Hốt bụi ném người trên gió chỉ làm bẩn mình

08/06/20191:03 SA(Xem: 7967)
Hốt bụi ném người trên gió chỉ làm bẩn mình
HỐT BỤI NÉM NGƯỜI TRÊN GIÓ CHỈ LÀM BẨN MÌNH
Quảng Tánh

Duc Phat thuyet phapĐọc kinh Phật, chúng ta thường gặp những ảnh dụ như: Có người ngửa mặt lên trời mà nhổ nước miếng (nước bọt), sự phỉ nhổ này chưa chắc đã trúng ai nhưng khó tránh họa nước miếng tự rơi xuống mặt mình. Hoặc hình ảnh có người hốt bụi đất quăng ném đến người trên gió, không biết đất bụi có đến người kia không nhưng người ném cũng khó tránh được họa gió thổi bụi bay trở lại, dính chặt vào người. 

Điều đặc biệt hy hữu trong pháp thoại dưới đây Đức Phật không dùng ảnh dụ có sẵn mà dựa vào một sự kiện có thật, đang xảy ra với Ngài. Có Bà-la-môn ở thành Xá-vệ quá khích, gặp Phật trên đường khất thực, y không chỉ mắng nhiếc chửi bới mà còn hốt bụi đất ném vào Ngài (hành vi này cũng tựa như việc người hiện đại ném cà chua hay trứng thối để cực lực phản đối ai đó). Không may cho Bà-la-môn ấy (hay do chư thiên hộ trì) mà bỗng dưng gió lại đảo chiều khiến bụi đất không đến với Đức Phật mà quật ngược vào người ném đất, khiến cho y bối rối, tẽn tò.

“Một thời Đức Phật ở trong giảng đường Lộc tử mẫu, phía Đông nước Xá-vệ. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi ấy có Bà-la-môn Kiện Mạ Bà-la-đậu-bà-giá, vừa thấy Thế Tôn liền thốt ra những lời mắng nhiếc, sân si, thô ác, bất thiện; hốt bụi đất ném vào Phật. Khi ấy có gió ngược, thổi bụi bay trở lại, bụi này tự phản dính vào người ông.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu người không sân hận
Thì mạ nhục đến đâu
Vẫn sạch không dính nhơ
Ác kia trở lại mình
Giống như người tung bụi
Ngược gió hoàn tự nhơ.

Lúc ấy, Bà-la-môn bạch Phật:

-Bạch Cù-đàm, xin sám hối! Con thật ngu, thật si, không biết phân biệt, không tốt, sao ở trước mặt Cù-đàm thốt ra những lời mạ lỵ, quở trách, thô ác, bất thiện!

Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ quay đầu lại mà đi”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1154)

Khi Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá vừa xấu hổ phủi bụi đất lấm lem vừa kinh sợ trước sự xúc phạm bậc Thánh, thể hiện qua hiện tượng gió đột ngột đảo chiều này, Đức Phật liền buông lời giáo hóa. Ngài xác quyết rằng khi một người đã toàn thiện, nhất là hết sạch tâm sân hận thì mọi sự nhục mạ đến từ bên ngoài đều vô ích. Giống như hồ nước phẳng lặng, mênh mông kia có sá gì những kẻ hẹp hòi đốt đuốc ném vào. Bởi mọi củi lửa đèn đuốc phừng phừng bốc cháy khi rơi xuống nước đều bị tắt ngấm.

Ngay đây người học Phật cần nhận ra điều bí yếu, không nhất thiết phải dọp dẹp rác rưởi thị phi của miệng lưỡi bên ngoài của thế gian, bởi nó vốn vô tận. Điều cần làm là hóa giải sân hận, chan chứa từ bi ở trong tâm. Hãy là một hồ nước mát lạnh và lai láng thì việc gì phải ngại củi lửa. Đức Phật đã chứng đạt điều này, Ngài nói ra những trải nghiệm và thực chứng của mình. Sự im lặng hùng tráng trong trường hợp này lại phát huy tác dụng giáo dục, đánh thức lương tri, khiến chuyển tà quy chánh rất hiệu quả.

Mới hay, những hành vi chửi mắng Phật Thánh, vu oan giáng họa cho người hiền, nhục mạ các bậc chân tu sẽ tự làm tổn hại mình. Sự tự hại không xảy ra theo kiểu quả báo nhãn tiền thì cũng xuất hiện ở tương lai rất gần. Các bậc hiền thánh dẫu không oán hận, cũng không tức giận hay thù hằn nhưng vì xúc phạm chư vị nên bị tổn giảm phước báo, chịu quả khổ ở tương lai. Vì “ở đời búa nằm trong miệng” nên “trước khi nói cần uốn lưỡi bảy lần” để lợi mình và lợi người, mang lại tốt đẹp trong hiện tại và tương lai.

Quảng Tánh


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.