Thầy Và Trò Huỳnh Ngọc Trảng

03/04/201212:00 SA(Xem: 8046)
Thầy Và Trò Huỳnh Ngọc Trảng
Thầy và Trò 
HUỲNH NGỌC TRẢNG

 

Có hai bậc thầy được thế nhân nhiều đời xưng tụng: Một là Thích Ca Mâu Ni Phật, được Tăng Ni, Phật tử hàng ngày, hàng giờ xưng tụng Nam-mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, Phật; và hai là Đức Khổng Phu Tử được tôn là Vạn thế sư biểu. Hai bậc Đại sư đó đã dạy thế nhân những gì là chuyện không bàn ở đây, bởi ai, không nhiều thì ít, cũng đã biết. Điều đáng lưu tâm là hai Ngài đã dạy đệ tử như thế nào. 

 

1

Đức Phật đi tu, đắc đạo rồi bắt đầu việc truyền dạy giáo pháp lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như ở Vườn Nai/Lộc Dã. Tín đồ nhà Phật coi đây là một trong những kỳ tích của Phật và định danh kỳ tích này là Sơ chuyển pháp luân - Khởi động bánh xe Phật pháp/Dharma cho nó quay, quay mãi đến bây giờ. Bánh xe, tiếng Phạn Caka, là bánh xe chiến xa, nó di chuyển cán nát quân địch. Ở đây Caka được dụ cho Phật pháp thâm nhập vào tâm chúng sanh có thể phá tan mê hoặc của họ.

Từ đó, Phật Thích Ca truyền đạo của mình mãi cho đến lúc nhập Niết-bàn. Những năm cuối đời, kinh Phật có chép việc đối thoại với các đệ tử, trong đó trong các kinh bổn ít ỏi mà tôi đọc được thấy có 2 lần: một lần hỏi Tu Bồ Đề, một lần hỏi A Nan rằng: “Suốt 80 năm tại thế ta có nói điều gì không?”.

Đáp: “Bạch Đức Thế Tôn, suốt 80 năm tại thế, Đức Thế Tôn không nói điều gì cả”.

Thế là thế nào? Điều này chỉ ra rằng các môn đồ cần phải nỗ lực tu tập, cần tìm cái tự lực chứ không nên chấp vào kinh tạng mà bổn sư đã giảng dạy. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là không nên giáo điều, không nên sa vào chủ nghĩa kinh viện. Nói cách khác, thời thế đổi thay, từng sát ra mọi vật đều biến đổi. Lời ông thầy dù được coi là vàng ngọc thì lúc đó, trong bối cảnh, trong điều kiện thực tế... khác với bây giờ và ở đây. Làm kẻ học trò mà y cứ điều thầy dạy thì làm sao mà khá lên được và cuộc đời cũng không dễ duôi mà cưu mang loại hạng không chủ động, không sáng tạo, không động não, không dám và không có năng lực đổi mới đó. Nói cách khác, hai mặt của cơ và lý phải tương hợp, viên dung.

2.

A Nan (S: Ananda; Hán dịch: Khánh hỷ, Hoan hỷ, Vô nhiễm) là một trong mười đại đệ tử và là em con người chú ruột của Phật. A Nan sinh đúng vào đêm Phật đắc đạo. Năm 55 tuổi, Phật quay về quê hương truyền đạo. A Nan lúc đó 25 tuổi theo người anh họ là Thích Ca xuất gia.

A Nan là người đức hạnhthông minh xuất chúng nên được Phật chọn làm thị giả. Trong suốt 25 năm đầu sau khi đắc đạo, Phật không có thị giả riêng và đến lúc đó, công việc hoằng hóa chúng sinh đòi hỏi phải có thị giả để phụ giúp Phật. Khi ấy, các đại đệ tử “tài đức vẹn toàn” như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Kiều Trần Như... đưa ra các ứng viên xứng đáng, nhưng Phật không nhận. Cuối cùng, chư vị Tỳ-kheo đề cử A Nan. Chuyện kể rằng A Nan nhận lời với một bảng danh sách điều kiện cần phải có thì mình mới đảm đương trọng trách đó. Tám điều kiện ấy gồm bốn việc từ chối là: Không cho A Nan y áo, đồ ăn, phòng ở riêng và được mời ăn; và bốn điều chấp nhận là: 1. Nếu A Nan mời thọ trai thì Thế Tôn sẽ sẵn lòng đi dự; 2. Thế Tôn sẵn lòng gặp những người ở xa đến do A Nan giới thiệu; 3. Thế Tôn chấp nhận cho A Nan tiếp kiến nếu như A Nan gặp phải những điều phân vân, và 4. Thế Tôn sẽ giảng lại những bài kinh khi A Nan vắng mặt (Theo Tiểu bộ kinh III, Trưởng lão tăng kệ, chương 17, phẩm Ba mươi kệ, phần Ananda, NXB. TP.HCM, 2000, tr.456).

