Thư Viện Hoa Sen

Chương 2: Đạo làm cha mẹ và con cái

16/01/201811:16 SA(Xem: 6870)
Chương 2: Đạo làm cha mẹ và con cái
GIA ĐÌNHXÃ HỘI VÀ TÂM LINH 
ỨNG DỤNG KINH THIỆN SANH TRONG CUỘC SỐNG 
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Hồng Đức

Chương 2: Đạo cha mẹ và con cái

Giảng ngày 11-8-2011 tại chùa Pháp Hoa, Đắk Nông
Phiên tả: Subin


 I. ĐẠO LÀM CON

    Đại lễ Vu Lan năm 2011, tôi rất hoan hỷ khi nhìn thấy trong vài trăm thính giả, thì ba phần tư là thanh thiếu niên. Hiếm ngôi chùa nào có hoạt động sinh hoạt giới trẻ mạnh như thế. Vách của giảng đường đề một câu tôi khá tâm đắc: “Nếu không muốn thấy sự suy tàn của Phật giáo ngày mai thì hãy để tâm chăm sóc thế hệ trẻ thanh thiếu niên ngày nay”. Đây được xem như phương châm hành đạo của thầy Thích Quảng Hiền tại trụ sở tỉnh hội Phật giáo Đắk Nông. Dù là một trong các ban trị sự thành lập gần đây nhất, nhưng phương châm này sẽ giúp cho Phật giáo phát triển nhanh so với các tỉnh thành, nơi mà đạo Phật đã tồn tại vài chục đến hàng trăm năm.

    Quan tâm giới trẻ trong bối cảnh của đại lễ Vu Lan rất có ý nghĩa. Nhân đây, tôi cũng xin gởi đến quý vị đề tài “Cha mẹ và con cái”, vốn được xem là phần quan trọng trong kinh Thiện Sanh. Bài kinh đề cập đời sống lành, đời sống hạnh phúc, đời sốngvăn hóa và những giá trị tương quan thiêng liêng nhất của kiếp người.

    Trong bài kinh này, đức Phật nêu năm trách nhiệm đạo đức của các bậc làm cha mẹ và bên cạnh đó, Ngài cũng nêu năm trách nhiệm đạo đức của những người con thảo cháu hiền. Mỗi vai trò cha mẹ hoặc con cái góp phần rất lớn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình hiện tại lẫn tương lai. Do đó, tôi kính đề nghị sau buổi giảng này, các bậc cha mẹ nên phổ biến kinh Thiện Sanh cho con em mình. Và các bậc con cái cũng nên thường xuyên đọc tụng bài kinh để thấy rõ ý nghĩa hạnh phúc trong sự phát triển, đồng thời đưa văn hóa đạo đức Phật giáo vào cuộc sống. Điều đó giúp chúng ta sống có giá trị hơn, đóng góp nhiều hơn cho người thân thương trong gia đình của mình.

    Về bổn phận làm con, đoạn kinh sau đây mô tả chi tiết: “Hỡi này Thiện Sanh, phương Đông tượng trưng các bậc cha mẹ. Người con hiếu thảo phải hiếu kính cha mẹ với năm điều đạo đức. Nhờ đó, an ổn, không lo sợ gì”.

    Đoạn phát biểu cho thấy, đức Phật xác định rất rõ, nếu tất cả những người con thảo cháu hiền, cụ thểthế hệ thanh thiếu niên sống tốt với năm điều trách nhiệm đạo đức bằng sự hoan hỷtình nguyện thì hầu như suốt cuộc đời không gặp những nỗi bất ổn, thăng trầm, ba chìm, bảy nổi, tám lênh đênh. Bởi vì ta thiết lập được tình cảm thiêng liêng gắn bó nhất với hai đấng sinh thành, mà đức Phật thường sánh ví là hai vị Phật trong nhà.

    Giới thanh thiếu niên Phật giáo nên hãnh diện, tự hào khi được đức Phật là thầy của mình. Chưa từng có văn bản tôn giáo nào từ cổ đến kim, từ Đông đến Tây xác quyết rằng, cha mẹ tương đương với người khai sáng ra tôn giáo.

    Các tôn giáo nhất thần cho rằng chỉ có một đấng tạo hóa. Cho nên khi cha mẹ chết thì các tôn giáo này phần lớn không thờ cha mẹ mà chỉ thờ duy nhất một Chúa trời.

    Chẳng hạn, các tôn giáo này quy định, trước khi ăn cơm phải làm hiệu để tạ ơn đấng tạo hóa, uống nước cũng tạ ơn đấng tạo hóa, v.v… Rõ ràng chúng ta thấy vô nghĩa ở chỗ, chén cơm manh áo, rồi sự nghiệp, mọi thứ mà ta có đều do cha mẹ đã hy sinh, nai lưng cả ngày lẫn đêm, quanh năm suốt tháng. Ấy thế mà mình không mang ơn trực tiếp, lại mang ơn đáng tạo hóa nào đó mà mình không hề biết. Người ta cứ nghĩ rằng có một nhân vật tạo dựng ra thế giới vũ trụ để bắt mọi người phải làm theo cái này, chấp nhận cái kia, nói chung có số phận an bài.

    Khi ăn cơm, uống nước, còn được sự sống, đạo Phật dạy tất cả chúng ta, những người con dù là thủ tướng, tổng thống, chủ tịch nước, bộ trưởng,… vai trò vị thế xã hội cỡ nào đi nữa vẫn phải nhớ ơn ông bà, cha mẹ. Vì nếu không có ông bà cha mẹ, chúng ta cũng không có mặt với tư cách một con người. Hãy hình dung, nếu ta đầu thai ra thành con vật gia súc trong những nhà giàu kếch sù ở phương Tây, được người chăm sóc, được ngủ trên giường tiêu chuẩn ba sao cùng với chủ, được chủ dẫn dắt đi sáng chiều tối, được chủ dọn vệ sinh, khi bệnh được đưa đến bệnh viện; mỗi ngày được ăn các loại thực phẩm sang trọng đắt tiền, sung sướng hơn gấp mười lần so với thân phận của người nghèo Việt Nam, nhưng đừng vì thế mà nghĩ rằng con vật đó có phước hơn con người. Con ngườiý thức xã hội, có đạo đức, có tâm linh, có truyền thông, có giáo dục kinh nghiệm, có phấn đấu và nỗ lực làm những gì mà con người muốn. Cho nên, với tư cách một con người, ta cần phải nhớ ơn ông bà cha mẹ. Đây là điều giúp cả cuộc đời chúng ta an ổn.

    1. Phụng dưỡng không để thiếu thốn

        Con cái phụng dưỡng cha mẹ trong nền văn hóa Phật giáo được xem là mối quan tâm hàng đầu. Chúng ta cũng nên hãnh diện tự hào khi mình là người Việt Nam, có truyền thống văn hóa Việt Nam đồng hành văn hóa đạo Phật. Ở xã hội phương Tây, con cái không cần phải thực hiện trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Đến tuổi 18, con cái có thể sống riêng với cha mẹluật pháp bảo hộ chuyện ấy. Quan hệ tình thân thương gia đình không gắn bó như ở Việt Nam.

