Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)

21/09/20146:03 SA(Xem: 10473)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)


Trưng dẫn sự tích
Giúp mẹ góa con côi về tận quê nhà 
Đời Bắc Tống, khi Phạm Văn Chánh Công đang làm tri phủ ở Việt châu, thuộc tỉnh Triết Giang, có người tên Tôn Cư Trung chết trong lúc đang làm việc cho nha môn. Nhà ấy nghèo túng, con còn thơ ấu, thật khó khăn trong việc đưa về quê cũ. Phạm Văn Chánh Công liền bỏ tiền ra thuê thuyền, lại phái một viên chức đi theo đưa linh cữu về tận quê nhà. Trước khi thuyền đi, ông lại làm một bài thơ trao cho viên chức đi theo ấy và dặn rằng: “Khi qua các quan ải trên sông, cứ đưa bài thơ này cho họ xem là được.”
Nội dung bài thơ ấy như sau:
十口相依泛巨川, 
來時暖熱去淒然; 
關津不用詢名氏, 
此是孤兒寡婦船。
Thập khẩu tương y phiếm cự xuyên, 
Lai thời noãn nhiệt, khứ thê nhiên. 
Quan tân bất dụng tuân danh thị, 
Thử thị cô nhi quả phụ thuyền. 
Dịch nghĩa:
Mười người cùng nương tựa lẫn nhau, nổi trôi trên dòng sông lớn. 
Ngày đi sao ấm áp, ngày về thật lạnh lẽo thê lương
Quan ải các vị không cần phải hỏi tên họ người trên thuyền, 
Đây là thuyền của bà mẹ góa với đứa con côi. 
Dịch thơ:
Một chục người nương tựa cùng nhau, 
Thuyền trên sông rộng chở thương đau. 
Ngày đi ấm áp, về lạnh lẽo. 
Mẹ góa, con côi, hỏi thêm sầu!
Nhờ đó mà người trong nhà ấy đều được an toàn về đến quê hương. 
Lời bàn
Mẹ góa con côi xưa nay vẫn thường bị người ta xem thường, khinh dễ. Giúp yếu trừ bạo, tất cả đều là dựa vào lòng nhân ái. 
Vì chủ nuôi con mồ côi 
Vào đời Minh, có người tên Lý Tung, người vợ làm vú nuôi cho nhà họ Cung. Vợ ông chết, đứa trẻ tên Cung Tích Tước vừa lên 5 tuổi lại mất cha. Gia nhân trong nhà họ Cung khi ấy có ý muốn giết Tích Tước để chiếm đoạt gia sản chia nhau. Lý Tung biết chuyện, đang đêm liền cõng Tích Tước đi trốn. Chạy ra đến cửa thành vẫn còn đang đóng vì còn quá sớm, Lý Tung quỳ xuống kêu khóc. Viên quan giữ cửa thành thương xót, mở cửa cho ra. Lý Tung chạy suốt 5 ngày đêm trong tuyết lạnh, đến được nhà người cậu của Tích Tước là Trầm Triệu. 
Trầm Triệu thấy cả vợ chồng Lý Tung đều có ơn nuôi dưỡng, hết sức bảo vệ cháu mình nên vô cùng cảm động, đối đãi với Lý Tung như người nhà. Những người giúp việc cho nhà họ Trầm, đều giao cho Lý Tung cai quản, sai khiến, lại chẳng bao giờ để cho ông phải dùng những món cơm thừa canh cặn như hạng tôi tớ, nhưng Lý Tung trước sau vẫn giữ đúng bổn phận người giúp việc. 
Về sau, Cung Tích Tước thi đỗ tiến sĩ, không một lúc nào dám quên việc báo đáp ân đức của Lý Tung, nhưng Lý Tung vẫn ngày ngày mặc áo ngắn, nỗ lực làm việc cực nhọc, không khác với lúc gia cảnh còn bần hàn. Sau khi Lý Tung qua đời, Cung Tích Tước có lời dặn lại con cháu mình phải đời đời nối nhau thờ phụng cúng tế vợ chồng Lý Tung, không được bỏ phế. 