Như vậy, với bốn điều từ chối, cho thấy A Nan nhận làm thị giảđảm đương chức phận của người thị giả chứ không làm thị giả để “dựa hơi” ông anh Phật mà kiếm chác danh lợi, cụ thể theo ý đoạn trích dẫn trên mà nói thì người đệ tử/môn đồ/học trò không phải dựa vào mối quan hệ thầy-trò, thậm chí là “học trò cưng/học trò ruột”, được cái chức danh thị giả để kiếm cái ăn, cái mặc, kiếm nhà ở và theo đóm ăn tàn: Theo thầy để có mặt mọi chỗ mọi nơi “danh giá” đặng vây vo này nọ. Cái phẩm chất người học trò ở A Nan quả là tấm gương lớn về nhân cách để chúng ta soi rọi, học tập vậy.

Lại nữa, 4 điều yêu cầu được chấp nhận đã đề ra trách nhiệm của người làm thầy, làm Bổn sư của người đời, tức là quan hệ thầy trò là quan hệ tương tác, hai chiều, chứ không phải chỉ có một chiều là thầy đến trò và trò không có quyền đòi hỏi ở thầy gì cả. Trong 4 điều đó, điều thứ tư là thầy phải có trách nhiệm truyền đạt hết những sở đắc của thầy một cách tường tận, chứ không phải lười biếng hay giấu diếm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để lấy đó làm ưu thế độc quyền, khẳng định ưu thế độc tôn, vị thế vượt trội của cá nhân, kéo dài vĩnh viễn cái nguyên tắc “không thầy đố mày làm nên”. Điều thứ hai lại chỉ ra trách nhiệm là thầy phải luôn sẵn lòng giải đáp những bài toán thực tế đặt ra, có tính chất đột xuất mà trò phân vân, tiến thoái lưỡng nan. Bởi thầy thì vai vế lớn đang luôn phải lo “chuyện đại sự” và lúc nào cũng “bận việc quan trọng” nên không rảnh hoặc chưa rảnh để tiếp chuyện với trò, để lắng nghe những vấn đề của đám đệ tử; hoặc thường coi các vấn đề/ vấn nạn của trò là chuyện nhỏ, thật là vớ vẩn... Thái độ như thế thì một là kẻ cả, hai là vô tâm, ba là thiếu nhân hậu và bốn là coi thường - không tôn trọng học trò.

3.

Trong kinh Tăng nhất A Hàm có ghi lại lời khen A Nan của Phật Tổ rằng: “Vị Tỳ-kheo hàng đầu trong hàng Thanh văn của Ta, biết thời thế, hiểu vạn vật, hiểu cặn kẽ không chút nghi ngờ, cái gì nhớ được thì không bao giờ quên, hiểu biết sâu rộng, chịu nhẫn nhục, biết kính bề trên. Đó chính là Tỳ-kheo A Nan”.

Khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, trên núi Linh Thứu, Đức Phật ngồi trên tòa, đưa cành hoa sen ra trước đại chúng. Tất thảy mọi đệ tử đều ngơ ngác, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Phật thoại thâm thúy này được gọi tên là Niêm hoa vi tiếu (Niêm hoa thuấn nhục phá nhan vi tiếu). Thế là Phật tuyên bố “phó chúc cho Ca Diếp”. Ca Diếp như vậy là Sơ Tổ, vị Tổ đầu tiên, đứng ra kế tục công việc quản lý Tăng già, tức là chỗ y chỉ của các Tỳ-kheo. A Nan bậc nhất trong hàng đệ tử Thanh văn, nhưng do vẫn còn ngơ ngác khi thấy Phật đưa cành hoa sen nên không được chọn làm người kết tục đầu tiên. Sau này, khi Ca Diếp qua đời, A Nan mới được tôn làm Nhị Tổ. Cái việc Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chọn người kế tục rất vi diệu là ở chỗ chọn ai kế tục không phải là việc đơn giản, xét theo cái lý chứ không phải cái sự, thấy rõ cái lý thể chứ không để cho cái sự, cái biểu che lấp.

A Nan, sau khi Phật nhập Niết-bàn, là người hầu như duy nhất nhớ toàn bộ những lời giảng đạo của Đức Phật. Do đó, A Nan đã được tôn làm giảng sư, đọc lại những gì mình đã nghe Phật dạy để Tăng chúng ghi chép toàn bộ thành kinh điển Phật giáo, trong lần kết tập lần thứ nhất. Dấu vết còn đến ngày nay là câu mở đầu các kinh “Như thị ngã văn” nghĩa là “Tôi được nghe như thế này”. “Tôi” ở đây là A Nan. Kể lại chi tiết trên để chúng ta biết rõ tài phẩm của A Nan. Và qua đó, bộc lộ rõ cái phẩm hạnh của vị môn đồ đáng kính này đối với thầy của mình.

Theo kinh Đại bát Niết-bàn (quyển 40) ghi lời Đức Phật nói với Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi rằng, A Nan có đủ 8 pháp và có khả năng thọ trì 12 thể loại kinh (12 phần giáo) nên gọi A NanĐa Văn Tạng. Điều liên quan đến chủ đề đang quan tâm của chúng ta là 8 pháp, hiểu là 8 phẩm chất mà A Nan có được:

1. Tín căn bền vững (Lòng tin sâu rễ bền gốc. Có điều này mới sinh trưởng mọi công đức);

2. Tâm tính chất trực;

3. Thân không bệnh khổ;

4. Thường siêng tinh tấn;

5. Đầy đủ các niệm tâm;

6. Tâm không kiêu mạn;

7. Thành tựu định ý;

8. Từ nghe sanh trí (Do nghe/học mà suy gẫm các tầng nghĩa lý cho tường minh; do đó trí tuệ càng sáng thêm).

Tám pháp của A Nan này, về sau được các tự viện lấy làm tiêu chuẩn đức hạnh cho Tăng Ni. Chúng ta có thể lấy đó mà vận dụng làm tiêu chuẩn để tu dưỡng cho bản thân mình trong thời đại ngày nay được chăng?

4.

Khổng Tử chủ trương dạy là cốt để người ta thành người nhân nghĩa, trung chính, tức người quân tử. Song, dạy mà không học thì dẫu dạy hay thế nào cũng không dẫn đến thành công. Dạy và học là mối quan hệ qua lại, cái này là điều kiện của cái kia và ngược lại. Chính vì vậy, với tư cách người thầy, Khổng Tử rất coi trọng sự học, lấy sự học là điều trọng yếu. Cái học của cổ nhânhọc đạo của Thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải trái mà sửa mình cho thành người đức hạnh. Đó là điều khác với ngày nay mà chúng ta cần lưu ý. Chắc hẳn đa phần chúng ta ai cũng biết câu: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri đạo” (Học ký, XVIII) hay câu: “Quân tử học dĩ tri kỳ đạo” (Luận ngữ, Tử trương, XIV). Học là học đạo lý.

Về việc giáo hóa, theo Khổng Tử thì con người ai cũng có cái tính của trời đất phú cho. Cái tính ấy thì ai cũng như ai, nhưng rồi do tập quán mà thành ra mỗi người một khác, duy chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu thì mới không biến đổi:

“Tính tương cận dã,
“Tập tương viễn dã.
“Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di”.

(Luận ngữ, Dương hoá, XVII)

Xét từ thực tế loài người, bậc thượng trí và người hạ ngu thời nào cũng có, nhưng luôn là số ít, thậm chí rất ít. Cho nên hạng trung nhân chiếm phần nhiều, có thể dạy bảo được cả. Khổng Tử chủ trương rằng: “Hữu giáo vô loại”, tức có dạy mà không phân loại này loại kia: Ai cũng có thể dạy thành người, không kể hạng người nào, nòi giống nào.

Khổng Tử rất chú ý về việc giáo hóa: Dạy không mệt mỏi (Hối nhân bất quyện). Ông đề ra nguyên tắc rằng: Ai đem đến cho ta một cây nem thì ta dạy. Chúng ta hiểu theo cái hiểu bây giờ thì “cây nem” là học phí. Song điều lưu ýyêu cầu đóng “cây nem” ấy là yêu cầu rằng chính người ấy muốn học, muốn được nghe lời giáo huấn. Cái động cơ học tập của người học, theo đó, là yêu cầu đầu tiên và rất cơ bản. Trường học không phải là chương trình ca múa nhạc pha tạp kỹ “free”: thích thì vào xem, xem chán thì bỏ ra về. Cái khổ nhất trên đời là cố công dạy những kẻ không muốn học và tất nhiên là dạy và học như vậy là vô nghĩavô ích.

