Phẩm 18: Thành Quả Tùy Hỷ

13/05/201012:00 SA(Xem: 20453)
Phẩm 18:  Thành Quả Tùy Hỷ

KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN - Trí Quang dịch

 

Cuốn 6

Ngưỡng bạch Phật Pháp Tăng vô tận tam bảo từ bi chứng minh. Đệ tử chúng con nguyện vì bản thân, vì cha mẹ bà con, vì người thân kẻ thù, vì mọi người và vì chúng sinh, trì tụng kinh đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa.

Mở đầu tụng kinh Pháp Hoa, chúng con xin kính lạy:

Kính lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Kính lạy tất cả Pháp bảo trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni, đức Phật giáo chủ bổn sư, đã tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Kính lạy đức Đa Bảo, đức Phật đã làm chứng cho kinh Pháp Hoa toàn là chân thật. Kính lạy đức Di Lạc, đức Phật đương lai, đã phát khởi kinh Pháp Hoatiếp dẫn những người hành trì Pháp Hoa vãng sinh Đâu suất tịnh độ. Kính lạy tất cả Phật bảo trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy bồ tát Văn Thù, vị pháp sư Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Phổ Hiền, vị khuyến phát Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Quan Âm, vị đại sĩ toàn diện. Kính lạy tất cả Tăng bảo là các vị Bồ tát, các vị Duyên giác và các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

___________

 Phẩm 18:

Thành quả tùy hỷ

Lúc ấy đức Di Lạc lại thưa, bạch đức Thế Tôn, thiện nam hay thiện nữ nào nghe kinh Pháp Hoa mà biết tùy hỷ, thì được bao nhiêu phước đức? Ngài lặp lại bằng lời chỉnh cú sau đây.

(1) Sau khi Thế Tôn

nhập niết bàn rồi,

nếu có người nào

nghe kinh Pháp Hoa

mà biết tùy hỷ

thì phước được mấy?

Đức Thế Tôn bảo đức Di Lạc, sau khi Như Lai nhập diệt, tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những người có trí khác, hoặc lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi, nghe kinh Pháp Hoatùy hỷ, rồi ra khỏi cuộc họp diễn giảng kinh ấy, đi đến chỗ khác như tăng xá, rừng núi, thành thị, hẻm hóc, làng xóm hay cố hương, y như những điều mình được nghe và tùy sức mình mà nói lại cho cha mẹ, họ hàng, bạn tốt hay người quen. Những người này nghe rồi cũng tùy hỷ và đi nói chuyền lại cho những người khác. Những người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, cũng nói chuyền. Triển chuyển như vậy cho đến lớp thứ năm mươi. Di Lạc, công đức tùy hỷ của thiện nam hay thiện nữ lớp thứ năm mươi này, nay Như Lai nói đến, đại sĩ hãy khéo nghe.

Sáu loại chúng sinh trong hàng ức thế giới hệ, được sinh bằng bốn cách sinh là sinh ra từ trứng, từ dạ con, từ độ ẩm thích hợp, từ sự biến hình, lại có hay không hình thể, có hay không tư tưởng, không phải có hay không tư tưởng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân... Tất cả các bộ thuộc về loại chúng sinh như vậy, có người cầu phước nên họ muốn gì về những thứ vui thú cũng cấp cho cả. Mỗi một chúng sinh được cấp cho những thứ ấy nhiều như sắp đầy cả đại lục Diêm phù, đại loại như bảy thứ quí báu là bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hôhổ phách, như voi ngựa xe thuyền, như cung điện lầu đài được tạo thành bằng bảy thứ quí báu... Vị đại thí chủ bố thí như vậy trọn tám mươi năm, rồi nghĩ rằng ta đã cho chúng sinh những thứ vui thú theo ý họ muốn, nhưng nay họ đã già yếu, tuổi quá tám mươi, tóc trắng mặt nhăn, sắp chết đến nơi. Ta nên đem pháp hóa của Phật mà chỉ bảo dẫn dắt. Nghĩ vậy nên vị đại thí chủ tức thì chiêu tập họ lại, quảng bá pháp hóa bằng cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng cho họ. Làm cho họ trong một thì gian ai cũng đạt được các đạo quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàmA la hán, sạch hết mọi sự phiền não ở trong ba cõi, tự tại đối với thiền định sâu xa, đầy đủ đối với tám sự giải thoát. Di Lạc, ý đại sĩ nghĩ thế nào, công đức của vị đại thí chủ ấy đạt được có nhiều không? Đức Di Lạc thưa, bạch đức Thế Tôn, công đức vị ấy rất nhiều, vô số lượng, vô giới hạn. Vị ấy chỉ cho chúng sinh những thứ vui thú, công đức cũng đã vô cùng, huống chi còn làm cho họ đạt được cho đến đạo quả A la hán.

Đức Thế Tôn bảo, Di Lạc, Như Lai nay nói rõ ràng cho đại sĩ biết, vị đại thí chủ đem những thứ vui thú cho sáu loại chúng sinh trong hàng ức thế giới hệ, lại làm cho số chúng sinh ấy đạt được cho đến đạo quả A la hán, nhưng công đức được có vẫn không bằng công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ nghe Pháp Hoa qua một bài chỉnh cú của kinh ấy mà sinh tâm tùy hỷ. Trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần của công đức tùy hỷ ấy, công đức bố thí trên không bằng được một phần, cho đến toán số thí dụ cũng không thể xác định. Di Lạc, công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ tùy hỷ khi nghe chuyền Pháp Hoa mà còn vô số lượng vô giới hạn như vậy, huống chi người đầu tiên, ngay nơi cuộc họp diễn giảng Pháp Hoa mà được nghe và tùy hỷ đối với kinh ấy. Phước của người này còn hơn đến vô số con số vô số, không thể đối chiếu được nữa.

Di Lạc, nếu người nào vì Pháp Hoa nên đi đến tăng xá, ngồi hay đứng mà nghe và tiếp nhận, thì dẫu chỉ được chốc lát, công đức này vẫn làm cho người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sinh ra ở đâu cũng được đi bằng xe voi xe ngựa loại thượng hạng, bằng xe liễn xe dư loại vàng ngọc, bằng cung điện chư thiên. Nếu người nào đang ngồi nơi chỗ diễn giảng Pháp Hoa, có ai đến nữa, người ấy mời bảo ngồi nghe, hoặc chia chỗ của mình cho họ ngồi, thì công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ ngồi chỗ Đế Thích ngồi, chỗ Phạn Vương ngồi, chỗ Luân Vương ngồi.

Di Lạc, nếu người nào nói cho người khác biết, rằng có bản kinh tên Pháp Hoa, nên đi nghe với tôi. Người này nhận lời, và đến nỗi chỉ nghe được chốc lát, công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ được sinh cùng chỗ với vị bồ tát đã thành tựu các pháp tổng trì, được lợi căn, trí tuệ, được trăm ngàn vạn đời không bao giờ câm ngọng; hơi miệng không hôi thối; lưỡi không khi nào bị bịnh; miệng cũng không bị bịnh; răng không dơ, không đen, không vàng, không thưa, không mẻ, không rụng, không lệch, không cong; môi không xệ xuống, không rút vào, không thô nhám, không ghẻ lở, không sứt hỏng, không méo vẹo, không dày, không lớn, không thâm, không đen, không có gì đáng ghét; mũi không xẹp, không hóp, không cong, không gãy; mặt thì sắc không đen, hình không hóp lại, dài ra, không lõm xuống, cong gãy, không có hết thảy cái vẻ không thể ưa thích. Trái lại, môi, lưỡi, răng hàm, răng, tất cả đều chỉnh, đẹp; mũi thì dài, lớn, cao, thẳng; mặt và dáng mặt thật hoàn hảo; mày cao mà dài; trán rộng, bằng phẳng, ngay ngắn; nói tóm, tướng tốt loài người, người ấy có đủ tất cả. Đời đời, người ấy sinh ra ở đâu cũng thấy Phật, nghe Pháp, tin tưởngtiếp nhận giáo huấn. Di Lạc, đại sĩ hãy quan sát điều ấy: khuyến khích một người cho họ đi nghe giảng Pháp Hoa mà thành quả còn như vậy, huống chi chính mình chuyên chú mà nghe giảng, mà đọc tụng, mà phân tích nói lại cho mọi người ở giữa những cuộc họp đông đảo, mà tu hành như lời kinh dạy.

Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(2) Từ chỗ giảng pháp,

ai nghe Pháp Hoa,

dầu chỉ nghe được

một bài chỉnh cú,

nhưng biết tùy hỷ

và nói cho người;

nói chuyền cho đến

lớp thứ năm mươi,

người trong lớp này

được phước thế nào,

nay đây Như Lai

phân tích phước ấy.

(3) Như đại thí chủ

cho vô số người

đến tám mươi năm

những gì họ muốn.

(4) Khi thấy họ già

tóc bạc mặt nhăn,

răng rụng người khô,

nghĩ họ sắp chết,

ta phải chỉ dạy

cho được đạo quả.

(5) Liền tìm cách nói

mà nói niết bàn,

rằng đời toàn là

không phải chắc thật,

khác nào bọt nước,

bóng nước, sóng nắng,

các người phải gấp

nhàm chán thoát ly.

(6) Mọi người nghe được

pháp hóa như vậy,

đều thành La hán

đủ sáu thần thông

và ba minh trí

với tám giải thoát.

(7) Nhưng người sau hết

thuộc lớp năm mươi,

dầu chỉ nghe được

một bài chỉnh cú

của kinh Pháp Hoa

mà lòng tùy hỷ,

phước được vẫn hơn

đại thí chủ trên,

đến nỗi không thể

đối chiếu ví dụ.

(8) Nghe chuyền xa thế

phước còn vô lượng,

huống người đầu tiên

từ chỗ giảng pháp

nghe kinh Pháp Hoa

mà lòng tùy hỷ.

(9) Nếu ai khuyên được

dầu chỉ một người,

dẫn họ đi đến

nghe kinh Pháp Hoa,

bằng cách bảo họ

Pháp Hoa tuyệt diệu,

ngàn vạn thời kỳ

cũng khó gặp được.

(10) Người này theo lời

đi đến mà nghe,

thì dẫu đến nỗi

chỉ nghe chốc lát,

kết quả phước đức

của người khuyên ấy

nay đây Như Lai

phân tích nói đến.

(11-Người ấy đời đời

13) miệng không bị bịnh;

răng không bao giờ

thưa, vàng hay đen;

môi thì không dày,

không rút, không sứt,

không hình dáng nào

có thể ác cảm;

lưỡi cũng không khô,

không đen, không ngắn;

mũi đã cao, lớn,

mà lại dài, thẳng;

còn trán thì rộng,

bằng phẳng, ngay ngắn;

đến mặt và mắt

thì đủ mọi vẻ

đẹp đẽ, trang nghiêm,

ai cũng thích nhìn;

hơi miệng thường xuyên

không mùi hôi thối,

mà hơi hoa sen

thường phát từ đó.

(14) Nếu ai cố tâm

đi đến tăng xá,

muốn nghe cho được

Diệu Pháp Liên Hoa,

dầu nghe chốc lát

mà lòng hoan hỷ,

nay đây Như Lai

nói phước người ấy.

(15-Người ấy đời sau

16) sinh trong trời người

được đi xe voi

xe ngựa hảo hạng,

xe liễn xe dư

trang trí vàng ngọc,

lại được đi bằng

cung điện chư thiên.

(17) Tại chỗ diễn giảng

Diệu Pháp Liên Hoa,

ai biết khuyên mời

người khác ngồi nghe,

thì cái phước này

làm cho người ấy

sẽ được chỗ ngồi

của các ngôi vị

Đế Thích, Phạn Vương,

cùng với Luân Vương.

Huống chi những người

tự mình chuyên tâm

mà nghe diễn giảng

Diệu Pháp Liên Hoa,

nghe rồi giảng lại

nghĩa lý kinh ấy,

lại còn tu hành

như kinh ấy dạy;

phước này không ai

biết được giới hạn.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/08/2017(Xem: 9120)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.