Thư Viện Hoa Sen

Những Góc Khuất Của Quá Khứ

27/01/20194:13 CH(Xem: 7391)
Những Góc Khuất Của Quá Khứ
NGÀY MỚI CỦA TÂM
Tác giả: Chùa Hoằng Pháp
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ

NHỮNG GÓC KHUẤT CỦA QUÁ KHỨ

Hồng Tơ sinh ra trong một gia đình có bảy chị em ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Hồng Tơ là con trai út trong gia đình. Lúc nhỏ, Hồng Tơ ham chơi nhiều hơn là ham học. Đặc biệt là Hồng Tơ rất mê văn nghệ. Từ năm chín tuổi đã bắt đầu nghe và say mê cải lương. Ngoài tâm hồn mê ca hát, Hồng Tơ cũng đã sớm bộc lộ khả năng diễn xuất từ nhỏ. Còn nhớ, ngày xưa Hồng Tơ cũng nghịch ngợm lắm, ba nói nhỏ nhẹ mà không chịu nghe nên thường bị ba đánh đòn. Có một lần, ba đánh Hồng Tơ một trận dữ lắm. Ba dùng roi mây quất lên người, Hồng Tơ khóc la mấy ba cũng chẳng nhẹ tay hơn, vì đau không chịu nổi nên Hồng Tơ giả vờ xỉu. Mẹ đứng kế bên thấy vậy mới la lên: “Trời ơi, ông ơi, chết thằng nhỏ rồi, ông đánh gì đâu mà ông đánh dữ dội quá, nó xỉu rồi”. Ba của Hồng Tơ cũng cuống quýt lên: “Thì sao bà không biết đưa nó đi bệnh viện đi hả”. Thế rồi khi má bồng Hồng Tơ chuẩn bị đưa đi bệnh viện thì Hồng Tơ mới nói nhỏ: “Má ơi đừng chở con đi bệnh viện, con đau quá con làm bộ con xỉu đó”… Đó là kỷ niệm đầu tiên về khả năng diễn xuất lúc nhỏ.

Đến năm lớp chín, Hồng Tơ phải nghỉ học, nguyên nhân không phải vì ham chơi hay vì hoàn cảnh khó khăn mà vì một lý do không giống ai. Chuyện là, một hôm đi học về Hồng Tơ nghe gia đình kể lại ba bị bệnh tưởng chừng như chết đi rồi nhưng được bác sĩ làm hô hấp cứu sống lại. Hồng Tơ nghe xong tự nhiên thấy sợ, sợ mất cha mẹ lắm, tại vì còn nhỏ quá, trước giờ chưa bao giờ nghĩ đến ngày mất cha mẹ. Nên Hồng Tơ lên nhà thắp nhang cầu xin ông bà, cầu xin Phật gia hộ cho ba được khỏe mạnh để nuôi dạy Hồng Tơ khôn lớn, và cũng khấn nguyện sẽ cạo đầu, ăn chay một tháng. Sau khi ba hết bệnh Hồng Tơ muốn giữ lời nguyện cạo đầu, ăn chay một tháng. Từ lúc cạo đầu, cứ mỗi lần đi học lại bị bạn bè chọc ghẹo vì cái đầu trọc của mình. Thấy xấu hổ quá nên mới bỏ học. Từ khi bỏ học Hồng Tơ bắt đầu ham chơi theo bạn bè, đi chơi bi-a, đánh bài,… Thời đó Hồng Tơ quen người anh tên Sơn Kiệt, anh là người hát đờn ca tài tử. Cứ tối tối anh lại dẫn Hồng Tơ đi chỗ này chỗ nọ để ca hát. Hồng Tơ cũng tập tành hát theo, nhưng mà chỉ là hát theo bản năng chứ thực sự không có thầy chỉ dạy.

Khi lớn lên, ba mẹ muốn Hồng Tơ học một nghề nào đó để có thể tự kiếm sống sau này. Nghe lời ba mẹ Hồng Tơ khăn gói xuống Sài Gòn học nghề thợ tiện. Được chừng một năm, hôm đó trên đường về quê thăm nhà, đi ngang qua đình thấy hình anh Sơn Kiệt trên tấm poster, Hồng Tơ mừng quá kêu lên: “Trời ơi, anh Sơn Kiệt! Bác tài cho con xuống ở đây đi!” Hồng Tơ xuống xe liền và đó là chuyến đi định mệnh trong cuộc đời, Hồng Tơ không quay lên Sài Gòn học nghề nữa mà đi theo anh Sơn Kiệt nay đây mai đó, rồi từ từ chập chững bước vào nghề hát. Hồi đó, Hồng Tơ chuyên được giao cho những vai nhỏ trong đoàn như vai quân sĩ, người hầu... Hồng Tơ lúc ấy cũng chưa từng nghĩ là sẽ theo đuổi nghiệp hát xướng hay diễn xuất, chỉ muốn là đi cho vui, hoàn toàn không có một chút tham vọng nào với nghề. Chưa bao giờ nghĩ sau này sẽ trở thành một nghệ sĩ Hồng Tơ có tên tuổi, được mọi người mến mộ.

