Nghiệp và luân hồi

13/08/20183:00 SA(Xem: 7962)
Nghiệp và luân hồi

NGHIỆP VÀ LUÂN HỒI
GS Nguyễn Vĩnh Thượng

Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa saibổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp  bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
NVT

Nghiệp và Luân hồi là hai ý niệm đã có trong Ấn độ giáo, được giảng giải trong các Kinh Veda và Upanishad vào khoảng 1500 năm trước CN.
Trong bài này, chúng tôi sẽ tìm hiểu quan niệm về Nghiệp và Luân hồi của Phật giáo. Có hai phần chính:

Phần thứ nhất: Nghiệp

Phần thứ hai: Luân hồi

Phần thứ nhất: Nghiệp
Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày:
I.-Quan niệm về Nghiệp của Phật giáo.
II.-Những hiểu lầm và thắc mắc về quan niệm Nghiệp

III.-Nghiệp là nền tảng “Đạo đức học” của Phật giáo.

I.-Quan niệm về “Nghiệp” của Phật giáo:

Nghiệp (Srt. Karma, Pa. Kamma, Tàu phiên âm:  Yết-ma 羯磨, dịch là Nghiệp 業, Av. Action/ Doing) là hành động chịu ảnh hưởng của “Luật Nhân Quả” (the Law of Cause and Effect).
Mỗi một hành động (action) làm ra, gọi là nguyên nhân, đều có một hậu quả (re-action) tương ứng; và hậu quả sẽ trở thành nguyên nhân cho một hậu quả kế tiếp. Nghiệp có liên hệ với luật duyên khởi. Chúng ta đã tìm hiểu về “Luật Nhân Quả” trong bài viết về học thuyết duyên khởi của Đức Phật. Chúng ta gây nhân nào thì gặt quả nấy, tục ngữ có câu: Trồng cây nào thì gặt quả nấy. Trong Kinh Thánh (Bible) cũng có quan niệm tương tự về nhân quả: “We reap what we sow” / chúng ta gặt hái những gì mà chúng ta đã gieo trồng.

Theo đạo Phật, không phải hành động nào cũng là nghiệp. Nghiệp chỉ được tạo ra nếu có một sự chủ ý/ tác ý/ ý chí ( Srt. Cetana, Av. volition/ intention/ will). Một hành động có chủ ý được tạo bởi thân (body), khẩu (speech) và ý (mind); hành động này sẽ gây nên một hậu quả trong tương lai. Sự chủ ý/ ý hướng đạo đứcđặc tính đạo đức như sau: sự chủ ý có thể là thiện/tốt (good), hoặc có thể là ác/ xấu (bad) hoặc có thể là trung tính/ không thiện và không ác (neutral).
Nghiệp ảnh hưởng đến tái sanh (rebirth) trong vòng luân hồi (the cycle of rebirth): tư tưởng và hành động trong dòng sinh mệnh quá khứ sẽ ảnh hưởng đến dòng sinh mệnh hiện tại, tư tưởng và hành động trong dòng sinh mệnh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến dòng sinh mệnh trong tương lai. Theo đạo Phật, nghiệp không do Thượng đế tạo ra, nghiệp chính là do cá nhân của một người tạo ra.

Nghiệp có thể chia ra làm bốn loại:

  1. Nặng tội nghiệp (Weighty Karma): đây là nghiệp gây ra các tội ác nặng nề như giết người, hãm hại người khác một cách tàn nhẫn . . .
  2. Tập quán nghiệp (Habitual Karma): đây là nghiệp gây ra do các thói quen tạo thành.
  3. Tích lũy nghiệp (Stored up Karma): đây là các nghiệp được tích lũy, được chứa đựng từ các hành động trong cuộc sống hằng ngày.
  4. Cận tử nghiệp (Post death Karma/ Intermediate state Karma/ Death proximate Karma): đây là nghiệp tạo ra lúc sắp chết, nghiệp ở giữa sự sống và sự chết, nghiệp di chuyển từ đời sống này qua đời sống khác.

Cận tử nghiệp rất quan trọng vì nó là dòng nghiệp thức mạnh nhất có ảnh hưởng đến sự “tái sanh”. Theo Duy Thức Học, một trường phái trong phong trào Phật giáo Phát triển/ Phật giáo Đại thừa thì các hành động có ý thức gây ra bởi thân, khẩu và ý có tính thiện, hoặc ác, hoặc vô ký/không thiện không ác đều được chứa đựng trong Alaya thức/ Tạng thức (Srt. Alaya-Vijnana, Av. Storehouse consciousness). Alaya thức tương đồng với vô thức tập hợp (L’inconscient collectif/ the collective unconciuos) trong môn Phân Tâm Học (psycho-analysis/ analytical psychology) của tâm lý học Tây phương, Carl Gustav Jung (Đức, 1875 – 1961) là người khai sáng ra môn Tâm phân học. Dòng nghiệp thức / thần thức (karmic consciousness) này sẽ chuyển vào đời sống mới ở trong 6 cõi luân hồi.
(xem thêm, tiểu luận: “Từ A-lại-gia thức trong Duy thức học của Thế-Thân (Vasubandhu) và Vô-trước (Asanga) [hậu bán thế kỷ thứ V sau Tây lịch] đến Vô-thức tập hợp (the collective unconscious) của Carl Gustav Jung (1875 – 1961, Sài-gòn, 1966).

Theo Phật giáo Phát triển, ý nghĩ cuối cùng trước khi chết thường liên quan đến trải nghiệm nổi bật nhất trong kiếp sống này. Giác quan cuối cùng ra đi là thính giác. Phần lớn các tôn giáo đều có những bài kinh, bài tụng niệm do các Đạo sư hay các Tu sĩ đọc để giúp cho người sắp ra đi có những ý nghĩ cuối cùng hướng thiện. Ý tưởng cuối cùng trước khi lâm chung vô cùng quan trọng, nó có ảnh hưởng đến tái sanh.

Sự chết” cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống. Nhiều bệnh viện ở Tây phương có phòng dành riêng cho các bệnh nhân đang chờ chết hay sắp chết để giúp giúp bệnh nhân giảm bớt sự sợ hãi về “cái chết”.

Rev. Dr. Walpola Rahula đã giảng giải sự chủ ý / ý hướng đạo đức/ ý chí trong một nghiệp như sau:
Ý hướng đạo đức có thể có giá trị đạo đức tương đối tốt/ thiện hay xấu/ác cũng giống như lòng ước muốn có thể tương đối tốt hoặc xấu. Bởi thế, nghiệp (karma) có thể tốt hay xấu một cách tương đối. Nghiệp tốt/ thiện thì sanh ra quả tốt, còn nghiệp xấu/ác thì sanh ra quả xấu. Lòng tham muốn, ý hướng đạo đức, nghiệp dù tốt hay xấu đều có một năng lực đưa đến hậu quả của nó: năng lực cứ tiếp tục - tiếp tục trong chiều hướng tốt hay xấu. Dầu tốt hay xấu nó đều là tương đối, và đều ở trong vòng luân hồi, lẩn quẩn. Một vị A-la-hán (Arahant), mặc dầu có hành động, nhưng không tích luỹ trong nghiệp, bởi vì Ngài đã giải thoát khỏi ý tưởng sai lầm về ngã, đã giải thoát khỏi lòng tham muốn tiếp tục và sanh thành, đã giải thoát khỏi tất cả phiền não không trong sạch. Đối với Ngài, không còn tái sanh.
Không nên lầm lẫn thuyết nghiệp báo với cái gọi là “
công bằng đạo đức” (moral justice) hay “sự thưởng và phạt” (reward and punishment). Ý tưởng về công bằng đạo đức, hay sự thưởng phạt phát sanh từ một hữu thể tối cao (a supreme being), tức là Thượng đế (God), ngồi phán xét, tức là vị ban luật lệ để quyết định điều gì là phải, điều gì là trái. Từ ngữcông bằng” (justice) thì có ý nghĩa mơ hồ (ambiguous) và nguy hiểm, việc nhân danh công bằng đã gây ra nhiều hãm hại hơn là có lợi ích cho nhân loại.
Thuyết nghiệp báothuyết về nhân và quả, về hành động và phản ứng lại; nó là một luật tự nhiên, không dính dáng gì đến ý tưởng về “công bằng” hay về “thưởng phạt”. Mọi hành động có chủ ý đều sanh ra hậu quả hay kết quả của nó. Nếu một hành vi tốt thì sanh ra quả tốt, đây không phải là sự công bằng hay sự thưởng phạt do một người nào hay một quyền lực nào ngồi phán xét hành vi của bạn, nhưng đó chỉ là vì bản chất của riêng nó, vì luật lệ của riêng nó.
Điều này không khó hiểu. Nhưng điều khó hiểu là, theo thuyết nghiệp báo, những hậu quả của một hành vi có chủ ý có thể tiếp tục ngay cả trong một đời sống sau khi chết.
(Walpola Rahula, What the Buddha taught, New York: Grove Press, 1962, p. 32)

Nguyên văn:
“  Volition may relatively be good or bad, just as desire may relatively be good or bad. So karma may be good or bad relatively. Good karma produces good effects and bad karma bad effects. “Thirst”, volition, karma, whether good or bad, has one force as its effect:force to continue – to continue in a good or bad direction.Whether good or bad it is relative, and is within the cycle of continuity (samsara). An Arahant, though he acts, does not accumulate karma, because he is free from the false idea of self, free from the “thirst” for continuity and becoming, free from all other defilements and impurities. For him there is no rebirth.
The theory of karma should not be confused with so-called “moral justice” or “reward and punishment”. The idea of moral justice, or reward and punishment, arises out of the conception of supreme being, a God, who sits in judgement, who is a law-giver and who decides what is right and wrong. The term “justice” is ambiguous and dangerous, and in its name more harm than good is done to humanity.
The theory of karma is the theory of cause and effect, of action and reaction; it is a natural law, which has nothing to do with the idea of justice or reward and punishment. Every volitional action produces its effects or results. If a good action produces good effects, it is not justice, or reward, meted out by anybody or any power sitting in judgement of your action, but this is in virtue of its own nature, its own law.
 This is not difficult to understand. But what is difficult is that, according to karma theory, the effects of a volitional action may continue to manifest themselves even in a life after death.
(
Walpola Rahula, What the Buddha Taught, New york: Grove Press, 1962, p. 32)

II.- Những sự hiểu lầm và thắc mắc về quan niệm nghiệp:

Nhiều người quan niệm rằng “nghiệp” là định mệnh/ số phận ( destiny/ fate). Nhiều người quan niệmnghiệp” như là một hệ thống ngân hàng đạo đức (a moral banking system) ghi chép những hành vi tốt và những hành vi xấu: một cột ghi điều tốt, một cột ghi điều xấu (a credit and debit of good and bad). Rồi có vị dùng “nghiệpđể lý giải về chủng tộc (racism), đẳng cấp (caste), bẩm sinh tật nguyền (birth handicap), chịu cảnh nghèo khổ v…v…Nhiều người khi gặp sự thất bại trong cuộc đời  thường nghĩ rằng đó là do số phận đã định sẳn, vì đó là do nghiệp của họ nên họ không thể nào làm gì khác hơn được, nên đành chấp nhận số phận bất hạnh. Nguyễn Du đã hiểu lầm quan niệm về nghiệp của Phật giáo:

 “Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
 Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
 Có đâu thiên vị người nào,
Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai.
 Có tài mà cậy chi tài,
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.
 Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.”

  (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Như đã trình bày ở trên, trong đạo Phật, nghiệp không phải là định mệnh, không phải do Thượng đế/ Đấng tối cao ban thưởng hoặc trừng phạt. Phật giáo không thuyết giảng nghiệp như là một quy luật để biện minh cho người giàu có, đang nắm quyền uy, và để an ủi người nghèo khó bằng những lời hứa hẹn về một niềm hạnh phúc, an vui ở kiếp sau.

Có những thắc mắc về quan niệm nghiệp: Nhìn vào thực tế xã hội ở chung quanh, nhiều người nêu lên sự nghịch lý của cuộc đời: có nhiều người tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành mà lại chịu cảnh nghèo túng, gặp nhiều điều bất hạnh, thường gặp hoạn nạn, còn có kẻ thì lười biếng, gian ác, mà vẫn giàu có, vẫn sống trong cảnh bình anhạnh phúc.
Theo Phật giáo Phát triển/ Đại thừa thì
Nghiệp hay luật nhân quả tạo ra  nghiệp nhân (action) và nghiệp quả ( re-action), có thể chia ra làm 2 hình thức:
1.
Nhân quả đồng thời:  có nghĩa là nhân sinh ra quả ngay lập tức, hoặc có một khoảng cách thời gian ngắn mà người đời có thể thấy ngay được: “Quả báo nhãn tiền”. Thí dụ: đưa tay vào lửa thì thấy nóng ngay, đang đói ăn liền thì sẽ thấy no ngay.
2.
Nhân quả khác thời: Nhân có thể tạo nên quả cần có một khoảng thời gian dài hơn. Hình thức này có thể chia làm 3 loại :

  1. Hiện báo: tạo nghiệp nhân đời này thì lãnh quả báo ngay trong đời này. Thí dụ: cờ bạc đưa đến nghèo khó, rượu chè trác táng đưa đến bịnh hoạn. Chính trị gia đang có quyền lực hãm hại, giết kẻ đối lập; có ngày sẽ bị kẻ khác lật ngược thế cờ thì cũng bị đối xử tàn ác như vậy.
  2. Sinh báo”: tạo nghiệp nhân đời này thì đến đời sau mới lãnh nghiệp quả. Thí dụ: đời này tu nhân tích đức thì đời sau được hưởng cảnh bình an.
  3. Hậu báo: tạo nghiệp nhân trong đời này thì đến nhiều đời sau mới lãnh nghiệp quả.

III.- Nghiệp là nền tảng của đạo đức học Phật giáo:

Những nghiệp đã được tạo ra trong quá khứ, trong kiếp trước thì không thể sửa đổi được. Phật giáo quan niệmnghiệp” là do chủ ý/ ý chí/ ý hướng đạo đức nên nghiệp trong đời sống hiện tại có thể hướng đến điều thiện tức là con người có thể chuyển đổi nghiệp để thay đổi hoàn cảnh sống của mình. Thí dụ: nếu chúng ta đang gặp hoạn nạn thì cố gắng tìm phương cách để vượt qua những khó khăn, hoặc đang sống trong cảnh nghèo thì phải tìm cách làm việc để kiếm tiền để tạo một đời sống vật chất khá hơn.
Giáo lý nhân quả của Phật giáo dạy con người xa lánh các “nghiệp ác” và làm các “nghiệp thiện”. Con người vừa là chủ nhân của nghiệp, vừa là “kẻ thừa kế” của nghiệp mà mình đã tạo ra. Theo Phật giáo, thiện được hiểu như là những gì đem lại lợi ích cho mình và cho người khác ở trong hiện tại và tương lai, thiện nghiệp không gây tổn hại cho người khác và cho chính mình.
Con người không những chịu trách nhiệm về nghiệp do chính mình tạo ra cho mình mà còn chịu trách nhiệm về nghiệp mà mình tạo ra cho người khác. Ở đây chúng ta thấy học thuyết về “nghiệp” của Phật giáo là một học thuyết đạo đức rất lạc quan. Con người/ chúng sanh quyết định số phận của chính mình và rộng ra là số phận cho người khác nữa. Chúng sanh có thể “chuyển đổi nghiệp” tức là chuyển đổi hoàn cảnh hiện tại để có một hoàn cảnh tốt lành hơn trong tương lai.

Duy thức học còn đưa ra ý niệm về “cộng nghiệp” khi nhìn vào nghiệp quả giống nhau của nhiều người, của cả một dân tộc trong cùng một lúc. Thí dụ: tai nạn phi cơ gây ra cho nhiều hành khách; thuyền nhân trên tàu vượt biển gặp nhiều hậu quả giống nhau trên cùng một chiếc thuyền; cả một dân tộc cùng chịu cảnh lầm than, chiến tranh tàn phá quê hương.

Sau khi Thuý Kiều đã trải qua hết thời gian đoạn trường, nhận định về cuộc đời, Nguyễn Du viết:

“Có trời mà cũng có ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan”
 (Nguyễn Du, Truyện Kiều)         

Phần thứ hai:    Luân Hồi.

Trong phần này, chúng tôi sẽ bày:

I.- Định Nghĩa: Luân Hồi.
II.-Quan niệm luân hồi của Phật giáo:

1.-Đầu thai

2.-Tái sanh.

Bài đọc thêm:
Câu chuyện về thần đồng Ramses Sanguino, 5 tuổi, ở Los Angeles, California, USA

I.-Định nghĩa: Luân Hồi.
Luân Hồi (Srt, Pa. Samsara; Hv. 輪迴 ), theo tiếng Sanskrit thì Samsara có nghĩa là lang thang (wandering) với ý nghĩa của vòng lẩn quẩn luôn thay đổi. Trong thời đại Veda đã được giải thích trong các cuốn Kinh Veda và được triển khai trong Kinh Upanishad vào khoảng 1500 trước CN. Theo Ấn độ giáoPhật giáo thì luân hồi (samsara) là một vòng bất tận của sanh, tử và tái sanh; và bị chi phối bởi luật nhân quả.

II.-Quan niệm “luân hồi” của Phật giáo:

Luân hồi trong tư tưởng tôn giáoẤn độ có thể hiểu theo hai nghĩa:

1.- Đầu thai (Re-incarnation): Ấn độ giáo, theo truyền thống tôn giáo Ấn độ, tin tưởng rằng con ngườilinh hồn/ngã (Srt. Atma, Av. Soul, Self) thì bất biến, vĩnh cữu. Linh hồn không thể bị huỷ diệt cũng như không thể được tạo ra. Thân xác con ngườinơi nương tựa của linh hồn. Khi con người chết thì linh hồn/ bản ngã rời khỏi thân xác cũ và nhập vào thân xác mới, và một sự sanh sản mới xảy ra, tiến trình này cứ tiếp tục diễn ra. Ấn độ giáo tin tưởng rằng một người phải trả lời tất cả những gì mình đã làm sai lầm cũng như được thưởng bởi những gì mình làm tốt. Những hành động để lại gồm có: những hành động thấy được qua việc làm bên ngoài, còn có những hành vi không thấy được là tư tưởng, niềm tin, quan niệm, trí thông minh, sự vô minh. Do đó, người đó sẽ đầu thai (re-incarnate) không những chịu sự hình phạt vì những hành vi sai lầm mà còn được tưởng thưởng một đời sống hạnh phúc nhờ những việc làm tốt.

Chí-tôn ca (Bhagavad –Gita) trong các kinh Véda của tư tưởng tôn giáo Ấn độ đã diễn tảsự đầu thai” (re-incarnation) như sau: những ý thức do một người có được đều được chuyển y nguyên trong đời sống mới một khi người ấy rời khỏi thân xác hiện tại.

2.-Tái sanh (re-birth): Đức Phật đã dạy mọi vật đều vô ngã (anatman, Av. no soul/ no self). Phật giáo không tin vào bất cứ linh hồn nào vĩnh cữu và không bị tiêu diệt. Vào thời đại của Đức Phật lịch sử, ở Ấn độ chỉ có Ấn độ giáo hiện hữu chứ không có một tôn giáo khác. Đức Phật lịch sử được gợi ý từ những quan niệm của Ấn độ giáo, nên triết lý Phật giáo cũng nhấn mạnh đến vòng sanh tử (cycle of birth and death). Nhưng Ngài đã nhận thức được ý tưởng về tái sanh (the idea of re-birth). Như vừa trình bày tái sanhcăn cứ vào vô ngã của chúng sanh. Do đó không có một bản ngã thường hằng hiện hữu, không có linh hồn/ bản ngã di chuyển từ thân xác người vừa chết qua một thân xác mới. Phật giáo tin tưởng sự hiện hữu của chúng sanh thì liên tục, và tái sanh được tiếp diễn theo sự liên hệ đến luật nhân quả.

Theo truyền thống Phật giáo, thì tái sanh (re-birth) là biến đổi liên tục của sanh và tử trong 6 cõi luân hồi (Trời, Atula, Người, Súc sanh, Địa ngục, Ngạ quỹ) ở trong thế giới của dục vọng/ dục giới là do 3 độc hại (three root evils): tham (Srt. loha, Av.greed), sân (Srt. Dosa, Av.hate) và si (Srt. Moha, Av.delusion). Vòng lẩn quẩn sanh tử này gọi là luân hồi. Để giải thoát khỏi luân hồi, con người phải diệt tham, sân và si, một khi đã diệt được tam độc này thì sự tái sanh cũng được chấm dứt. Nói khác, tái sanh là sự trở lại đời sống mới hoặc cao hơn hoặc thấp hoặc như cũ trong 6 cõi luân hồi (six realms).

Trong sự phát triển của học thuyết Phật giáo (within the development of Buddhist doctrine), Phật giáo Phát triển/ Đại thừa cho rằng chúng sanh đi vào vòng sanh tử luân hồi là do hai động cơ chính:
a.-Tái sanh (re-birth): nghiệp lực bị đưa vào vòng luân hồi một cách bị động, bị bắt buộc; đó là trường hợpchúng sanh bình thường.
 b.-Đầu thai (re-incarnation): nghiệp lực được điều động bởi chư Bồ-tát, vào thời Phật giáo Phát triển, với hạnh nguyện đại từ đại bi muốn đầu thai lại cõi người để giáo hoá và giúp đở chúng sanh.
Trong tông phái Phật giáo Tịnh độ ở Trung Hoa, Nhật, Việt Nam , nhiều hạnh nguyện muốn được vãng sanh vào cõi tịnh độ (pure land) của Đức Phật A-di-đà (Amitabha Buddha).
Trong Phật giáo Tây Tạng, chúng ta cũng thấy nói đến sự “đầu thai”. Thí dụ: Đức Dalai Lama thứ 14 được khám phá từ sự đầu thai của Đức Dalai Lama thứ 13 nhập vào một đứa trẻ nhỏ.

Giáo lý của Phật giáo về “sự chết” (death) và tái sanh (re-birth) thì không giản dị để thấu hiểu, bởi vì như trên đã nói Đức Phật lịch sử đã dạy mọi hữu thể đều vô ngã. Tỳ-kheo Rev. Dr. Walpola Rahula đã giảng về “sự chết” và “tái sanh” như sau:

Cái mà chúng ta gọi là sự chết là sự chấm dứt hoàn toàn những hoạt động của thân xác vật lý. Nhưng sức mạnh, năng lực này có cùng chấm đứt với hoạt động của thân xác hay không? Phật giáo trả lời là “không”. Ý chí, sự ham muốn, dục vọng, long khao khát tồn tại, tiếp tục tăng trưởng, là một sức mạnh ghê gớm dời đổi toàn thể những đời sống, ngay cả dời đổi toàn thể vũ trụ, thế giới. Đây là sức mạnh lớn lao nhất, năng lực vĩ đại nhất trong vũ trụ vạn hữu. Theo Phật giáo, sức mạnh này không dừng nghỉ lại cùng với sự chết của thân xác, mà lại tiếp tục biểu hiện trong một hình thức khác, phát khởi sự tái sinh mà ta gọi là “luân hồi”.

[. . .]

   Khi thân xác vật lý này không còn hoạt động được, khi ấy những nghiệp lực không chết theo với nó, mà tiếp tục nhận một hình đạng khác, mà người ta gọi là một đời khác. Trong một đứa trẻ, mọi khả năng vật lý, tâm linhtrí thức đều yếu ớt, nhưng chúng có sẵn tiềm năng để trở nên một người lớn đầy đủ.

[. . .]

   Vì không có bản thể trường cửu bất biến nên không có gì đi từ giây phút này đến giây phút kế tiếp.Bởi thế nên, một cách hiển nhiên không có cái gì trường cửu hay bất biến có thể đi hay chuyển đổi từ đời này đến đời sau. Đây là một chuổi liên tục không gián đoạn, nhưng biến  chuyển từng giây từng phút. Chuổi ấy thật ra không là gì ở ngoài sự chuyển dịch.Nó giống như một ngọn lửa cháy thâu đêm: nó không phải cùng là một ngọn lửa, cũng không phải khác. Một đứa trẻ lớn lên thành một ông già sáu mươi tuổi; dĩ nhiên ông già 60 tuổi không phải là đứa trẻ vào 60 năm trước nhưng cũng không phải khác nhau.Cũng như vậy, một người chết ở đây và tái sanh ở một nơi khác không phải cùng là người đó, cũng không phải là người khác. Đây là sự liện tục của cùng một chuỗi. Sự khác nhau giữa sự chết và sự sống chỉ là khoảng thời gian rất ngắn cho một niệm khởi lên: niệm cuối cùng trong đời này định đoạt niệm đầu tiên trong đời sau, nhưng kỳ thực chỉ là sự tiếp nối của cùng một chuỗi liên tục”.

    (Walpola Rahula, What the Buddha taught, New york: Grove Press, 1962, p. 33-34)

( [. . .]. What we call death is the total non-functioning of the physical body. Do all these forces and energies stop altogether with the non-functioning of the body?  Buddhism says “No”. Will, volition, desire, thirst to exist, to continue, to become more and more, is a tremendous force that moves  “whole lives, whole existences, that even moves the world. According to Buddhism, this force does not stop with the non-functioning of the body, which is death; but it continues manifesting itself in another form, producing re-existence  which is called rebirth.

[. . .]

         When this physical body is no more capable of functioning, energies do not die with it, but continue to take some other shape or form, which we call another life.

[. . .]

          As there is no permanent, unchanging substance, nothing passes from one moment to the next. So quite obviously, nothing permanent or unchanging can pass or transmigrate from one life to the next. It is a series that continues unbroken, but changes every moment. The series is, really speaking, nothing but movement. It is like a flame that burns throught the night: it is not the same flame nor is it another. A child grows up to be man of sixty; certainly the man of sixty is not the same as the child of sixty years ago, nor is he another person. Similarly, a person who dies here and is reborn elsewhere is neither the same person, nor another. It is the continuity of the same series. The difference between death and birth is only a thought-moment: the last thought-moment in this life conditions the first thought-moment in the so-called next life, which in fact, is the continuity of the same series.”

(Walpola Rahula, What the Buddha taught, New york: Grove Press, 1962, p. 33-34)

      Thật là không dễ dàng để kiểm nghiệm các đời sống tiền kiếp của mình. Tâm thức của chúng sanh không cho phép tất cả mọi người có thể hồi tưởng lại được các cuộc đời tiền kiếp của mình. Tâm thức con người thường gặp 5 điều trở ngại/ chướng ngại (Srt. Panca-Nivaranani, Av. Five Hindrsnces) như sau:

1.-Ái dục (Srt. Kamachauda, Av. Sensual desire). 2.-Sân hận (Srt.Vyapada, Av. ill will). 3.- Lười biếng (Srt.Thinan middha, Av. Sloth). 4.-Sự bồn chồn, lo lắng ( Srt. Uddhacca, Av. Restlessness). 5.- Sự hoài nghi (Srt. Vicikiccha, Av. Doulbt).

Do các trở ngại này mà con mắt trần gian của chúng ta không thể thấy được các lần tái sanh (re-births). Thí dụ 1 như tấm gương không thể phản chiếu lại hình ảnh chúng ta khi tấm gương đó bị bao phủ bởi bụi bậm, cũng như vậy tâm thức chúng ta không cho phép hầu hết nhiều người góp nhặt được các cuộc đời tiền kiếp của mình. Thí dụ 2 như chúng ta không thể nhìn thấy các ngôi sao trên bầu trời vào lúc ban ngày, nhưng những “vì sao” ấy vẫn hiện hữu trên bầu trời, ánh sáng của các vì sao bị ánh sáng mặt trời chiếu quá sáng vào các vì sao ấy. Tương tự như vậy, chúng ta không thể nhớ lại các tiền kiếp của chúng ta bởi vì tâm thức của chúng ta trong hiện tại bị che mờ trong cuộc sống thế tục này.

Tuy nhiên, đối với một số người đặc biệt hoặc đối với các vĩ nhân, họ có thể thấy tiền kiếp của mình. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã biết rõ các tiền kiếp của Ngài. Đại triết gia Pythagoras (Hy-lạp, khoảng 570 – 495 trước CN) đã có thể nhớ lại tiền kiếp của mình. Đại triết gia Plato (Hy-lạp, khoảng 428 – 348 tr. CN) cho rằng một người có thể tái sanh được 10 lần. Trong các truyền thuyết xa xưa ở Hy-lạp và Trung Hoa, cổ nhân đã có niềm tin rằng chỉ có những vị nổi tiếng như Đại đế, vua chúa là đã đi đầu thai. Nhà thần học Cơ -đốc giáo Origen of Alexandria ( Hy-lạp, Khoảng 184 – 253 sau CN) tin rằng có sự đầu thai. Đại triết gia nỗi tiếng Immanuel Kant (Đức, 1724 – 1804 CN) đã tin rằng có sự đầu thai và ông đã phê bình về sự trừng phạt đời đời. Triết gia Arthur Schopenhauer (Đức, 1788 – 1860 CN) nghĩ rằng ở đâu mà ý muốn của con người hiện hữu thì ở đó có thể có đời sống để người đó sống.

Trong vòng 50 năm trở lại đây, có nhiều công trình tìm hiểu về đời sống bên kia cái chết. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân đã chết, nhưng nhờ các phương tiện y tế tối tân đã cứu sống họ, và họ đã kể lại cho Bác Sĩ của họ về những trải nghiệm trong lúc chết của họ. 
Thí dụ 1: BS Raymond A. Moody đã viết lời kể lại của một bệnh nhân về những trải nghiệm trong lúc chết tạm thời (Near-Death Experience) trong quyển quyển sách “Life After Life” (Đời sống tiếp nối đời sống hiện tại). Cuốn sách này được xuất bản vào năm 1975, đây là cuốn sách có số lượng tiêu thụ lên đến 13 triệu cuốn.
Thí dụ 2: Cuốn sách “Saved by The Light” (Được cứu rổi bởi Ánh sáng) do Dannion Brinkley và Paul Perry viết, xuất bản năm 1994, trong vòng 2 tuần đã bán được 10 ngàn quyển.  Đây là một câu chuyện có thật được một người đàn ông đã hai lần chết đi sống lại tiết lộ những gì mà anh ta thấy. Ông ấy là Dannion Brinley, vào năm 1975, ông bị sét đánh và chết, sau đó xác của ông được đưa vào nhà xác. Trong vòng 28 phút thì ông tỉnh dậy. Ông kể lại trong lúc đi qua đời sống bên kia, ông thấy 13 Thiên thần và ông được cho biết 117 điều tiết lộ về tương lai.

Hiện nay, trên “YouTube” có nhiều Video thâu lời tường thuật của nhiều người đã chết đi và sống lại.

Toronto, ngày 08 tháng 08 năm 2018.

Nguyễn Vĩnh Thượng

Bài đọc thêmThần đồng hay sự đầu thai

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên : Bài viết : Bí ẩn tâm linh: Cậu bé Ramses Sanguino : thiên tài 5 tuổi đã học và nói 7 thứ tiếng, có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác. Cậu bé hiện đang sinh sống cùng gia đình ở thành phố Los Angeles, Tiểu bang California, USA .
- bản dịch của Hoàng Lâm  từ bài viết trong Epoch Times France:   
 - Nguồn:  internet:
https://www.dkn.tv/nghe-thuat/bi-an-tam-linh-thien-tai-5-tuoi-noi-7-thu-tieng-co-kha-nang-doc-duoc-suy-nghi-nguoi-khac-rot-cuoc-do-la-gi.html
https://www.youtube.com/watch?v=RmUgmdsW4r4

Tài liệu tham khảo chính yếu:
 Như đã liệt kê trong các bài viết trước đây.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2013(Xem: 7956)
09/11/2010(Xem: 76132)
09/11/2010(Xem: 61891)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.