CHỨNG ĐẠO CA
Tác giả: Thiền sư Huyền Giác
Dịch giả: Cư sĩ Trúc Thiên
Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành lần thứ nhất tại Saigon năm 1970
Cơ Duyên Chứng Đạo
Của Thiền Sư Huyền Giác
Tác giả: Thiền sư Huyền Giác
Dịch giả: Cư sĩ Trúc Thiên
Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành lần thứ nhất tại Saigon năm 1970
Cơ Duyên Chứng Đạo
Của Thiền Sư Huyền Giác
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác[1] là con nhà họ Đới ở Châu Ôn[2]. Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa[3] phát sáng.
Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách[4] hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.
Sách nghe Giác nói lời nào cũng thầm hiệp ý chư Tổ bèn hỏi rằng: “Nhân giả được pháp với thầy nào?”
Giác đáp: “Tôi nghe kinh luận Phương Đẳng[5]”, mỗi mỗi đều có thầy truyền dạy. Sau do kinh Duy Ma mà ngộ được tâm Phật[6] chưa có người chứng minh cho.”
Sách nói: “Từ thời Phật Oai Âm Vương[7] trở về trước thì được, nhưng từ thời Phật Oai Âm Vương trở về sau, không thầy mà tự ngộ thì toàn thuộc phái ngoại đạo thiên nhiên.”
Giác nói: “Xin nhân giả chứng giùm tôi.”
Sách nói: “Lời tôi thiếu sót lắm. Nay tại Tào Khê có đại sư Huệ Năng, bốn phương người đổ dồn về đó mà thọ pháp với Ngài. Nếu ông muốn chúng ta cùng đến đó.”
Giác bèn theo Sách đến viếng Tổ sư.
Giác đi quanh Sư ba vòng[8], xong chống Tích trượng đứng.
Sư nói: “Phàm là sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi[9], tám muôn tế hạnh[10]. Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy?”
Giác đáp: “Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng lắm[11].”
Sư nói: “Vậy sao chẳng thể nhận cái lý “vô sanh”? Thấu rõ cái nghĩa “không chóng”?”
Giác đáp: “Thể tức “vô sanh”, thấu vốn “không chóng””.
Sư nói: “Đúng vậy! Đúng vậy!”
Huyền Giác bèn dùng hết oai nghi mà vái lạy, giây lát xin cáo về.
Sư hỏi: “Về chóng thế sao?”
Giác đáp: “Vốn mình chẳng phải động, há có mau chóng sao?”
Sư hỏi: “Ai biết chẳng phải động?”
Giác đáp: “Đúng là tại nhân giả sanh tâm phân biệt.”
Sư nói: “Ông thực đã thấu cái ý vô sanh.”
Giác hỏi: “Vô sanh há có ý sao?”
Sư vặn lại: “Không ý thì ai phân biệt đây?”
Giác đáp: “Phân biệt cũng chẳng phải là ý.”
Sư nói: “Tốt lắm! Hãy nán lại một đêm.”
Nhân đó, người ta gọi là “Một đêm giác ngộ.”
Sau này Huyền Giác có soạn bài Chứng Đạo Ca được truyền tụng trong đời. Người sau truy tặng ngài là Đại sư Vô Tướng. Đương thời tôn Ngài hiệu Chân Giác vậy.
Pháp Bửu Đàn Kinh
(Phẩm Đệ Thất: Cơ Duyên)