Thư Viện Hoa Sen

103. Kinh Sư Tử Hống[1]

31/05/201112:00 SA(Xem: 40412)
103. Kinh Sư Tử Hống[1]
Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm. một đô ấp của Câu-lâu[2].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Ở đây[3] có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra[4] không có Sa-môn, Phạm chí; Dị học hoàn toàn không có[5] Sa-môn, Phạm chí. Trong bất cứ chúng hội, các ngươi hãy chân chánh rống tiếng rống như sư tử vậy.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có người Dị học đến hỏi các ngươi, ‘Này chư Hiền, các ông có hành gì, lực gì, trí gì mà các ông nói như vầy: ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra không có Sa-môn, Phạm chí; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Phạm chí’. Trong bất cứ chúng hội các ông đều chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy?”.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên trả lời Dị học ấy như vầy: ‘Này chư Hiền, Đức Thế Tôn của tôi là bậc có trí, có kiến; là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thuyết giảng bốn pháp. Nhân nơi bốn pháp này mà chúng tôi nói như vầy: ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra không có Sa-môn, Phạm chí; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Phạm chí. Trong bất cứ chúng hộichúng tôi đều chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy.’

“Bốn pháp đó là những gì? Này chư Hiền, chúng tôi tin tưởng Đấng Tôn Sư, tin Pháp, tin sự thành mãn của giới đức[6], đồng đạo có ái kính, có phụng sự chân thành[7]. 

“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn của chúng tôi là bậc có trí, có kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thuyết giảng bốn pháp này. Nhân bốn pháp này mà chúng tôi nói như vầy: ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài ra không có Sa-môn, Phạm chí; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Phạm chí. Trong bất cứ chúng hội chúng tôi đều chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy.’

“Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học cũng có thể lại nói: ‘Này chư Hiền, chúng tôi cũng tin đấng Tôn sư, tức Tôn sư của chúng tôi; tin pháp, tức pháp của chúng tôi; tin sự thành mãn của giới đức, tức giới của chúng tôi; cũng ái kính bạn đồng đạo, phụng sự chân thành, là bạn đồng đạo xuất giatại gia của chúng tôi. Này chư Hiền, giữa hai lời nói này, của Sa-môn Cù-đàm và của chúng tôi, có gì hơn chăng? Có ý gì chăng? Có sai biệt gì chăng?’ Thì này các Tỳ-kheo, các ngươi nên hỏi Dị học như vầy: ‘Này chư Hiền, cứu cánh là một hay cứu cánh là nhiều?’ Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Này chư Hiền, cứu cánh chỉ có một, cứu cánh không có nhiều’. Thì này các Tỳ-kheo, các ông hỏi tiếp Dị học: ‘Này chư Hiền, người có dục mà được cứu cánh, hay người không có dục mới được cứu cánh?’Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy, ‘Này chư Hiền, người không có dục mới được cứu cánh, không phải người có dục mà được cứu cánh’. 

Thì này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học, ‘Này chư Hiền, người có nhuế mà được cứu cánh, hay người không có nhuế mà được cứu cánh?’ Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Này chư Hiền, người không có nhuế mà được cứu cánh, không phải người có nhuế mà được cứu cánh’. Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Này chư Hiền, người có si mà được cứu cánh hay người không có si mà được cứu cánh?’ Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Này chư Hiền, người không có si mà được cứu cánh, không phải người có si mà được cứu cánh’. Thì này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Này chư Hiền, người có ái, có thủ[8] mà được cứu cánh, hay người không có ái, không có thủ mà được cứu cánh?’ Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Này chư Hiền, người không có ái, không có thủ mà được cứu cánh, không phải người có ái, có thủ mà được cứu cánh’. Thì này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Này chư Hiền, người không có tuệ[9], không có thuyết tuệ[10] mà được cứu cánh, hay người có tuệ, có thuyết giảng tuệ mà được cứu cánh?’ Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Này chư Hiền, người có tuệ, có thuyết tuệ mà được cứu cánh; không phải người không có tuệ, không thuyết tuệ mà được cứu cánh’. Thì này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi tiếp Dị học: ‘Này chư Hiền, người có tắng, có tránh[11] mà được cứu cánh, hay người không có tắng có tránh mà được cứu cánh?’ Này các Tỳ-kheo, nếu Dị học trả lời như vầy: ‘Này chư Hiền, người không có tắng, không có tránh mà được cứu cánh; không phải người có tắng có tránh mà được cứu cánh’. Thì này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy nói với Dị học như vầy: ‘Này chư Hiền, như vậy là các ông nói có một cứu cánh, không phải nhiều cứu cánh.

“Người không có dục mà được cứu cánh, không phải người có dục mà được cứu cánh. Người không có nhuế mà được cứu cánh, không phải người có nhuế mà được cứu cánh. Người không có si mà được cứu cánh, không phải người có si mà được cứu cánh. Người không có ái, không có thủ được cứu cánh, không phải người có ái, có thủ mà được cứu cánh. Người có tuệ, có thuyết tuệ mà được cứu cánh; không phải người không có tuệ, không có thuyết tuệ mà được cứu cánh. Người không có tắng, không có tránh mà được cứu cánh; không phải người có tắng, có tránh mà được cứu cánh.

“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nương nơi vô lượng kiến, vị đó nhất định nương nơi hai kiến, hữu kiếnvô kiến[12]. Nếu nương nơi hữu kiến, vị đó liền bám dính hữu kiến, nương cậy nơi hữu kiến, y trụ nơi hữu kiến và tắng, tránh với vô kiến[13]. Nếu nương nơi vô kiến, vị đó liền bám dính vô kiến, nương cậy nơi vô kiến mà tắng tránh với hữu kiến.

“Nếu có Sa-môn, Phạm chí không biết một cách như thật về nhân, về tập, về diệt, về tận, vị ngọt, tai hoạn và sự xuất yếu[14], vị đó nhất định có dục, có nhuế, có si, có ái, có thủ, không có tuệ, không có thuyết tuệ, có tắng, có tránh; vị đó không lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, cũng không thể thoát khỏi sự buồn rầu, kêu khóc, lo khổ, áo não, không chứng đắc khổ biên.

“Nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với những loại kiến này mà biết một cách như thật về tập, về diệt, về tận, vị ngọt, sự tai hoạn và sự xuất yếu, vị đó nhất định không có dục, không có nhuế, không có si, không có ái, không có thủ, có tuệ, có thuyết tuệ, không có tắng, không có tránh, vị đó lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, cũng có thể thoát khỏi sự buồn rầu, kêu khóc, lo khổ, áo não, vượt khỏi bờ khổ.

“Hoặc có Sa-môn, Phạm chí chủ trương đoạn trừ thủ, nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ; chỉ chủ trương đoạn trừ dục thủ mà không chủ trương đoạn trừ giới thủ, kiến thủ, ngã thủ[15]. Vì sao vậy? Vì Sa-môn, Phạm chí đó không biết đúng như thật về ba xứ[16]. Do đó, vị ấy chủ trương đoạn trừ thủ, nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ.

“Lại có Sa-môn, Phạm chí chủ trương đoạn trừ thủ, nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ; chỉ chủ trương đoạn trừ dục thủ, giới thủ, mà không chủ trương đoạn trừ kiến thủ, ngã thủ. Vì sao vậy? Vì Sa-môn, Phạm chí đó không biết đúng như thật về hai xứ. Do đó, vị ấy tuy đoạn trừ thủ nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ. 

“Lại có Sa-môn, Phạm chí chủ trương đoạn trừ thủ nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ; chỉ chủ trương đoạn trừ dục thủ, giới thủ, kiến thủ mà không chủ trương đoạn trừ ngã thủ. Vì sao vậy? Vị Sa-môn, Phạm chí đó không biết đúng như thật về một xứ. Do đó vị ấy chủ trương đoạn trừ thủ nhưng không chủ trương đoạn trừ tất cả thủ.

“Đối với pháp luật như vậy, người nào tin đấng Tôn sư, người đó không phải là chân chánh, không phải là thứ nhất. Nếu tin pháp, cũng không phải là chân chánh, không phải là hạng thứ nhất. Nếu ái kính bạn đồng đạo, chân thành phụng sự, cũng không phải chân chánh, không phải hạng thứ nhất.

“Nếu có Đức Như Lai ra đời, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, gọi là Phật, là Đấng Chúng Hựu, Ngài cũng chủ trương đoạn trừ thủ. Ngay trong đời này, Ngài chủ trương đoạn trừ tất cả thủ, thi hành đoạn trừ dục thủ, giới thủ, kiến thủ, ngã thủ. Bốn thủ này nhân nơi đâu? Tập khởi do đâu? Phát sinh từ đâu? Lấy gì làm gốc? Nếu thọ này nhân nơi vô minh, phát sanh từ vô minh, lấy vô minh làm gốc, nếu có Tỳ-kheo vô minh đã diệt tận, minh tuệ đã phát sanh, vị đó từ đây không còn trở lại chấp thủ dục, chấp thủ giới, chấp thủ kiến và chấp thủ ngã nữa. Vị đó đã không chấp thủ rồi thì không còn lo sợ. Đã không lo sợ nên đoạn trừ nhân duyên, chắc chắn chứng đắc Niết-bàn và biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh’.

“Trong Pháp Luật chân chánh như vậy, nếu người nào tin Đấng Tôn Sư thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất; nếu tin Pháp thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất; nếu tin sự thành mãn của giới đức, đồng đạo có ái kính, thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất; nếu đồng đạo có ái kính, có phụng sự chân thành thì đó là người chân chánh, là người bậc nhất.

“Này chư Hiền, chúng tôi có hành như vậy, có lực như vậy, có trí như vậy. Nhân nơi đó mà chúng tôi nói như vầy, ‘Ở đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Sa-môn thứ tư. Ngoài đây ra không có Sa-môn, Phạm chí; Dị học hoàn toàn không có Sa-môn, Phạm chí. Do đó, bất cứ trong chúng hộichúng tôi chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy’.”

Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
 

Chú thích

[1] Tương đương Pāli, M.11 Cūla-Sīhanāda-suttaṃ.

[2] Xem chú thích kinh 97 trên. Bản Pāli nói Phật ở tại Sāvatthi.

[3] Thử trung, tức chỉ trong Chánh pháp của Phật. Pāli: idheva, chỉ ở đây. 

[4] Thử ngoại, tức ngoài Phật pháp. Pāli: parappavāda, ngoại đạo.

[5] Dị học không vô 異學空無. Pāli: suññā parappavādā, các học thuyết khác trống rỗng, không có...

[6] Tín giới đức cụ túc. Pāli: atthi sīlesu paripūrakāritā, tin có những sự thành mãn trong các giới đức.

[7] Ái kính đồng đạo, cung khác phụng sự 愛敬同道恭恪奉事. Pāli: sahadhammikā kho pana piyā manāpā, những người cùng theo một giáo pháp thương yêu nhau, mến mộ nhau.

[8] Ái và thọ 愛受, tức ái và thủ trong mười hai chi duyên khởi. Pāli: sa-taṇhā, sa-upādāna.

[9] Tuệ 慧; Pāli: viddasu, có hiểu biết, hiền minh, thức giả.

[10] Thuyết tuệ 說慧, chưa rõ nghĩa.

[11] Tắng và tránh 憎諍; ghét và gây gỗ; hay ác cảm và hay gây sự. Pāli: anuruddha-paṭiviruddha (thuận tùng và phản đối)?

[12] Hữu kiến, vô kiến 有見無見. Pāli: bhava-diṭṭhi, vibhava-diṭṭhi.

[13] Tắng tránh vô kiến 憎諍無見. Pāli: vibhavadiṭṭhiyā te paṭiviruddhā, chúng phản đối quan điểm phi hữu.

[14] Bảy khía cạnh của vấn đề, Hán: nhân, tập, diệt, tận, vị, hoạn, xuất yếu 因集滅盡味患出要. Pāli, chỉ kể sáu: sanudaya (tập khởi), atthaṅgama (hoại diệt), assāda (vị ngọt), ādīnava (tai hại), nissaraṇa (sự thoát ly).

[15] Bốn thọ, tức bốn thủ: dục, giới, kiến và ngã. Pāli: cattāri upādāni, kāmupādānaṃ (dục thủ), diṭṭhupādānaṃ (kiến thủ), sīlabbatupādānaṃ (giới cấm thủ), attavādupādānaṃ (ngã ngữ thủ).

[16] Ba xứ, đây chỉ ba trường hợp về giới, kiến và ngã. Tức trừ dục thủ.

Tạo bài viết
29/08/2017(Xem: 10033)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: