PHẬT HỌC TINH HOA
Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh
Phật Học Tinh Hoa LỜI NHÀ XUẤT BẢN THAY LỜI TỰA Những ai nghiên cứu Phật học tại Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn lớn, là vì: 1. Những điểm thâu nhập trong các sách, các báo đều tản mác, nên người học Phật không có được cái nhìn bao quát, không nắm được toàn bộ hệ thống tư tưởng của Phật học. 2. Các bộ Kinh sách tuy nhiều, nhưng cao quá; người đọc không thể hiểu nổi vì không có những chìa khóa để mở cửa mà vào trong; 3. Những sách phổ thông có nhiều, nhưng lại viết theo mực độ đơn giản và quá thấp, đôi khi lại kèm theo những điều khẳng định không chứng minh, cho nên không hấp dẫn được những tầng lớp thanh niên có học hiện nay-họ có thể nghĩ rằng Phật học quá bí hiểm và như vậy là không hợp lẽ khoa học, hoặc là Phật học quá thấp. Cố nhiên đạo Phật nếu quá bí hiểm, thì đã không được lan tràn rộng rãi, và nếu quá thấp thì đã không hấp dẫn được những trí óc khoa học của người Tây Phương. Tất cả chỉ là vấn đề biết trình bày hệ thống tư tưởng Phật học cho chính xác, đầy đủ hay không mà thôi. Từ lâu, chúng tôi vẫn ước mong được thấy một cuốn Phật học Tinh hoa, thỏa mãn cho các điều kiện sau đây: 1. Có tính cách tổng hợp và cho người đọc một cái nhìn bao quát để thấy rõ hệ thống Phật học và những điểm tư tưởng tiến triển từ phái Tiểu thừa đến các phái Đại thừa. 2. Dẫn giải cho rõ ràng và đầy đủ. 3. Nâng sự nghiên cứu lên đến độ cao, cho hợp với phong trào tìm hiểu của những lớp người có học. Điểm này rất cần thiết, vì phải hiểu đạo Phật ở một độ cao, mới có thể tự nghiên cứu và tìm hiểu được các kinh sách. Phải hiểu đạo Phật ở một độ cao, mới có các chìa khóa để thật sự bước vào Phật học. Ông Thu Giang không phải gần đây mới nghiên cứu Phật học, mà ông đã nghiên cứu từ lâu, từ mấy chục năm về trước, với những tài liệu súc tích rất nhiều: những sách Âu Mỹ, những sách Hán Văn, những bộ kinh Luận… Không phải ông chỉ tìm hiểu trong sách, ông lại còn đi học hỏi ở những vị cao tăng, không ngần ngại bút đàm hay nhờ thông ngôn để đàm thoại với những cao tăng Trung Quốc, và ông lại còn tìm hiểu ở những vị tu tại gia đắc quả. Chính ông cũng đã công phu thực tập các phép quán định lâu dài… Tôi biết ông Thu Giang đã say sưa ngày đêm để viết cuốn sách này, đã cố gắng diễn đạt cho thật đúng, thật hay, và ông cũng lại đã từng xé bỏ từng chương trong bản thảo chỉ vì chưa thấy diễn đạt được hết ý tưởng của mình như lòng mong muốn. Những điểm ấy khiến cho tôi càng trông đợi cuốn sách hoàn thành, và càng tin tưởng rằng nó sẽ không phụ lòng mong đợi của tôi. Khi cuốn sách được viết xong, và khi tôi cần đến toàn bộ bản thảo để đọc, thì đột nhiên, tôi lại chợt nghĩ rằng “những kẻ càng mong đợi nhiều sẽ càng dễ bị thất vọng nhiều”!!! Tôi đã đọc bản thảo với ý nghĩ ấy. Mấy chương đầu không đem lại được những gì mới đặc biệt, mặc dù đã nêu ra được những ý niệm đầu tiên cần thiết. Chương phân tích về lịch sử Phật giáo, và tìm hiểu những sự khác nhau giữa Tiểu thừa và Đại thừa, đã cho những người am hiểu nhiều ý niệm rõ rệt, nhưng lại có thể đem lại nhiều bỡ ngỡ cho người mới bước chân vào Phật học. Đến chương về thuyết “Nhân Quả” và về “Bình Đẳng” của Phật Giáo thì thấy là cả một sự bừng sang, một chân trời mới bỗng dung rộng mở. Tinh hoa của quyển sách là ở đây, và căn bản của Phật học đã được trình bày thật hợp với lòng mong ước của tôi, nghĩa là quyển sách đã: - Nắm được bao quát hệ thống tư tưởng; - Tìm hiểu đầy đủ, cả những điểm bí hiểm nhất. - Giải thích rất rõ ràng. - Tiến vào mực độ cao của Phật học. Một nét đặc biệt nữa, là ông Thu Giang đã xử dụng lối học mới để dẫn giải, luôn luôn phân tích và tổng hợp, có lúc dùng cả những sơ đồ giải thích. Khoa học tân tiến nhất ngày nay cũng được xử dụng để giải thích và chứng minh Phật học. Sau khi đọc xong quyển sách tôi mới đột nhiên khám phá ra rằng: Phải đọc hết những chương cuối rồi mới lại nhận ra được sự quan trọng của những chương đầu mà khi đọc qua lần đầu tiên khó lòng ý thức kịp. Do đấy tôi riêng nghĩ người học Phật không nên tự tin sẵn rằng mình sẽ đọc đâu hiểu đấy; mà sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần cả cuốn sách: mỗi lần đọc lại, sẽ tìm thấy sự hiểu biết của mình rộng hơn và cao hơn. Đọc đi và đọc lại, bấy giờ mới nhận ra rằng tất cả các chương trong cuốn sách đều rất cần thiết cho việc học Phật, và mỗi chương đều có một trách vụ đặc biệt của nó. Như chương thứ hai nói về Lịch sử Phật Giáo và những điểm dị biệt giữa Tiểu thừa và các phái Đại thừa, có một công dụng rất đặc biệt cho việc tìm hiểu kinh sách và lịch trình phát triển của tư tưởng Phật học, tưởng như đôi lúc có những mâu thuẫn mà thật ra vẫn theo một hệ thống nhất định… không chút nào mâu thuẫn cả. Bộ sách này, đọc sau những quyển sách phổ thông về Phật học, chính sẽ là cái chìa khóa để mở đường vào những cuộc nghiên cứu sâu rộng về Phật học như vào việc nghiên cứu các bộ kinh như Lăng Nghiêm Pháp Hoa, Hoa Nghiêm… với cái chìa khóa đó, người học Phật sẽ hiểu được dễ dàng các bộ kinh “bí hiểm” ấy. Bộ sách này cũng sẽ là căn bản cho những vị tu phép quán định được vững vàng trong trí huệ để khỏi sa vào những mê tâm tà chướng. TRẦN VIỆT SƠN |
- Từ khóa :
- Nguyễn Duy Cần
- ,
- phat
- ,
- hoc
- ,
- tinh
- ,
- hoa