Giáo Sư Khoa Trưởng Phật Học Uc Berkeley Lewis Lancaster Nói Về: Thoáng Nhìn Về Phật Giáo Của Thế Kỷ 21

25/08/201510:31 SA(Xem: 12902)
Giáo Sư Khoa Trưởng Phật Học Uc Berkeley Lewis Lancaster Nói Về: Thoáng Nhìn Về Phật Giáo Của Thế Kỷ 21

GIÁO SƯ KHOA TRƯỞNG PHẬT HỌC
UC BERKELEY LEWIS LANCASTER NÓI VỀ:
THOÁNG NHÌN VỀ PHẬT GIÁO CỦA THẾ KỶ 21

gs-lancaster-at-sangha-center-6-
Giáo Sư Lewis Lancaster. (Photo VB)

HUNTINGTON BEACH (VB) – Giáo Sư Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học tại Đại Học UC Berkeley Lewis Lancaster đã nhận lời mời của Hội Phật Học Đuốc Tuệ nói chuyện đề tài “Glimpse of 21st Century Buddhism” (Thoáng Nhìn Về Phật Giáo Của Thế Kỷ 21) tại Trung Tâm Sangha Center, thành phố Huntington Beach, Nam California, Hoa Kỳ, vào chiều Chủ Nhật, ngày 23 tháng 8 năm 2015, với sự tham dự của khoảng 250 người gồm Tăng, Ni và Phật Tử các giới tại Quận Cam.
Nữ Phật tử Tịnh Tánh điều hợp chương trình tổng quát bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh.

Phần nói chuyện của GS Lancaster được Đại Đức Thích Thiện Tâm chuyển dịch sang Việt ngữ. Theo lời giới thiệu của Ban Tổ Chức, Thầy Thiện Tâm là một cậu bé thuyền nhân đến Mỹ năm 1982. Thầy lớn lên và học hành thành đạt tại Hoa Kỳ. Thầy vừa tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại Đại Học University of The West, Nam California dưới sự hướng dẫn của GS Lancaster. Hiện nay Thầy dạy tại trường University of The West và làm phụ tá thông dịch cho GS Lancaster mỗi khi Giáo Sư đi thuyết giảng tại các cộng đồng Việt và Hoa, vì Thầy Thiện Tâm biết cả tiếng Việt, tiếng Hoa.

gs-lancaster-at-sangha-center-1-
Margaret Meloni (trái) và Thúy Loan giới thiệu
GS Lancaster. (Photo VB)

Mở đầu chương trình và để chào đón Giáo Sư Lancaster, cư sĩ Tâm Minh Trí đã hát cúng dường bản nhạc “Đuốc Tuệ Ca” do nhạc sĩ Võ Tá Hân sáng tác tặng cho Hội Phật Học Đuốc Tuệ.

Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, Hội Trưởng Hội Phật Học Đuốc Tuệ, nói lời chào mừng Giáo Sư Lancaster và cử tọa hiện diện. Cư sĩ Mật Nghiêm phát biểu bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong một văn bản soạn sẵn. Trong đó có đoạn nói rằng,
“Đề tài truyền đạt là “Một Thoáng Nhìn về Phật Giáo Thế Kỷ 21,” một đề tài đáp ứng những thắc mắc của cộng đồng chúng ta trong việc hội nhập vào nền văn hóaxã hội Hoa Kỳ. Mong rằng qua trình bày của Giáo sư, các thính giả thấy được cái nhìn rộng sâu của vị khoa bảng Khoa Phật học Đại học UC Berkeley.”

gs-lancaster-at-sangha-center-2-
Quang cảnh trong Hội Trường Sangha Center. (Photo VB)

Cư sĩ Mật Nghiêm mong mỏi rằng, “Qua nhận xét của Giáo sư, chúng ta sẽ biết được phương cách để đem giới trẻ VN sinh trưởng tại Hoa Kỳ đến với Phật Giáo và biết cách hoạt động tích cực, xây dựng và phát triển PG không chỉ trong cộng đồng VN mà còn với các bạn địa phương.”

Và rồi như thường lệ Cư sĩ Mật Nghiêm đọc 1 bài thơ mà lần này không phải là bài thơ do Cư sĩ sáng tác nhưng là bài thơ “Chào Nguyên Xuân” của thi sĩ Bùi Giáng bằng tiếng Việt và MC Tịnh Tánh đọc phần dịch tiếng Anh. Bài thơ có đoạn mở đầu:

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.”

gs-lancaster-at-sangha-center-3-
MC Tịnh Tánh (trái) và Cư sĩ Tâm Minh Trí. (Photo VB)

Cô Thúy Loan và cô Margaret Meloni là 2 học trò của Giáo Sư Lancaster đã cùng nhau giới thiệu Ông bằng tiếng Việt và Anh. Trong phần giới thiệu này cho biết rằng năm nay GS Lancaster dù đã 83 tuổi vẫn không ngừng nghiên cứu và giảng dạy tại các đại học ở Hoa Kỳ cũng như trên thế giới như Nam Hàn, Thái Lan, Đài Loan. Ông sinh ngày 27 tháng 10 năm 1932 tại tiểu bang Virginia, miền Đông Hoa Kỳ. Giáo Sư tốt nghiệp Tiến Sĩ Văn Chương tại Đại Học Roanke College vào năm 2007. Trước đó vào năm 1968, GS Lancaster đã tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Wisconsin. Ông đã nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự từ Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 2011. Hiện nay GS Lancaster là Giáo Sư Danh Dự thuộc Phân Khoa Ngôn Ngữ Học Đông Á tại Đại Học UC Berkeley, Hoa Kỳ. Giáo Sư cũng là người hướng dẫn thành lập Đại Học University of The West và là Chủ Tịch Ủy Ban Luận Án của Đại Học này kể từ năm 1992. GS Lancaster, theo cô Loan và Meloni, là người đầu tiên cổ võ và giúp đưa lên internet Đại Tạng Kinh của các nước Thái Lan, Trung Hoa, Nam Hàn, v.v… Cùng tham dự trong buổi nói chuyện tại Sangha Center còn có phu nhân của GS Lancaster và hai người con.

gs-lancaster-at-sangha-center-4-
Đại Đức Thích Thiện Tâm. (Photo VB)

Trong bài nói chuyện dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, GS Lancaster đã cho thính chúng thấy một cái nhìn tổng quát về thực trạng, nguyên nhân và tương lai của Phật Giáo trong thế kỷ 21. Trước hết ông cho rằng mọi tiên đoán về Phật Giáo tương lai đều không đúng vì mọi thứ đều vô thường. Thế hệ con cháu chúng ta, theo GS Lancaster, sẽ không nhìn địa cầu này như hôm nay chúng ta đang thấy. Ông cho rằng Phật Giáo ở thế kỷ 21 đã không còn những biên giới phân cách như quá khứ nữa. Ông cho biết tại Mỹ, Phật Giáo hiện đang là tôn giáo phát triển mạnh đứng hàng thứ 2 sau Thiên Chúa Giáo tại các tiểu bang Miền Tây. Theo Giáo Sư trong thế kỷ 21 nhân loại có khuynh hướng sống tập trung tại các thành phố, không như ngày xưa sống ở nông thôn nữa. Và vì vậy, Phật Giáo đang đối diện với vấn đề là phải làm sao phát triển tại thành thị để thích nghi với hiện trạng. Ông kể rằng trong một chuyến viếng thăm Singapore, ông thấy chùa chiền được dựng lên ngay trong những khu phố tại trung tâm của thành phố. Trong khi thuyết trình, GS Lancaster cũng đã chiếu lên màn hình những hình ảnh thực tế để làm cho thính chúng hiểu rõ hơn vấn đề ông đang nói. Trong một đoạn phim chiếu về một buổi lễ của Phật Giáo cho thấy tăng, ni và phật tử thuộc nhiều hệ phái, truyền thống, quốc gia khác nhau có thể cùng ngồi chung với nhau trong một buổi lễ. Ông cho rằng một trong những đặc điểm của Phật Giáo trong thế kỷ 21 là sự thống nhất các truyền thống, trường phái, quốc độ khác nhau để hình thành sự thống hợp mà trong quá khứ không có.

GS Lancaster còn nêu ra một thực trạng khác của nhân loại nói chung và Phật Giáo nói riêng. Đó là tình trạng dân số người già ngày càng sống lâu và đông hơn. Ông nêu ra câu hỏi: Vấn đề là ai chăm sóc cho những người già? Một thực trạng khác trong thế kỷ 21 cũng không kém phần quan trọng là ngày càng có ít người thừa nhận rằng họ theo một tôn giáo nào đó. Giáo Sư cho rằng đó là 2 vấn đề khó khăn mà Phật Giáo phải đương đầu trong thế kỷ 21.

GS Lancaster đặt vấn đề; Vậy thì, tương lai Phật Giáo là gì? Và rồi ông lần lược nêu ra một số hiện trạng đang xảy ra như là những câu trả lời khả tín nhất cho câu hỏi này. Ông tóm lược mấy hiện trạng lạc quan đối với tương lai của Phật Giáo trong thế kỷ 21 như sau:

gs-lancaster-at-sangha-center-5-
Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, Hội Trưởng
Hội Phật Học Đuốc Tuệ. (Photo VB)

Thiền, đặc biệt là Thiền Chánh Niệm, đã và đang được phổ biến khắp nơi như giải pháp khả thi và hữu hiệu để giải quyết nhiều nan đề. Chẳng hạn, theo ông, thiền đang được dạy và thực hành tại các đại học lớn ở California, Pennsylvania, Wisconsin, Massachusetts, v.v… Đặc biệt là Tổng Giám Đốc Công Ty Google Sundar Pichai đã đưa thiền vào trong sinh hoạt của công ty cho nhân viên thực tập trước khi làm việc vào mỗi ngày. Pichai đưa ra lý thuyết “Cockroach” (Con Gián) để hành xử một cách bình tĩnhthông minh trước mọi vấn đề để tránh gây đỗ vỡ các mối quan hệ, để tránh đưa ra những quyết định trong lúc bị giận dữ, lo lắng, căng thẳng, hay vội vã. GS Lancaster còn kể cô nữ tài tử điện ảnh Mỹ Goldie Hawn rất sùng mộ Thiền Phật Giáo. Hay Giáo Sư còn cho biết các dân biểu của Quốc Hội Anh đều thực tập Thiền trước khi vào các khóa họp. Giáo Sư cũng đưa ra một số kết quả thống kê cho thấy việc thực hành thiền chánh niệm làm giảm 40% những cơn đau nhức, giảm 57% những điều không như ý, trong khi dùng thuốc giảm đau chỉ giảm được 25%. Ông cũng nhấn mạnh đến các nghiên cứu cho thấy thiền định giúp ảnh hưởng hữu ích đến não bộ và tâm thức.

Thế kỷ 21 là thế kỷ truyền thông, đặc biệt là truyền hình, phim ảnh, vì vậy, theo GS Lancaster, Phật Giáo phải biết cách sử dụng truyền thông để truyền bá. Ông đưa ra một thí dụ điển hình về truyền thông Phật Giáo ảnh hưởng sâu rộng đền quần chúng Hoa Kỳ qua loạt phim hoạt họa truyền hình Lisa Simpson. Trong đó cô bé Lisa là người con giữa thông minh trong gia đình họ Simpson. Gia đình này theo Thiên Chúa Giáo, nhưng cô bé lại thích Phật Giáo. Giáo Sư cho biết rằng nghiên cứu sau đó cho thấy khi được hỏi lý do theo Phật Giáo nhiều người Mỹ trả lời là nhờ xem phim The Simpson.

Giáo Sư Lancaster cũng nói đến một hiện tượng nổi bật trong thế kỷ 21 là sự sa lầy của thế hệ con em chúng ta trong thế giới ảo của các trò chơi, các phim khoa học giải tưởng, như Avatar. Ông nói rằng ngày nay con người khó phân biệt được thế giới ảo và thật. Chẳng hạn khi nhìn vào hai tấm hình, được chiếu trên màn ảnh trong hội trường, chúng ta không thể phân biệt tấm hình nào là thật và tấm hình nào là giả tạo. Đối vấn đề này, GS Lancaster cho biết rằng Phật Giáo có giúp con người hiểu biết rõ ràng về bản chất của vũ trụcon người. Theo GS đức Phật đã dạy chúng ta từ lâu về thế giới vô thường, thân người vô ngã, chúng chỉ là một tập hợp của nhiều yếu tố, nhân duyên. Ông nói 90% DNA trong thân thể con người chúng ta là không phải của mình. Theo Phật Giáo, tất cả các pháp chỉ là cái tên gọi mà không có tự ngã, không có thực thể độc lập. Ông cũng nói đến tính chất tương quan tương duyên trong cuộc sống giữa con ngườithế giới chung quanh hay rộng ra là vũ trụ. Trong tương quan đó, ông nêu ra vấn nạn về tình trạng hạn hán kỷ lục của tiểu bang California hiện nay.

Vấn đề cuối cùng mà Giáo Sư Lancaster nêu ra là: Ai sẽ làm cho Phật Giáo sống còn trong thế kỷ 21? Và ông đã trả lời thay cho thính chúng rằng đó là tất cả Tăng, Ni và tín đồ Phật Giáo. Theo ông, Phật Giáo có được một ưu thế đặc biệt khác ngoài nội lực trí tuệ, cón có lòng từ bi. Ông nhấn mạnh rằng điều mà Phật Giáo có thể đóng góp hữu hiệu cho nhân loại trong thế kỷ 21 chính là lòng từ bi trải rộng không phân biệt, không biên cương đến với mọi người.

Chương trình tiếp tục với phần vấn đáp. Sau 15 phút nghỉ giải lao, mọi người trở lại hội trường và bắt đầu phần vấn đáp. Người tham dự nêu câu hỏi về Phật Giáo về những thắc mắc liên quan đến đề tài thuyết trình để Giáo Sư Lancaster trả lời.

(Theo Việt Báo)

Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…