Nghệ sĩ thường được công chúng biết đến và ái mộ bởi ánh hào quang xung quanh họ. Và dường như công chúng chỉ nhìn thấy chân dung người nghệ sĩ với tất cả những gì lộng lẫy, hào nhoángtài năng của họ trên sân khấu. Còn những góc tối trong cuộc đời người nghệ sĩ luôn được giấu kín để giữ gìn hình ảnh trong lòng khán giả. Thế nhưng hôm nay, Hồng Tơ muốn được chia sẻ với mọi người những tâm tư, những câu chuyện giấu kín đằng sau ánh hào quang của cuộc đời mình.

Câu chuyện ấy bắt đầu từ khi Hồng Tơ bỏ nghề thợ tiện đi theo đoàn cải lương. Một quyết định đã thay đổi cả cuộc đời Hồng Tơ sau này. Khi biết chuyện Hồng Tơ bỏ nghề tiện, ba mẹ rất buồn, khuyên nhủ rất nhiều, nhưng Hồng Tơ không nghe lời, cứ thế bỏ ba mẹ đi lang thang nay đây mai đó, khắp nơi. Thật ra không phải vì Hồng Tơ không biết thương ba mẹ, chỉ vì lúc ấy còn trẻ, chỉ biết ham vui thích đi nơi này nơi kia cho thỏa chí. Một hôm đang có show diễn tấu hài cho khán giả, Hồng Tơ nhận được tin mẹ mất. Trong lòng thấy hụt hẫng, đau buồn lắm, nhưng nghề của mình là vậy, bước ra sân khấu là phải cười, phải diễn sao cho người ta cười, còn mình thì khóc trong lòng. Sau hôm đó, Hồng Tơ về thọ tang mẹ. Mẹ mất là một cú sốc lớn đối với Hồng Tơ, bởi vì Hồng Tơ chưa bao giờ nghĩ có một ngày mẹ mình lại ra đi vĩnh viễn bỏ lại mình trên cuộc đời này như vậy. Trong thâm tâm Hồng Tơ cứ nghĩ mẹ sẽ sống mãi với mình. Từ khi ý thức được sự mất mát lớn lao này, Hồng Tơ bắt đầu biết nghĩ, biết quan tâm đến ba. Hồng Tơ không còn đi biền biệt như trước nữa. Thỉnh thoảng Hồng Tơ lại ghé về nhà, ở lại chăm sóc cho ba, làm những việc nhỏ nhoi như là đấm bóp, nấu ăn, chuyện trò cùng ba. Nhưng rồi chuyện gì phải đến thì sẽ không tránh được. Ba Hồng Tơ cũng mất đúng vào lúc Hồng Tơ đang đi diễn xa. Ba mất mà không được nhìn mặt đứa con trai lần cuối.

Sau khi ba mẹ mất, Hồng Tơ lại càng đi nhiều hơn nữa và từng bước dấn thân vào con đường hoạt động nghệ thuật. Không lâu sau, Hồng Tơ bắt đầu có chút tiếng tămtên tuổi trong lòng người hâm mộ. Cuộc sống cũng bắt đầu thay đổi, có tiền trong tay và có khả năng kiếm được nhiều tiền từ nghề của mình. Kể từ đó, Hồng Tơ lao vào con đường ăn chơi trác tángtrở thành con ma cờ bạc lúc nào không hay. Từ chỗ mê cờ bạc, cá độ mà dần dần Hồng Tơ từ chối nhận show, thậm chí nhận rồi lại bỏ ngang. Hồng Tơ ung dung ngồi chơi bài rồi bịa ra đủ thứ lý do trên đời để nói dối bầu show. Lúc đầu mới chơi, hình như Hồng Tơ ăn nhiều hơn là thua. Từ chỗ đó mà thấy ham kiếm tiền vì thấy kiếm tiền dễ quá! Còn nhớ lúc đó trong túi Hồng Tơ có được năm ngàn đô-la, mà giá một chiếc xe hơi lúc đó khoảng tám ngàn đô-la. Nếu như sáng suốt suy nghĩ thì Hồng Tơ nên mượn ai đó ba ngàn đô-la nữa để mua chiếc xe, rồi sau đó làm trả dần dần. Nhưng không, Hồng Tơ lại cứ muốn phải có ba ngàn đô-la để mua ngay chiếc xe hơi mà không muốn nợ ai. Hồng Tơ nghĩ chỉ có cách đi đánh bài thôi. Mà thực sự là Hồng Tơ đã đánh và ăn được bốn ngàn đô-la, mua xong chiếc xe hơi vẫn còn dư được một ngàn đô-la. Có xe hơi mà vẫn còn dư tiền, Hồng Tơ lại nảy ra ý định mua xe máy, mà xe máy thì cần hai đến ba ngàn đô-la. Nên Hồng Tơ lại cầm số tiền dư đó đến sòng bài chơi tiếp, không ngờ thua sạch. Tâm lý khi thua lại càng muốn gỡ, Hồng Tơ đem chiếc xe hơi cầm bốn ngàn đô-la rồi cũng thua luôn. Cuối cùng Hồng Tơ phải bán lỗ chiếc xe với giá sáu ngàn rưỡi để tiếp tục chơi. Hồng Tơ bị con ma cờ bạc đeo bám, không dứt ra được cái vòng luẩn quẩn, mê muội ấy.

Ngày ấy, ngoài thời gian đi diễn Hồng Tơ còn đầu tư kinh doanh nhà đất. Hồng Tơ mua lại những nhà cấp bốn nhỏ nhỏ về xây lại hoặc sửa lại rồi rao bán. Thường khách đến mua mà nghe nói nhà của Hồng Tơ họ thích lắm. Hồng Tơ cũng kiếm được kha khá. Có tiền rồi thì chỉ nghĩ đến ăn chơi, cờ bạc. Có thời gian Hồng Tơ bỏ nghề diễn bốn năm trời. Suốt thời gian đó, thời khóa biểu hằng ngày của Hồng Tơ là: Sáng ngủ tới 9 – 10 giờ mới dậy, dậy thì bắt đầu đi ra quán cà phê, uống cà phê xong về ăn trưa, ăn trưa xong ngủ một giấc đến chiều lại đi, khoảng 5 – 6 giờ ra làng nướng nhậu, 9 giờ tối bắt đầu vào vũ trường chơi, đến 11 – 12 giờ lại ra quán ăn khuya. Cuộc sống của Hồng Tơ cứ lòng vòng như vậy trong vòng bốn năm trời, cuối cùng thì “tán gia bại sản”.

Thời điểm năm 1999 mà Hồng Tơ đã cược một ván bài 30 triệu, cược một trận bóng là 50 triệu, mà mỗi lần cược bảy - tám trận. Lần cá cược nhớ đời nhất là lúc Hồng Tơ đặt cược 11 trận đá bóng mà thua hết chín trận, một trận huề, còn một trận chỉ ăn được nửa kèo. Hồng Tơ thua độ 400 triệu, phải đem cầm căn biệt thự lấy 500 triệu. Nhưng muốn cầm nhà để có tiền ngay không phải dễ, Hồng Tơ phải chi 50 triệu tiền môi giới. Về sau, Hồng Tơ phải bán luôn căn biệt thự, mua một căn nhà nhỏ hơn, rồi cuối cùng bán luôn nhà và ở nhà thuê. Hồng Tơ lâm vào tình cảnh thê thảm, mỗi ngày đều có chủ nợ đến đòi, bị xã hội đen truy lùng phải trốn chui trốn nhủi. Nhiều khi bức bách quá phải chui vào trong tủ áo để trốn hoặc leo lên nóc nhà để họ khỏi tìm lên. Rồi những đêm mưa tầm tã, trốn trong nhà nhiều ngày cũng hết đồ ăn, nhiều khi thèm một tô hủ tiếu năm ngàn đồng mà cũng không còn tiền để ăn. Lúc ấy mới ngậm ngùi đi lục từng túi áo, túi quần xem còn đồng nào sót lại để mua tô hủ tiếu ăn nhưng cũng chẳng còn. Nhiều đêm nằm suy nghĩ mà thấy lo sợ, bế tắc, đường cùng không lối thoát. Từ một người đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, tiền bạc, vợ con sum vầy mà giờ tay trắng, gia đình tan nát, vợ con xếp áo ra đi để lại một mình thui thủi với cảnh nợ nần bủa vây. Nhiều lúc muốn tìm đến cái chết nhưng mà không có can đảm. Hồng Tơ lại nghĩ đến ba mẹ, tuy không còn sống trên cõi đời này nữa nhưng ba mẹ chính là người đã cho Hồng Tơ hình hài nguyên vẹn này, đã sinh thànhnuôi dưỡng Hồng Tơ. Vì cũng đã làm cha nên Hồng Tơ hiểu được tình yêu thươngcha mẹ dành cho đứa con của mình lớn đến thế nào. Giả như đứa con chẳng may bệnh tật hoặc có điều chẳng lành xảy đến thì chính ba mẹ là người lo lắngđau đớn nhiều nhất. Lúc ấy ba mẹ chỉ mong sao được gánh thay cho con. Nếu như bây giờ Hồng Tơ chết đi một cách vô nghĩa như thế này thì đó là Hồng Tơ bất hiếu với ba mẹ…

