CHƯƠNG TRÌNH VẤN ĐÁP PHẬT PHÁP
CHÙA HUYỀN KHÔNG
Hòa thượng Pháp Tông thuyết giảng
Chương trình Vấn đáp Phật pháp số 80
Câu hỏi: Kính bạch thầy, tại một đạo tràng trước đây con theo, con được biết cúng dường trai tăng là phải cúng hết mấy trăm triệu, con cũng không biết tại sao chúng con phải về chùa để sám hối chư tăng về rất nhiều tội lỗi mình gây ra, trong đó có tội cúng ít tiền mà vào dám vào ngồi ăn mâm cỗ ở chùa. Vì theo quy định nếu cầu siêu cho vong linh oan trái mà cúng 10 triệu thì người cầu siêu chỉ được ăn cỗ có đậu phụ, còn 15 triệu thì cỗ sẽ có giò chay. Và trong suốt quá trình thỉnh hương linh từ thời điểm 2014 đến giờ, mỗi tháng có rất nhiều pháp hội thỉnh, mỗi lần thỉnh biết bao nhiêu mục mà mỗi mục cúng dường ít thì 3 triệu còn nhiều thì “hương linh” đòi đến tiền tỉ. Có lần con cúng được nhiều, có lần được ít vì cúng theo khả năng của gia đình, lúc 35 triệu, 45 triệu, 50 triệu rồi 28 triệu dần hết tiền tích lũy thì cúng 5 triệu, 3 triệu.
Lúc chùa bảo con theo đạo tràng về sám hối 13 tội, trong đó có các tội con đã kể, còn có tội bị chồng phụ bạc trong khi đó con không phụ bạc chồng. Chị đạo tràng trưởng bảo con cứ sám hối hết 13 tội đi rồi cúng trả nợ dần vì mình người trần mắt thịt tu nương vào cô đạo tràng trưởng cả đời nên cúng dần. Con cũng được biết về việc cúng trai tăng của chùa mình qua một số đạo hữu đồng tu, con thấy chùa chỉ nói cúng trai tăng đủ ăn trong một ngày (khoảng mấy trăm ngàn/ngày/2 bữa), nếu dâng Y thì cúng mấy trăm ngàn để mua Y dâng. Vậy việc cúng dường trai tăng như thế nào là đúng pháp và nếu cúng ít thì có bị sao không ạ? Kính mong thầy chỉ dạy.
Chương trình Vấn đáp Phật pháp số 81 - CN, ngày 25/4/2021 - -
- Kính bạch thầy, con có một câu hỏi kính nhờ thầy giải đáp.Thông thường với những truyền thống phong tục của thế gian này thì khi mình bệnh mình chết cần quý thầy đến cầu an, cầu siêu, làm đám tang để mong được vào Tây phương cực lạc hay cõi Niết bàn , riêng con và một số bạn đạo nhận ra rằng cuộc sống của mình là một hành trình tiếp nối, nếu đã chọn hướng đi về tâm linh thì những nghi thức truyền thống không còn quan trọng. Họ để lại di chúc được lặng lẽ ra đi không làm phiền một ai hết. Sau khi chết thủ tục đơn giản vào nhà quàn, thiêu, rải tro ra biển. Như vậy với người làm những tang lễ lớn, có nhiều vị thầy đến tụng kinh, nên chọn cách nào đem lại lợi ích thực sự cho bản thân nhất? Nên cần có nghi lễ làm đám tang hay không? Có phải nhờ sự cầu nguyện gia trì của quý thầy và người thân mà Giác linh người mất sẽ được siêu thoát dễ dàng không? Kính mong thầy từ bi chỉ dạy. 3:39
- Kính bạch thầy, con đọc sách thấy nói người có tâm sân nên tu tập thiền Tứ Vô Lượng Tâm. Vậy cho con hỏi tu thiền Tứ Vô Lượng Tâm là con phải làm như thế nào? Mong thầy hướng dẫn cụ thể từng bước. Con thành kính tri ân thầy. 19:36
- Kính bạch thầy, con có một câu chuyện khó giải quyết muốn thưa với thầy. Trước đây, khi con chưa biết tới Phật giáo nguyên thuỷ có một vị thầy bên Phật giáo Bắc tông đã gieo duyên để con biết, hành trì và đi theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ mấy năm nay. Về mối quan hệ với thầy đó, con vẫn giữ kết nối. Tuy nhiên, ngày con càng thấy thầy có nhiều biểu hiện tu lệch hướng, không còn là tu tập theo đúng con đường chánh pháp như trước đây thầy chỉ cho con, tự nhận bản thân mình dạy thiền tốt nhất và còn nhiều các vấn đề ngã mạn khác nữa. Bản thân con còn giữ kết nối đơn giản chỉ là do tình thầy trò. Thâm tâm của con hiện giờ là muốn dứt khỏi vị thầy đó để tự mình đi trên lộ trình giải thoát và nương nhờ bóng cả của những vị trưởng lão Phật giáo nguyên thuỷ tu tập cho ngày một tốt hơn. Kính mong thầy sẽ chỉ dạy, trong tình huống này con cần làm gì cho phải đạo. Thành kính tri ân thầy! 29:20
- Kính bạch thầy, người đời hay nói là “người thông minh”, “nhà thông thái” nhưng trong kinh điển thì gọi là “người có trí tuệ”. Vậy người thông minh và người có trí tuệ giống hay khác nhau. Nếu khác nhau thì một người được xem là thông minh có thể trở thành người có trí tuệ không ạ? Kính mong thầy chỉ dạy! 38:48
Chương trình Vấn đáp Phật pháp số 82
Câu hỏi: Kính bạch thầy, người ta hay nói đạo nào cũng như đạo nào, đạo nào cũng hướng con người ta tới Chân, Thiện, Mĩ và làm lành lánh dữ. Con mong được nghe chia sẻ từ quan điểm của thầy!
Chương trình Vấn đáp Phật pháp số 82
Chết để lại thân xác và việc duy trì nhà chứa cốt tại các chùa hiện nay
Câu hỏi: Kính bạch thầy, con là phật tử ngoài Bắc được nghe pháp của thầy một thời gian con có câu hỏi xin thỉnh thầy chỉ giáo giúp hàng phật tử chúng con được hiểu thêm: Đức Phật ngày xưa khi nhập niết bàn ngài phó chúc cho hàng đệ tử làm lễ trà tỳ của Ngài theo như nghi thức của bậc Chuyển Luân Thánh Vương bình thường. Qua các đời của 1 số vị tổ sư, con thấy các thầy khi viên tịch còn lưu lại xác thân khô và sau này các hàng đệ tử lấy đó để thờ vậy các vị tổ đó còn chấp vào thân xác không ạ? Nếu thân tứ đại này từ đất, nước, gió, lửa tạo thành thì sau khi chết việc chôn, thiêu tro cốt ở huyệt hay rải ra biển có ảnh hưởng gì đến tâm thức của người chết đó không ạ vì con thấy các chùa có cả hầm để tro cốt và điều đó có đúng theo tinh thần đạo Phật không thưa thầy?
Chương trình Vấn đáp Phật pháp số 83
Câu hỏi: Kính bạch thầy, con là một tu sĩ, con xin được hỏi thầy, theo quan điểm Phật giáo Nguyên thủy nói chung và quan điểm của một tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy nói riêng, thầy có thể cho con được hiểu một cách chi tiết, chánh pháp là gì? Vì sao chánh pháp cần được hộ trì và lợi ích của việc hộ trì chánh pháp là gì ạ?
Vấn đáp Phật pháp số 84, Chủ nhật ngày 20/06/2021
Câu hỏi:
1. Kính bạch thầy, con mong thầy giảng cho con được hiểu rõ về những khái niệm mê tín, chánh tín và cuồng tín. Việc xác định giữa mê tín và chánh tín có yếu tố hay điều kiện nào không ạ?
2. Kính bạch thầy, có câu “vạn pháp hữu duyên sanh” vậy tại sao ở những chúng sinh là hóa sinh thì tự nhiên xuất hiện. Có gì mâu thuẫn ở đây không ạ? Kính mong thầy chỉ dạy!
3. Kính bạch thầy, Đức Phật là bậc thế gian giải, trí tuệ toàn giác vậy nhưng giới luật lại được Đức Phật chắp nối, không thiết lập theo tính hệ thống từ ban đầu. Khi xảy ra sự việc ở một nhóm tỳ kheo nào đó thì Đức Phật mới chế thêm quy định. Tại sao lại như vậy ạ?
4. Kính bạch thầy, quy luật của vũ trụ vận hành theo nghiệp lực, việc một chúng sanh tái sinh vào đâu cũng do nương theo nghiệp lực, nghiệp quả. Vậy thì theo điển tích trước khi tái sinh vào kiếp chót là một vị hoàng tử con vua Tịnh Phạn thì vị bồ tát đó chọn cho mình nơi tái sinh, gia cảnh tái sinh, địa vị tái sinh. Con thấy điều này đi ngược với lẽ tự nhiên của nhân quả và nghiệp báo, kính mong thầy chỉ dạy để con thêm phần sáng tỏ.
5. Kính bạch thầy, con là Phật tử nhưng vô tình được chứng kiến những hình ảnh không đẹp của một vị tỳ khưu là uống rượu, nói năng thô tháo, trước mặt Phật tử thì thường rất hay thể hiện nhưng không ngờ sau đó lại là một con người khác. Bên cạnh đó, con cũng vô tình biết thêm một vài vị tỳ khưu đi tu ở chùa nhưng có đồ gì tốt, ngon và giá trị thường chỉ thu thúc đem về cho bản thân, tệ hại hơn là đem về nuôi gia đình mà không hề quan tâm tới người là thầy, là sư phụ của những vị đó. Con là một Phật tử thuần thành nhưng không tránh khỏi tâm trạng buồn bã và suy nghĩ. Con không thể còn giữ được sự cung kính của mình khi nhìn thấy và gặp lại những vị tu sĩ đó, như vậy con có tội hay không? Và xin thầy cho con biết con sẽ phải làm như thế nào trong tình huống này?
(Còn tiếp)