại sách câu khách giật gân vẫn được xuất bản hàng ngày, nó chả ích lợi gì. Còn sách của Osho thì, ông ấy lại khuyến khích người ta sống một cuộc sống với nhiều tỉnh thức hơn, với nhiều tình yêu và tiếng cưới hơn, hay đơn giản là dủng cảm hơn, thân thiết hơn, nhiều niềm tin hơn... Trở nên nhạy cảm hơn, và cởi bỏ những định kiến trói buộc làm con người ta khốn khổ v.v.. Với người khắt khe đến mấy thì cũng phải thấy ít nhiều điều đó có thể mang lại vẻ đẹp.

Xin bạn đừng vôi kết luận. Và xin trích một đoạn kinh mà Tăng Xán đã nói về việc thích và không ưa thích của tâm trí:

Đạo Lớn không khó
cho người không ưa thích.
Khi yêu và ghét cả hai đều vắng bóng,
mọi sự trở thành rõ ràng và không dối trá.
Tạo một phân biệt nhỏ nhất,
thế là đất trời phân chia.
Nếu muốn thấy chân lí
đừng giữ ý ủng hộ hay chống đối.
Tranh đấu cho điều người ta thích
và điều người ta không thích
là bệnh của tâm trí.

- Tín tâm minh: sách về cái Không (Osho)-

Xin chúc mọi người thân tâm an lạc!

Một bạn đọc 12/07/2010 00:41:29

Xin trích lên đây một tài liệu nói về Osho, tức Rajneesh, trong sách Chỗ trọ qua đêm, Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ, tác giả: Tỳ khưu Yogavacara Rahula, do Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch Việt 2007, Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2008:
Trang 229: Guru Rajneesh có ashram chính tại Poona, nằm về phía đông Bombay... Khách đến ashram của ông thường được khuyến khích đến phòng Tantric trước; phòng chỉ có nệm dưới sàn và là nơi mà nam nữ sống lõa thân chung đụng với nhiều phối ngẫu khác nhau. Mục đích là để làm nhàm chán khát vọng dâm dục hay ít ra là để vượt mọi dè dặt hoặc ngại ngùng...
(Phụ bản I, Trang 396) Khước sĩ rất được người Ấn sùng tín kính trọng. Tuy nhiên tân khước sĩ (neo-sannyassin) của Đạo Sư Rajneesh có khác và từng là đề tài bàn tán ở Poona khi họ đi rong trong thành phố này với y màu cam/đỏ và chuỗi mala lủng lẳng trên cổ. Nam và nữ, thường là người ngoại quốc, được thấy quấn quít và hun hít ở những nơi công cộng, làm mất thuần phong mỹ tục Hindu nên dân chúng rất khó chịu. Họ còn vào quán rượu, nhà hàng, ăn uống nhảy nhót vung vít. Không cần nói ai cũng biết hạnh kiểm lố bịch ấy (của một người được gọi là khước từ dục lạc) không thể được lễ giáo Hindu chấp nhận. Nhưng vì họ chi tiền nhiều nên địa phương làm lơ cho. Một sáng trong năm 1980, có một người phóng dao ám sát hụt Đạo Sư Rajneesh trong lúc ông đang thuyết giảng ở Poona. Một dấu hiệu cho biết dân Poona chán ngấy Đạo Sư Rajneesh và đám đệ tử tân khước sĩ của ông. Vì vậy, theo tôi nghĩ, Đạo Sư đã phải dọn đi nơi khác, ra khỏi Ấn Độ luôn. Ông và "bộ lạc hoan hỷ" của ông hiện sống tại Mỹ, trên miền Đông Bắc của tiểu bang Oregon. Họ đang tạo dựng thành phố mang tên Rajneeshpuram và khai sinh đạo mới, đạo Rajneesh-ism."

Ngọc Lưu Ly 12/07/2010 13:52:34

Khi Ta còn chỉ trích một ai đó,khi đó Tâm Ta vẫn còn đang vướng mắc.

Tôi đã được đọc Kinh do Đức Phật thuyết,sách của Osho,và cả Krishnamurti...Tôi nhận thấy Osho nói rất nhiều về tình yêu,về tự do, về sự nở hoa tâm hồn..;Tuy có những bài giảng Ohso nói về tình dục,nhưng trong những bài giảng khác Osho lại nói về nhàm chán dục;Đừng bao giờ vướng mắc vào ngôn từ,là cách mà Osho luôn nhắc nhở mọi người.

Để nhận biết một vị Thánh Tăng không dễ chút nào?Nó đòi hỏi Ta phải sáng suốt,và thật tỉnh táo,nếu không nhiều khi đi sai đường mà cứ ngỡ Ta đang gần tới đích.

Chúc các bạn Thân Tâm An Lạc

Một bạn đọc 14/07/2010 12:18:44

"Khi Ta còn chỉ trích một ai đó,khi đó Tâm Ta vẫn còn đang vướng mắc."
Vâng, bằng chứng là câu này thực chất vẫn chỉ lại là một câu chỉ trích.
Và "tâm vướng mắc" đó là nhắm vào mục đích làm sáng tỏ một vấn đề, chắc cũng không đến nỗi vô ích.

Xin trích lên đây một phần trang sách "Ma chướng trên đường tu" của Nhà văn cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng:
Trang 193: "Tỷ dụ như đạo sư Rajnesh, ông ta là một giáo sư triết học rất giỏi ở Bombay, và còn giỏi luôn về thiền quán, có thể tâm thức đã đi vào được đến thọ ấm rồi, nhưng vọng tình nổi lên ghê gớm quá, lại thêm có nhiều nữ đệ tử đẹp hầu hạ, lễ lạy chung quanh, có phi cơ riêng, chín chục chiếc xe Cadillac, nhà cửa là những lâu đài đồ sộ, vân vân, làm sao có thể chống được những cảnh giới đầy quyến rũ ấy? Làm sao không ngã mạn và đi đến tham dục được? Trong khi ấy ông ta lại thuyết pháp cho các đệ tử là phải tự do luyến ái, bảo rằng người nam như ngọn núi nhô lên, còn nữ đệ tử đã thọ giáo thì tương tự như thung lũng vậy. Dần dần đi đến chỗ đắm nhiễm lẫn nhau, tham dục nổi lên, cả thày lẫn trò đều hành dục, chìm đắm, sai mất chánh thọ lúc nào không hay."
Trang 222: "... như đạo sư Rajnesh dạy rằng, trong tự do luyến ái, hành giả sẽ kiếm được sự giải thoát trong ấy."

Không phải Osho "nói về tình dục" mà là khuyến khích tình dục tự do. Và: "nhưng trong những bài giảng khác Osho lại nói về nhàm chán dục". Khi nào thì nhàm chán dục? Khi đã quá hưởng thụ thừa mứa, mỗi lần được khuyến khích kéo dài tới ba giờ đồng hồ với những lý luận ghê tởm, lại đem lồng ghép vào việc giảng kinh Phật.

Ông ta đã chết. Tôi không có động cơ riệng tư gì để chỉ trích ông ta cả. Tôi chỉ làm một việc đơn giản: góp phần dọn dẹp được chút nào hay chút ấy cái đống rác vĩ đại mà ông ta để lại, đã lạc dẫn biết bao nhiêu người ham học nhưng không có phương tiện tìm hiểu chân xác sự việc.

Bạn đề cao "Thánh Tăng" Osho, có lẽ vì bạn thán phụcthích hợp với lời giảng của ông ta. Đó là việc của bạn, không liên quan gì đến tôi cả. Diễn đàn này có tự do cho bất cứ ai muốn phát biểu. Bạn không cần phải lo cho tôi đâu, đừng sợ tôi đi "sai đường" mà "ngỡ gần tới đích".

Tôi chỉ trích lên đây những ý kiến để cho những ai thật sự muốn tìm hiểu vấn đề, họ sẽ có cơ hội đọc để suy nghĩ, tìm hiểu về một "Guru Tình Dục, tiếng phong bởi nhiều tác giả." (trích: Chỗ trọ qua đêm, trang 229).

TinhDoVui 23/07/2010 01:05:31

Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính thưa quý bạn,

Qua bài viết và những lời nhận xét của mọi người thì đã quá rõ ràngchi tiết. Tôi cũng không có ý kiến nào hay hơn, Nay tôi chỉ xin chân thành cảm ơn tác giả đã có bài viết với những thông tin khá đầy đủ và sâu sắc, cảm ơn mọi người đã có ý kiến bình luận đóng góp đối với bài viết dù là thuận ý hay nghịch ý hay là vô thuận vô nghịch.

Kính thưa quý vị, là một người cư sĩ tại gia chưa hẳn đã nắm vững về cơ bản của Phật Pháp, lòng còn si mê đắm ái, tham lam ích kỷ, tâm còn đố kỵ, chất chứa nỗi hờn ghen sân hận, dẫy đầy phiền não, thậm chí đôi khi cũng tà kiến mê nhiễm. Song, tôi vẫn biết mình có được một phước duyên lớn, một phước duyên vô cùng lớn lao, đó chính là "tôi được làm người, sáu căn đầy đủ, lại còn được nghe Phật Pháp".

Hạnh ngộ thay, nếu ai được nghe Phật Pháp mà biết trì hành theo Chánh Pháp, sống trong Chánh Pháp, thành tựu được Chánh Pháp, bảo vệ lấy Chánh Pháp và biết hoằng dương Chánh Pháp thì cao quý tốt đẹpý nghĩa tột bực biết chừng nào.

Giáo pháp của Thế Tôn Như Lai như nguồn suối từ bi nhẹ nhàng lan chảy qua những vùng khô hạn đang khao khát tình thương đại giác vô ngã, giáo pháp ấy tựa như dòng thác trí tuệ đang sóng xô cuồn cuộn làm trôi lăn đi tất cả những bụi cát vô minhtham ái, giáo pháp ấy tựa như "mưa thu" mát mẻ hiền hòa đã tưới tắm cho hoa lá cây cỏ để vơi đi "lửa hạ" sân hận phiền não. Như hoa sen tinh sạch lan tỏa bát ngát hương thơm giới hạnhđức độ, tựa như ánh nắng ban mai sáng suốt đã xua tan đi màn đêm u tối si mê đã làm cho vạn vật bừng dậy và thức tỉnh sau một đêm ngủ dài mộng ảo. Sức sống mới là đây, đầy an lạc tỉnh thức, ly khổ và đắc lạc, chính giáo pháp của Thế Tôn Như Lai !

Vậy đáng tán dương thay công đức cho những ai biết gìn giữ và phát huy sự trong sáng, chân thật của giáo pháp Như Lai.
Có đáng không, khi phải chê trách cho những ai đã làm lu mờ, ngụy tạo và phỉ báng Chánh Pháp của Thế Tôn? Câu trả lời không chỉ riêng tôi mà còn là trách nhiệm cho các bạn, hỡi những "chủng tử của Như Lai"

Kính thưa quý bạn, tôi không dám nhận xét hay bình luận thêm 1 điều gì về "sự truyền giáo của OSho" (qua lời bài viết trên). Ông ta có tuyên dương hay phỉ báng Phật Pháp hay không thì mỗi người Phật Tử thuần thànhtrí tuệ chắc hẳn sẽ nhận biết, những vị thâm sâu trong giáo lý nhà Phật sẽ thấy rõ. Đó là cái hành nghiệp Thiện Ác, Chánh Kiến hay Tà Kiến của Ông Ta và hệ quả cũng sẽ tương tự như vậy.

Nhưng tôi xin nhắc nhở quý bạn rằng: Đức Phật của chúng ta, Như Lai Thế Tôn, người đã tỉnh thức, nghiêm trì giới hạnh, sáu căn thanh tịnh, tinh sạch tam nghiệp đã từng dạy qua lời Kinh Pháp Cú rằng:

"Nhà vụng lợp mưa xuyên qua mái,
Tâm vụng tu tham ái len vào.
Nhà khéo lợp mưa rào chẳng lọt,
Tâm khéo tu chận được ái tham"

"Tham ái" hiểu rộng là tham danh, tham lợi, tham tài, tham tiền, tham của, tham tình, tham dục, tham sắc, ái mến vật vô thường ảo mộng. Nhưng cái nặng nề hơn hết vẫn là "ái tình" và "ái dục", đó là căn bản của phiền nãovô minh, là then chốt của khổ đau. Biết rõ tai hại và sức hút mãnh liệt của nó đã đưa con người vào sanh tử luân hồi nên Đức Phật thường cảnh tỉnh cho chúng ta hãy nhận rõ. Vì lòng từ bi thương tưởng cho chúng ta, Ngài mới khéo léo giáo truyền Chánh Pháp thích hợp để cho chúng taphương tiện tu tậpgiải thoát. Ngài dạy chúng ta hãy khéo tu, khéo tu để làm gì, để chận được "ái tham" giống như nhà khéo lợp thì không sợ bị mưa lồng gió lọt vậy. Mà khi chận được "tham ái" rồi thì con người sẽ "ly khổ đắc lạc", hướng đến 1 đời sống thanh tịnh an vui.

Một đoạn khác trong kinh điển nhà Phật cũng dạy rằng: "Ái bất trọng bất sanh Ta Bà" hoặc cũng trong Kinh Pháp Cú, phẩm Ái Dục, Đức Phật dạy:

"HÃY DẬP TẮT ÁI DỤC TỪ CỘI RỄ" và "BAO GIỜ CÒN ÁI DỤC LÀ CÒN ĐAU KHỔ"
Điều này, Như Lai dạy các con: Như cái cây mà rễ còn vững chắc và không bị động đến, mặc dầu bị chặt ngã, vẫn đâm chồi nảy tược, cũng như thế, bao giờ lòng ái dục tiềm ẩn chưa bị tận diệt, sầu muộn ấy còn phát sanh trở đi trở lại triền miên."

Lời vàng ngọc của Thế tôn là đây, chính Kinh Pháp Cú đã thể hiện chân thật đặc sắc lối sống đạo đức, từ bi, trong sạchtỉnh thức của Thế Tôn, là tấm gương sáng trong cuộc đời hành đạo độ sanh của Ngài. Chúng ta hãy lắng nghe và học tập gương hạnh của Ngài.

Qua đó, thấy rằng "Ái Dục" hay "Tham Ái" là con rắn cực độc, Bậc Hiền Triết luôn tránh xa và đoạn trừ:

"Loài độc địa toan trừ dứt nộc" (Sám Giảng Giáo Lý PGHH)

Vậy lời thuyết giảng nào đi ngược với lời dạy của Thế Tôn làm xuyên tạc Chánh Pháp cao quý của Như Lai thì các thiện hữu tri thức cũng đã tự nhận biết được là "Chân" hay "Ngụy", là "Mê" hay "Tỉnh" là "An Lạc" hay "Đau Khổ" là "Trói Buộc" hay "Giải Thoát".

Kính chúc chư quý vị thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu hành, huệ thông sáng suốt.

Nam Mô A Di Đà Phật

PS: "Thờ Phật Đạo tỉnh cơn ác mộng,
Thoát mê đồ thường phóng quang minh,
Rán hiểu rành tiếng kệ lời kinh." (trích Sám Giảng PGHH Quyển 5 - Khuyến Thiện)

--------------------------------------------------------------------
"Non sông rực rỡ chói ngời,
Mảnh gương Phật Đạo soi đời cổ kim,
Nhân loại sẽ khỏi chìm bể khổ,
Khắp muôn loài nguyện độ siêu thăng." (trích Thu Đã Cuối - Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH)

chucphuc 20/08/2010 14:50:29

Ôi những người con Phật.........
Mà theo cháu nghĩ Phật cũng không nghĩ là mình có những đệ tử như thế này đâu, chắc là do họ tự nhận là con của Phật thôi......
Khi Phật và các đệ tử đang ngồi thiền dưới gốc bồ đề, bỗng có 1 người lạ mặt xuất hiện, mặt đầy căm giận...đùng đùng đi đến và nhổ nước bọt vào mặt Phật...Phật liền trả lời : " Còn gì nữa nào? "
Còn các đệ tử của ông thì đùng đùng nỗi nóng, căm giận và muốn băm người đó ra trăm mảnh để thỏa mãn...

