CON ĐƯỜNG CŨ XA XƯA
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993
Phần 1
Dẫn nhậpTất cả chúng sanh đều mưu tìm hạnh phúc và cố tránh đau khổ. Từ thuở con người là con người, thế hệ này sang thế hệ khác, con người để hết tâm trí, năng lực và thì giờ để tránh đau khổ và xây dựng hạnh phúc. Từ ngàn xưa con người cố gắng khắc phục cảnh vật bên ngoài để tạo tiện nghi cho mình và trong nhiều lãnh vực đã vẻ vang thành công. Cuộc sống của chúng ta ngày nay có phần thoải mái dễ chịu hơn xưa. Khoa học tân tiến đã phát minh nhiều dụng cụ để phục vụ con người và nhờ đó chúng ta không phải lao động nặng nhọc, không phải vất vả chịu đựng những lúc nóng bức và những cơn lạnh buốt xương vì thời tiết đổi thay, không phải gian lao khổ nhọc, mất nhiều thì giờ để di chuyển từ nơi này sang nơi khác v.v... Những phát minh về y tế đã thành công chữa trị nhiều chứng bịnh mà trước kia được xem là nan y, đã làm giảm thiểu những cơn đau nhức của cơ thể, đã kéo dài tuổi thọ v.v... Những cuộc cải cách xã hội, kinh tế, chính trị đã đem lại trật tự, điều hòa và cải thiện cuộc sống của chúng ta. Tất cả những lợi ích ấy được thực hiện nhờ công trình khảo sát thiên nhiên một cách tỷ mỷ, có quy củ và có hệ thống. Con người cố gắng điều chỉnh những điều kiện thiên nhiên để làm cho cuộc sống của mình đươc thoải mái.
Tuy nhiên, với bao nhiêu cố gắng và thành công ấy con người ngày nay có hạnh phúc thật sự không? Chúng ta có thật sự không còn đau khổ nữa không? Bao nhiêu cố gắng ấy có giúp chúng ta chặn đứng, làm cho thân này đừng bệnh hoạn, đừng đi đến già nua và mãi mãi sống đời không? Ta có còn phải sống chung với người, với vật hay trong hoàn cảnh mà mình không ưa thích, còn phải xa lià người hay vật thân yêu nữa không? Chúng ta có luôn luôn thành đạt những điều mong mỏi không?
Trong khi xác nhận bao nhiêu lợi ích mà chúng ta đang thừa hưởng từ những công trình chế ngự thiên nhiên đã được thực hiện, chúng ta cũng nhận định rằng con người vẫn còn phải chịu đau khổ và chưa viên mãn thành đạt hạnh phúc châu toàn mong mỏi từ lâu. Tại sao? - Vì phương cách mà chúng ta áp dụng để chữa trị bệnh đau khổ không nhằm thẳng vào tận gốc rễ của chứng bệnh. Chúng ta chỉ chữa trị trên bề mặt mà không đi sâu vào nguồn gốc, chỉ nhìn cái ngọn mà không quan tâm đến căn cội.
Hạnh phúc và đau khổ phát sanh từ đâu và được duy trì tại đâu? Vấn đề phát sanh nơi nào thì ta phải giải quyết ngay tại đó. Hânh phúc và đau khổ phát sanh và được duy trì trong tâm. Ta phải giải quyết vấn đề hạnh phúc và đau khổ ngay chính trong tâm này.
Thay vì tìm cách sửa đổi hoàn cảnh bên ngoài để thích hợp với mình Phật giáo dạy nên tự sửa đổi chính mình để sống thích ứng với bên ngoài, điều hòa với thiên nhiên, phải điều chỉnh cái nhìn của mình đối với sự vật để có một quan niệm sống điều hợp với hoàn cảnh, nhằm sửa soạn thân tâm hoàn toàn trong sạch và cuối cùng thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ.
Chúng ta hãy lắng nghe lời Ngài Acharn Chah khuyên nhủ một cụ già sắp lâm chung:
"...Nghĩ rằng cụ muốn tiếp tục sống thêm lâu dài sẽ làm cho Cụ đau khổ. Nhưng nghĩ rằng Cụ muốn chết ngay trong tức khắc, hay sớm chết đi cho rồi, thì cũng không đúng. Nó cũng làm cho Cụ đau khổ, có phải vậy không thưa Cụ? Các vật hữu lậu không thuộc quyền sở hữu của ta. Nó phải diễn tiến theo những định lậut thiên nhiên của nó. Về phương cách mà thân này phải như thế nào Cụ không thể làm gì được. Cụ có thể làm cho nó đẹp hơn đôi chút, hay làm cho cái hình dáng bề ngoài của nó có phần hấp dẫn và sạch sẽ hơn trong một lúc, như các thiếu nữ điểm trang dồi phấn thoa son, để móng tay dài... Nhưng khi tuổi già đến thì tất cả mọi người đều chung một hội một thuyền... một số phận. Thân này là vậy. Cụ không thể làm gì khác. Nhưng cái mà Cụ có thể cải thiện, làm cho đẹp đẽ hơn là tâm của mình.
" Bất cứ ai cũng có thể xây dựng một ngôi nhà, bằng gỗ hay bằng gạch, nhưng Đức Phật dạy rằng loại nhà ấy không phải thật sự là của ta mà chỉ là của ta trên danh nghĩa, theo quy ước, trong khái niệm. Nó là một cái nhà trong thế gian. Ngôi nhà thật sự của chúng ta là trạng thái an tĩnh bên trong. Một cái nhà vật chất ở ngoại cảnh có thể thật đẹp, nhưng nó không mấy an tĩnh. Nó là nguyên nhân tạo đến lo âu này đến lo âu khác, băn khoăn tự lo nọ đến áy náy buồn phiền kia. Ta nói rằng nó không phải là ngôi nhà thật sự của ta. Nó ở ngoài ta, và sớm muộn gì rồi ta cũng phải bỏ lại. Nó không phải là nơi chốn mà ta có thể sống vĩnh viễn trong đó, bởi vì không thật sự thuộc về ta mà là một phần của thế gian.
Cơ thể của chúng ta cũng vậy, ta chấp thủ là tự ngã, là "Ta" và "Của Ta" nhưng thực tế không phải là vậy. Nó là một cái nhà khác của thế gian. Thân Cụ đã biến đổi theo diễn tiến tự nhiên của nó từ lúc được sanh ra đến ngày nay, già và bệnh, và Cụ không thể cấm cản nó đổi thay vì bản chất của nó là vậy. Muốn cho nó khác đi cũng điên rồ như muốn con vịt giống con gà. Khi nhận thức rằng điều này không thể được, con vịt phải là con vịt, con gà phải là con gà và thân này phải già nua và chết... Cụ sẽ phục hồi sức mạnh và năng lực. Dầu cụ có thiết tha mong muốn cho thân này tiếp tục tồn tại lâu dài như thế nào nó sẽ không làm được như vậy. Đức Phật dạy:"Aniccà vata sankhàrà - UppàdavayadhamminoDanh từ "Sankhàrà" - được phiên dịch ở đây là pháp hữu vi - hàm ý thân và tâm này. Các Pháp hữu vi thật không bền vững, bất ổn định. Được cấu thành nó liền tan biến, sanh rồi diệt mặc dầu mọi người đều muốn nó thường còn. Đó là điên rồ. Hãy nhìn hơi thở. Di chuyển vào trong, rồi đi ra ngoài. Đó là thiên nhiên, nó phải là vậy. Hơi thở vào và hơi thở ra tiếp nối xen kẽ nhau: Thở vào rồi thở ra, thở ra rồi thở vào. Phải có sự thay đổi. Các pháp hữu vi được hiện hữu là do có biến đổi. Cụ không ngăn ngừa điều này, chỉ nên suy tư như sau: "Có thể nào thở ra mà không thở vào đươc chăng? Nếu thở ra mà không thở vào có nghe dễ chịu không? Hay có thể nào chỉ thở vào mà không thở ra chăng? Chúng ta muốn rằng sự vật phải thừơng còn nhưng nó không thể tồn tại lâu dài, không thể được. Một khi hơi thở đi vào, nó phải trở ra. Khi đi ra, nó phải vào trở lại, đó là tự nhiên. Có phải vậy không Cụ? Đã được sanh ra tức chúng ta phải già nua, bệnh hoạn, rồi chết. Điều này hoàn toàn tự nhiên và thông thường. Đó là bởi vì các pháp hữu vi đã làm phận sự của nó. Cũng vì những hơi thở vào và những hơi thở ra đã xen kẽ nối tiếp nhau đều đặn mà loài người tồn tại đến ngày nay ..."
Uppajjitvà nirujjhanti - Tesam vupasamo sukho.""Các pháp hữu vi (sankhàrà, các vật được cấu tạo) là vô thường, phải sanh rồi hoại, đã có sanh tức có hoại diệt - ngưng nó được là hạnh phúc."
Đó là đường lối của sự vật. Bản chất thiên nhiên của sự vật là vậy.
Phật Giáo là đạo Giải Thoát. Giải là cởi mở. Ở đây là "cởi mở" những trói buộc để "thoát" ra khỏi mọi hình thức đau khổ của đời sống.
Tránh đau khổ
Con ngườii cố gắng thoát khổ. Nhưng đời sống có thật sự đau khổ không?
Nhiều người vui vẻ mãn nguyện với những hạnh phúc ảo huyền và tạm bợ của đời sống và tự nghĩ rằng thế gian này quả thật tốt đẹp, quả thật là cảnh giới mà họ mong mỏi. Họ tưởng rằng hạnh phúc lúc nào cũng còn phảng phất đâu đây, ở một góc nào, hay có lẽ ở bên cạnh mà ta chưa hay biết. Họ không nhìn xa hơn, không nhìn vượt qua khỏi chân trời hạn hẹp của mình. Đối với hạng người này không có ai là Phật, không ai thánh thiện, không có vị giáo chủ hay vị lãnh đạo tinh thần nào trên thế gian.
Nhưng đa số những người khác thì hiểu biết rõ ràng phần đen tối phũ phàng ẩn núp dưới lớp mặt nạ thân thiện của kiếp nhân sinh, xuyên qua kinh nghiệm của chính bản thân họ và của những người sống quanh. Dưới mắt họ cuộc sống xem hình như một đại dương mênh mông sâu thẳm đầy hiểm họa và đau khổ. Trên mặt nước chúng sanh bơi lội, lặn hụp, hay cỡi thuyền lướt sóng đi quanh quẩn, vài người mãn nguyện, hãnh diện với số phận mình.
Đúng rằng có những lúc trời êm biển lặng, buông mình thả trôi trên mặt nước im lìm không chao động thì quả thật là thích thú. Nhưng những ai mở mắt nhìn đời và mở rộng tâm trí, suy tư để khỏi bị bề mặt giả dối của thế gian phỉnh gạt, có thể nhận định rằng bão tố có thể nổi lên bất cứ lúc nào, những luồng nước lũ có thể tuôn đến và xoáy tròn nguy hiểm như thế nào, và bao nhiêu hiểm họa khác, tiềm tàng sâu ẩn trong lòng biển cả, đang chờ đợi, có thể trổi dậy bất cứ lúc nào. Đang bị lôi cuốn, lăn trôi theo những thăng trầm của thế gian biến đổi vô cùng tận mắt không thể tìm ra hạnh phúc vững bền. Mãi mãi triền miên lặp đi lặp lại những kiếp sống khổ đau thật là đáng sợ.
Thử nhìn thực tại ở quanh ta. Có đời sống của người nào từ bé đến già mà phẳng lặng như nước ao hồ, không bị chút lo âu, sợ sệt hay sầu muộn làm chao động? Có gia đình nào chưa từng khóc cái chết của một người thân? Có quả tim nào chưa từng nhói đau vì nghịch cảnh? Bao nhiêu người đang trằn trọc rên xiết hay nằm vùi trên giường bệnh và bao nhiêu người khác đang hồi hộp, lo âu và phiền muộn vì người thân lâm trọng bệnh? Hằng triệu người khác đang cố bám lấy từng hơi thở mà hầu như không còn trở lại. Hằng triệu cha mẹ, con cái, bạn bè, đang than khóc sự ra đi của thân bằng quyến thuộc -- ngay trong giờ phút này và trên thế gian rộng lớn dãy đầy đau khổ này.
Tất cả chúng ta đều có vấn đề: Những vấn đề sinh nhai, vấn đề gia đình, sức khỏe, vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị, vấn đề tâm lý v.v... chí đến vấn đề tôn giáo. Có vấn đề tức là có gì không suông sẻ, có gì cần phải giải quyết, tức là trạng thái bất ổn, trạng thái xung đột, xung đột giữa ý muốn của ta và những diễn biến của đời sống, tức có gì không được thỏa mãn hoàn toàn, có tình trạng bất toại nguyện, những hình thức khác nhau của đau khổ. Nếu những gì mà ta gọi là vấn đề ấy không phải là bất toại nguyện hay đau khổ tại sao ta cần phải cố gắng giải quyết?
Tìm hạnh phúc
Ta lại tự hỏi: "Trong đời sống có đau khổ mà cũng có hạnh phúc. Tại sao chỉ đề cập đến đau khổ mà lờ hẳn, không nhắc đến hạnh phúc?"
Khổ là trạng thái không thỏa mãn, bất toại nguyện, làm cho ta khó chịu đựng và như thế không ai muốn. Nhưng bất hạnh thay không ai tránh khỏi.
Còn hạnh phúc thì ai cũng mong tìm, ai cũng khát khao muốn thành đạt. Nhưng chúng ta không nhận thức rằng hạnh thức chỉ là hình thức khác của đau khổ. Hạnh phúc và đau khổ chỉ giống như đầu và đuôi của con rắn. Khi ta đụng vào đầu rắn tức thì nó cắn. Đó là đau khổ, hậu quả trực tiếp phát sanh trong tức khắc. Nhưng khi nắm đuôi rắn thì ta cảm nghe an toàn. Mặc dầu vậy rắn sẽ quay đầu lại cắn, cùng một thế như khi ta đụng vào đầu nó. Đó là hạnh phúc. Dầu đụng vào đầu hay vào đuôi ta vẫn bị rắn cắn. Phải nhận định rằng đầu và đuôi rắn chỉ là hai phần khác nhau của con rắn. Cùng thế ấy, hạnh phúc và đau khổ chỉ là hai phần của một vấn đề, vấn đề đau khổ.
Trong đời sống cái được gọi hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là khi ta đạt điều mong mỏi. Ta mong có tài sàn. Được tài sản là hạnh phúc. Muốn danh vọng. Được danh thơm tiếng tốt là hạnh phúc. Muốn quyền thế, được quyền thế uy lực là hạnh phúc. Truy nhiên, trong thế gian vô thường không ngừng biến đổi này tất cả mọi sự đều nằm trong trạng thái luôn luôn trở thành một cái gì khác thì cái hạnh phúc mà ta khao khát bao nhiêu chỉ ở với ta trong giây phút ma ta vừa nắm được nó. Tại sao? Vì hạnh phúc là thành đạt điều mong muốn, nhưng điều mà ta mong muốn chỉ tồn tại nhất thời, đối tượng mà ta khao khát mong mỏi quả thật phù du tạm bợ.
Vớt nước lên trong lòng hai bàn tay và mong sẽ giữ mãi mãi trong tay thì làm sao khỏi thất vọng? Đạo hữu Gunaratne viết: "Bây giờ ta có thể tự hỏi, tại sao ái dục luôn luôn mang đau khổ (Dukkha) theo vết chân của mình? Bởi vì ái dục là khao khát ham muốn một cái gì tự nó không ngừng biến đổi, là chạy theo và cố bám vào cái gì tự nó không thực có. Khi con người cố gắng đuổi bắt một mục tiêu huyền ảo, lờ lững như thực như hư, một cái gì không thể bắt được, một mục tiêu luôn luôn thụt lùi hay tan biến khi ta gần nó thì con người còn có thể mong mỏi điều gì hơn là thất vọng, điều gì hơn là trạng thái bất ổn, không điều hòa, tức dukkha, đau khổ."Thử lấy một thí dụ. Ta mong mỏi được có tiền. Tiền đến, Ta cảm nghe sung sướng hạnh phúc. Thế nhưng, khi nắm được tiền trong tay ta lại lo nghĩ phải làm thế nào để gìn giữ. Ta lo sợ kẻ trộm, kẻ cướp, kẻ lường gạt. Ta suy tư, phải làm thế nào để nó sanh lợi, phải dùng thế nào, bao nhiêu vấn đề mới lại phát sanh, ắt phải lo lắng nghĩ ngợi, tức đau khổ.
Hơn nữa, khi có được tiền của ta lại mong muốn điều khác, lại tự tạo cho ta những khát vọng mới: muốn mua sắm, muốn danh lợi, muốn quyền thế, muốn thay đổi khung cảnh sống, muốn sửa đổi cảnh vật cho thích hợp với lòng khao khát của mình. Đức Phật dạy rằng những ai đắm say trong tham vọng sẽ rơi trở vào dòng lôi cuốn của lòng khát khao ham muốn, như nhện sa vào lưới của chính nó.
Đời là khổ. Tuy nhiên dạy như thế Đức Phật không khi nào cố tình khuyên tất cả mọi người nên từ khước những lạc thú trần gian, vào rừng tìm nơi thanh vắng để lo tu hành. Đức Phật đạt toàn thể giáo lý của Ngài trên nền tàng đau khổ (dukkha) nhưng khônbg bao giờ phủ nhận những lạc thú trong đời. Bộ Tăng Nhứt A Hàm có liệt kê dong dài những hạnh phúc mà chúng sanh có thể thọ hưởng. Chúng ta không tìm cách xa lánh những hạnh phúc vật chất, nhưng hiểu biết rằng nó chỉ là tạm bợ nhất thời. Thọ hưởng những lạc thú vật chất nhưng không làm nô lệ cho thể xác. Phật giáo dạy ta nên tận lực cố gắng, kiên trì nỗ lực, luôn luôn giữ tâm trong sạch và thận trọng thu thúc dục vọng.
Có thân tức có già, có bệnh, có chết, có khổ v.v... Ta không thể sửa đổi thiên nhiên, hay chỉ có thể làm được một cách vá víu tạm bợ. Phải hiểu rõ bản chất thiên nhiên của đời sống là vậy. Phải thấm nhuần chân lý này. Không thể sửa đổi thiên nhiên, mà chỉ có thể kiểm soát và sửa đổi cái tâm của chính mình, làm cho nó thích hợp với thiên nhiên.
Pháp hành thiền trong Phật giáo là rèn luyện tâm. Trước tiên, lắng tâm an trụ vào một điểm, làm cho nó trở nên vắng lặng, sáng tỏ và có nhiều năng lực, rồi dùng tâm lực dũng mãnh ấy quán chiếu thâm sâu vào sự vật, thấu triệt thực tứơng của sự vật, thấy sự vật đúng như sự vật là như vậy, không phải như mình nghĩ rằng nó là như vậy, tức nhìn sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tướng: Vô thường, Khổ và Vô ngã.
Khi nhận định đúng rằng trên thế gian huyền ảo, tạm bợ và vô thường này, chí đến cái mà ta gọi là hạnh phúc cũng không thể tồn tại vì những điều kiện tạo duyên cho nó phát sanh luôn luôn biến đổi và do đó không thể có hạnh phúc thật sự vững bền Phật Giáo đi tìm nguồn gốc của đau khổ.
Nguyên nhân sanh khổ
Không có người suy tư nào phủ nhận sự hiện hữu của đau khổ, hay bất toại nguyện, trên thế gian. Nhưng về nguyên nhân sanh khổ các hệ thống tín ngưỡng đã giải thích bằng nhiều phương cách khác nhau.
Trong tư tưởng Phật giáo không có một siêu lực huyền bí cầm quyền tưởng thưởng công đức và hình phạt những tội ác của con người. Không có thửơng hay phạt đến với ta từ bên ngoài, bên trên, mà có nhân quả, tức hành động và phản ứng của hành động. Và theo chiều hướng hiểu biết này, mỗi người, mỗi chúng sanh là vị kiến trúc sư xây đắp số phận của mình. Chính ta tạo thiên đàng cho ta và cũng chính ta tạo địa ngục cho ta. Đau khổ mà con người phải chịu hôm nay là hậu quả dĩ nhiên của những nghiệp bất thiện mà con người đã tạo lúc nào trong qúa khứ. Trong khi phần lớn những tư tưởng gia tìm đến một thần lực huyền bí hay một nguyên lý bên ngoài, bên trên con người để giải thích nguồn gốc đau khổ của nhân loại thì Đức Phật nhìn vào bên trong con người để tìm nguyên nhân chứng bệnh đau khổ của con người. Và Ngài đi đến kết luận: Những đau khổ "của tôi" là do hành động "của tôi". Và hành động "của tôi" là do ái dục "của tôi" thúc đẩy.
Chính ái dục làm động cơ thúc đẩy đến hành động tạo nghiệp bất thiện bằng thân, khẩu hay ý. Cũng chính ái dục, nằm trong phạm vi ảnh hưởng của vô minh, thúc đẩy con người luyến ái, đeo níu, bám chặt vào đời sống, và lòng ham muốn khát khao ấy lôi cuốn con người triền miên lăn trôi từ kiếp sống này đến kiếp khác. Có sống tức có khổ.
Ái dục bắt nguồn từ đâu?
Con người có sáu cửa để ngoại cảnh thâm nhập vào gọi là lục nhập hay lục môn. Sáu cửa này tác động qua lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và có sáu đối tượng là sắc thinh, hương, vị, xúc, pháp, mỗi cửa mỗi đối tượng.
Trong bộ Trường A Hàm (Dĩgha Nikàya) có đoạn:
"Ái dục bắt nguồn từ đâu và phát sanh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó và phát sanh ở đó."
Khi mắt (nhãn căn) tiếp xúc với một hình thể, (nhãn trần) tức có sự thấy (nhãn thức). Khi tai (nhĩ căn) tiếp xúc với một âm thanh (nhĩ trần) tức có sự nghe (nhĩ thức) v.v... Thấy những hình sắc đẹp, nghe những âm thanh êm dịu hay những lời khen tặng, ngửi những mùi thơm, nếm những món ngon vật lạ, thọ hưởng những cảm xúc dễ chịu hay có những ý nghĩ tốt đẹp thì ta ưa thích, luyến ái, bám níu v.v... những hình ảnh khác nhau của ái dục. Trái lại, những hình sắc ghê tởm, những âm thanh nghịch nhĩ, những mùi hôi thúi v.v... làm cho ta khó chịu, ghét bỏ, xua đuổi.
Dầu ưa thích hay ghét bỏ, ta vẫn giữ trong lòng. Ưa thích thì ôm vào giữ chặt lại, còn ghét bỏ thì xua đuổi, đẩy ra. Ôm vào hay đẩy ra, nó vẫn ở trong tâm mình và từ trong tâm, biểu hiện ra bằng hành động và lời nói. Chính thân, khẩu, ý tạo nghiệp và đưa đẩy ta lạc lối trong khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn gọi là đời sống của muôn loài vật.
Ta gọi là lục thức, sáu sự hay biết xuyên qua lục căn, nhưng trong thực tế nó chỉ là cái tâm, một cái tâm xuất hiện ở sáu nơi. Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), không có sự khác biệt giữa các danh từ citta (tâm), nãma (danh), mana (ý) và vinnãna (thức). Khi phân tách cái được gọi là chúng sanh làm hai phần thì phần tinh thần, tức phần tâm linh, được gọi là danh (nãma). Khi phân cái được gọi chúng sanh làm năm uẩn (pancakkhandha) thì phần ấy được gọi là thức, (vinnãna, thức uẩn). Còn danh từ citta thì luôn luôn được dùng khi đề cập đến những loại tâm khác nhau. Trong những trường hợp lẻ loi, theo nghĩa thông thường của tâm, cả hai danh từ citta và mana thường được dùng.
Như vậy ái dục phát sanh từ trong tâm. Nhìn và quan sát tâm tức là ghi nhận (có trí nhớ) và hiểu biết rõ ràng bản chất của đối tượng khi nó phát sanh ở một trong sáu căn.
Khi lục căn tiếp xúc với lục trần chỉ có sự thấy hình thể, sự nghe âm thanh v..v... mà thôi. Chính ý căn nhận ra, hiểu biết đối tượng và do ảnh hưởng của luồng nghiệp ngủ ngầm (ansaya), vốn mang theo với nó những khuynh hướng tâm tánh của ta từ vô lượng kiếp ta có những hành động và lời nói như thế nào
Thí dụ như người Phật tử thuần thành, khi thấy một pho tượng Phật thì hồn nhiên chắp tay hay khấu đầu đảnh lễ. Mắt người ấy tiếp xúc với pho tượng. Có sự thấy. Ý nhận ra đó là pho tượng Phật. Tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp (anusaya) thúc dục anh ta đảnh lễ. Trong một trường hợp khác, khi anh nọ thấy một người mà trứơc kia anh vẫn có ác cảm. Lóng ác cảm vẫn còn ngủ ngầm trong luồng nghiệp. Giờ đăy hình sắc kia khiêu gợi khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm, thúc đẩy anh có những hành động và lời nói kém thân thiện.
Vì vô minh, không thấy đúng sự thật, chúng ta đồng hóa lục căn với "Ta", xem mắt, tai, mũi v.v... là "Ta", chúng ta tự đồng hóa với ngũ uẩn, xem sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ta rồi chấp thủ, khư khư bám chặt lấy cái "Ta " ấy và những cái gì gọi là "Của Ta". Ta không nhận thức rằng cái gọi là "Ta" ấy chỉ là sự kết hợp của năm uẩn, và mỗi uẩn lại là sự kết hợp của nhiều thành phần luôn luôn biến đổi. Không có gì đơn thuần nguyên vẹn và thường còn y hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp mà có thể gọi là "Ta". Nhưng ta vẫn chấp nhận thân này là "Ta", là "Của Ta", mắt này là của ta và nói "Tôi thấy" , "Tôi nghe", "Tôi đánh mùi" v.v... Ta cũng chấp nhận cảm giác "Thọ uẩn " này là "Ta" hay "Của Ta" và nói "Tôi vui", Tôi buồn" , cái buồn hay cái vui ấy là "Của Tôi" v.v... Do đó, mắt muốn thấy hình sắc đẹp. Tai muốn nghe âm thanh êm dịu, Mũi muốn ngửi mùi thơm tho, lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ, thân muốn cảm xúc về nhục dục và tâm muốn có những cảm nghĩ dễ chịu, những tư tưởng làm thỏa mãn giác quan.
Thử lấy một thí dụ: Loại ái dục đầu tiên phát sanh do nhãn quan. Rất khó mà kiểm soát và thu thúc nhãn căn, bởi vì bao nhiêu hình sắc đẹp đẽ của ngoại cảnh luôn luôn sẵn sàng làm cho ta xao xuyến. Đức Phật dạy rằng trên đời không có chi làm cho tâm một người đàn ông chao động dễ dàng bằng hình dáng của người đàn bà. và không có chi làm cho tâm người phụ nữ rung động dễ dàng bằng hình dáng của người đàn ông. Lịch sử nhân loại đã từng chứng tỏ rằng bao nhiêu cơ đồ đã bị sụp đổ và bao nhiêu công nghiệp đã suy tàn chỉ vì sắc đẹp. Cũng vì lẽ ấy mà Đức Phật hằng khuyên dạy hàng tín đồ nên luôn luôn cẩn mật thận trọng trong việc kiểm soát nhãn quan, như người lính gác cửa thành, từng phút, từng giây canh chừng quân địch. Một khoảnh khắc lơ đễnh có thể gây hậu quả vô cùng tai hại.
Mắt bị rung động vì hình sắc, tai bị cảm xúc vì âm thanh, mũi bị kích thích vì hương, lưỡi vì vị. Thân của ta cũng là một nhịp cầu để cho ngoại trần thâm nhập và làm say mê sa đọa. Tâm hay ý, cũng bị ảnh hưởng xấu xa của những tư tưởng tham ái.
Vào thời Đức Phật có những người phạm tội ác như cướp của giết người hay phá khuấy dân cư, bị dẫn đến vua xứ Kosala. Vua truyền lệnh dùng dây thừng, dây gai, xích trói các tội nhân ấy. Lúc bấy giờ có ba mươi vị sư từ thôn quê đến hầu Phật, vào đảnh lễ Ngài xong xin kiếu về tịnh thất.
Qua này hôm sau các vị sư ấy vào thành Savatthi (Xá Vệ) trì bình, đi ngang qua khám đường và thấy các tù nhân. Lúc trở về chùa, vào buổi chiều các vị đến hầu Phật, và bạch hỏi Ngài, "Bạch Hóa Đức Thế Tôn, hôm nay trong khi đi trì bình chúng con đi ngang qua khám đường, thấy các tù nhân bị trói bằng dây thừng, dây gai và xích lại. Trông hình như họ đang chịu đau khổ vô cùng. Họ không thể phá vỡ gông cùm để thoát thân. Bạch Hóa Đức Thế tôn, có chăng những trói buộc chặt chẽ hơn?"
Đức Phật giải thích: "Này chư Tỳ Khưu, các dây trói buộc ấy thật không chặt chẽ đâu, nếu so sánh với những trói buộc của đam mê xấu xa đê tiện, trói buộc của ái dục, trói buộc của lòng luyến ái, bám niú vào tài sản, sự nghiệp, con cái, vợ chồng. Đó là trói buộc cả trăm lần, hơn nữa, cả ngàn lần chặt chẽ và vững chắc hơn các loại dây mà các con thấy. Tuy nhiên, dầu các trói buộc ấy có chặt chẽ đến đâu, bậc thiện tri thức vẫn phá vỡ được."
Và Ngài dạy: "Dây làm bằng sắt, gỗ hay gai, ràng buộc không bền chặt. Bậc thiện tri thức dạy như thế. Dây luyến ái bám niú vào kim cương, đồ trang trí vợ, con, là trói buộc bền chặt hơn nhiều.
"Trói buộc ấy thật bền chặt, bậc thiện tri thức dạy như vậy. Nó kéo trì xuống, mềm mỏng dịu dàng, nhưng rất khó tháo gỡ. Chính dây ấy, nguời thiện tri thức cũng cắt lìa và từ bỏ thế gian, không luyến ái và từ khước mọi dục lạc." (Kinh Pháp Cú, câu 345 và 346)
Trong quyển Paticca Samupàda, Pháp Tùy Thuộc Phát Sanh, Đại Đức Piyadassi viết:
"Con người luôn luôn bị thích thú và dục lạc thu hút. Trong khi mưu tìm thích thú và dục lạc con người không ngừng chạy theo và cố bám lấy những đối tượng tương ứng của lục căn (tức là lục trần). Nhưng ít khi con người nhận thức rằng không có số lượng sắc, thinh, hương, vị, xúc. pháp nào có thể hoàn toàn thỏa mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, hay ý. Trong khi mãnh liệt khát khao được có quyền sở hữu, hay được thỏa mãn tham vọng con người càng tự ràng buộc mình vào bánh xe luân hồi, càng bị dày vò xô xát và khổ sở quằn quại, vướng mắc trong những cây căm của vòng bánh xe."