KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
(KINH BỐN
MƯƠI HAI CHƯƠNG)
Đời Hậu-Hán, Ngài
Ca-Diếp Ma-Đằng và Ngài Trúc Pháp-Lan dịch chữ Phạn ra chữ Hán
Thích Thanh-Cát dịch
chữ Hán ra chữ Việt
Phần duyên khởi
Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Ngài tự nghĩ : “Xa lìa mọi ham muốn, tâm được yên vui bình tĩnh. Tâm yên vui bình tĩnh là điều cao quý nhất. Chính Tâm ấy mới ở trong Đại-định để hàng phục mọi ma chướng.”
Suy nghĩ xong, Đức Phật đến vườn Lộc-Giả nói pháp Tứ-đế, độ anh em ông Kiều Trần Như, năm người đều chứng đạo quả. Tiếp đó có vị Tỳ-khưu lại muốn hỏi những điều còn nghi ngờ, xin Phật chỉ bảo cho các điều phải trái. Vì vậy, Đức Thế-Tôn lại cặn kẽ dạy bảo khiến các vị Tỳ-khưu, ai nấy đều lĩnh hiểu rành mạch, và chắp tay kính cẩn đón nghe những lời Phật dạy.
I. Chứng quả xuất thế gian
Chương một
Đức Phật dạy : Từ biệt người thân yêu, xuất gia tu đạo, biết tường tận tâm tính, hiểu thấu vô vi, gọi là Sa-môn. Thường giữ gìn 250 giới cấm, trong sạch, chăm làm các điều thiện, bỏ các sự ác, tu bốn đạo hạnh chân-chính, thành quả vị A-La-Hán. Ngôi nầy sống lâu mãi mãi, có thần thông biến hóa, đi bay đến nơi nào thì trời đất nơi ấy phải rung động.
Sau đến ngôi A-Na-Hàm, ngôi nầy khi hết tuổi thọ thế gian thì thần thức sẽ sinh lên cõi trời thứ 19 để dự vào ngôi A-La-Hán.
Sau đến ngôi Tư-Đà-Hàm, ngôi nầy phải còn một lần sinh lên trời, một lần xuống nhân gian nữa, mới được lên ngôi A-La-Hán.
Sau hết là Tu-Đà-Hoàn, ngôi này phải trải qua chín lần tử, chín lần sinh nữa mới được đến quả vị A-La-Hán.
Người đã đọan tuyệt ái dục, không còn chạy theo ái dục, cũng như người đã chặt đứt chân tay, thì không còn dùng được tay chân ấy nữa.
II. Tu hạnh xuất gia
Chương hai
Phật dạy :
Người xuất gia tu đạo, phải đọan bỏ ái dục, biết nguồn gốc tâm tính, hiểu nghĩa
lý sâu xa và liễu-ngộ phép vô-vi của Phật.
Trong tâm không thấy
phép gì để được, ngoài cảnh không còn môn gì để cầu. Tâm không cố chấp vào đạo,
cũng không kết buộc thêm nghiệp. Không phải nhớ, không làm, không tu, không
chứng, không phải trải qua các ngôi thứ, mà ngôi thứ độc-tôn ấy chính là đạo.
Chương ba
Phật dạy :
Người cạo bỏ râu tóc, vào hàng Sa-môn, học đạo của ta, phải lìa bỏ của cải thế
gian, chỉ cốt sao cho tạm đủ. Mỗi ngày mỗi bữa ăn giữa trưa, một giấc ngủ dưới
gốc cây, không nên ăn, ngủ hai lần một ngày đêm.
Người bị mê lầm
trụy lạc, đều do tâm yêu (ái) muốn (dục) sinh ra vậy.
Chương bốn
Phật dạy :
Chúng sinh lấy mười điều là thiện, cũng lấy mười điều là ác. Ba điều về thân,
bốn điều về miệng, ba điều về ý.
Ba điều về thân là
: Giết hại, trộm cắp, dâm dục. Bốn điều về miệng là : Nói lưỡi đôi chiều, nói
lời độc ác, nói thêu dệt, nói dối càn. Ba điều về ý là : Tham lam, giận tức, si
mê.
Mười điều ấy thuận
với chính-đạo, nói chung là mười điều thiện, trái lại là mười điều ác.
Chương năm
Phật dạy : Người
có nhiều tội lỗi, không biết tự ăn năn sửa đổi, tội ấy chồng chất vào mình,
chẳng khác gì nước dồn về biển, càng ngày càng nhiều.
Nếu người có lỗi
tự giác-ngộ, đổi ác làm lành, tội sẽ tiêu mòn. Ví như người đau ốm được ra mồ
hôi, bệnh tật sẽ dần khỏi vậy.
Chương sáu
Phật dạy : Kẻ ác
tâm, khi nghe thấy người ta làm điều thiện, hay sinh phá quấy. Nhưng các ông
phải nín nhịn, đừng giận tức, trách mắng họ.
Kẻ trồng nhân xấu,
sẽ tự hái quả xấu.
Chương bảy
Phật dạy : Kẻ xấu,
nghe người ta tu đạo, làm những việc nhân từ. Họ cố đến mắng ta, ta im lặng,
không nói lại một lời. Khi mắng xong, ta hỏi họ rằng : “Ngươi đem lễ vật biếu
người khác, họ không nhận, lễ vật ấy có trả lại ngươi không ?” Kẻ xấu kia đáp :
“Lễ vật đó về tôi vậy.”
Phật lại bảo :
“Nay ngươi đến mắng ta, ta không nghe, lời mắng ấy lại trả lại ngươi và ngươi
tự dìu lấy tội lỗi : nhân nào, quả ấy, như vang theo tiếng, như bóng theo hình,
không thể tránh được. Vậy đừng nên làm điều ác.”
Chương tám
Phật dạy : Kẻ ác
hại người hiền, cũng như ngửa mặt nhổ bọt lên trời. Bọt chẳng tới trời, trái
lại bọt rơi mặt mình. Hay như tung bụi ngược gió, bụi không tới người bị tung, trái
lại bụi trở lại tạt vào mình.
Kẻ ác hại người
hiền cũng thế, người hiền không bị hại, mà chính kẻ ác tự hại mình trước.
III. Lập tín nguyện
Chương chín
Phật dạy : Kẻ học
rộng biết nhiều, nhưng hiểu và tin đạo một cách nông cạn, không thể lãnh ngộ
được ý đạo. Trái lại người biết giữ bền tâm chí, phụng sự đạo một cách chắc
chắn, thì lý đạo mới hiểu sâu xa vậy.
IV. Tu lục-độ hạnh
1. Bố-thí độ
Chương mười
Phật dạy : Thấy
người ta truyền bá đạo, mình giúp thêm hoan hỷ, sẽ được phúc rất nhiều.
Một vị sa môn hỏi
Phật : “Phúc đem chia người khác có hết không ?” Phật đáp : “Ví như bó đuốc
cháy, hàng trăm, ngàn người cầm đuốc đến, châm lấy lửa đem về nấu thức ăn và
đốt đèn sáng, mà lửa ở bó đuốc cháy đầu tiên kia vẫn còn nguyên. Vậy ông nên
hiểu, phúc cũng như thế.”
Chương mười
một
Phật dạy : Cho 100
người ác ăn, không bằng cho một người thiện ăn. Cho 100 người thiện ăn không
bằng cho một người trì năm giới ăn. Cho một vạn người trì năm giới ăn, không bằng
cúng dường một vị Tu-Đà-Hoàn. Cúng dường một trăm vạn vị Tu-Đà-Hoàn, không bằng
cúng dường một vị Tư-Đà-Hàm. Cúng dường một ngàn vạn vị Tư-Đà-Hàm, không bằng
cúng dường một vị A-Na-Hàm. Cúng dường mười vạn vị A-Na-Hàm, không bằng cúng
dường một vị A-La-Hán. Cúng dường một triệu vị A-La-Hán, không bằng cúng dường
một vị Bích-Chi Phật. Cúng dường mười triệu vị Bích-Chi Phật, không bằng cúng
dường một Đức Phật trong ba đời. Cúng dường một trăm triệu Đức Phật, không bằng
cúng dường một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng.
Chương mười
hai
Phật dạy : Người
ta có 20 điều khó làm :
Nghèo khổ biết bố
thí là khó.
Giàu sang biết học
đạo là khó.
Bỏ mình vì lẽ phải
là khó.
Thấy được kinh
Phật là khó.
Sanh nhằm đời có
Phật là khó.
Nhịn sắc nhịn dục
là khó.
Thấy thứ tốt không
ham cầu là khó.
Bị nhục không giận
tức là khó.
Có thế lực không ỷ
là khó.
Gặp việc vô tâm là
khó.
Học rộng nghiên
cứu nhiều là khó.
Trừ diệt ngã mạn
là khó.
Chẳng khinh người
chưa học là khó.
Thực hành tâm bình
đẳng là khó.
Chẳng nói sự phải
quấy là khó.
Gặp được Thiện Tri
Thức là khó.
Thấy tánh học đạo
là khó.
Tùy duyên hóa độ
người là khó.
Thấy cảnh không
động tâm là khó.
Khéo biết phương
tiện là khó.
2. Trì giới độ
Chương mười
ba
Một vị Sa-môn hỏi
Phật : “Bạch Thế-tôn, nhờ nhân duyên gì biết được đời trước ?”
Đức Phật dạy :
“Tâm thanh tịnh, giữ bền chí, thì tâm lãnh-hội được đạo nhiệm mầu. Ví như lau
bụi mặt gương. Bụi hết mặt gương sáng tỏ hiện ra.
Người học đạo cũng
vậy, nếu đoạn trừ hết ái-dục, thì sẽ biết được đời trước.”
Chương mười
bốn
Một vị Sa-môn hỏi
Phật : “Bạch Thế-tôn : thế nào là (thiện) hay nhất và lớn nhất (đại) ?”
Phật dạy : “Hành
đạo giữ tâm chân chính là hay nhất. Chí khí cùng đạo hoà hợp là lớn nhất.”
3. Nhẫn nhục độ
Chương mười
lăm
Một vị Sa-môn hỏi
Phật : “Bạch Thế-tôn, cái gì mạnh nhất, cái gì sáng nhất ?”
Phật dạy : “Tu
hạnh nhẫn nhục mạnh nhất, vì tâm không chứa chấp điều ác, nên thân thể được nhẹ
nhàng, khỏe mạnh, và được mọi người tôn trọng. Tâm xấu diệt hết, chút bụi phiền
não không còn, gọi là sáng nhất.
Vả lại, sáng nhất
có nghĩa là đã được trí hiểu biết hết thảy, cho nên, vạn vật trong mười phương,
kể từ khi chưa có trời, đất cho đến ngày nay, đều trông thấy, nghe thấy và hiểu
biết khắp tất cả vậy.”
4. Thiền-định độ
Chương mười
sáu
Phật dạy : Người
ôm ấp tâm ái dục, không thể thấy được đạo, ví như nước đã lắng trong, lại cho
tay quấy đục lên. Tuy mọi người đến soi mặt mình, nhưng không thể thấy bóng
mình hiện trong đó nữa.
Người tu đạo cũng
thế, nếu còn ham mê ái dục thì trong lòng vẫn còn vẩn đục, nên không thấy được
đạo chân chính. Các ông là Sa-môn, phải gấp đoạn trừ ngay ái dục. Khi ái dục hết,
đạo mới khả dĩ lĩnh ngộ được.
5. Bát-nhã độ
5.1. Trí căn-bản
Chương mười bảy
Phật dạy : Người
học đạo thấy rõ đạo, cũng như người cầm đuốc vào trong nhà tối. Bóng tối hết
chỉ có ánh sáng còn lại.
Người học đạo,
hiểu rõ đạo tức là Vọng-tâm mê mờ hết, chỉ còn toàn ánh sáng Chân-tâm thường
trụ.
5.2. Trí hậu đắc
Chương mười
tám
Phật dạy : Người
học đạo pháp của ta, nhớ mà không chấp nhớ mới gọi là nhớ. Làm mà không chấp
làm mới gọi là làm. Nói mà không chấp nói mới gọi là nói. Tu mà không chấp tu
mới gọi là tu. Người khéo lĩnh hội thì được gần đạo. Kẻ mê mờ thì cách xa đạo.
Cái đạo lớn không thể lấy lời nói để bàn luận nổi, và cũng không bị vật nào câu thúc được. Nếu có một mảy may sai lầm, thì chỉ bằng nháy mắt (tích tắc) sẽ mất hết.
5.3. Gia-hành trí
a. Quán vô thường
Chương mười
chín
Phật dạy : Quán
sát trời đất là vô thường, quán sát thế giới là vô thường. Quán sát tâm linh
giác là Bồ-đề.
Hiểu như thế thời
đắc đạo rất chóng vậy.
b. Quán vô ngã như huyễn
Chương hai
mươi
Phật dạy : Quán
sát bốn đại trong thân nầy, mỗi cái có tên riêng, không có cái nào đáng gọi là
ta cả.
Cái ta đã không có,
thì thân nầy cũng là giả dối.
c. Thông quán ngũ dục
Chương hai mươi
mốt
Phật dạy : Người
tùy theo thế tình, tham cầu danh vọng. Khi được công danh hiển đạt, thì thân
thể đã già yếu. Kẻ tham danh lợi ở đời không biết học đạo, chỉ uổng công nhọc
xác.
Ví như cây hương
đốt, khi được người ta ngửi thấy mùi thơm, thì thân hương đã hóa thành tro bụi,
vì lửa luôn đốt cháy liền thân hương vậy.
Chương hai
mươi hai
Phật dạy : Người
ham mê tiền tài, sắc đẹp, tất nhiên sẽ bị tai vạ. Tài sắc ví như mật dính lưỡi
dao. Mật ngon không đáng một miếng ăn, nhưng trẻ con ngây dại, tham liếm chút mật,
nhất định chúng sẽ bị đứt lưỡi.
Chương hai
mươi ba
Phật dạy : Người
ta thường cho rằng bị giam hãm trong nhà tù là khổ. Nhưng sự khổ ấy chưa bằng
nỗi khổ bằng sự ràng buộc bởi gia đình, vợ chồng, con cái. Vì người sống trong
nhà tù, còn có thì giờ nhàn rỗi, và có khi được ra. Trái lại người có gia đình
lúc nào cũng phải lo nghĩ về việc nhà cửa làm ăn... nên rất khổ.
Do sắc sinh tình,
do tình sinh ân ái, canh cánh bên lòng. Mặc dầu có tai nạn phải kề bên miệng
hổ, cũng phải cam tâm nhẫn chịu. Người xuống bùn thì phải lấm chân nên gọi là
phàm tục. Trái lại người nào vượt ngoài vòng ái dục, gọi là bậc La-Hán xuất
trần.
Chương hai
mươi bốn
Phật dạy : Người
đời có nhiều sự ham muốn, nhưng ham muốn nữ sắc hơn hết, do sắc đẹp sinh lòng
ham mến (yêu), nên cái ham mến là hơn hết.
May thay, chỉ có
một sắc đẹp, chớ có hai thì tất cả mọi người trong thiên hạ không ai tu nổi
được.
Chương hai
mươi lăm
Phật dạy : Người
mê ái dục, cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tức nhiên sẽ bị bỏng tay.
Chương hai
mươi sáu
Thiên Thần đưa
Ngọc nữ (gái đẹp) đến chỗ Phật để phá hoại quả tu của Ngài. Đức Phật nói : “Cái
túi da đựng đồ dơ bẩn, lại đây làm gì ? Tránh xa đi, ta không thèm đâu”. Thiên
Thần thấy Phật nói thế, liền khởi tâm kính cẩn, nhân đấy, ông liền hỏi Phật về
ý đạo. Phật bèn giải đáp. Thiên Thần nghe xong, liền được chứng quả Tu-Đà-Hoàn.
6. Tinh-tấn độ
1a. Mặc áo giáp hạnh tinh-tấn
Chương hai mươi
bảy
Phật dạy : Người
tu đạo, cũng như cây gỗ trên mặt nước, trôi giữa dòng sông, không chạm hai bên
bờ, không bị người ta vớt lấy hoặc bị quỷ thần ngăn cản, hay nước xoáy chìm, cũng
không bị mục nát. Ta bảo đảm cây gỗ ấy, chắc chắn trôi thẳng về biển.
Người học đạo cũng
thế. Nếu không bị tình dục lôi cuốn, hay tà ma ám ảnh, cứ tinh tiến tu phép vô
vi, ta bảo đảm người ấy quyết định đắc đạo vậy.
Chương hai
mươi tám
Phật dạy : Các
Phật-tử ! Phải cẩn-thận đừng nên gần gũi sắc dục. Gần nó tất nhiên sinh hoạ.
Khi đắc quả A-La
Hán rồi, mới có thể tin được ý ngươi.
Chương hai
mươi chín
Phật dạy : Các
Phật-tử, phải cẩn-thận đừng nhìn nữ sắc, cũng chớ nên nói chuyện.
Nếu cùng họ nói
chuyện, phải chính-tâm nhớ nghĩ : “Mình là Sa-môn, sống trong cõi đời vẩn đục
như hoa sen trong bùn mà không nhiễm chất hôi tanh của bùn. Phải tưởng người già
như mẹ (cha). Người lớn hơn như anh (chị), người kém tuổi như em, người trẻ
tuổi như con.
Nên khởi chính-tâm
cứu độ cho họ được giải-thoát, để dập tắt những ý-nghĩ xằng bậy.
Chương ba
mươi
Phật dạy : Người hành
đạo phải tránh xa ái-dục, ví như cỏ khô tránh xa lửa.
Chương ba
mươi mốt
Phật dạy : Có kẻ
lo sợ khi động tình dâm dục không kìm hãm nổi, muốn tự đoạn âm. Phật liền bảo
rằng : “Đoạn âm không bằng đoạn tâm”.
Tâm như ông tướng
chỉ-huy. Nếu tướng đình-chỉ thì quân phải theo lịnh. Tâm cũng như vậy. Nếu tâm
nghĩ xằng bậy không ngăn cấm được, thì dù đoạn-âm cũng vô ích.
Phật liền thuật
lại bài kệ của Đức Phật Ca-Diếp như sau : “Do ý ngươi sinh tư tưởng, tư tưởng
sinh ái-dục. Nếu trong tâm bình tĩnh thì ngoài thân yên ổn”.
Chương ba
mươi hai
Phật dạy : Người
ta vì tình yêu, tình dục mà sinh buồn phiền, lo nghĩ. Từ lo nghĩ sinh sợ hãi.
Nếu không yêu muốn thì không lo sợ chi cả.
1b. Mặc áo giáp tưởng-tinh-tấn
Chương ba
mươi ba
Phật dạy : Người
tu đạo như người chiến-sĩ đánh nhau với quân địch. Khi người ấy mặc áo giáp ra
trận, hoặc hèn nhát nửa đường rút lui, hoặc giao chiến mà chết, hay đánh được
khải-hoàn (về).
Sa-Môn học đạo
cũng thế. Phải vững chí, tinh tiến, quả cảm, hùng dũng trước nguy hiểm. Quyết
tiêu-diệt ma quân để chiếm lấy đạo-quả.
2. Tiếp-thiện tinh-tấn
Chương ba mươi
bốn
Một vị Sa-môn đêm
đêm tụng kinh Di-Giáo của Phật Ca-Diếp. Tụng lâu tiếng khàn đục, rồi suy nghĩ
hối hận muốn thôi.
Phật bèn hỏi :
“Ngày trước ông ở nhà làm nghề nghiệp gì ?” Vị ấy đáp : “Con thích đánh đàn”.
Phật lại hỏi : “Cây đàn dây chùng thế nào ?” Vị ấy thưa rằng : “Tiếng nó không
kêu”. Phật lại hỏi : “Dây đàn lên găng thế nào ?” Vị ấy thưa : “Tiếng gay gắt
và sẽ đứt”. Phật lại hỏi : “Dây đàn vừa phải, không căng, không chùng thế nào
?” Vị ấy thưa : “Tiếng nó dịu dàng, êm ái, nghe rất vui tai.”
Phật dạy tiếp :
“Sa-môn các ông học đạo cũng như cây đàn. Phải giữ mực điều-hoà thì đạo mới
thắng. Nếu hành đạo quá sức thì thân mỏi mệt, thân nếu mỏi mệt thì ý sanh phiền
não, ý sanh phiền não thì thoái đạo. Thoái đạo thì tội lỗi sinh. Nếu tâm
an-tịnh giữ mực trung bình, thì đạo không bao giờ mất vậy.
Chương ba
mươi lăm
Phật dạy : Người
thợ rèn sắt trừ hết sét rỉ, thì sắt mới trở nên đồ dùng tốt.
Người học đạo cũng
thế, phải trừ hết tâm nhơ bẩn thì đạo hạnh mới trở nên trong sạch vậy.
3. Lợi lạc tinh-tấn
Chương ba
mươi sáu
Phật dạy : Kẻ đã
xa lìa được con đường ác, được sinh làm thân người là việc khó. Được sinh làm
người, lại được được sinh làm đàn ông là khó. Được sinh làm đàn ông có sáu căn
đầy đủ là khó. Được sáu căn đầy đủ, lại được ở giữa Trung-quốc (cõi Trung) là
khó. Được gặp Phật ra đời là khó. Được gặp Phật ra đời lại được gặp đạo là khó.
Được gặp đạo lại khởi lòng tin kính là khó. Đã khởi lòng tin đạo lại phát tâm
Bồ-đề là khó. Đã phát tâm Bồ-đề lại tu chứng đến quả-vị không còn phải tu chứng
lại là việc khó hơn hết.
V. Minh cấp giới thặng
Chương ba mươi
bảy
Phật dạy : Người
nào tuy cách xa ta hàng ngàn dặm, nhưng luôn luôn tuân theo giới luật của ta,
tất nhiên sẽ được chứng quả. Trái lại, những người dù thân cận bên ta, hàng
ngày trông thấy ta mà không chịu noi theo ta, theo những điều ta giảng dạy, thì
không bao giờ được chứng đạo quả.
Chương ba mươi tám
Phật hỏi một vị
sa môn : “Mệnh người ta sống độ bao lâu ?” Vị Sa-môn thưa : “Trong khoảng vài
ngày.” Phật bảo : “Ông chưa biết đạo”. Phật lại hỏi vị Sa-môn khác : “Mệnh
người ta sống độ bao lâu ?” Thưa rằng : “Trong khoảng bữa ăn.” Phật bảo : “Ông
cũng chưa biết đạo.”
Phật lại hỏi vị
Sa-môn khác nữa : “Mệnh người ta sống được bao lâu ?” Thưa rằng : “Trong khoảng
giây phút (thở ra hít vào)”. Phật bảo : “Hay lắm! Hay lắm! ông hiểu đạo vậy.”
Tín giáo - Giải lý - Tu hành
I. Tín giáo
Chương ba
mươi chín
Phật dạy : Người
học đạo nên tin theo những điều giáo-hoá của Phật.
Kinh sách của ta,
cũng như ăn mật ở bát, ở giữa hay ở chung quanh bát đều ngọt cả.
II. Giải lý
Chương bốn
mươi
Phật dạy : Sa-môn
hành đạo, đừng như trâu kéo mật, thân tuy thành đạo, mà tâm không hành đạo thì
có ích gì ?
Nếu tâm hành đạo
thì thân khỏi phải hành đạo.
III. Tu hành
Chương bốn mươi
mốt
Phật dạy : Người
hành đạo như trâu chở nặng, đi vào bùn lầy, tuy mỏi mệt, nhưng không dám quay
trở lại, trông sang bên phải, bên trái. Chỉ khi nào ra khỏi đám bùn ấy, mới
được nghỉ ngơi.
Sa-môn cũng vậy,
phải đề phòng tình dục tệ hại hơn bùn lầy. Phải nhất tâm suy nghĩ về đạo, mới
có thể thoát khỏi khổ não.
Phần kết luận
Chương bốn
mươi hai
Phật dạy : Ta coi
ngôi vua, quan như bụi qua kẽ hở, coi vàng ngọc như ngói sỏi, coi nhung lụa gấm
vóc như vải thô, coi đại-thiên giới như hạt cải, coi nước hồ A-nậu như dầu thoa chân.