Theo quy luật tự nhiên, con người sinh ra trên cuộc đời này, khi đến tuổi trưởng thành, đều phải lập gia đình, người nam có vợ, người nữ có chồng. Tuy nhiên, một số người không đi theo lối mòn đó mà chọn sống đời độc thân. Đặc biệt, có những người vì lý tưởng cao cả nên không lập gia đình và trở thành tu sĩ của các tôn giáo. Như vậy, trong cuộc đời này có ba hạng người: một là lập gia đình, hai là sống độc thân, ba là đi theo lý tưởng và trở thành tu sĩ.
Hạng người lập gia đình: Ví dụ như một cô gái về nhà chồng làm dâu. Ngày xưa, phụ nữ về làm dâu, không chỉ phục vụ cha mẹ chồng, mà đôi khi còn phải phục vụ cả anh em, dòng họ bên nhà chồng. Hơn nữa, do khoảng cách thế hệ, giữa cha mẹ chồng và nàng dâu nhiều lúc nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt. Ngày nay, để tránh tình trạng đó, sau khi kết hôn và về nhà chồng sống một thời gian ngắn, đôi vợ chồng trẻ sẽ dọn ra ở riêng. Có những cặp tình nhân đã chuẩn bị sẵn một căn nhà để khi cưới xong là có nhà ở riêng ngay, không phải sống chung với những người lớn tuổi.
Hạng người sống độc thân: Đây là những người không muốn vướng bận chuyện gia đình, thích được tự do tự tại, hoặc vì một lý do nào đó mà họ không nghĩ đến việc kết hôn. Chẳng hạn như, có những người yêu đơn phương, cả cuộc đời họ theo đuổi một tình yêu vô vọng, hoặc họ không thể tìm được người nào khác có thể thay thế người mà họ đã yêu, và thế là họ sống độc thân. Cũng có những người bị tàn tật hay mắc bệnh nan y, do không muốn làm khổ người khác, nên quyết định cả đời sẽ sống một mình.
Hạng người đi theo lý tưởng và trở thành tu sĩ: Ví dụ như một người xuất gia theo Phật giáo. Tu sĩ Phật giáo không lập gia đình vì một lòng hướng đến mục đích giác ngộ, giải thoát cho tự thân và tha nhân. Trong buổi lễ thế phát xuất gia, vị thầy làm chủ lễ sẽ đọc bài kệ như sau:
Hủy hình thủ khí tiết,
Cát ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Thánh đạo,
Thệ độ nhất thế nhân.
Đại ý của bài kệ là: Người xuất gia phải rũ bỏ hình tướng của người thế gian, cắt ái ly dục, lìa xa gia đình, tu học để được giác ngộ, giải thoát, và rộng độ tất cả chúng sinh. Mục đích của người tu học Phật pháp là “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”.
Trong Quy Sơn Cảnh Sách cũng có đoạn: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Đại ý của câu này là: Người xuất gia phải cất bước về phương trời siêu việt, cao rộng; tâm và tướng khác người thế tục; tiếp nối và phát huy hạt giống của chư Phật; làm cho ma quân khiếp sợ; nhằm báo đáp bốn ân và cứu giúp chúng sinh trong ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Ở đây, có hai câu chúng ta cần chú ý là: “Tâm hình dị tục” và “Dụng báo tứ ân”. “Tâm hình dị tục” nghĩa là tâm và tướng của người xuất gia phải khác người thế gian. Người thế gian đầu để tóc, trang phục đủ màu đủ kiểu. Người xuất gia đầu cạo trọc, trang phục bình dị, giản đơn. Tâm người thế gian có thể chứa đầy những hạt giống xấu ác, si mê. Ngược lại, tâm người xuất gia luôn luôn có đủ từ bi và trí tuệ. “Dụng báo tứ ân” nghĩa là người xuất gia phải ghi nhớ và báo đáp bốn ân: ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc vương và ân đàn việt. Cha mẹ là người sinh ra chúng ta, công lao rất lớn, chúng ta phải luôn nghĩ đến việc báo đền. Thầy bạn là những người đã giúp chúng ta có kiến thức, hiểu biết, đạo đức và nghề nghiệp. Quốc vương là những người lãnh đạo, quản lý, bảo vệ, giữ gìn đất nước để cho chúng ta được sống an lành và tự do tu tập. Đàn việt là tất cả mọi người: người nông dân cày cấy, chúng ta mới có gạo ăn; người công nhân dệt vải, chúng ta mới có áo mặc... Nói chung, có rất nhiều ân mà người xuất gia cần phải đáp đền, còn bốn ân nêu trên chỉ là tóm lược mà thôi.
Người xuất gia sau khi thọ giới Tỳ-kheo mới chính thức trở thành một vị Tăng. Tỳ-kheo có ba nghĩa là khất sĩ, bố ma và phá ác. Khất sĩ là người xin ăn: xin giáo pháp của đức Phật để nuôi tâm và xin vật thực của mọi người để nuôi thân. Bố ma là người làm cho các thế lực của ma vương khiếp sợ. Phá ác là người có khả năng đoạn trừ tất cả phiền não: tham, sân, si...
Thời đức Phật còn tại thế, các vị đệ tử xuất gia của Ngài mỗi ngày ôm bát đi khất thực. Ăn xong, họ chỉ nghe giảng, tu tập và thuyết pháp độ sinh. Đó là những việc làm chân chính của một người xuất gia. Đức Phật có rất nhiều đệ tử xuất sắc, trong đó có 10 đại đệ tử là: Xá-lợi-phất (trí tuệ đệ nhất), Mục-kiền-liên (thần thông đệ nhất), Phú-lâu-na (thuyết pháp đệ nhất), Tu-bồ-đề (giải không đệ nhất), Ca-chiên-diên (luận nghị đệ nhất), Ca-diếp (đầu đà đệ nhất), A-na-luật (thiên nhãn đệ nhất), Ưu-ba-ly (trì giới đệ nhất), A-nan (đa văn đệ nhất) và La-hầu-la (mật hạnh đệ nhất). Trong 10 đệ tử lớn nổi tiếng của đức Phật, chúng ta rất quen thuộc với những vị như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và A-nan. Ngài Xá-lợi-phất được nhắc đến trong kinh A-di-đà mà chúng ta thường tụng hằng ngày. Ngài Mục-kiền-liên rất quen thuộc trong kinh Vu Lan, sự tích về Ngài luôn được chúng ta nhắc lại trong lễ hội Vu Lan tổ chức vào ngày rằm tháng bảy mỗi năm. Ngài A-nan thì xuất hiện trong rất nhiều kinh. Ngài được xem là bậc đa văn đệ nhất vì lúc đức Phật thuyết pháp, ngài nghe và ghi nhớ tất cả. Bộ óc của ngài có thể ví như cái máy vi tính bây giờ, nhập dữ liệu vào bao nhiêu là lưu trữ lại hết bấy nhiêu. Sau khi đức Phật nhập diệt, chính ngài là người tuyên đọc lại những lời pháp mà đức Phật đã thuyết trước đây. Kinh điển Phật giáo còn lưu truyền đến ngày nay là nhờ công lao của ngài A-nan.
Những đại đệ tử của Phật thời xưa rất xuất sắc trong việc tu học và hoằng pháp, không những thế, họ còn đứng đầu về một lĩnh vực nào đó. Người xuất gia ngày nay khó có thể đạt được thành tựu cao ở một lĩnh vực riêng biệt. Bởi vì, nhu cầu của quần chúng khiến cho họ trở thành những vị “thầy đa khoa” hơn là “thầy chuyên khoa”. Người xuất gia ngày xưa chuyên về tu học và hoằng truyền Phật pháp. Bây giờ, vì phải phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, người xuất gia đã làm rất nhiều việc khác nữa, khiến cho ngôi chùa bị mất đi vai trò đích thực của nó.
Thời Phật còn tại thế, tinh xá được xem như trường học: đức Phật là thầy giáo, Phật tử là học trò. Phật tử đến tinh xá với mục đích học Phật pháp và thực tập lời Phật dạy. Ngày nay, những người đến chùa đa phần xem chùa là nơi linh thiêng để cầu tài, cầu lộc. Chùa nào đáp ứng được nhu cầu của họ thì họ vui, tán thán và cúng nhiều; chùa nào không đáp ứng được nhu cầu của họ thì họ không vui, đôi khi còn buồn giận, nói xấu và không bao giờ đến ngôi chùa đó nữa. Ngay ở chùa Hoằng Pháp, có lần, một người đến nhờ quý thầy đi cúng đám. Do chùa bận, không cử người đi được, thế là từ đó về sau, không thấy người này đến chùa nữa.
Vào tháng giêng âm lịch hằng năm, có rất nhiều người đến chùa Hoằng Pháp xin cúng sao giải hạn. Một hôm, có một người phụ nữ đến gặp tôi nói là năm nay bị sao Thái Bạch, hạn khánh tận - sạch hết cửa nhà, nên nhờ quý thầy cúng sao giải hạn giùm. Tôi mời cô ngồi và giải thích cho cô nghe:
- Sao là những thiên thể hình cầu tự phát sáng như Mặt Trời. Nó được hình thành qua quá trình hấp dẫn và ngưng tụ của bụi khí vũ trụ. Nếu không tính Mặt Trời, ngôi sao gần Trái Đất nhất là Cận Tinh, cách Trái Đất tới 4.2 năm ánh sáng (vận tốc của ánh sáng là 300.000 km/s). Với mắt thường, ban đêm nhìn lên bầu trời, chúng ta có thể nhìn thấy khoảng 5.000 ngôi sao. Nếu dùng kính viễn vọng lớn, chúng ta sẽ nhìn thấy được hàng tỷ ngôi sao trong vũ trụ. Thế mà, các nhà chiêm tinh của Trung Quốc chỉ chọn ra 9 ngôi sao: Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, La Hầu, Kế Đô, Thủy Diệu, Thổ Tú, Mộc Đức và Văn Hớn. Trong 9 sao này, họ cho là có những sao khi chiếu đến người ta sẽ gặp vận may, làm ăn buôn bán phát tài, cuộc sống sung túc, hạnh phúc; có những sao khi chiếu đến sẽ bị bệnh hoạn, tai nạn, tán gia bại sản hoặc mất mạng. Trừ 9 sao kể trên, không biết những sao khác trong hàng tỷ ngôi sao ngoài vũ trụ, khi chiếu đến người ta sẽ như thế nào?
Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định rằng những ngôi sao chỉ là khối vật chất vô tri, vô giác. Vậy thì làm sao chúng ta có thể cầu cúng được? Cô suy nghĩ thử xem: Nếu là một vị thần, mình dâng cúng, cầu khấn gì đó, thấy mình có lòng thành, biết điều, biết dâng cúng cho thần linh thì vị thần ấy sẽ ban phước cho mình. Còn mình không cúng thì có thể vị thần ấy sẽ ghét, giận, hoặc giáng họa. Chỉ có thần linh mới có thể ban phước, giáng họa, còn các ngôi sao chỉ là khối vật chất, không phải thần linh, làm sao chiếu cho người này tốt, người kia xấu được? Thế mà, đôi lúc, chúng ta không hiểu, lại đi tin một cách mù quáng, dẫn đến mê tín dị đoan.
Khoa học đã cho chúng ta biết rằng, khoảng cách từ quả địa cầu đến ngôi sao gần nhất nếu không tính Mặt Trời là 4.2 năm ánh sáng. Giả sử lời khấn nguyện di chuyển bằng vận tốc ánh sáng, khi mình xin việc gì đó với một “ông sao” ở trên trời thì phải mất ít nhất 4.2 năm lời khấn của mình mới đến với ông sao đó. Và ông sao đó ban phước cho mình thì cũng phải 4.2 năm sau mới tới được chỗ mình. Không chừng đến lúc đó mình đã thành người thiên cổ. Hơn nữa, không ai có thể cầu xin được điều gì từ các ngôi sao vì chúng chỉ là những khối vật chất. Một vệt dầu nổi trên mặt nước, chúng ta đến cầu nguyện cho nó chìm xuống dưới đáy có được hay không? Ngược lại, một khối đá chìm dưới đáy sông, chúng ta đến cầu nguyện cho nó nổi lên có được hay không? Chắc chắn là không vì vệt dầu hay khối đá là vật chất vô tri, vô giác, không cảm nhận được những gì mà chúng ta cầu nguyện, mong muốn. Cũng vậy, những ngôi sao trên trời chỉ là vật chất, không phải thần linh, không thể tiếp nhận được lời cầu nguyện hay ban phước, giáng họa cho ai.
Chúng ta phải tin sâu nhân quả, cố gắng làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức, như thế thì quả tốt sẽ đến với mình. Không nên tin rằng có một ông sao nào chiếu vào mình cả. Cúng sao giải hạn chỉ là sản phẩm của những thầy cúng Trung Quốc, đừng tin vào đó rồi sinh ra lo lắng, hao tiền tốn của mà không có ích lợi gì. Muốn tin một điều gì, trước hết chúng ta phải tìm hiểu cho thật rõ ràng. Như vậy mới không bị người khác lừa gạt. Phật giáo chân chính không dạy cúng sao giải hạn, nên cô cứ yên tâm, không phải lo sợ sao gì chiếu cả.
Người phụ nữ đó ngồi im lặng lắng nghe, nhưng có lẽ vì niềm tin vào việc cúng sao quá mạnh, nên sau đó cô vẫn cứ năn nỉ:
- Thầy hoan hỷ cúng giúp con. Năm nay con bị sao nặng lắm.
Tôi đành phải phân tích thêm và ngỏ lời từ chối:
- Chùa Hoằng Pháp xưa nay chưa bao giờ cúng sao nên không biết cúng như thế nào. Bây giờ, cô có nhờ thì quý thầy cũng không biết cúng. Cô chỉ thử xem cúng cách nào?
Nghe tôi nói vậy, cô có vẻ không vui, rồi bỏ về. Quý vị thấy đó, khi mình thỏa mãn được nhu cầu của người ta thì họ vui, còn không được thì họ buồn.
Một lần khác, có một cô đến nhờ tôi cúng đám ma và xem ngày giờ nhập liệm, động quan. Tôi trả lời rằng:
- Chùa Hoằng Pháp xưa nay không xem ngày giờ. Cô nên đến nhờ một vị thầy khác.
Cô suy ngẫm rồi bảo:
- Thôi được, ngày giờ con sẽ nhờ quý thầy ở chùa khác. Riêng thầy thì xin thầy hoan hỷ giúp con mấy vấn đề trong việc tổ chức tang lễ cho bố con. Trước hết, xin thầy đến làm lễ nhập liệm, sau đó làm lễ phát tang; mỗi ngày, xin thầy cúng cho hai thời cơm buổi trưa và buổi chiều; mỗi tối, xin thầy cho ban hộ niệm của chùa đến hộ niệm; ngày đưa tang, xin thầy đến làm lễ động quan, khi đưa quan tài ra đến huyệt thì làm lễ hạ huyệt, rồi khi về thì làm lễ an sàng.
Tôi hỏi:
- Sao mà cô rành quá vậy?
Cô nói:
- Năm ngoái, bà nội con mất, con có mời quý thầy đến. Quý thầy làm tuần tự như vậy: nhập liệm, phát tang, cúng cơm, động quan, hạ huyệt, rồi an sàng.
- Thực ra, chư Tăng chùa Hoằng Pháp rất đông nhưng còn trẻ, đa phần đều phải đi học. Cho nên, quý thầy không có thời giờ để giúp cô từ đầu đến cuối được. Cô hoan hỷ mời thầy lần trước để thầy ấy cúng giùm cho.
- Sau khi bà nội mất, gần một năm nay, mỗi tháng con đều đến chùa Hoằng Pháp tu niệm Phật, thấy chư Tăng ở đây tu hành rất tốt, rất có đạo đức, nên con muốn nhờ chư Tăng ở đây giúp giùm.
- Quý thầy ở đây phải đi học, không thể giúp được, mong cô hoan hỷ. Cùng lắm là quý thầy đến để hộ niệm cho bố cô thôi, chứ còn lo từ A đến Z như vậy thì không được.
Cô cứ năn nỉ mãi, nhưng tôi vẫn khẳng định lập trường của mình. Cuối cùng, cô bỏ ra về. Sau đó, cô ấy nói với những người đi chùa rằng: “Mấy thầy ở chùa Hoằng Pháp rất chảnh, tôi đến tận nơi mời về cúng đám cho bố mà không thèm đi.”
Quý vị thấy không, ở đời, nếu chúng ta đáp ứng yêu cầu của người khác thì họ vui và tán thán mình, còn không đáp ứng thì họ buồn, trách móc, đôi khi còn nói xấu nữa. Quý vị phải hiểu thì mới thông cảm, có thông cảm thì mới thương. Chùa Hoằng Pháp một năm có thể quy y cho khoảng 10 ngàn người. Số lượng Phật tử của chùa rất đông, kể cả người cũ lẫn người mới. Với số lượng đó, tôi nghĩ rằng, ngày nào cũng có người mời quý thầy ở chùa đi tụng kinh đám ma. Đôi khi, một tháng 30 ngày thì có hơn 40 cái đám ma. Nếu chùa đáp ứng nhu cầu này, dần dần quý thầy ở đây đều sẽ trở thành thầy cúng đám ma hết.
Như tôi đã nói ở trên, mục đích của người xuất gia là “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sanh”. Một vị thầy tu học đúng chánh pháp sẽ làm được rất nhiều điều lợi ích cho Phật pháp và chúng sinh. Người đệ tử của đức Phật, nhất là những vị xuất gia, có trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh, làm sao cho mọi người hiểu Phật pháp, biết tu, biết thực hành lời Phật dạy. Người biết tu, lúc chết không cần chúng ta cầu siêu họ cũng có thể siêu. Ngược lại, người nào lúc sống không biết tu, khi chết dù chúng ta có làm đám ma cho to, tổ chức lễ cầu siêu cho lớn thì chưa chắc đã siêu. Qua tìm hiểu kinh sách của đức Phật, tôi không thấy ở đâu dạy nghi thức cúng đám cả. Các nghi thức đó là do những thầy cúng sau này chế ra. Thực sự, cúng đám không phải là trách nhiệm của thầy tu.
Để chứng minh điều này, tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện: Vào năm 2008, tôi qua Ấn Độ để làm ký sự Về Thăm Đất Phật. Một hôm, trên đường đi, tôi và đoàn ghé vào quán ăn trưa thì phát hiện kế bên quán có một người vừa qua đời. Vì mục đích của tôi trong chuyến đi này, ngoài việc làm ký sự, còn muốn tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Ấn Độ, nay gặp ngay một người mới chết, nên tôi để ý xem thân nhân của người đó xử lý như thế nào. Người Ấn Độ không để người sắp chết ở trong nhà mà cho nằm dưới đất, trước cửa nhà. Sau khi người đó chết, họ chỉ lau cái xác một cách qua loa. Trong lúc cái xác đang được lau, những người đàn ông sẽ đi xin tre về đóng thành cái cáng. Lau cho người chết xong, họ để lên cáng, rồi khiêng ra chỗ thiêu. Toàn bộ quá trình từ lúc chết đến lúc đưa đến chỗ thiêu chỉ có ba, bốn giờ đồng hồ. Sau khi thiêu xong, họ bỏ luôn tro cốt ở đó, không lấy về để thờ cúng như người Việt. Đối với những người Ấn sống gần sông Hằng, họ thường đem xác của người chết đến bên bờ sông Hằng để thiêu. Ai giàu có, đủ tiền mua củi, thì họ thiêu hết cái xác, xong đẩy tro xuống sông. Ai không có đủ củi thì họ không thiêu hết cái xác, nhiều khi còn sót lại cả chân tay; mặc dù vậy, họ cũng hất luôn xuống sông Hằng.
Những phong tục chính mắt tôi thấy đó chứng tỏ rằng từ thời đức Phật còn tại thế đến nay, ở Ấn Độ chắc chắn không có chuyện nhập liệm. Nhập liệm là bỏ xác vào hòm. Ở Ấn Độ, người chết để nguyên như vậy, đặt lên cáng, rồi đem đi thiêu, không bỏ vào hòm. Vì không có hòm, xác chết sẽ nhanh bị trương sình và bốc mùi hôi thối, nên có người vừa chết là họ chuẩn bị đưa đi thiêu liền. Họ giải quyết rất nhanh, không làm đám, không nhập liệm, không động quan, không hạ huyệt. Bên đó, người ta đâu có chôn mà hạ huyệt, chủ yếu là họ thiêu, thậm chí có những người không thiêu mà quăng luôn cái xác xuống sông Hằng, để mặc nó trôi lềnh bềnh trên sông. Sở dĩ như vậy là vì người Ấn cho rằng người nào sau khi chết được bỏ xác xuống sông Hằng là có phước và sẽ được siêu thoát. Phong tục, tín ngưỡng này đã tồn tại ở xứ Ấn từ hàng ngàn năm nay.
Rõ ràng, thời đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ không có phong tục nhập liệm, phát tang, cúng cơm, động quan hay hạ huyệt gì cả. Nếu xã hội không có những phong tục đó thì đức Phật cũng không dạy các nghi thức liên quan đến chúng. Hay nói cách khác, ngay từ đầu, đạo Phật đã không có các nghi thức cúng đám ma.
Ngày xưa, vào thời chiến tranh, trong một trận chiến có hàng trăm, hàng ngàn người tử vong. Những người chết này không được tụng kinh, nhập liệm, hay làm lễ gì cả. Vì xác chết quá nhiều, người ta chỉ đưa xe đến đào một cái hố to, ủi hết xác xuống hố, rồi lấp lại mà thôi. Hoặc như, thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản vừa qua (tháng 3 năm 2011) đã khiến cho vô số người chết. Rất nhiều xác chết đã được chôn tập thể, không hề làm lễ nhập liệm, cúng cơm hay hạ huyệt gì cả.
Thân cát bụi thì trở về cát bụi. Từ vô thủy đến nay, chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu lần sống chết. Nếu gom lại, xác của chúng ta có thể chất cao như núi, máu của chúng ta có thể nhiều hơn nước biển. Thân xác này không có gì quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để thoát khỏi luân hồi sinh tử trong lục đạo. Luân hồi rất đáng sợ! Chúng ta may mắn làm người, khi chết còn được đem chôn, nếu làm gà, heo, vịt, chó... thì chết rồi sẽ đi vào bụng người ta. Người tu học Phật pháp phải quan tâm đến việc sống như thế nào và chết đi về đâu, còn thân xác thì cứ để nó trở về với cát bụi vô thường.
Theo tôi, quan điểm của người Tây Tạng về vấn đề này rất hay. Khi có người chết, họ đem xác lên đồi, rồi chặt nhỏ ra cho kên kên ăn. Họ còn cho rằng người nào được kên kên đến ăn nhiều là người đó có phước. Chúng ta nghĩ chặt xác cho kên kên ăn là dã man và kinh tởm, nhưng nếu đem chôn thì dòi bọ cũng đục khoét hết cái xác, còn đem thiêu thì xác chết cũng trở thành tro. Có thể nói, người Tây Tạng có một quan niệm tuyệt vời: Khi chết rồi, chúng ta vẫn còn có thể đem thân xác của mình ra bố thí cho loài chim muông một bữa ăn no. Ngày nay, ý thức được thân xác là giả tạm, rất nhiều người lúc còn sống đã phát nguyện rằng sau khi chết sẽ hiến xác cho khoa học. Suy nghĩ này rất tích cực. Sau khi chết, mình còn mang lại lợi ích cho người sống, đó là một điều hạnh phúc! Xác chết đem hiến mới có ý nghĩa, còn đem chôn cũng bị dòi ăn, đem thiêu thì phải tốn tiền. Người Tây Tạng đã nghĩ đến điều này từ rất lâu rồi, còn chúng ta bây giờ mới nghĩ đến. Người Tây Tạng đem xác cho kên kên ăn, còn chúng ta thì hiến xác cho khoa học nghiên cứu, giúp ích cho các thế hệ con cháu của mình.
Riêng chùa Hoằng Pháp, gần đây, người nào chết ở chùa chỉ để từ 8 đến 10 giờ cho hộ niệm, rồi đưa vào quan tài đem đi chôn hoặc thiêu, không làm đám. Chỉ trừ trường hợp chết buổi sáng, buổi chiều chưa kịp làm thủ tục khai tử thì để lại một đêm, ngày hôm sau mới đem đi chôn hoặc thiêu. Chúng tôi đã thực hiện như thế rồi, ai ở chùa Hoằng Pháp là phải chấp nhận điều đó. Quý vị suy nghĩ xem: Khi làm đám tang, có người để bốn, năm ngày, có người để đến một tuần vì chưa được ngày giờ tốt. Để như vậy người sống cũng khổ, mà người chết trong quan tài cũng sình thúi, không được lợi ích gì cả. Thậm chí, nếu quan tài bị rò rỉ còn bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, chúng ta phải có sự thay đổi, nhất là phải suy nghĩ tích cực hơn về cái thân giả tạm của mình. Các bậc chân tu thường để lại di chúc rằng sau khi các ngài viên tịch, không được làm đám ma rình rang, tốn kém. Thậm chí, ngài Thánh Nghiêm, một cao Tăng của Phật giáo Đài Loan, còn dạy đệ tử đem xác ngài đi thiêu, rồi rải tro cốt ra vườn, bón cho cây cối được tốt tươi. Thân xác con người chỉ là cát bụi và rồi sẽ có ngày trở về với cát bụi. Đó là lẽ dĩ nhiên, không nên bày ra các nghi lễ cúng đám làm gì.
Ở trên là chuyện cúng đám, bây giờ là chuyện coi hướng cất nhà. Một lần nọ, có một cô đến gặp tôi nói rằng:
- Thưa thầy! Con mới mua căn nhà mặt tiền ở thành phố. Con dự định phá đi, xây lên năm tầng. Năm nay con tuổi Hợi thì nhà xoay về hướng nào mới tốt?
Tôi hỏi:
- Nhà của cô hiện xoay về hướng nào?
- Hình như xoay về hướng mặt trời.
- Cô mua căn nhà đó giá bao nhiêu?
- Gần 1.000 lượng vàng.
- Nếu nhà xoay mặt về hướng Tây mới hợp với tuổi của cô thì cô có làm không?
Cô ngồi suy nghĩ một lát rồi nói:
- Việc này khó quá! Nhà đang xoay mặt về hướng Đông mà tuổi của con lại hợp với hướng Tây thì làm sao xoay lại đây?
Tôi mới nói:
- Nhà xoay ra mặt tiền đường là tốt rồi, khỏi coi thầy địa lý nào hết. Có tiền mua căn nhà mặt tiền gần 1.000 lượng vàng ở thành phố như vậy là có phước lắm rồi. Còn việc tốt xấu là do hành động của con người chứ không phải do phương hướng. Một căn nhà xoay về hướng tốt mà chủ nhà chứa gái mại dâm, chứa phường trộm cướp, chứa hàng lậu, ma túy... thì chủ nhà có được yên không, có bị pháp luật trừng trị không?
Cô gật đầu. Tôi nói tiếp:
- Nếu nói hướng nhà hợp với chủ nhà là tốt thì ví dụ cha mình tuổi Hợi, nhà xoay về hướng Đông là tốt; đến khi cha chết, mình thừa kế gia nghiệp; nhưng mình tuổi Tý, hợp với hướng Tây; chẳng lẽ bây giờ lại xoay nhà từ mặt tiền ra mặt hậu hay sao? Nếu làm như vậy, có lẽ người đời sẽ nói mình là người không bình thường. Giả sử bắt buộc phải nói nhà xoay về hướng nào tốt nhất thì tôi sẽ nói nhà mặt tiền ở thành phố là tốt nhất. Cô khỏi cần phải làm gì cả, cho người ta thuê, mỗi tháng cũng được khoảng vài chục triệu, như vậy là quá tốt rồi!
Theo sách phong thủy, làm nhà hoặc chùa phía sau dựa lưng vào núi, phía trước có dòng sông sâu là tốt và sẽ được thịnh vượng. Hiện nay, kiếm được một nơi lý tưởng như vậy rất khó. Trên thực tế, nhiều ngôi chùa cổ phía sau có núi, phía trước có sông, mà chẳng thấy thịnh vượng, không những thế bây giờ đã trở thành phế tích. Còn những ngôi chùa ở Sài Gòn không có núi phía sau, cũng không có sông trước mặt, mà vẫn phát triển thịnh vượng. Việc thịnh vượng hay không là do chánh báo. Khi chánh báo tốt thì y báo tốt. Ở chùa, chánh báo tốt là chư Tăng tu hành chân chính, làm những việc lợi ích cho chúng sinh; y báo tốt là chùa đó được thịnh vượng. Ở nhà, chánh báo tốt là chủ nhà và những người thân biết sống thương yêu, hòa hợp và thông cảm với nhau; y báo tốt là gia đình đó được an vui, hạnh phúc. Hoàn toàn không phải nhà hướng tốt là trong gia đình sẽ tốt. Chúng ta phải có một cái nhìn đúng đắn về vấn đề này.
Cũng liên quan đến vấn đề hợp tuổi, lần nọ, có một cô gái đến nói với tôi rằng:
- Con tuổi Hợi, có người yêu tuổi Thân. Nghe nói hai tuổi này xung khắc, khó có thể sống được với nhau. Như vậy có đúng không?
Tôi hỏi:
- Cô với người bạn trai đó có thật sự thương yêu nhau không?
Cô trả lời:
- Chúng con quen biết và tìm hiểu về nhau đã gần ba năm rồi. Hai người rất thương yêu nhau. Chúng con chuẩn bị cuối năm nay sẽ cưới, nhưng nghe người nhà nói tuổi chúng con xung khắc, khó có thể sống chung với nhau.
Tôi nói:
- Khi lập gia đình, đa phần người Việt Nam đều xem tuổi hai người có hợp nhau không, lúc làm đám cưới cũng phải chọn ngày tốt. Hàng chục triệu người cưới nhau đều chọn ngày tốt và tuổi hợp như vậy, nhưng sau khi về sống với nhau có những trường hợp xảy ra bất hòa, cãi vã, rồi dẫn đến ly dị hay không?
Cô ngẫm nghĩ rồi nói có. Tôi nói tiếp:
- Như vậy, tuổi hợp và ngày giờ tốt không quyết định được tương lai hạnh phúc của chúng ta. Người Mỹ, Anh, Pháp, Đức... không biết về ngày giờ tốt xấu hay tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi gì cả, chỉ có người Việt Nam và người ở một số nước chịu ảnh hưởng của Trung Quốc mới biết mà thôi. Chúng ta đừng nên tin vào tuổi tứ hành xung Dần, Thân, Tỵ, Hợi, cũng đừng nên tin vào ngày giờ tốt xấu, mà đánh mất tương lai hạnh phúc của mình. Hàng tỷ người trên thế giới này không hề biết đến tuổi con Mèo, con Chó, con Gà, con Vịt... thế mà họ vẫn sống bình an và hạnh phúc như thường. Hạnh phúc vợ chồng không phải do tuổi hợp hay không mà do chúng ta có biết cách sống với nhau hay không. Nếu sợ kỵ tuổi thì đừng lấy nhau, nếu đã lấy nhau thì đừng sợ kỵ tuổi. Có những người đang yên đang lành, tự nhiên đem tiền cúng cho thầy bói, rước lấy lo sợ về mình. Nếu thầy bói phán tuổi hợp thì mừng, còn không hợp thì lo, tự tạo ra cho mình tâm lý tiêu cực.
Khi không coi tuổi và ngày giờ, chúng ta sẽ có ý thức cố gắng khắc phục những điều khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Trời còn có lúc nắng lúc mưa, vợ chồng sống với nhau làm sao tránh khỏi có lúc vui, lúc buồn, lúc hòa, lúc bất hòa. Đây chẳng qua là do hai người chưa thực sự hiểu nhau. Nếu đôi bên biết lắng nghe, thông cảm, thấu hiểu và thương yêu nhau thì sẽ có thể hàn gắn được những bất hòa và đổ vỡ. Ngược lại, khi nghe nói tuổi của mình và người yêu xung khắc, chúng ta bắt đầu lo rằng cuộc đời của mình và người yêu sau này sẽ không được tốt đẹp. Nếu một sự bất hòa nào đó xảy ra, chúng ta sẽ nghĩ là số phận của mình và người bạn đời vốn đã không thể đến được với nhau, từ đó không cố gắng hàn gắn, hòa giải, dẫn đến gia đình bị đổ vỡ thật sự. Thế nên, người học Phật phải có chánh kiến, không để vấn đề ngày giờ tốt xấu hay tuổi tác xung khắc làm mình thui chột đi ý chí, nghị lực và đánh mất tương lai tốt đẹp sau này.
Một hôm khác, có một cô gái đến hỏi tôi rằng:
- Thưa thầy! Hôm qua, con nằm mơ thấy mình đi vào một cánh rừng. Bỗng nhiên, có một con voi xuất hiện và rượt đuổi con. Con hoảng sợ bỏ chạy. Khi nó rượt tới nơi, con sợ quá, la lên và giật mình thức giấc. Thưa thầy! Điềm này tốt hay xấu?
Lúc đó, tôi chợt nhớ lại: Ngày xưa, hoàng hậu Ma-da nằm mơ thấy con voi trắng sáu ngà chui vào hông bên phải, rồi sau đó sinh ra thái tử Tất-đạt-đa, người sau này trở thành đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Tôi nói vui:
- Cô bị con voi đen rượt. Coi chừng nó là oan gia trái chủ của cô. Bây giờ cô ráng tu đi, khi nào thấy con voi trắng tám ngà chui vào bụng thì có thể hy vọng sau này sinh con làm vua.
Sau đó, lại có một cô khác hỏi tôi rằng:
- Con nằm mơ thấy mình bay lên trời. Không biết đó là điềm gì?
Tôi nói:
- Chắc cô sắp thành tiên bay về trời rồi đó.
Cô ấy hỏi tiếp:
- Thưa thầy! Vậy là tốt hay xấu?
Tôi hơi lúng túng:
- Bay về trời là tốt rồi, chứ làm sao xấu được.
- Bay về trời là mình chết phải không thầy? Giờ con muốn sống, chứ chưa muốn chết.
- Không có đâu. Mình chỉ nằm mơ thôi, chứ chưa có chết. Nếu mai mốt chết thì được về trời.
Quý vị thấy đó, nhiều khi thầy tu tự nhiên trở thành ông thầy đoán mộng!
Rồi một lần nọ, có một cô ở tận Quảng Nam đưa đứa con trai hơn ba tuổi vào chùa Hoằng Pháp. Cô tâm sự với tôi rằng:
- Con có một đứa con trai hơn ba tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói. Thầy có phương pháp gì giúp cho thằng bé nói được không?
Tôi hỏi:
- Sao cô không đưa cháu đi bác sĩ khám và chữa trị thử xem thế nào?
- Con đi nhiều nơi rồi mà không có kết quả.
- Bác sĩ chữa không được thì làm sao tôi chữa được. Tôi có phải là thầy thuốc đâu.
- Con nghe người ta đồn rằng thầy là người rất đức độ, có thể chú nguyện hoặc cầu nguyện cho cháu khỏi bệnh.
- Trời đất ơi! Không biết ai lại đồn kỳ vậy? Bản thân tôi bị bệnh cũng phải đi bác sĩ nữa mà.
- Con đã đưa cháu từ tận Quảng Nam vào đây. Nhờ thầy giúp giùm con!
Cô ấy vừa nói vừa khóc, trông rất tội nghiệp, nhưng tôi cũng không biết phải làm sao. Lúc đó, tôi sực nhớ ra một câu chuyện đăng trong báo Giác Ngộ số 567: Có một người đàn ông bị mù bẩm sinh, từ nhỏ đến lớn luôn phấn đấu vượt qua số phận và đặc biệt là học rất giỏi. Chỉ hơn một năm là ông học hết tiểu học, hơn hai năm nữa là hết trung học, rồi thi luôn Tú tài I và Tú tài II. Sau đó, ông thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc, dự tính học nhạc để sau này đánh đàn kiếm sống qua ngày.
Sau 1975, ông ta phải bỏ học, trở về quê đi đánh đàn với mấy thầy tụng đám để kiếm tiền. Một lần nọ, có một vị thầy khuyên ông nên trì chú Đại Bi. Ông rất tin tưởng, phát nguyện mỗi ngày trì 108 biến chú Đại Bi. Trải qua gần 3 năm, mắt của ông bắt đầu thấy được lờ mờ. Năm đó, ông hơn 40 tuổi, tức là ông đã bị mù hơn 40 năm. Thế mà, nhờ trì chú Đại Bi, mắt của ông lại nhìn thấy đường. Cảm ân chư Phật, ông đã phát nguyện xuất gia.
Năm 2003, ông đi thọ giới Tỳ-kheo tại giới đàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Căn cứ theo Luật, nếu người nào lục căn bất túc (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không được đầy đủ hay bị khuyết tật) thì không cho thọ giới Tỳ-kheo. Thấy mắt của ông gần như bị mù, quý thầy ở giới đàn kiểm tra bằng cách đưa tay lên, bảo ông đếm số ngón. Quý thầy đưa một ngón, hai ngón hay năm ngón, ông đều nói đúng cả. Họ nhận định: “Ông này lòa chứ không mù, nếu mù thì không được thọ giới, còn lòa thì được, vì lòa vẫn có thể nhìn thấy lờ mờ”. Thế là, ông được thọ giới, trở thành một vị Tăng. Sau đó, ông trở về quê ở Quảng Ngãi dạy học cho những người mù, rồi đến Sóc Trăng giúp cho trẻ em ở các làng mù.
Nhớ lại câu chuyện trên xong, tôi mới khuyên cô:
- Bây giờ, cô cố gắng trì chú Đại Bi và niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu nguyện cho cháu. Chính cô cầu nguyện thì sẽ có kết quả hơn. Hoặc sau này lớn lên, bản thân cháu ý thức được cái nghiệp của mình rồi tụng kinh, trì chú, tu tập để chuyển hóa nghiệp lực. Còn quý thầy ở đây chỉ trợ giúp một phần nào đó thôi.
Nghe tôi nói xong, cô hiểu ra và phát tâm hằng ngày sẽ trì chú Đại Bi. Trước khi về, cô nói thêm:
- Bây giờ, xin thầy xoa đầu cho cháu.
Tôi thấy thương tình nên xoa đầu thằng bé mà cũng không biết xoa để làm gì!
Tương tự trường hợp trên, vào lần nọ, có một bà ở thành phố đến chùa gặp tôi và nói:
- Cháu của con mới được ba tháng. Ban ngày nó ngủ. Ban đêm khoảng 11, 12 giờ, nó khóc ầm ĩ, không ai dỗ được. Nhờ thầy giúp giùm!
Tôi hỏi:
- Sao bà biết tôi có thể chữa được bệnh này.
- Con nghe người ta đồn thầy là người tu có đức độ. Thầy chỉ cần chú nguyện vào sợi dây hoặc xâu chuỗi gì đó, cháu nó đeo vào là hết khóc.
- Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ làm việc này cả, không biết ai lại đồn đại như vậy.
Tuy tôi đã nói thế nhưng bà ấy cứ năn nỉ:
- Xin thầy giúp giùm! Tội nghiệp nó quá! Tối nào nó cũng khóc đến nỗi hai mắt đỏ lên, và khan cả tiếng. Con nghe mà muốn đứt ruột. Thầy cố gắng giúp giùm cho con.
- Bà nói giúp là giúp làm sao?
- Thầy hãy chú nguyện vào sợi dây hoặc xâu chuỗi gì đó để cho cháu nó đeo.
- Bây giờ, ở đây chẳng có sợi dây hay xâu chuỗi nào cả.
- Để con ra Phòng Phát hành mua một xâu chuỗi, rồi nhờ thầy chú nguyện giùm.
- Như vậy thì được, bà cứ mua rồi đem vô đây.
Tôi chú nguyện vào xâu chuỗi của bà mua rồi đưa cho bà đem về. Sau đó, tôi không thấy bà ấy đến nữa, cũng chẳng biết khi đeo xâu chuỗi vào, đứa bé có hết khóc hay không; nếu mà hết, có lẽ người ta sẽ nói đúng là tôi chú nguyện rất linh. Nhưng tôi tin chắc rằng nó sẽ hết khóc, vì nó khóc đã rồi thì phải ngưng thôi.
Cuối cùng là bệnh vong nhập. Một người đàn bà khoảng 60 tuổi dắt đứa con 30 tuổi đến chùa gặp tôi và nói:
- Khoảng gần một tháng nay, con gái con có biểu hiện không bình thường: lúc cười, lúc khóc, lúc nói một mình, nếu ai đụng tới thì la hét, đánh đập. Nhiều người nói cháu bị vong nhập, nay con đưa cháu đến đây nhờ thầy chữa trị giùm.
Tôi hỏi:
- Ai nói cho bà biết tôi chữa bệnh vong được?
- Dạ, người ta chỉ.
- Trước giờ, tôi có biết chữa bệnh tà đâu. Bà phải đi đến mấy thầy pháp hay thầy chuyên trị bệnh tà mới được.
Bà ấy cứ năn nỉ mãi. Cuối cùng, chúng tôi đành phương tiện nói rằng:
- Bây giờ, bà cứ dẫn cháu lên chánh điện đi, rồi mấy thầy sẽ tụng kinh cho.
Quý vị thấy không, những việc người ta đến hỏi quý thầy hoàn toàn không phù hợp với sở trường của người xuất gia. Nhờ quý thầy giải quyết những việc như vậy thì quý thầy cũng không biết phải làm sao. Như tôi đã trình bày, mục đích của người xuất gia là “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Mười đại đệ tử của đức Phật mỗi vị có một đặc điểm riêng, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ tinh tấn tu học và đem Phật pháp truyền bá cho mọi người. Đó là mục đích chính của người xuất gia. Thế mà, ngày nay, người xuất gia phải kiêm thêm quá nhiều thứ không liên quan gì đến Phật pháp. Nếu đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của quần chúng thì người xuất gia không còn là thầy tu nữa mà sẽ trở thành thầy cúng đám, thầy phong thủy, thầy bói, thầy cúng sao giải hạn, thầy chữa bệnh, thầy trừ tà, thầy đoán mộng... Còn nếu không đáp ứng thì quần chúng sẽ giận hờn, nói xấu, không đến chùa nữa. Ngày xưa thầy tu chỉ có một việc là tu học và thuyết pháp độ sinh, ngày nay thầy tu đa năng hơn, kiêm thêm nhiều thứ, vì phải làm dâu trăm họ. Nhiều khi bản thân tôi cũng không hiểu tại sao tự nhiên người ta lại đến hỏi những thứ không phải sở trường của tôi. Tôi là người tu học và hoằng truyền Phật pháp, không phải là người coi địa lý, xem ngày giờ, đoán mộng, trừ tà...
Thời Phật còn tại thế, người ta đến với đức Phật là để học Phật pháp. Nếu có ai vướng mắc vấn đề gì trong cuộc sống, thậm chí có những hành động mê tín dị đoan, thì đức Phật khai mở để họ thấy ánh sáng chân lý và trở về với con đường chân chánh. Ngày nay, chúng ta đến chùa cũng nên vì mục đích tu học Phật pháp; chuyển hóa những sai lầm, nghiệp xấu của mình; hướng đến con đường chân chánh; đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và gia đình ở hiện tại cũng như tương lai.
Quý vị phải hiểu và thông cảm cho quý thầy. Hãy để cho quý thầy đi đúng con đường mà quý thầy phải đi. Không nên mình đã sai còn đẩy quý thầy đi sai theo mình. Ví dụ, quý vị đến nhờ quý thầy xem sao và cúng giải hạn thì quý thầy phải học xem sao và học cúng giải hạn. Hoặc quý vị đến nhờ quý thầy xem nhà cửa hướng nào tốt thì quý thầy phải học thêm về phong thủy. Hay quý vị ngủ mơ thấy gì đó, rồi đến hỏi quý thầy về sự tốt xấu của giấc mơ, thế là quý thầy lại phải đi học đoán mộng... Muốn đáp ứng được những nhu cầu của quần chúng thì người xuất gia phải học rất nhiều thứ, và sẽ không còn thời giờ để tu học Phật pháp. Ông bà ta có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Người xuất gia cũng vậy, cần phải chuyên tâm tu học và thực hành lời Phật dạy. Chỉ có như thế mới có thể thấu hiểu sự thật cuộc đời; chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau; đạt được an vui, hạnh phúc; vượt thoát luân hồi, sinh tử. Và chắc chắn nhờ năng lực và kinh nghiệm tu học đó, người xuất gia sẽ đem lại cho rất nhiều người sự lợi ích và an lạc trên con đường giác ngộ, giải thoát.
Nếu chúng ta đến chùa vì mục đích tu học thì đó là động lực để khuyến khích quý thầy cố gắng học Phật pháp, thực hành lời Phật dạy, và đem lợi ích của việc tu học phổ biến cho mọi người. Ngược lại, chúng ta đến chùa chỉ vì những nhu cầu cúng đám ma, xem phong thủy, coi ngày giờ, đoán mộng, cúng sao giải hạn, chữa bệnh tà... thì có lẽ quý thầy sẽ đi lạc hướng hết. Rất mong quý vị thấu hiểu, thông cảm và thấy rõ mục đích của người xuất gia là tu học và hoằng truyền Phật pháp. Những nhu cầu không phù hợp với mục đích đó, quý vị đừng đem đến chùa nhờ quý thầy giúp và cũng đừng bắt quý thầy phải làm những việc không đúng với sở trường và tâm nguyện của người xuất gia. Nếu không khéo, dần dần quý vị sẽ khiến những người xuất gia đánh mất mục đích cao cả ban đầu, không còn là thầy tu đích thực nữa. Điều sai trái này một phần cũng là lỗi của quý vị. Mong quý vị hiểu được điều này và phát tâm hộ trì cho quý thầy tu học, hành đạo để quý thầy thành tựu được tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh của mình.
(Chép lại từ bài giảng Sở trường người xuất gia của Thượng tọa Thích Chân Tính)
Thích Chân Tính | Trụ Trì Chùa Hoằng Pháp
- Từ khóa :
- Đúng người đúng việc
- ,
- cúng đám
- ,
- cầu siêu
- ,
- hộ niệm