Khổng Tử nói rõ rằng: “Bất viết: như chi hà, như chi hà giả, ngô mạt như chi hà dã kỳ hỉ”. (Người nào không nói rằng: Làm thế nào, làm thế nào, thì ta cũng chẳng biết làm thế nào được). (Luận ngữ, Vệ Linh Công XV). Học là phải tích cực, chủ động đặt câu hỏi, đặt vấn đề. Cách học thụ động như vậy thì Vạn thế sư biểu cũng chào thua.

Lại nữa, người thầy chỉ gợi lên một mối rồi người học phải suy nghĩ thêm để mà hiểu rốt ráo vấn đề. Thầy không thể và không cần nói hết, dạy hết tất thảy. Nói học một hiểu mười là chủ vào khả năng tự học. Học xong đại học, cái học được lớn nhất là cách tự học, tức nắm được phương pháp tìm hiểu/nghiên cứu các vấn đề chứ không phải tốt nghiệp xong là thu tóm toàn bộ tri thức loài người vào cái “hồ lô pháp thuật bách bệnh tiêu trừ”. Học được cái bằng tiến sĩ cũng vậy: Nâng cấp khả năng nghiên cứu chuyên môn/chuyên khoa/chuyên ngành của mình lên một bậc chứ không phải là đã trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, ở giữa thấu sạch sành sanh nhơn tình! Biển học vô bờ mà cái tâm lý thỏa mãn non như vậy là nguy rồi. Nay không ít kẻ đã và đang chết chìm trong sự huyễn hoặc vô căn cứ đó. Lại chủ quan cao ngạo “khó khăn nào cũng vượt qua, hội thảo nào cũng phát biểu”. Thật là lố bịch. Khổng Tử nói rõ thái độ dạy học của mình rằng: “Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” (Luận ngữ, Thuật nhi, VII). Có nghĩa là: Không tức giận vì muốn biết thì không khai mở cho, không bực bội vì nói không rõ ra được thì không bày vẽ cho. Vật có 4 góc, đã chỉ bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc kia thì không dạy nữa.

Về phương pháp dạy học trò, Khổng Tử chủ trương dạy theo tư chất của người học: “Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã, trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ thương dã”. (Đối với người có tư chất bậc trung trở lên thì có thể nói những điều cao xa; đối với những người có tư chất bậc trung trở xuống thì không thể nói những điều cao xa). (Luận ngữ, Ung giã, VI). Theo đó, trong nội dung dạy học của Khổng Tử có hai thứ: một là công truyền, dạy cho mọi người; và hai là tâm truyền, dạy những điều cao xa, khó hiểu dành riêng cho những người có tư chất đặc biệt, tự mình học mà lĩnh hội lấy, chứ không giảng giải nhiều lời.

Lại có những điều quá uyên áo, bao la quá thì không dạy. Khổng Tử có lần bảo Tử Cống rằng: “Dư dục vô ngôn” (Ta không muốn nói). Tử Cống thưa lại: “Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên”: Nếu Phu Tử không nói thì đệ tử biết nói theo vào đâu. Khổng Tử bảo: “Thiên hà ngôn tai! Tử thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai!” (Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh sôi. Trời có nói gì đâu!). (Luận ngữ, Dương hoá, XVII). Ở đời có nhiều điều nhờ nói ra, giảng giải ra thì sáng tỏ; lại có lắm việc nói nhiều lại mờ tối đi, càng giảng giải càng rối! Đối với Khổng Tử, những gì có ý nghĩa sâu xa, khó giảng cho rõ rốt ráo thì ít bàn đến. Luận ngữ chép: “Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh dữ nhân”. (Khổng Tử ít nói đến lợi cùng mệnh và nhân). (Luận ngữ, Tử hãn, IX).

Ít nói đến “lợi” vì lợi có thể làm hại nghĩa, sợ người học hiểu không hết lẽ rồi đắm đuối vào cái gần gũi mà nhỏ mọn đó, hoặc ngược lại siêu việt quá, cao đạo với cái lợi một cách phi thực tế.

Ít nói tới nhân và mệnh bởi hai vấn đề đó rất tinh vi, rất to lớn, sợ người ta thiên về mặt cao xa quá, hoặc ngược lại không theo kịp đâm ra thất vọng - mất cái trung dung.

Đặc biệt có 4 thứ Khổng Tử không nói là quái, lực, loạn, thần. Quái là chuyện quái lạ, huyền hoặc, Lực là bạo lực, Loạn là chuyện bội loạn và Thần là việc thờ cúng thần quỷ.

