Giới Thiệu Phần II Của Biên Khảo Nālandā -- Truyền Thừa, Truyền Nhân Và Giáo Pháp

06/07/20234:33 SA(Xem: 3165)
Giới Thiệu Phần II Của Biên Khảo Nālandā -- Truyền Thừa, Truyền Nhân Và Giáo Pháp

GIỚI THIỆU PHẦN II CỦA BIÊN KHẢO

NĀLANDĀ 
TRUYỀN THỪA, TRUYỀN NHÂN
GIÁO PHÁP

 

Nālandā - Truyền thừa, Truyền nhân và Giáo Pháp
Nhân dịp sinh nhật đức Đạt-lai-lạt-ma thứ 14. Xin trân trọng giới thiệu Phần II của Biên khảo Nālandā Truyền thừa, Truyền nhân và Giáo Pháp vừa được nhà Hương Tích giới thiệu và xuất bản. Sách dày 460 trang 1
.

Trong giới Phật tử chúng ta, có lẽ không mấy ai không biết đến lời dạy vô cùng hữu ích của đức Phật về thái độ nên có trước mọi sự kiện:

Cũng như người thợ bạc sáng suốt thử vàng bằng cách đốt lên, cắt và cọ xát trên hòn đá để thử vàng, Cùng thế ấy, các con nên chấp nhận những lời của Như Lai sau khi thận trọng xét đoán, chớ không phải chỉ vì tôn kính Như Lai.

Tuy vậy, có bao giờ chúng ta tự hỏi xem lời dạy này của đức Phật có thể truy nguyên từ kinh văn nào? [1]

Học theo tôn chỉ trên, Biên Khảo này này rất chú trọng đến việc truy nguyên những giáo luận hay kệ giảng được trích dẫn. Người trình bày đã có một nỗ lực rất lớn truy cập các nguồn Đại Tạng Kinh-Luận để cống hiến người đọc một nguồn thông tin xác thật nhất khả dĩ.

Phần II, trình bày tiểu sử, giai thoại (nếu có), và danh sách đầy đủ các công trình của những học giả lừng lẫy, vốn từng sinh hoạt hay giảng dạy tại Nālandā cũng như là các vị học giả về sau nhưng có hoạt độngsinh hoạt chứng tỏ xuất thân hay tu học theo truyền thống của học viện. Trong đó, bao gồm việc ưu tiên chắt lọc và tổng hợp các thông tin về giáo thuyết hay tư tưởng triết học của các hiền nhân Nālandā, nhằm giúp độc giả nhân dịp được biết nhiều hơn về mỗi hiền nhân nói riêng và các trường phái Phật giáo vốn được dung dị trong môi trường đại tự viện Nālandā.

Riêng về đức Phật Thích-ca-mâu-ni, vốn là vị “sơ tổ” của mọi truyền thừa thì khó thể bỏ qua việc ghi khắc dấu chứng của Ngài trong biên khảo. Thay vì kể lại về cuộc đời hoạt động của Ngài, vốn đã được trình bày từ rất nhiều nguồn thông tin, thì một số truyện kể có ý nghĩa về tiền thân của đức Phật cũng như là một số nội dung về cung cách ứng xử khéo phương tiện và hoàn mỹ của Ngài qua các kinh điển được tuyển lựa để trình bày.

Hầu hết các thông tin về các truyền nhân của Nālandā lấy từ các nguồn ghi chép trong các tài liệu lịch sử, chủ yếu từ các truyền thống Phật giáo Tây Tạng và thứ đến là từ Phật giáo Trung Hoa, một số ít hơn đến từ truyền thống Phật giáo Pali. Thông tin được kiểm chứng thêm từ các kinh luận trong Đại Tạng Kinh-Luận Adarsha Dergé.

Song song với những điều trên, nhiều tình tiết liên can đến đời sống hay hành xử của các nhân vật trong biên khảo, được kể lại với màu sắc dường như là huyền thoại. Dù sao, chúng tôi vẫn sẽ hết sức tôn trọng sự miêu tả của các sử gia hay tác giả Tạng, Hoa, và Ấn mà không bình luận thêm về các chi tiết như thế.

Nội dung của phần II cũng sẽ góp phần miêu tả bức tranh sống động về tầm mức của những vỹ nhân đã từng sống, hoạt động, giảng dạy, hay trước tác tại Nālandā. Trong lúc trình bày, thông qua diễn tiến của các sự kiện được kể lại từ các sử gia và các học giả, chúng tôiđể tâm chắt lọc những dữ kiệnliên can đến triết lý hay nhân sinh quan mà qua đó chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về quan điểm hay trường phái mà các đại sư này theo đuổi.

Nhìn chung, khi viết xuống, chúng tôi gặp một hiện tượng thật sự không cân đối về lượng thông tin cho các hiền nhân khác nhau. Các vị càng nổi tiếng (như Long Thụ và Nhiên Đăng Cát Tường Trí chẳng hạn) thì càng có nhiều dữ liệu có tính phân hóa viết về hay gán cho họ, nên rất khó sắp xếp lọc lựa và loại trừ hết các sai biệt. Do vậy, có thể sẽ có một ít thông tin khó kiểm nhận. Ngược lại, có nhiều vị mà chuyện kể về họ chỉ có vài dòng (như Đức Quang, Hữu Năng Quang chẳng hạn). Sự có mặt của thông tin theo thời gian cũng có nhiều khác biệt, các hiền giả càng gần với thời nay bao nhiêu, thì càng có nhiều dữ liệu về đời tư của các ngài ấy hơn bấy nhiêu.

Nói tổng lược, sự trình bày về các hiền nhân được chia làm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm các học giả Phật giáo được đề cập trong Kệ Hướng Nguyện của Thánh Đức Dalai Lama lên 17 Đại Trí Giả của Truyền Thừa Nālandā.

Trừ trường hợp các giáo thọ Nālandā mà hoạt động chính của họ là Giới Luật và kinh Bát-nhã, do tầm ảnh hưởng lớn lao về mặt giáo thuyết, với các hiền nhân thuộc nhóm này, nếu khả dĩ, chúng tôicố gắng trích dẫn từ trước tác của họ một ý kệ tinh túy. Các kệ này, được in nghiêng, khả dĩ đáng để chúng ta lưu tâm học hỏi sâu hơn về tác giả hay ý nghĩa. Các câu kệ đó sẽ được ghi rõ nguồn chánh văn của lời dạy trong chú thích được như trích lừ tác phẩm nào trong Đại Tạng Luận (Tengyur).

 

Nhóm thứ hai sẽ là các hiền nhân quan trọng khác thuộc truyền thống Nālandā cũng có tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử Phật giáo Đại thừa nói chung, Phật giáo Tây Tạng, và một phần Phật giáo Pāli nói riêng.

Trong nhóm này, đặc biệt có các ghi nhận về cuộc đời của hai vị đại đệ tử vào lúc đức Phật tại thế, vốn có nhiều hoạt động gắn liền với thánh địa Nālandā. Dữ liệu về hai vị này được trích xuất từ luận án tiến sĩ của Thích Huyền Vi, từ sách của Nyanaponika, cũng như từ vài thông tin của các trí giả hiện đại khác. Đó là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Kế đến là các hiền nhân nổi trội của Nalanda thuộc cả hai dòng truyền Hán và Tạng.

Với dòng truyền Tạng, sự trình bày bao gồm qua Nāropā, Liên Hoa Sanh, Tsongkhapa, và đức Dalai Lama. Với dòng truyền Hán sẽ có Mã Minh, Huyền Trang, và Nghĩa Tịnh.

 

Bên cạnh, các chi tiết được kể lại, nếu đủ duyên, các trích dẫn sẽ được truy lùng và ghi lại chánh văn từ các Đại Tạng Kinh-Luận mà chủ yếu là của Dergé (nguồn Tạng ngữ) và một ít từ CBETA (nguồn Hán ngữ).

Trong các ghi nhận sưu khảo, chúng tôitham khảo các danh mục chính từ Tạng ngữ là[2]: Dergé (tib. སྡེ་དགེ་བསྟན་འགྱུར) (Nyingma Dergé và Tōhoku). Sau đó, nếu cần là các danh mục khác như Nathang (tib. སྣར་ཐང་བསྟན་འགྱུར) (Otani), và Bắc Kinh (tib. པེ་ཅིན.བཀའ་བསྟན་དཀར་ཆག) (Peking). Ngoài ra, có các nguồn về Đại Tạng Kinh Hán Ngữ là A Catalogue of The Chinese Translation of The Buddhist Tripitaka (Nanjio), Mục Lục Đại Chánh Tân Tu (Minh Tiến) và Đại Tạng Kinh Hàn ngữ là Mục Lục Miêu Tả Phật Giáo Hàn Quốc (Lewis) cũng đôi khi được dùng tham chiếu khi cần. Riêng về các tác phẩm hay các trích dẫn về Tsongkhapa sẽ lấy từ danh mục Sungbum (གསུང་འབུམ་). Danh sách các tác phẩm của đức Dalai Lama sẽ được lấy từ trang WEB của văn phòng đại diện của ngài.

Cuối cùng, trong phần II này có một số thông tin được chúng tôi mạnh dạn khai thác các công nghệ của Máy học (Machine Learning) và Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence). Tuy nhiên, do khả năng của ngành công nghệ hiện đại này vẫn chưa hoàn mỹ, nên các thông tin thu được đều được so sánh, chắt lọc và hiệu đính lại cho chính xác. Trong một số trường hợp, các thông tin đó bị loại bỏ vì không phù hợp về logic.

Do có rất nhiều dữ liệu cổ, đa dạng, và phức tạp, khó tránh khỏi thiếu sót. Kính mong nhận được các phê phán hay hỗ trợ từ các bậc trí giảđộc giả. Xin chân thành cảm tạ.

 

Mùa Thu năm 2022,

Làng Đậu Cung Kính
(lang.dau@gmail.com)


[1]Riêng hai nguồn tltk: Tōhuku (1934) và Minh Tiến, do các khiếm khuyết về các trước tác, chỉ được tham khảo rất hạn chế.


[1]Hầu hết các chú giải về nguyên gốc đêu cho là đoạn kinh văn trên trích từ Jñānasāra-samuccaya. Rất tiếc là không thấy được cứu xa hơn. Tập 2 của biên khảo có đưa ra chi tiết dẫn nguồn của lời giảng này.

[2]Riêng hai nguồn tltk: Tōhuku (1934) và Minh Tiến, do các khiếm khuyết về các trước tác, chỉ được tham khảo rất hạn chế.




Tạo bài viết
01/12/2024(Xem: 49226)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…