Bàng Hoàng Khi Nghe Chuyện Xá-lợi Giả

26/12/20233:29 SA(Xem: 2595)
Bàng Hoàng Khi Nghe Chuyện Xá-lợi Giả
BÀNG HOÀNG KHI NGHE CHUYỆN XÁ-LỢI GIẢ
(Hữu Huệ)

Gần đây, tôi nghe một số người thuật lại rằng khi Tăng Ni hay Phật tử qua đời khi mang đi hỏa táng, tại một số lò thiêu nhân viên có hỏi là muốn thiêu có xá-lợi hay không, và muốn bao nhiêu, xá-lợi kiểu nào họ đều có hết.

xa loiDù chưa biết thực hư việc này thế nào nhưng khi nghe như vậy, tôi rất đỗi bàng hoàng. Một nỗi buồn không diễn tả được xâm chiếm tâm hồn, cảm thấy người tu mình sao mà bị coi thườngxúc phạm quá. Bởi như vậy có khác gì họ nói rằng người tu giả dối, sính hư danh?

Chuyện xá-lợi phổ biến tràn lan tôi đã nghe lâu rồi. Và tôi cũng cho rằng trong đó phần lớn không phải là xá-lợi thật. Nhưng chuyện một số người làm ở lò thiêu cung ứng luôn dịch vụ xá-lợi thì sự suy thoái đã đi quá xa. Trước hết là suy thoái về đạo đức của những người sản xuất và cung cấp xá-lợi ở lò thiêu. Vì đồng tiền mà họ có thể làm giả ngay cả những điều thuộc lĩnh vực thiêng liêng tưởng chừng như bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên không thể trách họ được, vì họ là dân làm ăn mà, cái nào có tiền, có lợi, có lời thì họ làm thôi. Nếu có trách là trách chính những người mong cầu có xá-lợi mà bất chấp tất cả. Có cầu thì mới có cung. Nếu ta không có nhu cầu về xá-lợi thì họ cung cấp cho ai? Chính vì chúng ta muốn có xá-lợi để chứng tỏ mình hay thầy của mình là bậc chân tu, tu chứng nên người ta mới có dịch vụ cung cấp xá-lợi để đánh vào cái tâm lý tham cầu không chân thật đó.

Xá-lợi của Đức Phật và một số Thánh tăng A-la-hán lưu lại sau khi trà tỳ là có thật. Tuy nhiên không phải vị Thánh tăng nào cũng lưu xá-lợi. Nếu vị Thánh tăng nào cũng có xá-lợi thì lẽ ra Ấn Độ phải sở hữu rất nhiều xá-lợi, vì thời Đức Phật, những người chứng quả A-la-hán rất nhiều, tối thiểu là 1.250 vị Thánh tăng thân cận Đức Phật. Nhưng chúng ta thấy rằng ở Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ tại thủ đô Delhi hiện nay chỉ có vài viên xá-lợi được cho là của Đức Phật. Họ giữ gìn những viên xá-lợi ấy như là quốc bảo, không để lọt ra ngoài. Thế nhưng bên ngoài Ấn Độ thì ta thấy xá-lợi xuất hiện tràn lan. Thánh tăng A-la-hán ở đâu mà nhiều vậy?

Trước giờ cũng có một số giải thích về xá-lợi, nhưng thật sự mà nói thì không ai có thể biết một cách rõ ràng xá-lợi là gì cũng như nó được hình thành như thế nào? Người ta nói một cách chung chung rằng xá-lợi là kết tinh của giới định tuệ, là phần tro cốt còn lại sau khi hỏa táng hay nói một cách trừu tượng rằng những người chân tu hoặc những người tu chứng quả thì có xá-lợi. Tuy nhiên, có biết bao nhiêu người cũng tu hành được như vậy nhưng vẫn không có xá-lợi.

Trong Phật phápvô lượng pháp môn tu, và cách thức thực hành thì cũng vô cùng đa dạng. Vậy phương pháp nào hay cách thực hành nào sẽ cho ra xá-lợi? Do giới chăng? Do định chăng? Do tuệ chăng? Do sám hối, do tu từ tâm, do hành thiện, do khổ hạnh, hay do cái gì khác nữa? Rõ ràng không ai có thể biết được điều này. Vậy căn cứ vào xá-lợi để quyết định người đó tu hành như thế nào thì có chính xác không?

Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quan trọng vấn đề xá-lợi và coi xá-lợi như là biểu hiện thành quả của sự tu hành. Điều quan trọng không phải là có xá-lợi hay không mà là chúng ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho xã hội, giúp ích gì cho người khác. Người ta có thể lừa gạt được người khác một hai sự kiện nhưng không thể lừa gạt cả đời. Mình là người như thế nào mọi người xung quanh đều biết cả. Nếu những kẻ cả đời làm ác như Hitler hay Pol Pot mà có xá-lợi thì chắc cũng không ai tin rằng họ là bậc thánh. Cho nên thay vì mong cầu để lại xá-lợi nhục thân, tốt hơn ta nên để lại xá-lợi pháp thân, tức là những giá trị về mặt tinh thần, cho cuộc đời vậy.

Bài kệ trong kinh Kim cang, “Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai”, phải chăng là một lời nhắc nhở về hiện tượng xá-lợi giả tràn lan hiện nay.





Tạo bài viết
07/09/2023(Xem: 2339)
01/04/2023(Xem: 5627)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…