- I. Phẩm Song Yếu
- Phẩm 1: Song Yếu Phần 2
- Phẩm 1: Song Yếu Phần 3
- Phẩm 1: Song Yếu Phần 4
- Ii. Phẩm Không Phóng Dật
- Phẩm 2: Không Phóng Dật (2)
- Iii. Phẩm Tâm
- Iv. Phẩm Hoa
- Iv. Phẩm Hoa (2)
- V. Phẩm Ngu
- V. Phẩm Ngu (2)
- Vi. Phẩm Hiền Trí
- Vii. Phẩm A-la-hán
- Viii. Phẩm Ngàn
- Ix. Phẩm Ác
- X. Phẩm Hình Phạt
- Xi. Phẩm Già
- Xii. Phẩm Tự Ngã
- Xiii. Phẩm Thế Gian
- Xiv. Phẩm Phật
- Xv. Phẩm Hạnh Phúc
- Xvi. Phẩm Hỷ Ái
- Xvii. Phẩm Sân Hận
- Xviii. Phẩm Cấu Uế
- Xix. Phẩm Công Bình Pháp Trụ
- Xx.phẩm Đạo
- Xxi. Phẩm Tạp Lục
- Xxii. Phẩm Địa Ngục
- Xxiii. Phẩm Voi
- Xxiv. Phẩm Tham Ái
- Xxv. Phẩm Tỳ Kheo
- Xxvi. Phẩm Bà La Môn
- Xxvi. Phẩm Bà La Môn (2)
- Xxvi. Phẩm Bà La Môn (3)
Phẩm 2: Không Phóng Dật (2)
2. Tiếng Nói Của Một Người Giàu
Nỗ lực, giữ chánh niệm...
Giáo lý này được đức Phật nói khi Ngài ngụ tại Veluvana, liên quan đến Kumbhaghosaka.
Ngày xưa, một trận dịch hạch hoành hành tại Vương Xá, ngay trong ngôi nhà của vị chưởng khố. Thú vật, ruồi rồi đến gia súc chết đầu tiên, tiếp theo là đám gia nhân và vợ chồng quản gai. Cuối cùng bệnh dịch tấn công viên chưởng khố và vợ ông ta. Biết rằng đã mắc bệnh, hai ông bà nhìn đứa con trai đang đứng gần, mắt đẫm lệ bảo nó hãy đạp đổ bức tường và trốn đi, đừng quan tâm đến cha mẹ mà hãy cứu mạng mình, rồi sau đó trở về nhà đào kho tàng bốn tỷ tại nơi đó, nơi đó... để sinh sống. Người con trai nghe nói vậy khóc sướt mướt, giã biệt cha mẹ, đạp đổ bức tường và trốn đi. Anh vào rừng tìm nơi ẩn náu, ở đó suốt mười hai năm rồi về nhà.
Khi ra đi anh chỉ là một đứa bé, giờ trở về tóc và râu mọc dài, không ai nhận ra anh. Anh tìm được kho tàng và thấy còn nguyên, nhưng anh không dám lấy ra xài sợ làng xóm nghi kỵ quấy nhiễu hoặc bắt bớ mình. Vì vậy anh tìm chỗ làm thuê để kiếm sống. Anh ăn mặc rách rưới đến khu những người lao dộng và hỏi thăm xem có ai cần người làm không. Họ trả lời anh:
- Nếu anh làm một phần việc của chúng tôi, chúng tôi sẽ trả gạo cho anh.
- Làm việc gì thế các bạn ?
- Ra lệnh và điều khiển công việc của chúng tôi. Anh phải dậy thật sớm, đi quanh những người làm và ra lệnh cho họ: "Các ông, thức dậy đi, đem xe ra, thắng ách vào bò, đã đến giờ cho voi ngựa đi ăn cỏ! Các bà ơi, dậy đi, lo nấu cơm, nấu nước!".
- Hay quá !
Và anh nhà giàu nhận việc. Họ cho anh nhà ở và anh làm việc đều đặn thật hết lòng.
Một hôm vua Bình-sa-Vương, người có thể nhận dạng mọi người qua tiếng nói, nghe tiếng của anh ông nói ngay:
- Đây là tiếng nói của một người giàu có.
Một tỳ nữ đứng gần vua nghe thế nghĩ rằng không thể xảy ra một chuyện như vậy được, và cô ta muốn điều tra nên phái người đi dò hỏi, biết đó là một người nghèo làm việc cho những người hầu. Nhà vua nghe báo cáo không nói gì thêm, nhưng mấy ngày sau nghe tiếng anh cất lên vẫn đoan chắc là giọng nói của một nhà giàu. Năm lần bảy lượt hỏi tới hỏi lui, dò xét đủ kiểu, cô tỳ nữ tâu với vua anh chàng đó là một người nghèo, vua vẫn không tin. Cô nghĩ chắc là vua nói đúng nên cô thấy mình có bổn phận phải tìm hiểu sự thật. Cô xin vua cho một ngàn đồng, sẽ đem con gái mình đến gặp người đàn ông này, và hứa sẽ đem kho tàng về hoàng cung.
Rồi hai mẹ con ăn mặc rách rưới đến khu lao động xin tá túc vài ngày trước khi đi xa. Những người tại đó chỉ nhà của Kumbhaghosaka, Ban đầu anh ta không chịu cho ở, sau hai mẹ con cứ nằn nì mãi anh buộc lòng phải chấp nhận. Cô tỳ nữ làm đủ cách để lấy lòng anh ta, nào là nấu cơm hảo hạng theo hoàng gia với nước sốt và cà-ri ... Cuối cùng cô ta cắt dây giường nệm, mỗi ngày một ít trong ba ngày liên tiếp. Kumbhaghosaka cáu kỉnh trách móc thì cô ta cứ trả lời là không thể ngăn tụi nhóc nhảy tưng tưng lên đó. Rồi đến một hôm toàn bộ tấm nệm rơi xuống đất vì đã đứt hết dây. Lần này anh không kiềm chế, nổi giận đùng đùng vì không còn giường để nằm nữa. Anh ta rên rỉ:
- Trời! Tôi biết đi đâu bây giờ đây?
Cô tỳ nữ không bỏ lỡ dịp, đáp ngay:
- Anh bạn! Tôi biết làm sao, tôi không thể đuổi bọn trẻ hàng xóm cứ đến chơi giỡn và nhảy tưng lên giường. Xin đừng phiền, xem nào, tôi có thể làm gì được cho anh, à được rồi!
Rồi quay sang cô con gái, bà mẹ ngọt ngào bảo:
- Con gái cưng, dọn chỗ cho anh con nằm.
Cô con gái vâng lời, nằm lăn qua một bên và anh ta qua nằm kế. Đêm đó họ thành thân với nhau. Hôm sau cô con gái khóc kể tự sự với mẹ. Bà mẹ an ủi con:
- Ồ, có sao đâu! Con rồi cũng phải có chồng, anh ta phải có vợ.
Rồi bà nhận anh ta làm rể. Bà tiếp tục kế hoạch của mình bằng cách cho người về tâu với vua xin ra lệnh cho nghỉ việc tại khu lao động, ai bất tuân sẽ bị xử phạt. Vua chuẩn y. Bà mẹ vợ bối rối bàn với chàng rể phải làm sao vì nghỉ làm sẽ không có lương, mà lệnh vua thì không dám cãi. Cuối cùng bà xúi chàng rể đi vay nợ để ăn vào ngày nghỉ đó. Anh ta không còn cách nào khác. Đành phải trở về nơi chôn dấu kho tàng lấy đúng một đồng cho mẹ vợ. Bà nhận tiền nhưng đem gởi cho vua và lấy tiền riêng của mình chi tiêu trong nhà.
Sau đó vài ngày, bà lại xin vua truyền lệnh như thế một lần nữa. Anh ta phải trở lại kho tàng lấy thêm ba đồng nữa đem về.
Phần chót kế hoạch của bà là xin vua cho mời Kumbhaghosaka về triều. Anh ta không chịu đi nên bị quân lính áp đảo, nắm tay chân lôi đi. Bà trấn an anh ta, bảo cứ đi; khi gặp vua bà sẽ tâu với vua để xử phạt những kẻ đã dám bắt lôi rể bà. Rồi bà cùng cô con gái đi trước. Đến hoàng cung, bà cởi bỏ lớp rách rưới, mặc y phục sang trọng với đầy đồ trang sức lấp lánh, đứng một bên vua. Rồi Kumbhaghosaka bị điệu đến trước bệ rồng để đối đáp những lời chất vấn của vua:
- Ngươi là Kumbhaghosaka
- Tâu vâng.
- Tại sao ngươi dối trá khi tiêu pha tài sản kếch sù của mình?
- Tài sản của tôi? Ở đâu, đại vương? Tôi sống bằng sự làm thuê.
- Không phải thế. Sao ngươi lừa dối ta?
- Tâu đại vương, tôi không dối Ngài. Tôi không có tài sản.
Vua chỉ những đồng tiền do mẹ vợ anh gởi đến và hỏi anh:
- Thế những đồng tiền này của ai?
Kumbhaghosaka nhận ra đồng tiền của mình, sợ hãi đến chết cứng. Anh nhìn về phía vua, thấy hai người đàn bà kia trang điểm lộng lẫy mới vỡ lẽ tại sao đồng tiền của mình lại lọt vào tay vua. Thì ra đây là một âm mưu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và kín đáo, và hai người đàn bà này đã bị nhà vua mua chuộc. Anh sững sờ, đứng chết lặng, không biết phải ăn nói ra sao. Nhà vua đoán biết hỏi dồn anh:
- Nói đi! Tại sao anh làm thế?
Anh run rẩy trả lời:
- Tôi không có người bảo vệ, đại vương!
- Không ai bảo vệ anh bằng ta.
- Tâu đại vương, tôi rất sung sướng được đại vương bảo vệ.
- Ta bảo vệ anh. Tài sản của anh lớn lao đến mức nào?
- Bốn trăm triệu đồng tiền, tâu đại vương.
- Được rồi, ta sẽ cho chở tài sản của anh đến đây. Nhưng bằng cách nào?
- Dạ, bằng xe, tâu đại vương.
Khi cả gia tài của Kumgbaghosaka chất đống trước hoàng cung, vua tập hợp dân chúng trong thành Vương Xá hỏi có ai trong thành có được tài sản nhiều như thế này không? Không ai đáp được, và mọi người đồng thỉnh cầu vua ban cho anh ta chức vị. Vua đồng ý và bổ nhiệm cho anh ta làm chưởng khố rồi gả công chúa cho anh. Sau đó vua dẫn anh đến đảnh lễ đức Phật đồng thời ca ngợi hạnh tốt của anh, không ỷ lại tài sản lớn lao để hưởng thụ, chịu khó làm người nghèo sống bằng sức lao động của mình.
Phật nghe xong hoan hỷ dạy rằng:
- Một người sống như thế, này đại vương, là một người sống chân chánh. Trộm cắp và những hành vi xấu ác khác sẽ đè bẹp chúng ta không những ở đời này mà còn gây đau khổ cho kiếp sau. Ngược lại, một người như thế nỗ lực hết sức mình, luôn luôn chánh niệm, thân khẩu ý đều thanh tịnh, biết dè dặt từng cử chỉ hành động, biết chế ngự thân hành, khẩu hành và ý hành, sống chân chánh, sống chân chánh, không bao giờ buông mông lung, người như thế càng ngày càng dũng mãnh.
Và kết thúc bằng Pháp Cú:
(24) Nỗ lực, giữ chánh niệm,
Tịnh hạnh, hành thận trọng,
Tự điều, sống theo pháp,
Ai sống không phóng dật,
Tiếng lành ngày tăng trưởng.
3.- Châu-Lợi-Bàn-Đặc
Nỗ lực, không phóng dật...
Giáo pháp này được Phật nói tại Veluvana, liên quan đến Trưởng lão Châu-lợi-bàn-đặc.
3A. Châu-Lợi-Bàn-Đặc Ra Đời
Một thương gia giàu có ở Vương Xá có cô con gái đến tuổi dậy thì. Hai ông bà cho cô ở tầng lầu cao nhất của tòa lâu đài bảy tầng và được gìn giữ chu đáo. Nhưng dù vậy, cô không kiềm chế được nhiệt tình của tuổi thanh xuân nên đã lầm lỡ với người nô lệ của mình, có thể bị cha mẹ cho xé xác mình, cô gái bảo anh nô lệ cùng nhau trốn đi.
Họ lấy theo vài món cần thiết và ra đi bằng cửa chính, và từ đó chung sống với nhau. Khi đứa con trong bụng đã lớn, lo sợ khi phải sanh con ở nơi xa xôi không bà con thân thuộc, cô vợ khuyên anh chồng nên trở về nhà cha mẹ. Nhưng anh chồng vẫn còn e ngại ông bà chủ có thể giết mình nên cứ hẹn lần hẹn lữa, hết mai rồi mốt. Cô vợ chờ mãi sốt ruột và cũng biết anh chồng ngốc của mình nhận biết tội lỗi của hai người sợ không dám về, nên một hôm cô gác lại việc bếp núc, báo cho hàng xóm biết là trở về nhà cha mẹ, xong lên đường. Anh chồng về nhà thấy vắng vẻ, hỏi thăm hàng xóm rồi tức tốc rượt theo và bắt kịp giữa đường, ngay lúc cô ta lâm bồn. Anh chàng hối hả hỏi vợ:
- Gì thế em?
- Một đứa con trai, anh ạ.
- Chúng ta phải làm gì bây giờ?
- Sở dĩ tôi muốn trở về nhà cha mẹ là vì cậu con, nay hắn đã ra đời giữa đường, vậy chúng ta không cần đi nữa, hãy trở về nhà mình.
Vì đứa con sanh ra giữa đường nên được đặt tên là Bàn-đặc. Rồi đến đứa con thứ hai cũng lại diễn tiến như trước và mang tên Châu-lợi Bàn-đặc, còn đứa lớn là Đại Bàn-đặc.
Lớn lên, Đại-Bàn-đặc nghe bè bạn kháo với nhau về chú bác ông bà của mình, bèn hỏi mẹ xem nhà mình có bà con họ hàng không. Và khi được biết ông ngoại là một thương gia giàu có đang ở tại Vương Xá, thân bằng quyến thuộc cũng ở cả đó, Đại-Bàn-đặc đòi đến thăm. Bà mẹ bối rồi hỏi ý kiến chồng, cả hai khổ sở không biết tính sao vì họ vẫn còn sợ sệt, cuối cùng họ chiều ý đứa nhỏ đi đến Vương Xá, trọ tại một nhà gần cổng thành rồi nhắn tin về nhà. Hai ông bà thương gia trong nhiều kiếp luân hồi đã không có con trai con gái, nên vui mừng nhận cháu ngoại, còn hai vợ chồng thì được cho tiền để đi nơi khác sinh sống.
Châu-lợi-bàn-đặc lúc đó còn nhỏ, Đại-Bàn-đặc đã lớn khôn nên thường đi theo ông ngoại nghe Phật thuyết pháp, và lòng chàng muốn từ bỏ thế gian. Ông thương gia nghe cháu nhỏ trình hày ý định như vậy, vô cùng hoan hỷ và dẫn chàng đến Đức Phật.
3B- Châu-Lợi-Bàn-Đặc Thành Tỳ Kheo
Đức Phật chấp nhận cho Đại-Bàn-đặc xuất gia, nhập Tăng đoàn, giao chàng cho một Trưởng lão. Chàng nhận từ Trưởng lão đề mục thiên quán về "Năm yếu tố đầu tiền cấu tạo thân". Thuộc lòng hết Phật ngôn, an cư suốt mùa mưa, miên mật tu hành, và do chuyên cần tinh tấn hành thiền của chàng đắc A-la-hán, được hưởng nguồn hỷ lạc của thiên định, cũng như niềm an lạc của Thánh quả. Đại-Bàn-đặc nghĩ rằng em mình cũng có khả năng chứng nhiệm được pháp lạc này, nên trở về nhà ông ngoại xin cho Châu-lợi-bàn-đặc đi tu. Ông ngoại cũng rất tin vào Tam Bảo và cảm thấy hổ thẹn khi ai hỏi về hai đứa cháu ngoại, con của cô gái bỏ nhà trốn đi, vì hai lý do đó ông rất vui mừng cho phép chúng đi tu.
Châu-lợi-bàn-đặc được gia nhập Tăng đoàn và thọ giới. Nhưng anh chàng quả là đần độn, bốn tháng trời trôi qua cũng không thuộc nỗi bài kệ:
Như hoa sen thắm đượm,
Tròn nở sáng tinh sương,
Ngào ngạt trinh nguyên hương,
Kìa, xin mời chiêm ngưỡng,
Đấng Thế Tôn chói lọi,
Như mặt trời lừng không.
Vào thời Phật Ca-diếp, Châu-lợi-bàn-đặc rất thông minh, nhưng khi vào Tăng chúng, ông đã chế nhạo và đùa cợt một Tỳ-kheo kém trí. Vị này vì bị làm trò cười nên không học thuộc, thậm chí không lặp lại được lời kinh. Do quả báo này ông tái sanh thành người đần độn. Vừa học xong một câu sau thì câu trước đã quên mất. Bốn tháng trôi qua, ông vẫn không thuộc nổi bài kệ. Đại-Bàn-đặc thấy em mình như vậy, nghĩ rằng không thể đạt cứu cánh tối thượng của Đạo, nên đuổi em ra khỏi Tăng đoàn. Nhưng Châu-lợi-bàn-đặc rất tha thiết với giáo lý Phật-đà. Rời khỏi Tăng đoàn trở về đời sống thế tục là điều ông không muốn nhất trong cõi đời.
Lúc bấy giờ Jìvaka Komaràbhacca mang thật nhiều hương hoa đến vườn xoài của mình cúng dường Phật, nghe Pháp xong, ông đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi tiến đến vị quản chúng là Đại-Bàn-đặc xin thỉnh chúng Tỳ-kheo đến thọ thực tại nhà. Trưởng lão Đại-Bàn-đặc nhận lời mời cả chúng Tỳ-kheo trừ vị Tỳ-kheo đần độn không thuộc kinh kệ. Châu-lợi-bàn-đặc thấy anh mình quả không đoái hoài đến em một chút nào, không ích lợi gì mà kéo dài đời tu sĩ, nên quyết định rời Tăng đoàn, về nhà hành hạnh bố thí và các công đức khác. Sáng hôm sau ông rời tinh xá rất sớm. Cũng sáng sớm đó, Thế Tôn quan sát thế gian, thấy rõ việc này, đến trước cổng chờ Châu-lợi-bàn-đặc.
Khi ông đến, thấy Phật bèn đảnh lễ. Được Phật hỏi ông đi đâu vào giờ này, ông kể tự sự, Phật bảo ông:
- Chính Ta thu nhận ông vào Tăng đoàn. Nay anh ông đuổi đi, tại sao ông không đến Ta? Đến đây! Ông hoàn tục thì làm được gì? Hãy ở lại với Ta.
Phật xoa đầu ông, với lòng bàn tay mang đường chỉ bánh xe Pháp, và dẫn ông đến ngồi cạnh hương thất. Xong Ngài dùng thần lực tạo ra một miếng vải thật sạch đưa cho ông, bảo:
- Châu-lợi-bàn-đặc, ông hãy ngồi tại đây, quay mặt về hướng đông, vừa lau khăn này vừa nói: "Tẩy sạch dơ bẩn, tẩy sạch dơ bẩn!"
Đúng lúc ấy giờ thọ thực được báo. Đức Phật hướng dẫn Tăng chúng đến nhà Jìvaka và ngồi xuống chỗ đã dành sẵn.
Về phần Châu-lợi-bàn-đặc, ông vâng lời Thế Tôn, vừa lau tay vào miếng vãi vừa bảo: "Tẩy sạch dơ bẩn, tầy sạch dơ bẩn!". Chiếc khăn ban đầu sạch, bây giờ nhớp nhúa. Từ đó ông nhận ra, vì thân này mà khăn đã mất hết sự sạch sẽ tinh khiết ban đầu và trở thành nhiễm ô cáu bẩn, nên thốt lên: "Các pháp là vô thường". Và chuyên chú vào kiến giải sinh diệt này, ông khai mở tuệ giác. Đấng đạo sư biết ông đã khai mở tuệ giác liền bảo: "Châu-lợi-bàn-đặc, đừng nghĩ rằng chỉ mảnh vãi ấy trở thành cáu bẩn mà ngay trong tâm ông tham ái, bất tịnh và những cấu uế khác cũng đầy rẫy; ông hãy tẩy sạch chúng". Rồi Ngài phóng hào quang hiện thân đến ngồi trước mặt ông đọc Pháp Cú:
Tham ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ lòng tham.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch tham lam.
Và sống đúng giáo pháp bậc vô nhiễm
Sân ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính để dùng chỉ bận sân.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch lòng sân.
Và sống đúng giáp pháp bậc vô hận.
Si ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ ám si.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch si đi,
Giáo pháp bậc không si, nên theo đúng.
Dứt bài kệ, Châu-lợi-bàn-đặc chứng A-la-hán và các thứ thần thông, và cùng với thần thông, ông thông suốt cả ba tạng kinh điển.
Trong một kiếp trước, Châu-lợi-bàn-đặc là một vị vua. Có lần trong một buổi lễ đi diễn quanh thành, mồ hôi tươm ướt trán, ông lau trán với một chiếc khăn sạch và sau đó khăn thành lem luốt. Ông nhận ra thân thể nhơ bẩn của mình đã khiến chiếc khăn trước sạch sau dơ, và sau đó biết các pháp là vô thường. Hiểu rõ tính vô thường nên ở kiếp sau tẩy sạch ô nhiễm đã giúp ông giải thoát.
(Trong buổi trai Tăng tại nhà)
Jìvaka Komàrabhacca dâng nước lên đấng Thập Lực. Ngài lấy tay đậy bình bát và hỏi:
- Jìvaka, không còn Tỳ-kheo nào ở tinh xá sao?
Đại-Bàn-đặc đáp:
- Bạch Thế Tôn, không còn Tỳ-kheo nào trong tinh xá.
Phật bảo:
- Này Jìvaka, có đấy!
Jìvaka thưa:
- Dạ được.
Rồi ông cho người đến tinh xá xem còn vị Tỳ-kheo nào không.
Do thần thông, Châu-lợi-bàn-đặc nghe anh mình trả lời như thế bèn hiển lộng thần thông biến ra hằng ngàn tỳ-kheo đông dày trong vườn xoài, người may y, kẻ nhuộm y, người khác đang tụng đọc kinh, chẳng người nào giống người nào. Khi gia nhân của Jìvaka thấy các Tỳ-kheo, ông liền quay về, nói:
- Thưa gia chủ, các thầy Tỳ-kheo ở vườn xoài rất đông.
Tại vườn xoài, Trưởng lão Bàn-đặc:
Hóa thân ngàn vị xong thì
Vườn xoài tịnh tọa đến khi được mời.
Đức Phật bảo gia nhân trở lại tinh xá nói Thế Tôn cho đòi Châu-lợi-bàn-đặc. Nhưng khi ông nói đến câu ấy, cả ngàn miệng các Tỳ-kheo đồng thanh la lên "Ta là Châu-lợi-bàn-đặc". Ông ta ra về thưa lại, đức Phật bảo hãy trở về tinh xá lần nữa và nắm tay người đầu tiên nói "Ta là Châu-lợi-bàn-đặc" mời đi, những người còn lại sẽ biến mất tức khắc. Sự việc xảy ra như vậy, và ông ta trở về với Châu-lợi-bàn-đặc.
Cuối buổi thọ thực, đức Phật dạy Jìvaka giữ bình bát của Châu-lợi-bàn-đặc hồi hướng công đức cúng dường. Châu-lợi-bàn-đặc khi ấy như một con sư tử con rống tiếng rống của loài sư tử, hồi hướng công đức xuyên suốt Tam tạng kinh điển. Rồi Phật từ chỗ ngồi đứng lên, với Tăng chúng vây quanh cùng trở về tinh xá. Sau khi được các Tỳ-kheo chăm sóc như thường lệ, Phật trở về hương thất, ban cho các Tỳ-kheo lời khuyên dạy của một đấng An Lạc, cho đề mục thiên quán và giải tán Tăng chúng. Thế Tôn vào nghỉ trong hương thất, nằm xuống, nghiêng mình bên phải như sư tử.
Chiều đến, các Tỳ-kheo từ bốn phía tụ đến, giống như những tấm màn đỏ thắm di động, ngồi xuống trong Pháp đường, tán thán công hạnh của đức Đạo sư, đấng Toàn Giác, Pháp Vương Tối Hậu, chỉ trong khoảng bữa ăn đã độ cho một người đần độn, bốn tháng trời không thuộc nổi một câu kệ, chứng A-la-hán cùng các thần thông và thông suốt luôn cả ba tạng kinh điển. Đức Phật biết các Tỳ-kheo đang thảo luận như thế bèn rời tòa báu, đắp thượng và hạ y nhuộm màu rực rỡ hào quang, thắt lưng nhẹ như chớp hiện, và khoác trên vai chiếc đại y, giống như chiếc mền đỏ thắm của bậc An Lạc, rời hương thất. Ra khỏi chiếc thất tỏa mùi hương quý, Phật bước đi như voi chúa, dáng trang nghiêm khó sánh của một vị Phật, đến Pháp đường. Ngài bước lên Pháp tòa uy nghi lộng lẫy, từ thân phóng hòa quang sáu màu như vầng thái dương vừa mọc trên đỉnh núi Yugandhara làm rung động tận đáy biển sâu, và ngồi xuống ngay giữa.
Lúc Thế Tôn đến, cả hội chúng ngừng chuyện lặng im. Ngài nhìn khắp hội chúng với lòng trìu mến, tự nghĩ: "Hội chúng này làm Ta mãn nguyện vô cùng. Đâu yên đó, không một bàn tay, một bàn chân lộn xộn, không một tiếng ho hen, không một tiếng hắt hơi. Toàn chúng Tỳ-kheo này tôn kính Ta với lòng tôn kính rất mực dành cho một vị Phật, thuần thục Ta vì sự oai nghiêm của Như Lai. Dù ta có ngồi đây im lặng suốt một kiếp thì họ cũng sẽ làm thinh không dám cất tiếng trước, ngay cả hé môi cũng không. Chỉ có Ta mới quyết định khi nào nói đúng thời. Vì vậy Ta sẽ nói trước tiên."
Và với giọng nói ngọt ngào của Đại Phạm thiên, Ngài hỏi:
- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn luận việc gì? Các ông đang nói gì mà ngưng ngang ?
Nghe các Tỳ-kheo kể xong, Ngài dạy rằng:
- Các Tỳ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Châu-lợi-bàn-đặc tỏ ra đần độn và cũng đã nương tựa vào Ta, trong một kiếp trước ông đã là một người đần độn và cũng đã nương tựa Ta. Nhưng ở kiếp đó Ta khiến ông ấy làm chủ tài sản thế gian, còn bây giờ Ta độ ông ấy làm chủ tài sản xuất thế gian.
Các Tỳ-kheo muốn nghe chuyện này, Phật kể.
Chuyện quá khứ
3C - Vị Thầy Lỗi LạcChàng Trẻ Tuổi Và Vua Ba La Nại
Ngày xưa, một chàng trẻ tuổi ở Ba-la-nại đi đến Takkasilà (thành Hoa Thị) để học nghề với một vị thầy rất lỗi lạc có năm trăm học trò dưới tay. Anh làm hết mọi việc lặt vặt, đỡ đần cho thầy nhiều nhất, từ việc rửa và sức dầu thơm chân thầy, anh đều làm một cách tận tụy. Nhưng anh lại đần độn, không thuộc nhớ một điều gì. Dù vị thầy thấy anh rất đắc lực, cố gắng dạy nghề cho anh nhưng chỉ mất công vô ích. Thời gian đã lâu mà anh ta vẫn không thuộc nỗi một câu kệ nào, chán nản anh muốn rời thầy về nhà.
Vị thầy thấy anh ta hết lòng hầu hạ mình, nên cũng muốn dạy cho anh ta thành một nhà thông thái nhưng không được. Do đó, để đền ơn phần nào, ông dạy cho anh ta một câu chú. Ông dẫn anh ta vào rừng và bắt học thuộc câu: "Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi âm mưu? Ta biết rồi! " Tuy anh ta phải vất vả lắm mới học thuộc hết, nhưng một khi đã thuộc rồi thì không bao giờ quên nữa. Rồi ông cho chàng một số tiền làm lộ phí và dặn dò:
- Bây giờ anh hãy đi kiếm sống bằng bài chú này. Nhưng điều kiện bắt buộc là anh không được quên, phải lặp đi lặp lại hoài hoài.
Và anh lên đường trở về Ba-la-nại. Mẹ anh gặp lại con mừng rỡ vì nghĩ con đã học thành tài, và mở tiệc ăn khao.
Lúc bấy giờ vua Ba-la-nại đang trong thời kỳ chú tâm xem xét từng hành động của thân khẩu ý, hầu phát hiện lỗi lầm của mình. Ông tự tìm mà không thấy lỗi. Sau, ông tự nghĩ mình sẽ không thấy được lỗi của mình và phải nhờ người khác. Vì thế ông đi khắp hoàng thành để lắng nghe thiên hạ phê bình vua. Ông biết rằng thói thường khi đã no bụng người ta ưa ngồi lê đôi mách đủ thứ truyện trên cõi đời, và nếu vua cai trị bất công họ sẽ kể lể nào là đời sống suy sụp vì sưu cao thuế nặng, bị hôn quân áp bức, còn vua cai trị công minh sẽ được tán thán về đức tính cao quý và được tung hô vạn tuế.
Do đó đêm xuống, vua cải trang ra khỏi cung điện, đi đến nhà dân. Nhằm lúc có bọn trộm đang đào một đường hầm giữa hai nhà để chui vào. Một là nhà của chàng trẻ tuổi vừa học nghề về. Bọn trộm vào được nhà và bắt đầu dòm ngó đồ đạc. Vừa đúng lúc, chàng trai thức giấc, miệng lẩm nhẩm câu chú: "Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi làm thế? Ta biết rồi! " Bọn trộm nghe qua thất kinh hồn vía, tưởng là đã bị phát giác, sợ nguy đến tính mạng liền tháo chạy xuống đường hầm bất kể phương hướng, quăng lại bộ quần áo trên người. Vua đang ở gần đó, thấy bọn trộm chạy và nghe chàng trai đọc thần chú, ông đi tiếp đến khi trời gần sáng sớm mới về hoàng cung, và ra lệnh đòi chàng trai đến để bắt truyền dạy câu chú. Anh ta đồng ý và dạy xong được vua ban một ngàn đồng.
Viên tướng thống lãnh quân đội thời đó muốn soán ngôi nên âm mưu với anh thợ cạo cắt cổ vua, thành công thì chức thống lãnh quân đội sẽ dành cho anh ta. Đến ngày cạo râu cho vua, anh thợ cạo vào cung thấm ướt râu vua với nước hoa, mài dao và áp vào cằm vua. Cứa cổ vua tốt nhất chỉ với một nhát dao nhưng thấy con dao hơi lụt nên anh ta mài dao thêm một lần nữa. Nhà vua bỗng nhớ đến câu chú muốn đọc lại "Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi làm thế? Ta biết rồi!" Anh thợ cạo hết hồn, mồ hôi ướt trán từng giọt vì tưởng rằng vua đã biết toan tính của mình. Anh ta ném dao, quỳ mọp sát chân vua run rẩy. Vua đoán ngay việc gì xảy ra nên giận dữ bảo:
- Tên vô lại! Mi nghĩ rằng vua không biết gì ư?
- Tâu bệ hạ, xin tha mạng cho thần!
- Thôi được, đừng sợ. Nói hết đầu đuôi cho ta nghe.
Nghe xong, vua gọi viên tướng lãnh đến trục xuất khỏi vương quốc và giao chức thống lãnh quân đội cho chàng trai để đền ơn.
Thế Tôn kết thúc câu chuyện:
- Chàng trai chính là Châu-lợi-bàn-đặc và vị thầy lỗi lạc là Ta.
Lại một hôm, các Tỳ-kheo bảo Thế Tôn là nơi nương tựa cho Châu-lợi-bàn-đặc. Phật kể thêm chuyện quá khứ Culla Setthi trong Bổn sanh:
Người khôn ngoan thông minh,
Có thể nâng đời mình,
Lên địa vị cao sang
Bằng chút ít tài sản,
Như thổi ngọn lửa nhỏ,
Gây nên đám lửa to.
Và bảo các Tỳ-kheo:
- Lúc đó học trò là Châu-lợi-bàn-đặc, còn thương gia là Ta.
Một hôm khác, các Tỳ-kheo nhắc lại chuyện Châu-lợi-bàn-đặc:
- Trong bốn tháng Châu-lợi-bàn-đặc không thuộc nỗi một câu kệ. Nhưng vì trong tâm ông vẫn nung nấu ý nguyện không hề lơi lỏng nên ông ta đã chứng A-la-hán, và giờ đây đang làm chủ tài sản xuất thế gian.
Phật đến, nghe kể lại bèn dạy rằng:
- Này các Tỳ-kheo! Một Tỳ-kheo khi nỗ lực hết sức mình tuân giữ giới luật thì không thể nào không làm chủ tài sản xuất thế gian.
Và nói Pháp Cú sau:
(25) Nỗ lực, không phóng dật
Tự điều, khéo chế ngự,
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn.
4. Ngày Lễ Của Kẻ Ngu
Chúng ngu si thiếu trí ...
Phật nói câu Pháp Cú này lúc ở Kỳ Viên liên quan đến ngày lễ của kẻ ngu, Bàlanakkhatta.
Một thuở nọ, tại Xá-vệ có một ngày lễ của những tên ngu kéo dài trong bảy ngày. Chúng trét tro phân đầy mình và tha hồ nói đủ kiểu thô tục. Nếu chúng gặp thân quyến bè bạn hay người tu nào, chúng sẽ chẳng nể nang gì, có thể đứng tại cửa lăng mạ với những lời lẽ thô tục. Ai không chịu nổi thì phải trả cho chúng một đồng, một nữa hay một phần tư tuỳ theo túi tiền. Có tiền rồi, chúng mới chịu đi tới chỗ khác.
Năm mươi triệu thánh đệ tử Phật tại Xá-vệ lúc đó bèn gửi lời xin Thế Tôn cùng Tăng chúng chớ vào thành trong bảy ngày lễ này, và họ gửi thực phẩm đến tận tinh xá cúng dường, và chính họ cũng không dám ra khỏi nhà.
Đến ngày thứ tám khi cuộc lễ kết thúc, họ cung thỉnh Phật và Tăng đoàn đến cúng dường đầy đủ, xong kính cẩn ngồi một bên thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con đã trải qua bảy ngày thật khó chịu. Lỗ tai chúng con muốn nổ tung khi nghe những câu nói tục tĩu của lũ điên. Không ai tôn trọng ai hết. Vì thế chúng con không dám để Thế Tôn vào thành. Chính chúng con cũng không ra khỏi nhà.
Phật nghe xong bảo họ:
- Kẻ ngu cư xử điên rồ như thế. Còn người khôn giữ gìn chánh niệm xem như kho tàng quý báu nhất, và do hành động như thế sẽ đạt đến Bất Tử và Niết Bàn.
Và Phật đọc Pháp Cú:
(26) Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật,
Người trí, không phóng dật.
Như giữ tài sản quý.
(27) Chớ đời sống phóng dật
Chờ mê sau dục lục,
Không phóng dật, thiền định,
Đạt được an lạc lớn.
5. Đại Ca Diếp
Người trí dẹp phóng dật ...
Thế Tôn nói Pháp Cú này khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Đại Ca-diếp.
Khi Trưởng lão còn ở trong hang Pipphali, một hôm vào thành Vương Xá khất thực xong, trở về độ ngọ, rồi Ngài ngồi xuống khai mở Tuệ giác, dùng Thiên nhãn xem xét chúng sanh, kẻ buông lung, người chánh niệm, chúng sanh trong nước trên đất, trên núi và khắp mọi nơi, kẻ ra đời người quá vãng.
Bấy giờ đấng Đạo sư tại Kỳ Viên cũng dùng Thiên nhãn xem xét, và thấy đệ tử Ngài là Đại Ca-diếp đang quán sát chúng sanh trong vòng sanh tử. Chúng sanh trôi lăn từ kiếp sống này đến kiếp sống khác, và thọ mạng trong bào thai của mẹ mình mà không hề biết gì cả cha lẫn mẹ. Biết rằng Ngài Ca-diếp chưa đủ năng lực để thấu triệt điều này, chỉ có chư Phật mới thông suốt toàn bộ vòng luân hồi sanh tử của chúng sanh, nên Thế Tôn nói cho Tôn giả hay điều đó, và phóng quang ánh kim thân Phật ngồi trước mặt Ca-diếp, đọc câu Pháp Cú:
(28) Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu đất bằng
6.- Hai Huynh Đệ
Tinh cần giữa phóng dật ...
Phật nói Pháp Cú này khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến hai huynh đệ.
Có hai Tỳ-kheo nhận đề mục thiền quán từ Phật xong, lui vào rừng ẩn cư. Sáng sớm người thứ nhất lo mang củi, nhúm lò than và suốt canh một ngồi tán gẫu với các cận sự và Sa-di. Người kia thì tinh cần chánh niệm lo tọa thiền, khuyên bạn chớ nên buông lung vì tứ khổ luôn chực sẵn ở đó chờ người buông lung như ngôi nhà của mình vậy, và không thể được ân huệ của chư Phật với lòng tráo trở. Nhưng vị Tỳ-kheo lười biếng không nghe. Thấy không thể khuyên nhắc gì bạn mình, vị kia vẫn hết mình an trú trong chánh niệm, tiếp tục ngồi thiền.
Vị Tỳ-kheo lười ngồi sưởi hết canh một, rồi đứng dậy trở về tinh xá cùng lúc với vị kia vừa kinh hành xong trở về liêu. Đã vậy ông còn lên giọng răn dạy vị huynh đệ của mình:
- Anh thực là biếng nhác, lui vào rừng chỉ để nằm dài và ngủ khì. Nhận đề mục thiền quán từ Thế Tôn đáng lý anh phải thức dậy và nổ lực tọa thiền mới đúng chứ!
Buông ra những lời dạy khôn xong, ông ta vào liêu đến chỗ mình điềm nhiên nằm xuống và ngủ liền. Còn vị kia, sau khi kinh hành suốt canh một, nghỉ trong canh hai thức dậy vào canh cuối và dốc hết sức tọa thiền. Sống chánh niệm như thế chẳng bao lâu vị Tỳ-kheo tinh cần chứng A-la-hán cùng các thần thông. Còn vị lười biếng kia phí hết thì giờ trong sự buông lung.
Mãn thời gian an cư, cả hai đi đến Thế Tôn, đảnh lễ cung kính và ngồi xuống một bên. Phật thăm hỏi họ và bảo:
- Ta tin các ông đã sống tinh cần chánh niệm, miên mật hành thiền. Chắc các ông đạt được quả thánh ?
Tỳ-kheo lười lẹ miệng thưa:
- Bạch Thế Tôn, ông kia chẳng tinh cần chút nào cả. Từ lúc rời Phật chỉ có nằm và ngủ.
- Còn ông thì sao ?
- Bạch Thế Tôn, vừa sáng sớm con đã mang củi nhúm lò than và ngồi sưởi trong canh một. Con không phí thì giờ để ngủ.
- Ông đã phí thời giờ sống buông lung mà còn dám bảo là mình siêng năng. Ông đã sai quấy sống buông lung thay vì sống tinh cần chánh niệm. So với con của ta như con tuấn mã, ông như con ngựa hèn yếu.
Rồi Thế Tôn đọc Pháp Cú:
(29) Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê,
Người trí như tuấn mã,
Bỏ sau con ngựa hèn.
7. Magha Trở Thành Trời Sakka (Đế Thích)
Đế Thích không phóng dật ...
Thế Tôn dạy Pháp Cú này trong tinh xá mùa hè gần Tỳ-xá-ly liên quan đến vua trời Đế Thích.
Chuyện hiện tại.
7A. Câu Hỏi Của Mahàli
Một ông hoàng dòng Lệ-xá tên Mahàli Tỳ-xá-ly, nghe Thế Tôn đọc bài kinh tựa đề là "Câu hỏi của Đế Thích", trong đó Ngài nói những sự tốt đẹp huy hoàng của Đế Thích, ông đem lòng thắc mắc không hiểu Ngài có trông thấy hay quen biết với Đế Thích không. Và ông ta đến gần Thế Tôn, ngồi xuống một bên thưa hỏi. Thế Tôn giải đáp rằng trong một tiền kiếp, vua trời Đế Thích đã từng làm người là ông hoàng Magha nên được gọi là đức Maghavà; một kiếp khác là một người cúng dường nên tên là Purindada; một kiếp nữa là người ham bố thí nên tên là Sakka; là người có thể nghĩ đến ngàn việc trong một lúc tên là Sahassakkha, có vợ A-tu-la nên tên là Sujampati; đã từng thống lãnh các vị trời cõi ba mươi ba nên được gọi là vua trời. Ngoài những công đức này, đức Phật giải thích thêm, trong một tiền kiếp khác vua trời Đế Thích đã làm tròn bảy điều thệ nguyện là suốt đời:
1) Phụng dưỡng cha mẹ,
2) Lễ kính bậc trưởng thượng,
3) Nói những lời hòa nhã,
4) Không bao giờ nói xấu ai sau lưng,
5) Làm gia chủ với tâm không tham lam keo kiệt, tay rộng mở buông xả những gì thuộc về mình, hoan hỷ rộng lượng, ân cần với người cầu xin, hoan hỷ trong sự bố thí,
6) Nói sự thật,
7) Dứt bỏ sân hận, nếu sân hận nổi lên xin mau buông bỏ.
Đó là những việc làm của Đế Thích khi ông là ông hoàng Magha xử sự ra sao nên Mahàli thỉnh cầu Thế Tôn kể chuyện quá khứ. Ngài kể:
7B. Magha Trở Thành Vua Trời Sakka
Xưa có một ông hoàng tên Magha sống trong làng Macala thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà. Một hôm ông đến chỗ buôn bán thị tứ, lấy chân gạt sạch bụi đất để có một chỗ đứng thoải mái. Nhưng một người khác lại đến đẩy ông ra chiếm chỗ. Thay vì giận người ấy, ông kiếm một chỗ khác dọn sạch để đứng. Lại một người cũng đến đẩy ông ra chiếm chỗ. Ông dặn lòng đừng giận và lại tìm chỗ khác. Rồi hết người này đến người nọ tiếp tục đuổi ông đi. Ông nghĩ rằng những người này dường như khoái chí, việc làm của ông mang đến niềm vui cho họ, quả là một việc đáng làm. Hôm sau ông mang cuốc dẹp dọn một khoảng đất rộng bằng sân phơi lúa, tức thì thiên hạ đến chiếm chỗ. Mùa lạnh ông đốt lò sưởi ấm họ, vì thế đây là nơi mọi người thích đến. Rồi ông thấy có bổn phận phải làm một con đường bằng phẳng dễ đi, nên sáng sớm ông bắt đầu làm đường, chặt bỏ hết những cành cây vướng víu. Ông đã dành thì giờ để làm những việc như thế.
Có người thấy vậy bèn hỏi ông:
- Thưa Ngài, Ngài đang làm gì thế?
- Tôi đang bước trên đường dẫn đến cõi trời.
- Cho tôi cùng đi với.
- Thưa Ngài, hãy đi với tôi; thiên đường là nơi an lạc cho nhiều người.
Thấy hai người đang làm việc, người thứ ba đến, và tương tự như trước, xin gia nhập. Rồi người thứ tư, thứ năm, cuối cùng là đến người thứ ba mươi ba. Họ dùng cuốc và rìu làm một con đường dễ đi và bằng phẳng dài chừng một hai dặm. Thôn trưởng nghe tin đến xem xét việc họ làm và tỏ vẻ bực bội vì không kiếm chác gì được cho riêng mình. Ông thuyết phục họ đừng làm nữa vì không phải là việc của người tại gia, và ông khuyên họ đi câu cá, săn thú rừng, hoặc chè chén say sưa, hoặc vui chơi thỏa thuê. Nhưng họ không nghe ông, vẫn một mực làm con đường dẫn lên cõi trời. Thôn trưởng tức giận muốn phá họ bèn tâu dối vua đó là một bọn cướp. Vua truyền lệnh bắt ba mươi ba chàng trai cho voi chà. Trước cơn nguy khốn, Magha nhắn nhủ đồng bọn:
- Các bạn, chúng ta không còn chỗ nào để ẩn náu ngoài lòng từ bi. Hãy để tâm an tĩnh. Hãy yêu thương, đừng sân giận bất cứ ai. Nên rải tâm từ đến nhà vua, thôn trưởng và đến cả con voi sắp giẫm chân lên chúng ta.
Ba mươi ba chàng trai vâng lời thủ lãnh của họ. Sức mạnh của tình thương đã khiến con voi không dám đến gần họ.
Vua nghe báo tưởng rằng vì nhiều người nên voi không dám đến, nên ra lệnh phủ lên người họ tấm thảm dày. Nhưng từ xa voi đã thối lui. Vua đoán biết chắc là có lý do gì đây, nên gọi họ lại xem có phải bọn họ là băng ăn cướp len lỏi trong rừng hay không, được biết họ bị thôn trưởng vu oan. Vua ra lệnh bắt thôn trưởng cùng với vợ con làm nô lệ cho họ, tặng một con voi để cưỡi và cả ngôi làng ấy để tùy nghi sử dụng. Ba mươi ba chàng trai thấy rõ công đức mang đến lợi lạc ngay đời này, họ càng thêm phấn khởi, nên khi cưỡi voi về làng họ bàn tính sẽ làm thêm nhiều công đức nữa. Cuối cùng họ nhất trí xây dựng một nhà khách cho dân chúng tại ngã tư đường lớn, một tòa nhà an toàn và kiên cố. Họ mời chủ thầu đến giao việc, và cấm không cho phụ nữ dự phần vào, vì họ đã dứt được lòng tham dục đối với phụ nữ.
Lúc bấy giờ có bốn bà ở trong nhà Magha là Hoan Hỷ, Trầm Tư, Thiện Tánh và Thiện Sanh. Thiện Tánh bí mật đến gặp chủ thầu hối lộ để ông ta chạm câu "Căn nhà này của Thiện Tánh" vào tháp nhọn trên mái nhà. Chủ thầu vớ được món bở, đồng ý ngay và cho hạ một cây khô. rồi đẽo, bào, khoan thành một tháp nhọn, xong quấn vải cất lại.
Khi căn nhà đã hoàn thành, đến ngày dựng tháp chủ thầu giả bộ hoảng hốt tìm ba mươi ba chàng trai báo tin là còn thiếu cây tháp. Họ hối phải làm ngay, nhưng không thể làm với cây tươi được. Chủ thầu lúc đó bảo họ tốt nhất là đi tìm nhà nào đã làm sẵn tháp để bán. Họ tìm kiếm khắp nơi và chỉ trong nhà Thiện Tánh là có sẵn tháp. Họ chịu mua với giá một ngàn đồng, nhưng Thiện Tánh không bán mà chỉ muốn góp phần vào công trình xây dựng. Các chàng trai ban đầu từ chối viện dẫn không muốn cho phụ nữ tham gia, nhưng sau bị chủ thầu thuyết phục là chỉ có cõi Phạm Thiên mời loại trừ đàn bà, nên họ nhận tháp để công trình sớm hoàn tất. Rồi họ chia căn nhà ra ba phòng, một dành cho vua, một cho người nghèo và một cho người bệnh.
Họ xây tiếp ba mươi ba chỗ ngồi, dặn con voi khi có khách đến ngồi vào chỗ nào thì mời khách đến nơi vị chủ của chỗ ngồi đó, để chủ làm bổn phận với khách như xoa bóp chân và lưng khách, dâng thức ăn cứng và mềm dọn chỗ ở, tức là làm tốt mọi việc phục vụ khách.
Magha trồng một cây mun gần tòa nhà và xây một ghế đá dưới gốc cây. Khách vào tòa nhà. Nhìn tháp nhọn đọc tên của Thiện Tánh đã khắc chạm vào đó, mà không thấy tên ba mươi ba chàng trai đâu cả.
Hoan Hỷ thấy Thiện Tánh khéo góp phần vào, trong khi mình chưa có gì hết, bèn nghĩ cách đào một hồ nước, để cung cấp nước uống và nước tắm cho khách. Đến lượt Trầm Tư cũng vậy, biết rằng ai đã bước vào tòa nhà, sau khi uống nước và tắm đều trang điểm vòng hoa trước khi đi ra, nên cho trồng một vườn hoa tráng lệ với nhiều hoa đẹp và trái quý đến nỗi không ai bảo bông trái này chắc chắn là từ vườn hoa của Trầm Tư. Riêng phần Thiện Sanh là em họ và cũng là vợ của Magha nên nghĩ rằng công đức của Magha nàng sẽ được hưởng lây. Cũng như công đức của nàng Magha vẫn hưởng chung, do đó nàng chẳng làm gì cả, chỉ lo trang điểm.
Như vậy, Magha người phụng dưỡng cha mẹ, tôn kính bậc trưởng thượng, nói sự thật, không lỗ mãng, không nói sau lưng, bỏ lòng tham, không nổi sân, tức là đã làm tròn bảy giới luật nên được làm vua trời cõi ba mươi ba sau khi tái sanh. Các bạn đồng hành cũng đều sanh thiên nơi đó. Còn người chủ thầu thì làm trời Vissakamma.
Khoảng thời gian đó còn loài A-tu-la sống ở cõi trời ba mươi ba, và khi họ biết có những vị trời mới sinh lên đó bèn chuẩn bị tiệc rượu cho họ. Nhưng vua trời Đế Thích cấm nhóm bạn mình không được uống nước đó. Các A-tu-la thì uống thỏa thuê và say nhè. Đế Thích không muốn cho A-tu-la sống chung với mình nên ra hiệu cho nhóm bạn mình đá họ rơi xuống biển. Nhờ có công đức nên dưới chân núi Tu-di mọc lên tòa lâu đài cho A-tu-la và cây hoa Kèn nhiều màu.
Cuộc xung đột giữa chư thiên và A-tu-la kết thúc, phần thắng về chư thiên. Từ đó thành lập cung trời ba mươi ba. Khoảng cách từ cổng Đông sang cổng Tây là mười ngàn dặm, từ cổng Bắc đến cổng Nam cũng vậy. Cung trời có một ngàn công tô điểm với vườn cảnh và hồ nước. Do quả báo từ việc xây cất nhà khách, nổi lên ngay giữa cung một điện các tên là Chiến Thắng. Cao bảy trăm dặm, cờ phướn dài ba trăm dặm treo la liệt. Trên cột vàng treo cờ ngọc, trên cột ngọc treo cờ vàng, trên cột san hô treo cờ hổ phách, trên cột hổ phách treo cờ san hô, trên cột bằng bảy loại đá quý treo cờ bằng bảy loại đá quý.
Quả báo việc trồng cây mun khiến mọc lên cây san hô ôm một trăm dặm. Quả báo của việc xây chỗ ngồi dưới gốc cây khiến hiện ra dưới gốc san hô một ngai bằng đá vàng, màu vàng ửng đỏ giống như hoa Lài, dài sáu mươi dặm, rộng năm mươi dặm và dày mười lăm dặm. Khi Đế Thích ngồi lên ngai thì bị lún xuống một nữa, nếu đứng dậy thì trồi lên hết, vì được tái sanh làm trời Eràvana. Vì cõi trời không có loài vật nên muốn đến vườn giải trí voi phải bỏ thân trời hiện tướng voi trở lại, cao lớn cỡ một trăm năm mươi dặm. Voi Eràvana làm ra ba mươi ba vại nước cho ba mươi ba chàng trai, mỗi cái chu vi ba phần tư dặm. Đúng ngay trung tâm voi tạo một bồn nước tên là Mỹ Lệ dành cho trời Đế Thích, chu vi ba mươi dặm, bên trên có che một vòm làm toàn bằng ngọc quý rộng mười hai dặm. Quanh vòm cách khoảng đều treo những lá cờ dài một dặm bằng bảy báu. Một hàng chuông leng keng dính vào biên dưới lá cờ, mỗi khi gió thổi rung lên một điệu nhạc êm dịu như âm thanh phát ra từ năm loại nhạc cụ hay tiếng hòa của chư thiên. Giữa lầu các đặt sẵn một giường bằng ngọc dài một dặm cho Đế Thích tựa mình trang trọng. Trong ba mươi ba vại nước của ba mươi ba vị trời, mỗi vại mọc lên bảy ngà voi, mỗi cái dài năm mươi dặm và chứa bảy hồ sen, mỗi hồ sen nhô lên bảy cọng sen, mỗi cọng sen nở bảy hoa sen, mỗi hoa có bảy nhánh và trên bảy nhánh có bảy thiếu nữa đang múa. Như thế trong phạm vi năm mươi dặm ở mọi phía đều có hội chúng nhảy múa lơ lửng trên vô số ngà voi. Vua Đế Thích đã thụ hưởng lạc thú sung mãn như vậy.
Thiện Tánh qua đời cũng tái sanh về cõi trời, đồng thời xuất hiện giảng đường Thiện Tánh, nhà luận nghị của chư thiên rộng chín trăm dặm đẹp không nơi nào bì kịp, và tại đó vào ngày thứ tám hàng tháng có thuyết pháp. Từ đó trở đi ai trông thấy nơi nào lộng lẫy cũng nói giống nhà nghị luận của chư thiên tức giảng đường Thiện Tánh.
Hoan Hỷ và Trầm Tư đều sanh thiên, đồng thời hiện ra một hồ sen tên Hoan Hỷ rộng năm trăm dặm và một khu rừng dây leo tên Trầm Tư rộng năm trăm dặm. Nhưng riêng Thiện Sanh tái sanh thành một con sếu ở trong hang núi.
Nhận biết tình trạng những người vợ cũ mình như thế, Đế Thích tìm cách giúp cho Thiện Sanh có cơ hội tạo lập công đức. Ông cởi bỏ lớp trời đến bên Sếu trò chuyện. Ông phải xưng tên là Magha vì Sếu không nhận ra và kể cho nàng biết là bạn bè đều sanh thiên, hỏi nàng muốn gặp họ không, nàng ưng thuận. Ông đặt nàng trong lòng bàn tay mang lên trời đến bên hồ sen Hoan Hỷ rồi gọi những bà kia đến. Họ thấy Sếu, chế nhạo một hồi, nào là mỏ nàng, bàn chân rồi đến cặp chân, kết luận một câu:
- Hãy xem quả báo của quý nương, người chỉ dành thời giờ để tô son chuốt phấn cho riêng mình!
Xong kéo đi hết.
Đế Thích mang nàng trở về chỗ cũ trên mặt nước và dọ ý xem nàng có thích cõi trời hay không. Nàng rất ưa thích vì thấy trên đó vui sướng đẹp đẽ. Ông dạy cho nàng năm giới. Ba lần Đế Thích hóa làm cá giả như chết để thử nàng, khi nàng lấy mỏ quắp cá vẫy đuôi, nàng liền không ăn. Nàng Sếu giữ giới không ăn cá sống, chỉ ăn cá đã chết rồi hoặc không ăn gì hết, chẳng bao lâu nàng héo mòn và chết. Do phước báo của việc giữ giới này nàng tái sanh làm con gái người thợ gốm ở Ba-la-nại. Khi cô gái lên mười lăm, mười sáu tuổi, Đế Thích bỏ lốt trời, lấy bảy báu đã hóa thành dưa chuột chất đầy xe đẩy vào thành Ba-la-nại rao bán. Người ta cầm tiền đến mua, giá nào ông cũng không bán. Có người thắc mắc hỏi tới, ông đáp là chỉ cho người nào giữ giới, họ lại hỏi tiếp giới là gì, không giữ giới, nên ông đẩy xe đi. Có người chỉ cho ông con gái thợ gốm thường nói "Tôi giữ giới", ông đánh xe đến nhà cô và giao cho cô kho báu của trời trong lớp dưa chuột không hề mất mát.
Qua kiếp này cô gái tái sanh làm con của vua A-tu-la là Vepacitti. Vì giữ giới trong hai kiếp liên tiếp nên cô rất duyên dáng mỹ miều từ thân hình đến nước da màu vàng chưa từng thấy. Cha cô rất kén rể, ai cũng không vừa ý, cuối cùng ông mời hết A-tu-la đến, đặt tay vào con gái một vòng hoa bảo nàng tự chọn người chồng vừa ý. Đế Thích biết được biến thành một A-tu-la lọm khọm đứng vòng ngoài các chàng trai. Cô gái vì ở một kiếp trước đã từng làm vợ Đế Thích nên khi thấy ông mãnh lực ái tình tuôn tràn, nàng liệng vòng hoa lên đầu ông và la lên:
- Ông ta là chồng tôi!
Các chàng trai A-tu-la buồn bã bảo nhau:
- Đúng là già kén kẹn hom, chàng phò mã này đáng ông nội cô ta!
Lúc đó Đế Thích hiện nguyên hình trời, nắm tay cô gái bay lên không la lên:
- Ta là Đế Thích!
Các A-tu-la đồng thanh hô lớn:
- Lão Đế Thích này lừa chúng ta rồi!
Và họ rượt đuổi theo.
Người đánh xe Màtali đem xe chiến thắng đến ngừng giữa đường rước Đế Thích và cô dâu chạy về cung trời. Đến rừng cây Bông và Tơ bầy chim non Garuda (Kim Xí Điểu) nghe tiếng bánh xe sợ bị nghiến nát kêu cứu inh ỏi. Đế Thích liền ra lệnh cho Màtali quất roi khiến ngàn tuấn mã Sindh quay đầu chạy trở lại. Các A-tu-la thấy vậy nghĩ rằng Đế Thích đã có viện binh nên cũng trở lui về thành bằng con đường cũ, và không bao giờ dám ló đầu ra nữa. Từ đó cô gái A-tu-la Thiện Sanh được tấn phong lên cầm đầu hai mươi lăm triệu thiên nữ. Nàng chỉ có một mình trên thiên giới, không cha mẹ, anh em ... nên thường xin đi theo Đế Thích.
Thời gian sau khi cây hoa Kèn nhiều màu nở hoa, các A-tu-la reo lên là cây san hô trên thiên giới trổ bông và họ xông lên tấn công Đế Thích. Vua trời bèn đặt trạm gác để ngăn chặn giúp loài rồng Nàgas dưới biển và cho bảo vệ chim thần Supannas và chư thiên Kumbhandas, trời Dạ-xoa (Yakkhas) và cả Tứ Thiên Vương. Để ngăn ngừa tai họa, ông đặt trước cổng thành ảnh Đế Thích tay cầm lưỡi tầm sét. A-tu-la đánh thắng loài rồng Nàgas và các phi nhân khác xong tiến đến cổng thiên giới họ thấy ảnh Đế Thích hô hoán lên "Đế Thích xông ra kia kìa!" và vội bỏ chạy.
Thế Tôn kết luận:
- Này Mahàli ! Ông hoàng Magha đã chọn con đường tinh cần chánh niệm thế đó, và đạt đến ngôi vị tối cao cai quản hai thiên giới. Tinh cần chánh niệm được chư Phật và mọi người tán thán, nhờ thế sẽ đạt quả vị cao tột thế gian và xuất thế gian.
Rồi Ngài đọc Pháp Cú:
(30) Đế Thích không phóng dật,
Đạt ngôi vị thiên chủ.
Không phóng dật được khen,
Phóng dật thường bị trách.
8. Một Tỳ Kheo Chứng A-La-Hán
Vui thích không phóng dật ...
Giáo lý này Thế Tôn nói trong khi ngụ ở Kỳ Viên liên quan đến một Tỳ-kheo.
Một Tỳ-kheo nhận đề tài thiền quán từ Thế Tôn xong lui vô rừng. Dù cố gắng hết sức mình ông vẫn không chứng được quả A-la-hán. Ông rời nơi an cư trở về chỗ Thế Tôn định xin đổi đề tài thiền quán khác. Trên đường đi ngang một khu rừng lớn đang cháy dữ dội, ông trèo lên đỉnh một ngọn núi trọc và ngồi xuống ngắm ngọn lửa bừng cháy đang thiêu đốt mọi vật lớn và nhỏ. Ông cũng muốn tất cả những chướng ngại lớn và nhỏ sẽ được ngọn lửa trí tuệ của Thánh đạo đốt cháy hết.
Đức Phật ngồi trong hương thất thấy hết diễn biến tư tưởng của Tỳ-kheo liền phóng quang đến trước mặt Tỳ-kheo nói kệ:
(31) Vui thích không phóng dật,
Tỳ-kheo sợ phóng dật
Bước tới như lửa bừng,
Thiêu kiết sử lớn nhỏ.
Dứt câu kệ, vẫn ngồi tại chỗ, Tỳ-kheo thiêu đốt hết mọi trói buộc và chứng A-la-hán cùng những thần thông Sau đó ông bay lên không đến gặp Thế Tôn, tán thán và ca ngợi kim thân Phật.
9. Tissa Ở Phố Chợ
Vui thích không phóng dật ...
Giáo lý này Thế Tôn dạy khi ngụ tại Kỳ Viên liên quan đến Trưởng lão Tissa ở phố chợ, tức Nigamavàsì Tissa.
Một chàng trai có địa vị sinh sống tại phố thị không xa Xá-vệ, một hôm xuất gia thành Tỳ-kheo trong giáo đoàn của Phật. Nhờ làm tròn bổn phận ông thường được gọi là Tissa ở phố chợ. Ông nổi tiếng sống thanh đạm, trí túc, trong sạch và kiên quyết. Ông hay đi khất thực trong làng có thân quyến cư ngụ mà không bao giờ đến Xá-vệ ở gần bên, dù ông Cấp Cô Độc và những cư sĩ khác kể cả vua Ba-tư-nặc thường dâng cúng nhiều phẩm vật ngoại hạng.
Các Tỳ-kheo bàn tán về ông, cho rằng ông chỉ giao thiệp thân mật với quyến thuộc mà chớ hề đến Xá-vệ nơi được cúng dường dồi dào. Chuyện đến tai Phật, ông được gọi đến. Phật hỏi:
- Tỳ-kheo, có thật ông đã sống như người ta báo không?
Tissa đáp:
- Bạch Thế Tôn, không đúng sự thật khi nói con giao thiệp thân thiết với họ hàng. Con chỉ nhận nơi họ thức ăn vừa đủ. Chỉ vì nhu cầu gìn giũ mạng sống, nên dù ngon dù dở, con thấy rằng không cần phải trở về tinh xá để tìm vật thực nữa. Con không giao thiệp thân mật với quyến thuộc, bạch Thế Tôn!
Phật biết được tâm ý của Tỳ-kheo liền khen:
- Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo! Không có gì lạ, là đệ tử của Ta tất nhiên ông phải biết sống thiểu dục. Thiểu dục là ý hướng và thói quen của Ta.
Chuyện quá khứ
9A. Sakka Và Con Vẹt
Ngày xưa mấy ngàn con vẹt sống ở rừng cây sung xứ Hy-mã-lạp-sơn trên bờ sông Hằng. Khi những trái trên cây nơi con vẹt chúa đậu rụng hết, nó bèn ăn những gì tìm được dù chồi non, lá xanh hay cỏ cây, ống nước sông Hằng và rất hạnh phúc mãn nguyện ở lại nơi ấy. Vẹt hạnh phúc và mãn nguyện đến nỗi cung trời của Đế Thích (Sakka) rúng động. Đế Thích tìm lý do, thấy là vì chim vẹt liền quyết định thử thách nó. Ông dùng thần lực giáng xuống cây sung làm cành lá đổ la liệt, chỉ còn gốc cây đầy lỗ hổng và vết nứt. Khi tiếng ầm vang lên từ bên trong cây bụi tuôn mù mịt, và đó là nguồn thức ăn của chim vẹt cùng với nước sông Hằng, nó không đi đâu khác, nó vẫn đậu trên cây sung chẳng ngại gì nắng gió.
Đế Thích thấy vẹt vẫn hạnh phúc và mãn nguyện, bèn biến thành ngỗng chúa có Thiện Sanh trong hình dáng nữ thần Asura dẫn đường đến rừng cây sung. Ông đậu xuống một cây gần chỗ của vẹt và mở đầu câu chuyện bằng bài kệ:
Có những cây lá xanh
Những cây nặng trĩu trái
Tại sao vẹt lại thích
Ở trên cây bị đốn ngã trơ trọi?
Kể đến đây đức Phật nói tiếp:
- Lúc ấy Đế Thích là Ananda là vẹt chúa chính là Ta. Vì thế này các Tỳ-kheo, thiểu dục là ý hướng và thói quen của Ta. Do đó không có gì lạ khi đệ tử của Ta là Nigamavàsì Tissa biết sống hạnh phúc và mãn nguyện không bị sa đọa, không những thế còn gần đến Niết-bàn.
Đức Phật nói tiếp Pháp Cú sau:
(32) Vui thích không phóng dật,
Tỳ-kheo sợ phóng dật,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết-bàn.