THÍCH NHẬT TỪ
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
Để thi cử không còn là nỗi ám ảnhBạch Thầy, trong số báo tháng 4 vừa rồi, con rất tâm đắc với những điều Thầy tư vấn cho chị Minh Anh (Vĩnh Phúc). Mùa hè này con trai con cũng thi vào đại học. Được biết Thầy là chuyên gia thường xuyên được Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời tư vấn trong các chương trình “Tiếp sức mùa thi” cho các bạn trẻ. Thầy có thể cho con trai con cũng như các bạn trẻ chuẩn bị bước vào những kì thi cam go những lời khuyên hữu ích để các bạn ấy (và cả những bậc cha mẹ như chúng con nữa) được tiếp thêm sức lực, ý chí, niềm tin vào mùa thi sắp tới được không ạ? Con trân trọng cảm ơn Thầy!
Hoàng Lan Hoa, TP. Hồ Chí Minh
Thầy Thích Nhật Từ trả lời
Để việc học và thi cử có kết quả tốt, trong thời gian ôn thi, ngoài việc đón nhận tình thương, hỗ trợ tinh thần, chế độ ăn độ, các học sinh và sinh viên cần lưu tâm về cách ôn tập bài vở, điều chỉnh tâm lý, giữ gìn sức khỏe và thư giãn tích cực, như dưới đây:
Ôn tập có phương pháp
Trong mùa thi, thói quen “học ngày không đủ tranh thủ học đêm,” sẽ dẫn đến hậu quả phũ phàng là “Học thì nhiều nhưng nhớ chẳng bao nhiêu!” Nguyên nhân tâm lý có thể là do người học bị ám lực tâm lý, dẫn đến lo lắng nhiều quá. Do quá lo lắng, nhiều học sinh và sinh viên đã “cắm đầu cắm cổ” vào việc học, học “nhồi nhét”, học “ôm đồm”. Sự đè nén quá tải này sẽ dẫn đến tình trạng “trống rỗng” kiến thức đã học được trong bộ não. Năng lực trí nhớ bị suy giảm nghiêm trọng, sẽ không thể giúp người học đạt kết quả trong thi cử.
Trọng tâm của việc ôn tập là làm thế nào để nhớ chính xác và nhớ dai nội dung môn học. Nhồi nhét quá nhiều thông tin vào não trong những ngày trước khi thi sẽ dẫn đến tình trạng khối óc bị bão hòa, không thể nhớ thêm được nữa. Đối với các môn thuộc khoa học nhân văn và xã hội, người học cần tóm tắt và nhớ ý chính, không nên học thuộc lòng từng câu chữ và tất cả chi tiết. Đối với các môn thuộc khoa học tự nhiên, cần thuộc và hiểu các công thức, định lý để có thể giải đáp các bài tập.
Dùng viết marker gạch dưới các ý quan trọng để dễ tập trung vào các ý chính trong bài. Khi xem bài, nhớ đọc bằng mắt và chú tâm để nắm vững các chuyên đề chính, các bài quan trọng, các ý tưởng then chốt. Dùng kiến thức logic để phân tích, tổng hợp và hệ thống toàn môn học, ôn lại những nội dung nỗi cáu nhớ nhất trước khi đi ngủ.
Tâm lý và sức khỏe mùa thi
Lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin, thiếu tập trung là các tâm lý tiêu cực mà người học nên tránh trong mùa ôn thi. Càng lo lắng, việc thi cử càng trở nên căng thẳng, mệt mỏi và quá tải. Như bạn đồng hành của lo lắng, sợ hãi việc không nhớ nội dung học, không làm được bài thi và không đậu trong các kỳ thi sẽ xuất hiện một cách tất yếu. Hai tâm lý tiêu cực này làm cho người học mất dần sự tự tin, rơi vào mặc cảm tự ti, đánh mất sự tập trung cần thiết, đầu óc trở nên rỗng không.
Người học đừng tự gây khó bản thân bằng cách đặt ra tiêu chí quá cao, như phải đậu thủ khoa, đậu xuất sắc trong kỳ thi. Kỳ vọng càng nhiều càng cao, về bản chất, là một áp lực tâm lý. Khi kết quả thi cử không được như mong đợi, nhiều học sinh đã bị rơi vào buồn chán, tuyệt vọng và trầm cảm. Hãy học đều đặn, ôn thi có phương pháp, người học chắc chắn đạt được kết quả tốt trong kỳ thi. Sau khi đã nỗ lực học, ôn và thi bằng tâm huyết và phương pháp, kết quả thi cử thế nào thì hãy hoan hỷ như thế. Bất mãn chính mình trong tình huống này chỉ biến kết quả không như mong đợi thành một áp lực và khổ đau giây chuyền, vốn là điều không nên.