Tuy đời sau tôn là Vạn thế sư biểu, nhưng khi tại thế Khổng Tử đã hiểu rõtôn trọng học trò, đặc biệt trân trọng cái được, cái hơn của họ. Một hôm Tử Hạ hỏi Khổng Tử:

- Nhan Hồi là người thế nào?

Khổng Tử nói:

- Cái tín của Nhan Hồi hơn ta.

- Tử Cống là người thế nào?

- Cái nhanh của Tử hơn ta.

- Tử Lộ là người thế nào?

- Cái dũng của Do hơn ta.

- Tử Trương là người thế nào?

- Cái nét trang nghiêm của Sư hơn ta.

Tử Hạ đứng dậy mà hỏi rằng:

- Thế thì sao bốn gã ấy lại đến học thầy?

Khổng Tử nói:

- Lại đây ta bảo: Ôi! Hồi biết tin mà không nghĩ lại; Tứ biết nhanh mà không biết có lúc đáng chậm; Do có dũng mà không biết có lúc nên nhát; Sư có nét trang nghiêm mà không biết ung dung để dễ hòa đồng với mọi người. Gồm tất cả những cái hay của bốn gã ấy có mà đổi lấy cái của ta không bằng bốn gã, ta không thuận. Vì vậy bốn gã thờ ta làm thầy mà không có hai lòng vậy (Khổng Tử gia ngũ, Lục bản, XV).

Nói tóm lại, Khổng Tử bao giờ cũng hòa nhã mà vẫn tôn nghiêm, rất khoan hòa mà vẫn cương nghị đối với học trò. Điều quan trọng là đạo của ngài rất giản dị, chủ vào đạo đức thực tiễn, mà vẫn có phần quảng đại cao xa. Các vấn đề nêu ra đều có tính mở nên chính vì vậy những điều ngài giảng dạy về sau được nhiều thế hệ môn đệ phát triển thành nhiều phái đa dạng, tạo nên các tư trào Nho học khác nhau.

5.

Gần đây, ngành giáo dục ta đề ra phương pháp dạy học lấy học trò làm trung tâm và coi đó là điều rất ư là mới mẻ. Cứ xem, Đức Phật dạy cho các môn đồ, Đức Khổng Phu tử dạy cho học trò có ai không lấy học trò làm trung tâm. Tác phẩm Luận ngữ nổi tiếng của Khổng Tử không là tập hợp những lời trao đổi của thầy Khổng và các môn đệ là gì.

Trong lịch sử có 3 đường hướng giáo dục, theo đó mỗi đường hướng quy định mục đích và cách thức giáo dục, quan hệ thầy trò khác nhau:

- Giáo dục quy ước nhằm mục đích đề kháng/ngăn ngừa sự đổi mới để bảo vệ nguyên trạng, chức năng chính của nó là tạo sự tuân phục. Và ở đây, học trò được coi là cái chai rỗng để thầy đổ các kiến thức vào, và nội dung dạy là những gì từ trước đến nayy như vậy.

- Giáo dục tiến bộ nhằm mục đích thay đổi con người để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội, đường hướng giáo dục này đảm nhận chức năng cải cách và theo đó, người thầy tạo ra sự lý thú cho người học, có đối thoại, thảo luận nhóm, nhưng thầy là người quyết định thế nào là câu trả lời đúng.

- Giáo dục khai phóng/giải phóngmục đích thay đổi xã hội để đáp ứng nhu cầu của con người và đường hướng giáo dục này có chức năng biến đổi. Phương pháp giảng dạy là những cuộc đối thoại mở ra trong đó nhiều giải đáp phát xuất từ mọi kinh nghiệm của con người. Như vậy, mọi người giáo dục lẫn nhau thông qua nhiều dạng học tập, trao đổi. Ở đây chủ vào tự lực của người học và cơ bản là chủ động. Đường hướng giáo dục giải phóng cho cả thầy lẫn trò.

Nói tóm lại, thầy - trò là mối quan hệ hai chiều và có tính tương tác qua lại. Những gì trình bày trên đây là nhằm chỉ một vài trường hợp mà tôi cho là điển hình về quan hệ thầy trò. Rõ ràng là mối quan hệ này hoàn toàn lệ thuộc vào đường hướng giáo dục. Ba đường hướng giáo dục nêu ra trên đây cốt để chúng ta soi rọi và chọn lựa.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/09/2011(Xem: 70495)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.