Chân Hiền Tâm
Khơi dậy niềm tin
Mấy hôm nay, Phật tử đã được vào thăm Sư ông(1).
Tôi cũng đã luồn theo đám đông để nhìn cho được Sư ông. Rồi vội lách ra. Phật tử trông ngóng háo hức thấy tội. Đông quá, biết làm sao giờ!
Được thấy Sư ông là diễm phúc rất lớn với những người Phật tử ở xa như tôi. Nhỏ Ngọc thủ thỉ giọng đầy xúc động: “Hòa thượng nhìn em ánh mắt từ bi vô hạn. Phiền não tan hết chị ơi! Thấy lòng nhẹ nhàng khó tả. Nhìn thấy Hòa thượng mà nghĩ lại thân, thấy xấu hổ quá! Phải gắng tu hành, đền đáp ít nhiều công ơn của Hòa thượng”. Phiền não đeo con nhỏ như cục nợ ba đời. Tôi nói xuôi, nói ngược, nói tới, nói lui thế nào con nhỏ cũng ôm mớ đó mà đi. Vậy mà chỉ một cái nhìn, cục nợ vẫy tay. Nó còn lập chí nhất quyết tu hành. Giờ thì nhỏ hiểu vì sao tôi cứ giục nhỏ vào gặp Sư ông. Cội tâm thanh tịnh có thể khơi dậy cái chủng bình an cho chúng hữu tình một khi đủ duyên.
Cũng có người cọc cạch xe đạp suốt thời học trò, qua bao ngõ phố, đến bao nhiêu chùa, chỉ để theo thầy “Thính pháp, văn kinh, và khóc - giống như Phật tử bây giờ”. Rồi đu xe than ra tận Thường Chiếu xin tu. Chẳng qua vì một nụ cười. “Tất cả đều rất lạ. Chỉ có nụ cười vẫn cứ quen”(2).
Còn tôi ngày đó…
Đến với thiền là nhờ những bài Sư ông đã giảng, được quay ronéo bán ở chợ trời. Sáu cửa vào động Thiếu Thất, kinh Pháp bảo đàn và một quyển Thiền đốn ngộ. Chữ thì trình độ lớp ba là đã đọc được. Nhưng hiểu, thì phải thứ gì ngang với tâm thức của mình, mình mới hiểu được. Thành hiểu thì rất khiêm nhường. Chánh văn nhường Tổ, con chỉ khiêm nhường đọc lời chú giải mà thôi. Cũng không được nhiều. Chỉ nhớ một chữ ma-ha. Cái tâm ma-ha có thể giúp mình vượt qua khổ nạn trong cuộc đời này. Không cần phải chuyển đi đâu mất công, tốn tiền. Chỉ cần chuyển tâm.
Lại thêm cái Báo oán hạnh(3). Khổ nạn đời mình phải nói là nhiều. Khổ nhất là thấy nhân quả rành rành mà mình không phải thứ hiền. Khổ nữa là thấy tiền tình vô thường, muốn tới lúc nào đó tới, muốn đi lúc nào đó đi, trở tay không kịp. Ba lần trắng tay đủ mất phương hướng với việc kiếm tiền. Chưa kể người thân bỗng dưng trở thành kẻ oán. Sao nhiều thống khổ nhiêu khê! Cái “Báo oán hạnh” nó giúp mình hiểu ít nhiều cái khổ của mình. Thôi thì ráng tu để sống cho được với tâm ma-ha, cái tâm rộng lớn mà ai cũng có, chỉ vì bỏ quên không chịu nhận ra. Sống được, khổ nạn không còn, đời sẽ an vui. Địa ngục không khác Niết-bàn.
Đốn ngộ thì nói nhận lại ma-ha không khó. Ăn thua có chí không thôi. Vì nó ở tại ngay mình. Có thể thành Phật ngay trong kiếp này. Nghĩ Tổ dụ khị nhưng vẫn cứ tin. Bởi vì quá ngán cuộc đời này rồi. Phải có niềm tin để sống. Tôi tin Phật Tổ không dối bao giờ. Sư ông cũng nói. Nhất định Ông phải nhận được cái gì từ nơi Phật Tổ, câu cú mới mạnh thế kia. Nó xuyên cái đầu vô minh, cho tôi đóm lửa vin đó mà đi.
Sư ông đã khiến cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều.
Tôi tự kê gối hành thiền.
Cuộc sống của tôi khởi sắc.
Phải nói niềm tin mang lại hạnh phúc rất nhiều. Bất hạnh cho ai không có niềm tin trong cuộc đời này.
Những ngày an bình
Phải đến lâu sau, tôi mới có duyên gặp được Sư ông.
Lần đầu tiên gặp Sư ông chỉ có anh là vào được. Không nhớ vì sao như vậy. Đông quá chen chân không lọt thì phải. Sư ông cho anh cuốn kinh Kim cang và dạy: “Đạo và đời phải cân bằng”.
Đời và đạo, kinh sách và tôi, tọa thiền và kiếm cơm, đạo và đời, hai bờ mé ấy phải có sự cân bằng. Tôi đã dùng cách lý luận như thế để hiểu về những gì có lợi cho tôi. Tôi thấy Sư ông nhân ái quá đỗi! Người chủ gia đình, không thể nói tu rồi thí cô hồn tất cả. Anh không thể dành tất cả thời gian cho kinh sách, còn tôi thì bỏ mặc một mình với lũ trẻ nhóc nhoi. Cũng không thể ngồi thiền cả ngày, còn tôi thì phải bươn chải kiếm tiền cực khổ. Tôi tin tưởng vào lòng nhân ái của ngài rất mực. Sư ông đã gieo cho tôi một mầm sống, lại còn ban cho tôi một lu nước để mầm sống được lớn lên.
Những ngày cuối tháng sau đó, tôi đều gặp được Sư ông. Trong sự im lặng thanh bình. Không phải không biết hỏi gì mà mọi câu hỏi đều được trả lời trong những bài giảng. Điều đó trở thành quy luật, không cần hỏi nữa. Tôi dành thời gian ngắn ngủi của mình để nhìn Sư ông. Tôi thích cái tướng “an ổn chắc nịch” của ngài. Tôi đã diễn nôm tướng trạng “định tỉnh uy nghi” bằng cách như thế. Một lực gì đó lan tỏa rất mạnh. Cái lực giúp tôi kiên cố băng qua khó khăn, bỏ mặc chê khen của đời.
Cảm kích uy đức
Đã một thời xôn xao, khi Sư ông nêu ra những việc “không hay” có trong Phật giáo. Không phải chỉ với người ngoài mà ngay cả trong các Chiếu, những gì bất lợi cho việc tu học đều được nêu ra trong các băng giảng. Điều đó có thể đã làm mất lòng một số ít người. Nhưng với đa phần, tôi thấy ở họ một sự cảm kích. Với hàng Long tượng, lại càng không vì những lời nói đó mà sinh bất mãn.
Đa phần Phật tử cười ồ khi bị Sư ông điểm trúng tật xấu của mình. Sư ông nhắc nhở như đùa. Phật tử biết lỗi nhưng không mặc cảm hay thấy bực bội. Chất giọng nhân từ chỉ khiến chúng tôi cảm thấy yên vui khi rời thiền viện.
Ngài không quan tâm đến việc cúng dường. Quan trọng là biết đường tu. Tôi thấy Sư ông rất vui khi có ai đó hỏi ngài về việc tu hành. Cũng không vì việc cúng dường cho mình mà không nói lời hữu ích cho người. Sư ông nói với lão bà bạn tôi, người hay nhận tiền bạn bè mang đến cúng dường Sư ông: “Không cần phải làm những việc khổ nhọc đó nữa. Tuổi đã lớn rồi, cần dành thời gian tu tập cho mình”.
Một hoài bão nữa của ngài là muốn Phật tử phát triển trí tuệ. Phật tử nếu có trí tuệ, những việc mê tín đáng buồn trong chốn già lam không thể xảy ra. Tăng Ni cũng phải giữ mình tu hành tinh tấn, không thể giải đãi. Cũng không vì phải tùy duyên đến nỗi mất mình. Sư ông thấy rõ được mặt duyên khởi của pháp, nên muốn làm sao nâng cao trình độ hiểu pháp của hàng Phật tử tại gia.
Cư sĩ, nếu đủ khả năng truyền pháp, vẫn được Sư ông khuyến khích không khác Tăng Ni. Sư ông thường lấy hình ảnh ngày xưa của các cư sĩ đại lão, khuyến khích cư sĩ ngày nay noi theo. Cố gắng tu hành, truyền pháp.
Sư ông dụng pháp đúng thời, đúng duyên và rất dứt khoát. Thương yêu chúng sinh rất mực, nhưng nếu ảnh hưởng đến việc tu học, Sư ông dứt khoát không cho. Cúng dường âm nhạc giúp giới ca sĩ gieo duyên với Tam bảo, cũng là một duyên giúp người vào đạo rất hay. Sư ông cũng từng nói về lợi ích của nó. Nhưng đó là việc dẫn đạo ngoài đời. Còn với nhân duyên tu hành nơi chốn thanh tịnh, Sư ông dứt khoát không cho. Âm nhạc không tốt đối với thiền sinh. Thiền sinh nghe nhạc, dù là nhạc đạo, thì cũng đang để nhĩ căn chạy theo thanh trần. Sám pháp ngày nào cũng tụng, lại là giới của Sa-di, đâu thể nào phạm. Cho nên, Sư ông nhất quyết không cho.
Còn biết bao việc…
Sư ông đã tạo cho tôi niềm tin rất lớn đối với Tăng bảo.
Lợi ích muôn người
Thời Sư ông còn đi giảng, Ông đi tới đâu Phật tử theo tới đó. Tôi cũng bỏ việc chạy theo. Ngày Sư ông được mời đi giảng ở Vạn Hạnh, người bạn đảo khắp một vòng rồi quay lại nói: “Mỗi lần Hòa thượng đi giảng như vầy, nhiều người được lợi ích lắm. Không phải chỉ có Tăng Ni, Phật tử. Tôi thấy phòng phát hành sách chật ních, căng-tin cũng đông. Rồi cả xe thồ, xích lô. Mọi người đều thấy có phần”. Song đó chỉ là mặt nổi. Nhận pháp tu hành mới là lợi ích lớn lao. Có lẽ hiện giờ cũng không nơi nào Tăng Ni tập trung tu hành nề nếp đông đảo như ở Thường Chiếu, Viên Chiếu v.v…
Trong việc xây dựng, hoằng pháp v.v… thuận duyên cũng nhiều, khó khăn cũng có. Đức Phật còn không tránh khỏi. Nhưng nhờ việc đó, tôi nhận ra mặt duyên khởi đối đãi của pháp ở thế tương sinh. Những ngày Sư ông đi giảng nước ngoài. Vài việc gây cấn xảy ra. Qua rồi, Phật tử hồ hởi, những người không biết Sư ông, tò mò đi tìm băng giảng. Mọi thứ khuấy động, đánh trúng tâm lý ưa thích thị phi ở đời. Họ muốn xem ông Thanh Từ là ai và cách ông đã xử lý tình huống khó khăn thế nào. Có người phát tâm theo ngài từ đó.
Thứ mình thấy khó không hẳn là khó. Ngoài việc chứng minh nội lực tu hành, nó còn có thể trở thành trợ duyên cho việc hoằng pháp nếu mình có đủ định tỉnh, xử lý công việc trí tuệ. Nghịch duyên biến thành trợ duyên. Đúng là tuệ đức tôn nghiêm, tướng nào cũng làm lợi ích cho chúng hữu duyên. Thật khó nghĩ bàn! Tất cả đều là diệu dụng của từ tâm.
Pháp môn
“Biết vọng không theo”
Tôi tin tưởng. Tôi muốn chuyển đời. Nên không thể chỉ nghe và đọc. Vả lại, nghe và đọc là một chuyện, mà hiểu hay không lại là chuyện khác. Hiểu như kiểu của tôi cũng chẳng giúp gì cho tôi trong việc thoát khổ.
Tôi quyết định “Biết vọng không theo” với một niềm tin rất lớn. Tôi tin nó sẽ giúp mình thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh, tôi có thể hiểu những gì mình chưa hiểu. Có thể sống ở cõi Ta-bà mà không thấy khổ đau. Tôi tin vào sự thành công và đã dụng nó mọi lúc, mọi nơi.
Việc ứng dụng thật ra không khó: Nhận biết tất cả những gì hiện lên trong tâm khi chúng xuất hiện. Không để nối tiếp dù là niệm thiện hay ác. Nó giống như pháp quán tâm mà Phật đã dạy. Cái khó là niệm đã được nuôi dưỡng quá lâu. Lực của vọng niệm quá mạnh. Dù chỉ cần biết là niệm đã dừng, nhưng rồi lại quên. Giữ lâu thì thấy đau đầu…
Nhiều người đã chê pháp môn Sư ông đã dạy. Nói “Pháp không được rốt ráo. Chỉ như lấy đá đè cỏ. Hết đè, cỏ lại mạnh lên”.
Có người cũng đã bỏ cuộc. Thân còn mà tâm không thể công phu.
Tôi có cái khổ sau lưng giục tới. Còn có niềm tin mạnh mẽ trong lòng. Không thể bỏ cuộc dễ dàng. Tôi phải đi đến cuối đường những gì đã chọn. Tôi sẽ nhận ra những gì mình đã đi qua, có thể là trễ nhưng không hối tiếc về sau. Nghiệp duyên đâu chỉ một đời. Còn vô số kiếp về sau để rút kinh nghiệm. Vấn đề là phải có đi, mới biết thực hư thế nào.
Tôi nhận ra rằng: Pháp môn chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Nên lập pháp môn đồng như cứu cánh là việc không thể. Tuy vậy, phương tiện có thể đưa đến cứu cánh. Nếu ta đưa được cái tâm “đa niệm” về lại “nhất niệm” hoặc là “không niệm”, thì việc bùng vỡ nhất định xảy ra. Niệm Phật, tham thiền v.v… đều theo hướng đó mà đi. Đều có khả năng giúp tâm bùng vỡ.
Khi lực của những động niệm còn mạnh, thì dù niệm Phật, tham thiền hay là “biết vọng không theo”, ít nhiều đều có chữ “đè” trong đó. Nếu ta sợ “đè” rồi để niệm tưởng thoải mái thì không bao giờ dừng được lực nghiệp.
Cũng nhận ra rằng: Hết vọng hay không, không phải vấn đề. Quan trọng là ở chữ “lực”. Niệm tưởng có lực, sáu đường thiên biến vạn hóa như thực. Niệm tưởng không lực, vọng chính là vọng, thân tâm, thế giới hiện nguyên bản chất huyễn hư. Cũng vì lực đó mà thấy có đè hay không. Lực đã yếu rồi, vọng đâu còn sức để bung mà nói đè hay không đè. Cái khó của mình là làm thế nào để thừa niềm tin và đủ năng lực mà vượt cho qua giai đoạn “đè” này.
Tôi cũng nghiệm ra một điều: Thế giới khổ đau là do không thể nhận chân những gì đã huân trong tâm trước đây cho tới bây giờ. Đủ duyên liền khởi, không có thời gian để thấy là nên hay không. Không đủ định lực để dừng, nên lỡ tới rồi cứ thế tới luôn. Thành ra, dù chưa được cứu cánh, thì việc nhận rõ những gì đang hiện trong tâm và đủ khả năng dừng nó, cũng giúp rất nhiều trong việc thoát khổ gây nghiệp. Một khi đã đủ định tỉnh điểm mặt vọng niệm, ác nghiệp nhất định phải dừng, thiện nghiệp nhất định phát sinh. Khổ đau chấm dứt. Nó thật rất cần cho những con người nửa đời nửa đạo như tôi. Có thể hiện giờ tôi chẳng bằng ai. Nhưng với con người trước đây, nhút nhát, lo âu, sân giận, sợ hãi… giờ đã thay đổi rất nhiều.
Pháp bảo giúp tôi thay đổi, an vui, giúp tôi củng cố niềm tin đối với Tăng bảo, Phật bảo rất nhiều.
Lòng từ của bậc Tôn sư
Đã đến giờ, chư Tăng phải đưa Sư ông vào nghỉ…
Tôi nhìn thấy bàn tay Sư ông rị lại nơi cánh cửa. Chỉ là cái rị tay bình thường, nhưng chứa đựng trong đó bao nhiêu yêu thương.
Rồi cũng sẽ vào...
Nhưng nán lại vài giây để nhiều người được hạnh phúc.
Nán lại vài phút để lắm kẻ bớt lo âu.
Khổ nhọc đời thường với bao lo toan bức xúc sẽ được đặt xuống nơi đất thiền tông thanh tịnh. Dù chỉ vài phút cũng khiến cuộc đời ấm dịu hơn lên, giúp kẻ lữ hành đi hết con đường mà mình đã chọn.
Nguyện học cho được lòng từ vô hạn của bậc Tôn sư đối với chúng sinh…
(1) Sư ông ở đây là Sư ông Thích Thanh Từ.
(2) Lời của SC. Hạnh Chiếu trong bài Cho một khúc quanh.
(3) Sáu cửa vào động Thiếu Thất.