Chó Rừng Và Sư Tử

14/10/20193:05 CH(Xem: 5555)
Chó Rừng Và Sư Tử

TỦ SÁCH PHẬT PHÁP ỨNG DỤNG
CHÓ RỪNG VÀ SƯ TỬ
Tác giả: Thích Chân Tính
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM 2019

 

CHÓ RỪNG VÀ SƯ TỬ

Lúc tôi còn trẻ khoảng mười ba, mười bốn tuổi, đủ duyên đọc được cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi đọc xong tôi rất ngưỡng mộ việc xuất giathành đạo của Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha). Tôi hy vọng tương lai mình sẽ giống Ngài, là xuất giathành Phật. Với suy nghĩ của đứa trẻ mới lớn, tôi quả quyết Thái tử Tất Đạt Đa tu sáu năm thành đạo, mình tu gấp đôi thời gian đó, tức là khoảng mười hai năm sẽ thành Phật. Niềm mơ ước thành Phật đó đã thôi thúc tôi xuất gia, mặc dù có một vài trở ngại ban đầu, nhưng tôi đã vượt quatrở thành một tu sĩ Phật giáo. Sau khi xuất gia tu học một thời gian, vừa tìm hiểu kinh điển, vừa trải nghiệm sự tu hành của bản thân, tôi mới nhận ra ý nghĩ thành Phật của mình trước đây đúng là trẻ con. Tôi có cảm tưởng mình như người nghèo khổ, ăn xin, mặc áo của vua, nói lời của vua, đi tướng của vua, nhưng cho dù có bắt chước giống như thế nào đi nữa cũng chẳng bao giờ được làm vua. Đức Phật cũng đã ví việc này trong kinh Trường Bộ như sau:

– “Này A Ma Trú (Ambaṭṭha), ngươi nghĩ thế nào? Như vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) nước Kiều Tát La (Kosala) hoặc ngồi trên cổ voi, hoặc ngồi trên lưng ngựa, hoặc đứng trên thảm xe cùng các vị đại thần hay vương tử luận bàn quốc sự. Nếu vua rời khỏi chỗ ấy hay đứng qua một bên, một người Thủ đà hay đầy tớ của một người Thủ đà đến, người này cũng đứng tại chỗ ấy, cũng luận bàn quốc sự và nói: “Vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La đã nói như vậy”. Dù người ấy có nói như lời nói của vua, luận bàn như lời luận bàn của vua, người ấy có thể là vua hay là vị phó vương không?

– Không thể được, Tôn giả Cồ Đàm (Gotama).

– Này A Ma Trú, nhà ngươi cũng vậy. Thuở xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà la môn, những tác giả của chú thuật, những nhà tán tụng các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà la môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên, giống như vị trước đã làm. Những vị ẩn sĩ ấy tên là... Dù ngươi có thể nói: “Ta một đệ tử, học thuộc lòng những chú thuật của các vị ấy”, chỉ với điều kiện này, ngươi có thể được xem là một vị ẩn sĩ hay đã chứng địa vị của một vị ẩn sĩ không?

– Việc này không thể có được”.[1]

Đức Phật sinh ra đời với ba mươi hai tướng tốt, thuộc dòng dõi vua chúa, trí tuệ siêu việt, sức khỏe phi thường, hưởng thụ đầy đủ ngũ dục, giác ngộ vô thường của con người một cách mau chóng, đại hùng đại lực từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, quyết chí xuất gia tầm chân lý, sáu năm thành đạo. Một người đầy đủ những đặc điểm này là do tu hành vô lượng kiếp, thành tựu mười Ba la mật mới có được. Mười ba la mật là: Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh Tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Từ ái, Hành xả. Một vị Bồ tát thực hành đầy đủ mười Ba la mật này, trải qua bốn A tăng kỳ và một trăm nghìn đại kiếp mới thành tựu quả vị Phật. Bây giờ chúng ta hãy nghe đức Phật nói về kiếp như thế nào:

– “Một kiếp, bạch Thế Tôn dài như thế nào?

– Thật dài, này tỳ kheo, là một kiếp. Thật không dễ gì có thể đếm là một vài năm, một vài trăm năm, một vài nghìn năm hay một vài trăm nghìn năm.

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho ví dụ được không?

– Có thể được, này tỳ kheo. Ví như, có một hòn núi đá lớn, một do tuần bề dài, một do tuần bề rộng, một do tuần bề cao, không có khe hở, không có lỗ hổng, một tảng đá thuần đặc. Rồi một người đến, cứ sau một trăm năm lại lau hòn đá một lần với tấm vải Kāsi. Này tỳ kheo, hòn đá núi ấy được làm như vậy, có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn một kiếp”.[2]

Theo Phật Quang Đại Từ Điển giải thích thì do tuầnđơn vị đo đường dài ở Ấn Độ. Tiếng Phạm là “yojana” có nghĩa là mang ách, do chữ gốc “yuj” chỉ quãng đường con bò mang ách (kéo xe) đi một ngày.

Cứ theo Đại Đường Tây Vực Ký quyển hai chép, thì một do tuần là chỉ cho lộ trình hành quân một ngày của nhà vua. Về cách tính do tuần này còn có nhiều thuyết khác nhau...

Ngoài ra, theo thuyết của các học giả cận đại như ông J.Flect đổi do tuần tính theo cây số nghìn (Kilometre) thì một do tuần xưa bằng 19,5 km, theo quốc tục Ấn Độ là 14,6 km, Phật giáo là 7,3 km. Nếu theo thuyết của ông Major Vost thì một do tuần xưa bằng 22,8 km, quốc tục Ấn Độ là 17 km, Phật giáo là 8,5 km.[3]

Nếu chúng ta lấy con số nhỏ nhất là 7,3 km cho một do tuần thì một khối đá mỗi bề dài, rộng, cao một do tuần (7,3 km) như kinh đã nói. Một trăm năm chùi một lần cho đến khi mòn hết khối đá đó không biết bao nhiêu nghìn triệu năm mới xong. Vậy mà Phật nói như thế còn nhanh hơn một kiếp. Thật không thể tưởng tượng nổi là một kiếp dài bao nhiêu!

Còn thế nào là A tăng kỳ?

Theo Phật Quang Đại Từ Điển, A tăng kỳ, chữ Phạm: Asaṃkhya. Là một trong những số mục của Ấn Độ, hàm ý là số vô lượng, hoặc là số cực lớn. Còn gọi là A tăng già, A tăng xí da, A tăng, Tăng kỳ. Dịch ý là không thể tính đếm, hoặc là vô lượng số, vô ương số.[4]

Như vậy, một kiếp và một A tăng kỳ mà đã như thế, bốn A tăng kỳ và một trăm nghìn đại kiếp thì như thế nào? Một con số khó có thể tính đếm, như số cát sông Hằng. Một người thành tựu mười Ba la mật, có lẽ máu của họ trong vòng luân hồi sinh tử nhiều hơn nước biển và thân của họ thành đất còn nhiều hơn cả quả địa cầu này. Cho nên, kết quả cuối cùng của vị ấy là một thân thể với ba mươi hai tướng tốt là điều hiển nhiên.

– “Này các tỳ kheo, những ai có đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu này, những vị ấy sẽ chọn một trong hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia, sẽ làm vị Chuyển luân thánh vương dùng Chính pháp trị nước... Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A La Hán, Chính Đẳng Giác, vén lui màn vô minh cho đời”.[5]

Ba mươi hai tướng tốt của đức Phật là sự kết tinh của vô lượng công đức, trải qua vô lượng vô số kiếp. Ở đây, tôi sẽ nêu ra hai tướng trong số ba mươi hai tướng tốt của đức Phật, để chúng ta biết được mỗi tướng tích tụ bao nhiêu công đức:

“Tướng lòng bàn chân bằng phẳng.

– Này các tỳ kheo, trong bất kỳ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm người kiên trì và không dao động đối với các thiện pháp, thiện hành về thân, thiện hành về miệng, thiện hành về ý, phân định bố thí, thủ hộ giới luật, tuân giữ các lễ Bố tát, hiếu kính với cha mẹ, cúng dường Sa môn, Bà la môn, tôn kính các bậc đàn anh trong gia đình và tất cả những vị tối thắng khác. Với tác động chất chứa tích tụ và tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh thiện thú, cõi trời hay cõi đời này. Ở đây, Ngài có mười điểm thắng hơn chư thiên khác: thiên giới thọ mạng, thiên sắc, thiên lạc, thiên giới, danh xưng, thiên giới uy lực, thiên giới sắc tướng, thiên giới âm thanh, thiên hương, thiên vị, thiên xúc. Ngài từ trần từ chỗ kia, sinh đến chỗ này, được tướng đại trượng phu này, nghĩa là lòng bàn chân bằng phẳng, đặt chân trên đất một cách bằng phẳng, bàn chân chạm đất với toàn thể bàn chân một lần.

Tướng màu da như đồng, màu sắc như vàng.

– Này các tỳ kheo, trong bất cứ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm người không sân hận, hoàn toàn không ảo não, dù có bị nói nhiều cũng không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận phiền muộn. Trái lại, Ngài bố thí các đồ che đắp, may mặc mềm mại, nhẹ nhàng: vải quyên mềm mại, vải lông mềm mại, vải lụa mềm mại, vải len mềm mại. Với tác động... Ngài từ trần từ chỗ kia, thác sinh tại chỗ này, được tướng đại trượng phu này. Sắc hoàng kim, da đồng sáng bóng”.[6]

Một hôm, có vị tỳ kheo hỏi đức Phật:

– “Có bao nhiêu kiếp, bạch Thế Tôn, đã đi qua, đã vượt qua.

– Rất nhiều này các tỳ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài nghìn kiếp, hay một vài trăm nghìn kiếp.

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không?

– Có thể được, này tỳ kheo.

– Ở đây, này các tỳ kheo, có bốn vị đệ tử, tuổi thọ một trăm tuổi, sống đến một trăm năm. Cứ mỗi ngày họ nhớ đến trăm nghìn kiếp (cộng bốn trăm nghìn kiếp một ngày), này các tỳ kheo, các kiếp được họ nhớ đến là vậy. Bốn đệ tử ấy tuổi thọ một trăm tuổi, sống đến một trăm năm, sau một trăm năm đi đến mạng chung.

Nhiều hơn vậy, này các tỳ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài nghìn kiếp, hay một vài trăm nghìn kiếp”.[7]

Nhìn một cái cây ra hoa, kết quả, chúng ta biết chắc cây đó đã trải qua quá trình gieo nhân và đầy đủ duyên ngày nay mới thành tựu như vậy. Nhìn ba mươi hai tướng của Thái tử Tất Đạt Đa, chúng ta cũng biết được Ngài đã gieo trồng tích tụ bao nhiêu công đức, đầy đủ thập Ba la mật mới có được sắc thân như thế. Cho nên hiện đời Ngài xuất gia tu hành chỉ có sáu năm là thành tựu đạo quả. Còn chúng ta thử nhìn lại nhân duyên ra đời, cuộc sống, trí tuệ, phước báu của mình như thế nào? Bản thân tôi khi ngộ ra điều này cảm thấy hổ thẹn cho cái thân ăn mày của mình mà muốn làm vua! Mới gieo nhân mà đòi lên cây ra quả liền. Ôi! Bốn A tăng kỳ và một trăm nghìn đại kiếpbao la vô cùng tận. Có lẽ, trong vòng sinh tử luân hồi tu hành thành tựu mười Ba la mật, máu của mình chảy ra như nước biển, thân của mình chất chồng như núi Everest thì mới hy vọng có ngày vinh quang như Phật. Theo suy nghĩ của tôi, ba mươi hai tướng tốt là căn cứ để biết người đó sắp thành Phật. Vì đức Phật đã khẳng định rất rõ, ai có ba mươi hai tướng tốt, một là làm vị Chuyển luân thánh vương, hai là thành bậc A La Hán, Chính Đẳng Giác. Tất nhiên, Phật không nói phải có ba mươi hai tướng tốt mới được thành Phật. Nhưng xét cho cùng thì nếu chưa có ba mươi hai tướng tốt thì chưa đủ duyên để thành Phật. Kể từ sau khi đức Phật nhập Niết bàn, chưa có ai thành Phật thứ hai, cũng đồng nghĩa là chưa có người nào đầy đủ thập Ba la mật với ba mươi hai tướng tốt cả.

Thế nào là Ba la mật?

“Theo Phật Quang Đại Từ Điển giải thích Ba la mật, chữ Phạm: Pāramitā, chữ Pāli: Pāramī hoặc Pāramitā, tức là từ bờ sống chết cõi mê bên này mà đến bờ Niết bàn giải thoát bên kia. Còn gọi là Ba la mật đa, Ba la nhĩ đa. Dịch ý là Đáo bỉ ngạn, Độ vô cực, Độ, Sự cứu cánh. Thông thường nói về sự tu hành của Bồ tát, đại hạnh của Bồ tát có khả năng hoàn thành tất cả mọi việc lợi mình, lợi người một cách mĩ mãn rốt ráo, cho nên gọi là Sự cứu cánh. Làm theo hạnh lớn ấy mà có thể từ bờ sống chết bên này đến được bờ Niết bàn bên kia, cho nên gọi là Đáo bỉ ngạn. Hạnh lớn ấy có khả năng cứu giúp mọi loài một cách bao la vô hạn, cho nên gọi là Độ vô cực”.[8]

Theo những hành giả Phật giáo Nam truyền giải thích thì những vị Bồ tát thực hành các pháp hạnh như Bố thí, Trì giới, Xuất gia,... với tác ý thiện tâm, hỗ trợ dẫn dắt đến chứng ngộ Niết bàn, nên gọi là pháp hạnh Ba la mật. Hoặc Ba la mật là những pháp dẫn đến chứng ngộ Niết bàn. Một giải thích về Ba la mật rất đơn giản nghĩa là hoàn thiện.

Có những vị thiền sư, luật sư, tịnh sư, mật sư, giảng sư,... không lượng sức mình, đã quyết tâm quyết chí tuyên bố vào rừng nhập thất tu hành cho đến khi kiến tính thành Phật. Thế là lúc nhập thất Tăng Ni Phật tử tiễn đưa rất trang trọng hoành tráng, đến khi ra thất thì im hơi lặng tiếng, âm thầm thui thủi một mình không ai biết. Có người còn hứa hẹn là qua Myanmar để tu thiền Minh sát (Vipassana) trong các rừng thiền. Lúc đi họ cũng rất háo hức, rất quyết tâm sẽ tu tập để được chứng quả này, quả kia. Thế rồi người đi thì có, người chứng quả thì chẳng thấy ai. Tôi không biết các vị thiền sư dạy thiền đó có chứng quả gì chưa, hay họ cũng chỉ là những vị thiền học, thiền nói thôi. Có người còn đang muốn qua đến Ấn Độ để vào núi Linh Thứu (Gijjhakūta) tu hành cho đến khi đắc đạo mới về độ sinh. Nếu có ai phát nguyện như vậy, Phật tử cả nước sẽ tiễn đưa rất hoành tráng. Nếu tu đắc đạo trở về sẽ vinh quang, còn nếu “không ổn” thì đành phải chấp nhận nhập “Niết bàn” tại Ấn Độgiải pháp tốt nhất cho danh dự của mình! Ngày xưa, Thái tử Tất Đạt Đa âm thầm vượt thành xuất gia, sau khi đắc đạo trở về thật là vinh quang. Còn chúng ta ngày nay ra đi thì vinh quang, khi về thì nát tan! Tôi thấy Hòa thượng Thích Minh Châu đi du học Ấn Độ lại là hay. Lúc thầy đi không mấy người tiễn đưa, nhưng sau khi học tốt nghiệp thủ khoa tiến sĩ Phật học, được Tổng thống Ấn Độ thời ấy trao bằng danh dự, là niềm tự hào không chỉ cho Phật tử Việt Nam mà cho cả dân tộc Việt Nam. Khi về nước được Tăng Ni Phật tử đón mừng trọng thể và sau này làm rất nhiều lợi ích cho Phật pháp. Chính nhờ Hòa thượng du học tại Ấn Độ mà ngày nay chúng ta mới có bộ đại tạng kinh Nikāya, do ngài dịch từ tiếng Pāli sang tiếng Việt Nam.

Có người sẽ thắc mắc là đức Phật dạy trong kinh Nikāya, nếu ai tu tập Bốn niệm xứ trong vòng từ bảy năm cho đến... bảy ngày có thể đắc đạo. Như vậy, đâu cần phải mất thời gian quá lâu và phải có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt mới được? Điều này rất đúng, và được đức Phật nói trong kinh Trung Bộ như sau:

– “Này các tỳ kheo, vị nào tu tập Bốn niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng chính trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn. Này các tỳ kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn niệm xứ này như vậy trong sáu năm, năm năm,... cho đến trong bảy ngày, vị ấy cũng có thể chứng một trong hai quả như trên. Này các tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn niệm xứ”.[9]

Có những học sinh tốt nghiệp cấp một, tốt nghiệp cấp hai, tốt nghiệp cấp ba, tốt nghiệp cử nhân, tốt nghiệp thạc sĩ, tốt nghiệp tiến sĩ. Người tốt nghiệp tiến sĩ là học vị cao nhất. Như vậy, học sinh nào cũng tốt nghiệp theo trình độ cấp học của mình chứ không chỉ có tiến sĩ mới tốt nghiệp. Việc tu học của Phật tử cũng thế, có người chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác (Phật). Như vậy, ai tu đúng pháp cũng có thể chứng đắc, nhưng quả vị chứng đắcthấp cao khác nhau. Giáo pháp đức Phật chỉ dạy lợi ích thiết thực, những ai hành trì đúng sẽ có kết quả an lạc, hạnh phúc, giải thoát ngay trong đời này không phải đợi đến kiếp sau mới được. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang nói về quả vị Phật. Tất nhiên phải trải qua vô lượng vô số kiếp, thành tựu mười Ba la mật, có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt hành giả mới đạt quả vị Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Các đức Phật quá khứ như thế, đức Phật hiện tại như thế và các đức Phật vị lai cũng như thế, không thể khác được.

Làm sao có thể biết được ai là người tu hành đã chứng quả A La Hán? Có lẽ, đây cũng là câu hỏi mà rất nhiều Phật tử thắc mắc. Chúng ta hãy nghe đức Phật nói về vấn đề này cho vua Ba Tư Nặc như sau:

“Lúc đó, vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ bảy vị bện tóc, bảy vị Ni Kiền Tử (Nigantha), bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ, với nách đầy lông, móng tay dài, mang các dụng cụ khất sĩ, đã đi ngang qua Thế Tôn không xa bao nhiêu.

Rồi vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chắp tay hướng về các vị này, nói lên ba lần tên của mình: “Thưa chư Tôn giả, con là vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La!”.

Rồi vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Ni Kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy đã đi ngang qua không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên:

– Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A La Hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A La Hán?

– Thưa Đại vương, khi Đại vương còn là cư sĩ trong khi sống với gia đình, thọ hưởng dục lạc, bị vợ con trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Ba La Nại (Kāsi), trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, thọ hưởng vàng và bạc thời Đại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A La Hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A La Hán quả. Thưa Đại vương, chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người, và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không có tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ. Thưa Đại vương, chính phải có liên hệ mới biết được sự thanh liêm của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không có tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ. Thưa Đại vương, chính trong thời gian bất hạnh biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ. Thưa Đại vương, chính phải đàm luận biết được trí tuệ của một người, và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ”.[10]

“Này Rādha, khi nào tỳ kheo sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm uẩn này; vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị tỳ kheoA La Hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chính trí”.[11]

“Này các tỳ kheo, không đoạn tận mười pháp này, không có thể chứng ngộ quả A La Hán. Thế nào là mười?

Tham, sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, gièm pha, não hại, tật đố, xan tham, mạn.

Đoạn tận mười pháp này, này các tỳ kheo có thể chứng ngộ quả A La Hán”.[12]

Đọc toàn bộ kinh Nikāya, nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ sẽ rất dễ nghĩ rằng đức Phật chỉ khuyên người xuất gia từ bỏ hết, sống viễn ly độc cư trong rừng núi, những trú xứ xa vắng và tán thán người sống trong rừng dù có thất niệm vẫn yên tâm hơn là người sống gần làng mà tinh tấn. Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật có nói vấn đề này như sau:

– “Ở đây, này Nāgita, Ta thấy một tỳ kheo ngồi thiền định tại trú xứ ở cuối làng. Về vị ấy, Ta có suy nghĩ như sau: “Nay có người coi khu vườn hay người sa di phá phách vị tỳ kheo này, làm cho vị này xuất khỏi thiền định”. Do vậy, này Nāgita, Ta không có hoan hỷ với trú xứ của vị ấy.

– Ở đây, này Nāgita, Ta thấy một tỳ kheo đang ngồi ngủ gục ở trong rừng. Về vị ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nay vị tỳ kheo này, sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tư tưởng về rừng đạt được nhất tâm”. Do vậy, này Nāgita, Ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của tỳ kheo ấy”.[13]

Có lần đức Phật lại nói:

– “Tỳ kheo trú tại núi rừng, này gia chủ, nếu tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng, thời vị ấy về phương diện này đáng bị chỉ trích,... Nếu tỳ kheo sống tại cuối làng, này gia chủ, không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm lắm miệng, không lắm lời, chính niệm, tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, với các căn được phòng hộ, thời vị ấy về phương diện này đáng được tán thán”.[14]

Trong một bài kinh khác, đức Phật dạy rằng, tất cả hoàn cảnh đều tùy thuộc ở tâm. Có thể thân ở rừng mà tâm ở làng, hoặc có thể thân ở làng mà tâm ở rừng.

– “Có bốn hạng người này, này các tỳ kheo, có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Thân viễn ly, tâm không viễn ly; thân không viễn ly, tâm viễn ly; thân không viễn ly, tâm không viễn ly; thân viễn ly, tâm viễn ly.

Thế nào là thân viễn ly, tâm không viễn ly?

– Ở đây, này các tỳ kheo, người sống tại núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; tại đấy, vị ấy nghĩ đến dục tầm, nghĩ đến sân tầm, nghĩ đến hại tầm. Như vậy, là hạng người thân viễn ly nhưng tâm không viễn ly.

Thế nào là thân không viễn ly, tâm viễn ly?

– Ở đây, này các tỳ kheo, có hạng người không sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; tại đấy, vị ấy nghĩ đến tầm xuất ly, nghĩ đến tầm vô sân, nghĩ đến tầm bất hại. Như vậy, là hạng người thân không viễn ly nhưng tâm viễn ly.

Thế nào là thân không viễn ly, tâm không viễn ly?

– Ở đây, này các tỳ kheo, có hạng người không sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; tại đấy, vị ấy nghĩ đến dục tầm, nghĩ đến sân tầm, nghĩ đến hại tầm. Như vậy, là hạng người thân không viễn lytâm không viễn ly.

Thế nào là thân viễn ly và tâm viễn ly?

– Ở đây, này các tỳ kheo, có hạng người sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; tại đấy, vị ấy nghĩ đến tầm xuất ly, nghĩ đến tầm không sân, nghĩ đến tầm không hại. Như vậy, là hạng người thân viễn ly và tâm viễn ly”.[15]

Một lần nọ, đức Phật nói rõ không phải ai vào rừng núi tu cũng đều có một động cơ như nhau, mà có đến năm hạng người:

– “Hạng đần độn, ngu si; hạng ác dục, ác tính; hạng ở rừng vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng.

Trong năm hạng người này sống ở rừng, này các tỳ kheo, hạng người ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu”.[16]

Có thể chúng ta nghĩ rằng: Tu một mình, sống một mình là phải vào rừng tu độc cư. Điều này chưa chắc đã đúng với ý nghĩa sống một mình. Và vấn đề này đã được Tôn giả Lộc Nữu (Migajāla) thắc mắc hỏi Phật:

– “Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là sống một mình? Và cho đến như thế nào là sống có người thứ hai?

– Này Lộc Nữu, có những sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu tỳ kheo hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham muốn sắc ấy; do vị ấy hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến sắc ấy nên hỷ khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham có mặt. Do dục tham có mặt nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Lộc Nữu, nên tỳ kheo được gọi là người sống có người thứ hai...

Tỳ kheo sống như vậy, dù cho đến sống ở trú xứ xa vắng, các khóm rừng, các khu rừng, ít tiếng động, ít ồn ào, khỏi hơi thở quần chúng, vắng người, thích hợp với tịnh; dù vậy, vẫn được gọi là sống với người thứ hai.

Vì sao? Vì rằng ái, người thứ hai, chưa được đoạn tận, cho nên được gọi là sống có người thứ hai.

Và này, Lộc Nữu, có các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu tỳ kheo không hoan hỷ, không tán dương và trú với lòng không tham luyến sắc ấy; do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương và trú với lòng không tham luyến sắc ấy nên hỷ đoạn diệt. Do hỷ không có mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên triền phược không có mặt. Do không bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Lộc Nữu, nên tỳ kheo được gọi là người trú một mình”.[17]

Có những người mới xuất gia, chưa được gần thầy học đạo đức, oai nghi, giới luật; chưa sống trong thiền môn quy củ với đại chúng. Vì muốn vào rừng làm thất để được độc cư tu tập cho thanh tịnh. Đến khi hết duyên viễn ly độc cư, về chùa tu học rất khó hòa chúng. Không những vậy, sẽ có những vụng về trong đối nhân xử thế, không biết ai là thượng trung hạ tọa, không biết phép tắc của người xuất gia đối với thầy, với huynh đệ, đôi khi còn cống cao, ngã mạn cho mình tu tập hạnh độc cư hơn người mà xem thường Tăng chúng.

Một thời Thế TônVương Xá (Rājagaha), Trúc Lâm (Veḷuvana), tại chỗ nuôi dưỡng sóc. Lúc bấy giờ, tỳ kheoNi Sư (Gulissāni) là vị sống tại rừng núi, có hành động thô tháo, đã đến chỗ Tăng chúng do một vài công vụ. Ở đây, Tôn giả Xá Lợi Phất nhân vị tỳ kheoNi Sư, bảo các tỳ kheo:

– “Này chư Hiền, tỳ kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh. Này chư Hiền, nếu tỳ kheo sống ở rừng núi đến trú giữa Tăng chúng không biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh, thì có người sẽ nói vị ấy như sau: Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở núi rừng, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả ấy lại không tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh!”.[18]

Đức Phậtvị Đạo sư tài ba tùy người mà nói pháp, không phải ai cũng chỉ dạy một bài pháp như nhau. Cũng như vị bác sĩ giỏi tùy bệnh nhân cho thuốc, không phải người nào cũng cho một thứ thuốc. Có tỳ kheo đức Phật khuyên nhủ, tán thán, khuyến khích đời sống viễn ly độc cư tại các trú xứ xa vắng. Có tỳ kheo đức Phật khuyên không nên tu tập một mình nơi núi rừng hoang vu, có thể bất lợi và nguy hiểm.

– “Này Bà la môn, thật sự là vậy! Này Bà la môn thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng trong núi rừng hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị tỳ kheo chưa chứng thiền định.

...

– Này Bà la môn, những Sa môn hay Bà la môn nào, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Do nguyên nhân nhiễm trước thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, những Tôn giả, Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên”.[19]

Một hôm, Tôn giả Ưu Ba Ly (Upāli) bạch Phật:

– “Bạch Thế Tôn, con muốn sống trong rừng núi cao nguyên, tại các trú xứ xa vắng.

– Này Ưu Ba Ly, không dễ dàng là sống tại các rừng núi cao nguyên, các trú xứ xa vắng; khó khăn là đời sống viễn ly, khó ưa thíchđời sống độc cư. Ta nghĩ rằng: “Các khu rừng làm loạn tâm ý tỳ kheo chưa được thiền định”. Này Ưu Ba Ly, ai nói như sau: “Dù tôi chưa được thiền định, tôi sẽ sống tại các rừng núi cao nguyên, tại các trú xứ xa vắng”, thời người ấy được chờ đợi như sau: “Vị ấy sẽ chìm xuống (đáy) hay nổi lên “mặt nước”. (Những tư tưởng tham ái làm cho nó chìm xuống và những tư tưởng sân hận làm cho nó nổi lên).

Sau đó, đức Phật nói một ví dụ rất hay, có một con voi to lớn xuống một cái hồ nước lớn, tắm và chơi giỡn thỏa thích xong rồi lên bờ an toàn. Có con mèo hoặc con thỏ thấy thế nghĩ rằng: “Ta là ai, con voi là ai? Vậy ta hãy xuống nước vui chơi và tắm ở dưới hồ”. Rồi nó nhảy xuống hồ đó lập tức, không có tính toán, với nó được chờ đợi rằng: “Nó sẽ chìm hay nổi lên trên mặt nước”. Vì sao? Vì thân thể nhỏ bé của nó không tìm được chân đứng trong nước sâu. Cũng vậy, này Ưu Ba Ly, ai nói rằng: “Dù tôi không được định, tôi sẽ sống trong rừng núi cao nguyên, tại các trú xứ xa vắng”, với vị ấy được chờ đợi rằng: “Vị ấy sẽ chìm xuống hoặc nổi lên mặt nước”.[20]

“Có lần, Phật nói với Ưu Ba Ly: “Nếu ông sống trong rừng, ông chỉ phát triển được một vấn đề; nhưng nếu ông sống với Ta, ông sẽ trở thành thuần thục cả về kinh học và thiền quán”. Ưu Ba Ly vâng theo lời bậc Đạo sư khuyên tu thiền quán và sau một thời gian chứng quả A La Hán.

Tuy vậy, bậc Đạo sư chỉ dạy cho Ưu Ba Ly cả về Luật tạng. Về sau, khi Ưu Ba Ly được Thế Tôn khen vì ông đã phán quyết trong ba trường hợp về Ajjuka, về tỳ kheo Bharukaccha và Cưu Ma La Ca Diếp (Kumāra Kassapa), Ưu Ba Ly được xem là vị hiểu biết về Luật tạng.

Trong một ngày trai giới, khi Ưu Ba Ly đang đọc giới bổn Pātimokkha và ông giáo giới các tỳ kheo như sau:

lòng tin ra đi,
Mới xuất gia, tân học,
Hãy sống với bạn lành,
Mạng thanh tịnh, không nhác.
lòng tin, ra đi,
Mới xuất gia, tân học,
Tỳ kheo trú giữa chúng,
Sáng suốt, học Luật tạng.
lòng tin, ra đi,
Mới xuất gia, tân học,
Khéo biết việc nên làm,
Và việc không nên làm,
Hãy để vị ấy sống,
Không đề cao tôn xưng”.[21]

Người xuất gia tu học Phật pháp hướng đến mục đích thành Phật phải trải qua vô lượng kiếp, hoàn thành đầy đủ mười Ba la mật.[22] Đây là những lời Phật dạy trong kinh Nikāya rất rõ ràng.[23] Có những người đọc kinh Nikāya không thấy được vấn đề quan trọng này, họ chỉ chú ý đến lời Phật dạy sống hạnh viễn ly độc cư nơi núi rừng xa vắng và mong rằng mình sẽ tu tập như vậy cho đến khi thành Phật sẽ ra độ sinh. Thậm chí, còn có người cố chấp cho rằng mình tu theo Phật phải mặc y giống Phật, ăn bình bát, đi chân đất, ở gốc cây, không giữ tiền bạc, đi bộ,... giống như Phật mới có thể thành Phật. Dù chúng ta có bắt chước giống Phật cỡ nào thì cũng không thể là Phật được. Phật là Phật, ta là ta. Chúng ta hãy suy ngẫm câu chuyện sau đây để rút ra bài học quý báu cho mình:

– “Này Hiền giả Ba Lê Tử (Pātikaputta), thuở xưa, con sư tử vua các loài thú, suy nghĩ: “Ta y cứ vào một khu rừng để xây dựng sào huyệt. Sau khi xây dựng sào huyệt, vào buổi chiều, ta sẽ ra khỏi sào huyệt, duỗi chân cho khỏe, rồi nhìn khắp bốn phương và ba lần rống lên tiếng rống con sư tử. Sau khi rống tiếng rống con sư tử, ta sẽ đi đến chỗ các thú qua lại, tìm giết những con thú tốt đẹp nhất, ăn các loại thịt mềm mại rồi trở về sào huyệt lại”.

– Này Hiền giả, con sư tử ấy y cứ vào khu rừng để xây dựng sào huyệt. Sau khi xây dựng sào huyệt, con sư tử ấy vào buổi chiều, nó ra khỏi sào huyệt, duỗi chân cho khỏe, rồi nhìn khắp bốn phương và ba lần rống lên tiếng rống con sư tử. Sau khi rống tiếng rống con sư tử, nó đi đến chỗ các thú qua lại, tìm giết những con thú tốt đẹp nhất, ăn các loại thịt mềm mại rồi trở về sào huyệt lại.

– Này Hiền giả Ba Lê Tử, có con chó rừng già kiêu ngạo và mạnh mẽ, thường sống bằng đồ ăn thừa của con sư tử, vua các loài thú. Con chó rừng ấy suy nghĩ: “Ta là ai và con sư tử, vua các loài thú là ai? Ta hãy y cứ vào một khu rừng để xây dựng sào huyệt, sau khi xây dựng xong sào huyệt, vào buổi chiều ta sẽ ra khỏi sào huyệt, duỗi chân cho khỏe, rồi nhìn khắp bốn phương và ba lần rống tiếng rống con sư tử. Sau khi rống tiếng rống con sư tử, ta sẽ đi đến chỗ các thú qua lại, tìm giết những con thú tốt đẹp nhất, ăn các loại thịt mềm mại rồi trở về sào huyệt lại”.

– Này Hiền giả, con chó rừng kia y cứ vào một khu rừng để xây dựng sào huyệt. Sau khi xây dựng sào huyệt, vào buổi chiều nó ra khỏi sào huyệt, duỗi chân cho khỏe, rồi nhìn khắp bốn phương và định ba lần rống tiếng rống con sư tử. Nhưng nó chỉ kêu lên tiếng loại chó rừng, tiếng sủa loại chó rừng. Ai có thể so sánh tiếng sủa của con chó rừng đê tiện với tiếng rống con sư tử?”[24]

Con chó rừng có bắt chước giống con sư tử cỡ nào cũng không cách gì là con sư tử được; có bắt chước rống tiếng con sư tử suốt đời, nó cũng không thể rống tiếng rống con sư tử được. Nếu nó muốn rống được tiếng rống con sư tử chỉ có bỏ thân chó rừng mang thân sư tử thì điều đó có thể xảy ra. Chúng ta muốn tu thành Phật cũng phải chuyển thân này thành ba mươi hai tướng tốt thì điều đó có thể xảy ra. Mà muốn có ba mươi hai tướng tốt chúng ta phải thực hành đầy đủ mười Ba la mật. Như vậy, để tu thành Phật, chúng ta còn phải tu tập tinh tấn, làm những việc lợi ích cho chúng sinh rất nhiều, trải qua vô lượng kiếp, khi nhân duyên đầy đủ mới thành tựu. Cho nên, đức Phật khuyên:

– “Này các tỳ kheo, hãy đi cùng khắp vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài trời! Chớ có đi hai người cùng một chỗ! Này các tỳ kheo, hãy thuyết giảng Chính pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn! Hãy nêu rõ đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh! Có những chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe Chính pháp sẽ bị nguy hại; (nếu được nghe) sẽ thâm hiểu Chính pháp”.[25]

Có người nghĩ rằng kinh Nikāya là Tiểu thừa, vì nội dung Phật chỉ dạy chư Tăng tu hạnh viễn ly độc cư nơi núi rừng hoang vắng, không làm việc gì lợi ích cho ai cả. Đó chỉ là một khía cạnh thôi, nếu đọc câu Phật dạy: “Này các tỳ kheo, hãy đi cùng khắp vì hạnh phúc cho đại chúng...” vừa nêu ở trên thì đó là Tiểu thừa hay Đại thừa? Suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp lợi sinh của đức PhậtTiểu thừa hay Đại thừa? Tất nhiên, người xuất gia đạo lực còn yếu kém, Phật khuyên họ phải thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tinh tấn tu tam vô lậu học, viễn ly độc cư nơi trú xứ thanh tịnh, đến khi đạt Thánh quả rồi Phật dạy phải hoằng pháp lợi sinh. Như vậy, tùy theo sự tu tập của mỗi người mà Phật khuyên nên viễn ly độc cư hay dấn thân hoằng pháp lợi sinh. Chúng ta tìm hiểu thật kỹ xem đa phần đệ tử của đức Phật là dấn thân hoằng pháp lợi sinh hay sống viễn ly độc cư? Trong số những đệ tử lớn của đức Phật, như: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, A Na Luật, Ưu Ba Ly, Ca Diếp, A Nan, La Hầu La,... chỉ có Ca Diếp là tu hạnh viễn ly độc cư, còn lại đều dấn thân hoằng pháp lợi sinh. Theo tôi, có thể trong một năm, người xuất gia chín tháng hoằng pháp, ba tháng viễn ly độc cư tu tập nơi thanh vắng để tăng trưởng nội lực, trau dồi tam vô lậu học, như vậy sẽ hợp lý hơn.

Một hôm, đức Phật hỏi Phú Lâu Na (Puṇṇa) sẽ trú ở quốc độ nào. Phú Lâu Na trả lời là ở Du Lô Na (Sunāparanta). Đức Phật nói, người dân ở xứ đó thô bạo, độc ác, nếu ông đến đó họ chửi bới, mắng nhiếc ông thì sao? Phú Lâu Na thưa rằng họ vẫn tốt, chưa đến nỗi đánh đập con. Phật hỏi nếu họ đánh đập ông bằng tay thì sao? Bạch Thế Tôn, họ vẫn tốt, chưa đến nỗi ném đất đá con. Nếu họ ném đất đá vào ông thì sao? Bạch Thế Tôn, họ vẫn tốt, chưa đến nỗi lấy gậy đánh đập con. Nếu họ lấy gậy đánh đập ông thì sao? Bạch Thế Tôn, họ vẫn tốt, chưa đến nỗi đánh con bằng kiếm. Nếu họ đánh ông bằng kiếm thì sao? Bạch Thế Tôn, họ vẫn tốt, vì chưa đoạn mạng con bằng kiếm. Nếu họ đoạn mạng ông bằng kiếm thì sao? Bạch Thế Tôn, họ đã giải thoát thân ngũ uẩn này cho con. Phật khen Phú Lâu Na có đủ bản lĩnh để giáo hóa người dân ở đó. Quả thật, về sau Phú Lâu Na đã độ cho được 500 người ở Du Lô Na trở thành cư sĩ.[26]

Nếu đệ tử Phật học theo tinh thần dấn thân hoằng pháp lợi sinh như Phú Lâu Na thì Phật pháp sẽ được truyền bá lâu dài, mọi người sẽ được lợi lạc, công đức tu hành thập Ba la mật của mình cũng sớm được viên mãn.

Cho người đói miếng ăn, cho người bệnh thuốc uống, giúp người nghèo khổ có chỗ nương tựa, giúp người thất vọngniềm tin vươn lên để sống... là việc làm đầy tình thương và phước báu. Những ai giúp người biết tránh ác làm lành, tu nhân tích đức, hướng thiện hướng thượng, biết Phật pháp, biết quy y Tam bảo, thọ trì năm giới lại là điều đáng tán thán hơn. Những ai có thể hướng dẫn người khác biết đến sự thật về cái khổ của con người trên cuộc đời này; nguyên nhân của khổ; vượt thoát khổ được an lạc, hạnh phúc; và con đường đưa đến thoát khổ lại là điều đáng được tán thán hơn. Những ai hướng dẫn cho người khác tu tập đoạn trừ các lậu hoặc, đạt được an lạc giải thoát lại càng được tán thán hơn nữa. Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy:

– “Có ba hạng người này, này các tỳ kheo, làm nhiều lợi ích cho người khác. Thế nào là ba?

– Do người nào, này các tỳ kheo, có người được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.

– Lại nữa, này các tỳ kheo, do người nào, người khác rõ biết: “Đây là khổ,” rõ biết: “Đây là khổ tập”, rõ biết: “Đây là khổ diệt”, rõ biết: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.

– Lại nữa, này các tỳ kheo, do người nào, người khác đoạn trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.

– Ba hạng người này, này các tỳ kheo, làm lợi ích cho nhiều người khác. Ta nói rằng không có một người nào khác làm lợi ích nhiều hơn cho người khác bằng ba hạng người này. Ta nói rằng một người không thể khéo trả ơn cho ba hạng người kia như đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, hành động thân thiện, bố thí các vật dụng như ý, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh,...”[27]

Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này căn cơ khác nhau, nghiệp báo khác nhau, nhân duyên xuất gia tu hành khác nhau, sự hành trì cũng khác nhau. Người hướng đến việc hoằng pháp lợi sinh, phát triển đạo Phật. Người chuyên tu thiền định, viễn ly độc cư. Ai cũng hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát. Đích đến giống nhau nhưng đường đi có nhiều ngã. Mỗi người nên phát huy sở trường của mình cho thật tốt thì bản thân được lợi lạcPhật giáo theo đó mà hưng thịnh. Ngược lại, ai cũng đề cao cái ngã của mình là hơn cả, dễ dẫn đến mất đoàn kết và nội lực Tăng đoàn sẽ yếu đi.

– “Này chư Hiền, một số tỳ kheo chuyên tâm về pháp không ưa thích các tỳ kheo tu thiền, nói như sau: Những người này thiền cái gì? Những người này thiền có lợi ích gì? Những người này thiền như thế nào?

– Này chư Hiền, một số tỳ kheo tu thiền không ưa thích các tỳ kheo chuyên tâm về pháp, nói như sau: Những người này chuyên tâm về pháp cái gì? Những người này chuyên tâm về pháp có lợi ích gì? Những người này chuyên tâm về pháp như thế nào?

– Này chư Hiền, có những tỳ kheo chuyên tâm về pháp chỉ tán thán các tỳ kheo chuyên tâm về pháp, không tán thán các tỳ kheo tu thiền. Các tỳ kheo chuyên tâm về pháp không được hoan hỷ; các tỳ kheo tu thiền không được hoan hỷ. Hành động như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư thiênloài người.

– Này chư Hiền, có những tỳ kheo tu thiền chỉ tán thán các tỳ kheo tu thiền, không tán thán các tỳ kheo chuyên tâm về pháp. Các tỳ kheo tu thiền không được hoan hỷ; các tỳ kheo chuyên tâm về pháp không được hoan hỷ. Hành động như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư thiênloài người. Do vậy, này chư Hiền, cần phải học tập như sau:

“Chúng ta là những người chuyên tâm về pháp, chúng ta sẽ tán thán các tỳ kheo tu thiền”. Vì cớ sao? Này chư Hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người cảm giác bất tử giới với thân và an trú. Do vậy, này chư Hiền, cần phải học tập như sau:

“Chúng ta là những người tu thiền, chúng ta sẽ tán thán các tỳ kheo chuyên tâm về pháp”. Vì cớ sao? Này chư Hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người với trí tuệ thể nhập và thấy con đường thâm sâu hướng dẫn đến đích”.[28]

Một số người chưa hiểu tinh thần phương tiện độ sinh của Tăng Ni Phật giáo Bắc truyền nên đã phê phán những việc làm như cầu an, cầu siêu, lễ Hằng thuận,.. là ngoại đạo tà giáo, là không đúng Chính pháp. Thậm chí, việc làm chùa to, Phật lớn, cảnh đẹp cũng bị họ bài bác và cho rằng ngày xưa Phật không làm như vậy. Thật ra, tất cả phương tiện độ sinh đó đã có thời đức Phật, tuy hình thức có khác biệt một chút.

Câu chuyện về Xá Lợi Phất tổ chức lễ cúng dường đức Phậtchư Tăng để hồi hướng siêu độ cho người mẹ (quá khứ) bị đọa ngạ quỷ sinh về cõi trời. Như vậy, buổi lễ này có phải là cầu siêu không?

Còn câu chuyện đức Phật đến dự cúng dường chúc lành đám cưới như sau:

“Chuyện này bậc Đạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên (Jetavana) về Mittagandhaka, một cư sĩ.

Tương truyền người này là con cháu một dòng họ đã suy tànXá Vệ (Sāvatthi), phải nhờ một người bạn đi cầu hôn một thiếu nữ sang trọng. Nhà kia hỏi:

– Thế cậu ấy có bạn bè thân thích nào để có thể giải quyết công việc cần lo liệu chăng?

Nhà trai đáp:

– Chẳng có ai cả.

Bên kia bảo:

– Thế thì trước tiên phải kiếm bạn đã.

Người ấy nghe lời khuyên này đi bầu bạn với bốn người giữ cổng thành. Sau đó, chàng dần dần kết bạn với những người giữ thành, những nhà thiên văn, nhiều người quý tộc trong triều, ngay cả vị tướng lãnh và phó vương. Nhờ giao thiệp với những người này, chàng trở thành bạn thân thiết của vua, rồi sau đó là đạo hữu của tám mươi vị trưởng lão; và nhờ Trưởng lão A Nan (Ānanda), chàng đến yết kiến đức Như Lai. Lúc ấy, bậc Đạo sư an trú cả gia đình chàng vào Tam quyNgũ giới. Vua lại phong cho một chức vụ cao và chàng được biệt danh là Mittagandhaka hay “người kết giao nhiều bằng hữu”.

Vua còn ban cho chàng một dinh cơ lớn rồi ra lệnh cử hành hôn lễ cho chàng, nên tất cả mọi người từ vua chúa trở xuống đều mang tặng vật đến nhà. Lúc ấy, vợ chàng nhận được tặng vật của vua ban, rồi tặng vật của vị đại tướng quân, tặng vật của phó vương, cứ thế dân chúng toàn thành đều đến nhà nàng. Vào ngày thứ bảy, đôi tân hôn tổ chức đại lễ để mời Đấng Thập Lực, nhiều phẩm vật cúng dường cao sang được đem dâng đức PhậtTăng chúng lên đến năm trăm vị tỳ kheo. Cuối buổi lễ, đôi tân hôn nhận lời tùy hỷ công đức từ đức Phật”.[29]

Lễ cầu siêu và lễ Hằng thuận ngày nay có phải bắt nguồn từ buổi lễ cúng dường đức Phậtchư Tăng thời đó không? Các bậc Tổ sư bày ra lễ cầu an, cầu siêu, lễ Hằng thuận,... là vì phương tiện độ sinh. Qua phương tiện này người ta biết đến chùa, biết đến Tam bảo, từ đó hướng dẫn họ biết thọ trì Tam quy, Ngũ giớitrở thành Phật tử. Dần dần dạy họ những phương pháp tu tập, đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thângia đình. Đây cũng chính là một trong những phương tiện hoằng pháp lợi sinh hữu hiệu, nếu biết khai thác đúng. Tuy nhiên, tất cả phải phát xuất từ tấm lòng vị tha cao cả, thánh thiện của chư Tăng. Nếu không như thế thì phương tiện này có thể bị kẻ tà tâm lợi dụng để mưu sinh, để đưa người ta đến chỗ mê tín dị đoan, thậm chí họ còn hù dọa những người có niềm tin để lừa đảo lấy tiền. Việc làm này mới thật sự đáng lên án và không thể chấp nhận trong Phật giáo của chúng ta.

Còn những người nói thời Phật tại thế không có chùa to, đất rộng, cảnh đẹp thì hoàn toàn thiếu hiểu biết, thiếu căn cứ. Tinh xá Kỳ Viên do ông Cấp Cô Độc xây dựng cúng cho đức Phật, vốn là khu vườn của Thái tử Kỳ Đà rất đẹp, không xa và cũng không gần thành phố. Với số lượng cả nghìn vị Tăng ở đó thì chắc chắn nhà cửa phải nhiều và giảng đường phải rộng mới đủ sức chứa. Đông Phương Lộc Mẫu (Pubbārāma) giảng đường do bà Tỳ Xá Khư phát tâm xây dựng cúng dường cho đức Phậtchư Tăng, bao gồm cả nghìn phòng, được ví như cung điện của chư thiên. Tuyệt đẹp và hoành tráng như thế, sao lại nói là ngày xưa đức Phật không có chùa to, đất rộng, cảnh đẹp? Những người có ý nghĩlời nói như thế là vô tình ngăn chặn sự phát triển của đạo Phật, bít lối con đường thiện đang được mở ra cho mọi người hướng đến tu tập.

Tóm lại, người xuất gia tu học Phật pháp muốn hướng đến mục đích thành Phật phải hoàn thành đầy đủ mười Ba la mật. Trải qua vô số kiếp, khi nhân duyên chín muồi, tái sinh làm người với ba mươi hai tướng tốt, lúc đó xuất gia tu hành thành tựu quả vị Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Con đường thành Phật của hành giả phải trải qua như thế, không thể khác được. Nếu nhân duyên chưa đủ, chúng ta có vào rừng độc cư tu hết đời cũng không thể thành Phật. Như con chó rừng muốn rống tiếng rống con sư tử, dù có bắt chước cỡ nào cũng vẫn là tiếng chó sủa, ngoại trừ nó chuyển kiếp làm sư tử thì điều đó có thể xảy ra.

“Hãy ở chỗ núi non,
Xa vắng các xóm làng,
Hãy sống đời giải thoát,
Từ bỏ các kiết sử!
Nếu tại đấy không đạt,
Điều ông ưa, ông thích,
Hãy sống giữa chúng Tăng,
Hộ trì, giữ chính niệm,
Và bộ hành khất thực,
Nhà này đến nhà khác,
Các căn được hộ trì,
Thận trọng giữ chính niệm”.[30]
...
“Hãy đứng dậy, lên đường,
Hãy dấn thân Phật giáo,
Hãy đánh bại Ma quân,
Như voi phá chòi lá.
Ai trong Pháp, Luật này,
An trú, không phóng dật,
Đoạn tận vòng sống chết,
Sẽ chấm dứt khổ đau”.[31]

 


[1] Kinh Trường Bộ, 3. Kinh Ambaṭṭha.

[2] Kinh Tương Ưng Bộ tập I, Thiên nhân duyên, Chương bốn, Tương ưng vô thỉ, I. Phẩm thứ nhất, V. Núi.

[3] Phật Quang Đại Từ Điển, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản.

[4] Phật Quang Đại Từ Điển, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản.

[5] Kinh Trường bộ, 30. Kinh tướng.

[6] Kinh Trường Bộ, 30. Kinh tướng.

[7] Kinh Tương Ưng Bộ tập I, Thiên nhân duyên, Chương bốn, Tương ưng vô thỉ, I. Phẩm thứ nhất, VII. Các đệ tử.

[8] Phật Quang Đại Từ Điển, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 

[9] Kinh Trung Bộ tập I, 10. Kinh niệm xứ.

[10] Kinh Tiểu Bộ tập I, Kinh Phật Tự Thuyết Hay “Lời Cảm Hứng”, Chương sáu, Phẩm sinh ra đã mù.

[11] Kinh Tương Ưng Bộ tập II, Chương hai, Tương ưng Rādha, I. Phẩm thứ nhất, VIII. Bậc A La Hán.

[12] Kinh Tăng Chi Bộ tập II, Chương mười, Mười pháp, X. Phẩm nam cư sĩ, (X) (100) Không thể tăng trưởng.

[13] Kinh Tăng Chi Bộ tập II, Chương sáu, IV. Phẩm chư thiên, 42. Tôn giả Nāgita.

[14] Kinh Tăng Chi Bộ tập II, Chương sáu, VI. Đại phẩm, 59. Người bán củi.

[15] Kinh Tăng Chi Bộ tập I, Chương bốn, XIV. Phẩm loài người, 138. Viễn ly.

[16] Kinh Tăng Chi Bộ tập I, Chương năm, XIX. Phẩm rừng, 18. Rừng.

[17] Kinh Tương Ưng Bộ tập II, Thiên sáu xứ, Chương I, Tương ưng sáu xứ, Phần hai, II. Phẩm Migajāla, I. Bởi Migajāla.

[18] Kinh Trung Bộ tập I, 69. Kinh Gulissāni.

[19] Kinh Trung Bộ tập I, 4. Kinh sợ hãi và khiếp đảm.

[20] Kinh Tăng Chi Bộ tập II, Chương mười, X. Phẩm nam cư sĩ, 99. Upāli.

[21] Kinh Tiểu Bộ tập III, Trưởng lão Tăng kệ, Chương III, Phẩm ba kệ, (CLXXX). Upāli.

[22] Kinh Tiểu Bộ tập III, Chuyện tiền thân, 1. Chuyện pháp tối thượng.

[23] Kinh Tiểu Bộ tập IV, Chuyện tiền thân, 411. Chuyện vua Susīma.

[24] Kinh Trường Bộ, 24. Kinh Ba lê.

[25] Kinh Tương Ưng Bộ tập I, Thiên có kệ, Chương IV, Tương ưng ác ma, Phẩm thứ nhất, V. Bẫy sập.

[26] Kinh Tương Ưng Bộ tập II, Thiên sáu xứ, Chương I, Tương ưng sáu xứ, IV. Phẩm Channa, V. Puṇṇa).

[27] Kinh Tăng Chi Bộ tập I, Chương ba, Ba pháp, III. Phẩm người, 24. Nhiều lợi ích.

[28] Kinh Tăng Chi Bộ tập II, Chương VI, Sáu pháp, V. Phẩm Dhammika, (IV) (46) Mahā Cunda.

[29] Kinh Tiểu Bộ tập V, Chuyện tiền thân, 486. Chuyện chúa chim ưng.

[30] Kinh Tương Ưng Bộ tập I, Thiên có kệ, Chương VI, Tương ưng Phạm Thiên, II. Phẩm thứ hai, III. Andhakavinda.

[31] Kinh Tương Ưng Bộ tập I, Thiên có kệ, Chương VI, Tương ưng Phạm Thiên, II. Phẩm thứ hai, IV. Aruṇavati.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/06/2014(Xem: 23844)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.