Thư Viện Hoa Sen

Đọc Ngô Thì Nhậm: Vạn Pháp Là Một | Nguyên Giác

10/07/20253:49 SA(Xem: 94)
Đọc Ngô Thì Nhậm: Vạn Pháp Là Một | Nguyên Giác

ĐỌC NGÔ THÌ NHẬM: VẠN PHÁP LÀ MỘT
Nguyên Giác

 

 

Ngo Thi Nham Toan TapBài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: vạn pháp đều là một. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.

Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư, và được nhiều vị sư tôn vinh là vị Tổ Thứ Tư của Dòng Thiền Trúc Lâm. Tất cả các vị sư khác trong sách đều nói trong tông phong này.  Nơi đây, chúng ta trích nơi trang 412, nguyên văn như sau:

 NGO Trang 412


(Trích)“Trọng Ni nói: "Nhìn từ góc độ khác nhau, thì là gan với mật, như nước Sở với nước Việt vậy (1). Nhìn từ góc độ giống nhau, thì vạn vật đều là một. Cái gì ra từ ở chỗ nào thì cũng đi vào ở chỗ đó, không từ chỗ nào ra mà cũng không đi vào chỗ nào, thế gọi là đại thông (hết sức thông suốt).

CHÚ THÍCH:

(1) Tự kỳ đị giả thị chi, can đảm Sở, Việt dã: Câu này ở thiên Đức sung phù, sách Trang Tử, chứ không phải của Trọng Ni.” (ngưng trích)

 

Chú thích trên là của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, muốn nói rằng câu trích dẫn trên là của Trang Tử, không phải của Trọng Ni.

Nơi đây, chúng ta ghi chú thêm, rằng Trọng Ni chính là tự danh của Khổng Tử – vị có tên thật là Khổng Khâu. Trong truyền thống Trung Hoa, người có học thường có “tự” (tên gọi dùng trong giao tiếp trang trọng), và “Trọng Ni” là cách gọi thể hiện sự kính trọng dành cho Khổng Tử. Khổng Tử không phải là nhân vật thuộc Đạo giáo, mà là người sáng lập Nho giáo. Ông sống vào thời Xuân Thu (551–479 TCN) và được xem là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tư tưởng của Khổng Tử nhấn mạnh đạo đức, lễ nghi, nhân nghĩagiáo dục – khác biệt với Đạo giáo, vốn thiên về tự nhiên, vô vihuyền học.

Tóm gọn ý của Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh nơi đây là: vạn vật đều là một.

Ý chỉ chỗ này dễ nhầm lẫn, nếu nói rằng có một cái gì là một, thì đều không nên. Nếu nói rằng không có gì có thể để gọi là một, hay là hai, hay là nhiều, thì cũng đều không nên. Nói chung, khi dùng tới văn tự là sẽ thấy vương vướng, như dường không ổn, vì cứ tưởng như là có cái gì.

Trong bài Bát Nhã Tâm Kinh, câu đầu là nói Sắc chính là Không, và Không chính là Sắc. Khi nhìn tất cả là Không, chúng ta thấy hiển nhiên rằng vạn vật đều là Không. Sắc chính là những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, được suy nghĩ tư lường. Khi tất cả là Không, chúng ta có thể tạm gọi vạn vật là một. Ý này nằm trong lời Đức Phật dạy về pháp ấn rằng tất cả hữu vi pháp đều là vô thường, vô ngã, khổ, không.

Trong Kinh SN 22.95, Đức Phật giải thích rằng sắc chính là không, rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là như đống bọt, như bong bóng nước, như ráng mặt trời, như cây chuối (lột vỏ không tìm ra tự ngã), như trò ảo thuật. Bản dịch Thầy Minh Châu viết, trích:

Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được? Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng.” (ngưng trích)

Người nào thấy được thực tướng các pháp, sẽ không còn thấy có tướng nam hay tướng nữ hiện lên. Khi tâm chúng ta chỉ thấy các uẩn hiện lên, và không còn thấy tướng nam hay tướng nữ nữa, thì tức khắc sẽ thấy vạn vật là một, hay nói ngược lại cũng đúng, rằng tất cả các pháp đều bất khả đắc. Do vậy, nói cho gọn thì là vạn pháp là một. Nói mặt khác, sẽ nói rằng không một lời nào có thể nói. Chỉ có thể nói rằng, các pháp nó như thế là như thế.

Trong Kinh SN 5.2, ghi lại rằng Tỳ kheo ni Soma khất thực ở Sāvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ kheo ni đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày. Sau khi đi sâu vào rừng, ngài ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày. Ác ma hiện ra chọc ghẹo Tỳ kheo ni Soma.

Tỳ kheo ni Soma trả lời, theo bản dịch của Thầy Minh Châu, rằng hễ còn thấy có tướng nam hay tướng nữ là sẽ còn bị rơi vào trò của Ác ma, trích:

Ai tự mình tìm hỏi:

“Ta, nữ nhân, nam nhân,

Hay ta là ai khác?”

Xứng nói chuyện Ác ma,

Ác ma thật cân xứng.

 

Cho nên, thực tướng các pháp chínhKhông tướng. Và chúng ta gọi là một thì cũng được, gọi là không thì cũng được. Bát Nhã Tâm Kinh gọi đó là bất dị, tức là không khác. Vậy thì, một hay nhiều đều không có tướng để được thấy. Tương tự, hãy hình dung rằng tất cả hình ảnh xanh đỏ tím vàng, cao thấp vuông tròn đều hiện trước tánh phản chiếu của gương tâm. Các hình ảnh liên tục hiện ra rồi biến mất, nhưng tánh phản chiếu của gương không biến mất theo ảnh, không chạy theo ảnh. Cũng vậy, những âm thanh, tiếng chim kêu, tiếng lá xào xạc liên tục tới bên tai rồi biến mất, rồi khởi lên rồi biến mất. Nhưng tánh nghe của chúng ta không chạy theo các âm thanh biến mất.

Có thể gọi tánh phản chiếu của gương tâm là một, khi hiện lên vô lượng ảnh hình. Có thể gọi tánh nghe là một, khi hiện lên vô lượng âm thanh. Nhưng trong tận cùng các pháp, không có một cái gì có thể nắm bắt được, nên gọi là một thì chỉ là tạm gọi. Cũng như cách gọi toàn sóng là nước, toàn tướng là tánh, và ngược lại. Nếu gọi tên nhầm là một pháp gì đó, thí dụ có tướng nam, hay tướng nữ đều là hỏng.

Trong tích truyện Kinh Pháp Cú số 43 kể chuyện rằng tướng nam hay tướng nữ chỉ là nghiệp, duyên thôi. Tích truyện tóm tắt như sau: Ngày xưa, tại tu viện Jetavana, Đức Phật kể về Soreyya, con trai một gia đình giàu có. Một hôm, cậu Soreyya đang đi xe ngựa sang trọng thì thấy Tỳ-kheo Mahakaccayana đang chỉnh y phục. Thấy vóc dáng và màu da vàng óng của ngài, cậu Soreyya chợt nảy sinh ý nghĩ sai trái: “Ước gì vị Tỳ-kheo này là vợ mình, hoặc vợ mình có làn da như ngài.” Ngay lập tức, Soreyya biến thành phụ nữ.

Xấu hổ, Soreyya bỏ trốn đến Taxila. Tại đây, cô gặp và kết hôn với một thiếu gia giàu có, sinh được hai con trai. Trước đó, khi còn là đàn ông, Soreyya cũng có hai con trai. Một lần, một người bạn cũ từ thành Soreyya đến Taxila. Soreyya nhận ra và mời anh ta đến. Khi biết đây chính là Soreyya đã mất tích, và nghe cô kể lại toàn bộ câu chuyện về ý nghĩ sai lầm và sự biến đổi giới tính, người bạn khuyên cô nên sám hối với Tỳ-kheo Mahakaccayana.

Soreyya mời Tỳ-kheo Mahakaccayana đến nhà cúng dường. Sau bữa ăn, cô thành tâm xin lỗi ngài. Tỳ-kheo Mahakaccayana nói: “Đứng dậy, ta tha thứ cho con.” Lập tức, Soreyya trở lại thành đàn ông. Soreyya nhận ra sự vô thường của thân tâm và cuộc sống, xin xuất gia theo Tỳ-kheo Mahakaccayana. Sau này, mọi người thường hỏi anh ta yêu thương những người con nào hơn. Ban đầu, anh nói yêu thương những người con do mình sinh ra hơn. Nhưng sau khi tu tập tinh tấnđạt được A-la-hán, Soreyya không còn vướng bận tình cảm với bất kỳ ai.

Đức Phật xác nhận rằng Soreyya đã nói sự thật. Ngài dạy rằng, nhờ tâm ý hướng thiện, Soreyya đã đạt được trạng thái an lạccha mẹ cũng không thể ban tặng.

Nghĩa là, vì chấp vào tướng nam hay tướng nữ, vì bị lôi cuốn bởi nhan sắc của tướng nam hay tướng nữ, chúng ta bị lôi kéo mãi trong cõi này. Cách duy nhất là thấy thực tướng chính là Không tướng, thì mới giải thoát.

Đức Phật cũng dạy rằng không hề có cái gì là tôi, là của tôi. Vậy thì, lấy cái gì để gọi là một hay nhiều. Tương tự, Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy rằng muốn vượt qua dòng sông sinh tử, thì phải thấy tâm mình như con trâu đất, hễ xuống nước là tan ra. Cách nhìn như thế, nếu gọi vạn pháp là một thì chỉ là tạm gọi. Nhưng đúng ra, không một lời nào có thể nói được.

Trong Kinh SN 4.19, Đức Phật đối thoại với Ác ma. Kinh ghi lời Ác ma nói rằng, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

“Này Sa-môn, mắt là của ta, sắc là của ta, thức xứ do mắt xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta? Này Sa-môn, tai là của ta, tiếng là của ta … Này Sa-môn, mũi là của ta, hương là của ta…  Này Sa-môn, lưỡi là của ta, vị là của ta… Này Sa-môn, thân là của ta, xúc là của ta… Này Sa-môn, ý là của ta, pháp là của ta, thức xứ do ý xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta không?”(ngưng trích)

Đức Phật trả lời: “—Này Ác ma, mắt là của Ông, sắc là của Ông, thức xứ do mắt xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mắt, không có sắc, không có thức xứ xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.” Và tương tự với tai, mũi, lưỡi, thân, ý...

Như thế, thấy không một pháp nào là ta, là tôi, là của tôi, là của ta... thì là giải thoát. Tạm gọi là một cũng được, tạm gọi là vô lượng như biển cũng được. Như thế, không thấy có cái gì là ta hay người, thì lấy chỗ nào mà đau khổ nữa.

.

THAM KHẢO:

. Kinh SN 22.95: Thân tâm như bọt sóng, như trò ảo thuật:

https://suttacentral.net/sn22.95/vi/minh_chau

. Kinh SN 5.2, không thấy tướng nam hay tướng nữ:

https://suttacentral.net/sn5.2/vi/minh_chau

. Kinh Pháp Cú, tích truyện 43:

https://www.tipitaka.net/tipitaka/dhp/verseload.php?verse=043

. Kinh SN 4.19: Mắt tai mũi lưỡi thân ý là của ma:

https://suttacentral.net/sn4.19/vi/minh_chau

 

 

 

 

 

 

 

Tạo bài viết
07/03/2015(Xem: 35470)
14/11/2012(Xem: 52109)
14/03/2016(Xem: 21510)
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.