        Đạo lý Phật giáo dạy chúng ta phải phụng dưỡng bằng vật thực cụ thể, hành động thương kính cụ thể chứ không phải chỉ nói suông rằng “Con thương cha, kính mẹ”.

        Trong kinh tạng Pali, đức Phật quy định: chia lợi tức thu nhập hàng tháng ra làm bốn phần, 25% dành cho hiếu thảo, 25% chi tiêu hàng tháng, 25% tiết kiệm để có thể phát triển sự nghiệpsử dụng chúng vào những mục đích chân chính về sau, và 25% còn lại làm từ thiện. Làm từ thiện trong bối cảnh ngày nay khá đa dạng, bao gồm đóng thuế nhà nước. Hiện nay, gần như ai cũng phải đóng thuế. Phần đóng thuế đó có thể thay thế cho phần làm từ thiện của chúng ta. Tuy nhiên, rất ít Phật tử làm đúng bổn phận chu cấp, nuôi dưỡng cha mẹ bằng 25% tiền lương của mình. Một gia đình trung bình có ba người con. Nếu mỗi đứa con khi lập nghiệp, mỗi tháng trích dù chỉ 10% tiền lương cho cha mẹ dưỡng già, thì cũng tương đối ổn. Còn làm theo lời Phật dạy, trích đúng 25%, có lẽ cha mẹ chúng ta sẽ không phải khổ đau khi đối diện với bệnh tật, tuổi già. Nhờ đó không rơi vào trạng thái buồn tủi, cô đơn, chán chường.

        Tuổi già của người Nhật là tuổi khổ đau. Ở Nhật, sau sáu mươi tuổi khi về hưu thì tỷ lệ tự tử đứng đầu thế giới. Đất nước Nhật phát triển cao theo nền văn hóa phương Tây thì Nhật lại rơi vào tình trạng con cái bỏ rơi cha mẹ, không còn xem việc hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ là một bổn phận đạo đức nữa. Do đó, rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bất hạnh, phải chìa tay xin con em mình. Đôi lúc đứa con khi hiếu thảo với cha mẹ cũng tính tháng, tính ngày, tính lời, tính lỗ rồi phân bì, so đo. Cha mẹ nuôi mình mấy chục năm, có khi nào tính toán một cách ích kỷ như thế.

        Do vậy, phụng dưỡng làm sao để cha mẹ không rơi vào tình trạng thiếu thốn, buồn tủi, cô đơn.

    2. Trình báo và xin lời khuyên

        Đây là một lời khuyên đạo đức được nâng lên thành tầm văn hóa ứng xử và rất may mắn khi văn hóa Việt Nam cũng có khuynh hướng sống như vậy, tức “đi thưa về trình”. Mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà, bậc làm con thường khoanh tay chào một cách lễ phép: “Thưa mẹ, thưa cha con đi học, con đi làm”. Ta hiếm tìm thấy nền văn hóa này ở các nước châu Âu, châu Mỹ, hoặc châu Úc. Cũng hiếm khi ta tìm thấy nền văn hóa phương Tây khích lệ con em xin lời khuyên của cha mẹ. Tháng vừa qua đi thuyết giảng tại vài chục đạo tràng và chùa ở mười nước châu Âu nên ít nhiều tôi biết được văn hóa phương Tây qua những cuộc tiếp xúc với Phật tử tại đó.

        Có một người cha độ tuổi năm mươi than vãn về đứa con rằng, vào tuổi mười tám thì tinh thần tự lập của con em phương Tây khá cao, và được nền văn hóa này ủng hộ. Cho nên, khi đi học, chọn ngành nghề cũng chẳng cần hỏi ý kiến cha mẹ. Cha mẹ muốn can thiệp mà không hiểu gốc rễ văn hóa phương Tây thì con cái có cảm giác mình đang bị bó buộc, mất nhân quyền. Đôi khi chỉ cần một cú điện thoại đến sở cảnh sát, cha mẹ có thể sẽ gặp rắc rối. Mắng chửi vài ba câu do vì lo lắng nhưng thiếu nghệ thuật có thể khiến con cái bỏ đi. Mỗi lần nhờ con việc gì đó thì phải báo trước một vài ngày còn bằng ngược, nhờ ngay lập tức sẽ bị từ chối với lý do “Ba mẹ không báo trước nên con không sắp xếp được kế hoạch”. Ai đã từng sống tại Việt Nam với nền văn hóa truyền thông “Con cái hiếu kính cha mẹ, tôn trọng và xin lời khuyên của cha mẹ” thường cảm thấy khổ khi gặp phải những đứa con quá Tây theo nền văn hóa này.

        Ở đây, đức Phật khuyên, đi đâu phải trình báo cha mẹ, dù ta đã có năng lực tự lập. Sự trình báo thể hiện mối quan hệ truyền thông, mà truyền thông giúp tình người không bị chết dần chết mòn. Còn nền văn hóaĐèn nhà ai nấy tỏ” rất nguy hiểm vì không thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.

        Hãy thử hình dung mình là anh hai, chị hai trong nhà, thay thế vai trò cha mẹ để coi sóc những đứa em. Nếu chúng trốn đi chơi không thèm báo trình thì liệu chúng ta có buồn không? Có cảm thấy không được tôn trọng hay cảm thấy lòng thương yêu lo lắng của mình bị phụ bạc không? Tương tự, ta là con em mà không xin phép, không thưa hỏi, không vâng lời thì chắc chắn cha mẹ cũng không vui. Hiếu thảophương diện tinh thần này rất quan trọng. Khi cha mẹ nhận thấy mình có vai trò, có chỗ đứng về đạo đứcvăn hóa trong căn nhà thì tự động sẽ trút đổ tình thương lên con nhiều hơn, sâu sắc hơn, và có cam kết hơn.

        Nếu gặp những bế tắc, không chỉ con gái mà con trai cũng nên tâm sự với cha mẹ. Đừng tự ái hay e dè khi xin một lời khuyên từ hai đấng sinh thành, bởi vì, kinh nghiệm vào đời sớm hơn chúng ta nên cha mẹ hiểu biết nhiều hơn. Có thể kiến thức học đường của thế hệ hiện nay cao hơn thế hệ trước, do chiến tranh, nghèo đói, không được học đến nơi đến chốn nhưng kinh nghiệm sống, nhất là kinh nghiệm đạo đức, kinh nghiệm văn hóa, kinh nghiệm hạnh phúc, kinh nghiệm sự nghiệp chắc chắn hơn chúng ta. Hãy cứ xin lời khuyên để ta thêm dữ liệu tham khảo. Cũng giống giải một bài toán, ta có nhiều cách giải, cách giải rất ngắn, cách giải dài, cách giải lòng vòng, nay có thêm một cách giải của cha mẹ thì ta có thêm dữ liệu tham khảo rất tốt.

        Nhiều cô cậu trẻ tưởng rằng mình đã trưởng thành, không cần lời khuyên cho nên càng ém nỗi đau thì càng rơi vào tình trạng tuyệt vọng, trầm cảm. Một số cô cậu không chịu đựng nổi, đã chọn con đường tự vẫn mà chết. Đó là hành động đại bất hiếu. Ngoài ra, chết trong nỗi tuyệt vọng thì cảnh giới tái sinh là mất hút. Giả sửtái sinh làm người thì lại trở thành một con người có cá tính và sức chịu đựng kém. Mỗi khi gặp nỗi khổ niềm đau nào là hoàn toàn bế tắc, dễ tuyệt vọng, dễ bỏ cuộc nửa chừng, dễ tự thúc thủ, hoặc ứng xử mặc cảm với bản thân. Cho nên, hãy nhờ lời tư vấn của cha mẹ, chúng ta sẽ thêm những chìa khóa mở cửa các vấn nạn cá nhân.

        Năm nay tôi đã ngoài bốn mươi nhưng vẫn phải đi thăm viếng các bậc Hòa thượng, các vị tôn đức để xin lời khuyên nhằm tránh thái độ chủ quan, háo thắng vốn là hai yếu tố gây thất bại; huống hồ thế hệ trẻ, kinh nghiệm chưa già, mặc dù có thể có kiến thức.

    3. Không chống điều cha mẹ dạy

        Phần lớn mối quan tâm của cha mẹ là về đạo đứcvăn hóa, kế đến là hạnh phúcsự nghiệp của chúng ta. Rất nhiều đứa con nghĩ rằng cha mẹ áp đặt lên mình những thứ mà mình không muốn. Từ đó, lời khuyên chân thành của cha mẹ trở thành sự áp đặt, và nhiều cô cậu kháng cự, thậm chí nổi loạn.

        Mùa thi mỗi năm vào cao đẳng đại học thường khiến hàng trăm, hàng nghìn bậc cha mẹ phải rơi nước mắt. Suốt mùa thi, cha mẹ chấp nhận bỏ công ăn việc làm, theo dõi, thậm chí ngồi cạnh con đến một hai giờ sáng để cùng ôn tập với con. Khi con ngồi trong trường thi, cha mẹ đứng ngồi không yên trước cổng trường dưới nắng chang chang; và khi thấy con ra khỏi phòng thi với gương mặt hớn hở thì cha mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Đó là tình thương vô bờ bến. Do vậy, mối quan tâm của cha mẹ là việc học hành thành tựu, đỗ đạt điểm cao của chúng ta. Rồi còn luôn để ý khuyên nhắc ta không nên nghiện trò chơi điện tử hoặc những trang web xấu mà vốn chỉ cần tiêm nhiễm trong vòng vài ba ngày, ta có thể hư cả cuộc đời. Dẫu tẩy não suốt vài chục năm vẫn chưa hết.

        Phần lớn khi ở vào tuổi bắt đầu lớn thì những thay đổi tâm sinh lý làm cho chúng ta có nhu cầu tìm hiểu về giới tính. Nếu không may lạc vào những trang web dơ thì gần như chúng ta không còn cơ hội để tiến thân. Nó ám ảnh ta suốt ngày lẫn đêm đến nỗi không thể tập trung học được. Không có học đồng nghĩa sự nghiệp của chúng ta trong tương lai không được đảm bảo.

        Cho nên, dù cha mẹ khuyên mắng về sự học, sự nghiệp, đạo đứclối sống thì cũng đừng buồn khi nó chạm đến lòng tự ái của bản thân, vì “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng”, và “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Hãy nhớ lời Phật dạy, không chống trái những điều dạy đúng đắn của cha mẹ nhằm đem lại giá trị cho mình.

        Nhiều người phương Tây phải bỏ tiền để mua cái khôn của người khác bằng những lời tư vấn. Khi trả số tiền nào đó xứng đáng cho một lời tư vấn hay, một lời khuyên giỏi, người ta ắt phải trân quý nội dung của lời khuyên đó. Trong khi cha mẹ cho chúng ta lời khuyên, kinh nghiệm, bản đồ, chìa khóa sống để hạnh phúc, để có sự nghiệp thì một số con em lại không đánh giá cao, ngược lại còn buồn giận, bỏ nhà ra đi.

        Ngày hôm qua, có một nữ Phật tử tuổi ngoài bốn mươi kể rằng khi hỏi con kết quả kỳ thi cao đẳng, đại học. Nó không thèm trả lời. Hỏi thêm lần thứ hai thì nó bỏ nhà đi. Người mẹ này nghĩ con mình đã thất bại. Mặc cảm về sự thất bại, cậu thanh niên không thèm nói chuyện, không thèm chia sẻ mà đi khỏi nhà vào lúc giữa đêm khuya. Những điểm đến như đầu đường, ngã xóm, quán cà phê, bia ôm, nếu chẳng may vào những nơi hưởng thụ thì coi như hỏng cả cuộc đời.

Ở tuổi mới lớn, phần lớn thanh thiếu niên có khuynh hướng muốn chứng tỏ mình. Nam muốn trở thành người đàn ông thực thụ, nữ muốn thành người phụ nữ sắc sảo. Sự chứng tỏ đó không nói lên độ chững chạc và khôn ngoan. Điều cốt yếu là làm sao chúng ta thể hiện tính tự lập, già dặn trong suy nghĩ và ứng xử để học đến nơi đến chốn. Lời khuyên bao giờ cũng xoay quanh những vấn đề này. Cho nên, đừng chống chế.

        Sau này khi chúng ta có con cái mới thấy rõ giá trị đạo đức của những lời khuyên. “Giá như ngày xưa tôi nghe lời mẹ, lời cha thì bây giờ đâu vất vả như vậy”, bắt đầu nhận ra sai lầm của mình trong quá khứ thì chuyện cũng quá lỡ làng. Không ai có thể ngược trở lại vòng xoay của thời gian và nếu có thì cha mẹ đã trở thành người thiên cổ, lúc đó chúng ta muốn làm cho cha mẹ hạnh phúc cũng không được. Cho nên, thanh thiếu niên hãy lưu ý điều này để cha mẹ mình hạnh phúc. Khi được dạy bảo bằng lời khuyên hay, đạo đức tốt, kinh nghiệm sống thì ta nên tiếp nhận và ứng xử khôn ngoan theo.

    4. Không trái điều cha mẹ làm

        Điều này khó hơn. Dân gian Việt Nam có câu “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, đồng thời cũng có những câu khích lệ giữ gìn truyền thống văn hóa của gia tộc, đừng để tình trạngCha làm thầy, con đốt sách”. Thử hình dung một gia đìnhcha mẹ thành công, có uy tín với xã hội, thương người, giúp đời, đóng góp phụng sự, danh vang tứ xứ mà lại sinh ra những đứa con bất hiếu, phá làng, phá xóm, ăn chơi sa đọa, vi phạm luật pháp thì tự động danh thơm tiếng tốt của gia tộc bị mất hết, hoặc bị đánh giá thấp đi. Đó gọi là trái điều cha mẹ làm. Truyền thống gia tộc có cái gì hay, tốt, giỏi, đẹp thì bổn phận làm con hiếu thảoduy trì và phát triển nó.

        “Con hơn cha là nhà có phúc”, đó không phải câu dân gian Việt Nam mà do đạo đức Phật giáo ảnh hưởng trong dân gian. Bởi vì, cứ mỗi một thế hệ trôi qua thì có thêm những bằng sáng kiến, phát minh được công bố. Kiến thức của con người được nâng lên và ta sống trong bối cảnh ngày nay, ta có cơ hội tốt hơn tổ tiên ông bà cha mẹ trong việc tiếp nhận các nguồn kiến thức mới. Do đó nếu không hơn cha mẹquá tệ.

        Thế hệ kế thừa hơn cha mẹ là có phúc cho một gia đình. Thế hệ kế thừa hơn các nhà lãnh đạo đi trước là có phúc cho một quốc gia. Chúng ta cũng phải nêu quyết tâm để phấn đấu bằng cha mẹ trở lên, chứ không nên thấp hơn cha mẹ mình. Bằng hoặc hơn trong sự tôn kính, còn không, có tài mà thiếu đức thì người đó không hữu dụng. Đó là sự đổ nát tinh thần, sự phá hoại hạnh phúc cuộc đời.

        Con cái vượt xa cha mẹ càng nhiều cha mẹ càng vinh dựhãnh diện. Giáo sư Ngô Bảo Châu, người vừa đoạt giải toán học Fields đã làm rạng danh người Việt Nam trên toàn cầu trong việc giải mã bổ đề toán học mà mấy chục năm qua thế giới toán học gần như bất lực. Cha mẹ ruột của giáo sư Ngô Bảo Châu cũng là hai giáo sư đầu ngành rất thành công nhưng sự thành công của giáo sư Ngô Bảo Châu giúp cha mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn. Đó là điển hình của con hơn cha, con hơn mẹ.

        Cách đây nửa tháng, tôi gặp gỡ giáo sư Ngô Bảo Châu tại Đà Lạt, trong một chuyến hoằng pháp. Tiếp xúc với anh, tôi cảm nhận anh là người khiêm tốn, “bình dân học vụ”, rất dễ gần gũi, ít nói, nhã nhặn, hiền hòa. Thừa hưởng gia tài văn hóa Phật giáo ảnh hưởng vào nền văn hóa của gia tộc, giáo sư Ngô Bảo Châu đã là một Phật tử thuần thành. Thanh thiếu niên chúng ta cũng nên phấn đấu để không chống trái điều cha mẹ mình đã làm, nhằm hưng hiển cho gia tộc.

        Làn sóng sau đẩy làn sóng trước, chúng tathế hệ đi sau phải tiếp nối trên nền tảng kế thừa, phát huy những giới hạn của thời trước mà do điều kiện khách quan hoặc chủ quan chưa thể thực hiện. Phải nêu quyết tâm như thế. Cha mẹ xây dựng đời sống ở mức khá thì chúng ta phải làm giàu cho gia đình. Ai đã giàu thì trở nên giàu hơn. Cha mẹ đã đóng góp với mức độ vừa phải thì nay, chúng ta phải đóng góp lớn hơn. Cứ như thế, mỗi một gia đình, về vấn đề sự nghiệp, về giàu sang, hạnh phúc, đạo đứctâm linh phải làm sao hơn thế hệ đi trước.

    5. Không cản tất cả chánh nghiệp của cha mẹ làm

        Đây cũng là điều khó. Một số người con, khi có cơ hội tặng biếu cha mẹ để hiếu dưỡng về phương diện vật chất thì thường có khuynh hướng khống chế cha mẹ, không cho cha mẹ làm việc này, việc kia; trong khi tâm lý cha mẹ ở tuổi xế chiều thường chia cắt số tiền từ sự hiếu thảo của con cái để làm các việc lành, chẳng hạn giúp đỡ trung tâm người già tàn tật, trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, những mảnh đời bất hạnh. Chúng ta biết, mặc dù chia sẻ phần chi li có thể khiến cha mẹ không sống thoải mái như bao người khác, nhưng ngược lại cha mẹ lại gặt hái cái phúc và sống thảnh thơi hơn. Chúng ta đừng vì thế mà ngăn cản, không cho cha mẹ tiếp tục làm những việc thiện.

        Nhiều cha mẹ quý báu thời gian còn lại cuối cùng của cuộc đời ở tuổi xế chiều để đi chùa, niệm Phật, tụng kinh, bái sám, tham gia các Phật sự, đóng góp việc xây chùa, phát triển chùa, ấn tống, in kinh, phổ biến đĩa hoặc thực hiện nghĩa cửgiá trị cho cuộc đời. Nhưng nhiều đứa con lại cảm thấy khó chịu vì lẽ ra cha mẹ phải dành toàn bộ tiền tặng biếu từ con cái cho việc dưỡng già và hưởng thụ. Chúng ta tưởng chừng như mình hiếu thảo nhưng thực chất lại đang phá hoại hạnh phúc và phước báu của cha mẹ.

        Chánh nghiệp là nghiệp chân chính cần được thế hệ con cái ủng hộ. Nghiệp chân chính bao gồm thân không giết người, miệng không lừa đảo, không ngoại tình, không theo nghề sản xuất mua bán vũ khí, nghề đồ tể, buôn bán nô lệ, nghề bán thân nuôi miệng, nghề bào chế độc dược v.v...

Những việc làm chân chính của cha mẹ từ lời nói đến hành động cụ thể, phận làm con ta phải ủng hộ hết mình, phải có cái nhìn chiều sâu, chiều dài trên nền tảng của phước báu. Phần lớn ở tuổi mới lớn, ta có khuynh hướng thủ cho riêng mình, ít quan tâm đến người khác. Còn người lớn tuổi lại có khuynh hướng quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh. Ta phải thấu hiểu tâm lý đó.

        Trường hợp cha mẹ chưa hiểu đạo Phật, mẹ nghiện cờ bạc, tứ sắc; cha nghiện bia rượu, nghiện không gian vui chơi ngoài đường thì chúng ta nên dùng những lời hiếu lễ khuyên can cha mẹ quay về con đường Phật pháp, trở thành người sống hạnh phúc ở tuổi xế chiều. Hiếu thảo với cha mẹ không có nghĩa cung phụng thói quen tiêu cực của cha mẹ. Cha mẹ mê phim chưởng, ta mang về ba bộ phim chưởng. Chỉ cần vài tuần thời gian, cha mẹ có thể mắc bệnh tiểu đường vì nằm ngồi lâu không vận động, thức khuya không ngủ, bị hoang tưởng vì thần kinh suy nhược cao.

        Ở đây, đức Phật nói, không cản các chánh nghiệp của cha mẹ. Ngài không dạy chúng ta chiều theo bất cứ việc làm sai nào. Thấy cha mẹ không học Phật pháp thì phải khéo léo dùng lời trân trọng, khôn ngoan giúp cha mẹ hiểu mà không tự ái trong việc sửa sai. Đó là người con đại hiếu.

        Nói chung thanh thiếu niên Phật giáo dễ dàng thực hiện năm bổn phận này. Chúng ta cũng cần lấy làm phương châm dạy cho con em mình trong tương lai.

II. ĐẠO LÀM CHA MẸ

    1. Ngăn chặn con làm việc ác

        Việc ác trong đạo Phật gồm ba nội dung: Thứ nhất, vi phạm luật pháp quốc gia, nơi mình có mặt là một công dân. Ví dụ giết người, buôn bán ma túy, trộm cắp, lừa đảo, làm việc phi pháp, chống lại hiến pháp, qua mặt luật pháp, làm những điều xấu, đều có thể dẫn đến tù đày.

        Tôi đã có cơ hội thuyết giảng năm lần cho khoảng 2.000 phạm nhân tại trại giam K20, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và năm lần tại trại giam Sơn Phú 4 cho khoảng 5500 phạm nhân ở thành phố Thái Nguyên. Phần lớn phạm nhân tại đây lãnh án từ năm năm đến hai mươi năm tù về tội hình sự, hoặc phạm các loại hình luật pháp khác nhau ở tuổi còn rất trẻ. Khi phạm pháp và bị ngồi tù, họ gần như mất tất cả cuộc đời. Dù lao động tốt trong trại giam, được về trước thời hạn theo lệnh ân xá thì cũng phải mất ba năm làm mới lại uy tín của chính mình. Trong suốt ba năm thử thách, gần như không ai xin nổi công ăn việc làm vì luôn bị xã hội nghi kỵ, phân biệt đối xử và bị e ngại, rằng “ngựa quen đường cũ”. Cho nên, không ai dám tạo cơ hội cho họ làm ăn. Thay vì mất mấy chục năm ngồi tù, nếu ở ngoài, họ lao động chân chính, mỗi tháng kiếm đôi ba triệu tiền lương thì họ đã làm được rất nhiều điều tốt, thậm chí có thể xây dựng một sự nghiệp lớn hơn khoản tiền phi pháp.

        Chẳng cha mẹ nào muốn con em mình rơi vào con đường phạm pháp.

        Thứ hai, mặc dù không vi phạm luật pháp nhưng một số con em hầu như không quan tâm đến sự nghiệp và sự tự lập của bản thân. Họ lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, không chịu làm ăn, không chịu học tập, không phấn đấu, thậm chí còn đóng vai Chí Phèo làm tiền cha mẹ, chẳng hạn tự đập ngực, đập đầu, khóc lóc rồi đòi tự tử phá hoại sự sống bản thân để gây sức ép buộc cha mẹ chiều theo các thói quen xấu. Đặc biệt những người rơi vào bệnh cái chết trắng, ma túy qua loại hình tổng hợp như thuốc lắc, đập đá, hít đá và nhiều loại ma túy tổng hợp khác vốn có thể khiến họ đê mê trong hạnh phúc ảo và đánh mất tương lai.

        Khi đã nghiện ắt phải trộm cắplừa đảo cha mẹ. Trong nhà không còn gì thì bắt đầu phạm pháp, trộm cắp ngoài xã hội. Dần dà “phóng lao phải theo lao” sẽ rất khó có thể trở lại thành người tốt.

        Thứ ba, nghiện game điện tử. Mỗi ngày hễ chơi bốn giờ trên internet trở lên đều được xem là nghiện. Hiện nay, Trung Quốc đang là nước có tỷ lệ nghiện game điện tử đứng đầu toàn cầu. Việt Nam cũng đang bị báo động đỏ cho tình trạng nghiện game của thế hệ thanh thiếu niên. Gia đình nào có con em nghiện game thì cha mẹ rất khổ sở. Con cái bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ học, bỏ tương lai, suốt ngày chỉ dán dính mắt vào màn hình internet.

        Để cha mẹ khỏi buồn đau, tổn thất kinh tế thì đừng đòi hỏi cha mẹ mua cho mình điện thoại di động, máy tính xách tay, lắp đặt internet riêng tại nhà vì ở tuổi thanh thiếu niên, ta chưa có nhu cầu giao lưu tiếp xúc như người lớn. Thời gian này phải tập trung trọn vẹn cho việc học. Dù cha mẹ có đủ điều kiện tài chính, ta cũng không nên đòi hỏi. Thêm một điện thoại di động đồng nghĩa có thêm một mối phân tâm, tán dóc, tán tình. Chơi điện tử tại nhà thì mười người, hư hỏng hết tám chín. Đó là nỗi đau chung của tất cả các bậc cha mẹ trên toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam.

    2. Chỉ dạy con làm việc lành

        Ba phương diện việc lành: Thứ nhất, trở thành Phật tử từ nhỏ. Trở thành Phật tử từ nhỏ thì con cháu của chúng ta sẽ “ít hư”, nếu không nói là “không hư” và biết sống ý nghĩa cho mình, cho người. Có ba ngôi tâm linh làm điểm tựa: Phật Thích Ca; lời dạy của đức Phật trong kinh; và các bậc thầy, các sư cô chân chính trên con đường tu học.

        Bên cạnh ba ngôi tâm linh, con em chúng ta sẽ được phát nguyện giữ năm điều đạo đức:

                - Không giết người, bảo vệ hòa bình.

                - Không trộm cắp, tôn trọng sở hữu và chia sẻ chén cơm manh áo với những mảnh đời bất hạnh.

                - Không ngoại tình, ngược lại sống chung thủy một vợ một chồng.

                - Không lường gạt, không nói hai lưỡi, không nói những lời văng tục, bất lịch sự, không nói những điều vô ích; ngược lại khéo léo sử dụng phương tiện truyền thông ngôn ngữ liên                     hệ đến chân lý, sự đoàn kết, văn hóa và tính giá trị của những lời hay, ý đẹp.

                - Và cuối cùng là không rượu chè, ma túy, giữ gìn đời sống biết tôn trọng sức khỏe bản thân để cam kết chăm sóc hạnh phúc cho gia đình.

        Đây là điều thiện quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ nên khuyên con em và phải có trách nhiệm hướng dẫn con em trở thành Phật tử từ nhỏ.

        Trẻ em ngày nay thông minh hơn chúng ta ngày xưa, cho nên khi con em 5 tuổi có thể đến chùa quy y làm đệ tử Phật. Đến tuổi 13, 14, chúng ta lại đưa trẻ đến quy y lần thứ hai để hâm nóng con đường tâm linh đạo đức. Tuổi 20, nếu trẻ còn lơ đễnh thì cho quy y lần thứ ba, không sao cả. Quy y ở nhiều chùa khác nhau cũng không sao. Vì quy y không có nghĩa là đi tu mà để trở thành một Phật tử thuần thành.

        Giữ được điều thiện này thì gần như chúng ta không cần phải giáo dục nhiều, con em vẫn trở thành người có ích.

        Thứ hai, phải có ý thức học đến nơi đến chốn, có tinh thần tự lập và có lòng hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ. Khi chúng ta hướng dẫn con em đến chùa từ nhỏ thì việc này chúng tự động làm được. Ví dụ, ngày hôm nay đại lễ Vu Lan tại chùa Pháp Hoa, thầy Quảng Hiền tổ chức chương trình văn nghệ tối, ban ngày thuyết giảng xen lẫn chương trình sinh hoạt giới trẻ. Các cháu, các em sẽ cảm thấy rất vui khi tham dự cả một ngày tại chùa, học được chữ hiếu, học được nền văn hóa hay, lối sinh hoạt tập thể tốt thì chắc chắn sẽ hạnh phúc về sau.

        Thứ ba, quan tâm đến những người thân thương và xã hội nói chung. Rũ bỏ tính ích kỷ, phát huy tinh thần tương thân tương ái mà đạo Phật đã dạy qua tinh thần vô ngã vị tha. Từ nhỏ, chúng ta giáo dục việc thiện thì tương lai, con em ắt có được sự nghiệp, chúng sẽ tự động hiếu thảo với cha mẹ và giúp đỡ cho cuộc đời.

    3. Thương con đến tận xương tủy

        Chăm sóc, lo lắng, cam kết hy sinh suốt cuộc đờihạnh phúc của những đứa con. Không có tôn giáo nào dạy sâu sắc đến thế như đạo Phật. Bậc cha mẹ Việt Nam đã hy sinh suốt cuộc đời của mình, đã từng khổ, lao đao lận đận; bây giờ có khổ, lao đao thêm vài năm nữa để con em mình được đi học đến nơi đến chốn cũng không mấy khó khăn.

        Rất may là phần lớn người cha, người mẹ Việt Nam, do ảnh hưởng văn hóa Phật giáo không khích lệ con em mình lao động trẻ, đi buôn bán, phụ giúp việc cho cha mẹ, mà tạo điều kiện để chúng có nhiều thời gian đầu tư cho việc học. Việc phụ giúp trong gia đình chỉ là thái độ tình nguyện. Vì lòng hiếu kính tự động con em sẽ làm. Dù chúng ta có nghèo cỡ nào cũng không nên khích lệ trẻ đi buôn bán sớm.

        Muốn có tương lai phải có tri thức. Tri thức là mũi nhọn của quốc gia, là cái đà tiến bộ của từng cá nhân. Trong giai đoạn Việt Nam đang dần hòa nhập với thế giới, trở thành quốc gia tiên tiến thì giáo dục là mối quan tâm hàng dầu. Thế giới phương Tây thường đầu tư vào giáo dục với ngân sách rất lớn. Từ lớp 12 trở xuống miễn phí hoàn toàn. Đến cấp đại học, gia đình nghèo cũng được miễn phí hoặc cho vay tiền học không lãi suất để rèn luyện sự tự lập của sinh viên, học sinh.

        Thương con tận xương tủy, ngoài chăm sóc sức khỏe, chăm sóc con phát triển chiều cao, không béo phì thì các bậc cha mẹ còn phải chăm sóc đến đạo đức, tư cách, lối sốngsự nghiệp của con em.

        Bài kinh Vu Lan có câu: “Tính sao có lợi thì làm. Chẳng màng tội lỗi bị giam, bị cầm”. Ngoài ý nghĩa phê phán những đứa con bất hiếu, bài kinh còn lên án lòng quan tâm của rất nhiều bậc cha mẹ đến độ mù quáng, phạm luật pháp để mong kiếm nhiều tiền bạc lo lắng cho con. Theo đạo Phật không nên lo tận xương tủy kiểu như thế. Ta phải quay trở về sử dụng con đường đạo đức, thà chậm nhận một chút, thà ít giàu một chút mà trong sáng lương tâm, không ray rứt cuộc đời. Đồng thời ta giáo dục con em bằng gương hạnh chuẩn mực đạo đức thì sau này con em chúng ta sẽ trở thành những người mẫu mực.

        Đoạn kinh Địa Tạng nói, nhiều bậc cha mẹ nhìn thấy cảnh khổ lao lý hay bệnh tật của con cháu trong gia đình thì mong mình chịu khổ đau thay thế cho chúng. Nhưng đức Phật nói: “Dù có đi cùng đường, có nỗ lực muốn thay thế nỗi khổ cho con cũng không thể nào làm được, vì nhân quả ai làm nấy chịu, tốt và xấu đã có phần”.

        Cho nên, thương đến tận xương tủy chỉ con đường tốt, con đường tích cực, giá trị, đạo đứchạnh phúc chứ không thể bày sẵn hạnh phúc cho con. Phải giúp con em có năng lực tự lập từ nhỏ mà vẫn gắn bó tình thân, tình thươngtruyền thông ngôn ngữ tích cực, biết hiếu kính, lễ phép. Được như thế, sau này con em sẽ nhớ ơn trọn đời.

    4. Sắp xếp hôn phối tốt đẹp

        Giáo dục Phật giáođạo đức Phật giáo quan tâm đến tương lai hạnh phúc gia đình của con em. Phương Tây không mấy bận tâm đến chuyện này. Các tôn giáo khác cũng vậy, vì họ nghĩ hôn nhân do Chúa sắp xếp mà Chúa thì chưa từng có thật. Cho nên, cha mẹ trở thành Chúa thực tế, Phật thực tế trong cuộc đời để sắp xếp hôn nhân cho con cái.

        Tuy nhiên, để làm công việc đó một cách thành công thì không nên áp đặt mà chỉ định hướng, khích lệ, phân tích rồi truyền trao kinh nghiệm giúp con cái chọn người bạn đời xứng đáng. Phần lớn thanh thiếu niênthói quen yêu bằng mắt, nên chọn ngoại hình đẹp, giọng nói ấn tượng, dáng đi hấp dẫn, ăn mặc sang trọng và đánh đồng nó với tình yêu, mà ít quan tâm đến khía cạnh nhân cách và cá tính. Khi về ở chung vài ba tháng mới ngỡ ngàng thất vọng dẫn đến ly thân, ly hôn, “đường anh, anh đi; đường tôi, tôi đi. Chuyện tình đôi ta chỉ thế thôi”. Thực tế, hậu quả của tình trạng đổ vỡ hạnh phúc gia đình không phải “chỉ thế thôi”. Cặp vợ chồng bỗng trở thành kẻ thù của nhau, đưa nhau ra tòa, tranh luận từng lời ăn tiếng nói, và rồi con cái chung mới là người bất hạnh nhất. Chưa hết, nhiều cặp vợ chồng còn trả thù lẫn nhau theo kiểu “ăn không được, phá cho hôi”.        

        Yêu ai đó, ta phải hiểu rõ cá tính của họ. Chú trọng ngoại hình thì chỉ sau thời gian ngắn, khi tuổi xuân bắt đầu qua đi, tình cũng sẽ cất cánh bay xa. Phần lớn chị em phụ nữ bị vướng vào quan điểm chọn người tài giỏi thông qua khả năng chu cấp kinh tế, và rồi tiền hết thì tình cũng bay. Nếu không khéo, chạy theo lời hứa hẹn ngọt ngào sẽ dễ trở thành nạn nhân. Đa số phụ nữ nghèo tình nguyện trở thành vợ của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc phải gánh hậu quả bi thương từ cuộc sống gia đình với những ông chồng tâm thần, trầm cảm hoặc tính tình dị hợm, vốn bị người dân bản địa chê bai xa lánh. Họ chi ít tiền mua phụ nữ Việt Nam về làm vợ, như thế làm sao được hạnh phúc.

        Cha mẹ thường có kinh nghiệm trong việc sắp xếp hôn phối tốt đẹp. Nhìn cậu con trai, cha mẹ có thể biết nó có chí thú làm ăn, có sự nghiệp, có nhân cách hay không. Còn các cô gái trẻ lại không nhận thấy thế, chỉ quan tâm vẻ đẹp trai, ăn nói duyên, hấp dẫn. Về sống với nhau, cái duyên nào có nuôi mình; ăn nói hấp dẫn, ga lăng với mình thì cũng có thể lẳng lơ với người khác. Cho nên phải có chiều sâu suy nghĩ để chọn người xứng đáng làm chồng hoặc làm vợ. Phụ nữ đẹp như hoa cũng chỉ để trưng nếu không biết nghề gì, vụng về việc gia đình, nữ công, công dung ngôn hạnh, và bếp núc.

        Vì vậy, khi cha mẹ định hướng việc lựa chọn người bạn đời, con cái cũng nên hiểu và cảm thông để đừng nghĩ cha mẹ đang áp đặt. Cha mẹ cũng phải khéo léo không áp đặt hình mẫu con dâu con rể của mình, bởi vì tình yêu và cảm nhận của chúng ta đôi lúc khác với con cái. Chúng ta nào sống với con dâu con rể đến cuối đời, nên chỉ định hướng tốt cho con chọn bạn đời chứ không nên áp đặt. Áp đặt còn gây ra hậu quả khổ đau khi con cái phải sống chung với người mà chúng không hề yêu thương. Trong việc chọn bạn đời, miễn người ấy có nhân cách; dù nghèo nhưng chí thú làm ăn, có tinh thần tự lập, không rượu chè, hút xách, bài bạc; không hưởng thụ, đàn điếm đã được xem là lý tưởng.

        Hãy chọn con dâu rể là Phật tử để đồng cảm trên nhiều phương diện khi đến với nhau. Vợ chồng khác tôn giáo sẽ có cách tiếp xúc vấn đề, đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, cách đầu tư cho sự nghiệp, tương lai của cả hai là hoàn toàn khác. Đã khác nhau thì sẽ chỏi nhau, dần dà mất hạnh phúc; trong khi quan hệ vợ chồng cần nhất yếu tố tâm đầu ý hợp.

        Cách đây một tuần, một nữ Phật tử rất xinh đẹp, tuổi ngoài bốn mươi đến chùa xin quy y cùng gia đình. Sau lễ quy y, chị tâm sự với niềm vui rằng chị đã đúng khi chọn người chồng xấu xí về ngoại hình. Chị nói: “        Không phải con có ý xúc phạm chồng mà con muốn nói rằng con cố tình chọn chồng xấu để chồng không thể đi ngoại tình”. Như vậy, chị này tìm chồng dựa vào nhân cách và tinh thần làm việc. Chồng chị không biết rượu chè, không bài bạc, không nói dối, không thích đi chơi. Rời khỏi công xưởng, anh chỉ về thẳng nhà lo cho con cái. Chị cho biếtCon rất may mắn trong quyết định của mình nên bây giờ sống rất hạnh phúc, không phải lo gì”. Đó là một bài học kinh nghiệm.

    5. Chu cấp những thứ cần dùng

        Nên hiểu bổn phận này theo hai nghĩa. Thứ nhất, cần dùng ở tuổi vị thành niên là sách vở, những nhu cầu thiết yếu phục vụ cho việc học.

        Nhiều người cha, người mẹ nai lưng làm việc suốt ngày đêm để con mình được du học Anh, Pháp, Đức, Mỹ,... với chi phí vô cùng đắt đỏ. Cha mẹ không dám chi dùng cho bản thân, mà sống vì tương lai các con. Mong muốn con cái có kiến thức vững, nghề nghiệp giỏi nên đầu tư hết mình, bao nhiêu cũng không tiếc.

        Cha mẹ ở nông thôn thì phải làm thuê, làm mướn để con em lên học tại các thành phố lớn. Nếu con cái không chịu học, lại bài bạc, rượu chè be bét hay internet và game thì đó là đại bất hiếu.

        Là con cái, khi tiếp nhận những thứ cần dùng từ cha mẹ cũng phải sử dụng nó một cách chân chínhbiết ơn. Đức Phật nói “Con người không biết ơn cũng không đền ơn là người vô dụng”. Ứng xử với cha mẹ thế nào thì sau này con em chúng ta sẽ đáp trả theo cách thức như thế, thậm chí còn tệ hơn.

        Cha mẹ chu cấp phương tiệnđiều kiện tốt cho con được học đến nơi đến chốn ở tuổi vị thành niên không có nghĩa là tạo điều kiện cho con đua đòi. Hãy xem xét nhu cầu đó có thật cần thiết hay không.

        Thời gian qua, tôi có dịp tư vấn cho một số bà mẹ khổ đau khi con cái rơi vào nạn nghiện hút. Tôi hỏi lý do tại sao nghiện ma túy thì một bà mẹ kể, ban đầu nghe con than phải đi học xa, bà mua chiếc xe thật tốt. Có xe tốt, con bà đi chơi giao du với bạn bè xấu, con nhà giàu, dần dần vướng vào đường dây ma túy, trở thành kẻ trộm cắp, và bị bắt bỏ tù. Tuổi mười bốn đã vào tù thì phải đến năm hai mươi hai tuổi mới bắt đầu học lại lớp 9, không biết khi nào mới xây dựng được sự nghiệp.

        Với nhu cầu có thật, cha mẹ chỉ nên đáp ứng ở mức độ vừa phải. Điện thoại di động, internet hoàn toàn chưa cần thiết với lứa tuổi thiếu niên. Đặc biệt nếu chúng ta không có thời gian lẫn kiến thức để theo dõi giám sát con cái. Thương con phải khích lệ con và chu cấp các phương tiện học hành chính đáng.

        Thứ hai, vấn đề lập nghiệp. Sau khi học thành công, một số con cái có nhu cầu vốn. Nếu có tiền bạc, chúng ta không nên keo kiệt, bỏn xẻn, cũng không nên thiên vị, chu cấp đứa con này nhiều hơn đứa kia, dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử lẫn nhau và gây mất đoàn kết, hiềm khích, hơn thua. Cha mẹ phải có tình thương đồng đều để hỗ trợ tất cả các con thành công trong sự nghiệp và tương lai. Những hỗ trợ về nghề nghiệp là rất cần thiết. Phải định hướng, giúp đỡ mức độ để con em mình có khả năng tự lập.

        Tháng sáu vừa qua, tôi đã gặp một triệu phú Việt Nam tại Tiệp Khắc, nay là Cộng hòa Czech. Anh chia sẻ cách giáo dục con. Cách đây bốn năm, khi con anh tốt nghiệp cấp ba loại giỏi và có nhu cầu đi du học Anh. Cậu xin tiền vé máy bay hạng VIP, đắt gần gấp đôi so với hạng thường để sang Anh tìm hiểu về các trường ưu tú nhất. Người cha mới phân tích: “Cha chỉ cho con một nửa vé máy bay. Con phải tự đi làm thêm trong tháng đầu của mùa hè để kiếm nửa vé máy bay còn lại. Cha cũng sẽ chu cấp cho con một nửa số tiền chi tiêu trong suốt mười ngày con tìm hiểu các trường, còn nửa số tiền chi tiêu bao gồm thuê nhà, ăn uống, con phải tự làm ra”. Người vợ nghe vậy liền phê bình chồng: “Hỡi ơi! Sao anh keo kiệt thế. Vợ chồng chúng tathiếu thốn gì, mà không thể giúp con khi nó muốn đi định hướng tương lai của nó?”. Anh chồng giải thích rằng, anh làm vậy là đang giúp con tinh thần tự lập, không ỷ lại đồng tiền của cha mẹ mình.

        Được mẹ liên minh, đứa con vui mừng và tấn công cha: “Con không thèm nhận tiền của cha. Con sẽ chỉ nhận tiền của mẹ”. Vì mẹ nó cũng chỉ cho được một nửa số tiền nên khi sang Anh, đứa con tìm ngôi trường nổi tiếng nhất, ghi danh vào rồi gọi về xin tiếp: “Xin cha cho con nửa số tiền còn lại để mua vé máy bay vì con không kiếm được tiền”. Người cha trả lời: “Cha chỉ gửi cho con nửa số tiền vé xe lửa thôi”. Cuối cùng, đứa con phải về bằng xe lửa. Đến nhà, cậu ngả ốm cả tuần.

        Lúc đầu, cậu giận cha lắm, không thèm nói chuyện, nghĩ rằng cha không thương, ghét bỏ và trù dập mình.

Bắt đầu mùa du học năm đầu tiên, sang Anh với tinh thần tự lập do cha huấn luyện làm cho cậu thanh niên rất dễ thích nghi. Bốn năm học, cậu toàn đỗ đạt điểm cao. Trong thư gửi về gia đình, cậu cảm ơn cha đã khéo dạy dỗ để ngày hôm nay cậu trở thành một sinh viên xuất sắc và bình dị. Con của triệu phú mà sống như những người bình dân, nhờ đó, uy tín của cậu tăng trưởng trong bạn bè.

        Như vậy, định hướng nghề nghiệp cho con không có nghĩa là chúng ta giúp từ A đến Z. Việc gì không được thực hiện bằng nỗ lực tự thân, con cái sẽ không biết quý trọng. Chúng phải tập tạo cơ hội cho mình trải nghiệm sự gian khó trên cuộc đời, phải rèn luyện từng bước đi vững chãi những nơi chúng đặt chân đến. Cuộc sống đầy cạm bẫy, cám dỗ, nghịch cảnh, chướng duyên. Đừng sợ hãi hay dè dặt. Mỗi lần té ngã là mỗi lần con cái chúng ta học một bài học lớn. Con quan to, bà lớn thường hư hỏng vì cha mẹ chỉ chu cấp thứ cần dùng. Đòi gì đáp ứng nấy chính là sai lầm lớn.

        Thứ ba, cho đạo đức, kinh nghiệm sống, giá trị và chìa khóa hạnh phúc. Con em chúng ta sẽ sống đầy đủ, thậm chí giàu hơn chúng ta trong tương lai, vì nó biết cách tự lập bản thân, biết làm giàu ngoài cơ hội được kế thừa sự nghiệp gia tài do cha mẹ để lại.

        Cho chìa khóa là cho tất cả. Còn cho thành quả thì con cái bị lệ thuộc vào cha mẹ lâu dài, bởi vì nó chỉ biết hưởng thụ. Chúng ta phải nhớ câu nói dân gian: “Ăn không, ngồi rồi, tiền rừng biển bạc cũng hết”.

        Cha mẹ phải bản lĩnh chịu đựng, thậm chí khi con hờn trách mình keo kiệt, bỏn xẻn. Chắc chắn sau thời gian, con cái sẽ hiểu ra.

        Hai vợ chồng Bill Gates đã hoàn thành di chúc cách đây mười mấy năm. Năm 2009, Bill Gates từ bỏ thương trường, dành toàn bộ số tiền của mình cho ngân quỹ từ thiện mang tên hai vợ chồng: “Bill & Melinda Gates”. Ông chỉ di chúc cho con cái khoảng một vài tỷ đô la và dành mấy chục tỷ đô la còn lại cho các hoạt động từ thiện công ích xã hội. Vợ chồng ông rất giàu có nhưng tại sao không giao hết gia tài sự nghiệp mà chỉ giao phần nhỏ cho con? Bởi vì, hai vợ chồng muốn con cái phải tự tạo lập sự nghiệp, hạnh phúc cho bản thân bằng đôi tay của chính mình. Như thế mới bền. Cái gì được đong đo tính đếm bằng mồ hôi, nước mắt, cái đó mới thật sự của chính ta. Còn ngửa tay xin, đòi gì được đó thì chắc chắn không thể trân quý nó được.

        Tóm lại, bổn phận làm con với năm trách nhiệm được đức Phật nâng lên thành năm điều đạo đức. Bổn phận cha mẹ chăm sóc cho con hạnh phúc, trưởng thành, tự lập, thành công, sự nghiệp hiển hách và sống chuẩn trong cuộc đời cũng được nâng lên thành năm trọng trách đạo đức.

        Làm cha mẹ và con cái Phật tử, chúng ta phải phát nguyện sống tốt. Cha mẹ thể hiện hết bổn phận mình và con cái cũng vậy. Dĩ nhiên, có những tình huống cha mẹtrách nhiệm đủ năm bổn phận nhưng con cái lại bất hiếu thì cũng đừng vì thế mà bỏ rơi con. Trong dạy dỗ, chồng có thể cương nhưng vợ phải nhu, nhằm đưa con em từ thói hư tật xấu, chểnh mảng, lười biếng, ỷ lại trở thành người tự lập, thành công và biết quý trọng đạo Phật từ nhỏ.

        Còn con em nào hiếu thảo nhưng cha mẹ lại thiếu trách nhiệm với bản thân: cờ bạc, nhậu nhẹt, rượu chè, hưởng thụ thì cũng đừng vì thế mà hận cha hận mẹ. Ta phải đặt mình trong hoàn cảnh cha mẹ để cảm thông. Đừng bao giờ phân bì với bạn bè trang lứa rằng “Tại sao chúng bạn được cha mẹ chăm sóc, còn mình lại không?”

        Mỗi hoàn cảnh có một bài học khác nhau. Chúng ta tận dụng từng hoàn cảnh để sống hạnh phúc. Cha mẹ không có trách nhiệm mà ta vẫn hiếu kính mới gọi là đứa con lý tưởng thật sự. Hãy nên trở thành những người con như thế.

Tạo bài viết
06/06/2022(Xem: 3911)
28/09/2015(Xem: 7845)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: