THIỀN TÔNG CHỈ NAM CỦA TRẦN THÁI TÔNG
Nguyễn Công Lý
Rất tiếc do binh lửa, thiên tai nên quyển luận thuyết triết lý Thiền tông chỉ nam không còn. Hiện chỉ còn lại bài Tựa của sách mà người đời sau khắc in chung trong Khoá hư lục của cùng tác giả. Không hiểu tại sao trong cuốn sử Phật giáo viết bằng tiếng Pháp Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIe siècle của Trần Văn Giáp và sau đó ít lâu trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược (1942) của Mật Thể đều khẳng định “sách còn truyền đến ngày nay”. Việc sách còn hay mất không thuộc phạm vi bài viết này (dù cho đến nay vẫn chưa tìm thấy). Có điều, tài liệu cũ cho biết người xưa đã đánh giá rất cao “Ôi! Tâm của các Đức Phật ở cả trong này, sao không in thành sách để chỉ dạy cho hậu thế” như lời của Trúc Lâm đại sa môn mà tác giả sách có ghi lại trong bài Tựa; hay như Mật Thể đã xem nó là “báu vật trong vườn Thiền Việt Nam” (Việt Nam Phật giáo sử lược).
Chỉ vài ba trang của bài Tựa, nếu chịu khó đọc và suy ngẫm kỹ, sẽ có nhiều điều thú vị, đặc biệt bài Tựa là một văn bản có nhiều giá trị. Về nội dung của Thiền tông chỉ nam tự trước đây các nhà nghiên cứu ít nhiều đã đề cập đến([2]). Ở đây, tôi chỉ đề cập đến giá trị lịch sử, giá trị văn học và giá trị triết luận của bài Tựa thôi.
1. Về hoàn cảnh ra đời, có lẽ bài Tựa được viết vào những năm cuối đời làm vua của Trần Thái Tông. Ông lên ngôi vua vào năm 1225 và nhường ngôi vào năm 1258. Trong bài Tựa, nhà vua kể chuyện mình bỏ ngôi vào năm thứ 5 niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình (1236)([3]). Sau đó vì miễn cưỡng phải về lại ngôi vài chục năm, tức khoảng 1256. Xét ý văn ở cuối bài Tựa, ta còn biết sách Thiền tông chỉ nam được khắc in lúc nhà vua còn ở ngôi và ông đã viết bài Tựa vào dịp này. Như vậy, bài Tựa ra đời sớm nhất là vào năm 1256 và muộn nhất là vào năm 1258.
Về mặt lịch sử, trong bài Tựa, Thái Tông có nói buồn vì cha mẹ mất sớm nên nhà vua bỏ ngôi lên núi cầu Phật. Thực tế lại khác. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, Thái Tông lấy Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh Hoàng đế, vị vua cuối cùng nhà Lý) đã lâu mà không có con, lúc này Chiêu Hoàng đã 19 tuổi. Nhân Thuận Thiên Công chúa (Chị ruột của Chiêu Hoàng, vợ của An Sinh Vương Trần Liễu, mà Trần Liễu là anh ruột của Trần Cảnh (Thái Tông), có mang Quốc Khang được 3 tháng, thúc phụ Trần Thủ Độ bấy giờ đang là Tể Tướng, bắt ép gả cho Trần Cảnh rất thương yêu Chiêu Hoàng, nhưng đành phải đứt ruột nghe lời chú. Do vậy Liễu mới làm loạn, Thủ Độ đem quân vây bắt, nếu không có Cảnh, chắc Liễu đã rơi đầu! Cảnh thấy trò đời đảo điên, chán việc đời, tránh cảnh huynh đệ tương tàn nên nửa đêm bỏ kinh thành, lên núi cầu Phật. Sự thật phũ phàng như thế!
Nhưng tại sao trong bài Tựa không nêu? Có lẽ đây là vấn đề tế nhị và cũng là thiếu sót có chủ ý của Thái Tông. Trần Thái Tông trong bài Tựa không muốn nhắc lại một chuyện cũ đau lòng, đầy tâm tình bí ẩn – Một câu chuyện khó nói nhất là chuyện có liên quan tới những người thân, những bậc tôn kính như chú như anh đang ở ngôi vị cao nhất nước.
2. Thứ đến, trên góc độ văn chương, Thiền tông chỉ nam tự tuy là lời nói đầu của một tác phẩm nhưng lại có giá trị như một văn bản tự sự thuần tuý, một áng văn kể chuyện tâm tình có giá trị nghệ thuật, có sức thuyết phục trong kho tàng văn chương đời Trần.
Mở đầu, tác giả kể lại những suy ngẫm của riêng mình về đạo Phật không phân biệt Nam Bắc, con người dù sang hèn trí ngu cũng đều có thể giác ngộ, ấy là con đường giải thoát duy nhất cho tất cả chúng sinh. Nhà vua cho rằng đạo Nho có thực dụng với đời, nếu được kết hợp với đạo Phật sẽ làm cho đời hoàn hảo hơn. Tiếp đến bài Tựa kể lại chuyện từ thuở ấu thơ, nhà vua đã mến mộ đạo Phật. Rồi năm 16 tuổi mẹ mất, nỗi đau mất mẹ chưa nguôi thì cha tiếp tục qua đời, nhà vua buồn, đau khổ nên quyết chí tìm đường giải thoát. Vua cải trang đem theo 7, 8 người ra đi nhằm đêm mồng 3 tháng 4 năm thứ 5 niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình. Giờ Hợi đêm ấy đi ngựa qua sông, bấy giờ vua mới bày tỏ thực lòng mình cho tả hữu nghe, khiến ai nấy cũng đều khóc sướt mướt. Qua hai ngày trời trên đường vất vả, khi sang đò Phả Lại, sợ bị lộ, vua lấy khăn che mặt, khi lội suối sâu núi hiểm, lúc bỏ ngựa trèo non. Đến ngày thứ ba thì lên đỉnh núi Yên Tử, vào chùa thăm Quốc sư Trúc Lâm. Gặp nhau, vị sư già mừng rỡ và ân cần hỏi han có điều gì mà đến chốn này. Vua bày tỏ lòng mình chỉ mong cầu Phật chứ không cầu gì khác. Quốc sư trả lời: trong núi vốn không có Phật, chỉ có trong lòng thôi, lòng lặng mà biết chính là Phật vậy. Sau đó, bài Tựa kể lại chuyện thúc phụ Trần Thủ Độ biết vua bỏ ngôi bèn sai tả hữu đi tìm. Khi đến núi gặp vua, Thủ Độ cùng các quốc lão thỉnh cầu thống thiết, nếu vua không về thì liều chết tất cả ở đây. Vua băn khoăn bày tỏ cùng Quốc sư, sư khuyên vua hãy chiều lòng thiên hạ, lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình mà trở về ngôi vua, duy đừng có quên đạo là đủ rồi. Cuối bài Tựa, tác giả kể chuyện từ khi trở về gắng lại lên ngôi trị nước trong vài chục năm, vẫn thường tham thiền, nghiên cứu sách Phật, đọc kinh Kim Cương, ngộ đạo rồi viết bài ca Thiền tông chỉ nam. Nhân dịp quốc sư về in kinh, vua đưa quốc sư xem, được tán thưởng nên làm bài Tựa và ra sắc dụ ấn hành để lưu truyền cho đời sau.
Như đã tóm tắt, bài Tựa chính là áng văn kể chuyện. Xuyên qua bài Tựa truyện này, nỗi ray rứt đau khổ của Thái Tông được vẽ lại khá rõ nét. Cuộc vi hành của vua rời Kinh thành lên Yên Tử thật gian nan vất vả với lòng thành mộ đạo, cùng mối duyên lành với Phật pháp đã được tác giả ghi lại bằng một giọng điệu tâm tình thật chân thành, một bút pháp linh động đầy hấp dẫn. Ở đây, con người đã bị dìu đi trong hoàn cảnh, biến cố, chứng tỏ cái uy linh của số mệnh mịt mùng, nhưng đồng thời, con người cũng có những phản ứng trước biến cố, hoàn cảnh, vận mệnh. Áng văn dào dạt đầy những trăn trở thao thức, băn khoăn rất gần gũi với sự sống linh hoạt, có nhiều động tác đắp đổi, những cải biến liên tiếp về thời gian và nơi chốn, khó điều hoà các sắc thái tâm tình với miêu tả ngoại cảnh. Câu chuyện xung quanh nhân vật chính, nhân vật trung tâm còn có vài nhân vật phụ, mỗi người một vẻ riêng, giọng nói riêng. Tất cả được thể hiện trong câu chuyện rất ngắn nên ý vị của nó càng tăng. Tác giả đã khéo léo sử dụng màn hội thoại làm cho câu chuyện linh hoạt thêm. Lời của nhà vua thật rõ ràng mà dài hơi, nghiêm trang lại nồng nàn. Đây là lời nói của bậc chí tôn với đức khoan dung đại độ, trước sau chỉ nói hai lần. Một lần nói với kẻ hầu cận là cần cải trang để vi hành, xem dân tình mà có biện pháp trị nước an dân. Lần thứ hai là nói với quốc sư cái ý muốn lên núi cầu Phật. Lời của thúc phụ đầu triều Trần Thủ Độ thì trân trọng, khẩn khoản lại thiết tha, rất dài nhưng cũng rất quyết liệt, và chỉ nói một lần thôi. “… Bệ hạ tính kế tự tu đã vậy nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu chỉ để lời nói suông lại thì chúng thần và người trong nước xin cũng chết ngay hôm nay, quyết không trở về nữa”. Nói nhiều hơn cả, đến ba lần là lời nói của quốc sư. Bởi lẽ, trong câu chuyện, quốc sư thật trong sáng, ân cần nhưng có sức thuyết phục. Rõ ràng đó là ngôn ngữ của bậc đã vượt lên trên hết thảy. Lần đầu quốc sư nói với phong thái ung dung, cốt cách thong thả tự do theo tính phận, mang âm hưởng Lão – Trang. Lần thứ hai, câu nói của quốc sư đã thâu tóm được tinh yếu của Thiền học Việt Nam nói chung, của Thiền học Trần nói riêng “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật”. Và lần thứ ba quốc sư khuyên nhà vua trở về ngôi nhưng đừng quên chuyện tu hành, nghiên cứu kinh điển. Lời khuyên này đã khái quát triết lý trị nước an dân đời Trần. Đó chính là sức mạnh của thời đại. Dân có yên thì nước mới thịnh. Câu nói của thái sư đã nêu bật đặc sắc của thời đại Lý – Trần, hoà đồng giữa xuất thế và nhập thế, kết hợp được đạo với đời.
Ngoài ra, trong văn bản còn có lời độc thoại. Nhà vua tự hỏi và tự giải đáp lấy, càng làm cho áng văn linh hoạt, tinh tế và gợi cảm sâu sắc.
3. Cuối cùng, trên góc độ triết luận, Thiền tông chỉ nam tự là cương lĩnh của Thiền học đời Trần, mở ra giáo lý nền tảng của thiền phái Trúc Lâm với đạo – đời kết hợp, chủ trương Phật – Thánh phân công hợp tác, thể hiện quan niệm tam giáo đồng nguyên.
Bài Tựa chỉ là lời nói đầu, lời thuyết minh cho bài ca Thiền tông chỉ nam. Bài Tựa nêu rõ quá trình học đạo và chứng ngộ của nhà vua – thiền sư Trần Thái Tông. Ở đây, khác với đạo thiền nguyên thuỷ, thiền học đời Trần (thông qua hình ảnh Trần Thái Tông) đã kết hợp được đạo với đời. Nghe lời quốc sư, nhà vua trở về ngôi trị nước an dân vừa tham thiền học đạo và chứng ngộ. Câu chuyện ông vua anh minh nửa đêm từ giã kinh thành lên núi cầu Phật “bỏ ngai vàng như trút giày rách” (Ngô Thì Sỹ) – Việt sử tiêu án) để tìm ý nghĩa cuộc sống, chẳng khác nào thái tử Tất Đạt Đa khi xưa cũng nửa đêm từ giã cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ, một mình một ngựa vượt sông lên núi Hy Mã Lạp Sơn để tìm chân lý, hầu cứu vớt chúng sinh ra khỏi cảnh sinh, lão, bệnh, tử. Thái Tông nêu gương Thích Ca nhưng lại khác Thích Ca, một lối rất Việt Nam và do điều kiện lịch sử bấy giờ quy định. Thái Tông lên núi, khi hiểu trên núi vốn không có Phật mà Phật chỉ có trong lòng thì có lẽ trong thâm tâm của Thái Tông bấy giờ đang diễn ra giằng xé: ở lại hay trở về? Lời khuyên của quốc sư làm nhà vua dường như được mở lối. Qua mấy chục năm trở về gắng với ngôi vua vừa trị nước vừa tu thiền, nhà vua – Thiền sư mới thông tỏ và bừng tỉnh “Phật tại tâm”. Trở về với đời để hành đạo mà giác ngộ. Sự kết hợp đạo với đời này là một biểu hiện độc đáo, một đóng góp lớn của Thiền học đời Trần, mang đậm bản sắc dân tộc và thời đại. Thời đại Lý – Trần là một thời đại nhân dân có một đời sống vật chất tương đối no ấm và một đời sống tinh thần tương đối dễ chịu mà nét tiêu biểu là “tích cực” và “vui vẻ”, “dân chủ”, “cởi mở” và “phong phú”, “rộng rãi” và “sâu sắc” (chữ dùng của GS. Đặng Thai Mai). Đây chính là chất dân chủ, rộng mở. Sâu xa và cơ bản hơn là truyền thống yêu nước và nhân đạo thời này đã được phục hưng và phát triển cao độ với việc Việt hóa những tư tưởng ngoại lai. Thời này coi trọng cả ba tôn giáo Nho – Phật – Lão trên cơ sở khôi phục và phát huy những truyền thống dân tộc, chủ yếu là nhân ái và yêu nước cùng với những nhân tố tích cực của ba tôn giáo và những tín ngưỡng dân gian để tạo thành một tinh thần rộng mở sáng ngời, dựa trên cốt lõi dân tộc vững chắc, để tạo nên một Thiền học mang bản sắc riêng độc đáo. Về mặt nguyên lý triết học, cội nguồn sâu xa của cả ba đều đồng nhất ở chỗ: yếu tố âm dương. Phải chăng hai yếu tố này là cơ sở để các tôn giáo – triết học xây dựng hệ thống vũ trụ quan và nhân sinh quan của mình? Triết lý của ba tôn giáo đều trở về cái gốc chung là thực tại siêu việt không thể không nói đến, bàn đến mà chỉ có thể thực nghiệm bằng tâm linh thôi. Khổng Tử phát biểu “Dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai” (Ta không muốn nói đâu, bốn mùa đi lại, muôn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu), còn Lão Tử thì “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” (Đạo có thể luận bàn được không phải là đạo trrường cửu; danh có thể gọi được thì không phải là danh còn mãi), cho nên Lão Tử chủ trương “Bất ngôn chi giáo = giáo lý không dùng lời”. Vậy chỉ còn lại cái tâm. Chỉ có cái tâm mới thể nghiệm và thông tỏ. Ở thiền cũng thế. Thiền là vô ngôn, “Vô ngôn thị đạo = không lời ấy là đạo”. Đó là ý nghĩa nụ cười Ca Diếp trong câu chuyện “Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu”. Và Ca Diếp trở thành người kế nghiệp Thích Ca là tổ sư thứ nhất Thiền tông Ấn Độ. Đó là cội nguồn, còn thời Lý – Trần thì sao? Thời này đạo Phật có uy thế lớn đối với dân tộc. Có lúc là quốc giáo. Bấy giờ các bộ kinh và luận của Phật đa số được Trung Quốc dịch rồi truyền sang (chủ yếu vẫn là của các dịch giả Cưu Ma La Thập và của Đường Huyền Trang). Dĩ nhiên, lúc đó, ở Việt Nam cũng có những đoàn thỉnh kinh trực tiếp sang Ấn Độ, và những bộ kinh dịch trực tiếp từ Phạn ngữ, nhưng có lẽ không nhiều. Và mỗi khi kinh Phật được một xứ sở có truyền thống văn hiến – triết học Trung Quốc in và dịch thì chắc chắn triết học Phật giáo Nguyên thủy được nhìn qua một lăng kính – nhìn Phật qua Lão Trang và Khổng Mạnh. Ở thời Lý Trần cũng vậy, đa số trí thức đều nằm trong nhà chùa. Dù họ là thiền sư nhưng tất cả đều uyên thâm Lão Trang và Khổng Mạnh. Cho nên, khi đứng trước vấn đề, các thiền sư thường vận dụng tri thức tổng hợp, đồng nhất của ba tôn giáo để lý giải (dĩ nhiên dựa trên cái cốt lõi dân tộc) cho phù hợp với tinh thần Việt Nam. Đây là điểm khác nhau giữa thiền học nguyên thủy với thiền học Lý – Trần. Ta không lấy làm lạ là các thiền sư Lý – Trần đều là những con người nhập thế, hành động, hòa đời, giúp vua trị nước an dân, góp phần xây dựng nên một thời đại rực rỡ nhất trong các triều đại lịch sử, tạo nên một trong hai bước nhảy vọt về tư tưởng của dân tộc([4]).
Thiền học Lý – Trần, như đã nêu, không những không xung đột với Nho – Lão mà còn nhờ chất rộng mở của thời đại nên đem lại một quan niệm rộng rãi về tâm linh, nhân sinh, vũ trụ. Trước Trần Thái Tông, thiền sư Viên Chiếu đời Lý cũng đã phát biểu Nho Phật tịnh hành, phân công hợp tác. Khi có người hỏi ý nghĩa khác nhau giữa Phật và Thánh, thiền sư đáp: “Ly hạ trùng dương cúc, chi đầu thục khí oanh = Thu sang cúa nở bên rèm; Ngày xuân ấm áp tiếng chim đầu cành”. Dù Phật giáo hay Nho giáo đi nữa, cả hai đều cùng bản thể chân như, cũng cùng một cái lẽ tuần hoàn vi diệu của vũ trụ: mùa thu hoa cúc nở, mùa xuân chim oanh kêu. Cả hai đều đẹp, đều đưa con người đến cứu cánh của cuộc sống. Đó là Đạo. Sự kết hợp tịnh hành, phân công hợp tác này lại lần nữa được thiền sư Trần Thái Tông thể nghiệm trong cuộc đời mấy mươi năm hành và tàng, xuất thế và nhập thế mà nhà vua có ghi trong Thiền tông chỉ nam tự. Chuyện ông vua bỏ ngôi vào núi cầu Phật rồi về ngôi chứng ngộ như đã nêu ở trước, chính là sự dung hợp này. Chính Thái Tông phát biểu tinh thần vô phân biệt “Phật vô nam bắc quân khả tu cầu; tính hữu trí ngu đồng tư giác ngộ = Phật vốn không phân biệt nam bắc, ở đâu cũng có thể tu cầu; tính có cả trí lẫn ngu, tính nào cũng có thể giác ngộ”. Đọc câu trên khiến tôi liên tưởng đến lời đối đáp giữa ngũ tổ Hoằng Nhẫn với Huệ Năng. Huệ Năng làm nghề bán củi, một hôm nghe kinh rồi thăm hỏi tìm đến Hoàng Mai ra mắt Tổ sư Hoằng Nhẫn để cầu Phật. Hoằng Nhẫn bảo Huệ Năng là kẻ quê mùa sao thành Phật được. Huệ Năng đáp lại “Nhân tuy hữu nam bắc, Phật tính bổn vô nam bắc; Lạp lão thân dữ Hòa thượng bất đồng, Phật tính hữu hà sai biệt = con người tuy có nam bắc nhưng tính Phật vốn không nam bắc, thân quê mùa này cùng thân Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tính vốn không sai khác” (Pháp bảo đàn kinh). Nói Phật tính chính là nói đến cái tâm bản thể chân như. Thích Ca thường dạy đệ tử “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính = Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Cần nói thêm Huệ Năng và Thái Tông là hai người ở hai thời đại khác nhau, hai quốc gia khác nhau. Huệ Năng dân dã quê mùa không biết chữ; Thái Tông là Hoàng đế học vấn uyên thâm. Cả hai đều nghe kinh Kim Cương, cùng ngộ đạo ở câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Thế mới biết Phật tính không phân biệt. Ngày xưa, nhờ nghe tổ Hoằng Nhẫn giảng kinh Kim Cương mà canh ba đêm ấy Huệ Năng bừng tỉnh đại ngộ, được truyền y bát và tâm ấn, làm tổ sư thứ sáu Thiền Trung Quốc. Còn bây giờ, Thái Tông làm vua – tu thiền mấy mươi năm, nghiên cứu nhiều kinh sách nhưng thường đọc kinh Kim Cương, đến câu “không nên sanh tâm vào chỗ nào định sẵn” rồi bỏ sách xuống mà than dài thì tự thấy thông suốt (Thiền tông chỉ nam tự). Thái Tông đọc cả kinh sách Nho, Lão chứ riêng gì đọc kinh Phật. Chính nhà vua đã viết “Chư đại giáo đẳng kinh” kia mà! Thái Tông đã phát biểu tinh thần Phật – Thánh phân công hợp tác: “Tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt. Tắc tri ngã Phật chi giáo, hựu giả tiên thánh nhân dữ truyền ư thế dã. Kim trẫm yên khả bất dĩ tiên thánh chi nhậm vi kỷ chi nhậm, ngã Phật chi giáo vi kỷ chi giáo tai! Dịch: Bậc đại thánh nhân đời trước với bậc đại sư không khác gì nhau. Thế thì biết rằng giáo lý của đức Phật lại nhờ thánh nhân đời trước mà truyền ở đời vậy. Nay trẫm há có thể không lấy trách nhiệm của mình, không lấy lời dạy của đức Phật làm lời dạy của mình được sao” (Thiền tông chỉ nam tự). Ngay cả lời khuyên của thiền sư Viên Chứng (Phù Vân quốc sư Trúc Lâm đại sa môn) nghe có âm hưởng triết lý Lão – Trang, cụ thể là của Trang Tử trong thiên Tiêu diêu du (Nam Hoa Kinh) với tinh thần cốt cách thong thả tự do vui thích theo tính phận tiên thiên của mình. Có lẽ đây cũng là dẫn chứng khá lý thú về tam giáo đồng nguyên, “đồng quy nhi thù đồ”. “Lão tăng cửu cư sơn dã, cốt cương mạo tuỵ, cam trà nhự tượng, tuyền ẩm lâm du, tâm nhược phù vân, tuỳ phong đáo thử = Lão tăng ở lâu núi rừng, xương cứng vóc gầy, ngon chè bùi lật, uống suối chơi rừng, lòng như phù vân, theo gió mà đến (Thiền tông chỉ nam tự). Vâng lời dạy của Quốc sư, theo nguyện vọng của triều thần và dân chúng. Thái Tông trở về lại ngôi. Đây là lúc thực hành và chiêm nghiệm. Từ giã Yên Tử tức cũng là từ giã Đạo để về Đời, về đời mà hành Đạo. Nhà vua đã lấy thân mình làm người đưa đường cho thiên hạ – một tinh thần quên mình vì người, một đức tính “tiên ưu hậu lạc” của Nho gia và cũng là đức từ bi bao dung của Phật. Cũng nhờ vào đời hành đạo mà Thái Tông ngộ đạo, thấy rõ trong núi làm gì có Phật, Phật vốn ở trong lòng. Con người ta khi đã kìm tâm một chỗ, lắng dứt vọng niệm thì dù đi đứng, nằm ngồi, bửa củi, giã gạo cũng đều có thể Thiền được.
Tinh thần đạo đời kết hợp, chủ trương Phật Thánh hợp tác với quan niệm tam giáo đồng nguyên thông qua Thiền tông chỉ nam tự mà chúng tôi đã lý giải đó chính là nền tảng, là cương lĩnh mà sau này Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, rồi đến Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm) kế thừa để tạo nên một dòng thiền đậm đà chất Đại Việt. Đó còn là tinh thần dung hợp Việt hoá những tinh hoa tư tưởng ngoại lai. Nhờ vậy mới tạo nên thế đứng vững chãi của dân tộc, tạo nên sức mạnh của thời đại với hào khí Đông A bất diệt.
Hà Nội, 8/1982 – 26/7/1995.
Khoa Văn học và Ngôn ngữ Đại Học Quốc Gia TP. HCM
[1] Xin đọc nguyên văn và bản dịch trong Khóa hư lục, KHXH, H, 1974, và trong Thơ văn Lý Trần, tập 2, Q thượng, KHXH, H, 1989, tr.24.
[2] Xem Thiền học đời Trần, nhiều tác giả, Viện NCPNVN, 1995.
[3] Đại việt sử ký toàn thư ghi năm thứ 6, Thiên Ứng Chính Bình, tức năm 1237.
[4] Lê Duẩn, bài nói chuyện với Bộ Biên tập báo Nhân dân năm 1972: “Dân tộc ta có hai lần nhảy vọt về tư tưởng: lần đầu dân tộc ta gặp Phật giáo thời Lý – Trần; lần thứ hai gặp chủ nghĩa Mác – Lênin”.