Phật đi xa hơn đệ tử của ông ấy là ở chỗ đó...1 câu 4 chữ...đầy ý nghĩa :D

Một bạn đọc 20/08/2010 16:51:37

Khi Đức Phật còn tại thế thì đệ tử của Ngài phần nhiều là những Thánh Tăng, có nhiều vị đã đắc quả A La Hán.
Tôi không thể tưởng tượng ra cái cảnh: "Còn các đệ tử của ông thì đùng đùng nỗi nóng, căm giận và muốn băm người đó ra trăm mảnh để thỏa mãn."
Thế là thế nào? Các đệ tử của Ngài tệ thế sao?

Phuoc Tue Tam Phuoc Tue Tam 04/11/2010 11:30:39

Kinh nào trong Tam Tạng nói đến cái sự việc này? Phải nói ra để người ta biết mà bàn.

Hải Hồ 22/08/2010 14:54:47

Ông Osho chưa từng xuất gia, sao lại được gọi là "Tăng", mà còn được xưng tụng là "Thánh Tăng" nữa? Đúng ra ông ta chỉ có thể được gọi là "Đạo sư" theo nghĩa là Thầy dạy đạo mà thôi. Còn dạy đạo gì, thì phải tìm hiểu kỹ càng xem.

Xin chép tặng bạn Ngọc Lưu Ly một đoạn trong bài "Tôi dọc: Bát nhã là môt công án thiền, của Thiền sư Thích Nhất Hạnh", tác giả: Trần Chung Ngọc.

"Một vụ điển hình khác là về Osho, trước là Bhagwan Shree Rajneesh. Nghe nói Việt Nam ngày nay cũng có nhiều người hâm mộ Osho. Nhưng thực chất Osho như thế nào rất ít người biết. Sau đây là vài dòng về Osho.
Osho sinh năm 1931 và chết năm 1990, 58 tuổi. Thời gianẤn độ, Rajneesh đã nổi tiếng là một “sex guru”. Năm 1981, Osho xin nhập cảnh Mỹ để chữa bệnh. Vì những lời thuyết giảng hấp dẫn có sức lôi cuốn quần chúng, quần chúng thường là sơ cơ, [điểm chung của các nhà truyền giáo thành công, thí dụ như Pat Robertson, Jerry Falwell v..v… ở Mỹ] của Rajneesh nên Rajneesh và các đệ tử thành lập ở bang Oregon một cộng đồng gọi là Rajneeshpuram. Cộng đồng tôn giáo này đã vi phạm luật di trú của Mỹ, có nhiều người đến trú ngụ bất hợp pháp qua các dịch vụ kết hôn giả, và phạm nhiều tội ác hình sự (crimes). Rajneesh bị chính quyền Mỹ điều tra về vụ Rajneesh khai gian khi xin visa nhập cảnh Mỹ, và những tội ác hình sự ở Rajneeshpuram, và sau một cuộc dàn xếp của luật sư của Rajneesh với chính quyền Mỹ, Rajneesh bị phạt $400.000 và bị trục xuất khỏi Mỹ.
Rajneesh đi lang thang tìm nơi định cư nhưng 21 quốc gia từ chối không cho nhập cảnh. Sau cùng Rajneesh trở về cố quốc, Ấn độ, và định cư ở Pune, lập một tổ chức thiền [meditation foundation, truyền bá Giáo pháp Osho, tên mà Rajneesh đổi thành năm 1989. Muốn biết rõ hơn những chi tiết về con người thực và giáo lý thực của Osho, độc giả có thể tìm đọc trên: http://en.wikipedia.org/wiki/Osho_%28Bhagwan_Shree_Rajneesh%29. Độc giả cũng nên tìm đọc trong http://www.quangduc.com/Diendan/80hientuongosho.html, bài “Hiện Tượng Osho” của Hoàng Liên Tâm. Osho cũng đã từng tiên đoán là chiến tranh nguyên tử sẽ xảy ra trong thập niên 1990.

Các học giả về tôn giáo đã đánh giá con ngườihọc thuyết của Osho như thế nào?
Theo Giáo sư về tôn giáođại học Oregon, Ronald O. Clarke, thì “Rajneesh đã để lộ tất cả những đặc điểm điển hình của sự rối loạn tinh thần về nhân cách “cái Ta” của mình, thí dụ như là ý niệm vĩ đại về sự quan trọng và duy nhất của chính mình; bận tâm với những tưởng tượng về sự thành công vô hạn của mình; về một sự cần thiết phải được người ta thường xuyên chú ý đến và kính ngưỡng.”

Nivedano 24/08/2010 14:13:12

Bạn Hải Hồ hãy thử hình dung một chút,

Giả dụ như bây giờ Giáo sư Ronald O. Clarke sẽ tiến hành chẩn bệnh cho 9 người sau đây, thì ông ấy sẽ có những nhận xét như thế nào. 9 người này lần lượt là: Phật, Jesus Christ, Mahavira, Lão Tử, Trang Tử, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, và Bạn.

Biểu hiện lâm sàng:

Phật: Vừa sinh ra đã đứng dậy đi bẩy bước chỉ tay lên trời nói: "Ta là đấng Thế Tôn"; Và cũng người này 49 năm nửa sau của cuộc đời đã giảng giải nhiều điều cho những người khác, nhưng cuối cùng lại tuyên bố: "Ta chưa từng nói điều gì?"

Jesus Christ: Tự xưng là con trai duy nhất của Thượng Đế, và thỉnh thoảng đi trên mặt nước.

Mahavira: Cởi truồng, từ chối mặc quần áo và không chịu nói chuyện.

Lão Tử: Tuyên bố rằng ta hạnh phúcngu độn như một đứa trẻ con.

Trang Tử: Khi vợ chết thì ngồi gõ nhịp và hát. Nằm mơ mình thành bướm thì kêu không rõ là mình nằm mơ thành bướm hay bướm nằm mơ thành mình (?!)

Bồ Đề Đạt Ma: Để một chiếc dép trên đầu mà đi. Hay nhìn trừng trừng vào người đối diện.

Huệ Năng: Xuất thân tiều phu, mù chữ nhưng lại đi giảng giải về kinh Phật.

Bạn: ......... (bạn có thể điền vào đây
:

Phuoc Tue Tam Phuoc Tue Tam 04/11/2010 11:00:41

Hãy nhìn vào lịch sử, lời thuyết Pháp và hạnh sống từng vị. Chỉ có Phật Thích Ca là vĩ đại hơn hết

06/11/2010 11:06:45

Làm đệ tử nhà Phật vẫn còn phân bì hơn thua sao ? đó không phải là ngã chấp sao ?

NguyenVPhi 06/11/2010 12:03:48

Ở đây là diễn đàn, bàn tán để biết hướng đúng sai về nhà tu cho đúng. Người ta đã lên diễn đàn tìm hiểu thì phải tìm cho ra lẽ. Tôi cũng vậy, có thắc mắc mới lên diễn đàn, mới đọc các bài viết. Ở đây hơn thua chẳng ích gì.

06/11/2010 22:30:19

đúng thế ! Phuoc Tue Tam nói vậy là sai rồi !

KeVoDanh 10/11/2010 02:38:44

Ai sai ai đúng không quan trọng nhé bạn, ở trang này là "thông tin cần tránh cho Phật tử" khi đọc sách Osho. Lấy chủ đề làm tiêu điểm.

Hải Hồ 29/08/2010 07:02:36

"ông ấy sẽ có những nhận xét như thế nào." Ông ấy phải tự nói ra thì người ta mới biết.
Có lẽ bạn cho là bảy nhân vật kia có những điều (tưởng chừng) nghịch lý, và Osho cũng vậy chăng? E rằng không phải vậy đâu.
Bạn là người thứ 9 đấy à? Thế ông ta nhận xét về bạn thế nào?

Nivedano 29/08/2010 14:01:33

Hãy hượm đã bạn Hồ Hải. Không cần phải đi rất nhanh, từ từ thôi, mình chưa có ý "bảy nhân vật kia có những điều (tưởng chừng) nghịch lý, và Osho cũng vậy chăng?", nên bạn không cần phải nói "E rằng không phải vậy đâu" :D. Mình mới chỉ hỏi bạn thử hình dung một chút. Và ở đây là tình huống giả tưởng, chúng ta sẽ không trông mong ông Giáo sư Ronald O. Clarke xuất hiện và nói ra điều gì đó - điều này là ngây thơ. Mình chỉ là giả tưởng thôi, và thử hình dung xem ông O. Clarke sẽ đưa ra phát biểu gì về những người này và cứ dừng ở đấy đã. Hãy tạm quên Osho đi.

Và tất nhiên là mình cũng thử hình dung rồi, trường hợp của mình :">. Có lẽ nếu không tính lần đếm nhầm này thì Giáo sư Ronald O. Clarke, hy vọng ông ấy cũng cho rằng mình là người bình thường :">

saustar 31/08/2010 23:38:56

Sao lại cứ chăm chăm vào một điều là chỉ trích "dục"? Càng chứng tỏ một điều lý lẽ của Osho là hết sức thuyết phục rằng: "Chúng ta chỉ nói những thứ mà chúng không ổn thỏa". Phải chăng đã có gì đó không ổn thỏa trong tâm trí của những Phật tử này chăng?
Điều tệ hại nhất là sự ngộ nhậnbảo thủ. Tại sao các Phật tử lại cứ chống chế quyết liệt thế nhỉ? Phải chăng sợ ảnh hưởng đến cái bản ngã đang nhằm hướng đến là được trở nên giác ngộ hơn người, và ngay cả mong muốn này cũng là bản ngã nốt.

Hải Hồ 01/09/2010 06:11:39

"Dục" thì không cò gì phải chỉ trích. Nói cho cùng tất cả nhân loại được sinh ra cũng từ dục mà thôi. Nhưng "dục" mà Osho mong muốn, cổ súy là thứ dục bừa bãi, tập thể, vượt qua phong tục, lễ giáo. Bạn cứ bình tâm, tưởng tượng một ngày nào đó, ở Việt Nam, hay "may mắn" cho bạn hơn, là gần nhà bạn, có một nơi mà "Khách đến ashram của ông thường được khuyến khích đến phòng Tantric trước; phòng chỉ có nệm dưới sàn và là nơi mà nam nữ sống lõa thân chung đụng với nhiều phối ngẫu khác nhau. Mục đích là để làm nhàm chán khát vọng dâm dục hay ít ra là để vượt mọi dè dặt hoặc ngại ngùng..." Bạn sẽ vào đó chứ... Chúc mừng bạn!!!

Chúng ta chỉ nên bình luận về những sự kiện đã có thật, không nên "suy diễn, quy chụp, đoán mò", nào là ngộ nhận, bảo thủ, bản ngã...
Bạn có quyền ca ngợi và làm theo Đạo sư tình dục Osho, tại sao không?
Nhưng những bạn đọc khác cũng có quyền chỉ trích những gì trái với thuần phong, mỹ tục của đất nước họ.
Trong số những bài bình luận "chỉ trích" Osho, hình như không có ai "mắng mỏ" những người ca ngợi Osho là bảo thủ, ngộ nhận, bản ngã... Họ chỉ đơn giản trình bày ý kiến của họ, không quy chụp, không đoán mò, không xúc phạm đến những tín đồ của Osho.
Bạn đau lòng vì Osho bị "chỉ trích" chăng?
Cũng may là ông ta ở Ấn Độ, chứ nếu ở Việt Nam thì e rằng ông ta sẽ được nhà cầm quyền chiếu cố kỹ hơn nhiều.

Một bạn đọc 02/09/2010 18:39:33

Một bạn đọc

Xin trích hầu các bạn vài đoạn trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nhà xuất bản Tôn Giáo, tái bản lần thứ năm, Hà Nội 2009, Biên dịch: Tâm Minh, Mục VIII: Phân biệt các ấm ma.

Trang 769: “Người đó thường ở nhà đàn việt thiện tín, uống rượu ăn thịt, làm nhiều điều dâm uế; nhân có sức ma, nhiếp phục người ta không sinh lòng nghi báng…”

Trang 770: “…dạy các bạch y bình đẳng làm việc dâm dục, những người hành dâm gọi là trì pháp tử; do sức tà ma nhiếp phục kẻ phàm phu trong đời mạt pháp, số đến cả trăm, như thế cho đến một trăm, hai trăm, hoặc năm sáu trăm, nhiều đến ngàn vạn; khi ma sinh chán, rời bỏ than thể, đã không còn uy đức, thì sa vào lưới pháp luật; do gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sinh, phải đọa vào ngục Vô Gián; sai mất chính thụ, sẽ bị chìm đắm.”

Trang 776, 777: “Người tu hành tin lĩnh những điều đó, bỏ mất bản tâm, đem thân mạngquy y, được cái chưa từng có; người đó ngu mê, lầm là Bồ Tát, suy xét cái tâm như thế, phá luật nghi của Phật, lén làm việc tham dục. Miệng ma ưa nói, mắt, tai, mũi, lưỡi đều là Tịnh Độ, hai căn nam nữ tức là chỗ thật Bồ đề Niết bàn; bọn không biết kia đều tin lời nhơ nhớp đó. Ấy gọi là giống Cổ độc quỷ và giống Áp thắng quỷ, tuổi già thành ma, khuấy rối người tu hành. Khi ma khuấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa, thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước, thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô Gián.”

21/09/2010 13:35:46

:D (chucphuc) và :D (Nivedano) là một người chăng?

Nivedano 27/09/2010 11:59:39

Không phải. Chắc bạn thấy cái :D này nên suy ra thế. Bạn nhìn nghiêng thì nó giống cái mặt đang cười, nó không phải chữ kí, chỉ là biểu tượng thường dùng để ai đó muốn bày tỏ cảm xúc. Chẳng hạn thế này là mỉm cười :), đây là đang nháy mắt ;) . Thế này nữa, cả khuôn mặt (~.~), rồi nhiều nữa: :") , ^__^, =)), v.v..

Mình không còn hứng thú nói chuyện tại đây nữa, vì có một số vấn đề được đưa ra quả thật (mình thấy) không đáng để tiếp tục (~.~)

Gì đó 12/10/2010 15:29:01

Đọc sách Osho, kinh Thánh Bible hay kinh Phật đều ok, học tập sao thì tùy mình. Hiểu ra rồi thì lý thuyết nào cũng ngon lành cả.

Trên đường giác ngộ, nếu bạn gặp Phật, hãy giết Phật; thấy Chúa, hãy chém Chúa; và nếu gặp Osho thì hãy xử luôn cả Osho và mớ lý thuyết rởm của ông ta.

Đừng bênh vực lý thuyết nào cả, vì có lý thuyết nào nói được trọn vẹn đâu.

Phuoc Tue Tam Phuoc Tue Tam 04/11/2010 11:25:58

Người ta ai cũng biết ăn thì no, uống thì hết khát.Đó là trọn vẹn của no và khát. Nếu không biết điều này thì sẽ chết đói, chết khát. Vậy thì phải bênh vực cho điều này. Học Phật biết Pháp Phật đúng thì phải theo, phải bênh vực, ít ra cũng giúp ai đó có cái tri kiến đúng, chứ không phải đề cao mình. Ai theo Phật cũng điều thực hành cái vô ngã, vô thường... Muốn chê Phật pháp phải hiểu Phật Pháp. Hiểu rồi chắc chắn sẽ theo Phật. Nếu không theo Phật thì chắc là không hiểu Phật và Nếu hiểu mà không theo Phật thì chỉ do nguyên nhân tham ái.

12/10/2010 21:53:27

Mình thấy thuyết tình yêu và trãi nghiệm tình yêu rất hay đấy chứ . Nếu ko trãi nghiệm làm sao biết bản chất của ái là gì? và biết được bản chất của ái cũng chính là biết được bản chất của nhân loại . Biết được rõ ràng, mới hiểu về cội nguồn, thật tướng, vậy thì giảng đạo mới đúng . Căn cứ vào sách vợ hoài sao được . Cái gì cũng phải qua học hành, trãi nghiệm mới chính xác được .

Phật nói niết bàn = thanh tịnh = trong sáng = chân tâm vẫn nằm trong sinh diệt, mà vẫn nằm ngoài sinh diệt . Ta ví dụ niết bàn = chân tâm rỗng suốt như hư ko đi . Hư ko vẫn nằm trong sinh diệt, mà vẫn nằm ngoài sinh diệt . Hư ko vẫn vẫn nằm trong vũ trụ ngàn sao, mọi hành tinh, và cũng nằm ngoài mọi hành tinh và ngàn sao...Thế thì ái = tình yêu là nguồn gốc của sinh tử. Là nguyên nhân hiện hữu của mọi chúng sanh, vạn loài .

Ái = tình yêu vẫn nằm trong sinh diệt, mà vẫn nằm ngoài sinh diệt . Vì thật tướng tình yêu nó vốn vô hình, giống như ko tồn tại, nhưng luôn có mặt khắp mọi nơi trong mỗi sinh vật sống .Ái = tình yêu chính là trong sáng = thanh tịnh = niết bàn . Dĩ nhiên chân tâm luôn nằm trong vọng tâm và nằm ngoài vọng tâm . và thân tướng được hiện hữu . chúng ta ko thể tách rời chúng ra được . Thế thì tại sao lại đi loại bỏ ái = tình yêu ?

Vì đó là nguyên nhân sống chết của chúng sanh . Buồn vui, sướng khổ , ...đều do ái = tình yêu mà ra . tâm vẽ mọi thứ của thế gian , tức là tình yêu vẽ nên thế gian muôn màu muôn vẽ . tạo ra biết bao nhiêu mầm sống mới. xây dựng thế giới ngày càng tươi đẹp hơn, tiện nghi hơn, tạo ra mọi thứ vật chất nhà , xe, điện thoại, ngành nghề, trường học, âm nhạc, phim ảnh...

nhưng nếu muốn đoạn diệt hoàn toàn buồn khổ, vui sướng....ra khỏi nhân loại hay bất cứ ai..thì ko thể nào được . Vì bản chất của ái = tình yêu là phải như vậy . Vì nó bất sinh mà . Chân tâm cũng bất sinh . Nếu như bản thể tình yêu mà có chết, hay mất hẳn trong vũ trụ ko cùng tận này .

Vậy thì tại sao chúng ta chết đi, chất liệu tình yêu = ái cũng còn sống mãi với nhân loại vượt thời gian ? và nếu phật, chúa, hay tu sĩ ko ra đời, ko thành lập tôn giáo...thì nhân loại vẫn luôn sống với chất liệu tâm linh tình yêu này, 1cách hết sứcbình thường, thuận theo chân lý .

Ko bao giờ có 1 ai có thể đoạn ái hoàn toàn, sạch sẽ được. Chỉ là chuyển từ tình yêu 2 cá nhân lên thành tình yêu gia đình, và chuyển sang tôn giáo, chuyển sang thiên nhiên, chuyển tình yêu sang nhân loại, chuyển tình yêu cho đất nước, quê hương, chuyển tình yêu vũ trụ vượt thời gian...

Nhưng các vị lãnh đạo quốc gia, tổng thống, vua, chủ tịch nước, tỷ phú, nhà khoa học ....Họ cũng yêu đất nước, yêu nhân loại, yêu số đông,,, nhưng họ có đoạn ái ,có bỏ gia đình họ đâu, có bỏ qua chất liệu tâm linh tình yêu đâu, và họ đã tạo ra mầm sống nhân loại mới, và phát huy khoa học, phục vụ đời sống nhân loại ngày 1 tiến bộ hơn...có cuộc sống tiện nghi hơn...

Vì ái = tình yêu trong họ còn, họ mới có sức mạnh , động lực sống và làm việc, yêu người thân, gia đình, và dành 1 phần tình yêu mở rộng trong sáng cho cả đất nước, yêu nhân loại, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, cây xanh, cấm phá rừng ...trồng cây xanh,,,mở rộng nhiều ngành nghề...

Còn tu sĩ đoạn ái, thì sống với tình yêu trong sáng yêu nhân loại. Nhưng có thấy họ hành động vì cả vũ trụ nhân loại hết đâu. họ chỉ gói gọn trong 1 tôn giáo của riêng họ mà thôi. hiếm ai chịu mở rộng tấm lòng ra để bao dung, bỏ qua cái xấu, ko hay của tôn giáo bạn, và nhìn về cái tốt đẹp của tôn giáo bạn,...Nếu tu sĩ cả thế giới thật lòng yêu cả nhân loại, yêu thế giới này, vậy thì hãy chứng minh bằng hành động thực tế đi. Hãy dẹp hết những cái tôi riêng lẽ, đó qua 1 bên đi. Hãy làm sao cho cả thế giới này hưởng chung 1 nền tâm linh tình yêu thương chung đi.

tôn giáo nào dám bỏ qua hình thức bên ngoài, để thống nhất nền tâm linh cả thế giới lại chung mang tính chất đồng nhất , dành cho mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo, mọi giới chính trị gia, tại gia, tu sĩ ...ko? Chỉ có chất liệu tâm linh tình yêu mới có thể là mẫu số chung dành cho cả thế giới thôi. vậy mà ko thấy ai chịu nhìn nhận hết .

Đoạn ái ?vậy thì tu sĩ bề ngoài sống yêu số đông đấy, nhưng còn bên trong thì chất liệu tâm linh sẽ thiếu 1 cái gì đó, sẽ buồn , phiền não . Vì tình yêu thật sự là phải có tâm linh âm và dương kết hợp lại đúng nghĩa . Sự thật thì chẳng ai có thể đoạn được . Vì chất liệu tâm linh tình yêu luôn sống mãi trong lòng nhân loại, vạn loài, mọi thời gian = bất sinh . làm sao đoạn được.

Và sẽ ko bao giờ những người tu sĩ đoạn ái nào , có thể trở về bản thể tâm linh = chân tâm = bản thể tâm linh tình yêu của vũ trụ nhân sinh, đạt giác ngộ, hay giải thoát tâm linh = tự do tâm linh tình yêu . Vì yêu số đông, lệ thuộc số đông, làm sao mà tự do được? vì số đông sẽ ko yêu tu sĩ đúng nghĩa lại được .

quy luật của vũ trụ, của tự nhiên, của tâm linh là, nếu ko có tìm được 1 tâm linh tương thông về tình yêu còn thiếu là âm hoặc dương, thì ko thể thoát khỏi sinh tử luân hồi . Vì tình yêu là phải có đôi có cặp . Mà tu sĩ thì lẽ loi, nên bị kéo đi tái sinh hoài. còn người nào có đôi có cặp, họ yêu nhau chung thuỷ, vậy thì họ đâu muốn đi tái sanh nữa đâu, nếu 1 người bỏ đi, bỏ lại người yêu mình sao? sẽ ko ai làm thế.

Còn tu sĩ sống cô đơn, chết cũng cô đơn về tâm linh. Tình yêu là nguồn gốc của sinh diệt, cũng là nguồn gốc của vũ trụ = chân tâm . Chỉ có 1 tâm linh thôi, thì đừng hồng trở về bản thể tâm linh tình yêu của vũ trụ nhân sinh = vô tướng = vô hình = con người thật của hư ko pháp giới tất cả chúng sinh . cho dù 1 đống tu sĩ trong cõi vô hình, thì vẫn là 1 đống tâm linh riêng lẽ hết. ko có cặp nào trùng khớp tâm linh tình yêu đúng nghĩa hết, nên cuối cùng ko ai thoát khỏi sinh tử luân hồi hết . ko ai có thể hội cùng bản thể tình yêu vô ảnh, vô hình , vô tướng được .

Còn tín đồ tại gia, ko có ai yêu tu sĩ đâu. ko ai yêu thánh, phật gì đâu. họ chỉ yêu người yêu của người ta mà thôi. tại gia chỉ nhờ thánh, tu sĩ giúp đỡ khi họ cần mà thôi. khi nào người thân yêu của họ gặp khó khăn, về sức khoẻ, hôn nhân, kinh tế, sự nghiệp...bí quá, nên họ đến cầu cứu với thánh, tu sĩ , phật mà thôi. Rồi họ cũng yêu người yêu , gia đình của họ. Và nhiệm vụ của tu sĩ chỉ có thế.

Sống lãng phí kiếp người, chết thì tâm linh đơn lẽ, đoạn ái thì đâu dám yêu ai, nên cũng đâu ai dám yêu lại. Và tâm linh đơn lẽ, ko có chất liệu tình yêu, 1 người thì làm gì có tình yêu đúng nghĩa. Tại gia ko hiểu điều này. mà có hiểu họ cũng giả vờ như ko hiểu. Vì ko có tầng lớp tu sĩ, thì ai sẽ hy sinh làm thánh , để cứu người yêu , gia đình họ. Tại gia bó tay thì nhờ thánh, bây giờ tại gia được yêu . Thánh phải khác tại gia chứ, thánh cũng yêu nữa thì bình thường . phải khác thường, phi thường hơn tại gia, thì mới có khả năng cứu người yêu của họ chứ .

nhưng phật có tại thế, thì con người cũng phải có sinh già bệnh chết mà thôi. phật còn ko thoát cái chết xác thân, nói gì đến ai . thế thì lý dotu sĩ đoạn ái? đoạn nguồn gốc tâm linh của vũ trụ nhân sinh. là đi ngược chân lý . và tín đồ tôn giáo 1 số muốn đi con đường này , ngày càng đông.

Ko ai chịu nhìn nhận sự thật tâm linh tình yêu hết . Và trãi nghiệm bản chất tình yêu hết. Tình yêu là phải có buồn khổ, vui sướng, tham sân si...Vậy mới đúng. Bằng chứng, là phật, thánh, tu sĩ khổ muốn chết, mà vẫn ráng thức khuya dậy sớm, vì yêu phật , chúa.

Phật giải thoát nhân loại luôn đi, đoạn ái thì ko được yêu ai hết, kể cả yêu nhân loại. Vậy nếu tu sĩ phật, thánh đoạn ái, vậy thì mất quyền yêu tôn giáo, ko được yêu nhân loại. Đừng tái sanh giữ gìn đạo pháp. thoát luôn đi. siêu thoát luôn đi. Đừng bám vào nhân loại nữa . hoằng dương phật pháp, giáo lý làm gì nữa,

có yêu ai đâu mà đòi cứu nhân độ thế . nếu còn tham ái như vậy. Thì dẹp bỏ đi danh từ đoạn ái. Vô lý.Đi ngược chân lý . phải làm sao giải thoát, siêu thoát , xuất ra khỏi thế gian này mới đúng chứ . giải thoát khỏi nhân loại, thì đúng hơn,. đi về nhà lo tìm tình yêu đôi lức cho riêng mình, vừa yêu số đông nhân loại luôn. Và sống bên gia đình, cống hiến xã hội. yêu đất nước, yêu cả nhân loại luôn. đem tình yêu hoà bình đến cho cả thế giới. Mới là tu sĩ thật sự .

vì tu = sống, thực hành = trãi nghiệm , tôn giáo = tâm linh tình yêu chung của cả nhân loại . Nếu chất liệu tâm linh ko có, thì làm sao gọi là tôn giáo? làm sao gọi là tu sĩ ?

12/10/2010 22:58:43

Gui Gi do!
Ban ko phai la thien su thi dung dem triet ly nay ra day,NGU UAN GIAI KHONG nhung NHAN QUA BAT KHONG.

Minh 13/10/2010 04:32:59

co Bich Tam!
Co viet gi ma dai dong. Doc vao y tuong cua co ve tinh yeu, co luon noi ve hinh anh nguoi tu si. Chac co bi that tinh voi mot ong tu si nao do nen cu lai nhai hoai ve tinh yeu. Doc bai binh luan cua co, ai cung thay vi that tinh nen co bat man, tu bat man nen co co cai nhin sai lac ve tu si va ton giao. Gan day, co giau ten co nhung doc vao van thi ta biet co Bich Tam vi nhung binh luan truoc cung cung mot gu. Co mot bai binh luan, co cho nguoi ta biet rang co la Phat, la than, la alas,... va co con muon ong thien su gi do an chung cho co. Co nhin lai co. Co hay xem lai bo mat pham phu, that tinh cua co. Hay nhat la co dung binh luan nua. Ve lo tu sua lai coi long tan vo.

BÍCH VÂN 13/10/2010 22:46:56

Cha trong nhà thờ TCG La mã thì gọi là linh mục,( chứ không phải mục sư) linh mục không được phép kết hôn. Luật đạo không cho phép, còn những vị lén lút thì không nói đến làm gì.
Mục sư (của đạo Tin Lành, hay Cơ Đốc Giáo) thì mới được phép lấy vợ.
BT có biết điều cơ bản này không?

ai dau biết 20/10/2010 10:52:04

ai cũng có thể lấy lời Phật dạy để xử dụng cho cái lý thuyết của mình; nhưng có đúng theo Phật dạy không là người học Phật và muốn tu đúng đường thì phải chọn lọc ; nếu sai lầm chính cho mình đời nầy và đời sau sẽ đi vào cảnh giới khổ đau mà không biết tưởng là hay;

Phật dạy ái dục sanh đau khổ;luân hồi sinh tử từ nơi ái dục mà ra;do giữ giới mới sinh định; mới phát huệ; và tri kiến giải thoát; vượt thoát khổ đau; sanh tử;giữ mãi tâm ái mà tu thì giống như cát nấu muốn thành cơm; đợi khi nào thành cơm?????????????????????????còn Osho nói nhờ có ái dục mới thaý thương đế; niết bàn; ôi chao ơi; đâu phải cấn Osho nói; biết bao nhiêu người có gia đình; tối nào cũng nằm chung nhau; giao hợp nhau và niết bàn ; thượng đế; theo đủ kiểu đó thì nhiều quá; đếm không xũê đó á; nói theo kiểu Osho thì ai có gia đình đều giác ngộ hết roi a.cảm ơn tác giả Hoang Lien Tâm đã cho tóm tắt gọn gàng ;đầy đủ chứng cớ của Osho; chỉ cho nhiều người có thể hiểu và tránh con đường lạc vào Ma đạo;tôi có được nghe Osho giảng về guru tình dục trên youthtube rất siêu ; chắc ông ta ăn chơi quá chet sớm là phải roi; còn người việt nam mình lại đi lấy ông guru làm thầy bảo rằng ong ta là Thánh tăng đó mới đau khổ cho nhung người đi lạc mà không biết;

Cám on ong tac gia Hoang Liên Tâm nhiều.

07/11/2010 00:58:30 @gởi gì đó:
..Ông chỉ bày kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu..Hiếm có nhà văn hóa nào lại làm việc này

...Ông đã thành công một thời và sau đó thất bại vì dưới ánh sáng mặt trời không có gì che dấu được. Ông đã không che dấu mãi được con người thực của ông. Trong khi đệ tử sống trong môi trường khiêm tốn và đơn giản như lời ông giảng dạy thì ông lại sống trong xa hoa lộng lẫy, tư thất ông ở có máy điều hoà không khí, có bồn tắm nước nóng, có những người con gái thoả mãn ông. Ông đi đâu cũng có đoàn tuỳ tùng với nhiều xe hơi mang hiệu Rolls Royces lộng lẫy do các đệ tử hiến cúng.
Ông đã bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về Ấn Độ vào năm 1987, sau khi đã nhận nhiều tội và bị phạt 400 ngàn Mỹ kim. Ông trở về lại Pune (Poona) Ấn Độ sau 7 năm gây sóng gió tại bang Oregon. Về lại quê nhà ông quyết định khai tử tên Rajneesh (có lẽ là để dấu khuôn mặt thật của ông bị lộ diện ở Hoa Kỳ) và khai tên mới là Osho.

Họ đang tiếp thị hai em để hai em tiêu thụ sản phẩm của họ. Họ chiêu dụ hai em và những người khác tìm hiểu đạo Phật, tìm hiểu thiền qua sách của Osho và quảng bá rất hay về ông này vì họ biết nhu cầu tìm hiểu về thiền và đạo Phật đang lên cao tại Việt Nam....
từ cái này http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-104_4-4220_5-50_6-1_17-94_14-1_15-1/

0 07/11/2010 00:16:06 http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-104_4-4220_5-50_6-1_17-94_14-1_15-1/

Hiện tượng OSHO
(08/27/2010) (Xem: 556)
Tác giả : Ban Biên Tập
Em và bạn em là sinh viên Đại Học Ngoại Thương ở Hà Nội được giới thiệu đọc một số sách của ông Osho để tìm hiểu đạo Phật vì họ nói ông này là đạo sư, giảng đạo hay, dạy thiền hay và tín đồ người Mỹ theo ông nhiều lắm. Vậy chúng em hỏi ý kiến của ban biên tập về những điều giới thiệu về vị đạo sư này.

Chào hai em,


Trong dịp về Việt Nam vào đầu năm 2006 vừa qua, chúng tôi có cơ hội đến thăm một vài nhà sách ở Saigon và Huế, nhìn thấy khá nhiều sách dịch của Osho được bày bán và khi được hỏi về hiện tượng này một cô tiếp viên nhà sách nói rằng phong trào dịch sách và bán sách của ông Osho đang trở nên thịnh hành vào thời điểm này tức thời điểm Việt Nam sắp được gia nhập thị trường kinh tế toàn cầu WTO.


Việt Nam ta bây giờ đi đến đâu cũng nghe nói đến làm kinh tế, làm kinh doanh và hầu như ai cũng muốn điều đó. Ai cũng nghĩ chỉ có kinh doanh mới làm giầu nhanh chóng. Lớn thì làm lớn, nhỏ thì làm nhỏ. Trong giới sinh viên đại học thì bán phao, bán sách, bán đề thi, dạy luyện thi... Hai em đang học về kinh tế thương mại biết rõ điều đó hơn ai hết. Ngay cả tổ chức Osho có trụ sở ở Pune, Ấn Độ cũng vậy. Lợi tức kinh doanh thu được qua việc kinh doanh sách, bán CD audio cùng các thứ khác của họ hàng năm lên đến nhiều chục triệu Mỹ kim. Hai em cũng đang được người ta (có thể là các bạn em) đang kinh doanh đấy. Họ đang tiếp thị hai em để hai em tiêu thụ sản phẩm của họ. Họ chiêu dụ hai em và những người khác tìm hiểu đạo Phật, tìm hiểu thiền qua sách của Osho và quảng bá rất hay về ông này vì họ biết nhu cầu tìm hiểu về thiền và đạo Phật đang lên cao tại Việt Nam, ngay cả các ông lớn từng lãnh đạo đất nước cũng đang có nhu cầu tìm hiểu tâm linh, tìm hiểu về đạo Phật.


Chúng tôi muốn hai em biết rõ động cơ thúc đẩy việc quảng bá về Osho. Thật ra những lời giảng dạy về thiền, về đạo Phật của ông Osho không có gì là hay. Ông ta chỉ có một cái hay là biết rõ và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của con người là ham mê tình dục và khao khát đạt được một cái gì đó về tâm linh.


Ông cho rằng “sự thèm khát dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thành chiếc thang mà qua đó đạt tới ngôi đền của tình yêu", rằng "dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thành phương tiện để đạt tới siêu tâm thức, đạt tới định samadhi.” Ông chỉ bày kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu. Xin trích đoạn: “… Việc thở của người ta càng nhanh, thì thời gian giao hợp càng ngắn; hơi thở người ta càng bình thản và chậm chạp thì việc đó càng kéo dài hơn. Và việc giao hợp càng kéo dài lâu, thì càng nhiều khả năng từ dục tạo ra cánh cửa tới samadhi, một kênh cho siêu tâm thức. …. Vào lúc giao hợp chúng ta ở gần với Thượng đế. Thượng đế tồn tại trong chính hành động sáng tạo cho sinh thành nên cuộc sống mới, và do vậy thái độ của người ta nên giống như thái độ của người đi vào chùa chiền, đền đài hay nhà thờ. Vào lúc cực khoái chúng ta ở gần nhất với đấng Tối cao(From Sex To Super-Consciousness – Osho International Foundation) ....


Ông đã thành công một thời và sau đó thất bại vì dưới ánh sáng mặt trời không có gì che dấu được. Ông đã không che dấu mãi được con người thực của ông. Trong khi đệ tử sống trong môi trường khiêm tốn và đơn giản như lời ông giảng dạy thì ông lại sống trong xa hoa lộng lẫy, tư thất ông ở có máy điều hoà không khí, có bồn tắm nước nóng, có những người con gái thoả mãn ông. Ông đi đâu cũng có đoàn tuỳ tùng với nhiều xe hơi mang hiệu Rolls Royces lộng lẫy do các đệ tử hiến cúng.


Ông đã bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về Ấn Độ vào năm 1987, sau khi đã nhận nhiều tội và bị phạt 400 ngàn Mỹ kim. Ông trở về lại Pune (Poona) Ấn Độ sau 7 năm gây sóng gió tại bang Oregon. Về lại quê nhà ông quyết định khai tử tên Rajneesh (có lẽ là để dấu khuôn mặt thật của ông bị lộ diện ở Hoa Kỳ) và khai tên mới là Osho.


Hai em muốn tìm hiểu thêm về ông Osho có thể đọc bài viết của tác giả Hoàng Liên Tâm có lưu trữ trong Thư Viện Hoa Sen. Bài này được đánh giá cao và được đăng tải trên tuần báo VietTide của Đài Phát Thanh Little Saigon và nhật báo Việt Báo, hai cơ quan truyền thông uy tín của cộng đồng người Việt hải ngoại. Bài Viết có tựa đề là: Hiện Tượng Osho: thân thế, sự nghiệp và đường lối truyền đạo. (xin click:
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-136_4-8218_5-50_6-1_17-25_14-2_15-2/

Còn như nếu hai em thực sự muốn tìm hiểu về thiền và về Phật giáo, chúng tôi khuyên hai em nên tìm đọc những sách viết bởi những người đã nghiên cứu thâm sâu, đã có công phu thực hành lâu năm. Nhiều vị Thầy đã có kinh nghiệm, đã giải ngộ hay là đã đắc đạo. Trong đạo Phật nhiều vô số. Không việc gì mà phải tìm đọc những sách do người ngoài đạo Phật viết, nhất là sách của những người viết bao gồm cả trong lẫn ngoài đạo, vì ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất cá nhân. Nếu hai em muốn, có thể biên thư cho chúng tôi, chúng tôi sẽ hướng dẫn hai em tìm sách Phật giáo để đọc. Rất cảm ơn hai em đã thư cho chúng tôi.
(Ban Biên Tập TVHS)

07/11/2010 00:45:34 sao link bài viết Tvhs không vào được? Ban biên tập hoa sen cũng đồng quan điểm với tác giả Liên Tâm, các Phật tử hãy xem xét cẩn thận nhé, ai ủng hộ Ohso thì cứ ủng hộ, đừng nêu quan điểm ủng hộ Ohso ở đây nữa, chỉ ngụy biện mà thôi. Vả lại ở đây là môi trường Phật Pháp, chắc chắn nhiều Phật tử không theo Osho đâu.
Tác giả bài viết là Hoàng Liên Tâm, bút hiệu khác của Cư sĩ Tâm Diệu - Chủ biên website Thư Viện Hoa Sen. Đây là link bài viết:
https://thuvienhoasen.org/a7769/hien-tuong-osho-hoang-lien-tam 

Thư của thầy Hằng Thật gửi đến chủ bút báo Time Magazine:

Nguồn: http://vanphatthanh.org/tra-loi-cua-mot-phat-tu/ 

Thư của Thầy Hằng Thật gởi đến chủ bút báo Time Magazine trả lời về một sai lầm nghiêm trọng trong số báo Time ngày 8 tháng 10 năm 2001

Trích dịch từ nguyệt san Vajra Bodhi Sea, số 378, tháng 11 năm 2001.

 

Bài viết của ông Philip Elmer-Dewitt “Cuộc tấn công bằng khủng bố sinh học đầu tiên trên nước Mỹ” (Tạp chí Time, ngày 8 tháng 10 năm 2001 (1)) mở đầu bằng câu: “Vào mùa thu năm 1984, các thành viên của giáo phái Rajneeshee, một giáo phái Phật giáo dâng hiến cho vẻ đẹp, tình yêu và tình dục không cảm thấy tội lỗi, đã pha chế một ‘loại nước sốt’ có chứa vi khuẩn salmonella và rưới trên trái cây và rau cải trong món salad tại quán bánh Shakey’s Pizza ở The Dalles, Oregon. Đó là cuộc tấn công khủng bố sinh học quy mô lớn đầu tiên trên đất Mỹ”. Mặc dù đúng là kẻ bịp bợm Rajneesh và những người sai lầm đi theo ông ta đã thực sự làm điều đó, nhưng thật là điều không đúng và gây hiểu lầm.khi gọi họ là “Phật tử”.

Những giáo lý cơ bản của Đạo Phật được chia sẻ bởi nhiều triệu người tin tưởng trong suốt 2500 năm lịch sử, dù đó là người Thái Lan, người Trung Hoa, người Tây Tạng hay người Mỹ, thì họ đều bắt đầu với niềm tin đạo đức mạnh mẽ về lòng từ bi và trân quý tất cả sự sống. Đối với một người Phật tử, việc mình làm có ý nghĩa hơn nhiều so với lời mình tự xưng. Thực hành Đạo Phật bắt đầu với những lời nguyện không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng bất kỳ loại chất gây say nào.

Nhận xét của ông Elmer-Dewitt về quyển sách “Vi trùng: Vũ khí sinh học và chiến tranh bí mật của Mỹ” đã đổ lỗi cho ba tác giả của sách này về việc “lặp lại không phân tích những chuyện vặt gây hoang mang nhất”. Nhưng chính việc ông Elmer-Dewitt mô tả Đạo Phậttôn giáo “dâng hiến cho vẻ đẹp, tình yêu và tình dục không tội lỗi” đọc lên thấy giống như là một loại kích động rẻ tiền mà ông ta đã chỉ trích trong bài viết của mình.

Đạo Phật khuyến khích những người thực hành theo hướng hành xử nhẹ nhàng, bảo vệ sự sống và đạo đức. Trí huệlòng từ bi là những điều kiện thiết yếu của một lối sống Phật tử chân chính. Các giáo lý của Đạo Phật về đạo đức không mơ hồ, không theo kiểu tự mình đặt ra hay chủ nghĩa tự do. Đạo Phật không đồng nghĩa với tờ giấy cho phép được hành nghề. Bất cẩn gắn tên của Phật giáo vào hành viluật lệ trắng trợn như của ông Rajneesh và những người đi theo ông ta trong suốt thời gian họ ở Oregon gây tác hại cho những người dễ tin và có tác dụng xấu đến ông Elmer-Dewitt và tạp chí tốt đẹp của quý vị.

Sự thái quá của những người đi theo ông Rajneesh chỉ đơn giản là: Sự thái của những người theo ông Rajneesh – chứ không phải của Phật Giáo. Một cuộc tìm kiếm nhanh qua internet cho thấy tín ngưỡng pha trộn của ông Rajneesh nay đã qua đời là được pha chế bởi sự tùy hứng, dễ thay đổi và không có cấu trúc rõ ràng. Ông ta cắt rồi dán lại từng mảnh nhỏ nhiều tôn giáo khác nhau để phục vụ cho chủ nghĩa khoái lạc và các ham muốn tham lợi của bản thân. Việc cẩu thả gắn nhãn hiệu cho những kẻ đầu độc của ông Rajneesh, những kẻ tích trữ vũ khí, và những kẻ trốn thuế là “Phật tử” chính là sự xúc phạm tới cả Đạo Phật lẫn nghành báo chí đúng đắn.

Qua một tai họa thì mới giáo dục cho thế giới không phải Hồi giáo biết rằng tôn giáo của Đạo Hồi không bao gồm chủ nghĩa khủng bố. Sau những cuộc tấn công khủng bố tháng trước (2), thế giới đã có một khóa học gấp rút để đọc kinh thánh Koran cho đúng, và điều mang lại phúc lành cho hòa bình đó là người ta đã học được cách để đánh giá đúng và tôn trọng đức tin tôn giáo của một tỷ người hàng xóm trên hành tinh của chúng ta. Có lẽ chúng ta cũng cần học hỏi thêm nhiều về Đạo Phật giống như vậy.

 

Tỳ kheo Hằng Thật,

Giám đốc Chùa Phật Giáo Berkeley, Berkeley, California.

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Vạn Phật Thánh Thành:

(1) Hình bìa số báo Time ngày 8 tháng 10, 2001 (một tháng sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center), Thành phố New York, Hoa Kỳ) và bài viết của ông Philip Elmer-Dewitt:

America’s First Bioterrorism Attack

By Philip Elmer-Dewitt Monday, Oct. 08, 2001

 

In the fall of 1984, members of the Rajneeshee, a Buddhist cult devoted to beauty, love and guiltless sex, brewed a “salsa” of salmonella and sprinkled it on fruits and veggies in the salad bar at Shakey’s Pizza in The Dalles, Ore. They put it in blue-cheese dressing, table-top coffee creamers and potato salads at 10 local restaurants and a supermarket. They poured it into a glass of water and handed it to a judge. They fed it to the district attorney, the doctor, the dentist. Their plan: to seize control of the county government by packing polling booths with imported homeless people while making local residents too sick to vote.

It was the first large-scale bioterrorism attack on American soil, but it didn’t get much attention at the time. Nobody died–although at least 751 people got very sick. There was no Fox News or MSNBC to report every case of gastroenteritis. And the federal officials called in to investigate held off publishing a study of the incident for fear of encouraging copycats.

Now the Rajneeshee attack is back in the news, thanks to Germs: Biological Weapons and America’s Secret War, a new best seller that–by a stroke of publishing fortune–landed in bookstores the day the World Trade Center was destroyed. Its three authors, journalists at the New York Times–Middle East reporter Judith Miller, science writer William Broad and investigations editor Stephen Engelberg–were prebooked on the TV publicity circuit. Over the past few weeks, they have been everywhere, retailing their horror stories of Soviet germ weapons programs, Iraqi anthrax stockpiles, Japanese nerve-gas attacks and an American biowarfare defense program in denial and disarray.

How dire is the situation? The book is of two–or perhaps three–minds about it. Large sections are meticulously reported, offering eyewitness descriptions of four-story Soviet anthrax-fermenting tanks and behind-the-scenes accounts of the Pentagon’s scramble to make enough vaccine to protect half a million Gulf War troops from an Iraqi germ attack (it fell 350,000 doses short). Other sections repeat uncritically the most alarmist anecdotes–such as the assertion, lifted from an obscure 1988 book, that the U.S. secretly sprayed American cities with mild germs to investigate the likely impact of deadly pathogens.

Germs is peppered with internal contradictions. Does a 5-lb. bag of anthrax contain enough spores to kill thousands or, as the book also claims, every man, woman and child on the planet? (The first estimate is much closer to the mark.)

No hype was necessary; the verifiable facts are chilling enough–and, in places, eerily prescient. Take the 1995 closed-door briefing for President Clinton and 400 officials from the U.S., Canada, Britain and Japan by Bill Patrick, former chief of the Army’s bioweapons-development program. Patrick described how terrorists–armed with blenders, cheesecloth, garden sprayers and starter bugs mail-ordered from a U.S. germ bank–could spray enough deadly bacteria in the air intakes of the World Trade Center to infect 25,000 people. If that didn’t scare anybody then, it will now.

 

(2) Bài viết vào tháng 10, 2001, một tháng sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center), thành phố New York, Hoa Kỳ






Tạo bài viết
Chỉ vài ngày nữa, là Ngày Bầu Cử của Hoa Kỳ. Cử tri Hoa Kỳ trong ngày 5 tháng 11/2024 sẽ bầu phiếu để chọn lên một tân Tổng Thống, từ hai ứng cử viên của hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ với hai chính sách dị biệt nhau. Lựa chọn này có thể sẽ định hình những chuyển biến tương lai cho cả thế giới khi cách nhìn của hai ứng cử viên, bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đã lộ rõ trái nghịch nhau hoàn toàn về cuộc chiến ở Ukraine, trái nghịch nhau một phần về cuộc chiến Trung Đông, xung khắc nhau về cách kềm chế Trung Quốc, và về cam kết ở Biển Đông.
Khi ngày bầu cử đến gần, nhiều người trong chúng ta bị cuốn vào những cuộc trò chuyện chính trị, đôi khi khiến chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc muốn nổi giận, muốn văng tục và chửi thề như nhiều chính trị gia Hoa kỳ ngày nay khi vận động tranh cử thường dùng “chữ F”. Mặc dù cảm giác đó có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng nó cũng có thể gây tổn hại lâu dài cho tâm trí, cơ thể và các mối quan hệ của chúng ta. Vậy, chúng ta có thể làm gì với sự tức giận mà chúng ta có thể phải trải qua trước tình hình chính trị ngày nay?