Lễ Hội Vu Lan - Những Nét Chung Và Riêng ở Một Số Quốc Gia, Minh Nguyên

10/08/201112:00 SA(Xem: 7626)
Lễ Hội Vu Lan - Những Nét Chung Và Riêng ở Một Số Quốc Gia, Minh Nguyên

NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 185
CHỦ ĐỀ VU LAN DL 2011-PL. 2555

LỄ HỘI VU LAN:
Những nét chung và riêng ở một số quốc gia
Minh Nguyên

Vu lan, tiếng Phạn gọi là Ullambana, còn được biết đến như là ngày lễ “Xá tội vong nhân” hay là ngày “Báo hiếu”, là một trong những lễ hội Phật giáo quan trọng của tín đồ theo đạo Phật ở Á châu. Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, lễ Vu lan được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch.

Ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích ngài Mục Kiền Liên, một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, nhờ vào phước đức cúng dường phẩm vật lên chư Tăng trong ngày Tự tứ và sức chú nguyện của Tam bảo mà mẹ của ngài thoát được kiếp khổ ngạ quỷ, sinh về thiên giới.

Ngày nay, bên cạnh việc cúng dường, tạo phước trong ngày lễ Vu lan, tín đồ Phật tử còn tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, văn nghệ mang đậm nét nhân văn, thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Chính vì vậy mà ngày Vu lan đã được nâng tầm trở thành một ngày lễ hội, không chỉ với người Phật tử, mà cả những người không phải là Phật tử cũng hưởng ứng tham gia. Cũng chính vì những sinh hoạt đi kèm này mà lễ hội Vu lan ở mỗi quốc gia đều có nét đặc trưng riêng, điển hình như lễ hội Vu lan ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam...

Ở Trung Hoa, đến mùa Vu lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Họ cúng thực phẩm và giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất. Họ đốt giấy tiền, vàng mã để cúng cho người quá cố và tin rằng, khi đốt những đồ hàng mã ấy thì linh hồn người mất sẽ nhận được, nhờ vậy mà các vong linh ấy đỡ khổ, đỡ vất vả, đồng thời không quấy rầy đến các công việc làm ăn, sinh sống của người còn sống, ngược lại còn phò hộ cho người sống được ăn nên làm ra. 

Trong ngày lễ Vu lan, chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người đã quá cố. Thường thì người Phật tử ở Trung Hoa tổ chức lễ Vu lan từ ngày 15 tháng 7 cho đến ngày 30 tháng 7 âm lịch. Và người ta còn quan niệm rằng, trong những ngày ấy, cửa địa ngục sẽ mở ra cho các vong linh về thăm người thân của họ, cho đến ngày 30 tháng 7 thì cửa ngục đóng lại. Cũng trong dịp này, tín đồ Phật tử ở Trung Hoa còn làm các việc phước thiện: bố thí, cúng dường, phóng sanh... để hồi hướng công đức cho cha mẹ và người thân của mình.

Nhật Bản, lễ hội Vu lan được gọi là lễ hội Urabon-e hay là lễ hội Obon, hoặc đơn giản chỉ gọi là lễ hội Bon. Lễ hội Obon được tổ chức ở Nhật Bản đã hơn 500 năm nay. Lễ Obon ở Nhật Bản thường được tổ chức kéo dài trong ba ngày, có khi được kéo dài cả tuần lễ, nên được gọi là Tuần lễ Obon. Ngày đầu tiên là ngày đón mừng lễ hội, còn ngày cuối cùng được xem là ngày tạm biệt lễ hội. Mặc dù lễ hội Obon lúc đầu được tổ chức với ý nghĩa là để dâng phẩm vật lên linh hồn của tổ tiên, ông bà đã quá cố, dần dần lễ hội này trở thành một sự kiện thường niên; bên cạnh việc dâng phẩm vật cho tổ tiên, ông bà, lễ Obon còn là dịp để mọi người tặng quà đến người thân, bạn bè và cả những ân nhân, những người cấp trên. Cũng trong dịp này, tín đồ Phật tử thường dâng cúng phẩm vật lên chư Tăng để nhờ chư Tăng cầu nguyệnhồi hướng phước đức cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Vào dịp lễ hội Obon, mọi người đều trở về quê hương của mình, đoàn tụ với người thân trong gia đình để cùng bày tỏ lòng thành kính tri ân, lòng hiếu thảo đến tổ tiên, ông bà. Cũng trong những ngày này, người Nhật dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, dâng cúng hoa quả, phẩm vật lên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên. Trong ngày đầu tiên của lễ hội Obon, người ta treo và thắp sáng các lồng đèn ở phía trước nhà, đi thăm viếng lăng mộ của người thân đã quá cố, quét dọn vệ sinh, tu sửa lăng mộ và mời linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng về đoàn tụ với con cháu. Ở một số vùng, lồng đèn không những được treo ở trong nhà mà còn được treo dọc theo các con đường dẫn vào nhà để hướng dẫn linh hồn người quá vãng.

Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, người ta đem lồng đèn đến thả ở các sông, hồ, các bờ biển, xem như để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. Thông thường, trong đêm thả lồng đèn, người ta còn đốt pháo hoa.

Bên cạnh đó, vào những đêm Obon, hầu hết người dân Nhật đều tham gia hoạt động Bon Odori, ca múa theo những vũ điệu dân gian. Bon Odori được tổ chức tại các đường phố, công viên, sân vườn, đền miếu, hoặc trong khuôn viên chùa. Người dân mặc trang phục yukata (kimono mùa hè) và nhảy múa xung quanh sân khấu ngoài trời. Bất cứ ai cũng có thể tham gia Bon Odori.

Ngày nay, lễ hội Obon không chỉ được tổ chức ở trên đất nước Nhật Bản mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, ở đâu có cộng đồng người Nhật sinh sống thì ở đó người ta có tổ chức lễ hội.

Ở Malaysia, ngày lễ Vu lan còn gọi là Ngày Tổ tiên, hay là Lễ hội tháng Bảy. Bên cạnh những việc làm thể hiện tinh thần hiếu đạo của người Á châu trong mùa Vu lan, như: thăm viếng lăng mộ, tảo mộ, dâng cúng phẩm vật cho người thân đã quá cố, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ, người ta còn tổ chức nhiều sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mang những sắc thái riêng của quốc gia này. Vào ngày Vu lan, hàng trăm, và đôi khi hàng nghìn người, tập trung đến các chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho người quá cốcúng dường lên Đức Phật. Theo phong tục, vào ngày lễ Vu lan, người dân nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành nghi thức siêu độ vong linh. Trước đây, mỗi khi Vu lan đến, người ta đốt rất nhiều giấy tiền, vàng mã, hình nhân và các vật dụng bằng giấy. Việc đốt vàng mã này xuất phát từ văn hóa tín ngưỡng dân gian, bắt nguồn từ văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa, chứ hoàn toàn không liên quan đến giáo lý đạo Phật - Phật giáo không khởi xướng và không cổ xúy cho vấn đề này. Những năm gần đây, nhờ sự hướng dẫn của chư Tăng và sự phát triển nhận thức của người Phật tử, nên việc đốt vàng mã cũng đã bớt đi nhiều.

Bên cạnh đó, vào ngày Vu lan, người Phật tử Malaysia còn tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng tại các khu dân cư, có sự tham gia nhiệt tình của các ca sĩ, vũ công, người diễn kịch,... Tất cả mọi chi phí cho việc tổ chức văn nghệ và các hoạt động của lễ hội trong ngày Vu lan đều do quần chúng Phật tử tự nguyện đóng góp.

Tại Ấn Độ ngày nay, tuy không có ngày lễ Vu lan, nhưng tinh thần hiếu đạo trong những người con Phật thì từ xưa cho đến nay đều luôn tỏ rõ. Trước hết là gương sáng hiếu hạnh của Đức Thế Tôn, Người đã nhiều lần về thăm phụ vương và giúp phụ vương chứng thánh quả trước giờ phút lâm chung, lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp giáo hóa cho thân mẫu; rồi đến gương hiếu hạnh của các vị đại đệ tử của Phật, như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên,... Tinh thần hiếu hạnh trong Phật giáo Ấn Độ không chỉ thể hiện qua những tấm gương hiếu thảo của các vị xuất gia mà còn được biểu hiện qua sự cúng dường của hàng Phật tử tại gia nhằm hồi hướng công đức cho cha mẹ. Rất nhiều bia ký được tìm thấy tại các di tích Phật giáo ở khắp Ấn Độ đều cho thấy rằng, trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà sư cũng như tín đồ Phật giáo, từ hoàng tộc cho đến dân chúng đã xây chùa, dựng tháp, tạc tượng, dâng y... để cúng dường Tam bảo, ngõ hầu hồi hướng công đức cho cha mẹ, tổ tiênpháp giới chúng sanh.

Việt Nam chúng ta, cùng với sự hồi sinh và phát triển của Phật giáo, lễ Vu lan ngày càng được tổ chức quy mô, trọng thể. Ngày lễ Vu lan đã trở thành “ngày hội hiếu” của tín đồ Phật tử Việt Nam, một số người không phải là Phật tử cũng tham gia vào ngày hội này. Cũng trong ý nghĩa báo hiếu công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cứu giúp cho các vong linh, người Phật tử ở nước ta thường đến chùa tụng kinh, cầu nguyện, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ và cho pháp giới chúng sanh. Nhiều nơi còn tổ chức Đại lễ trai đàn chẩn tế để cúng dường, bố thícầu nguyện cho chư vị âm linh, vong linh cô hồn. Bên cạnh đó còn có các chương trình biểu diễn văn nghệ, các chương trình văn hóa, nghệ thuật Phật giáo, làm tôn vinh thêm giá trị của ngày lễ Vu lan, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, nâng cao tinh thần hiếu đạo, tri ânbáo ân trong lòng người dân Việt.

Có một nghi thức rất đặc biệt, rất riêng, hầu như chỉ có người Việt mới tổ chức trong ngày lễ Vu lan, đó là nghi thức cài hoa hồng. Việc cài hoa hồng này mới được cử hành khoảng 50 năm trở lại đây, nhưng đã tạo ấn tượng sâu sắc và vô cùng cảm động trong lòng người tham gia. Chính nghi thức cài hoa hồng này đã khiến cho nhiều người phải thổn thức khi trân trọng cài hoa lên ngực áo, khiến không biết bao nhiêu người rơi nước mắt khi phải ngậm ngùi cài lên ngực áo một đóa hồng màu trắng; và thông qua lễ cài hoa hồng này mà có không ít người đã hồi tâm tỉnh giác, trở nên hiếu thảo với cha mẹ hơn, sống tốt hơn.

Tuy rằng, lễ Vu lan chỉ phổ biến và phát triển trong cộng đồng Phật tử ở các nước theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, nhưng ở các nước theo Phật giáo Nguyên thủy, như Lào, Thái Lan, Campuchia, một số nhóm Phật tử cũng có tổ chức lễ Vu lan. Dù đa phần Phật tử ở các nước này không có khái niệm về lễ Vu lan, nhưng tinh thần hiếu đạo mà Đức Phật đã dạy thì vẫn luôn được tuân theo, vẫn luôn thể hiện rõ trong những ngày vào mùa an cư và ngày kết thúc mùa an cư của chư Tăng. Tại các nước theo Phật giáo Nam truyền, vào ngày đầu tiên của mùa an cư, người Phật tử dù có đi đâu, làm gì cũng đều trở về quê nhà, quây quần bên ông bà, cha mẹ, người thân của mình để cúng tổ tiên ông bà đã quá cố, bày tỏ lòng hiếu kính của mình đối với ông bà, cha mẹ hiện còn, và cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho người thân; vào ngày chư Tăng kết thúc mùa an cư, hàng Phật tử tại gia, bất kể giàu nghèo, sang hèn đều đến chùa dâng phẩm vật cúng dường Tam bảo để tạo phước lành và hồi hướng cho thân nhân đã quá vãng cũng như hiện còn đời này.

Lễ hội Vu lan dù được tổ chức ở đâu, dưới hình thức nào đi nữa thì ở đấy vẫn có một điểm chung, vẫn toát lên một tinh thần chung, đó là tinh thần hiếu đạo của người Phật tử. Ngày hội Vu lan là ngày để người con Phật bày tỏ lòng hiếu thảo của mình, để thực hiện nghĩa cử tri ân báo ân đối với hai đấng sinh thành, đối với tổ tiên, ông bà, trải rộng lòng thương đến cả những vong linh cô hồn và cả những mảnh đời bất hạnh hiện đang còn sống. Đây là một ngày lễ hội rất có ý nghĩa, cần phải được bảo tồn và phát triển, phải làm sao để nó trở thành một ngày lễ hội của quần chúng, vượt qua giới hạn của tôn giáo, tín ngưỡng, để cho tinh thần hiếu đạo được thấm nhuần trong lòng mọi người, để cho con người trở nên thuần từ và trung hiếu hơn. n

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/04/2012(Xem: 14177)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.