- Viết về kinh Pháp Cú Hán Tạng
- Bài tựa Kinh Pháp Cú
- Kinh Quán Chiếu Vô Thường
- Kinh Học Hỏi và Thực Tập
- Kinh Mở Rộng Tầm Hiểu Biết
- Kinh Bồi Đắp Niềm Tin
- Kinh Nghiêm Trì Giới Luật
- Kinh Thực Tập Quán Niệm
- Kinh Nuôi Lớn Tình Thương
- Kinh Thực Tập Ái Ngữ
- Kinh Đối Chiếu
- Kinh Tinh Chuyên
- Kinh Điều Phục Tâm Ý
- Kinh Hoa Hương
- Kinh Người Ngu Muội
- Kinh Bậc Minh Triết
- Kinh Vị La Hán
- Kinh Vượt Thắng
- Kinh Quả Báo
- Kinh Bất Hại
- Kinh Tuổi Già
- Kinh Thương Thân
- Kinh Thoát Tục
- Kinh Phật Bảo
- Kinh An Lạc
- Kinh Luyến Ái
- Kinh Chế Ngự Phẫn Nộ
- Kinh Thanh Lọc Tâm Ý
- Kinh Phụng Trì
- Kinh Con Đường
- Kinh Tuyết Trên Đỉnh Núi
- Kinh Địa Ngục
- Kinh Điều Phục Chính Mình
- Kinh Chiếc Lưới Ái Ân
- Kinh Lợi Dưỡng
- Kinh Người Xuất Sĩ
- Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại
- Kinh Thoát Vòng Sinh Tử
- Kinh Đời Sống Đạo Lý
- Kinh Vị Phạm Chí
- Kinh Điềm Lành Lớn Nhất
Thích Nhất Hạnh Việt dịch
Thể kệ: Nguyên Định (chữ đậm)
Kinh Tinh Chuyên
Thực tập không buông lung nghĩa là tự kiềm chế và điều phục được tâm mình. Kẻ có trí tuệ thì có khả năng làm cho định tâm chiếu sáng Và do đó không bao giờ còn trở lại vào vực sâu đen tối.
Phóng Dật Phẩm Pháp Cú Kinh đệ thập
放逸品法句經第十
Kinh Tinh Chuyên
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng
Phẩm thứ 10
Phẩm này có 20 bài kệ. Phóng dật là buông lung, là thiếu sự siêng năng, cần mẫn. Bài kệ thứ 12 dạy rằng muốn chế ngự được sự buông lung thì thực tập giới luật và uy nghi là cách hay nhất. Bài thứ 4 dạy rằng phải thường xuyên phát khởi năng lượng chánh niệm để có thể nhận diện tập khí. Đây là căn bản cho phép hành trì chánh tinh tấn. Tâm hành tiêu cực chưa sinh thì đừng cho phát sinh. Tâm hành tiêu cực đã phát sinh thì giúp nó trở về trạng thái tiềm ẩn (chủng tử) để nó không có cơ hội tăng trưởng. Tâm hành tích cực chưa phát sinh thì thực tập như lý tác ý để giúp chúng phát sinh. Tâm hành tích cực đã phát sinh thì duy trì chúng để chúng lớn mạnh. Điều phục được tâm ý mình là do năng lượng chánh niệm. Chánh niệm giúp ta hộ trì được sáu căn, như bài kệ thứ 6 nhắc nhở. Bài thứ 17 có hình ảnh rất đẹp: Xuất gia từ khi còn trẻ mà tu tập theo giáo pháp của Bụt một cách đầy đủ thì sẽ chiếu sáng được cho thế gian như một vầng trăng trong một bầu trời không mây. Bài này tương đương với bài kệ số 382 trong kinh Pháp Cú tiếng Pali, phẩm Bí Sô (Bhikkhu Vagga). Bài kệ 18 bày tỏ thái độ từ bi đối với những người đã có lỡ lầm phạm giới: Trước kia từng có lỗi lầm nhưng bây giờ đã chỉnh đốn lại, không còn phạm giới, thì cũng có thể chiếu sáng được cho thế gian như một mặt trăng trong bầu trời không mây. Bài này cũng có mặt trong phẩm Thế Tục (Loka Vagga) trong văn bản Pali. Đó là bài kệ số 172.
Bài kệ 1
Giới vi cam lồ đạo 戒 為 甘 露 道
Phóng dật vi tử kính 放 逸 為 死 徑
Bất tham tắc bất tử 不 貪 則 不 死
Thất đạo vi tự tang 失 道 為 自 喪
Giới là con đường đi tới bất tử (cam lồ đạo). Phóng dật (buông lung) là con đường đi vào nẻo chết. Không tham đắm thì không sa vào cái chết. Đánh mất hướng đi của mình thì làm hư hỏng cuộc đời mình.
Giới là con đường
Dẫn đến bất tử
Buông lung nẻo chết;
Không ham tham đắm
Không sa nẻo chết
Đánh mất hướng đi
Làm hư cuộc đời.
Bài kệ 2
Tuệ trí thủ đạo thắng 慧 智 守 道 勝
Chung bất vi phóng dật 終 不 為 放 逸
Bất tham trí hoan hỉ 不 貪 致 歡 喜
Tùng thị đắc đạo lạc 從 是 得 道 樂
Kẻ có trí tuệ nhờ giữ cho được sự thực tập cho nên vượt thắng được tất cả, đó là do không để cho sự buông lung lôi kéo. Con đường không tham dục đưa tới niềm vui và hạnh phúc của sự tu tập.
Kẻ trí tu tập
Vượt thắng tất cả
Do không buông lung;
Con đường không tham
Đưa tới niềm vui
Hạnh phúc đạt đạo.
Bài kệ 3
Thường đương duy niệm đạo 常 當 惟 念 道
Tự cường thủ chánh hạnh 自 強 守 正 行
Kiện giả đắc độ thế 健 者 得 度 世
Cát tường vô hữu thượng 吉 祥 無 有 上
Phải thường xuyên nhớ tới con đường (bát chánh) đạo, dũng mãnh nắm giữ sự hành trì chân chính. Người có sức mạnh của sự thực tập tâm linh có khả năng vượt thoát thời gian và đạt tới sự an lành cao nhất.
Thường nhớ đường đạo
Giữ vững hành trì
Sức mạnh thực tập
Vượt thoát thời gian
Đạt an lành nhất.
Bài kệ 4
Chánh niệm thường hưng khởi 正 念 常 興 起
Hành tịnh ác dịch diệt 行 淨 惡 易 滅
Tự chế dĩ pháp thọ 自 制 以 法 壽
Bất phạm thiện danh tăng 不 犯 善 名 增
Phải nhớ thường xuyên phát khởi năng lượng chánh niệm. Nhờ đời sống phạm hạnh mà các tập khí tiêu cực dễ được chuyển hóa. Biết tiết chế bản thân cho nên sự thực tập giáo pháp của mình được tồn tại lâu dài. Nhờ không vi phạm giới luật cho nên các pháp lành cứ tiếp tục được lớn mạnh.
Thường khởi chánh niệm
Tu tập thanh tịnh
Chuyển hóa tập khí;
Tiết chế bản thân
Tu tập lâu dài
Không phạm giới luật
Pháp lành lớn mạnh.
Bài kệ 5
Phát hạnh bất phóng dật 發 行 不 放 逸
Ước dĩ tự điều tâm 約 以 自 調 心
Tuệ năng tác định minh 慧 能 作 定 明
Bất phản minh uyên trung 不 返 冥 淵 中
Thực tập không buông lung nghĩa là tự kiềm chế được mình, tự điều phục được tâm mình. Kẻ có trí tuệ thì có khả năng làm cho định tâm chiếu sáng và do đó không bao giờ còn bị rơi trở lại vào vực sâu đen tối.
Muốn không buông lung
Kiềm chế được mình
Tự điều phục tâm
Kẻ trí tâm sáng
Không rơi vực sâu.
Bài kệ 6
Ngu nhân ý nan giải 愚 人 意 難 解
Tham loạn hảo tranh tụng 貪 亂 好 諍 訟
Thượng trí thường trọng thận 上 智 常 重 慎
Hộ tư vi bảo tôn 護 斯 為 寶 尊
Kẻ u mê vì tâm trí không có khả năng lý giải được sự việc cho nên cứ để cho lòng tham của mình đưa tới chỗ thác loạn, ưa tranh cãi với kẻ khác. Những bậc có trí tuệ thì luôn luôn thận trọng, biết hộ trì các căn cho nên bảo trì được những gì quý giá và đáng tôn trọng.
Kẻ mê không biết
Lý giải sự việc
Lòng tham trào dâng
Lại ưa tranh cãi;
Kẻ trí thận trọng
Hộ trì các căn
Bảo trì quý giá
Và đáng tôn trọng.
Bài kệ 7
Mạc tham mạc hảo tránh 莫 貪 莫 好 諍
Diệc mạc thị dục lạc 亦 莫 嗜 欲 樂
Tư tâm bất phóng dật 思 心 不 放 逸
Khả dĩ hoạch đại an 可 以 獲 大 安
Đừng tham lam, đừng ưa tranh cãi, cũng đừng để cho thị dục kéo mình đi. Phải biết quán chiếu tâm tư mình, đừng để phóng dật, như thế mới đạt được cái an ổn lớn.
Không ham không tranh
Không để dục kéo
Quán chiếu tâm tư
Không được buông lung
Đạt an ổn lớn.
Bài kệ 8
Phóng dật như tự cấm 放 逸 如 自 禁
Năng khước chi vi hiền 能 却 之 為 賢
Dĩ thăng trí tuệ các 已 昇 智 慧 閣
Khứ nguy vi tức an 去 危 為 即 安
Ai chế ngự được thói phóng dật thì có khả năng trở thành bậc hiền nhân. Đã leo lên được lầu tuệ giác rồi là thoát được mọi tai nạn và đạt được sự an ổn.
Chế ngự buông lung
Trở thành người hiền
Lên lầu tuệ giác
Thoát tai được an.
Bài kệ 9
Minh trí quán ư ngu 明 智 觀 於 愚
Thí như sơn dữ địa 譬 如 山 與 地
Cư loạn nhi thân chánh 居 亂 而 身 正
Bỉ vi độc giác ngộ 彼 為 獨 覺 悟
Thị lực quá sư tử 是 力 過 師 子
Khí ác vi đại trí 棄 惡 為 大 智
Quan sát kẻ trí với người ngu, ta thấy có sự cách biệt lớn như núi cao và đồng bằng. Trong hoàn cảnh tao loạn, người trí vẫn giữ được mình trên con đường chánh đạo. Đó là sự có mặt của sức mạnh giác ngộ còn lại trong nhân gian. Sức mạnh ấy còn lớn hơn sức mạnh của con sư tử. Nhờ buông bỏ được những hệ lụy cho nên người ấy trở nên bậc đại trí.
Kẻ trí người ngu
Núi khác đồng bằng
Lúc loạn người trí
Giữ vững chánh đạo;
Sức mạnh giác ngộ
Lớn hơn sư tử
Buông bỏ hệ lụy
Trở thành đại trí.
Bài kệ 10
Thụy miên trọng nhược sơn 睡 眠 重 若 山
Si minh vi sở tệ 癡 冥 為 所 弊
An ngọa bất kế khổ 安 臥 不 計 苦
Thị dĩ thường thụ thai 是 以 常 受 胎
Những kẻ ngủ li bì suốt ngày, thân tâm nặng nề như trái núi, bị si mê che lấp tâm trí, không thấy được những khổ đau của cuộc đời, những kẻ ấy thế nào cũng sẽ phải gánh chịu luân hồi trong nhiều kiếp.
Kẻ ngủ suốt ngày
Thân tâm nặng nề
Nặng như trái núi
Si mê che lấp
Không biết khổ đau
Luân hồi nhiều kiếp.
Bài kệ 11
Bất vi thời tự tứ 不 為 時 自 恣
Năng chế lậu đắc tận 能 制 漏 得 盡
Tự tứ ma đắc tiện 自 恣 魔 得 便
Như sư tử bác lộc 如 師 子 搏 鹿
Buông lung không kể gì đến thì giờ đang thấm thoát đi qua, không có khả năng chế ngự bản thân và chấm dứt lậu hoặc thì sẽ trở thành con mồi của ma quân, cũng như con nai làm mồi cho con sư tử.
Buông lung bỏ mặc
Thời gian qua mau
Thả lỏng bản thân
Lậu hoặc ngự trị
Bị ma bắt như
Sư tử bắt nai.
Bài kệ 12
Năng bất tự tứ giả 能 不 自 恣 者
Thị vi giới Tỳ-kheo 是 為 戒 比 丘
Bỉ tư chánh tịnh giả 彼 思 正 淨 者
Thường đương tự hộ tâm 常 當 自 護 心
Người có khả năng chế ngự được phóng dật là vị tỳ khưu đang thực tập giới luật tinh chuyên. Đó là người biết thực tập chánh tư duy và biết tự bảo hộ cho tâm ý của mình.
Chế ngự phóng dật
Nghiêm trì giới luật
Giữ chánh tư duy
Bảo hộ tâm ý.
Bài kệ 13
Tỳ-kheo cẩn thận lạc 比 丘 謹 慎 樂
Phóng dật đa ưu khiên 放 逸 多 憂 愆
Biến tránh tiểu trí đại 變 諍 小 致 大
Tích ác nhập hỏa diệm 積 惡 入 火 焰
Vị tỳ khưu đề cao cảnh giác về các đối tượng dục lạc, biết rằng phóng dật đưa tới nhiều lo lắng và khổ nạn. Cái tệ nạn nhỏ có thể trở thành cái tệ nạn lớn; cứ chất chứa mãi những cái hệ lụy nhỏ thì sẽ có cái hệ lụy lớn, rốt cuộc là sa vào hầm lửa cháy.
Cảnh giác dục lạc
Phóng dật gây ưu
Tệ nhỏ thành lớn
Sa hầm lửa cháy.
Bài kệ 14
Thủ giới phước trí thiện 守 戒 福 致 善
Phạm giới hữu cụ tâm 犯 戒 有 懼 心
Năng đoạn tam giới lậu 能 斷 三 界 漏
Thử nãi cận nê hoàn 此 乃 近 泥 洹
Hành trì giới luật nghiêm chỉnh đưa tới chốn an lành. Phạm giới làm phát sinh tâm sợ hãi. Có khả năng đoạn trừ những phiền não và lậu hoặc trong ba cõi thì mới có thể tiếp cận được Niết Bàn.
Nghiêm trì giới luật
Đến chốn an lành
Phạm giới phát sợ;
Đoạn trừ phiền não
Lậu hoặc ba cõi
Tiếp cận Niết bàn.
Bài kệ 15
Nhược tiền phóng dật 若 前 放 逸
Hậu năng tự cấm 後 能 自 禁
Thị chiếu thế gian 是 炤 世 間
Niệm định kỳ nghi 念 定 其 宜
Nếu trước đây có phóng dật mà sau đó lại có thể tiết chế được mình thì cũng sẽ có được đủ chánh niệm và chánh định để soi sáng cho thế gian.
Nếu trước phóng dật
Sau lại tiết chế
Vẫn đủ niệm định
Soi sáng thế gian.
Bài kệ 16
Quá thất vi ác 過 失 為 惡
Truy phúc dĩ thiện 追 覆 以 善
Thị chiếu thế gian 是 炤 世 間
Niệm thiện kỳ nghi 念 善 其 宜
Nếu trước đây có vi phạm, có lỗi lầm mà bây giờ biết trở về với con đường thánh thiện thì cũng sẽ có được đủ chánh niệm và chánh định để soi sáng cho thế gian.
Trước có lỗi lầm
Nay quy thánh thiện
Vẫn đủ niệm định
Soi sáng thế gian.
Bài kệ 17
Thiểu trang xả gia 少 莊 捨 家
Thịnh tu Phật giáo 盛 修 佛 教
Thị chiếu thế gian 是 炤 世 間
Như nguyệt vân tiêu 如 月 雲 消
Xuất gia từ khi còn trẻ tuổi mà tu tập theo giáo pháp của Bụt một cách đầy đủ thì sẽ chiếu sáng được cho thế gian như một vầng trăng trong bầu trời không mây.
Xuất gia lúc trẻ
Tu Bụt toàn hão
Chiếu sáng thế gian
Vầng trăng không mây.
Bài kệ 18
Nhân tiền vi ác 人 前 為 惡
Hậu chỉ bất phạm 後 止 不 犯
Thị chiếu thế gian 是 炤 世 間
Như nguyệt vân tiêu 如 月 雲 消
Trước kia đã từng có lỗi lầm nhưng bây giờ đã chỉnh đốn lại, không còn phạm giới thì cũng chiếu sáng được cho thế gian như một mặt trăng trong bầu trời không mây (nguyệt vân tiêu).
Trước vướng lỗi lầm
Nay quyết không phạm
Vẫn chiếu thế gian
Vần trăng không mây.
Bài kệ 19
Sanh bất thí não 生 不 施 惱
Tử nhi bất thích 死 而 不 慼
Thị kiến đạo hãn 是 見 道 悍
Ưng trung vật ưu 應 中 勿 憂
Khi sống không gây đau khổ não phiền cho ai thì đến khi chết cũng sẽ không lo buồn hổ thẹn. Biết mình đã đi vào được con đường chính cho nên không còn lo ngại gì nữa.
Sống không gây khổ
Chết không buồn thẹn
Biết theo chính đạo
Sao còn lo ngại.
Bài kệ 20
Đoạn trọc hắc pháp 斷 濁 黑 法
Học duy thanh bạch 學 惟 清 白
Độ uyên bất phản 度 淵 不 反
Khí y hành chỉ 棄 猗 行 止
Bất phục nhiễm lạc 不 復 染 樂
Dục đoạn vô ưu 欲 斷 無 憂
Đoạn trừ những gì đen tối uế trược, chỉ học theo những gì thanh bạch, làm như thế thì có thể vượt qua được hố thẳm một cách vĩnh viễn. Khi làm cũng như khi nghỉ, buông bỏ được mọi vướng bận ỷ lại, không còn vướng víu vào vòng ái nhiễm. Bởi vì một khi ái dục đã được đoạn trừ thì hành giả sẽ không còn phải bận tâm lo lắng gì nữa.
Đoạn trừ uế trược
Học điều thanh bạch
Vượt qua hố thẳm;
Khi làm khi nghỉ
Buông bỏ vướng bận
Không bị nhiễm ái
Đoạn trừ ái dục
Không còn lo lắng.