12. Phẩm thấy Phật Bất Động

21/03/20153:12 CH(Xem: 10872)
12. Phẩm thấy Phật Bất Động
THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT 
QUA KINH DUY MA CẬT 
Tác giả: Đương Đạo
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 2015
  • Phẩm Thấy Phật Bất Động

    (Aksobhya)

    Bấy giờ Thế Tôn hỏi ngài Duy Ma Cật: “Khi ông muốn thấy Như Lai, thì ông xem thấy (quán) như thế nào?”

    Cư sĩ Duy Ma Cật thưa: “Thế Tôn, như con tự xem thấy thật tướng của thân thế nào, con xem thấy Phật cũng như thế. Con xem thấy Như Lai quá khứ chưa từng đến, tương lai không đi đâu, hiện tại cũng chẳng trụ. Con không xem thấy sắc, không xem thấy sắc như, không xem thấy tánh sắc, không xem thấy thọ, tưởng, hành, thức, không xem thấy thức như, không xem thấy tánh thức. Chẳng phải nơi bốn đại mà khởi, đồng với hư không. Không chứa trong lãnh vực các căn, siêu vượt khỏi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Không ở trong ba cõi, vốn lìa khỏi ba nhiễm ô tham sân si, hằng thuận với ba môn giải thoát. Đầy đủ ba minh, cùng với vô minh bình đẳng. Không một không khác, không đây, không kia. Chẳng phải tướng, chẳng phải giữ tưóng. Không bờ này, không bờ kia, không giữa dòng, mà giáo hóa chúng sanh. Xem thấy tịch diệt mà chẳng vĩnh viễn diệt mất. Không đây, không kia, không nương đây, không nương kia. Không phải chỗ lấy trí mà biết, không phải chỗ lấy thức phân biệt được. Không tối, không sáng. Không danh, không tướng. Không mạnh, không yếu. Chẳng sạch, chẳng dơ. Không ở nơi chốn, không lìa nơi chốn. Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi.

    “Không chỉ, không nói. Không bố thí, không keo kiệt. Không giới, không phạm. Không nhẫn, không sân. Không tinh tấn, không biếng lười. Không định, không loạn. Không trí, không ngu. Không thật, không dối. Không đến, không đi. Không ra, không vào. Tất cả con đường ngôn ngữ dứt. Chẳng phải phước điền, chẳng phải không phước điền. Chẳng phải đáng cúng dường, chẳng phải không đáng cúng dường. Chẳng lấy, chẳng bỏ. Chẳng có tướng, chẳng vô tướng. Đồng với chân tế, bình đẳng với pháp tánh. Không thể cân, không thể lường, vượt quá mọi cân lường. Chẳng lớn, chẳng nhỏ. Chẳng phải thấy, chẳng phải nghe, chẳng phải hay, chẳng phải biết. Không có kết buộc nào. Đồng với các trí, bình đẳng với chúng sanh. Nơi các pháp khôngphân biệt. Hoàn toàn không mất, không trược, không não, không tạo tác, không khởi, không sanh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán. Không đã có, không sẽ có, không đang có. Không thể lấy mọi thứ ngôn ngữ để phân biệt bày tỏ.

    “Thưa Thế Tôn, thân Như Lai là như thế và được xem thấy (quán) như thế. Xem thấy như vậy tức là thấy thật (chánh quán). Nếu xem thấy khác đi, gọi là thấy sai (tà quán).”

    Thấy thân mình như thế nào thì thấy thân Phật cũng như như vậy. Thân mình là không thân thì thân Phật cũng không thân. Không thân tức là Pháp thân.

    Pháp thântánh Không. Tánh Không của ngài Duy Ma Cật cũng là tánh Không của Phật và cũng là tánh Không của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta thấy được Pháp thân vô tướng của mình, điều đó tức là thấy được Pháp thân vô tướng của tất cả chư Phật, và ngược lại.

    Vấn đề ở đây là thấy được không thân hay Pháp thân vô tướng.

    Chúng ta thấy một câu nào cũng là một cánh cửa mở vào Pháp thân Phật. Hiểu được cái thấy thật, cái chánh quán là thế nào, có nhanh hay chậm (nói theo cách nói của người xưa là ‘đốn’ hay ‘tiệm’), sâu hay cạn, tùy theo nỗ lực làm quen với cái chánh quán của chúng ta. Một khi đã trải qua thời gian nỗ lực tìm kiếm, làm quen, chúng ta thấy ra đầu mối của chánh quán. Lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng chánh quán chỉ là cái thấy chân thậttự nhiên của bản tâm (hay là tánh giác) của chúng ta mà thôi.

    Khi xem thấy (quán) như thế này, đoạn này không phải là sự mô tả Pháp thân Phật, trình bày cho chúng ta những ý niệm về Pháp thân, mà là một công trình thiền quán, nghĩa là một công trình xem thấy bằng sự thiền định. Thông thường sự xem thấy của chúng ta chỉ nhìn thấy một ít sự vật cụ thể, chúng ta không thể xem thấy toàn thể tánh của sự vật. Đó là vì sự xem thấy của chúng ta bị giới hạn vào một vài sự vật cụ thể, cái thấy của chúng ta “trụ” vào một vài sự vật cụ thể. Hơn thế nữa, sự xem thấy của chúng ta “phát xuất” từ một tâm thức chủ thể hữu hạn, trụ nơi một tâm thức chủ thể hữu hạn. Do đó, sự xem thấy này bị giới hạn bởi hai đầu, đối tượng và chủ thể. Nếu một cái thấy không trụ vào một vài đối tượng, nghĩa là không bị giới hạn bởi một vài đối tượng và không trụ vào một trung tâm, nghĩa là không bị giới hạn bởi chủ thể, một cái thấy không trụ vào đâu cả, không có trung tâm ở đâu cả, cái thấy ấy thấy toàn thể tánh của mọi sự vật, tức là thấy pháp tánh, Pháp thân.

    Tóm lại một sự xem thấy không trụ vào đâu cả, đó là sự bắt đầu xem thấy Pháp thân, tức là thật tánh của tất cả các pháp. Một sự thấy cái toàn thể, hơn nữa toàn thể tánh, không bị sắc, thọ, tưởng, hành, thức vọng động ngăn che, cái thấy ấy thấy cái toàn thể, và chính là cái toàn thể: “đồng với chân tế, bình đẳng với pháp tánh”. Sự xem thấy ấy chính là sự tỉnh giác thuần túy, đó chính là tánh giác. Chúng ta có thể lấy cái thí dụ tấm gương. Một sự xem thấy bị giới hạn trong vài hình bóng làm đối tượng và quy định nơi một chủ thể làm trung tâm, cái thấy ấy chỉ ở nơi một phần nhỏ của tấm gương, và nó hầu như không nhận ra tấm gương là nền tảng cho mọi xuất hiện. Nhưng một sự xem thấy không bị giới hạn bởi đối tượng và chủ thể, cái thấy ấy sẽ toàn khắp mặt gương, và cái thấy ấy chính là tất cả mặt gương.

    Chúng ta phải làm quen với cái xem thấy toàn khắp này, nó vốn ở nơi mỗi chúng ta, mà chỉ vì những loạn động, những thói quen trái ngược đã giới hạn nó lại, để thành ra cái thấy hạn hẹp và phân biệt chia cắt của sanh tử. Những chấp ngã chấp pháp càng bớt đi, những lao xao nhị nguyên vô vọng càng bớt đi, cái xem thấy toàn khắp ấy càng hiện tiền. Và ngược lại, sự xem thấy cái thực tại tối hậu càng rõ ràng càng rộng rãi bao nhiêu, các hình tướng phân biệt hư vọng càng biến mất.

    “Thân Như Lai (Pháp thân) là như thế và được xem thấy như thế. Xem thấy như vậy tức là thấy Phật (chánh quán). Nếu xem thấy khác đi, gọi là thấy sai (tà quán)”: đời sống của một hành giả chỉ là hộ trì sự xem thấy này càng lúc càng sâu rộng để nó chiếm lĩnh toàn bộ cuộc đời mình. Và có thể suy ra, sự xem thấy ấy “thật” được bao nhiêu phần thì chúng ta tương ưng được với Pháp thân bấy nhiêu phần, bởi thế mà có thành ngữ “tùy phần giác” tức là giác từng phần Pháp thân.

    Lúc ấy tôn giả Xá Lợi Phất hỏi trưởng giả Duy Ma Cật rằng: “Ngài chết ở đâu mà sanh đến đây?”

    Trưởng giả Duy Ma Cật nói: “Có cái gì trong các pháp mà trưởng lão thấy có chết có sanh chăng?”

    Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Không có cái gì chết hay sanh.”

    - Nếu các pháp không có tướng chết tướng sanh, thì sao lại hỏi: “Ngài chết ở đâu mà sanh đến đây?” Ý ngài thế nào, thí như nhà ảo thuật biến hóa ra nam nữ, các nam nữ biến hóa này có chết có sanh không?

    Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Không có chết không có sanh.”

    - Tôn giả chẳng nghe Phật nói các pháp đều là tướng như huyễn sao?

    - Có như vậy.

    - Nếu các pháp là tướng như huyễn, thì sao lại hỏi: “Ngài chết ở đâu mà sanh đến đây?” Thưa tôn giả Xá Lợi Phất, chết là tướng hư hoại hư dối; sanh là tướng tương tục hư dối. Bồ tát tuy chết mà không chấm dứt gốc thiện; tuy Sanh mà không nuôi lớn các ác.

    Ở đây vẫn tiếp tục nói về cái xem thấy: “Có cái gì trong các pháp mà chúng ta thấy có chết có sanh chăng?” Nếu không có cái gì chết và sanh, vấn nạn sanh tử đã giải quyết rồi vậy.

    Tâm như nhà ảo thuật làm ra đủ các thứ hình tướng, tâm đó vốn không thể thấy, không thể cầm nắm, không ở đâu cả, không có gốc gác gì cả, thế thì các hình tướng kia phải như huyễn, vọng sanh, vọng diệt. Tướng hư hoại hư vọng là chết, tướng tương tục hư vọng là sanh, đã hư vọng thì làm gì có chết có sanh. Như hoa đốm giữa không trung, khi không mà hư vọng thấy có, cái chưa từng có thì làm gì có chết có sanh. Chính trong Như Huyễn tam muội này mà Bồ tát ‘không hết hữu vi, không trụ vô vi’, huyễn chết huyễn sanh mà độ chúng sanh như huyễn.

    Bấy giờ Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất: “Có cõi nước tên là Diệu Hỷ, Phật hiệuVô Động. Vị Duy Ma Cật này mất ở thế giới ấy mà sanh đến thế giới này.”

    Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Thật là chưa từng có. Bạch Thế Tôn, vị này có thể bỏ cõi thanh tịnh mà thích đến một cõi nhiều khuyết điểm tai hại như cõi Ta Bà này!”

    Ngài Duy Ma Cật nói với tôn giả Xá Lợi Phất: “Ý ngài thế nào? Khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì có hiệp với bóng tối không?”

    - Không. Ánh sáng mặt trời xuất hiện thì không có bóng tối.

    Ngài Duy Ma Cật nói: “Mặt trời vì sao đi (hành) nơi cõi Diêm Phù Đề?”

    - Vì muốn đem ánh sáng soi chiếu để trừ bóng tối.

    Ngài Duy Ma Cật nói: “Bồ tát cũng như vậy. Tuy sanh nơi thế giới chẳng thanh tịnh là để giáo hóa chúng sanh, chứ không phải hiệp cùng sự tối tăm. Chỉ cốt diệt trừ sự tối tăm của phiền não cho chúng sanh mà thôi.”

    Lúc ấy đại chúng khát ngưỡng muôn thấy thế giới Diệu Hỷ (Abhirati), đức Vô Động (Aksobhya) Như Lai và các hàng Bồ tát, Thanh Văn của thế giới kia. Phật biết ý nghĩ của tất cả chúng hội, nói với ngài Duy Ma Cật rằng: “Thiện nam tử, hãy hiển lộ cõi nước Diệu Hỷ, đức Vô Động Như Lai và các Bồ tát, Thanh Văn cho chúng hội này, ai cũng đều muốn được thấy.”

    Khi ấy trưởng giả Duy Ma Cật nghĩ rằng, “Không rời khỏi chỗ ngồi, ta sẽ tiếp lấy cõi nước Diệu Hỷ và tất cả những gì nó chứa đựng: núi Thiết Vi, núi sông, khe hang, sông ngòi, biển cả, nguồn suối, núi Tu Di cùng nhật nguyệt, tinh tú, thiên long, quỷ thần, cung điện Phạm thiên v.v… và các hàng Bồ tát, Thanh Văn, thành thị thôn xóm, nam nữ, lớn nhỏ, cho đến Như Lai Vô Động cùng cây Bồ đề, các hoa sen kỳ diệu có thể làm Phật sự trong mười phương, ba đường thềm nạm ngọc từ Diêm Phù Đề đến Trời Đao Lợi, do thềm báu này chư thiên đi xuống lễ bái Như Lai Vô Động, nghe và lãnh thọ kinh pháp. Người ở Diêm Phù Đề cũng dùng thềm báu đó đi lên đến Đao Lợi để thăm viếng chư thiên kia. Thế giới Diệu Hỷ thành tựu vô lượng công đức như vậy. Như cái vòng của người thợ gốm trên đến trời Sắc Cứu Cánh, dưới đến tầng nước, ta hãy dùng tay phải ngắt lấy đem vào thế giới này như một tràng hoahiển bày cho tất cả đại chúng.”

    Nghĩ như vậy rồi, trưởng giả Duy Ma Cật nhập chánh định, hiện thần thông lực, dùng tay phải ngắt lấy thế giới Diệu Hỷ để vào cõi Ta Bà này. Những vị đắc thần thông trong thế giới Diệu Hỷ, các Bồ tátThanh Văn cùng các trời người đều cất tiếng nói: “Dạ thưa Thế Tôn, có ai lấy chúng con đem đi, xin ngài cứu hộ cho.” Phật Vô Động nói rằng: “Không phải ta làm, đó là thần lực của Bồ tát Duy Ma Cật.” Những người chưa được thần thông thì không hay biết mình đi đâu. Thế giới Diệu Hỷ tuy nhập vào cõi này mà cõi này không tăng không giảm, nó cũng không bị ép lại, cả hai cõi vẫn y nguyên như cũ.

    Cái thấy “không định, không loạn, không đến, không đi, không ra, không vào, không sanh, không diệt..” được nói ở đoạn trên là cái thấy Pháp thân. Đó cũng là cái thấy A Súc Bệ Phật, hay Phật Bất Động, Phật Vô Động. Ở phẩm này nói về đức Phật Vô Động để nói về cái thấy Pháp thân, Phật Vô ĐộngPháp thân, đại diện cho tất cả chư Phật.

    Cái xem thấy Pháp thân nói ở trên khi đã viên mãn, người ta thấy trọn vẹn Pháp thân, tức là thấy trọn vẹn Phật Vô Động. Và tất cả trí huệ, đại bi, thần lực của ngài Duy Ma Cật đều lưu xuất từ Pháp thân Vô Động này. Ngài Duy Ma Cật là người của cõi Phật Vô Động, mọi thần lực biến hóa đều lưu xuất từ Pháp thân Vô Động. Cho đến chúng ta hiện nay, mọi cử động, nói nín, ngủ nghỉ… đều lưu xuất từ pháp tánh bất động. Biết như thế, thực hành như thế mới có thể tương ưng với Pháp thân Vô Động.

    Pháp thân khi đã được thấy và được chứng ngộ viên mãn, thì hành giả tác động và làm chủ được sắc thân, là Báo thânHóa thân. Sự tác động và làm chủ này là mức độ sự sự vô ngại của tất cả các pháp. Một khi đã chứng đắc trọn vẹn được tánh Không, thế giới của sắc thanh hương vị xúc pháp trở thành vô ngại vì chúng đều có bản thểtánh Không. Sự sự vô ngại vì tất cả sự đều là tánh Không. Đây là căn cứ cho những sự dùng thần thông hiển bày cõi nước Diệu Hỷ cho đại chúng của ngài Duy Ma Cật. Sự dùng thần thông này có thể được hiểu là sự ‘thống nhất cõi Phật’ trong kinh Pháp Hoa.

    Chính vì tánh Không Pháp thân vốn vô ngại, nên thế giới kia đặt vào thế giới này mà cả hai thế giới không hư hoại tổn giảm, vẫn y nguyên như cũ. Chính là trong pháp tánh trọn vẹn vô ngại mà sự đặt một thế giới vào một thế giới khác nhưng không làm hư hoại thời gian không gian của cái này lẫn cái kia và cả cái ở giữa cái này lẫn cái kia có thể thực hiện được. Chính vì tánh Không Pháp thân vô ngại mà người của cõi này có thể thấy cõi kia khi nhập vào chánh định, và nhập vào chánh định có nghĩa là nhập vào tánh Không Pháp thân. Khi xem thấy trọn vẹn nghĩa là chứng ngộ hoàn toàn Pháp thân (ở đây Phật Vô Độngđại diện), từ Pháp thân Vô Động này, người ta có thể hiển lộ Báo thânHóa thân, nghĩa là hiển lộ cõi nước Vô Độngsắc thân của Phật Vô Động. Khi đạt đến hoàn toàn Pháp thân, nghĩa là ở Phật quả, người ta tự tại đối với tất cả Báo thânHóa thân, nghĩa là với tất cả cõi nước và sắc thân của các vị Phật. Như hư không thì tự tại vô ngại với tất cả mặt trăng mặt trời, tinh tú và cũng tự tại vô ngại với mọi phản chiếu của mặt trăng mặt trờitinh tú trên mặt nước.

    ý nghĩa Pháp thân Vô Độngthực tại tối hậu của tất cả các pháp nên đức Phật bảo ngài Duy Ma Cật cho đại chúng thấy, bởi vì “ai cũng đều muốn được thấy”. Với sự chánh quán (thấy thật) ở đoạn trước, người ta dần dần làm quen với sự xem thấy này, cho đến khi cái thấy thật này được xác quyết, được hộ trì trong bất kỳ thời gian hoàn cảnh nào, và như thế, người ta sẽ học trở thành như ngài Duy Ma Cật, tuy ở bất cứ nơi đâu cũng làm việc Phật mà cũng không hề rời lìa cái thấy Phật Vô Động này, không hề rời lìa khỏi cõi Phật Vô Động Pháp thân.

    Bấy giờ, Phật Thích Ca Mâu Ni bảo với cả đại chúng: “Các người hãy nhìn xem sự rực rỡ quang minh của thế giới Diệu Hỷ và Như Lai Vô Động, cõi nước ấy trang nghiêm đẹp đẽ, chúng Bồ tát, Thanh Văn thanh tịnh.” Đại chúng đều nói: “Dạ chúng con đã thấy.” Phật dạy: “Nếu Bồ tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như thế phải tu học mọi thực hành của Như Lai Vô Động.”

    Khi cõi nước Diệu Hỷ hiện ra, ở thế giới Ta Bà này có một trăm bốn mươi ngàn người phát tâm Vô thượng Bồ đề, cùng nguyện sanh trong cõi Phật Diệu Hỷ.

    Phật Thích Ca Mâu Ni liền thọ ký rằng các người này sẽ sanh qua cõi nước ấy. Khi thế giới Diệu Hỷ đã làm những sự lợi lạc thích đáng ở cõi nước này rồi, thì trở lại chỗ cũ. Đại chúng đều thấy rõ như vậy. Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất: “Tôn giả có thấy thế giới Diệu Hỷ và Phật Vô Động không?”

    Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời: “Dạ có, con đã thấy. Nguyện cho tất cả chúng sanh được sống trong một cõi thanh tịnh như Phật Vô Động, đều được thần thông lực như ngài Duy Ma Cật. Thưa Thế Tôn, chúng con được rất nhiều lợi lạc khi đã thấy một người như ngài để thân cận cúng dường. Chúng sanh nào hoặc bây giờ, hoặc sau khi Phật diệt độ, nghe được kinh pháp này cũng được lợi lạc tốt đẹp, huống gì là nghe rồi tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giảng giải, như Pháptu hành. Nếu có người thấu hiểu được kinh điển này bèn là đã được kho tàng pháp bảo. Những người nào nghiên cứu đúng đắn giáo pháp này sẽ trở thành người đồng hành của Như Lai. Những người nào đọc tụng, giải thích ý nghĩa của kinh, như kinh nói mà tu hành, thì được chư Phật hộ niệm. Những người nào thích thú trong giáo pháp này sẽ ôm trùm tất cả công đức. Ai cúng dường người như vậy phải biết thế là cúng dường Phật. Những người biên chép giữ gìn kinh này thì phải biết là nhà họ có Phật. Nếu nghe kinh này mà có thể tùy hỷ, người ấy sẽ đến Nhất Thiết Trí. Nếu có thể tin hiểu kinh này, dầu chỉ là bốn câu kệ rồi giải nói cho người khác nghe, thì phải biết người ấy được thọ ký Phật quả (Vô thượng Bồ đề).”

    Là người trong một cuộc đời vô thường không gì ngăn cản được này, ai mà không mong thấy được cội nguồn bất động của cuộc đời mình, ai mà không mong mỏi một lần thấy được thế giới của Phật Vô Động. Nhưng điều quan trọng nhất là người ta có thể thấy được cõi Phật Vô Động ấy ngay nơi thế giới khổ đau này, khi thế giới của Phật Vô Động có thể “nhập vào”, “để vào” cõi Ta Bà này mà không làm hư hại cái gì cả. Sở dĩ có sự “nhập vào, để vào” được nơi thế giới này, vì nguyên lý “pháp đồng pháp tánh” và đồng một pháp tánh nên có sự vô ngại, tương tức tương nhập giữa hai thế giới, về mặt thực hành mà nói, trong cái tâm thức “thế giới Ta Bà” hiện thời của chúng ta, cõi Phật Vô Động ở tận cùng tâm thức chúng ta có thể hiển lộ cho chúng ta thấy, vì giữa hai thế giới, chúng vẫn ở ngay trong tâm thức chúng ta, không hề ngăn ngại.

    Ắt hẳn một khi thấy được cõi Phật Vô Động cuộc đời sanh tử vô thường khổ đau của chúng ta sẽ được thay đổi, được chuyển hóa, vì trong cái vô thường biến diệt này chúng ta đã thấy được cái Vô Động, cái không vô thường, không biến diệt, cái rực rỡ quang minh hiển hiện trong đó và làm nền tảng cho tất cả mọi sự vô thường biến diệt nhưng không thật có.

    “Nếu Bồ tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như thế phải tu học mọi thực hành của Như Lai Vô Động.” Mọi thực hành của Như Lai Vô Động biểu lộ nơi ngài Duy Ma Cật, vì ngài là Bồ tát của cõi đó.

    Thực hành như ngài Duy Ma Cật là tập thấy biết rằng mọi hoạt động, nói năng, im lặng, nghỉ ngơi hay thiền định, cúng dường hay sám hối, mọi khởi niệm hay không khởi niệm… của chúng ta đều lưu xuất, đều diễn ra trên nền tảng Pháp thân Vô Động. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta không hề lìa khỏi Pháp thân Vô Động.

    Tham thiền như thế liên tục cho đến lúc chúng ta thấy biết thật cõi Phật hay Pháp thân Vô Động. Đây là Thông Đạt vị hay Kiến Đạo vị, chúng ta bước vào Pháp thân, bước vào địa thứ nhất trong mười địa của Bồ tát Pháp thân. Và từ cái thấy biết thật Pháp thân này, chúng ta đi trên con đường Pháp thân, cho đến khi trọn vẹn.

    Đó là cái thấy Pháp thân, là đỉnh cao của toàn bộ cuốn kinh này. Hẳn chúng ta không biết làm gì hơn như tôn giả Xá Lợi Phất: “Nguyện cho tất cả chúng sanh (trong đó có cả chúng ta) được sống trong một cõi thanh tịnh như cõi Phật Vô Động, đều được thần thông lực như ngài Duy Ma Cật (để có thể hiển hiện cõi Phật Vô Động ngay giữa cuộc đời này).”

    Sự xác định tiếp theo của ngài Xá Lợi Phất (vị đã ít nhấtmột lần thấy cõi Phật Vô Động) cũng rất quan trọng cho người tu hành, xác minh sự tin tưởng, xác quyết cho người chưa vào con đường, đã vào con đường và đang đi trên con đường. Đoạn kinh kết thúc phẩm này nói về công đức, những lợi lạc của người tin nhận và thọ trì, giảng nói Kinh Duy Ma Cật chiếm một trang sách quả đã nói lên sự “không thể nghĩ bàn” trong việc tích tập trí huệ và công đức của người thực hành.

    Ở đây chúng ta chỉ nói qua về việc tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, như Pháp tu hành. Tin hiểu là thấy và tin hiểu rằng pháp hay pháp tánh hay Pháp thân là cái gì có thật trong sanh tử này. Thọ trì là nhận lãnh và giữ gìn cái “kho tàng pháp bảo” đó. Đọc tụng, ngoài ý nghĩa đọc tụng một cuốn kinh, là sự đọc tụng trong bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, nói cụ thể, đó là tìm thấy thật nghĩa của kinh trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, sống bằng chính cái thật nghĩa đó. Giảng nói là vì người khác mà thông tin cho họ và làm cho họ hiểu ý nghĩa của kinh điển, mà đó cũng là ý nghĩa của đời sống. Như Pháp tu hành là biến toàn bộ cuộc sống của mình thành Pháp. Làm được như vậy là “thích thú trong giáo pháp này” và người đó “sẽ ôm trùm tất cả công đức”.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/11/2012(Xem: 21168)
22/04/2018(Xem: 11430)
09/04/2013(Xem: 35140)
10/04/2017(Xem: 11513)
11/04/2017(Xem: 20511)
07/05/2015(Xem: 13861)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.