Lời bàn
Như muốn báo đáp ơn sâu của Lý Tung, nên làm nhiều việc phước đứchồi hướng cầu siêu thoát cho ông, ắt là ông sẽ thực sự được lợi ích. Bằng như nói rằng chỉ lo việc cúng tế, thì việc ông có được thọ hưởng sự cúng tế ấy hay không, rốt cuộc cũng không thể biết chắc được. Tuy nhiên, cái biết của người thế tục thì bất quá cũng chỉ đến như thế mà thôi. Ví như đứa trẻ con, trong cơn giận dữ dù có hết sức muốn biểu lộ cũng chỉ biết la hét khóc lóc mà thôi. Ngoài việc la hét khóc lóc ra, đứa trẻ ấy nào có biết làm gì khác hơn?
Cưỡng bức người chịu quả báo tức thời 
Đời nhà Minh, vào năm cuối niên hiệu Sùng Trinh, vùng Ngô Giang thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Trương Sĩ Bách, mất sớm, để lại người vợ họ Trần có nhan sắc xinh đẹp, tuổi còn trẻ, quyết thủ tiết thờ chồng. 
Người anh của Sĩ Bách là Trương Sĩ Tùng mưu tính việc đem bán cô em dâu họ Trần này về làm vợ lẽ cho một tên hào phú đồng hương tên là Từ Hồng. Sĩ Tùng biết Trần thị không thuận theo ý mình, bèn lập kế bắt sống mang lên thuyền giao cho Từ Hồng. Trần thị kêu la to tiếng, Từ Hồng sợ không dám xúc phạm
Người cha của Trần thị là Trần Tuấn liền viết cáo trạng tố cáo lên quan huyện. Quan huyện là Chương Nhật Sí đang nghỉ trên gác, không thèm dậy. Trần Tuấn tiếp tục viết cáo trạng, lần này dâng lên quan Trực Chỉ là Lộ Chấn Phi. Từ Hồng liền mang tiền hối lộ cho viên quan phụ trách việc này. Tên này liền dối trá báo lên quan Trực Chỉ là đã xem xét sự việc, thấy không đúng như trong cáo trạng trình bày. Hắn ta lại vu vạ cho Trần thị là nhục mạ chồng, xử theo tội ấy bắt giam vào ngục. 
Trần thị oan ức nuốt lệ, tuyệt thực suốt 3 ngày. Vừa may gặp lúc có một viên quan họ Lý vừa đến, nghe biết oan tình, liền đưa Trần thị đến gặp quan Trực Chỉ Lộ Chấn Phi. Trần thị khóc lóc trình bày rõ sự việc oan khuất của mình, vừa nói xong liền tự vẫn ngay tại đó, chết không nhắm mắt. Lộ Chấn Phi từ án đường bước xuống, đến trước thi thể Trần thị chấp tay cung kính thi lễ, hứa sẽ làm rõ vụ việc này. Khi ấy, đôi mắt Trần thị mới từ từ nhắm lại. 
Ngay trong hôm đó, Lộ Chấn Phi viết một bản tấu sớ gửi lên triều đình, báo rõ mọi việc. Triều đình lập tức ban lệnh xử tử Trương Sĩ Tùng và Từ Hồng. Các đồng phạm liên quan đều tùy theo tội nặng nhẹ mà trừng phạt. Quan huyện Chương Nhật Sí lập tức bị cách chức, trên đường đi thuyền về quận phủ bàn giao, bỗng nghe trong thuyền vang rền những âm thanh của ma quỷ, qua hôm sau thì chết. Viên chức trước đây nhận hối lộ của Từ Hồng vu tội cho Trần thị, bỗng nhiên mắc bệnh rồi cấm khẩu, từ đó suốt đời không nói năng gì được nữa. 
Lời bàn
Câu chuyện này về sau có người đưa vào nội dung của một bài vãn ca, người người đều cảm động, cho rằng việc báo ứng quả là chỉ ngay trước mắt thôi. 
Kính trọng người già, thương kẻ nghèo khó
Giảng rộng
Già yếu là chuyện tất nhiên phải đến, không ai tránh khỏi, nhưng quả là thực trạng đáng thương nhất. Người già rồi thì tóc bạc, răng rụng, thân thể gầy yếu da bọc lấy xương. Gân mạch thì nổi rõ chằng chịt trên da, lưng khòm cong như cánh cung, mọi việc đã qua đều không thể nhớ lại hết được. Đã vậy lại thêm mắt mờ tai điếc, mỗi lúc đứng lên ngồi xuống đều phải nhờ cậy người khác dìu đỡ. Bởi thế, nhìn thấy người già nên sinh lòng kính trọng, không nên sinh lòng chán ghét. Nếu thấy người già yếu mà sinh lòng chán ghét không tôn kính, nên biết rằng chỉ trong chớp mắt thôi, bản thân ta rồi cũng sẽ già yếu. Lại nếu như thấy người già mà sinh lòng chán ghét không tôn kính, chỉ e tự mình không sống được đến tuổi già!
Thương thay cho những người nghèo khó! Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, mà riêng họ phải thường chịu cảnh đói thiếu, rét lạnh. Người ta ai cũng muốn được vừa lòng thích ý, mà riêng họ phải thường chịu cảnh khốn khổ. Tuy rằng nguyên nhân của sự nghèo đói phần lớn cũng do nghiệp báo đời trước của người ấy tự tạo, nhưng nếu như ta có khả năng cứu giúp mà lại không ra tay cứu giúp, chẳng phải là dạy cho con cháu sau này không biết thương yêu nhau đó sao? Chu cấp cho người đói thiếu khốn cùng, đó là xót thương cảnh ngộ trước mắt của người. Khuyên người tùy khả năng thực hành bố thí, đó là từ bi thương xót đến đời sau của người. 
Trưng dẫn sự tích
Trâu hại chết ba người 
Vào thời đức Phật còn tại thế, có một thương gia tên là Phất-già-sa, một hôm đi vào thành La Duyệt, vừa vào bên trong cửa thành thì bị một con trâu cái húc chết. Người chủ có trâu sợ quá, gấp rút bán con trâu. Người mua trâu trong lúc dắt trâu đi uống nước thì bị nó từ phía sau húc tới, mất mạng. Gia quyến người ấy giận quá, giết chết con trâu, làm thịt đem bán. Có một nông dân mua cái đầu trâu mang về, trên đường tình cờ đi ngang một cây lớn thì dừng lại nghỉ ngơi, treo cái đầu trâu lên cành cây. Vừa ngồi nghỉ mệt trong chốc lát thì bất ngờ sợi dây buộc bị đứt, đầu trâu rơi xuống, người ấy liền bị sừng trâu đâm chết.
Bấy giờ, vua Bình Sa nghe biết mọi chuyện lấy làm lạ, liền đến thưa hỏi đức Phật. Phật dạy: “Thuở xưa có 3 người thương nhân, cùng thuê phòng trọ ở nhà một bà lão. Ba người này thấy bà già yếu cô độc, cho rằng không có sức làm gì được mình, bèn nhân lúc bà vắng nhà liền bỏ đi mà không trả tiền thuê phòng trọ. Bà lão biết chuyện lập tức đuổi theo kịp, ba người lại to tiếng mắng rằng: ‘Bọn ta đã trả tiền trước rồi, sao giờ còn theo đòi?’ Bà lão chẳng làm gì được, chỉ biết ôm mối hận thấu xương quay về, thề độc rằng đời sau gặp lại sẽ giết chết cả ba người mới hả giận. Bà lão thuở đó, nay chính là con trâu cái. Ba người thương nhân thuở đó, nay chính là Phất-già-sa với hai người kia, trong một ngày cùng bị giết chết bởi con trâu ấy.”
Lời bàn
Đó thật là đã già lại còn nghèo khó. Bọn ông Phất-già-sa... 3 người ấy chính là đã khinh thường người già yếu, lại cũng không biết thương người nghèo khó. Đến lúc đủ nhân duyên gặp nhau, nếu như món nợ cũ không trả thì còn đợi đến bao giờ? 
Người chết cứu lửa 
Vào đời Thanh, ở Hàng châu có người tên Viên Ngọ Quỳ, tên húy là Tư, bình sinh ưa thích làm việc bố thí. Gặp khi có loạn Tam phiên, vùng Triết Giang rất nhiều phụ nữ bị bắt giam giữ, Viên Ngọ Quỳ từng dốc hết tiền bạc để chuộc nhiều người ra. Ông cũng thường cho khắc in và lưu truyền những bài thuốc hay để trị bệnh, cùng với những câu cách ngôn nói về nhân quả để khuyên người đời bỏ ác làm lành. 
Vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 5, có người hầu gái của Viên Ngọ Quỳ lo việc pha trà, chứa than trong một cái thùng gỗ. Có cục than chưa tắt hẳn, lửa lan dần ra cả thùng. Thùng lại đặt bên một giường gỗ trên gác cao, rất ít người lui tới chỗ ấy. Viên Ngọ Quỳ tuy có người con gái đang bị bệnh nằm trong phòng chỉ cách đó một bức tường, nhưng không hề hay biết. Khi ấy, người con gái này bỗng nhiên nhìn thấy một cụ bà đã chết hiện ra ngay giữa ban ngày, dùng móng tay khều vào mặt cô. Cô gái kinh sợ quá, kêu thét vang trời. Nhờ đó, người trong nhà mới vội vã kéo nhau chạy lên thì nhìn thấy cái thùng gỗ đã cháy thành tro, giường gỗ bên cạnh đã cháy hết một nửa, thế lửa đang bốc lên ngày càng lan rộng ra. Mọi người phải cùng nhau tận lực mới kịp thời dập tắt được ngọn lửa. 
Cụ bà đã chết hiện hình hôm ấy vốn trước đây khi tìm đến nhà Viên Ngọ Quỳ thì đã 60 tuổi. Viên Ngọ Quỳ thấy bà không con cái nên dùng lời an ủi, cho trú ngụ trong nhà mình. Cụ bà ở lại được mấy năm thì người chồng của bà cũng tìm đến, Viên Ngọ Quỳ cũng thu nhận cho ở trong nhà nuôi dưỡng. Hai vợ chồng này vì thế hết sức biết ơn Viên Ngọ Quỳ. Cả hai người đều sống cho đến khoảng 80 tuổi mới qua đời. 
Những người biết chuyện này đều cho rằng cụ bà đã hiện hình giúp họ Viên thoát nạn cháy nhà, đó là để báo đáp ân đức của Viên Ngọ Quỳ. 
Lời bàn

Những trường hợp này là già yếu lại thêm nghèo khó. Đã thương người già, lại xót người nghèo, giúp cho cả hai vợ chồng người kia đều được chu cấp đầy đủ, âm đức như thế chẳng phải là to lớn lắm sao?
Chu cấp cơm ăn áo mặc cho người lỡ đường đói rét
Giảng rộng
Người lỡ đường đói rét không giống như người nghèo khổ khốn cùng nhưng vẫn đang được ở tại nhà mình. Nếu không phải là những kẻ ngụ cư nơi đất khách, lương tiền đã hết, ắt cũng là người gặp phải hoạn nạn khó khăn đang hết sức cần đến sự giúp đỡ. Những người như vậy là đang nằm trong hoàn cảnh nếu được giúp cho cơm ăn áo mặc thì sống, bằng không được giúp ắt phải chết. Ví như có thể vì họ mà chu cấp giúp đỡ thì tuy giá trị vật chất giúp đỡ là giới hạn, nhưng ân đức ấy quả thật vô cùng
Trưng dẫn sự tích
Liều mạng trả ơn cứu đói 
Vào đời Xuân Thu Chiến Quốc, Triệu Tuyên Tử là quan nước Tấn, có lần đi săn ở núi Thủ Dương, bỗng nhìn thấy dưới bóng mát cây dâu có một người đói lả nằm thoi thóp, hỏi ra đã 3 ngày không có gì ăn. Tuyên Tử liền mang thức ăn cho ăn. Người ấy ăn xong, chừa lại một nửa phần thức ăn. Tuyên Tử thấy vậy hỏi, đáp rằng: “Xin dành phần này cho mẹ già.” Tuyên Tử liền bảo người ấy cứ ăn hết, rồi đưa tặng một giỏ thức ăn với thịt để mang về. 
Về sau, Tấn Linh Công muốn giết Triệu Tuyên Tử, cho quân giáp sĩ phục sẵn trong cung, đợi Triệu Tuyên Tử vào thì xông ra đánh giết. Tuyên Tử cô thế lâm nguy, sắp bị giết. Bỗng nhiên có một người xông ra, liều mạng múa giáo đánh giúp, cứu Tuyên Tử thoát chết lần ấy. 
Tuyên Tử hỏi tên, người ấy đáp: “Tôi là người sắp chết đói nằm dưới gốc dâu năm xưa.” Lại muốn hỏi cho rõ tên họ, nơi ở, người ấy không đáp mà bỏ đi. Sau có người biết được nói rằng: “Người ấy tên Linh Chiếp.”
Lời bàn
Làm ơn cho người một bữa ăn, nhờ đó mà được cứu sống; tặng người một manh áo, liền được niệm tình tha chết. Ai dám xem thường cho rằng giúp cơm áo đó, chẳng qua chỉ là việc giúp kẻ đói rét giữa đường mà thôi sao? 
Mau sinh quý tử 
Thân phụ của Phùng Trác Am ngày thường luôn vui vẻ ưa thích làm nhiều việc thiện. Một hôm giữa mùa đông, sáng sớm ông ra đường bỗng gặp một người té ngã nằm ngất trong tuyết lạnh, sờ vào thấy đã tê cứng nửa người. Ông liền cởi áo ấm lông cừu của mình mặc vào cho người ấy, đưa về cho ăn uống đầy đủ, lo lắng chu đáo mọi bề. 
Không lâu sau, ông nằm mộng thấy Đông Nhạc Đế hiện đến bảo rằng: “Số mạng của ông vốn dĩ không có con, nay nhờ cứu sống mạng người, do lòng thành đó mà Ngọc Đế đặc biệt có lệnh cho Hàn Kỳ đến làm con trai nhà ông.” Sau đó liền sinh được con trai, nhân nơi giấc mộng mà đặt tên là Phùng Kỳ, sau mới lấy tên hiệu là Trác Am. 
Phùng Kỳ từ thuở thiếu niên đã tài trí hơn người, 20 tuổi được liệt vào hàng văn sĩ tài danh, 36 tuổi thì đã phụ tá cho quan Tể tướng. 
Lời bàn
Ở quê tôi trước đây cũng có tổ chức một hội Đồng Thiện, ngoài việc giúp đỡ tiền bạc, lương thực cho những người cùng khổ, mỗi mùa đông chúng tôi đều mua rất nhiều chăn bông cũ để giúp cho những người thiếu thốn chăn mền. Hội này ban đầu do Viên Ngọ Quỳ người Triết Giang đề xướng thành lập. Sau Viên Ngọ Quỳ trở về Triết Giang, bọn chúng tôi vẫn theo nếp cũ mà làm, chỉ riêng nhóm ông Cao Điện Cửu có một số người không tham gia nữa mà thôi.
Giúp quan quách cho nhà nghèo khó để thi hài người chết được ấm cúng
Giảng rộng
Máu mủ, thịt xương... một đãy da. 
Điên đảo mê lầm nhận thân ta. 
Tắt hơi mới biết toàn hư ngụy
Bao nhiêu xú uế thảy bày ra. 
Đó chẳng qua cũng chỉ là chỗ tâm bệnh hết sức thông thường của phần lớn người đời. 
Như gặp người có hoàn cảnh bất hạnh, gia đình cùng khốn, không có tiền bạc lo việc an táng người đã chết, hoặc phải để lại qua 3 ngày, hoặc 5 ngày, cho đến 6 tháng, 7 tháng, hình hài thối rửa chẳng còn gì, đến mức người thấy nghe đều không sao chịu nổi... nếu có thể giúp cho họ một cỗ áo quan, giúp đỡ chi phí để an táng thi hài người chết, như vậy đâu phải chỉ riêng người chết thực sự hàm ân kết cỏ ngậm vành mà thôi sao? Xét như tâm niệm an táng thi hài người chết, phàm bất kỳ ai nghe biết đến sự việc ắt cũng đều nên thay người mà lo việc chôn cất. 
Trưng dẫn sự tích
Mai táng hài cốt, hưởng quả tức thì 
Đời Nguyên, ở Hội Kê thuộc tỉnh Triết Giang có người tên Đường Giác, nhà nghèo khó, nhận dạy học trò để sinh sống. Năm Mậu Dần, tướng lãnh nhà Nguyên khai quật lăng tẩm họ Triệu (hoàng gia triều Tống), di cốt đứt đoạn vất bỏ trong chỗ rậm rạp hoang dã. Đường Giác biết việc ấy hết sức đau lòng, liền gom hết tiền bạc trong nhà được một ít, mua rượu thịt mời bọn thiếu niên trong làng cùng ăn uống. Đợi khi cả bọn đều say sưa, mới bí mật nhờ chúng chôn lấp hài cốt họ Triệu. Cả bọn đều nghe theo. Sau khi làm được việc nghĩa như thế, tên tuổi của Đường Giác được rất nhiều người biết đến. 
Sang năm sau Kỷ Mão, vào ngày 17 tháng giêng, Đường Giác đang ngồi bỗng dưng chết giấc. Hồi lâu sống lại, kể chuyện vừa rồi đi đến một ngôi bảo điện, trên điện có một người đội vương miện, bước xuống chào nói: “Nhờ ơn ông chôn lấp hài cốt, sẽ báo đáp ân đức. Ông số mệnh kém lắm, nghèo khổ không có vợ con, nay lòng trung nghĩa cảm động thấu trời, Ngọc Đế truyền ban cho ông sẽ thành gia thất, sinh được 3 người con, ruộng đất được 300 mẫu.” Đường Giác bái tạ lui ra, liền giật mình sống lại
Không lâu sau bỗng có Viên Tuấn Trai đến Hội Kê tìm thầy dạy cho con, vừa xuống xe liền gặp người giới thiệu Đường Giác. Viên Kính Trai được biết Đường Giác trước đây từng nổi tiếng làm việc nghĩa nên đặc biệt hết sức kính lễ. Sau đó liền đứng ra lo việc hôn nhân, giúp Đường Giác kết hôn với một người con gái của Quốc công, được thừa kế ruộng đất vua ban. Mọi chi phí tốn kém đều do Viên Tuấn Trai bỏ ra lo liệu. Sau Đường Giác sinh được 3 người con trai, quả đúng như lời thần báo trước
Lời bàn
Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ 3 triều Bắc Tống, có chiếu chỉ của triều đình yêu cầu tất cả các châu huyện đều phải chọn chỗ đất cao thoáng không canh tác được trong địa phương mình để lập thành khu mai táng công, gọi là Lậu trạch viên. Những hài cốt không thân nhân trước đây được gửi gắm nơi chùa chiền, đạo quán, giờ cũng quy tập về chôn trong đất này. Ngoài ra, triều đình cũng cho kiến lập Tăng xá để lo việc tế cúng, cầu siêu độ cho các vong linh trong địa phương. Đến niên hiệu Hồng Vũ triều Minh, cũng có sắc chỉ của triều đình yêu cầu thực hiện như trên, lại có chế định thành điều lệnh rõ ràng
Tôi cũng từng thấy bên trong thành Tô Châu, ở góc phía tây bắc có lập 2 gian thạch thất, hết sức kiên cố, mỗi gian đều có ô cửa mở đường kính chừng một thước, dùng để đưa hài cốt vào bên trong. Lại thấy dùng màu sắc vẽ thành các ký hiệu bên ngoài để phân biệt hài cốt đó là người xuất gia hay tại gia, nam hay nữ... Nơi ấy được gọi là tháp Phổ Đồng. Ví như người quân tửlòng nhân ái, có thể mô phỏng làm theo như thế, âm đức thật hết sức lớn lao. 
Làm con để báo ân 
Thượng Lâm làm quan huyện lệnh Vu Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, có viên huyện úy tên Lý Chú bị bệnh mà chết. Thượng Lâm giúp tiền bạc đưa người mẹ của Lý Chú cùng với thi hài của ông về quê ở Hà Đông. Sau đó lại tìm một nhà danh giá mà đứng ra gả con gái của Lý Chú về làm dâu. 
Một đêm nọ, Thượng Lâm nằm mộng bỗng nhìn thấy Lý Chú hệt như lúc còn sống, bái lạy ông mà khóc rồi nói rằng: “Số mệnh ông vốn không có con, đội ơn ông giúp đỡ nên tôi đã hết sức thỉnh cầu Ngọc Đế, ngài cho tôi được làm con nối dõi nhà ông.” Trong tháng ấy, quả nhiên vợ Thượng Lâm có thai. 
Sang năm sau, Thượng Lâm từ quan về quê, một hôm lại mộng thấy Lý Chú nói: “Ngày mai tôi sẽ ra đời.” Quả nhiên hôm sau vợ Thượng Lâm sinh một bé trai. Nhân đó liền đặt tên là Thượng Dĩnh. Lớn lên hiếu thảo, hiền hậu trung thực, sau làm quan đến chức Tự thừa. 
Lời bàn
Như thế gọi là làm con để trả nợ cho cha. Đời trước của Lý Chú ắt hẳn cũng đã tu tích phước đức, nên đời này tuy sinh ra để báo ân cho người, nhưng bản thân cũng được hưởng phú quý. Cho dù nói thế, nhưng trong biển nghiệp thức mênh mang mờ mịt, muốn tự nhìn lại mình e cũng không có dịp. 
Nhà giàu sang phải nâng đỡ thân thích 
Giảng rộng
Người giàu sang nên tự có suy nghĩ rằng: “Đều sinh làm người cả, vì sao người kia phải chịu cảnh nghèo khổ, vì sao ta được giàu sang? Ắt hẳn là do đời trước ta đã biết gieo trồng đôi chút phước lành, còn người kia thì không. Ví như đời trước ta chưa từng làm điều hiền thiện, đời nay làm sao được thọ hưởng như thế này?”
Nghĩ như thế thì trong lúc đang được hưởng phước ắt phải lo tính việc gieo trồng phước đức. Cũng giống như ăn quả phải giữ lại hạt và gieo trồng cho năm sau, hoặc cũng giống như thắp một ngọn đèn dầu, phải nghĩ đến việc châm thêm dầu trước khi đèn tắt. 
Người thế gian thường cho rằng sự giàu sang thể hiện ra dung mạo con người, nếu gặp lúc nguy nan gấp rút vẫn giữ được dung mạo ung dung, không lộ vẻ quẫn bách ra mặt, ắt phải là người giàu sang. Nhưng với những kẻ nô lệ cho tiền bạc, lúc nào cũng lo sợ những người thân thích đến phiền nhiễu vay mượn nên trước đã tự làm ra vẻ túng quẫn khốn khó, khiến người khác dù muốn nhờ cậy cũng khó lòng mở miệng. Với những kẻ ấy, nếu xét về tiền bạc của cải thì quả là giàu có, mà xét theo dung mạo thì e rằng không đúng thật.
Trang nghiêm luận nói rằng: “Người biết đủ là người giàu có nhất.” Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu có nhiều tiền bạc của cải nhưng không thể làm việc bố thí giúp người, thì vẫn chỉ là kẻ nghèo khốn mà thôi.” Những lời ấy thật đúng lắm thay!
Trưng dẫn sự tích
Đãi canh rau thành tên gọi 
Đời Bắc Tống, vào thời Tống Thái Tông, Trương Bí phụ trách Sử quán, trong nhà lúc nào cũng đãi ăn rất nhiều khách. Một hôm, Tống Thái Tông hỏi Trương Bí: “Vì sao nhà ông lại nhiều khách đến ăn uống thế?” Trương Bí đáp: “Đó đều là những thân thích, bằng hữu của hạ thần nơi quê cũ. Họ là những người nghèo khó, không kiếm đủ miếng ăn. Thần được hưởng bổng lộc của triều đình, cũng xem là có dư dả, nên các vị ấy thường đến nhà thần ăn uống, bất quá cũng chỉ là cơm rau đạm bạc mà thôi.” 
Một hôm, Tống Thái Tông sai người bất ngờ đến nhà Trương Bí, đúng vào lúc khách đang ăn uống, quan sát thấy quả đúng chỉ là cơm gạo thô với canh rau mà thôi. Thái Tông hết lời khen ngợi, nhân đó gọi ông là Trương Thái Canh. 
Lời bàn
Vào đời Xuân Thu, Án Anh làm Tể tướng nước Tề, trong suốt 30 năm chỉ mặc mỗi một chiếc áo hồ cừu, tế tự dùng một cái đùi lợn nhỏ không đủ che trọn đĩa, thế mà người thân trong ba họ đều được hưởng nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ. Phạm Văn Chánh Công tự mình suốt đời sống nghèo thanh bạch, nhưng thân tộc nương dựa vào ông để sống qua ngày có đến hơn trăm nhà. Do đó mà có thể biết rằng, nếu muốn giúp đỡ cưu mang thân tộc, thì trước tiên phải tự mình biết giữ theo nếp sống kiệm ước thanh bần
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/09/2021(Xem: 20993)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.