Nghĩ rồi, Hồng Tơ quyết tìm cách vươn lên, làm lại từ đầu. Hồng Tơ lấy hết can đảm đi xuống phía dưới cổng, nơi những chủ nợ đang đứng đợi: “Thôi giờ bước đường cùng rồi, anh chị thương em, em cũng đã năn nỉ được bao nhiêu người rồi, người ta cũng thương hoàn cảnh của em, cũng yêu mến tên tuổi và nghề nghiệp của em nên họ cũng đã chia sẻ, giờ chỉ còn anh chị thôi, anh chị thương em cho em được đi làm trở lại rồi em trả nợ từ từ. Chứ nếu bây giờ mà nói trả nợ cho anh chị liền thì thực sự là em không có”. Khi Hồng Tơ can đảm đứng trước mặt họ mà nói thì không ai là không bằng lòng cả. Bởi nhiều khi mình thiếu nợ người ta mà đến hạn mình không trả, điện thoại mình không nghe, đến nhà thì mình trốn không ra,… điều đó làm họ tức giận, hậm hực mình. Chứ nếu thực sự không có tiền trả mà mình nói năng đàng hoàng thì họ cũng thông cảm cho mình.

Kể từ hôm đó Hồng Tơ bắt đầu đi diễn lại, trong quá trình đó Hồng Tơ có may mắn được gặp một người em trong nghề cũng rất có tâm đạo. Biết hoàn cảnh của Hồng Tơ nên người em mới động viên: “Nhiều khi do cái nghiệp chướng của anh nặng quá, bây giờ anh đi chùa với em đi. Khi nào chùa có chương trình văn nghệ gì thì em rủ anh đi cùng. Anh cứ thành tâm với Tam Bảo thì biết đâu cuộc đời anh sẽ xoay chuyển trở lại”. Hồng Tơ nghe vậy thấy cũng hay hay, mặc dù trước giờ Hồng Tơ không bao giờ đi hát chùa, giả như chùa có kêu show thì Hồng Tơ cũng nói giá giống như những chỗ khác. Không lâu sau, cậu em nói với Hồng Tơ: “Anh ơi, rằm này anh đi với em đến chùa Lá biểu diễn nha! Xuống đó có đông anh em nghệ sĩ lắm, mình xuống đó hát cúng dường nghe anh!” Hồng Tơ nghe xong cũng vui vẻ nhận lời. Hôm đó lên hát xong, đến lúc thầy trụ trì đưa cho một cái bao thư thì Hồng Tơ mừng lắm, lén lén mở ra xem, thấy trong đó có 50 nghìn đồng thì thấy thất vọng lắm. Nghĩ trước giờ mình đi diễn một show năm triệu mà giờ có 50 ngàn hỏi sao không giận cho được. Thế rồi, nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, trước giờ mình cầm trong tay bạc trăm triệu mà rồi cũng tiêu tán hết, thôi cứ xem như đây là cái lộc thầy cho, dù ít nhưng là lộc thì vẫn vui. Nghĩ rồi Hồng Tơ đem bao thư đó bỏ vào thùng công đức và khấn nguyện: “Kính lạy Tam Bảo, đây là tấm lòng thành của con, của ít lòng nhiều con gửi đến chư Phật”. Và những lần sau đó, hễ cậu em rủ đi diễn ở chùa nào thì Hồng Tơ đều đồng ý đi theo. Một thời gian không lâu sau, tên tuổi Hồng Tơ được mọi người yêu mến trở lại. Hồng Tơ được mời đi diễn ở Mỹ. Trước kia ở thời sự nghiệp đỉnh cao, Hồng Tơ cũng được mời đi Mỹ nhiều nhưng cứ bị trục trặc không đi được. Còn lần này thì mọi thủ tục đều suôn sẻ hết. Cũng bởi sự may mắn đó, nhiều đêm Hồng Tơ nằm suy nghĩ thấy sao mà nhiệm mầu quá!

Từ chỗ hân hoan với sự nhiệm mầu đó, Hồng Tơ lại tiếp tục khấn nguyện mẹ Quán Thế Âm thêm một ước nguyện nữa. Bởi vì Hồng Tơ nghĩ trong cuộc đời người nghệ sĩ mình phải có một vai để đời, ví dụ nhắc đến NSND Diệp Lang thì người ta nhớ đến hội đồng Thăng, chị Bạch Tuyết thì người ta nhớ đến Đời Cô Lựu, chị Lệ Thủy thì người ta nhớ đến Tô Ánh Nguyệt, còn anh Châu Thanh thì phải là vai Quách Vương,… Thế nên Hồng Tơ khấn nguyện sao cho từ đây đến cuối đời Hồng Tơ có được một vai diễn để lại ấn tượng trong khán giả. Lời thỉnh cầu ấy đã trở thành hiện thực, Hồng Tơ đã nhận được một vai mà Hồng Tơ không cần phải diễn, không cần phải hóa thân, bởi vì vai diễn ấy chính là con ngườicuộc đời thật của Hồng Tơ. Hồng Tơ gọi vở tuồng ấy là: Hồng Tơ – Lời Sám Hối Dễ Thương trong chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu. (Cười)

Bắt đầu từ khi bước chân vào ngôi nhà Phật pháp, cuộc đời Hồng Tơ có nhiều biến chuyển. Hồng Tơ không còn mê cờ bạc nữa vì đã nuôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Mới đầu, Hồng Tơ phải ở nhà thuê, lại thường xuyên bị chủ nợ đến đòi, còn chủ nhà thì cứ hăm sẽ lấy lại nhà mỗi khi Hồng Tơ chậm trả tiền thuê nhà. Rồi cuộc sống cũng lận đận lắm khi cứ năm lần bảy lượt phải chuyển nhà. Khoảng chừng năm năm sau, cũng tình cờ một lần đi chùa Hồng Tơ gặp một chị Phật tử, chị cũng là người rất có tâm đạo. Hai chị em ngồi nói chuyện, chị mới hỏi:

-Dạo này em sống ở đâu?

-Dạ, em ở Phú Nhuận đó chị.

-Ủa, em ở Phú Nhuận mà chỗ nào?

-Em ở đường Hoàng Văn Thụ, sau khách sạn Hoa Mai đó chị.

-Nhà chị cũng ở gần đó đó.

-Chị ở chỗ nào?

-Chị có cái nhà ở 73/2 đó.

-Ủa, cái nhà 73/2 em thuê của người tên Minh mà.

-Ừ, đó là em của chị đó. Chị giao lại cho nó để nó làm thủ tục cho thuê này nọ đó mà.

-Ủa, vậy nhà của chị hả. Trời, em đâu có biết đâu!

-Ừm, nhà của chị. Mà sao Hồng Tơ mà phải ở nhà thuê như vậy hả em? Nghệ sĩ tên tuổi như vậy mà ở nhà thuê kỳ quá à!

Rồi chị ấy gợi ý bán nhà ấy cho Hồng Tơ. Còn nhớ hồi đó là khoảng 2008, chị bán 1,6 tỷ đồng, trị giá 100 cây vàng. Hồng Tơ mới nói: “Trời ơi, em mới từ chỗ khó khăn ngoi lên mà chị bán 100 cây vàng, tiền đâu em mua?” Nghĩ đoạn rồi Hồng Tơ mới nói: “Thôi, nói thật với chị là em đi diễn bữa giờ cũng dư được chút đỉnh là 50 cây vàng. Thôi chị bán cho em 50 cây, còn chị cho em thiếu 50 cây, em mua. Hồng Tơ nghĩ mình nói nửa thật nửa đùa vậy thôi, không nghĩ chị sẽ bán, vì không ai đi bán nhà mà lại cho thiếu một nửa. Nhưng chừng một tuần sau chị gọi điện lại nói: “Bây giờ thế này, chị cũng mến mộ Hồng Tơ, với lại thấy em hay đi chùa, hát cúng dường nên chị cho em thiếu 30 cây thôi. Em ráng kiếm ở đâu 70 cây đi, chị bán cho”. Nghe chị nói vậy, Hồng Tơ vay mượn thêm 20 cây nữa để có tiền đưa cho chị. Chị cho thiếu 30 cây, mỗi tháng Hồng Tơ trả góp cho chị một cây. Dần dần Hồng Tơ cũng đã trả hết số tiền góp của ngôi nhà và còn dư ra được một ít tiền để mua 1.250m2 đất ở huyện Cần Giuộc.

Về sau, khi đã tỉnh ngộ và bắt đầu nhớ lại cuộc sống cờ bạc trước kia, Hồng Tơ nhớ nhất lời khuyên của hai người. Người thứ nhất là một trùm xã hội đen, cũng là chủ sòng bạc nơi Hồng Tơ thường lui tới chơi bài. Trong một lần Hồng Tơ thua hết không còn đồng nào, anh cho Hồng Tơ đi nhờ xe và cho lại một ít tiền. Anh cũng đã từng xem Hồng Tơ diễn, anh bảo: “Thôi Tơ ơi, cái nghề hát của em, em diễn có duyên anh thích lắm đó, thôi ráng cố gắng trau dồi nghề nghiệp đi em, đừng có nhảy vô cờ bạc này. Mày chơi riết rồi tao ăn tiền của mày hết đó”. Đó là lời khuyên rất chí tình mà Hồng Tơ nhớ mãi. Người thứ hai là cậu Ba Xuân, ngày xưa là trưởng đoàn Dạ Lý Hương, về sau làm trưởng đoàn cải lương Sông Bé. Cậu cũng hay làm những chương trình từ thiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa và những người thang lang cơ nhỡ. Cậu nói: “Con ơi, con lớn rồi, con biết cờ bạc tác hại dữ lắm, con đừng có chơi. Con chơi không lại ai đâu. Con biết chủ sòng Casino Đại Thế Giới ngày xưa đó, hằng đêm người ta tổ chức chơi cờ bạc mà mỗi lần tiền ăn được chở về 4, 5 bao bố, người ta đếm tiền từ 11 - 12 giờ khuya cho đến 4 - 5 giờ sáng vẫn chưa đếm hết đó con. Vậy mà người ấy khi chết cũng không có hòm để chôn, cậu phải vận động anh em quyên tiền lại để mua cái hòm chôn cho người đó. Con thấy đó, khi sống người ta đã từng ở bao nhiêu phố lầu, biết bao nhiêu là của cải, mà tới khi chết rồi là như thế đó''. Đó là những lời nói chân tình của cậu, và hiện giờ cậu Ba vẫn đang sống khỏe mạnh và hay đi làm từ thiện.

Những lời khuyên ấy, sau này nghĩ lại Hồng Tơ mới thấy thấm thía, còn ngày xưa Hồng Tơ mê cờ bạc đến nỗi giả như lúc đó ba mẹ có sống lại khuyên cũng không nghe. Bởi vậy người ta mới nói con ma cờ bạc là vậy. Con ma ấy làm cho người mình mê muội, tự đánh mất nhân phẩm, nhân tính của chính mình. Khi không còn tiền để chơi thì đem cầm, rồi đem bán hết gia sản để chơi. Nhiều khi còn lừa lọc chính người thân của mình để mượn tiền chơi. Vợ con có than khóc, van xin cỡ nào cũng không ăn thua. Nhiều khi bán hết đất đai nhà cửa rồi thì tự tử luôn. Có những người giàu có, sự nghiệp lẫy lừng rồi cũng tiêu tan cả một cuộc đời vì cờ bạc. Đó cũng là điều mà Hồng Tơ từng trải qua. Hồng tơ cũng chỉ muốn nói như là một lời tâm tình, chia sẻ với tất cả những ai đã quan tâm và mến mộ, hoàn toàn không có ý muốn khuyên dạy ai. Đó chỉ là những gì Hồng Tơ đã trải qua, những sai lầm mà Hồng Tơ mắc phải, và sau này nhờ duyên lành mà được thay đổi làm lại cuộc đời. Vì thế, từ trong sâu thẳm trái tim, Hồng Tơ rất biết ơn Phật pháp đã chỉ đường dẫn lối cho Hồng Tơ được cơ hội làm lại cuộc đời. Từ một người không còn gì, nợ nần bủa vậy, mà nay Hồng Tơ có được một ngôi nhà, một mảnh đất nhỏ có xây một ngôi nhà ba gian, phía sau trồng cây, phía trước có tượng mẹ Quan Âm đứng trên ao sen,… Hiện tại, Hồng Tơ rất hạnh phúcthanh thản.

Nhân vật: Nghệ sĩ Hồng Tơ

Nhận định của thầy Thích Chân Tính

Nghệ sĩ Hồng Tơ là một người có ý chí vươn lên, đã vượt qua được những sai lầm trong quá khứ để làm mới lại cuộc đời mình. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hay hành động thì sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe”. Câu thứ hai: “Trong các Pháp, tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp, nói năng hay hành động thì sự vui sẽ kéo đến như bóng theo hình”. Qua hai câu kinh này, đức Phật dạy, nếu tâm ô nhiễm thì sẽ đem đến kết quả đau khổ, nếu tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hay hành động thì sự vui sẽ kéo đến như bóng theo hình. Cuộc đời này khổ hay vui cũng chính do chúng ta, do tâm của chúng ta tạo tác. Nếu tâm thanh tịnh thì cuộc đời chúng ta sẽ an vui, tốt đẹp; nếu tâm ô nhiễm cuộc đời của chúng ta sẽ đau khổ. Qua cuộc đời của nghệ sĩ Hồng Tơ, chúng ta thấy cũng là một con người đó, thế nhưng có lúc thì rất tốt, nhưng cũng có lúc rất xấu, mà tốt hay xấu cũng do chính cái tâm tạo ra. Lời nói, hành động được phát xuất từ tâm thiện thì lời nói thiện, tâm ác thì lời nói ác, tâm tốt thì hành động tốt, tâm xấu thì hành động xấu. Trong mỗi con người đều có hai phần, một phần là “con” và một phần là “người”. Phần “con” là phần bản năng, phần “người” là phần lý trí. Nếu chúng ta để phần “con” lấn át sẽ đưa chúng ta đến chỗ tội lỗi, sa đọa và đau khổ; nếu phần “người” được làm chủ sẽ đưa chúng ta đến chỗ tốt đẹp, an vui và hạnh phúc. Con người sở dĩ khác con vật ở chỗ phần “người” nhiều hơn, nghĩa là phần lý trí nhiều hơn. Nếu chúng ta để phần bản năng lấn át thì chúng ta cũng giống như con thú, hành động như một con thú. Con người hơn con vật khác ở chỗ có lý trí, biết suy nghĩ. Người ta nói con ngườiđộng vật cấp cao, cấp cao ở chỗ chúng talý trí, mà muốn có lý trí thì không gì hơn là phải học Phật pháp. Bởi lẽ, tâm của chúng ta nếu không được soi sáng bởi Phật pháp, chúng ta sẽ dễ đi sai đường lạc lối, dẫn chúng ta đến chỗ đau khổ, sa đọa.

Chúng ta cũng thấy, lúc bé, nghệ sĩ Hồng Tơ không được tiếp xúc với ánh sáng trí tuệ, sau khi nghỉ học theo bạn bè rồi buông lung, ham chơi, tiêm nhiễm thói cờ bạc. Đến khi có tiền thì bản năng xấu càng mạnh hơn nữa, nó đẩy một con người đáng lẽ phải vươn lên cao nữa trong sự nghiệp lại chìm xuống trong sa đọa. Đôi khi con người chúng ta rất u mê, ở chỗ tốn biết bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt tạo ra được đồng tiền thì đồng tiền đó chúng ta lại đem “mua” lấy sự đau khổ, “mua” cái mất đạo đức, “mua” cái tan nhà nát cửa, “mua” cái gia đình vợ chồng ly tán. Thay vì, chúng ta đem đồng tiền đó “mua” nhân cách, “mua” đạo đức, “mua” những điều tốt đẹp thì người ta lại không làm, để dẫn đến tán gia bại sản qua con đường cờ bạc, ăn chơi. Con người của chúng ta cũng lạ ở chỗ, như nghệ sĩ Hồng Tơ nói, chơi bài bạc hoặc cá độ thua một lần năm, ba chục triệu hay năm, mười cây vàng là bình thường, thậm chí họ còn sẵn sàng bỏ tiền ra để mua những cái thất bại như vậy. Thế nhưng, giả sử lúc đó có ai đến khuyên nghệ sĩ Hồng Tơ bỏ ra 500 ngàn hay một triệu để làm từ thiện chắc có lẽ thấy tiếc lắm! Tiếc không dám bỏ tiền làm từ thiện, nhưng mà mất cả mấy chục triệu thì lại vẫn sẵn sàng. Con người chúng ta lạ ở chỗ như vậy.

Chúng ta thấy được nghệ sĩ có tài ở chỗ từ một người không được đào tạo trường lớp nghệ thuật nhưng đã nỗ lực vươn lên để thành một nghệ sĩ có tên tuổi. Đó là điều rất đáng phục, và cũng nhờ ý chí đó mà sau khi thoát khỏi cái vũng lầy của ăn chơi, cờ bạc, nghệ sĩ đã vươn lên được. Trong những chia sẻ của mình nghệ sĩ có nói, ngày đầu tiên đi đến chùa Lá hát thì trong tâm niệm cứ nghĩ rằng mình - một người nghệ sĩ có tên tuổi - mỗi lần đi hát như vậy ít lắm cũng phải là bốn – năm triệu đồng, không ngờ mở phong bao chỉ có 50 nghìn đồng. Nghệ sĩ lúc đó cũng cảm thấy bực bội, khó chịu nhưng sau đó suy nghĩ lại mình đã đến chùa thì phải phát tâm để đem lời ca tiếng hát đến với mọi người, cho nên nghệ sĩ đã cúng dường lại số tiền đó, bỏ vào thùng phước điền. Trong câu chuyện của nghệ sĩ, tôi có suy nghĩ rằng: Tâm lý của người ca sĩ, phần lớn người ta nghĩ rằng đi hát ở đâu cũng vậy, phải trả cho họ số tiền (nhất là những ca sĩ nổi tiếng) giống như khi họ đi hát bên ngoài, chẳng hạn một bài như vậy là 10 triệu hay 20 triệu thì họ mới hát. Điều này cũng hợp lý thôi, ngoài đời khi người ta tổ chức một show ca nhạc để người ta kiếm tiền, nói đúng hơn là “kiếm lời” trong chương trình đó. Vậy bầu show mời ca sĩ đến hát thì phải trả đúng số tiền mà người ca sĩ đáng được nhận. Nhất là những ca sĩ nổi tiếng thì số tiền ấy rất lớn. Nhưng nếu nói đến hát ở chùa, chắc họ khó nhận lời bởi vì nghe đến “chùa” là thấy không có tiền rồi. Do vậy mà có nhiều người nghe nói đi hát ở chùa thì rất ngại, bởi vì họ nghĩ rằng hát ở ngoài một bài như vậy là vài chục triệu mà vào chùa hát thì chỉ vài trăm ngàn. Tôi nghĩ rằng, một người nghệ sĩ nếu là những người thật sự khát khao cống hiến đối với nghệ thuật thì không nên nghĩ quá nặng về tiền bạc. Một người nghệ sĩ lớn thì phải nghĩ đến nghệ thuật và sự cống hiến, chứ không phải là vì tiền. Đôi lúc chúng ta phải trải lòng ra, chẳng hạn ở chùa hay một tổ chức nào đó tổ chức một chương trình ca nhạc để lấy tiền đó làm từ thiện, xây dựng nhà tình thương, làm lợi ích cho mọi người, thì những nghệ sĩ lớn không những không lấy tiền mà đôi khi còn bỏ tiền ra để ủng hộ nữa. Hoặc nếu như bây giờ chùa tổ chức một chương trình ca nhạc nhân ngày lễ Phật Đản, lễ Vu Lan thì họ phải phát tâm đem lời ca tiếng hát của mình đến cống hiến cho mọi người. Và hãy làm thế nào đó để quần chúng và những nghệ sĩ có sự gần gũi với nhau. Còn nếu nói về số tiền để trả cho ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thì có lẽ ở những vùng sâu vùng xa không bao giờ với tới.

Ngay như bản thân tôi, những người hoằng pháp, khi được những chùa ở các nơi mời đến để thuyết pháp thì đó là một niềm vinh dự, và mình cảm thấy hạnh phúc, sung sướng vì có người tín nhiệm mình, thương yêu mình, mời mình đến để nói chuyện. Đôi khi tôi nghĩ đem công sức mình đến nói cho mọi người nghe, mọi người vui thì tự nhiên trong lòng mình cũng vui. Hơn nữa, người ta có thương, quý và tin tưởng thì người ta mới mời. Nếu không thì mời để làm gì? Các ca sĩ - nghệ sĩ cũng vậy, người ta có yêu mến thì mới mời mình đến, và chúng ta nên đến, có những nơi bắt buộc phải trả đúng số tiền thù lao nhưng cũng có nơi chúng ta đến không lấy tiền mà còn bỏ tiền ra để ủng hộ nữa. Đó mới gọi là những nghệ sĩ vì nghệ thuật, vì sự cống hiến cho mọi người. Tôi thấy sau này có rất nhiều các ca sĩ, nghệ sĩ hiểu được điều đó, họ đã cống hiến bằng cách sẵn sàng đi đến những ngôi chùa, những nơi làm từ thiện để họ góp tiếng hát của mình cho quần chúng.

Nhân câu chuyện của nghệ sĩ Hồng Tơ chúng ta nhận thấy một bài học rằng ngũ dục rất hấp dẫn con người, đức Phật dạy nó giống như miếng mồi trên lưỡi câu, hễ con cá ham miếng mồi thì mắc câu. Con người ta nếu không làm chủ được bản năng của mình, không phát huy lý trí thì chắc chắn rằng dễ bị rơi vào chỗ sa đọa. Nhưng rất mừng vì nghệ sĩ đã vượt qua được những cám dỗ, những sa đọa trong cuộc sống để vươn lên và để trở thành một người tốt, sống có ý nghĩa, có cống hiến cho mọi người. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho nghệ sĩ luôn luôn có tín tâm đối với đạo Phật và vững bước trên con đường nghệ thuật, đem tài năng đóng góp phục vụ cho mọi người.

(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 32)

Quyển sách “Ngày Mới Của Tâm” được biên tập từ các kỳ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu do chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh tổ chức.




 
Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: