TIẾT THÁNG BẢY MƯA DẦM SÙI SỤT…(*)
Huỳnh Như Phương
Tháng Bảy âm lịch - mùa Vu lan Báo hiếu, cũng là mùa xá tội vong nhân. Chúng ta nhớ những câu thơ Nguyễn Du trong Văn tế Thập loại chúng sinh:
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều Thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng...
Ở một đất nước suốt 30 năm đánh giặc, hoàn cảnh đẩy đưa anh em một nhà bắn giết lẫn nhau, tiếng súng vừa ngưng thì lại xuất hiện những kẻ thù mới nơi biên giới trên đất liền và ngoài hải đảo. Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính một bên tham chiến, đã có 915 ngàn ngôi mộ liệt sĩ được quy tập, còn hơn 200 ngàn hài cốt thất lạc chưa tìm thấy. Nếu tính cả hai phía, bao gồm binh sĩ lẫn dân thường, có thể ba triệu người Việt da vàng máu đỏ đã chết vì bom rơi đạn nổ trong những cuộc chiến tranh vừa qua. Cảnh tượng khi hòa bình lập lại “bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ” và “mẹ già lên núi tìm xương con mình” trong ca khúc Trịnh Công Sơn cho đến nay vẫn chưa hề lùi vào quá khứ.
Nguyễn Du viết về những người chết trận:
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Đọc những câu thơ đó tự nhiên nhớ đến cuộc chiến đấu gan dạ và không cân sức của những người lính Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Hai trận hải chiến, 138 người con Việt đã bỏ mình vì chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Nhưng những người lính dũng cảm đó, nhất là những người đã hy sinh trên các hộ tống hạm, khu trục hạm và tuần dương hạm ngày 19-1-1974 ở Hoàng Sa, vẫn chưa được ghi công và vinh danh thỏa đáng. Gần đây dư luận nói nhiều đến việc trả lại công bằng lịch sử cho những người lính đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, như một nghĩa cử có tính chất biểu tượng của tinh thầnhòa giải và hòa hợp dân tộc, đặc biệt qua những câu chuyện được phản ánh trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ tháng 9-2009, báo Đại Đoàn Kết tháng 6 và 7-2011.
Nhìn rộng ra, theo tinh thần khoan dung của văn hóa dân tộc và đức từ bi Phật giáo, những người anh em máu đỏ da vàng, do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã ngã xuống trên mảnh đất này đều là con của mẹ Việt Nam. Nhà nước ta, năm 2007, đã cho phép và tạo điều kiện cho Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào và chiến sĩ trận vong ở cả ba miền Nam Trung Bắc. Đó là một sự kiện có ý nghĩa nhân đạo, góp phần hàn gắn vết thương trong từng gia đình. Chủ trương xã hội hóa Nghĩa trang Quân đội Sài Gòn ở Biên Hòa cũng thể hiện truyền thống nhân nghĩa đó của dân tộc.
Đại trai đàn Bình đẳng chấn tế. HT.Thích Nhất Hạnh niệm hương, TT.Thích Lệ Trang làm sám chủ- Ảnh: Tuổi Trẻ
Thật cảm động khi được biết, hàng chục năm liền, những người cựu chiến binh lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, xưa từng là bãi chiến trường, để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Trong việc này có sự giúp đỡ rất lớn của các cơ quan chính quyền, các đơn vị quân đội và đồng bào ở các địa phương. Đặc biệt là có sự tham gia tích cực của một số nhà ngoại cảm, tuy rằng kết quả về mặt này cần được kiểm chứng cụ thể bằng công nghệ giám định ADN để tránh việc thất lạc các hài cốt, gây những hệ lụy rất khó sửa chữa về sau.
Trên đất nước ta, xã nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Hàng vạn đoàn khách, có cả khách nước ngoài, đã đến viếng những địa điểm nổi tiếng như Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, Di tích Thành cổ Quảng Trị, Khu di tích đền tưởng niệm Bến Dược… Có thể gặp ở đó những bà mẹ thăm mộ con, những người vợ viếng chồng, cả những người lính già dành phần đời còn lại của mình chăm sóc nơi an nghỉ của các đồng đội vắn số.
Hiện nay, trên các trang báo, trên các làn sóng phát thanh và truyền hình, việc tìm kiếm thân nhân mất tích trong chiến tranh vẫn là một nhu cầu bức thiết của rất nhiều gia đình. Một số đơn vị và cá nhân có sáng kiến lập ra trang web để phổ biến rộng rãi sơ đồ phần mộ ở các nghĩa trang để những người ở xa cũng có thể vào mạng tìm thông tin. Nơi đó, rất nhiều ngôi mộ vẫn còn ghi trên tấm bia “liệt sĩ chưa có tên” mà chưa biết khi nào mới được bổ sung. Gần đây, ở TP.Hồ Chí Minh, văn phòng đại diện phía Nam của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ VN đã được thành lập với nhiệm vụ giúp đỡ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thất lạc hoặc chưa xác định danh tính, kết nối và cung cấp thông tin cho các gia đình, quy tập và di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương…
Dưới từng mái nhà, con người không thể nào yên giấc khi chưa tìm ra người thân thất lạc, xương thịt không biết gửi gắm nơi chân trời góc bể nào. Hiểu điều đó, chính phủ ta đã bày tỏ thiện chí giúp Hoa Kỳ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Với sự giúp đỡ của phía Việt Nam, họ đã thu nhặt được nhiều hài cốt, cả trên đất liền và trên biển, làm an lòng các gia đình Mỹ.
Về phần mình, ta cũng phải trân quý xương thịt Việt Nam như vậy, không phân biệt thành phần giai cấp, chính kiến, chức vụ… Nghĩa tử là nghĩa tận, đó là đạo lý của dân tộc. Đối với kẻ thù còn như thế, huống hồ là đối với đồng bào cùng máu mủ. Chỉ có tình thương yêu, sự khoan dung mới chữa lành những vết thương dân tộc vẫn còn rỉ máu. Điều này càng quan trọng khi đất nước ta đang bị gây hấn ngoài biển Đông, đứng trước hiểm họa bị xâm lấn ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ. Hòa giải với quá khứ, thông qua thái độ ứng xử với những người đã ngã xuống là một cách quan trọng để kêu gọi sự đoàn kết, tập hợp các nguồn lực nhằm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Đại trai đàn Bình đẳng chấn tế năm 2007 tại Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) - Ảnh tư liệu GN
Bên cạnh những việc làm hợp đạo lý đối với những người đã nằm xuống, hiện vẫn còn nhiều hiện tượng đáng chê trách. Chẳng hạn, nhân danh “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, có nơi giải tỏa nghĩa trang một cách tùy tiện để xây dựng cơ quan, nhà máy, mở đường cao tốc hay thành lập khu du lịch… Thường xuất hiện trên các trang báo quảng cáo những thông báo giải tỏa nghĩa trang mà thời hạn cho các thân nhân di dời hài cốt chỉ có 30 ngày. Đồng bào ở các vùng quê xa làm sao đọc báo để nắm thông tin đó mà xoay xở cho kịp? Nếu thân nhân người đã khuất không có mặt để lo liệu, thì cơ quan chức năng sẽ toàn quyền di dời và không hiếm trường hợp hài cốt bị nhầm lẫn, thất thoát mà cuối cùng, khi gia đình biết được thì sự đã rồi, cũng chẳng ai đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Đó là chưa kể những tình huống oái oăm, rất đau lòng cho người còn sống mà không tiện viết ra ở đây. Lối ứng xử với người chết như thế thật là tàn nhẫn, vô nhân đạo.
Hiện nay, chúng ta hay nói nhiều đến giá trị tâm linh, yếu tố tâm linh trong đời sống. Quả thật, dân tộc được trường tồn như ngày hôm nay, ngoài sức mạnh kinh tế, quốc phòng, uy tín thế giới…, còn có vai trò cực kỳ quan trọng của những giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa tâm linh. Chính vì vậy mà trong những ngày tháng Bảy thiêng liêng này, cần phải báo động về thái độ bất kính đối với người quá vãng, thường do những mối lợi vật chất làm cho lóa mắt. Có bình an cho những người nằm xuống thì mới có bình an cho những người đang sống và ngược lại. n
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS
(*) Thơ Nguyễn Du: Văn tế Thập loại chúng sinh.