Thư Viện Hoa Sen

Đọc Ngô Thì Nhậm: Tịch Nhiên Vô Thanh | Nguyên Giác

29/04/20254:05 SA(Xem: 931)
Đọc Ngô Thì Nhậm: Tịch Nhiên Vô Thanh | Nguyên Giác

ĐỌC NGÔ THÌ NHẬM:
TỊCH NHIÊN VÔ THANH

Nguyên Giác

 

Ngo Thi Nham Toan TapPháp của Phật là để giải thoát, để xa lìa tham sân si. Lộ trình để giải thoátBát Chánh Đạo, tức là tám con đường chơn chánh, để tịnh hóa ba nghiệp. Trên đường tu học như thế, theo quan điểm Thiền Tông Việt Nam, sẽ tới lúc chúng ta thấy rằng thực tướng các pháp là Không, rằng vô lượng nghiệp trong thực tướng là Không, và thấy như thế là biết được cửa vào giải thoát. Bài này sẽ nói về khái niệm Tịch Nhiên Vô Thanh, rằng trong cái tịch lặng nguyên thủy vốn không một âm thanh dấy động, thì sẽ không thấy gì gọi là âm thanh ba cõi xôn xao.

Bài viết này sẽ phân tích một đoạn văn trong sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.

Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư, và được nhiều vị sư tôn vinh là vị Tổ Thứ Tư của Dòng Thiền Trúc Lâm.

Nơi đây, chúng ta ghi lại nửa đầu trang 247, ghi lời vị sư tên là Hải Huyền, tức là Ngô Thì Hoàng, là em trai thứ 4 của Đại thiền sư Hải Lượng (Ngô Thì Nhậm), trụ trì tại Trúc Lâm thiền viện, người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (xã Tả Thanh Oại nay thuộc Hà Nội).

VO THANH trang 247

Trích trang 247 như sau:

“TIẾNG LẶNG LỄ KHÔNG CÓ TIẾNG

(TỊCH NHIÊN VÔ THANH)

(Thanh dẫn Ngô Thì Hoàng]

Chim phượng hoàng không hay kêu, nên hế kêu lên thì làm cho người ta kinh ngạc. Lúc mà nó không kêu tức là lúc lặng lẽ không có tiếng (tịch nhiên vô thanh), mà cái tiếng (thanh) làm cho người ta kinh ngạc, thì đã tự chứa cất ở trong chỗ không kêu.

Đào Uyên Minh vốn có cây đàn không dây, tự tâm đắc ở bên ngoài âm luật, có lẽ cái tinh thần của âm luật, chỉ có thể tìm thấy ở chỗ không dây, mà không thể tìm thấy ở trong tiếng đàn vậy. Đại phàm vật gì, đã cảm nhận được thì tất có sự đáp trả, cảm nhận mà không có sự đáp trả, thì chỉ có cái lặng lẽ (tịch nhiên) là làm được. Lấy cái dùi mà đánh chuông, thì tiếng kêu sang sảng, lấy cái dùi đánh vào giữa khoảng không, thì muốn tìm tiếng (thanh) cũng chẳng tìm được.” (hết trích)

 

Trong đoạn trích dẫn trên, các chữ in nghiêng là theo đúng trong sách. Chim phượng hoàng không kêu, thì không có tiếng, do vậy, khi kêu, thì người nghe mới kinh ngạc. Đoạn văn nói rằng cái tiếng “đã tự chứa ở trong chỗ không kêu” – tức là, âm thanh nằm sẵn trong cái vắng lặng. Cái có tiếng nằm sẵn trong cái không tiếng.

Khi nói “tự chứa” có nghĩa là cốt tủy của cái Sắc phải là cái Không. Đây là tư tưởng của Bát Nhã Tâm Kinh. Đó chính là, sắc tức thị không, và không tức thị sắc. Sắc là những cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, được tư lường – có nghĩa là Sắc chính là sắc thanh hương vị xúc pháp, và là Không. Tại sao Tâm Kinh nói rằng cái được nghe (có tiếng kêu) là trong chỗ không kêu?

Kinh Bahiya Sutta đã chỉ ra thực tướng của những cái được thấy, được nghe là bất khả đắc, bởi vì Đức Phật dạy rằng: Hãy để cái được thấy chỉ là cái được thấy, hãy để cái được nghe  chỉ là cái được nghe, hãy để cái được cảm thọ chỉ là cái được cảm thọ, hãy để cái được nhận biết chỉ là cái được nhận biết, và nơi đó là giải thoát.” Bởi vì, bất kỳ làm cái gì khác hơn, đều là hí luận, là vọng tưởng. Khi bạn nghe tiếng chim, hay nghe một dòng nhạc, hãy để tiếng chim là tiếng chim, và hãy để dòng nhạc là dòng nhạc. Đừng níu cái quá khứ của tiếng chim hay của dòng nhạc, đừng mơ về tương lai của tiếng chim hay của dòng nhạc, đừng níu vào cái hiện tại của tiếng chim hay của dòng nhạc, vì tất cả thực tướng của cái được nghe là Tánh không.

Do vậy, giữ tâm tịch nhiên vô thanh là sẽ tương ưng với giải thoát, nơi đây tiếng chim kêu và dòng nhạc bất kể có lớn cỡ nào cũng vẫn dung chứa trong cái lặng lẽ không có tiếng này.

Đoạn văn thứ nhì nói rằng “Đào Uyên Minh vốn có cây đàn không dây là chỉ cho ngài Đào Tiềm (365 - 427), một ẩn sĩ đời Tấn, Trung Quốc. Ba nguồn tư tưởng chính ảnh hưởng lên Đào Uyên Minh là Khổng giáo, Phật giáoĐạo giáo. Trong khi Đào Uyên Minh sống trong thời kỳ Phật giáo ngày càng phát triển ở Trung Quốc và thậm chí có liên quan đến những nhân vật Phật giáo nổi tiếng như Huệ Viễn, nhưng không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy ông là một Phật tử Thiền tông. Triết lý và thơ ca của ông phản ánh vào đời sống giản dị, thiên nhiên và sự trở lại trạng thái tự nhiên hơn của bản thể. Chúng ta không hiểu tại sao sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh lại liên hệ nhà thơ Đào Uyên Minh với biểu tượng cây đàn không dây của Thiền Tông.

Tuy nhiên, thông điệp của quý ngài Trúc Lâm hẳn là nằm trong ý chỉ này: “...có lẽ cái tinh thần của âm luật, chỉ có thể tìm thấy ở chỗ không dây, mà không thể tìm thấy ở trong tiếng đàn vậy.” Có nghĩa là, tinh thần của âm luật (ám chỉ luật duyên khởi) nằm trong chỗ không dây, mà không thể tìm thấy trong tiếng đàn, tức là không thể tìm thấy trong cái được nghe. Có nghĩa là, cái được nghe thì nhiều vô lượng, tiếng cao, tiếng trầm, nhưng âm luật vận hành vô lượng cái tiếng đó là ở chỗ cái tịch nhiên vô thanh.

Có một truyện bổn sanh (Jataka) số 243, nói về một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, khi ngài là một nhạc sĩ, và trong một cuộc thi đấu nhạc cuối đời, ngài đã tuần tự bứt đứt 7 dây đàn để thành tựu một chiến thắng. Có thể thấy biểu tượng là: cây đàn là pháp để dụng tâm để thuần hóa 7 nghiệp dữ, và khi bứt hết 7 dây đàn, đó là tới chỗ đàn không dây, là pháp vô tâm của Thiền Tông.

Trong Kinh SN 14.26. Bảy Nghiệp Đạo: Sattakammapatha, Đức Phật nói rằng có bảy nghiệp đạo lôi cuốn chúng ta: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác ngữ, nói phù phiếm. Kinh SN 14.26 viết như sau, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc theo giới, các chúng sanh cùng hòa hợp, cùng đi với nhau. Kẻ sát sanh cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ sát sanh. Kẻ lấy vật không cho… với kẻ lấy vật không cho. Kẻ tà hạnh trong các dục… với kẻ tà hạnh trong các dục. Kẻ nói láo… với kẻ nói láo. Kẻ nói hai lưỡi…với kẻ nói hai lưỡi. Kẻ ác ngữ… với kẻ ác ngữ. Kẻ nói lời phù phiếm cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ nói lời phù phiếm.

Kẻ từ bỏ sát sanh cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ từ bỏ sát sanh. Kẻ từ bỏ lấy vật không cho… với kẻ từ bỏ lấy vật không cho. Kẻ từ bỏ tà hạnh trong các dục… với kẻ từ bỏ tà hạnh trong các dục. Kẻ từ bỏ nói láo… với kẻ từ bỏ nói láo. Kẻ từ bỏ nói lời hai lưỡi… với kẻ từ bỏ nói lời hai lưỡi. Kẻ từ bỏ ác ngữ… với kẻ từ bỏ ác ngữ. Kẻ từ bỏ nói lời phù phiếm cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ từ bỏ nói lời phù phiếm.”

Như thế, chúng ta sẽ bị lôi kéo theo bảy con đường của nghiệp đó. Cây đàn thời xưa của dân Ấn Độ có bảy dây, và các Thiền sư Trung Hoa về sau nói rằng con đường giải thoát là ngộ, nhập, tri, kiến cái xa lìa bảy nghiệp đạo đó, tức là cái vô thanh, là cái tâm vô sinh, là cái bứt hết bảy dây nghiệp đạo.

Trong một kiếp quá khứ, Đức Phật là một nhạc sĩ  thành Benares. Bộ sách Jataka, truyện 243, ghi lời Đức Phật kể về một kiếp quá khứ. Kinh gọi tiền kiếp Đức Phật bằng danh xưng Bồ Tát.  Ngài sinh trong một gia đình nhạc sĩ. Người ta gọi Ngài là Nhạc sư Guttila.  Khi trưởng thành, Ngài giỏi tất cả mọi ngành âm nhạc, và trở thành nhạc sĩ xuất sắc nhất Ấn Độ.

Thời đó, Musila là nhạc sĩ giỏi nhất thành Ujjeni. Musila là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa. Một số thương gia thành Benares khi tới Ujjeni, mới chê rằng Musila chơi nhạc thua xa Ngài Guttila. Musila mới tới Benares, xin học nhạc từ Ngài Guttila. Khi Musila học thành thạo xong, nghĩ rằng tài âm nhạc đã bằng vị thầy, nên sinh kiêu ngạo, nên thách đấu nhạc với Thầy trước cung điện nhà vua. Nhà vua hẹn 7 ngày sau, hai thầy trò âm nhạc sẽ tranh tài nhạc.

Nhạc sư Guttla suy nghĩ, “Cậu Musila này trẻ, còn mình già rồi. Nếu học trò mình thua mình, chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu mình thua học trò mình, thà chết trong rừng còn êm ái hơn là xấu hổ như thế.” Nhạc sư Guttila, tức tiền thân Đức Phật, đi đi lại lại trong khu rừng, lòng đầy do dự. Thế rồi 6 ngày trôi qua, nơi nào bước chân Ngài giẫm lên, cỏ chết tới đó, và thành một lối đi.

Lúc đó, Vua Trời Sakka thấy ngai trời nóng lên, mới thiền định, hiểu mọi chuyện, thấy rằng Nhạc sư Guttila đang buồn vì bị học trò thách đấu nhạc, nên mới xuống, tới trước mặt Nhạc sư Guttila và nói sẽ giúp. Nhạc sư Guttila nói, làm sao mà Vua Trời giúp được, vì kỹ năng đàn 7 dây  của Musila đã học từ thầy hết rồi.

Vua Trời Sakka mới nói, Nhạc sư an tâm, hãy cứ đấu nhạc, rồi Nhạc sư hãy bứt từng dây đàn trên cây đàn 7 dây, Musila sẽ thua, tới tận cùng âm thanh của đàn không dây sẽ tràn ngập khắp không gian 12 cõi. Vua Trời Sakka trao cho Nhạc sư Guttila 3 hạt xúc xắc, và nói, khi âm thanh đàn không dây bao trùm hết không gian, Nhạc sư hãy ném viên xúc xắc đầu tiên vào không gian, sẽ thấy 300 thiên nữ hiện ra, múa trước mắt; rồi Nhạc sư hãy ném viên xúc xắc thứ nhì, sẽ thấy thêm 300 thiên nữ hiện ra, múa phía trước cây đàn; và Nhạc sư hãy ném viên xúc xắc thứ ba, sẽ có thêm 300 thiên nữ nữa hiện ra, múa trong hội trường.

Tới ngày thi đấu nhạc, vua, quan triều đình và nhiều ngàn người tham dự… Đây là cuộc thi đấu nhạc của 2 nhạc sĩ xuất sắc nhất cõi này. Nhạc sư Guttila và học trò Musila thi đàn 7 dây. Tiếng nhạc cả 2 thầy trò đều tuyệt vời. Tất cả khán thính giả đều tán thưởng. Thế rồi, Nhạc sư Guttila bứt một dây đàn, tiếng đàn 6 dây nghe tuyệt vời hơn, kỳ lạ như thế. Musila bắt chước, bứt một dây đàn, nhưng tức khắc, cây đàn của Musila không lên tiếng nhạc được nữa.

Thế rồi Nhạc sư Guttila bứt thêm một dây đàn, tiếng nhạc của đàn 5 dây nghe còn hay hơn nữa; rồi bứt thêm một dây, và tương tự, tới khi đàn không còn sợi dây nào, tiếng đàn không dây nghe tuyệt vời chưa từng có. Vua, quan triều đình, nhiều ngàn người đứng lên hoan hô, chứng kiến những điều chưa từng có. Thế rồi, Nhạc sư Guttila ném lên một hạt xúc xắc, 300 cô thiên nữ hiện ra múa; ném thêm hạt xúc xắc thứ nhì, 300 cô thiên nữ khác hiện ra; và ném hạt thứ ba, 300 cô khác hiện ra. Cả 900 cô thiên nữ đứng múa giữa trời. Nhà vua hoan hô Nhạc sư Guttila, và mắng Musila rằng ngươi là học trò sao lại hỗn, dám thách thức Thầy ngươi là Nhạc sư Guttila.

Bứt từng dây đàn là quăng bỏ dần các pháp còn dựa vào sắc thọ tưởng hành thức mà tu, để rồi bứt hết cả bảy dây đàn, để tận cùng là tâm tương ưng với đàn không dây, tức là, theo Kinh Tứ Thập Nhị Chương, nơi Chương 18, viết là: “Đức Phật nói: Pháp của ta là niệm vô niệm niệm, hành vô hành hạnh, ngôn vô ngôn ngôn, tu vô tu tu…”

Có một giải thích khác: bảy dây đàn tượng trưng cho thất tình, tức là Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ). Khi nào xa lìa bảy tình này rồi, tâm sẽ không bị vướng gì nữa.

Nói ngắn gọn, người sống với tịch nhiên vô thanhthường trực thấy tâm tương ưng với tâm vô vi, tâm vô sanh, tâm Niết bàn. Có thể lấy hình tượng như tâm gương sáng rỗng lặng, khi hình ảnh mây bay hiện ra rồi biến mất thì cũng không chút bụi nào dính vào tâm gương sáng. Tương tự, như tánh nghe vốn tịch nhiên vô thanh, khi âm thanh hiện ra rồi biến mất thì cũng không chút âm vang nào dính vào tánh nghe rỗng lặng vô thanh. Hễ còn dính một chút nào trong tâm, nghĩa là vẫn chưa rời được thế gian ba cõi này.

 

THAM KHẢO:

. Kinh SN 14.26:

https://suttacentral.net/sn14.26/vi/minh_chau

.

 

 

Tạo bài viết
07/03/2015(Xem: 34400)
14/11/2012(Xem: 51545)
14/03/2016(Xem: 20914)
free website cloud based tv menu online azimenu
Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni, Thưa quý Phật tử và nhà hảo tâm, Ngày 15/5/2025, con/Ngọc Lãm đã trực tiếp có mặt tại huyện Krông Nô tỉnh Đăk Nông để nghiệm thu 4 công trình giếng khoan/hệ thống lọc nước cho 6 trường học do các Phật tử, nhà hảo tâm xa gần tài trợ. Tính từ thời gian thi công hoàn thành cho đến nay, các công trình đều được đưa vào sử dụng khoảng 15 ngày – 1 tháng. Các giếng nước/hệ thống lọc đều đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng thực tế của các trường.
Thầy Chân Pháp Từ nói với tôi rằng đạo tràng Tâm Kim Cương do thầy đứng đầu, tổ chức pháp thoại vào chiều ngày thứ năm, và trung bình có khoảng 30, 40 người Việt trẻ tuổi tham dự.