II
SUY TƯ VỀ CÁC BỐI CẢNH TRONG CUỘC SỐNG
Suy tư về
nhà giam và các tù nhân
121
Thông thường trên nguyên tắc thì những kẻ phạm tội phải bị nhốt vào tù, tách ra khỏi xã hội. Họ bị xem là các thành phần xấu xa mà tập thể xã hội không còn muốn trông thấy nữa. Họ không còn một hy vọng nào để trở thành những con người tốt hơn, hầu tạo cho mình một cuộc sống mới. Họ cư xử hung bạo với các tù nhân khác, ức hiếp kẻ yếu đuối. Trong bối cảnh đó họ sẽ không còn một cơ may nào để tự biến cải mình nữa.
122
Đôi khi tôi nghĩ đến trường hợp một vị tướng lãnh giết hàng ngàn người và được tôn vinh là anh hùng. Người ta xem sự sát hại đó là một thành tích tuyệt vời và không ngớt ngợi khen. Thế nhưng nếu là một kẻ cùng quẫn giết người thì hắn quả đúng là một tên sát nhân không chối cãi được, người ta bỏ tù hắn hoặc cũng có thể mang hắn ra xử tử.
123
Một số người tạo được một tài sản khổng lồ nhưng không hề bị truy tố. Một số khác đánh cắp được một ít tiền lẻ trong lúc cùng quẫn thì bị còng tay và nhốt vào tù.
124
Thật vậy, tất cả chúng ta đều tiềm tàng bên trong chính mình các xu hướng biến mình thành kẻ bất lương, và những kẻ mà chúng ta đem nhốt vào tù thì từ nơi sâu kín bên trong họ, chính họ cũng không đến nỗi nào xấu xa hơn bất cứ một ai trong chúng ta. Họ chỉ là những người không cưỡng lại đưọc các sự u mê, thèm khát và giận dữ, là các thứ bệnh mà tất cả chúng ta đều mắc phải, chỉ khác nhau ở mức độ trầm trọng mà thôi. Bổn phận của chúng ta là phải giúp họ điều trị các căn bệnh ấy của họ.
125
Xã hội qua vai trò của mình, không có quyền loại bỏ bất cứ ai vi phạm lỗi lầm và bị xem là một tội phạm. Họ hoàn toàn là một con người với tất cả danh nghĩa của nó và cũng là thành phần của xã hội không khác gì như mỗi người trong chúng ta, họ cũng có quyền được thay đổi để trở nên khác hơn. Tuyệt đối phải trả lại cho họ niềm hy vọng và lòng mong cầu được bước theo một con đường khác trong cuộc đời mình.
126
Tôi có dịp viếng thăm nhà tù Dehli Tihar tại Ấn độ, nơi này có một nữ nhân viên cảnh sát đối xử rất nhân từ với tù nhân. Bà giảng cho họ nhiều điều không khác gì mấy với giáo lý của một tín ngưỡng. Bà dạy họ tập thiền định để tạo ra một sự an bình thật sâu bên trong nội tâm, giúp họ loại bỏ các cảm tính tội lỗi của mình. Họ rất sung sướng mỗi khi thấy có người thương yêu mình, quan tâm đến mình. Sau một thời gian, ngay cả trước khi được trả tự do, họ cũng đã cảm thấy mãn nguyện và vững tin hơn vào các giá trị nhân bản nơi con người họ, điều đó sẽ giúp họ tái lập lại cuộc sống của mình trong xã hội. Đối với tôi, cách cư xử của người nữ cảnh sát viên trên đây là cả một tấm gương.
127
Tình trạng phạm pháp của trẻ vị thành niên quả là một điều đáng buồn. Trước hết là vì các kiếp người ấy vừa chớm bước vào đời đã hư hỏng cả. Sau đó sở dĩ thảm trạng ấy xảy ra cũng chỉ vì tình trạng thiếu kinh nghiệm sống của tuổi trẻ trong một môi trường xã hội đầy rẫy khó khăn, trong khi chưa kịp hiểu là mình phải làm gì để tự đứng vững trên đôi chân của chính mình.
128
Lời khuyên chủ yếu nhất mà tôi muốn gửi đến lớp trẻ phạm pháp và tất cả những ai bị giam cầm là không bao giờ tuyệt vọng và đánh mất niềm tin tự biến cải mình để trở thành tốt hơn. Hãy tự nhủ: "Tôi nhận lỗi lầm đó là do tôi gây ra, thế nhưng tôi sẽ tự sửa đổi để trở thành tốt hơn, tôi sẽ làm những điều phải và sẽ trở thành một con người hữu ích". Tất cả chúng ta đều có khả năng tự biến cải chính mình. Chúng ta có một bộ não giống nhau, một tiềm năng ngang nhau. Chúng ta không bao giờ được phép thốt lên rằng sẽ chẳng còn một chút hy vọng nào cho mình nữa, trừ trường hợp khi mình vẫn còn bị chi phối bởi sự u mê và các thứ tư duy nhất thời (khi rơi vào sự tuyệt vọng thì mình sẽ mất hết sự sáng suốt và trở nên yếm thế).
129
Thương thay cho những kẻ bị tù tội! Sở dĩ họ phạm vào lỗi lầm chỉ vì bất chợt rơi vào sự kiềm tỏa của các thứ xúc cảm tiêu cực, thế rồi xã hội ruồng bỏ họ và chẳng còn một chút gì để mà ước mơ trong kiếp sống này của mình nữa.