Thư Viện Hoa Sen

5. Hoài nghi lời Phật, hành giả đi về đâu?

21/04/20185:03 SA(Xem: 4970)
5. Hoài nghi lời Phật, hành giả đi về đâu?
VẾT CHÂN TỰ NGà
TRÊN ĐƯỜNG VỀ KHÔNG
NHỤY NGUYÊN
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 

 

Hoài nghi lời Phật,
hành giả đi về đâu?

 

Trong giới tu hành vẫn nhiều người cho kinh Đại thừa không phải Phật thuyết mà do người đời sau sáng tác. Chữ Tín tối quan trọng. Kinh Hoa Nghiêm: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức, có thể sanh ra hết thảy các thiện căn”. Luận Đại trí độ cũng viết: "Đại tín là đại trí"; "Phật pháp như kho báu, người không có tín cũng như không có tay, sẽ chẳng lấy được gì". Càng học càng thấy mình ngu. Trộm nghĩ, dẫu tự xét bộ kinh nào ngụy tạo chăng nữa, ai đó đợi đến lúc chứng quả dẫu nhỏ mọn hẵng bài bác cũng đâu có muộn. Bởi lúc ấy nếu có nhận quả đắng họ sẽ biết trước mình về đâu lãnh nghiệp; còn hơn là trong vô minh đọa xứ. Kinh điển là lưu xuất Tự tánh thanh tịnh viên minh. Những vị chứng quả xưa nay rất nhiều, chưa ai dám sửa một chữ trong kinh Đại thừa; hạng “phàm phu lè tè sát đất” (theo cách gọi của thầy Ấn Quang) lại hoài nghi? Nếu tu, không tin Phật thì tin bất cứ ai trên đời cũng dễ lầm đường lạc lối. Nghi ngờ các kinh: Địa Tạng, Vô Lượng Thọ, A Di Đà, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm v.v, là nghi ngay chính mình không có Phật tánh, bởi kinh Đại thừa cơ bản nói về điều này (“Hết thảy chúng sanh đều có đức tướng và trí huệ Như Lai”). Đây là điều trọng yếu của bất cứ ai tu bất cứ pháp môn nào.

Tịnh độ tông do Phật Thích Ca truyền giảng. Kinh Vô Lượng Thọ, đương cơ thọ nhận là ngài A NanBồ tát Di Lặc; Quán Vô Lượng Thọ giảng cho Hoàng hậu Vi đề hy; kinh A Di Đà, đương cơ là đệ nhất trí huệ Xá Lợi Phất. Ngay trong kinh Tăng nhất A-hàm Nguyên thủy Đức Phật đã có bài giảng về pháp niệm Phật: “Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hànhtruyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam-lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật”. Nhìn xa hơn về thời Mạt Pháp lắm nhiễu nhương, Phật giới thiệu đến chúng sanh cõi nước Cực Lạc trên cơ sở cần chuyên nhất niệm danh hiệu một vị Phật, chuyên nhất một hướng Tây phương. Chính Ngài khuyên cha mẹ cầu sanh Cực Lạc. Nếu nghi ngờ tức tự cho mình tỉnh táo vượt lên hết thảy đại đức, cao tăng, các bậc tôn túc và hàng vạn triệu người đang ngày đêm tinh tấnthành tựu nhờ niệm Phật. Trong Quán kinh huyền nghĩa, Thiện Đạo đại sư từng khuyên: "Tuy tín tâmgián đoạn, nhưng không được hoài nghi, báng bổ đối với tất cả Kinh, Luận của Đại thừa. Nếu khởi tâm nghi ngờ, phỉ báng thì dẫu có một ngàn Đức Phật đi quanh thân mình cũng không cách gì cứu vãn được!” Người tu Thiền lẽ nào không tin chuyện Ngài Huệ Năng từng giảng kinh Pháp Hoa, và nhiều vị tổ Thiền đồng thời là tổ Tịnh độ

Kinh Phật uyên áo bao hàm vũ trụ nhân sinh. Sự nghi ngờ Tịnh tông phần lớn có ở những bậc trí thức và người tu ở một số pháp môn khác, cho Niệm Phật là pháp dành cho những ông bà ít học, kẻ độn căn chờ vận may. Không hay 4 chữ hồng danh “A Di Đà Phật” nếu dành trọn đời bạc tóc cũng chỉ mới nhìn thấy tảng băng nổi lập lờ trên biển. Có điểm đáng lưu ý: người thông Tịnh dễ hiểu Thiền, còn thông Thiền chưa hẳn hiểu hết Tịnh. Nhiều người niệm Phật đắc định, đắc nhất tâm bất loạn, thấy trước mắt mình rỗng không một vật, phần nào hiểu Thiền; còn đến như người đắc định vẫn không chấp nhận niệm Phật đến cả hàng Bồ tát cũng cầu về Cực Lạc; những người học Mật niệm chú sẽ dễ thấu suốt nguyện lực Di Đà hơn. Song xét rốt ráo, mọi pháp môn đều tu Thiền. Thiền là tỉnh thức. Giới, và định làm nền để phát tuệ, quán chiếu cuộc đời vô thường hư huyễn, quán chiếu vạn pháp đều như; ấy là căn cước để hành giả giảm trừ phân biệt chấp trước, và đây là cách khế nhập chân tâm vốn sẵn. Phần nhiều do sở học duy lý ngăn ngại. Ngoài đời, nhà triết học nào tự đắc thông tuệ, nhưng nếu họ chịu khó đọc vài cuốn do các “triết gia” Phật giáo trước tác như Thành duy thức, Đại trí độ (của Bồ tát Long Thọ), Triết học Thế Thân, hay cuốn Chú giải Phật thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác kinh của cụ Hoàng Niệm Tổ, hay đó là bộ giảng kinh mấy ngàn tập của pháp sư Tịnh Không về Tịnh độ đại kinh, về kinh Kim Cang, kinh Hoa Nghiêm, sẽ thấm nhuần pháp sâu màu khó luận. Với người luôn tự cho mình giỏi, các cao nhân luôn xiển đề học vấn (có vị Hòa thượng nhận đến 4 bằng Tiến sĩ), để giới trí thức thấy cần học hỏi; khi quen nhau rồi các Ngài mới đưa Phật pháp diễn hóa. Còn như độ những người đã có căn duyên tiền kiếp thì dễ hơn; dẫu không biết chữ song về nhân quả luân hồi họ tuyệt không hoài nghi, chuyên tâm niệm "A Di Đà Phật". Nhưng không có cái lý càng học cao càng dễ chứng. Ngay Lão Tử cũng nói: “Vi Đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi” (Theo Đạo thì ngày một giảm, lại càng giảm, giảm cho đến vô vi). Đạo là trạng thái đưa tâm trở về Không, trong lặng, không nhiễm ô. Lúc đó cái họ sở đắc là trí huệ (nhận rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh trên cùng một nguyên lý), chứ không phải trí thông minh thế gian (dạng kiến thức cóp nhặt). Không ngẫu nhiên mà bậc Thượng nhân khuyên hãy học Phật chứ đừng Phật học. Đạo Phật trọng thực chất, xem nhẹ hình thức. Nhiều người rất tinh thông giáo pháp lại hành đạo kém khiến con đường giải thoát gập ghềnh. Phật học dẫu sao chỉ là sự thu lượm khối kiến thức khổng lồ dường như không có bờ bến, còn học Phật là quyết chí sống theo giới luật cộng với sự hành trì kinh, trì chú, niệm Phật để Tâm an định, từ đó phát huệ chiếu rọi con đường trở về bờ Giác. Ai Phật học bất quá cũng là người thợ chữ trần ai. Còn học Phật là đang hướng về cõi hiền thánh. Hiểu sâu sắc và thuyết giảng trôi chảy giáo lý âu mới là thế gian pháp. Hành theo giáo lý Đức Phật đó là pháp xuất thế. Giá trị của con ngườihành chân lý tối thượng chứ không phải ở việc hiểu chân lý tối thượng.

Vạn pháp quy nhất. Pháp môn vốn không cao thấp. Cái chính là hợp căn hợp thời. Ngày xưa con người duyên tánh trội hơn. Bây giờ tập khí đầy giẫy, ùa ạt vào tâm. Hàng ngày các trò giải trí tăng thêm tính ảo và thực dụng, nội ti vi thôi người tu đã quá vất vả chế ngự vọng niệm. Một khi internet toàn cầu hóa, thế giới trở thành ao hồ trong mỗi người, khiến vọng tưởng mặc sức sinh sôi. Vọng tưởng ở trong Tịnh tông có thể định nghĩa: Ngoài câu “A Di Đà Phật” ra, hết thảy những ý niệm khởi lên đều là chính nó. Vọng tưởng xét đến cùng là giả, vô tự thể; chống vọng tưởng cũng bằng biến mình thành vọng tưởng. Lúc thiền, tưởng tượng, trong đêm tối một cánh cửa mở và ánh sáng xuyên ra. Ta cứ ngồi trong phòng, ai ngang qua cũng biết song tâm không động, không gọi tên, không níu kéo. Theo lý của một Thiền giả xứ Ấn thì như ông già ngồi xem đám trẻ nô đùa trong khu vườn; xem mà như không xem. Thực hành việc này khó, bởi lũ trẻ tinh quái thường lôi tâm cùng rong chơi, rồi nó dẫn vào mê cung lúc nào không hay… Bên Tịnh độ chỉ cần chú tâm vào Phật hiệu, vọng tưởng “kệ nó”, tức không khởi tâm bám chấp, xua đuổi, chỉ biết mình đang niệm, nghe từng chữ danh hiệu nối nhau kết thành chuỗi thành phiến. Hễ ai còn giương khẩu hiệu chống cái này cái kia, kể cả chống cái ác, người đó chưa thể gọi chánh tri chánh kiến. Thay vào đó họ chú ý mỗi nguồn thiện từ đối tượng. Do vậy để xét một giáo phái có phải Chánh hay không, soi vào vấn đề này cũng rõ. Có những thuyết lập ra rất gần với giáo lý Đức Phật, người chưa tiếp cận Kinh điển rất dễ nhầm, chấp chặt, xem giáo chủ đó trên cả Phật, hoặc là Phật tái lai. Chủ trương “diệt trừ tà ác”, theo đó phủ nhận luôn chân tâm tạm lấp vùi trong cái ác, đó không phải là Phật pháp. Thật dễ hiểu, bởi rốt cùng tà ma ngoại đạo đều được Phật rủ lòng thả thuyền từ cứu độ.

Thiền đòi hỏi phải là bậc thượng căn với nghị lực phi thường, bền gan vững trí. Đời nay tu Thiền, nhiều người chỉ tạm đối phó với căng thẳng trước sức ép xã hội, gọi là phàm phu thiền, còn theo Thiền tông như cổ đại đức, mấy ai tu nổi? Nên dễ khiến hành giả quán gì đều đối trọng với vọng tưởng, đều lấy vọng tưởngkẻ thù cần tận diệt, khiến vọng tưởng như con đĩa càng chặt khúc càng nảy nở. Ngài Lý Bỉnh Nam căn dặn: “Chưa được minh sư (chỉ dạy) mà đã dám tự tiện tĩnh tọa, đó là coi nhẹ Thiền quá sức!” Các Tổ thường khuyên học Thiền phải có sư thừa là vì thế. Ở ta thấy người vào định là chuyện lạ, còn bên xứ Ấn và Tây Tạng, ở các nước Phật giáo Nguyên thủy, người miên man nhập định khá phổ biến. Vào được tứ thiền bát định thì vẫn mới chạm đến cõi trời Phi tưởng, nào dễ ra khỏi tam giới. Có thể lấy một ly cà phê đá làm tỉ dụ cho Tâm. Nếu để ly cà phê một lúc, phía trên cùng sẽ có lớp nước trắng trong, (tạm gọi chút thanh tịnh); còn phần lớn cà phê phía dưới vẫn đen kịt, ví như hoặc nghiệp. Người tu Thiền đòi hỏi phải đoạn kiến tư hoặc khiến toàn ly cà phê trở nên trong suốt. Người tu Tịnh tông nhờ vào lớp nước trắng phía trên (nhất là trong thời khắc lâm chung trì niệm từ một đến mười câu Phật hiệu), lớp nước trắng dần dà quyện đặc phủ lên khiến vọng tưởng phía dưới tạm thời không sai sử thân ý tạo ác nghiệp, liền được rước về Cực Lạc thế giới theo bổn nguyện của Phật A Di Đà. Dẫu sao, đó vẫn là công phu cạn. Công phu sâu thêm nhiều người sẽ biết trước ngày giờ, tự tại vãng sanh; vãng sanh cả khi còn sống; công phu đạt sự/lý nhất tâm. Điều này xưa nay rất nhiều.

Tu về Cực Lạc chẳng những hợp với bậc độn căn mà đến Bồ tát cũng cầu dự vào hàng bất thối ấy. Hạng bình phàm bất cứ lúc nào rỗi trí đều có thể niệm Phật, sự động thân va chạm ngoài đời không hề trở ngại việc tịnh tâm. Ai chuyên tu, sau một vài năm đã thấy rõ lợi ích. Tịnh độ được mười phương chư Phật gia trì; niệm một danh hiệu Phật cũng bằng niệm mười phương chư Phật. Người không tin nhận pháp Niệm Phật cũng như không tin sức gia trì của chư Phật đối với bất cứ hành giả thuộc pháp môn nào, cũng bằng vỗ ngực: Không dám phiền Phật, tự con đủ sức tìm đường tới Niết bàn!

 

 

THƯỜNG TÂM KHÔNG PHẬT, CHÚNG TA NIỆM NHỮNG GÌ?

Phật là bậc giác ngộ toàn triệt, nhìn thấu chúng sanh cơ bản do vọng tưởng chấp trước che lấp bổn tánh, nên giới thiệu pháp môn Niệm Phật cho thời mạt. Đó là di ngôn căn cốt nhất dành cho hậu thế. Chúng sanh vốn sống trong vọng tưởng phân biệt chấp trước, Phật khuyên niệm Phật để từ tướng mà lìa tướng, dần dà Phật hiệu “đồng hóa” vọng tưởng một cách lặng lẽ diệu kỳ. Theo cách nói của Tổ Thiện Đạo: “Rời tướng mà cầu hoàn thành sự việc thì cũng chả khác gì người không có chú thuật, thần thông lại đi làm nhà, xây lầu giữa hư không!”

Xưa để chọn ra bộ kinh quan trọng nhất trong sự nghiệp giảng Pháp của Phật Thích Ca, giới tu hành phần lớn xem kinh Hoa Nghiêm trọng yếu. Một vị cao tăng đúc kết: tinh hoa kinh Hoa Nghiêmkinh Vô Lượng Thọ; tinh hoa kinh Vô Lượng Thọkinh A Di Đà; tinh hoa kinh A Di Đà là 48 lời đại nguyện; tinh hoa 48 đại nguyệnlục tự hồng danh. Phật dự liệu sau thời Mạt Pháp hết thảy kinh đều dần dà diệt, vẫn còn danh hiệu “A Di Đà Phật” truyền khẩu trong dân gian, ai tin sâu, nương vào trì niệm sẽ nhận được trợ lực giải thoát. Trợ lực ở đây, theo kinh Hoa Nghiêm và Lăng Nghiêm, là các Bồ tát tái lai, hóa hiện làm người thường trong nhân gian âm thầm dạy những ai đủ duyên lãnh hội, thừa đương. Cổ đức mới dạy: “Vạn pháp tinh hoa lục tự bao”. Nam mô A Di Đà Phật với thần lực vô biên và sẽ khởi tác dụng viên mãn. Tam tạng kinh điển được gói gọn trong đó; một khi người tu chí thành, khẩn thiết niệm ngày đêm, Danh Hiệu sẽ in sâu, tự tâm phát khởi như tiếng chuông ngân vang, thăm dò, đánh thức bản tánh ẩn sâu dưới vô minh phiền não.

Bậc thiền sư lỗi lạc giảng về Tịnh độ rất nhiều. Bậc đạo sư thông Thiền, Mật, họ vẫn khuyến tấn mọi người hướng về Cực Lạc. Từ Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền cho đến Tổ sư Long Thọ; Đại sư Pháp Chiếu vốn chuyên tu Thiền, sau nhờ Đức Phổ Hiền khai thị mới quay về Tịnh nghiệp, rồi trở thành Tổ; Hòa thượng Hư Vân tu Thiền đắc định, khuyên học trò niệm Phật và đã thành tựu viên mãn; Hòa thượng Tịnh Không, bậc Thượng nhân hiện thời chuyên hoằng dương Tịnh độ vốn là học trò ruột của Đại sư Chương Gia bên Mật tông; Ngài như một vị hóa thân, pháp của Ngài thực chất là “Tịnh độ tự tánh” ẩn sâu giáo lý thâm nghĩa của Thiền, Bát nhã, Tối thượng thừa. Đã ngoài 90, Hòa thượng vẫn ngày ngày giảng bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Cụ Hoàng vốn là Kim Cang A Xà lê của Mật tông, lại từng tham học Thiền tông với đương đại Thái Sơn bắc đẩu Hư Vân, mà 6 tháng cuối đời 1 ngày niệm 14 vạn danh hiệu Phật cầu sanh Cực Lạc; Hòa thượng Quảng Khâm tu thiền nhập định hàng tháng trời, kim chỉ nam truyền pháp của Ngài vẫn chỉ vỏn vẹn “sáu chữ”; Hòa thượng Tuyên Hóa lúc còn trụ thế ở Mỹ quốc dành hết tâm sức giảng Thiền nhưng ai đọc cuốn sách “Quê hương Cực Lạc” mới hiểu thấu pháp môn Ngài đã nương vào làm nền tảng. Bồ tát Di Lặc đương lai ứng Phật dương gian cũng dựa trên kinh Vô Lượng Thọgây dựng Chánh pháp.

Câu Phật hiệu đầy đủ năng lực gom tâm chuyên trụ vào một chỗ như mũi khoan xuyên vào bức màn vô minh dày đặc. Thường niệm "Nam mô A Di Đà Phật" cũng chính là hành thiền. Lúc nào đi đứng nằm ngồi ta đều niệm Phật (niệm câu nào nghe rõ câu đó), ấy là tỉnh giác. Nếu ai chuyên tĩnh tọa, lúc xả thiền hòa vào dòng đời làm Phật sự rất khó giữ chánh niệm. Người tịnh niệm tiếp nối thành chuỗi tâm lúc nào cũng tỉnh thức. Niệm Phật thật sự là phép thiền vi diệu. Không cứ dựa vào pháp môn nào, điều trọng yếu đều phải đạt được tâm thanh tịnh. Không thể lấy cái gọi là công năng đặc dị lại đòi bay lên nước Phật. Tu - là giữ tâm trong lặng, hòa ái, trải lòng với muôn loài; ý nghĩ hành động đều nghĩ về người trước. Trong suốt thời gian đó câu Phật hiệu luôn in sâu trong tâm như được khắc chạm, vậy cũng là "chuyên tu". Dẫu sự tu này nhiều lúc không ai biết (do niệm thầm danh hiệu Phật); sự tu đó làm lợi cho mọi ngườihoàn cảnh xung quanh chứ nào ảnh hưởng đến ai. Từ đây xả bỏ dần tri kiến thế gian, xả bỏ sự bon chen, ghanh ghét, đối kị, tham lam sân hận, ngã mạn hẹp hòi, nhìn nhận về tất cả mọi người đều là quyến thuộc của mình, đều là con Phật, chuyên trì niệm và sống theo hạnh bồ đề, trí huệ sẽ sáng và phát lộ bản tánh chân như. Chợt nhớ lời khai thị của Đại sư Triệt Ngộ: “Phàm đã có tâm thì không thể vô niệm. Nếu chẳng thuận cảnh Phật mà niệm cảnh Phật thì liền niệm chín cõi; chẳng niệm Tam Thừa thì liền niệm Lục Phàm; chẳng niệm cõi trời người thì liền niệm Tam Đồ; chẳng niệm ngạ quỷ, súc sanh thì liền niệm địa ngục”. Điều này được gói trong một câu của kinh Địa Tạng: “Chúng sanh Nam diêm phù đề khởi tâm động niệm không gì không tội, không gì không nghiệp”. Từng xem qua Duy thứctham cứu về tâm sở đa phần bất thiện, đọc đến đây lẽ nào không phản tỉnh?

Tịnh độ Chân tông Nhật Bản thường trên tinh thần phá chấp, dựa vào nguyện thứ 18 mười niệm vãng sanh của Phật A Di Đà, đã ảnh hưởng nhiều đến giới tu hành Tịnh tôngViệt Nam. Khá nhiều người dễ dãi quá nương cậy vào Phật lực. Trước hết phải cắt nghĩa sự tiếp dẫn. Lúc ta trì mười lượt hồng danh, khoảng thời gian đó phải tương ưng với tâm thanh tịnh. Ta niệm Phật tức ta niệm tâm Phật, chứ không phải niệm với tâm loạn lại chờ Phật phóng quang; sự chờ đó chính là cầu Phật bên ngoài. Chiếc radio hay ti vi, ta muốn nghe muốn xem phải rà đúng sóng kênh ấy mới rõ ràng, còn không sẽ chẳng rõ tiếng mà hình cũng nhảy giật, là lúc nhiễu sóng cảnh giới ma quỷ, khó thể vãng sanh. Chúng sanh vốn mang theo cả vũ trụ nghiệp, vọng tưởng đảo điên nhất là lúc bệnh nặng và cận tử. Một đến mười niệm là nói đến thời điểm cận tử nghiệp, khoảng thời gian vừa đủ để Phật tiếp dẫn. Mười niệm nối nhau dễ không? Nhiều người niệm Phật mấy chục năm trời song bảo thử nhắm mắt khởi mười niệm không vọng tưởng xen ngang, đã khó. Quen với miệng niệm tâm nghĩ gì tùy thích càng trượt đà, lúc lâm chung sẽ khó ứng với tâm Phật. Hiện giờ thân thể khỏe mạnh, tâm thế phấn chấn, ngồi niệm một cây hương, hỏi có mấy lần được thanh tịnh kết chuỗi? Huống hồ lúc thân đau đớn quằn quại, nếu không cũng tâm thần bấn loạn ngổn ngang, oan gia trái chủ tìm đến thanh toán nợ nần, nghiệp lực thừa cơ trỗi dậy. Hành giả nào để ý việc này, cứ thực hành từ 3 câu thanh tịnh nối tiếp, cho đến 5, rồi nâng lên mười (theo cách 3 - 3 - 4 hoặc 5 - 5 hoặc 4 - 6) hay chú tâm trong một hơi, xếp lại, rồi tiếp tục hơi khác, dần dà mười niệm thuần thục thành phiến. Tha lực trước hết phải có ngay ở đây và bây giờ. Những bậc chuyên tu cho biết một khi hành giả quyết buông thế sự, chuyển tâm giữ giới; chính sự giữ giới sẽ cảm ứng Phật lực và điều này họ phải ít nhất tự linh cảm thấy. Dẫu biết công hạnh niệm Phật để đến với cõi nước An Lạc có nhiều cách hành trì, song thiết nghĩ nếu niệm Phật mà mặc tâm làm màn hình chiếu phim cho alaya, sẽ chẳng khó hiểu khi nhiều sinh mạng vẫn trách Phật A Di Đà lỡ hẹn. Tôi từng được đọc cuốn sách Sông lửa Sông nước, tác giả Taitetsu Unno đưa ra cụm từ “danh hiệu kêu gọi”; và dẫn câu chuyện một người bị lạc khỏi đoàn người trong một thung lũng núi non và trời thì sắp tối với tiếng thú hoang tru lên man rợ. Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh nảy, sẽ thấy cái đói thúc bách chăng nữa cũng không còn tâm trí nghĩ đến chuyện ăn dẫu để có sức để cất lên tiếng gọi thao thiết cứu mạng. Cô cứ gọi, và bỗng từ xa có tiếng gọi đáp của những người đi tìm cô. Người niệm Phật cầu vãng sanh nên như cô gái này, ngày nối đêm không còn tâm trí nghĩ đến bất cứ việc gì ngoài “danh hiệu kêu gọi”, nghĩa là buông sạch sẽ thế gian như một cú chết đi một lòng sanh về.

Phật Thích Ca từng khẳng định trong kinh A Di Đà, rằng chúng sanh lâm chung nếu thiết nguyện sẽ được chư thánh hiện tiền, khiến tâm bất điên đảo. Ở đây có một điểm trọng yếuniềm Tin. Vào thời khắc đó, hành giả phải tin sâu, tin chắc Phật A Di Đà sẽ đến. Chưa chế ngự được tà niệm, song niềm tin vững, một lòng chí thiết đợi Phật, phiền não ắt lắng xuống; cộng với năng lực gia trì giữa một không gian đầy ắp từ trường siêu thiện và hào quang tỏa rạng, hành giả dễ chừng hóa sanh về Cực Lạc.

Đến đây mới hiểu tại sao pháp môn niệm Phật không lấy chữ Hạnh làm đầu (hạnh niệm Phật) lại xem Tín bậc nhất trong ba món tư lương. Bằng niềm tin sâu chắc, hành giả dẫu không đạt nhất tâm trong mười niệm vẫn nhiều cơ hội lách qua khe cửa hẹp tử sanh. Nhất Tâm trong niệm Phật bước đầu nên hiểu là tức thì khởi niệm Giác. Hễ vọng tưởng nổi nên ngay liền “A Di Đà Phật” khởi động. Suối đời hành niệm Phật cốt yếu xoáy vào việc niệm theo từng chuỗi mười câu; đang niệm bỗng tự hỏi không biết niệm thứ mấy rồi, liền bỏ ngay vòng đó niệm lại từ đầu. Hồng danh Đức Phậthạt giống, hành giả chăm sóc nẩy mầm, lớn lên vươn cành tỏa bóng, cây bồ đề thành cổ thụ. Từ miệng niệm đến tâm niệm, câu Phật hiệu từ ngoài nghe vào nay từ tâm phát ra, là lúc hành giả xoay được sự nghe vào trong, xoay cái nhìn vào bổn tánh. Có người một mình niệm Phật mà ngỡ trăm người cùng niệm, rầm rập như sóng vỗ bờ; như hàng trăm bước chân nhịp nhàng hùng dũng tiến đến. Có người ngồi niệm mà như đang trụ giữa hư không, dàn đồng ca “A Di Đà Phật” vang vang dội xuống. Những người khác lại vô niệm mà niệm, niệm mà tâm tuyệt tĩnh yên vắng; có người khởi Phật hiệu cả trong giấc mơ đánh tan ác mộng…

Bản thân tôi chưa thực hành được chút xíu so với những loại công phu đó. Vốn học mót ân đức chư tổ và bậc chân tu lặng lẽ giấu mình chờ thời hóa độ, những lời viết ra chỉ là cảnh tỉnh bản thân đang ở trong vòng nguy hiểm luôn có nguy cơ đọa vào ác đạo.

Tạo bài viết
25/07/2011(Xem: 111700)
10/10/2010(Xem: 107854)
10/10/2010(Xem: 110146)
10/08/2010(Xem: 112917)
08/08/2010(Xem: 118670)
21/03/2015(Xem: 23641)
27/10/2012(Xem: 66642)
09/09/2017(Xem: 12222)
02/09/2019(Xem: 9000)
09/04/2016(Xem: 15621)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: