Thư Viện Hoa Sen

GIỚI CẤM UỐNG RƯỢU

11/11/20143:36 SA(Xem: 16298)
GIỚI CẤM UỐNG RƯỢU
GIỚI CẤM UỐNG RƯỢU
Tỳ Kheo Bodhi - Nguyễn Văn Nghệ dịch

blankCách đây mấy tháng, tôi đến tham dự một khóa tu hai tuần ở một tu viện trong một vùng gần bờ biển. Tu viện này được nhiều người kính trọng vì cuộc sống hòa hợp và khắc khổ của các nhà sư ở trong đó. Mỗi ngày một nhóm thí chủ khác nhau đến tu viện, thường là từ những thị trấn hay làng mạc xa xôi, mang theo vật phẩm cúng dường. Họ đến tu viện vào chiều tối hôm trước, chuẩn bị một bữa điểm tâm sớm để đem lên trai đường của tu viện và rồi trong buổi sáng họ dâng thực phẩm cúng dường trức tiếp đến các tu sĩ khi các vị này xuống đường đi khất thực. Sau khi các vị sư khác đã nhận lãnh thức ăn và đã đi trở về thiền viện, một vị sư lớn tuổi ở lại để làm lễ quy y, giảng một bài pháp ngắn và cử hành lễ hồi hướng công đức.

Một hôm nọ trong thời gian khóa tu của tôi, tôi để ý thấy một số nam thí chủhành vi hơi khác lạ gần khu của trụ trì. Tôi hỏi người bạn tôi, một vị sư người Đức, về hành vi lạ lùng của họ và lời giải thích của sư làm tôi sửng sốt. Sư bảo tôi, “Họ say rượu đấy”. Nhưng không phải chỉ có vậy. Sư nói tiếp, “Điều khác thường trong sự việc hôm qua là những người đàn ông đó đã say rượu quá sớm trong ngày. Thông thường họ cư xử rất tốt cho đến khi các nghi lễ xong xuôi, rồi sau đó họ mới bắt đầu nhậu.”.

Sự tiết lộ thẳng thắn làm cho tôi vừa phẫn nộ vừa buồn. Phẫn nộ vì nghĩ rằng những người tự cho mình là Phật tử lại xem thường những giới luật ngay trong khuôn viên chốn thiêng liêng của một tu viện-quả thật đây là một trong số ít tu viện ở Sri Lanka, nơi mà ngọn lửa của nỗ lực tu hành tinh tấn vẫn còn cháy. Buồn là vì đây chỉ là bằng chứng mới nhất tôi nhìn thấy được cho thấy căn bệnh rượu chè đã ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng của quốc gia này, nơi mà truyền thống Phật giáo đã bắt đầu từ hơn hai ngàn năm trước. Nhưng Sri Lanka chẳng phải là quốc gia Phật giáo duy nhất bị nhấn chìm bởi làn sóng tiêu thụ rượu đang mỗi lúc một tràn lan. Ngọn sóng này đã quét qua rất nhiều nơi trong thế giới Phật giáo đang thu hẹp lại, với Thái Lan và Nhật Bản là hai nước xếp loại cao trong danh sách những nước bị ảnh hưởng nguy hại này.

Những nguyên nhân của cái khuynh hướng đáng lo ngại này thì rất đa dạng. Một trong những nguyên nhân đó là sự giàu có đang gia tăng mà đối với những người giàu có thì những nhãn hiệu rượu nhập khẩu cao cấp là một biểu tượng có thể nhìn thấy rõ ràng về của cảiquyền lực của người mới có được. Một lý do nữa là một giai cấp trung lưu mới nổi lên, giai cấp này bắt chước một cách mù quáng những tục lệ xã hội của phương Tây. Còn một lý do khác nữa là nạn nghèo đói làm cho rượu trở thành một lối thoát dễ dàng ra khỏi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống hằng ngày. Nhưng cho dù là lý do gì đi nữa thì rượu không chỉ làm tan nỗi lo âu phiền muộn của chúng ta. Nó đang gặm nhấm cái cơ cấu mong manh của các giá trị Phật giáo ở mọi bình diện-cá nhân, gia đìnhxã hội.

Đối với những tín đồ thế tục Đức Phật đã buộc phải tuân theo năm giới cấm như một sự tuân thủ tối thiểu về luân lý: cấm sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không sử dụng rượu và ma túy. Ngài không đặt ra những giới cấm này một cách tùy tiện hay là để phù hợp với những tập quán xưa, nhưng là vì Ngài hiểu được, với trí tuệ siêu việt của Ngài và những hànhvi nào sẽ đưa đến những điều tai hạiđau khổ. Cũng nên nhấn mạnh rằng giới cấm thứ năm không phải là một lời cam kết chỉ tiết chế uống rượu hay tránh uống quá nhiều. Giới cấm này đòi hỏi kiêng rượu tuyệt đối. Với giới cấm này Đức Phật cho thấy Ngài đã biểu lộ cái bản chất khó lường và độc hại của việc nghiện ngập. Thói nghiện rượu ít khi tấn công chớp nhoáng các nạn nhân của nó. Thường thườngtác động từ từ, có thể bắt đầu là một ly xã giao, một ly với bạn bè hay là một ly cocktail sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng mà nó không ngừng lại ở đó: dần dà nó sẽ thọc móng vuốt vào sâu trong tim của nạn nhân cho đến khi những người này biến thành con mồi bất lực của nó.

Để xua tan những hoài nghi về những lý do tại sao Đức Phật đề ra giới cấm này, Ngài đã viết lời giải thích cho chính giới luật này: ta phải cố tránh sử dụng rượu và ma túy vì những thứ này là nguyên nhân gây ra sự phóng dật (pamada). Phóng dật có nghĩa là sự liều lĩnh, khinh suất về một đạo đức, không quan tâm đến những giới hạn giữa cái tốt và cái xấu. Đó chính là việc đánh mất sự cẩn trọng (appamada), sự đắn đo về đạo đức dựa trên một sự nhận thức sâu sắc về những hiểm nguy trong những tình trạng không lành mạnh. Sự cẩn trọng là điều then chốt trong con đường tu Phật, “con đường dẫn đến sự Bất tử”, xuyên suốt qua ba giai đoạn tu tập: giới, định, tuệ.

Mê đắm trong rượu chè là rơi vào nguy cơ lìa bỏ từng giai đoạn tu hành. Nghiện rượu sẽ làm cho người ta không còn biết hỗ thẹn nữa và không biết sợ hãi khi làm chuyện thiếu đạo đức và do đó hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến việc vi phảm các giới khác. Một người nghiện rượu sẽ ít đắn đo khi nói dối hay trộm cắp, sẽ đánh mất ý thức về sự đúng đắn trong tình dục và có thể dễ dàng bị kích động dẫnđến chuyện giết người. Con con số thống kê cho thấy rõ ràng sự liên hệ mật thiết giữa việc uống rượu và tội phạm hung bạo, đó là chưa kể đến những tai nạn giao thông, những nguy cơ trong công ăn việc làm và sự bất hòa trong gia đình. Tệ nghiện rượu quả là một gánh nặng gây tốn kém nhất cho toàn xã hội.

Khi việc sử dụng rượu và ma túy ăn dần ăn mòn những sự thận trọng căn bản nhất về mặt đạo lý thì không cần phải nói nhiều đên những hậu quả bào mòn của nó đối với hai giai đoạn cao hơn của con đường tu hành. Một cái tâm trí mụ mị bởi rượu sẽ không có được sự tỉnh táo cần thiết để tập thiền địnhchắc chắn sẽ không thể thấy rõ những khác biệt giữa những phẩm chất tinh thần tốt và xấu cần thiết để phát triển trí tuệ.

Toàn bộ con đường tu Phậtgiới luật về tiết độ, một giới luật đòi hỏi phải có lòng can đảm và tính chân thật để có cái nhìn thật tỉnh táo, lâu dài và kỹ càng vào những chân lý bình dị của hiện sinh. Lòng can đảm và tính chân thật như vậy không dễ gì có được đối với người phải thoát khỏi chân lý để đi vào trong một thế giới ảo giác, rực rỡ nhưng mong manh mà rượu và ma túy mở ra trước mắt mình.

Có thể rằng một người trưởng thành, có tính tự giác cao có thể vui vẻ một vài ly với bạn bè mà không biến thành người nghiện rượu hay một kẻ hung ác. Nhưng có một yếu tố khác phải xem xét: đó là đời sống này không phải là đời sống duy nhất của chúng ta. Thần thức của chúng ta không chấm dứt cùng với cái chết của chúng ta mà sẽ tiếp tục ở những hình thức khác, và hình thức mà nó sẽ nhận lấy được quyết định bởi những thói quen của chúng ta, những thiên hướng và những hành độngcủa chúng ta trong đời sống hiện tại. Khả năng tái sinh là vô hạn, tuy nhiên con đường đi vào những cõi thấp luôn rộng rãi và bằng phẳng. Con đường đi lên các cõi trên luôn hẹp và có dốc đứng. nếu chúng ta bị bắt buộc phải đi men theo một cái rìa hẹp bên trên một vách đá dựng đứng, chắc chắn chúng ta không muốn đặt mình vào cái nguy cơ rơi xuống vực sâu bằng cách thưởng thức một vài ly rượu trước đã. Chúng ta chắc chắn sẽ ý thức rõ rang rằng chính cuộc sống của chúng ta, chứ không phải một cái gì khác, đang bị đe dọa. Giá mà chúng ta có mắt nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng đây là một phép ẩn dụ toàn hảo cho điều kiện của con người như chính Đức Phật, đấng Chánh Biến Tri, đã xác quyết. Là con người, chúng ta đi dọc theo một cái rìa hẹp, và nếu ý thức luân lý của chúng ta bị tăm tối thì chúng ta có thể rất dễ ngã nhào qua bờ vực, rơi xuống một cảnh giới khốn khổ và sẽ vô cùng khó khăn để vươn lên lại từ đó.

Nhưng chúng ta tuân theo giới cấm của Đức Phật không chỉ vì nó mang lại lợi lạc cho chính chúng ta hay vì những lợi lạc rộng lớn hơn cho gia đình và bạn bè. Chúng ta làm như vậy cũng là một phần trách nhiệm của cá nhân chúng ta trong việc giữ gìn giáo pháp của Đức Phật. Những lời dạy của Đức Phật chỉ tồn tại bao lâu mà các tín đồ còn giữ gìn nó và ngày nay một trong những sự mục nát quỷ quyệt nhất đang ăn mòn phủ tạng của Phật giáo là sự lan tràn rộng rãi thói quen uống rượu trong những tín đồ của Phật. Nếu chúng ta thật sự muốn cho Phật pháp được trường tồn để mở ra con đường giải thoát cho toàn nhân loại, chúng ta phải cẩn trọng. Nếu cái khuynh hướng hiện nay vẫn tiếp tục và càng ngàycàng có nhiều Phật tử khuất phục trước sự quyến rũ của rượu, chúng ta có thể chắc chắn rằng Pháp sẽ lụi tàn chỉ còn lại cái danh xưng mà thôi. Ở vào thời khắc này của lịch sử, khi cái thông điệp đã trở nên khẩn cấp nhất, Phật pháp thiêng liêng sẽ mất đi không cách gì cứu vãn được, bị nhấn chìm bởi tiếng cụng ly và những chầu nâng ly chúc mừng của chúng ta. (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Tạo bài viết
06/08/2017(Xem: 81847)
17/08/2010(Xem: 121991)
16/10/2012(Xem: 68918)
23/10/2011(Xem: 70483)
01/08/2011(Xem: 516732)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: