Trời mưa như bài ca

07/10/20143:30 SA(Xem: 11612)
Trời mưa như bài ca
TRỜI MƯA NHƯ BÀI CA
Nguyễn Thế Đăng

 

blankAi trong chúng ta cũng đã nhiều lần ngồi nghe mưa và nhìn mưa. Hoặc trong căn phòng một mình, hoặc trong một quán nước bên đường chờ mưa tạnh, ở trong thành phố hay một vùng quê xa. Nhưng hình như chưa bao giờ chúng ta thưởng thức trọn vẹn được một cơn mưa. Bởi vì mưa cứ đưa ta về với quá khứ loang lổ những kỷ niệm hay phóng chiếu cho ta những nẻo đường viễn ảnh tương lai. Thậm chí chúng ta còn sốt ruột, bực mình chờ cho mưa tạnh để đi. Hình như chưa bao giờ chúng ta dừng lại với một cơn mưa  để trải nghiệm, hưởng thụ một cơn mưa. Mặc dù những cơn mưa đã đến với trái đất này hàng tỷ năm rồi, mỗi năm đều có nhiều những cơn mưa, nhưng người thật sự nghe nó, thưởng thức nó thì quả là ít, rất ít.

Cách đây hơn 2.600 năm, có một người đã ngồi với cơn mưa như thế, đã nghe đã nhìn và đã làm một bài ca bất chợt về một cơn mưa. Cơn mưa ấy đến và đi như thế không chỉ trong quá khứ mà còn ở hiện tại và tương lai, bởi vì cơn mưa ấy ở trong thực tại và của thực tại.

Tỳ-kheo Girimananda sanh ở Rajagaha (Vương Xá), con trai của cố vấn nghi lễ cho vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la), vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà). Có lần ngài trở về thành phố để đảnh lễ Đức Phật. Vua mời ngài ở lại thành phố và lo chỗ ở cho ngài. Vì bận nhiều việc, vua quên lời hứa, ngài phải sống giữa trời. Thần mưa không mưa vì sợ ngài ướt. Sau đó vua Bimbisara thấy trời hạn hán nên xây cho ngài một am thất. Ngài sống trong am thất ấy tu hành tinh tấn, chứng được quả A-la-hán. Ngài hoan hỷ nói lên chánh trí của ngài bằng một bài kệ trong khi trời bắt đầu đổ mưa. (Trưởng lão Tăng kệ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch).

325. Trời mưa như bài ca
Khéo hát với nhạc điệu
Ta ngồi trong am thất
An lạc, được che chở
Tại đấy ta an trú
Thoải máian tịnh
Thần mưa, nếu ngươi muốn
Hãy mưa, hãy mưa đi.

Người giải thoát khỏi cái ta và cái của ta thì hòa hợp với tất cả, tâm và cảnh hòa hợp, không còn sự xung đột giữa mình và những hiện tượng thiên nhiên, những vị thần, con ngườithế giới. Mỗi hiện tượng của đất trời đều hòa điệu với tâm giải thoát, “thoải mái và an tịnh”. Mưa nắng, đất nước lửa gió, không còn là một ngoại cảnh thuận hay nghịch với sự sống bao la của mình, khiến gây thích hay không thích. Mưa cũng hài hòa với một tâm đã tự hài hòa với chính nó. Sự hài hòa của tâm là sự thoải máian tịnh của tâm.

Khi ấy thiên nhiên là một bài ca “khéo hát với nhạc điệu” hài hòa với bài ca không tiếng “thoải mái và an tịnh” của tâm. Bài ca này sẽ vĩnh viễn được cất lên, dầu bằng ngôn ngữ khác, âm điệu khác, tạo nên bài ca an vui của đời sống, vì đời sống là sự hòa điệu của tâm và cảnh.

326. Trời mưa như bài ca
Khéo hát với nhạc điệu
Ta ngồi trong am thất
An lạc, được che chở
Tại đấy ta an trú
Tâm tư thật an tịnh
Thần mưa, nếu ngươi muốn
Hãy mưa, hãy mưa đi.

Tâm bình thì thế giới bình. Thế giới không còn là một thách thức, một cuộc chiến để chiếm đoạt và hàng phục rồi bắt làm nô lệ. Thế giới cũng không còn là nơi để con người xung đột lẫn nhau. Thế giới là nơi “an lạc, được che chở; tại đấy ta an trú”.

Thế nên, minh triết là sống chung với con người và với thế giới. Với núi cao cũng như với một hạt bụi, với đại dương cũng như với một hạt mưa, với thần thánh cũng như với con người. Biết đâu trong cuộc sống chung ấy, ngày nào chúng ta sẽ chứng nghiệm được ước ao sâu thẳm nhất của nền văn minh Đông Á: “Trời, đất, người một thể”. Nói là ước ao, vì ngay cả những bậc hiền triết như Khổng, Lão cũng chỉ nhìn thấy được vài phần của sự thực ấy. Cả Khổng giáoLão giáo đều không có những phương pháp cụ thểrành mạch để tu tâm, mà tâm là cái duy nhất để có thể đạt đến sự thực ấy. Còn đối với Phật giáo, có đủ các pháp môn thực hành, có rất nhiều con đường để thể nghiệm sự hài hòa vốn có và rốt ráo của tất cả này: “Tất cả là Một, Một là Tất cả”. Đó là sự thể nghiệm của một tâm thức hòa bình an tịnh. Nếu vũ trụ là một kho tàng với vô số hộc chứa được khóa kín, thì Phật giáo có đủ tất cả các chìa khóa để mở cho con người.

Cho nên cơn mưa là một sự thể thân thiết, “thần mưa nếu ngươi muốn; hãy mưa, hãy mưa đi”. Đây không phải là một lời thách thức như khoa học kỹ thuật hiện đại đang làm, mà là lời thân thiết an vui nói với một người bạn, khi cơn mưa không còn là một cái gì ở ngoài mình mà là chính mình trong một hiện tướng khác.

327. Trời mưa như bài ca
Khéo hát với nhạc điệu
Ta ngồi trong am thất
An lạc, được che chở
Tại đấy ta an trú
Tâm tư lìa tham ái
Thần mưa, nếu ngươi muốn
Hãy mưa, hãy mưa đi.

Hai đoạn kệ tiếp theo (328-329) cũng như đoạn kệ này, chỉ thay vì “lìa tham ái” thì đổi thành “lìa sân hận” và “lìa si mê”.

Tâm không tham, sân, si là tâm không tham lam, chiếm giữ, giành giật, chiến tranh. Đó là một tâm thanh tịnh vì hết tham, sân, si. Và tâm thanh tịnh thì thấy trời đất và người khác thanh tịnh. Tất cả hài hòa với nhau tận nền tảng và nền tảng ấy là tâm thanh tịnh này. Người mà tâm thanh tịnh như vậy là người cứu độ cho trời đất và con người, vì hài hòa được tất cả trong tâm bổn nhiên thanh tịnh.

Được che chở không phải chỉ là cái am thất che chở cho thân này, mà là được cái tâm không lấy không bỏ bao la ấy che chở. Sống cái tâm giải thoáttuệ giải thoát ấy thì an vui, không gian hài hòa với không gian  và với thời gian, thân thể hài hòa với thiên nhiên và người khác, tất cả hài hòa với nhau mà tất cả vẫn giữ nguyên hình tướngvị trí.

Tâm ấy được những truyền thống khác gọi là Vô tâm. Vô tâm nghĩa là không có tham, sân, si; không có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng làm chướng ngại, cho nên tâm ấy thông suốt tất cả mọi cảnh, tâm ấy thưởng thức được mọi cảnh, đồng thời vẫn xa lìa, không nhiễm ô bởi mọi cảnh. Tâm ấy có mọi cảnh mà cũng chẳng có cảnh nào, là mọi cảnh mà chẳng là cảnh nào.

Cho nên bài ca kết thúc với một tâm vô ngại, “Hãy mưa, hãy mưa đi”.

Đây là một bài kệ, một bài ca mà mỗi chữ mỗi câu đều rộn ràng một niềm vui không thể che dấu. Nếu có tác ý của tác giả bài thơ khi để lại cho đời thì có lẽ tác ý ấy có mục đích duy nhất là một ngày nào chúng ta cũng nghe cũng nhìn được một cơn mưa như ngài.

Vì năm nào cũng mưa, cũng có cơ hội cho chúng ta sống với một cơn mưa. Những hiện tượng thời tiết cứ như là những ân phước, những phép lạ biểu lộ cái bí mật ngàn đời của sự vật, thế giớicon người. Có lẽ đạo Phật không là gì ngoài những chỉ dạy để chúng ta thấy ra thật tướng của mọi sự, thấy ra một cơn mưa. Thế nên, hãy nghe, hãy nhìn:

                                    “Hãy mưa, hãy mưa đi”.

 Văn Hóa Phật Giáo số 209

Nguyễn Thế Đăng

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/11/2012(Xem: 21378)
22/04/2018(Xem: 11627)
09/04/2013(Xem: 35394)
10/04/2017(Xem: 11734)
11/04/2017(Xem: 20656)
07/05/2015(Xem: 14073)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.