Tại sao có khổ đau, sanh tử

17/09/20152:26 SA(Xem: 9704)
Tại sao có khổ đau, sanh tử

TẠI SAO CÓ KHỔ ĐAU, SANH TỬ
Nguyễn Thế Đăng

1

Người bình thường   luôn luôn sống trong cái ta và cái của ta. Chính vì có cái ta và cái của ta nên cũng có ngay cái chẳng phải ta và chẳng phải của ta. Đời sống bắt đầu phân đôi từ đó và càng ngày càng vụn vặt, phân mảnh, hạn hẹp, trói buộc.

Thế giới của cái ta và cái của ta thì nhỏ hẹp, rất nhỏ hẹp. Còn cái thế giới ngoài kia, với những người ngoài kia là cái khác. Cái tôi và cái của tôi thì quá nhỏ bé, còn cái khác kia thì quá rộng lớn, bao la. Thế nên cái tôi và cái của tôi luôn luôn thấy mình bị đè nặng, bị áp bức, bị đối đầu.

Nhưng cái tôi và cái của tôi càng lớn, càng nặng nề, càng xây đắp những bức tường phòng thủ bảo vệ thì thế giới cái khác kia càng tăng thêm áp lực và càng lùi xa, cách biệt. Do đó mà có mọi thái độ thương ghét, lấy bỏ, thắng thua, vinh nhục, được mất…

Con người bị kết án phải phân đôi, phải bị xé vụn, phải luôn luôn sống trong nhà tù cái ta và cái của ta. Nó có một ít mảnh nhỏ nào đó của đời sống, có một cái ta và cái của ta nhỏ hẹp nhưng nó chẳng bao giờ là. Là thế giới, là người khác, là tất cả. Nó chẳng được tự tại, chẳng được tự do.

Phá bỏ sự ngăn cách, sự phân đôi theo cấp số nhân ấy, chính là tự do.

Nhưng tại sao có sự ngăn cách, sự phân đôi quái ác ấy? Suy nghĩ cho kỹ, thiền định thiền quán cho kỹ, chúng ta không tìm đâu ra biên giới phân cách chúng ta với thế giới cả. Chẳng có ranh giới nào che chắn tôi với bầu trời này, với mặt đất này, với nhà cửa cây cối, với những con người đang vui hay đang buồn kia. Chẳng có một hay nhiều ranh giới nào cả.

 Ranh giới phân cách tôi và thế giới chỉ là một ảo tưởng, một vọng tưởng nằm trong đầu tôi. Sự phân biệt ấy chỉ là một vọng tưởng, một tưởng tượng hư vọng. Và đau đớn thay, với sự không biết của mình, càng ngày chúng ta càng củng cố và xây thêm nhiều ranh giới. Đó đích thị là cuộc sống khốn khổ hiện giờ của chúng ta.

Kinh Đại Bát-nhã nói:

“Đức Phật bảo: ‘Chỗ chấp của chúng sanh mê muội là có các pháp. Thật sự tất cả các pháp chẳng có. Các pháp có ấy, thật ra là vô sở hữu. Nếu đối với các pháp vô sở hữu như vậy mà chẳng thể rõ biết thì gọi là vô minh.

Thế lực vô minh tham ái tăng trưởng mạnh mẽ, phân biệt chấp trước hai bên có và không. Do chẳng biết chẳng thấy các pháp là vô sở hữu nên phân biệt các pháp. Vì phân biệt bèn sanh chấp trước. Lại do chấp trước lại càng phân biệt. Do vậy đối với các pháp chẳng thấy chẳng biết chúng là vô sở hữu.

Vì chẳng thấy chẳng biết nên phân biệt thành quá khứ, vị lai, hiện tại. Do vì phân biệt nên tham đắm danh sắc. Tham đắm danh sắc nên càng phân biệt chấp trước.

Vốn vô sở hữuphân biệt chấp trước, nên đối với thực tại chẳng biết chẳng thấy, chẳng thể thoát khỏi ba cõi sanh tử. Chẳng tin chân lý, chẳng giác thật tế, nên sa đọa trong chúng sanh điên đảo mê mờ’.” (Phẩm Thiện Hiện, hội thứ Năm).

Do chẳng thấy biết thực tại, thật tế, nên phân biệt rằng có sự phân cách giữa cái ta và cái của ta với cái chẳng phải ta và cái chẳng phải của ta. Từ sự phân biệt đó, sanh chấp trước bám nắm, từ bám nắm sanh ra tham đắm. Tham đắm mà không được thì sanh ra sân giận, đố kỵ, thù ghét. Tham đắm mà được thì sanh ra kiêu căng, tự tôn, khinh thị. Tất cả từ vọng tưởng phân biệt mà sanh, cái sau làm mạnh thêm cái trước, cái trước củng cố cái sau, tương tác lẫn nhau trong sự trói buộc càng ngày càng chặt chẽ. Đây là một vòng lẩn quẩn không lối thoát, tiếp tục lặp lại những sai lầmchúng ta gọi là luân hồi. Sự trói buộc trong vòng lẩn quẩn tự lưu đày mình ra khỏi đời sống đích thực của vạn vật này là thân phận khổ đau và sanh tử của con người.

Như thế, tâm phân biệt chính là sanh tử khổ đau. Tâm phân biệt này là vọng tưởng, cho nên sanh tử khổ đau là vọng tưởng.

2

Con đường Phật giáo dạy chúng ta dùng trí huệ Bát-nhã xóa tan sự phân biệt này, nghĩa là xóa tan sanh tử.

Các bậc Giác ngộ đối với tất cả pháp không ưa không ghét. Vì sao như thế? Vì các bậc Giác ngộ dứt hẳn tất cả phân biệt ưa ghét vậy”. (Phẩm Huyễn dụ, hội thứ Tư).

Thiện Hiện phải biết: Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì không phân biệt nên đối với tất cả không chẳng thấy, không lấy không bỏ”. (Phẩm Thanh tịnh, hội thứ Năm).

Trí huệ Bát-nhã là trí huệ không phân biệt:

Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có mọi phân biệt như vậy. Vì cớ sao? Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lìa các phân biệt. Nếu khởi phân biệt tức chẳng phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa”. (Phẩm Phương tiện thiện xảo, hội thứ Ba).

Trí huệ không phân biệttrí huệ lìa tướng. Vì tướng là do phân biệt mà có, và các tướng hư vọng ấy là đối tượng của sự phân biệt:

Chúng sanh trụ nơi danh tướng hư vọng phân biệt… Thế nên, các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật- đa sâu xa phương tiện khéo léo khiến các hữu tình xa lìa các tướng, trụ nơi vô tướngkhông chấp trước”. (Phẩm Bố thí khắp cả, hội thứ Ba).

Thực hành trí huệ Bát-nhã là “khiển trừ các tướng,” xóa tan ranh giới chia biệt giữa các tướng để có thể chứng ngộ “tất cả là Một”, tất cả là “Vô tướng, cũng gọi là Một tướng”:

Tâm Như Lai đều không chỗ trụ, vì không chỗ trụ nên gọi là Như Lai. Bồ-tát cũng vậy, như các Như Lai, đối tất cả pháp tâm không chỗ trụ, cũng chẳng không trụ. Nghĩa là các Bồ-tát với Bát-nhã đem vô sở đắc làm phương tiện, nên trụ như thế, nên học như thế”(Phẩm Thiên đế, hội thứ Năm).

Không có cái ta và cái của ta, cho đến cái ta tâm linh, cho nên chẳng thấy có ta thực hành, chẳng thấy có ta chứng đắc và chỗ chứng của ta:

Bồ-tát khi hành như thế chẳng thấy các tướng, chẳng thấy ta hành, chẳng thấy chẳng hành. Chẳng thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa là chỗ hành của ta, chẳng thấy Giác ngộ vô thượng là chỗ chứng của ta, cũng lại chẳng thấy chỗ nào, thời nào có chứng đắc”. (Phẩm Huyễn dụ, hội thứ Tư).

Tánh Không triệt tiêu tất cả mọi phân biệt: ta tu và người không tu, ta chứng và người không chứng, ta tu và ta không tu, ta chứng và ta không chứng:

Bát-nhã ba-la-mật-đa là ba-la-mật-đa rộng lớn, không buộc không dính với tất cả các pháp. Mặc dù chứng Bồ-đề mà không chỗ chứng, dù chuyển pháp luân mà không chỗ chuyển. Không pháp có thể chỉ thị, không pháp có thể hiển bày, không pháp có thể đắc, không pháp có thể chuyển tới, không pháp có thể chuyển lui. Vì tất cả pháp rốt ráo chẳng sanh cũng lại chẳng diệt… Trong ấy đều không có người nói, không có người thọ, cũng không có người chứng đắc Niết- bàn, cũng không có người nói pháp mà làm ruộng phước“.

(Phẩm Thanh tịnh, hội thứ Năm).

Khi thật thấy “sắc không buộc không mở, không hợp không tan,” thì giải thoát dùng để làm gì? Khi “tất cả các pháp bản lai tự tánh thanh tịnh” thì vọng tưởng phân biệt tạo thành sanh tử tìm thấy ở đâu?

3

 Tánh Không hay Chân như thì không khởi tưởng, không phân   biệt. Thế nên tâm không khởi tưởng, không khởi phân biệt thì tương ưng với tánh Không hay Chân như:

Chân như Như Lai nơi tất cả chỗ không nhớ nghĩ, không phân biệt. Chân như tất cả các pháp ở tất cả chỗ cũng không nhớ nghĩ không phân biệt. Chân như Thiện Hiện cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện theo Như Lai sanh. Chân như Như Lai chẳng lìa Chân như các pháp. Chân như các pháp chẳng lìa Chân như Như Lai. Chân như Như Lai vẫn thường Chân như, không lúc nào chẳng Chân như. Chân như Thiện Hiện cũng lại như thế, nên nói Thiện Hiện theo Như Lai sanh. Mặc dù nói theo Như Lai sanhthật không có chỗ sanh, vì Chân như Thiện Hiện chẳng khác Chân như Như Lai vậy”. (Phẩm Như Lai, hội thứ Năm).

Phân biệt dứt đến đâu thì vô minh dứt đến đó, “các phiền não xấu ác chẳng che tâm”. (Phẩm Bảo tháp, hội thứ Năm). Khi ấy tánh Không hay Chân Như bày lộ trước mắt. Đó là một Chân Như không ranh giới, không phân biệt, cho nên vô tận:

Tất cả chư Phật đều y Bát-nhã ba-la-mật-đa, như thật chứng biết vô lượng vô số vô biên chúng sanh hoặc nổi hoặc chìm. Nghĩa là như thật biết tất cả sắc thọ tưởng hành thức đều như Chân như không hai không khác.

Thiện Hiện phải biết: Chân như Như Lai tức Chân như năm uẩn. Chân như năm uẩn tức Chân như thế gian. Chân như thế gian tức Chân như tất cả pháp… Chân như tất cả Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng giác tức Chân như tất cả chúng sanh.

Thiện Hiện phải biết: Chân như như thế đều chẳng cách rời nhau, chẳng một chẳng khác, không tận không hai, cũng không hai phần, chẳng thể phân biệt…

Thiện Hiện phải biết: Sắc thọ tưởng hành thức vô tận nên Chân như vô tận, sắc thọ tưởng hành thức sâu xa nên Chân như sâu xa, vì sắc thọ tưởng hành thức cùng Chân như không sai khác vậy.

Thiện Hiện phải biết: Tất cả pháp vô tận nên Chân như vô tận, tất cả pháp sâu xa nên Chân như sâu xa, vì tất cả pháp cùng Chân như không sai khác vậy. Thế nên Chân như rất khó tin hiểu”. (Phẩm Chân như, hội thứ Năm).

Sanh tử là cái phân biệt, là cái có nhiều ranh giới ngăn chia, cái hữu hạn. Sanh tử ấy tan biến trong Chân như không phân biệt, không ranh giới, vô hạn và vô tận.

Y vào trí huệ Bát-nhã không phân biệt thì phân biệt hay vô minh dần dần tan biến. Phân biệt hay vô minh dứt tới đâu thì Chân như hiện ra đến đó.

Khi thấy tất cả ta người, thân tâmthế giới đồng một tánh vàng thì có chỗ nào, có cái gì không là vàng. Lúc ấy còn đâu vọng tưởng phân biệt, còn đâu khổ đau sanh tử? „■
(TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.