Thư Viện Hoa Sen

1. Lẫy lừng lâu đài ảo ảnh

21/04/20185:02 SA(Xem: 4750)
1. Lẫy lừng lâu đài ảo ảnh
VẾT CHÂN TỰ NGà
TRÊN ĐƯỜNG VỀ KHÔNG
NHỤY NGUYÊN
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 

 

Lẫy lừng lâu đài ảo ảnh

 

Lâu Đài Ảo Ảnh, cũng là Nhà Tù Luân Hồi được Đức Phật tìm mọi phương tiện khuyên/giúp chúng sanh ra khỏi. Một hành giả khi phát hiện ra bản chất ảo của ngôi nhà tù mình “trú ngụ”, đồng với việc phát hiện kẻ gian từ lâu đeo mặt nạ sống ký sinh hủy hoại ta. Nhưng việc phá nhà tù này không phải diệt trừ, mà là một sự chuyển hóa nội tâm quyết liệt đầy bao dung.

Tham đắm ảo ảnh, tôi và bạn mặc nhiên để ảo ảnh chi phối toàn triệt thân tâm. Khu vườn đối diện nhà tôi có cây mai lớn, năm vừa rồi qua đến giữa tháng 2 âm lịch hoa mới bung vàng rực vào dịp mưa phùn se lạnh. Tôi đứng ngắm một hồi, cũng đẹp, nhưng cảm giác nhàn nhạt. Phải rồi, nếu cây mai bung nụ nghinh xuân thì tôi bàng hoàng, đôi khi còn khuỵu xuống bởi niềm rung cảm sâu xa của thọ ấm. Vẻ đẹp cây mai không khác, chỉ khác là nó đặt nhầm thời gian nên tầm thường. Để thấy bản thân hoa mai không đẹp như ta tưởng, mà chính bởi cái ký ức ảo về ngày xuân rộn ràng vô tình tôn vinh nó. Chúng ta nhìn một cây mai nở đúng dịp tết thực chất bị ảo giác mê dụ. Chúng vốn ảo, ta lại không nhận chân tâm đang chiếu soi; ta nhận niệm ảo và theo chúng để vay mướn niềm ân hưởng tội nghiệp. Chúng ta bị không gian tết bao phủ và chính điều này tô sơn lên lâu đài ảo ảnh. Chúng ta có cái đợi mong nên xuân đến vui mười phần, xuân đi ắt khổ mười phần không kém. Còn đợi chờ tức ta từ chối sống với thực tại. Xuân đến cũng là thực tại trong từng giây phút, xuân đi bạn và tôi cũng không thể ra khỏi thời thời khắc khắc thực tại; nhưng chúng ta vì nghiệp ảo nên khước từ để rồi chung sống với những xác thời gian.

Chấp vọng ảo là chấp lấy lục đạo, không hề muốn nhận cái có sẵn luôn ở đó chiếu soi. Có lần tự vấn, biết đâu cha mẹ trước lúc đặt tên cho tôi cũng từng đưa ra vài cái tên khác chọn lựa. Nếu không phải tên tôi bây giờ, mà là cái tên khác, thì nay người ta chửi đến “tên tôi”, tôi có màng để tâm?! Cái tên, nó thậm chí không có ý nghĩa gì, song sự chấp trước khiến ai vừa gọi liền vểnh tai nghe xem người ta khen hay chê mình để rồi vọng động thị phi. Giả như tôi xuất ngoại, do không rành ngoại ngữ, người tây chửi, cái tên tôi họ cũng tây hóa thành ra tôi nào biết họ đang chửi mình lút đầu lút mặt. Bởi tôi chấp tên, chấp cái ngã là mình nên ai đụng vào liền như con nhím xù lông. Và cái tên tôi bây giờ có phải là định nghĩa hoàn toàn đúng cho thân tâm tôi? Rõ là không? Nó giả danh. Cũng vậy, ta đang uống nước chè thì không thể gọi một cái tên khác trừ một đứa trẻ chưa biết ngôn ngữ. Như vậy chè không phải là chè cũng như bất cứ thứ gì trên trần gian. Tôi và bạn chấp chặt mùi vị âm thanh sắc tướng bởi do cái quy định và đặt tên đầu tiên, chúng được lưu trong tàng thức bởi sự quy ước của số đông như đồng tiền hàng ngày ta không thể gọi một tên khác trong lúc bản chất của tiền rỗng không, vốn chỉ là giấy và màu mực. Con chó con mèo cũng chỉ là giả danh được đặt/gọi lần đầu tiên, thành quen, thành ra… nó. Rồi vạn tỉ cái tên khác nếu chúng ta đưa ra xét, thực không liên quan gì đến bản chất của sự vật đó, nghĩa là nó dường như là cái tên gọi cho vui, như chính tên cây Thì Là cổ tích vậy. Còn những cái tên tạm gọi có nghĩa, như chữ tượng hình thuộc hàng cao minh, nó cũng chỉ đúng trong cõi người, hoặc rộng thêm chút thì lấn qua lục đạo, ra ngoài liền chẳng đúng nữa. Xét thêm ở cái nhìn. Nhân vật A rất nổi tiếng, từ lâu tôi vẫn nghĩ ai cũng có cái nhìn về hình tướng của A và cùng có suy nghĩ về A như tôi; bây giờ cảm nghiệm không phải, mà mỗi người đều có ấn tượng khác nhau về khuôn mặt của A. Đáng thương xót là tôi không nhảy được vào mắt bạn và vào mắt bao người để thấy và cảm nhận cái ấn tượng có đúng như tôi thấy và cảm về A hay không; tôi cũng không nhảy vào được tâm ý của họ để xem họ nghĩ về A có giống tôi nghĩ về những tính cách sờ sờ bề nổi của A hay không. Đó là xét trong một loài. Còn khác loài giả như con vịt, chó mèo nhìn con người mà khoa học đã đưa máy vào mắt chúng để nhìn con người thì quá khôi hài! Thực tế con người sẽ không còn nhận ra con người qua mắt của loài vật. Trong một loài đã không thể giống, bởi nghiệp mỗi người một khác, khác do tâm vọng khác nhau trong từng sát na. Ân sư tôi cũng khế hợp với khoa học hiện đại khai thị rằng, kim cương và gạch ngói đều cùng một chất liệu là các hạt lượng tử, chỉ là cách thức sắp xếp cấu tạo khác mà thôi.

Tôi và bạn mê vui trong cái khổ; còn chân tướng của vui phải là vui bởi nhìn/nhận ra cái khổ-huyễn của đời, rồi tự ly. Hai sự này là cả một đại dương của những hành giả quyết bơi qua biển Ái; còn tôi và bạn là những kẻ đang vùng vẫy kêu cứu trong nguy cơ tuyệt vọng! Thập nhị nhân duyên vận hành theo Nghiệp của chính chúng ta vun trồng, là sợi xích khiến cỗ máy luân hồi hoạt động. Mười hai mắt xích nhiều chân sư vẫn khuyên mắt kiên cố nhất đôi khi lại dễ công phá. Một khi cứa dao vào mắt-xích-Ái, quái vật luân hồi như bị trúng đạn gục xuống; rồi nó vẫn chạy song là chạy theo quán tính tập khí, dĩ nhiên vẫn có thể đủ sức cuốn một hành giả (giải đãi) trôi hết kiếp trong vô minh và trong cơn khát Ái của ảo. Đến đây cần có tuệ chiếu soi và nhờ đó quay ngược lại giới và định để tiếp tục cuộc vượt thoát như loài cá hồi ngược nguồn về cội đầy khổ lụy. Không phân biệt được mọi cảm giác lạc thú là ảo nên tôi và bạn tự phong kẻ trí leo lên đỉnh ấy chính là lúc hạ xuống tầng tâm thức của vật; và do đó những thứ chúng ta tô vẽ chỉ là ảo tưởng màu mè quét lên lâu đài xú uế. Muôn pháp vốn dĩ hành đúng theo một quy trình siêu hư cấu hoàn hảo của nhân-quả-tâm-thức; hễ có một pháp méo mó (theo cái nhìn của nghiệp riêng) là méo mó trong sự vẹn tròn chính nó. Diệu ngôn này phàm phu tôi không thể nhập. Hiểu, càng thấy xót xa mình và tha nhân, bởi từ cảnh giới Hoa Nghiêm mà nhìn thì ta cùng tha nhân vốn đồng thể bi-trí sẵn đủ. Ân sư của tôi luôn nhắc cần nỗ lực trì giới giúp định phát tuệ phá chấp nhằm hóa giải tham sân si mạn, gỡ nghiệp mình cũng là gỡ nghiệp cho người; ta càng có lòng từ đối với những ai chưa từng được Kinh giáo khai hóa nên có cái nhìn xiên xẹo về ta và muôn pháp. Cũng giống như tâm chiếu ra muôn pháp, lại tự chấp ta làm khán giả xem lại bộ phim do chính thức biến để mà ganh đua với những bóng ảo trong gương-tâm-tịch-lặng. 

Chúng ta quen sống với ảo ảnh như một xúc tác thiết yếu của đời sống, như một phần kiến tạo lên sự lãng mạn. Mà đó là cảnh giới ma được dựng lập bởi tâm thức mù tối của mình. Chúng ta nhớ về những kỷ niệm đẹp, trong lúc chối bỏ thực tại hiện tiền sống động. Ta hạnh phúc bởi một ảo ảnh về người thân trong quá vãng, đắm vào đó; lúc ta nhớ về một nỗi buồn cũng phải nhận lãnh lực chi phối tương tự. Nó dìm ta xuống, tiêu hao nguồn năng lượng quý báu. Nhớ đến một món dục lạc, ảo ảnh đó phủ lấy ta rút kiệt nhựa sống. Đôi lúc ta đang tận hưởng món ấy chăng nữa, nghiệm kỹ vẫn là đang tận hưởng cảm xúc từ ảo ảnh quá khứ lưu cữu; còn sự xúc chạm khoái cảm chỉ do hoạt dụng của dây thần kinh - đều là những thông tin ảo. Khoan nói đến nỗi buồn, ngay khi một ảo ảnh về niềm vui đến mà ta không được thỏa mãn, đó chính là khổ não rồi. Mấy ai cảnh tỉnh rằng xúc cảm ảo là ngục tù giam hãm con người từ muôn kiếp khác đến kiếp này trôi qua muôn kiếp nữa. Đến lúc dẫu gặp được ánh sáng Phật pháp chiếu soi, hành giả không quyết ra khỏi kiểu thành quách sương khói này, sẽ vẫn tiếp tục vần xoay lục đạo.

Chợt thấm câu thơ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng. Bởi cụ Nguyễn từng đọc ngàn lần kinh Kim Cang và “ngộ” ở Đài chia kinh trong chuyến đi sứ, nên tôi trộm hiểu, rằng đây không đơn giản là câu thơ tả cảnh, mà là tả “cảnh giới”. Long lanh đáy nước in trời vẽ lên một bản tâm thuần khiết như gương soi tỏ sự cao rộng mênh mang của bầu trời không chút vẩn đục. Vọng tâm tôi lại không vô tình soi vạn vật, mà hữu ý thu vào vạn vật rồi phân loại chấp trước so đo chỉnh sửa tẩy xóa. Tôi dựng hàng rào ảo ảnh trên nền của thọ - tưởng - hành ngày một vững như thành quách để bảo toàn tài danh ngũ dục đến bất khả công phá. Tôi dán mác mình lên đó, lâu dần thành lâu đài. Đâu hay đó chỉ là “khói biếc”. Phật dạy tướng ấy hư vọng; nên bất cứ ai cũng có thể ra khỏi ngục tù ảo ảnh. Lại thoáng nghĩ bậc thượng thượng căn một phen đốn ngộ chắc ngửa mặt bật khóc. Non xanh dưới ánh sáng Phật pháp phản chiếu cái không của bậc phá tan thành trì ảo ảnh làm lên một “bóng vàng” rực rỡ. Tôi hình dung chiếc bóng này với tấm áo phước điền, hay cũng là bóng của vị minh sư ẩn mình loang trên những đỉnh tót vời hư danh.

Bản kinh nguyên thủy Đức Phật thuyết cho Năm Vị đệ tử đầu tiên chỉ ra Ngũ uẩn vô ngã, đã khiến họ rúng động tâm thức, chứng đạo. Đến Tâm kinh Đại thừa Ngài cũng dạy Ngũ uẩn giai không. Hiểu đã khó, hành cho đủ định lực phá lâu đài ảo ảnh giải phóng bản ngã mở cánh cửa nhà tù luân hồi nhiều khi là chuyện viễn vông. Triết học phương Tây cũng nhìn thấy tự ngã không có tự thể. Tôi và bạn không nên ảo tưởng sớm ra khỏi ấm ma song cần nhận diện. Được thông báo ngày mai ta nhận món quà lớn, vậy là gạt phăng từng phút giây thực tại hiện tiền để bồn chồn, bấn loạn với cái hạnh phúc ảo hoàn toàn chưa có. Không thể yên! Ta đang sập bẫy hành ấm, nó tăng nhiên liệu để sắc thọ tưởng nhân cảm xúc ảo lên trăm ngàn tỉ lần hiện cho ra cảnh ảo (có thể trong mơ), mà trước hết sự chuyển động ấy đương nhiên khiến khổ chủ cuồng loạn. Có anh bạn bảo, cái tánh mình nó nóng thế. Họ cho cái tánh nóng là mình mà thật ra chỉ là một nhà tù ảo. Những vị miên mật sống trong từng khoảnh khắc thực tại “linh cảm” được quá khứ vốn không; tương lai cũng không nốt. Tự hỏi, thời gian vốn không có, tại sao tôi và bạn cứ già đi và chết?

Mọi sự đau khổ đều có nguồn từ ảo bởi chúng không có tự thể. Một cái thân ảo, thêm cái ngã ảo thành ra cái tôi ảo vật vờ giữa nhân thế phù du. Sắc thân tôi vốn tứ đại theo duyên hợp thành đã hư giả, lại còn dựng thêm lâu đài ảo rồi hợp nhất với nó dung nhốt tự ngã. Do chấp nên mới có thân. Có thân đồng nghĩa với việc chúng ta đã sập bẫy cõi Dục. Cũng do chấp ngã nên mới có cái gọi linh hồn. Thực tếvọng tâm đi đầu thai, còn chân tâm chẳng mê mà thuần là cái chiếu soi ảo-vọng. Trong lý nhất chân không thừa nhận linh hồn nhưng do ta chấp quen rồi nên thôi cứ tạm vậy. Có lần tôi hỏi cô bạn: “Tin có linh hồn không?” Cô bảo, đương nhiên. “Hỏi bạn lúc chết thân thối rữa, thì vẫn còn linh hồn ta đúng không?” Cô gật. “Vậy cái thân này đâu phải ta đúng không?” Cô im lặng. Đến đây tôi cũng tự hỏi, ờ, chết đi nếu cái linh giác vẫn còn nhìn được xác mình, vậy thì con mắt này hư giả rồi. Con mắt hư giả sao có thể nhìn đúng cảnh trần được. Con mắt còn nhìn theo tâm ý thức, tâm chấp trướcphân biệt trần cảnh, rồi lưu dấu ấn tượng như những hạt giống nghịch. Con mắt hư giả cũng đồng với sáu căn hư giả. Kinh luôn nhắc chúng sanh trong lục đạo đang mơ! Những thứ trong mơ vì thế đều vọng. Trong mơ sao ta bị đánh thân lại đau, bị chưởi tâm liền sầu khổ chẳng khác lúc tỉnh; là bởi cả hai cảnh đều mơ. Nhưng cảnh ta đang mơ đây chỉ bậc thánh (đã tỉnh) mới thấy hộ. Bạn tu bảo tôi, với phàm chúng ta cũng nên biết, mơ và thực là một cảnh. Tôi khoảng một năm sau mới lờ mờ nhận diện, đúng. Những lúc sắp chìm vào giấc ngủ hay đang thiền mà hôn trầm, khoảnh khắc “ở giữa” ấy tôi cảm nhận một sự chuyển cảnh ngoạn mục. Cứ như tôi đang ở ngoài quán rook; ở ngoài này không hề nghe gì tưởng không có, nhưng bất thình lình ai đó xô một cái và (cánh cửa bỗng không có), tôi lọt vào trong quán rook song vẫn tôi đó với những buồn vui hờn giận i xì. Rõ nhất là vừa mơ, giật tỉnh, cứ như bước khỏi quán rook. Trong mơ, tôi đã đi rất xa giường chiếu; thậm chí ra nước ngoài song vẫn có một tôi nằm trên giường như cái xác; cũng có thể gọi đó là “cái chết tạm thời”. Thần thức rõ ràng không liên quan gì đến cái xác cả, mà bởi do tôi chấp mới thành luân hồi.

Không trú nổi trong thực tại, tôi và bạn liên tục bị chuyển cảnh, bị đâm lao về một tương lai ảo và một quá khứ ảo để còn lại cái ngã ảo với một hiện tại ảo nốt. Thực tại sờ sờ đó thì tôi không dám chạm vào, bởi đưa tay thì sợ buông những thứ dục lạc ảo đang nắm; gặp thiện tri thức tìm cách gở ra liền nổi tham sân trì níu. Dẫu ta đang đói, bỗng người nhà mời gọi xuống ăn cơm; lúc ấy tự nhủ câu mời cơm vừa rồi đã qua chưa, đã thành ảo ảnh chưa, còn thực tại ta đang thấy gì trước mắt, đang nghe gì bên tai và tâm đang hiện tiếp những ảo ảnh gì. Từ chỗ ta đến mâm cơm hãy còn một quãng mà có thể ta không đủ thọ mạng bước tới ngồi xuống ăn; có thể ta sẽ đột quỵ và do đó tại sao không sống với cái thực tại hiện tiền. Tôi cảm phục bạn tu luôn miên mật an trú trong một câu kinh duy nhất, và đó cũng là thực tại duy nhất như phao cứu sinh trên biển ái luân hồi. Một niềm vui đã qua tức khắc trở thành ảo ảnh, một lời chửi mắng tan ngay vào hư không, song ta buồn khổ với nó. Ta không nhìn sự tưởng lại của lời chửi là ảo nên nhốt mình vào. Ta nhận cái ngã ảo với thân tướng dễ coi này là mình. Sự lập trình của tâm ý thức, thông tin buồn là hầu như đưa tôi và bạn đi xuống. Một khi tham không được phá thì việc bề ngoài tưởng thiện song bên trong “ông chủ” của nó là ái ngã. Sự cám dỗ của tài danh phát xuất từ Ngã chính bởi ta nhận nhầm cái ảo.

Bạn và tôi khởi nguồn từ si nên không hay mình vốn là biển cả chứ không phải sóng. Kinh dạy Phật tánh có ở mọi chúng sanh. Sự lập trình của tâm thức từ cơn mê vô thủy khiến chúng ta khuôn mình lại bằng những khái niệm. Giả dụ tâm là thảm cỏ mênh mông ngút mắt, lúc ta nạp vào một khái niệm xem như một ngôi nhà mọc lên. Theo thời gian vô số những khái niệm được chấp chặt để ta chụp bắt thế giới khách quan cho vừa với chúng; vậy là san sát những ngôi nhà, cắt nát mảnh đất tâm màu mỡ với bầu trời thênh thang. Có họa sĩ vẽ bức tranh người người tìm đường lên trời; tôi tự hỏi trời có chăng? Chúng ta ở trên trái đất và trái đất treo lơ lửng giữa không trung, chẳng phải ta đang ở trên trời còn đòi về đâu! Khái niệm trời vốn thu hẹp cái vô chừng giúp kẻ sáng tạo bớt choáng ngợp, mở lối hẹp bước vào nghệ thuật. Cái hiểu của đầu óc dẫu siêu phàm đến mấy cũng là lấy ngao lường biển mà thôi. Không thể dùng đầu để soi chiếu cõi vô cùng, trừ phi chúng ta đem bầu trời vào đáy giếng phân tích. Chính những khái niệm làm hạn chế sự thậttính chất vô lượng nghĩathực tại. Chúng ta nạp vô vàn khái niệm và đem những khái niệm ấy chụp lên đủ thứ nghe nhìn ngửi nếm. Khuôn mình trong khái niệm khiến bạn và tôi luôn sống với quá khứ vị lai mà không hề chạm được thực tại. Gặp người quen, trong một giây mọi hình ảnh tính cách của người đó từ quá vãng hiện về chụp lấy ta và nhuốm lên con người trước mắt. Ta hoàn toàn bị mê trong quá khứ do đó con người hiện tiền (với hình tướng màu sắc khác lắm rồi) vẫn chỉ là cái bóng dĩ vãng từ một tia sáng trong alaya phóng chiếu. Đến lúc họ đi rồi ta lại lưu tiếp những thước phim (đã trở thành quá khứ) vào tàng thức để lần sau tiếp tục trùm lên đối tượng thông qua ấn tượng theo những khái niệm nghiệp riêng mình. Sống được với thực tại, gặp người quen, lập tức mọi hình ảnh cũ hiện về, ta biết ngay và tự nhủ, cái ta từng lưu về họ chỉ là một giấc mơ, một cái bóng và thực tế đã chết rồi; như ta “a” lên khi thấy họ giữa phố lạ song chợt nhận ngay chỉ là một người giông giống thôi. Sống với thực tại là cách làm nhạt nhòa quá vãng, còn không quá vãng luôn chạy trước dẫn đường chỉ lối, và ta luôn luôn là kẻ sập bẫy ảo giác.

Một nữ đạo hữu tâm sự: Thầy mình dạy hãy quan sát đời sống, pháp luôn có ở mọi cử chỉ hành động, trong mọi mối quan hệ của chúng ta trong mọi thời khắc. Thầy khuyên học kinh Hoa Nghiêm để thấy Phật - Bồ tát luôn ở bên mỗi mỗi chúng sanh, chỉ là ta từ chối quyền năng vô hạn để tự thông minh lấy. Có dịp cận Noel ngồi với nhau thầy mình “buồn miệng” hát “Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu lần con nhớ người yêu”, mình hân hoan hát theo; về đến nhà còn mơ màng nhẩm lại, bỗng giật mình!” Lại nhớ lần ngồi ở một góc phố uống cà phê, mình đưa triết tây khoe mẽ; thầy chăm chú nghe, gật gù, rồi lúc sau chợt hát theo một đoạn nhạc trong quán: “Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ. Mơ vui là lúc ngàn đắng cay…”. Tôi nghe mà nổi da gà. Lời hát quá ư giản dị, song tôi tu hết kiếp này liệu có ra khỏi cảnh ảo đó không?! Bạn và tôi làm con của Phật trong sự cố gắng không ngừng bỏ ác tu thiện. Chúng ta học theo hạnh của Ngài cũng là luôn cố gắng hết mức gỡ bỏ tham sân si mạn nghi ác kiến. Một khi lỗi lầm chợt “vô tình” đến, cái tự biết trong ta sám hối; sự sám hối này là để kiên quyết nhắc thức ta không nên tái phạm trên hành trình tự hoàn thiện. Còn không, chúng ta sẽ sập bẫy. Ảo giác là cái bẫy, vẫn dấn thêm bước để sập vào, thật phí những khoảnh khắc thực tại. Ứng với cảnh luôn hiện lên ảo giác quá vãng tương lai, cứ xem như nó là một tri thức ảo, không dính dáng đến những khoảnh khắc đang diễn nhờ sự nhắc nhở của sáu căn. Dùng sáu căn trong việc nhắc mình sống với thực tại cũng như biết nhận bệnh làm bạn chí thành để cân bằng với kiêu mạnvô thường. Vô thường là sự biến hoại đầy sức sống. Cuộc sống này không có cái gọi bình yên tuyệt đối. Bình yên chỉ có thể là bình yên nơi tâm. Tâm an, hoàn cảnh nhạt dần bất ổn. Đời vốn vô thường. Chính vô thường mới là chân lý. Chúng ta không trẻ mãi, chính là vô thường, mới là chân lý. Đang bình yên trong ngôi nhà thân thương quá đỗi, xa vài ngày liền nhớ, nhớ cái không gian mình gắn bó bao năm thân thuộc đến từng cọng cỏ hoang nơi góc vườn. Nhưng rồi một ngày phải dời đi; chính là vô thường. Ta đau khổ. Nhưng có nên?, bởi đó là vô thường, là chân lý mà! Ta đau khổ trước chân lý thường hằng trong vũ trụ, âu là tự lầm mê. Tâm luôn chọn lựa yêu ghét khiến dòng chảy vô thường ứ trệ. Bạn hãy tưởng đến dây chuyền sản xuất công nghiệp, nếu tôi chậm trễ giữ lại một sản phẩm lập tức rất nhiều sản phẩn ùn đến. Sáu căn bị xem là giặc, bây giờ được cái tự biết “lập trình” lại thức tỉnh hành giả trở về với thực tại trong từng giây phút; dĩ nhiên rốt ráo mà nói, sáu căn vốn hữu dụng từ nguyên sơ, chỉ là do sự mê sai sử chúng hướng tôi và bạn lâm vào tham để rồi làm cuộc hành-trình-đọa-lạc đầy bi thương trong biển từ bi không bờ mé.

Đức Phật nói chúng sanh đồng tự tánh, ở mức thô phù nhất là cái giác biết sẵn. Tôi và bạn bị ảo ảnh về cuộc sống nhuộm lấy từ vô minh tiền kiếp, sinh ra đã thấy mọi sự đều thật, thân tâm này đều thật dẫu xét ở phương diện khoa học thôi, mọi cái chúng ta thọ dụng thông qua các giác quan đều ảo. Pháp hành dạy chúng ta trước hết phải nhìn cho ra cái thật ảo đó, không để nó lừa. Khi ảo giác về việc để một cơ hội trong tầm tay trôi tuột đi hiện khởi trở lại, quá nhanh, rõ ràng không cản được; ta chỉ nên biết là đủ. Biết, đơn giản là dừng lại dành cơ hội cho những thời khắc thực tại ùa vào. Cơ hội kia giờ chỉ là một kiến thức ảo, song soi kỹ tâm sẽ thấy có chút tiếc nuối, đó chính là khuôn mặt của khổ đau. Nhưng, khổ đau đang hiện ở đâu?, nương vào đâu mà hiện?, và cái gì đang biết nó hiện? Chúng ta cần tĩnh giác trả mớ kiến thức đó về với không gian ảo ảnh của nó. Có lần tôi tiếp cô bạn rất niềm nở. Lúc họ về, chợt một kiến thức nổi lên; cái cô này nợ mình một số tiền và cô đã quên! Tôi nhớ rõ còn cô ta quên; mà cô quên lẽ ra tôi cũng quên luôn, xem như cô chưa hề mượn tôi hoặc biết đó là do tôi nợ cô trong kiếp nào đó, nay xem như bồi hoàn. Vậy mà tri thức về sự cô ta mượn tiền khiến tôi chịu thiệt vụt hiện, có chút tiếc chút bực - là khuôn mặt của khổ. Một mẩu tin thoảng qua trí não và nó kéo tâm tôi chìm xuống đầm lầy. Tôi buồn vì một ảo ảnh. Dại chưa?! Nghĩ đến đó liền bật cười. Lại có lần ngồi thiền đau chân, tôi nghĩ, đau là một thông tin, vậy thôi; tôi cứ để thông tin đó tự nhiên và bắt đầu vui trong tâm để cái tâm cười hằn nét lên mặt, đảm bảo ai nhìn được sẽ thấy mặt ấy vui vui, không hề gợn thông tin đau. Tôi để khuôn mặt hài hước như vậy một hồi mới tháo chân; thành một trải nghiệm cần thiết để chập chững bước đầu lập trình lại ý niệm lối mòn của tâm thức. Thầy tôi luôn nhắc phải nhận diện bộ mặt của ảo, ảo suy yếu và sẽ tan. Ly ảo là quá trình một hành giả tạm sống được với thực tại, đó là một đời sống thật, không nháp, không lo sợ, không có ngày mai và dự định nào kể cả miếng mồi ảo của sở chứng. Thầy kể tôi nghe về một giấc mơ, thầy cứ đi tìm cái y, tìm mãi không thấy, đến lúc tỉnh mới biết mình mơ. Rồi thầy tự nhủ, trong mơ sao có thể tìm thấy gì. Giả nhưtìm thấy cái y trong mơ chăng nữa, thì được gì…

Cổ đức dạy thà chấp bằng núi Tu Di còn hơn chấp không bằng hạt cải. Nhưng rõ ràng chúng ta vừa sinh ra đã mang trọng bệnh chấp ảo, thành thật. Ly ảo chính là nhận diện cội gốc của cái thật. Tôi và bạn vì thấy cuộc đời quá thật, không nhận ra thân huyễn tâm vọng bám luyến ta bà, khiến nỗ lực hành pháp tưởng chừng như lấy trứng chọn với núi nghiệp báo. Ly ảo là hành trình nhập vào cái rỗng rang tựa như không mà đủ sự tỉnh táo. Chính cái giác biết ẩn hiện ở sáu căn là chỗ an trú khá an toàn của hành giả. Nó nhắc ta trở về với thực tại. Tôi biết bạn tu chuyên trì một câu kinh và lấy đó làm thực tại duy nhất, vô tình được câu kinh cuốn đi theo dòng vô thường phì nhiêu nhựa sống và dĩ nhiên bạn không còn hứng thú với những “tướng hư vọng của tiền trần nữa”. Ly ảo là quá trình khiến thân tâm ngũ ấm mất dần phương hướng, mất dần chỗ dựa, nó rơi vào sự hoang mang trong lúc định lực của hành giả càng vững để tiếp tục hóa giải vọng tưởng chấp trước.

Sự khôn lanh của tâm thức, của tâm phân biệt chấp trước mãi là đom đóm bay trước đèn ô tô; ma ngũ ấm luôn thông minh gấp tỉ lần vọng tâm. Để thấy tôi “đi trên tuyết thấy lạnh, đứng giữa nắng thấy nóng”, là mê/mơ sâu nặng, có nói gì cũng để lại dấu vết của ngã trên nền tăm tối của Nhà tù Ảo ảnh. Nói hớt ăn theo, thật dễ vậy. Cảm nghiệm tự thân, xót thay thấy mình như một con chim tự/bị nhốt quá lâu, đến một ngày chủ nhân quên chốt cửa lồng nó vẫn nhảy nhót trong đó kêu oan đến nhức nhối cả trời không.

Tạo bài viết
25/07/2011(Xem: 111700)
10/10/2010(Xem: 107854)
10/10/2010(Xem: 110145)
10/08/2010(Xem: 112917)
08/08/2010(Xem: 118670)
21/03/2015(Xem: 23641)
27/10/2012(Xem: 66642)
09/09/2017(Xem: 12221)
02/09/2019(Xem: 8998)
09/04/2016(Xem: 15621)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: