Bài học giác ngộ

27/02/20204:04 CH(Xem: 12488)
Bài học giác ngộ
BÀI HỌC GIÁC NGỘ
Minh Đức Triều Tâm Ảnh | Nguồn: FB/Huyền Không Sơn Thượng

thay gioi ducNgày 25-9-2019 chùa chúng ta xẩy ra một sự cố, sự cố lớn – đấy là chuyện " có một ông sư" đã cuổm hết tiền của quỹ Tam Bảo, quỹ xây dựng, quỹ sinh hoạt, quỹ du học… để đi đánh bạc (có lẽ) thua sạch. Thế rồi chúng ta phải còng lưng trả những món nợ bên ngoài. Chuyện ấy cũng cần nói rõ ràng ra không cần phải giấu diếm nữa.

Nhưng chuyện cũng đã qua rồi. Vấn đề không phải là được hay mất, thiệt hay hơn - mà là thái độ cư xử của chúng ta. Và trên hết, quan trọng, thiết cốt nhất là chúng ta, tất cả chúng ta có học được bài học giác ngộ nào chăng?

Do vậy, hôm nay tôi xin được tỏ bày đôi lời.

Quả thật đây là bài học lớn cho chư tăng và chúng điệu HKST chúng ta. Sự viêc xảy ra quá bất ngờ và ngoài tầm xử lý của chư tăng nên được trình đến thầy. Mặc dầu thầy đang nhập thất nhưng Thầy cũng rất quan tâm, ngại rằng chư tăng không biết đấy là bài dạy của Pháp mà xử sự như “tâm thế gian” nên thầy có giáo huấn rằng:“Trong mịt mù luân hồi sinh tử đôi lúc tất cả chúng ta cùng gieo một ác nghiệp nào đó nên giờ chúng ta phải nhận quả. Đừng than vãn hay sầu muộn các con à! Hãy nhìn ra bài học và học bài học giác ngộ. Chúng ta lâu nay cũng biết tu tập tâm từ - nhưng cuộc sống này, vào thời mạt pháp này, tâm từ cũng chưa đủ đâu các con ạ! Phải tu tập thêm tâm bi và cả tâm hỷ, tâm xả nữa. Hãy tu tập tứ vô lương tâm. Các con tu tập mà thầy cũng tu tập. Nghiệp này người ấy gieo người ấy sẽ nhận lại quả. Chúng ta hãy tu tập tứ vô lượng tâm và đừng gieo thêm bất kỳ một nhân gì là ác, xấu nữa”.

Sau đó chư tăng họp bàn và vị phạm lỗi bị chư tăng trục xuất theo luật tỳ-khưu. Sau đó có cuộc họp cho toàn chùa và vị sư tri sự đã triển khai lời dạy của thầy đến tất cả đại chúng như sau:

Đây là bài học cho tất cả chúng ta. Bài học được trả giá rất cao, rất đắt. Nên hãy học và tiếp thu cho hết ý nghĩa không thì lãng phí lắm. Chúng ta đọc kinh điển, túc sanh truyện, thấy gương các bậc hiền trí khi vợ con của cải bị mất mát, bị giết hại; các ngài khởi tâm thương tưởng đến người đã gây ra nhân ác xấu. Và chúng ta đôi khi cũng ảo tưởng rằng chúng ta cũng “thánh thiện”; chúng ta cũng thương yêu kẻ thù của chúng ta, cho chí sẽ thương yêu kẻ giết mình.

Đừng ảo tưởng như vậy! Pháp vừa đến đó, nó chỉ tổn hại tất cả tài sản của chúng ta mà thôi. Vậy mà chúng ta làm sao nào? Chúng ta đã làm gì nào? Chúng ta bực tức, khó chịu. Chúng ta đổ lỗi cho nhau. Chúng ta hỏi trách nhiệm thuộc về ai chứ chúng ta không nói đến giáo pháp, không nói đến sự thương yêu. Chúng ta không nói đến bài học gì ở đây cả. Chúng ta hãy lấy làm hổ thẹn vì những ảo tưởng của mình. Chúng ta hãy hổ thẹn vì thường khuyên mọi người xả bỏ và bao dung. Mà chúng ta hiện không làm được. Nói được mà không làm được chúng ta là loại đạo đức giả. Vậy hãy sống với đạo đức thật. Hãy đem giáo pháp ra để soi sáng, hãy tha thứ cho người gây ra lỗi lầm. Họ sẽ bị nhân quả vận hành xử lý. Còn chúng ta hãy tha thứ cho họ, khởi tâm bi mẫn thương yêu cho “nghiệp tội lỗi” của họ. Và chúng ta hãy tha thứ cho chính chúng ta. Lúc này hơn lúc nào hết chúng ta cần sự tu tập cần sự chung tay để HKST khỏi bị sụp đổ.

Năm 1999 là năm lụt lịch sử của Huế và HKST của chúng ta bị cào bằng tất cả. Khi đấy HKST chả còn gì. Chư tăng phải đi dọn dẹp đất đá. Thầy của chúng ta lo gánh sách vở và đảm nhiệm vị trí nấu bếp để mọi người đi làm. Rồi HKST được dựng xây trở lại năm đó cho tới bây giờ, ngồi đây chỉ có 3 người được chứng kiến chuyện xẩy ra. Anh em hồi đó chưa tới 10 người nhưng với sự tu tập với niềm tin sẽ vượt qua thử thách này mà HKST phát triển lại như ngày hôm nay.

Giờ một lần nữa HKST bị “thổi bay” tất cả tài sản, nhưng chúng ta ở đây số người gấp rất nhiều lần năm ấy. Vậy không lý gì chúng ta không làm lại được. Hãy vững niềm tin, hãy tu tập, hãy nhìn bài học này rồi tất cả sẽ qua đi. Hãy học ra bài học cho chính mình. Hãy thương yêu, hãy đoàn kết, tay chung tay, mắt chung mắt nhin về một hướng. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo luôn gia hộ cho tất cả đại chúng được sự an lành”.

Trên là lời dạy của sư phụ và sự triển khai đến đại chúng của sư tri sự. Mọi người trong chùa ai cũng hoan hỷ lời dạy từ thầy và cảm thấy vững lòng tin hơn sau sự triển khai của vị tri sự. Nên HKST chúng ta không những ổn định tu tập và còn tinh tấn tu tập hơn trước. Thật là một pháp mầu!

Và cũng để ổn định thêm đời sống của tăng chúng nên thầy lại có cuộc nói chuyện khác. Tôi sẽ kể lại cho mọi người nghe.

Hôm ấy thầy nói rằng: “Các con có biết thế nào là tinh thần Huyền Không không? Các con có biết người “đẻ ra” tinh thần Huyền Không là ai không? Là sư bá của các con đó! Là một vị sư uyên bác từ thời thanh niên tăng, và giờ là một vị thiền sư lỗi lạc khắp Đông Tây.


Chùa Huyền Không được sư bá Viên Minh các con thành lập năm 1973 ở đèo Hải Vân, Lăng Cô. Thuở ấy chư tăng gần như phải lao động cật lực, gian khổ để có đủ cái ăn. Vất vả lắm, sư bá, thầy và các sư thúc con phải trồng sắn, trồng chuối, trồng đu đủ… thôi thì đủ cả. 4 giờ sáng, sư bá Viên Minh thức dậy, lên chánh điện gõ nhẹ tiếng chuông rồi tụng kinh nhỏ như gió thoảng. Thấy vậy, thầy hỏi sư bá lý do. Sư bá mỉm nụ cười nhẹ, đáp rằng: Các sư trẻ lao động cực quá để cho các sư ấy ngủ thêm chút nữa. Huynh không dám đánh chuông to và phải tụng kinh nhỏ là vì vậy.

Các con biết không, ai xuất gia tu hành cũng học được lớp này lớp kia; nhưng lạ là thầy không có học ở đâu hết, không học với ai hết. Thầy về Huyền Không Lăng Cô năm 1974 thì khi ấy ngài Viên Minh đã bế giảng các lớp học rồi. Và sau đó, vì cơm áo sắn khoai, chùa chỉ có lao động, lao động và ai nấy đều tự học. Các con biết không ngài không dạy gì cho thầy nhưng thầy học được từ ngài rất nhiều. Trên là về sự thương yêu huynh đệ mà thầy học được. Thầy còn học được bài học khác nữa. Chùa thường hay vào rừng Bạch Mã tìm lan. Các sư trẻ cứ thấy lan là hồ hởi leo lên kéo xuống từng về, từng về “to bự chảng”… Thấy vậy, sư bá cau mặt lại nhưng lại nhỏ nhẹ nói rẳng: Chư đệ nên trả lại cho núi rừngđể dành lại cho người khác tìm lan sau chúng ta; chúng ta chỉ cần lựa những nhánh nào, khóm nào ưng ý nhất, đẹp nhất mang về nuôi trồng thôi. Các con thấy không, đấy không chỉ là bài học bảo vệ môi sinh mà còn là “đừng có ham hố, tham lam vơ vét hết”; và chơi lan cũng phải “biết đủ” dù tài nguyên rừng là vô hạn. Chuyện khác nữa. Trên đỉnh rừng nguyên sinh Bạch Mã, thầy đã lên tận đấy dựng vài am cốc lẫn trong những khối đá tảng, với tâm nguyện vừa ẩn cư tu tập vừa trồng tất cả các loại cây ăn trái khắp toàn vùng cho sau này ai muốn lên đây tu thì đã có sẵn vật thực.

Thuở ấy, sư bá đã vào Sài Gòn, trụ trì chùa Kỳ Viên và làm tổng thư ký hệ phái. Đời sống ở đó vật chất dư thừa, sư bá biết Huyền Không Lăng Cô quá đói khổ nên ngài nhịn tiền ăn sáng gởi ra “cứu trợ”. Năm đó, ngài ra thăm, biết thầy lên non cao lập Huyền Không Sơn Thượng cùng những ước mơ chơn chánh nên ngài “quá bộ” lên thăm. Ngài khỏe lắm. Đi giữa suối mà ngài nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác rất nhẹ nhàng, thoăn thoắt – do thường công phu thái cực quyền!

Sư bá có một bài thơ năm đó:
Dốc mòn lên sơn thượng.
Một buổi sáng còn sương.
Bên cội tùng trăm trượng.
Đóa hoa nở lạ thường!”

Tiếc là ước mơ Sơn Thượng ấy không thành, nhưng nhờ 2 câu thơ cuối của sư bá: Bên cội tùng trăm trượng. Đóa hoa nở lạ thường – mà có được cái HKST hôm nay đó.

Trên đường về... Lạ! Thầy đi trước, còn sư bá sao lại tụt ra sau? Theo suối đi ngược lên chừng vài chục bước, thầy thấy sư bá đang lụi cụi, nạy xeo cái gì đó. Hóa ra là một cục đá nhọn hoắt. Sư bá cười: “Kiếm khúc cây nào đó giúp huynh một tay. Cục đá này nhọn quá, lỡ có con thú nào vô ý nhảy qua, chắc là lủng bụng luôn!”

Ôi! Sư bá yêu thương huynh đệ đói khổ mà nhịn ăn sáng. Yêu thương cả những loài thú vô danh. Và còn lặng lẽ làm một mình chẳng cần ai biết ai hay! Cổ đức nói, “vô kỷ, vô công, vô danh” gì đó; người ta nói xong, gió bay; còn sư bá không nói, không dạy ai mà thể hiện bằng ngay chính hành động cụ thể.

“Huyền Không là của sư bá” và “tinh thần Huyền Không chính là đời sống của sư bá” chứ có gì lạ đâu. Hiện nay, HKST chúng ta đang tu tập, cùng nhau sống như tinh thần Huyền Không thuở xưa ấy.

Chuyện vừa xảy ra ở chùa, sư bá biết, gởi cho thầy 5 ngàn USD với “nụ cười vi tiếu” khi nhắn tin cho thầy: “Tốt, tốt, không sao! Có phước tản tài, vô phước tản mạng”. Và thầy cũng mừng. Mừng vì để xem pháp đến như vậy các con ứng xử thế nào. Thầy thấy các con ứng xử có sự tu tập, có pháp ở trong tâm. Giữa cuộc đời trần trụi đầy hận thù này mà các con có tâm từ, tâm bi, tâm xả như vậy, thầy hạnh phúc vô cùng. Đáng quý vô cùng. Kinh điển có học cả ba tạng mà không mang vào được trong đời sống thì có ích gì. Vậy mà các con làm được. Chuyện “kinh khủng” như vậy mà đâu đó im re.

Không xáo trộn gì cả. Cái đó quý gấp vạn lần cái tài sảnchúng ta đã mất đi. Đây là pháp đến thử chúng ta và thầy thấy các con có bản lãnh, có sự thương yêu, bao dunghỷ xả. Hãy luôn nuôi dưỡng tâm như vậy, tuệ như vậy; nó sẽ là người bạn lành dẫn các con đến nơi an vui.

Nguyện cầu hồng ân tam bảo gia hộ cho HKST cho chư sư, quý cô ni và chúng điệu luôn dõng mãnh tín tâm tu hành tinh tấn để thấy rõ đạo quả Niết-bàn trong ngày vị lai. Ồ, chẳng phải vị lai đâu, mà ngay chính bây giờ, cái hiện tại thiết thực đang là này đây!
Thầy cảm ơn các con, vô cùng cảm ơn các con!

Lời thầy như vậy đó, chúng ta phải sống làm sao cho khỏi hổ thẹn với thầy, với sư bá đây? Đấy có phải là một câu hỏi tu từ?

Mây Trắng ghi lại.

Tạo bài viết
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.