KINH HOA NGHIÊM Lời tựa
Bộ Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh dài nhất trong Phật giáo, cũng là bộ Kinh cao thâm nhất trong Đại Tạng Kinh. Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh đức Phật nói đầu tiên, sau khi Ngài vừa thành đạo. Ngài nói trong vòng hai mươi mốt ngày thì xong bộ Kinh Hoa Nghiêm. Bộ Kinh Hoa Nghiêm tương truyền được Long Vương thỉnh về cất giữ ở dưới Long cung. Sau này Bồ Tát Long Thọ đọc hết những Kinh sách trên thế gian, không còn Kinh sách gì để đọc, bèn xuống dưới Long cung thì đọc được bộ Kinh Hoa Nghiêm. Bộ Kinh Hoa Nghiêm gồm có quyển thượng, quyển trung và quyển hạ. Quyển thượng gồm có bất khả tư nghì vô số bài kệ, dài vô cùng vô tận, căn cơ chúng sinh không thể nào hiểu được. Quyển trung thì có khoảng mười vạn bài kệ, cũng rất dài và chúng sinh cũng không dễ gì hiểu hết được, còn quyển hạ thì có mười ngàn bài kệ, nhưng mới dịch ra Hán văn được khoảng bốn ngàn năm trăm bài kệ, còn khoảng năm ngàn năm trăm bài kệ vẫn chưa được dịch ra Hán văn. Bộ Kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta có ngày hôm nay là quyển hạ, nhưng chỉ mới dịch ra được gần phân nửa mà thôi. Bộ Kinh Hoa Nghiêm thâm sâu áo diệu không thể nghĩ bàn, nói rõ cảnh giới tu hành Bồ Tát hạnh, từ phàm phu trải qua các bậc Bồ Tát, phước huệ đầy đủ rồi mới đạt đến cảnh của bậc Diệu Giác tức là thành Phật. Trong thời gian khoảng giữa, lúc nào cũng thực hành hạnh Bồ Tát, trải qua kiếp số nhiều như số hạt bụi các cõi nước, phổ độ chúng sinh, tu hành thập độ Ba La Mật, rốt ráo cuối cùng mới thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Mười phương ba đời chư Phật từ quá khứ, hiện tại và vị lai đều trải qua con đường nầy. Nhờ chúng sinh, mà các Bồ Tát mới thành Phật. Cho nên chúng sinh là đối tượng quan trọng trợ duyên rất lớn để Bồ Tát tu tập, thực hành, tích luỹ căn lành công đức, vượt qua sự chướng ngại, thử thách, và cuối cùng là đạt được quả vị Phật. Kinh Hoa Nghiêm là những cảnh giới rất thiết thực, đã trải qua của chư vị Bồ Tát trong quá khứ đã thực hành, tu tập viên mãn, từ nhiều đời, nhiều kiếp, để soi sáng con đường cho chúng ta chúng sinh, hoặc những vị Bồ Tát hiện tại và vị lai noi theo đó mà tu tập, tích luỹ căn lành công đức, từng đời, từng kiếp, cho đến khi nào công viên quả mãn, phước huệ đầy đủ thì sẽ thành tựu quả vị vô thượng bồ đề. Những người có căn lành thâm sâu đã từng gieo trồng trong quá khứ, thì họ đã từng thọ trì, đọc tụng, tu tập nghĩa lý trong Kinh Hoa Nghiêm, nên đời nầy họ rất thích đọc tụng nghiên cứu tu tập nghĩa lý của Kinh Hoa Nghiêm. Còn những người trong quá khứ chưa từng gieo trồng căn lành Phật giáo đại thừa, thì tương lai khi nào đủ duyên lành, họ cũng sẽ đọc hiểu được bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy, không những họ hiểu được, mà họ còn tu tập theo nghĩa lý của Kinh Hoa Nghiêm nầy. Kinh Hoa Nghiêm nầy đức Phật nói cho tất cả chúng sinh, nhưng tuỳ theo căn cơ, nhân duyên của mỗi người, chứ không hẳn chỉ dành cho hàng Bồ Tát. Pháp của Phật nói ra giống như nước mưa xuống, cây lớn rễ lớn thì hấp thụ nhiều, cây nhỏ rễ nhỏ thì hấp thụ ít. Pháp của Phật cũng thế, ai có căn lành trí huệ thâm sâu thì tiếp thọ được những pháp lớn, ai căn lành kém cỏi thì tiếp thụ những pháp nhỏ. Nói chung con đường đi đến giác ngộ, thành Phật, tuỳ theo sự tu tập, nguyện lực, hành trì, của mỗi người. Tu nhân nào thì sẽ được quả đó, nhân lớn thì quả lớn, nhân nhỏ thì quả nhỏ, không gieo nhân thì không có quả. Kinh Hoa Nghiêm là pháp bảo vô thượng, không thể nghĩ bàn, thọ trì đọc tụng, thâm nhập được nghĩa lý, thì như uống cam lồ. Nếu người nào không có nhân duyên với bộ Kinh Hoa Nghiêm thì sẽ cảm thấy rất khô khan, nhàm chán, khó hiểu. Nói chung tuỳ căn cơ, nhân duyên trước sau của mỗi người mà thôi. Nam Mô Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát Dịch giả Tỳ Kheo Thích Minh Định
|