Tám pháp thế gian

11/11/20209:15 SA(Xem: 8789)
Tám pháp thế gian
TÁM PHÁP THẾ GIAN
Tác giả: Thích Chân Tính
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ

tam phap the gian - thich chan tinh (2)Mục lục
Lời mở đầu
Được và mất
Vinh và nhục
Khen và chê
Vui và khổ
Lời kết

LỜI MỞ ĐẦU

Trên thế gian này, từ con người cho đến vạn vật đều phải có sự thay đổi, biến chuyển. Động vật thì sinh, lão, bệnh, tử; thực vật thì sinh, trụ, dị, diệt; đồ vật thì thành, trụ, hoại, không; thời tiết thì nắng, mưa, nóng, lạnh; thời gian thì sáng, trưa, chiều, tối;... Đó là quy luật, là bản chất của vạn vật trên quả đất này. Không có sự thay đổi thì vạn vật, kể cả con người, không thể sinh trưởng và phát triển được. Ở Bắc Cực, khí hậu rất lạnh, băng tuyết quanh năm bao phủ dày đặc, còn ở sa mạc thì khí hậu quanh năm khô nóng; vì khắc nghiệt như vậy mà lại không có sự thay đổi nên sự sống khó có thể tồn tại. Nơi nào có nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh,… biến chuyển, xoay vần thì nơi đó sự sống mới sinh sôi, nảy nở.

Điều gì cũng có hai mặt tốt - xấu. Nếu chỉ có mùa xuân mát mẻ mà không có mùa hạ oi ả thì đâu có được ánh nắng rực rỡ để người nông dân phơi lúa, phơi rơm. Nếu chỉ có mùa thu ấm áp mà không có mùa đông lạnh giá thì chúng ta sẽ không bao giờ thấy được cái đẹp của tuyết rơi, và các loài cây ưa lạnh cũng không thể tồn tại. Nếu ngày nào chúng ta cũng ăn ngọt thì sẽ rất ngán, phải ăn đầy đủ vị chua, cay, mặn, đắng,… mới thấy ngon. Cũng vậy, nếu chỉ có thuận mà không có nghịch thì con người khó có thể trưởng thành. Vì thế trong kinh Tiểu Bộ VII[1], đức Phật có nói đến tám pháp của thế gian gồm: được - mất, vinh - nhục, khen - chê, lạc - khổ. Hôm nay tôi sẽ phân tích cho quý vị rõ hơn về vấn đề này.

 


[1] Đại Tạng Kinh Việt Nam (1993), “Chuyện Đại Vương Dasaratha (Tiền thân Dasaratha)”, Phẩm Mười Một Bài Kệ, Chương Mười Một, Kinh Tiểu Bộ VII, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.


ĐƯỢC VÀ MẤT

Đã có sinh thì chắc chắn có tử. Khi có thân này, phải biết rằng một ngày nào đó, thân này sẽ già, sẽ bệnh và sẽ chết. Chúng ta có thân này, có vợ chồng, con cái, ta gọi đó là được. Một khi cái chết đến hoặc hết duyên nợ thì vợ chồng, con cái cũng sẽ bỏ nhau mà đi, ta gọi đó là mất.

Cũng thế, khi có tiền của, ta cho là được. Nhưng đức Phật dạy những thứ vật chất đó không bền chắc, có thể bị nước trôi, bị lửa cháy, bị trộm cướp, bị người phá tán hoặc bị vua quan tịch thu. Nếu không bởi những lý do đó, lúc cái chết đến thì chúng ta cũng phải bỏ lại tất cả tài sản mà ra đi. Khi đó ta lại cho là mất.

Như vậy, chúng ta thường chấp rằng những vật chất mình đang có là được, để rồi khi được thì vui mừng hạnh phúc, khi mất lại buồn rầu đau khổ. Phải hiểu rằng, trong cái được đã ngầm có cái mất. Chẳng hạn như, lúc nhìn một bông hoa đẹp, chúng ta biết chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần, nó sẽ héo tàn; nhìn một cái bàn, trong vài năm hoặc vài chục năm, nó sẽ mục nát; nhìn giảng đường chính của chùa Hoằng Pháp, trong vài chục năm hoặc vài trăm năm, nó sẽ hư hoại. Không một thứ gì trên thế gian này có thể tồn tại mãi mãi. Đây là chân lý, là quy luật. Vì thế, chúng ta không nên đau buồn khi đối diện với sự thay đổi.

Trong kinh Tiểu Bộ VII, có câu chuyện kể về người phụ nữ tên là Mallika như sau[2]: “Hôm ấy Mallika mời hai vị đại đệ tử là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo. Từ sáng sớm đã có thư đưa vào cho bà báo tin chồng bà và các công tử đã mất đầu. Khi nghe vậy bà không nói với ai một lời, bà nhét thư vào áo, và lo dọn bữa cơm mời chúng Tỳ-kheo. Khi các gia nhân của bà đã cúng dường cho các Tỳ-kheo xong, lại mang vào một chén đựng bơ tươi, vô ý làm vỡ cái chén ấy ngay trước Tăng chúng. Lúc ấy vị tướng quân Chính pháp Xá-lợi-phất bảo: Chén bát được làm ra để đánh vỡ, xin bà đừng buồn phiền việc ấy. Vị phu nhân đưa lá thư từ trong nếp áo ra đáp: Đây đệ tử được bức thư báo tin phu quân và ba mươi hai con trai của đệ tử đã bị cắt đầu. Nếu đệ tử không buồn phiền việc ấy, có lẽ nào lại buồn phiền khi cái chén bị đánh vỡ?”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy bà Mallika hiểu Phật pháp rất sâu sắc. Bà biết rằng có sinh thì có tử, có được thì có mất, hữu hình tất hữu hoại, cho nên khi nhận được hung tin chồng và ba mươi hai người con của mình tử trận, bà rất bình tĩnh, vẫn tiếp tục lo dọn cơm, chuẩn bị cúng dường Trai Tăng. Nếu không hiểu Phật pháp, một người phụ nữ bình thường khó có thể chịu đựng được chuyện đau lòng như vậy.

Khi có chuyện quá đau lòng bất ngờ xảy đến, muốn bình tĩnh được như bà Mallika, chúng ta phải thấu hiểu sự thật của cuộc đời này là vô thường. Tốt hơn hết, chúng ta hãy bình tĩnh làm cho xong công việc còn dở dang của mình, rồi tìm cách giải quyết chuyện kia sau. Dù chúng tađau khổ, khóc lóc, buồn rầu thì cũng không thể thay đổi được gì. Phải hiểu rõ rằng:

Hợp đâu có chắc là còn

Tan chưa chắc đã hoàn toàn mất đi.


[2] Đại Tạng Kinh Việt Nam (1993), “Chuyện Sala, Cổ Thụ Cát Tường (Tiền thân Bhadda-Sala)”, Phẩm Mười Hai Bài Kệ, Chương Mười Hai, Kinh Tiểu Bộ VII, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM


VINH VÀ NHỤC

Khi chúng ta được tôn sùng ái mộ, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt, sự nghiệp thành công,… đó gọi là vinh. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận một điều là có khi mình được tôn vinh thì sẽ có khi mình bị phỉ báng, cách chức, ở tù, trục xuất ra khỏi tập thể,... đó gọi là nhục.

Xưa nay, có rất nhiều nhân vật lúc đầu leo lên tột đỉnh vinh quang, nhưng sau đó lại rơi vào tận cùng vực thẳm, chịu sự nhục nhã ê chề. Thứ nhất là Adolf Hitler, một nhân vật nổi tiếng thế giới, người đã gây ra Thế chiến thứ hai (1939 – 1945). Hitler trải qua một tuổi thơ với nhiều gian nan, vất vả, làm những công việc cực nhọc để kiếm tiền như quét tuyết, công nhân xây dựng, hay khuân vác ở bến tàu, bến xe. Khi còn nhỏ, Hitler đã có mộng làm họa sĩ, nhưng thi đến hai lần vẫn không đậu vào học viện Mỹ Thuật danh tiếng ở Áo nên chán nản và từ bỏ. Mặc dù không thích học hành nhưng ông lại mê đọc sách và ham tìm tòi nên đăng ký làm thành viên của thư viện để được đọc sách thỏa thích. Ngoài ra, ông còn luyện tập kỹ năng hùng biện với mong muốn diễn thuyết trước công chúng sao cho trôi chảythuyết phục. Nhờ đam mê đọc sách, tích lũy kiến thức, học rộng nghe nhiều, kết hợp với tài ăn nói sẵn có nên ông đã thuyết phục được rất nhiều người ủng hộ mình. Trong Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918), ông chỉ là một hạ sĩ, nhưng đến năm 1933, ông được bầu làm Thủ tướng. Tiếp đó, sang năm 1934, ông trở thành Quốc trưởng nước Đức.

Từ khi lên làm Quốc trưởng, Hitler đưa nước Đức phát triển ngày càng mạnh mẽ. Với tham vọng làm bá chủ thế giới, vào năm 1939, ông bắt đầu mở màn chiến tranh bằng cuộc tấn công đầu tiên vào Ba Lan. Sau khi đánh thắng Ba Lan, ông tiếp tục xâm chiếm các nước lân cậnmở rộng khu vực chiến tranh, quân đội Đức đánh đâu thắng đó. Đến khi đánh qua tới Liên Xô, thì bị Liên Xô và các nước đồng minh tập trung phản công, đánh lại nước Đức. Cuối cùng, quân đội Đức thất bại thảm hại, nước Đức tan rã, Hitler phải kết liễu cuộc đời mình bằng cách tự sát vào ngày 30/04/1945, thọ 56 tuổi, làm Quốc trưởng 11 năm[3].

Chúng ta thấy rằng, Hitler từ hai bàn tay trắng, không có học vấn, không có tài sản, chẳng có địa vị, chỉ là một hạ sĩ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng với tài năng, sự nỗ lựcý chí quyết tâm của mình, ông đã vươn lên trở thành người đứng đầu nước Đức. Thật quá vinh quang! Càng ở trên đỉnh vinh quang, càng có chức vụ tối caoquyền lực tuyệt đối thì ông lại càng không biết lắng nghe nên không ai dám góp ý với ông, dù nhiều người biết rằng việc làm của ông là sai lầm, độc ác, không có lương tâm và sẽ dẫn đến kết cục bi thảm. Ông cứ đem quân đánh hết nước này đến nước khác, gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai, làm cho hơn 60 triệu người chết, chưa kể đến số lượng những người bị thương. Cuối cùng, cả nước Đức tan rã và ông cũng tự sát. Đó là một nỗi nhục nhã lớn không thể nào rửa hết được. Nếu không phát động chiến tranh, xâm chiếm các nước khác thì sự nghiệp của ông có thể sẽ kéo dài hơn nữa và cũng không phải kết thúc một cách ảm đạm như vậy.

Thứ hai là Ngô Đình Diệm. Ông sinh ra tại Quảng Bình, là con cháu của những người trí thức làm quan trong triều đình. Bằng học vấn và tài năng của mình nên Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên. Đó là một sự vinh quang lớn. Thế nhưng, ông là người tôn sùng Thiên Chúa giáo, nên khi lên làm Tổng thống, ông ra sức triệt tiêu Phật giáo. Trong khi đó, đạo Phật có mặt tại Việt Nam hơn 2000 năm, có thời kỳ Phật giáoquốc giáo, tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của dân tộc ta; còn Thiên Chúa giáo chỉ mới có mặt mấy trăm năm, chưa có sự ảnh hưởng nhiều đến con người Việt Nam. Nhưng do suy nghĩ sai lầm, không sáng suốt, không thấy được gốc rễ, nguồn cội tâm linh của dân tộc, lại bị anh em kích động, nên ông đã đàn áp, hủy hoại Phật giáo, muốn biến người dân Việt Nam thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Những việc làm của ông gây căm phẫn lòng dân nên ông đã bị lật đổ và phải trốn chạy. Cuối cùng, ông bị bắn chết vào ngày 02/11/1963, thọ 62 tuổi, làm Tổng thống được 8 năm.

Đó là một thất bại lớn của Ngô Đình Diệm. Ông là người có tài nhưng lại không có đức. Vì có tài, ông leo lên đỉnh vinh quang, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, kẻ đưa người rước, ai nấy đều ngưỡng mộ, tán thán. Vì không có đức, tự cao tự đại, kỳ thị tôn giáo, gây ra hiềm khích tôn giáo gay gắt, nhân dân phẫn nộ, nên cuối cùng ông bị lật đổ phải trốn chui chốn lủi. Mặc dù chấp nhận ra đầu hàng, thế nhưng, ông vẫn bị ám sát và chết một cách thê thảm. Rõ ràng, đời người thay đổi vô thường, vinh đó rồi cũng nhục đó.

Thứ ba là Trần Thủy Biển. Ông là người Đài Loan, sinh ra trong một gia đình nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, dù vậy ông vẫn có ý chínghị lực vươn lên. Ông nghĩ rằng chỉ có học vấn là con đường duy nhất để thoát nghèo, thay đổi được cuộc đời, nên ông quyết tâm học thật giỏi. Nhờ nỗ lựctài năng, ông đã thi đậu vào trường Đại học Quốc gia Đài Loan và tốt nghiệp ngành luật sư khi vừa mới 24 tuổi. Sau khi ra trường, ông cố gắng phấn đấu không ngừng, và đến 50 tuổi ông được bầu làm Tổng thống Đài Loan trong hai nhiệm kỳ từ năm 2000 đến năm 2008. Nhưng sau khi hết nhiệm kỳ thứ hai vừa được vài tháng thì ông bị bắt vào tù vì tội tham nhũng trong thời gian đương nhiệm. Lúc làm Tổng thống, đi đến đâu cũng có kẻ đón người đưa, vinh quang, hãnh diện. Còn khi phạm tội, ông bị còng tay, bị thẩm vấn và giam vào tù, rất xấu hổ và nhục nhã. Cho nên, khi còn đương chức, còn vinh quang, chúng ta phải nghĩ đến những lúc thất thời, bị hủy nhục, để đừng làm gì sai trái. Trong khi vinh quangcống cao, ngã mạn, đi vào con đường tội lỗi sẽ dẫn đến kết cục giống như Adolf Hitler, Ngô Đình Diệm hay Trần Thủy Biển.

Thứ tư là một danh hài nổi tiếng, được rất nhiều khán giả trong và ngoài nước biết đến. Vào ngày 24/03/2016, trong chuyến lưu diễn tại Mỹ, danh hài này đã bị cảnh sát quận Cam, bang California bắt giữ vì tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và bị tạm giam để chờ ngày ra tòa xét xử. Theo các luật sư, nếu anh ta bị truy tố với ba tội danh: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một em bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô thì có thể phải ngồi tù từ 10 năm trở lên[4]. Chúng ta thấy rằng, lúc chưa xảy ra vụ việc này, anh ta rất nổi tiếng, được nhiều người yêu mến, nhưng khi bị bắt, anh ta chẳng những làm mất niềm tin của người hâm mộ, mà còn bị chê trách.

Trước đây, khi phương tiện thông tin truyền thông còn hạn chế, chúng ta làm việc gì đó gây chấn động thì chỉ có người trong xã, trong tỉnh hay trong nước biết thôi. Bây giờ, với sự phát triển của công nghệ, thông tin lan truyền rất nhanh, chỉ cần vài giây là mọi người trên khắp thế giới đều biết hết. Người càng nổi tiếng bao nhiêu thì khi mắc sai phạm lại càng bị nhiều người để ý, bàn tán bấy nhiêu. Vì vậy, chúng ta phải sống có đạo đức, phải biết giữ mình, sống theo khuôn khổ pháp luật, đừng để xảy ra sai phạm, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình và đất nước. Lúc đó, không chỉ riêng gia đình mà người dân trong nước nói chung cũng cảm thấy xấu hổ.

Sau vụ của danh hài, những luật sư Việt Nam tại Mỹ đưa ra lời khuyên cho chúng ta là khi qua Mỹ hoặc nước ngoài, cần phải tìm hiểu văn hóaluật pháp của đất nước họ. Bởi vì, mỗi quốc giavăn hóaluật pháp khác nhau, nếu không biết, chúng ta rất dễ phạm luật và gặp nhiều rắc rối. Thí dụ, ở Việt Nam, gặp một đứa bé đi cùng với cha mẹ trên đường, thấy nó dễ thương, mình đến trò chuyện, vuốt đầu, ôm hôn,… Cha mẹ đứa bé đó sẽ thấy rất vui vì con họ được người khác thương yêu, quý mến. Nhưng ở các nước phương Tây thì không phải vậy. Mình tự ý hỏi chuyện hoặc vuốt đầu, ôm hôn,... đứa bé là họ có thể buộc tội mình lạm dụng trẻ em và có quyền gọi cảnh sát.

Có một ông già người Việt qua Mỹ thăm con. Một hôm, ông dắt đứa cháu nhỏ khoảng bốn tuổi ra ngoài sân chơi. Đứa cháu quấy khóc, đòi cái này cái kia. Ông nói mà đứa cháu không nghe lời nên giơ tay lên, dọa nó: “Mày nín không, tao đánh cho mày một trận bây giờ”. Đúng lúc đó, một bà người Mỹ đi ngang, thấy ông giơ tay định đánh đứa nhỏ, liền gọi cảnh sát. Cảnh sát đến bắt ông, đưa về điều tra tại sao lại đánh trẻ con. Sau khi điều tratìm hiểu, cảnh sát biết được hành vi của ông là chỉ dọa cháu của mình, chứ không có đánh, và đó cũng là văn hóa, phong tục của người Việt Nam, nên xác nhận ông không có tội và thả về. Ở Mỹ, trẻ em được luật pháp bảo vệ rất chặt chẽ. Nếu cha mẹ mà dọa đánh hoặc có hành vi bạo lực với con của mình thì đứa trẻ đó có quyền gọi cảnh sát bắt cha mẹ nó. Luật pháp Mỹ là như vậy.

Qua bốn nhân vật kể trên, chúng ta thấy rằng, cuộc đời có lúc vinh, rồi sẽ có lúc nhục. Có những người sau khi bị thất bại và nhục nhã, dẫn đến cái chết, không còn cơ hội để làm lại cuộc đời như Adolf Hitler và Ngô Đình Diệm. Nhưng cũng có những người vẫn còn cơ hội để sửa sai, làm lại cuộc đời, phục hồi danh dự như Trần Thủy Biển. Thực ra, có trường hợp họ không hẳn là người xấu, do không kiềm chế được tính dục của mình, nên mới có hành vi như vậy. Hy vọng họ sẽ nghĩ lại việc làm sai lầm của mình, cố gắng sữa chữa lỗi lầm, vươn lên làm lại cuộc đời. Quá khứ rồi cũng sẽ qua. Chúng ta nên thương những người bị lầm lỗi hơn là ghét họ. Bởi vì, trên thế gian này, không ai là không có lỗi, chỉ khác nhau ở chỗ có người thì lỗi ít, lỗi nhẹ, có người thì lỗi nhiều, lỗi nặng. Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy lỗi của mình, biết sửa đổi và vươn lên. Nhà Phật gọi đó là sám hối. Sám là nhận biết lỗi lầm của mình, hối là nguyện không tái phạm. Biết sám hối thì cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn.

 


[3] Có những thông tin cho rằng Adolf Hitler giả chết, trốn sang Nam Mỹ và sống những tháng ngày cuối đời tại Paraguay.

[4] Theo luật pháp California, những người bị tạm giam, nếu có tiền thế chấp thì sẽ được tại ngoại, trừ các tội nghiêm trọng. Số tiền thế chấp này tùy theo mức độ phạm tội. Trường hợp này, muốn được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử, gia đình chỉ cần đóng số tiền 10% trên tổng số 1 triệu USD mức án phạt. Điều này đồng nghĩa với việc để được tại ngoại phải đóng mức phí ban đầu là 2,2 tỷ Việt Nam đồng.


KHEN VÀ CHÊ

Khen là ca ngợi những điều tốt như hiền lành, xinh đẹp, tài giỏi, đạo đức, thông minh,... Ngược lại, chê là tỏ ra không thích, không vừa ý, chỉ trích, phê phán, lên án, thậm chí nói xấu, vu khống về những sai lầm, thiếu sót, khuyết điểm,… Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta ai cũng đã từng được ngợi khen và bị chê bai. Như cô Phật tử nọ hay đi làm từ thiện, vận động xin tiền để cứu trợ, giúp đỡ những trại mồ côi, viện dưỡng lão và bệnh viện. Cô được rất nhiều người khen ngợi, ủng hộ, thế nhưng cũng có một số người lên án, chỉ trích, xuyên tạc, cho rằng cô lợi dụng việc làm từ thiện để lấy tiền người ta, xin được 10 đồng thì làm 5 đồng, còn 5 đồng bỏ túi. Cùng một việc làm, thế mà người thì khen, người thì chê. Khen chê là chuyện của người ta, chúng ta làm việc tốt cứ làm, ai chê mặc kệ họ. Điều quan trọng là chúng ta phải biết tự nhìn lại chính mình. Nếu chúng ta làm đúng với lương tâm, vì lợi ích của mọi người, không tư lợi cá nhân thì không có gì phải buồn.

Nhiều khi, những lời khen ngợi có thể phản tác dụng, khiến mình cống cao, ngã mạn. Ngược lại, chính những lời chê bai có thể cảnh tỉnh để chúng ta không làm điều sai trái, nhờ người ta chê mà mình biết sửa đổitiến bộ hơn. Bởi chúng ta chỉ nhìn thấy được những vết bẩn phía trước, còn ở sau lưng mình chỉ có người khác mới nhìn thấy được. Vì vậy, khi có ai chỉ ra được những khuyết điểm của mình thì chúng ta nên cám ơn họ, không nên buồn giận hay thù oán. Cho nên, khi được khen hay bị chê, chúng ta phải sáng suốt suy nghĩ xem lời khen chê đó có đúng hay không? Nếu không đúng thì chúng ta cứ bỏ ngoài tai. Khen chê là chuyện thường tình, không nên vì lời khen mà mừng rỡ, hoan hỷ; cũng không nên vì tiếng chê mà buồn phiền, giận hờn. Điều quan trọng là chúng ta phải xem người ta nhận xét đúng hay sai để mình sửa đổi. Thí dụ như, người ta nói: “Ông đó rất tốt, nhưng mà tính tình nóng như lửa, đụng đâu là la mắng, chửi bới”. Nếu nóng tính thật thì phải cố gắng nhẫn nhịn, kiềm chế,... Hoặc như người ta nói: “Ông đó có tài, học giỏi, nói chuyện rất hay, nhưng mà có tật mê gái”. Nếu người ta nói đúng thì nên sửa đổi, dần dần từ bỏ tật xấu đó. Hay người ta nói: “Ông đó có hiếu với cha mẹ, rất thương vợ con, nhưng lúc đi nhậu về thì quậy dữ lắm!”. Nếu đúng như vậy thì đừng nên uống say đến nỗi không làm chủ được hành vi của mình, nên hạn chế uống rượu bia, dần dần bỏ hẳn thì tốt hơn, vì uống vào không tốt cho sức khỏeảnh hưởng đến người khác nữa.

Giả sử, chúng ta thường xuyên đến chùa cúng dường và làm từ thiện được rất nhiều người khen ngợi. Nhưng cũng có người nói: “Ôi, sao ngu quá vậy? Có tiền mà không ăn xài, lại đem đi cúng chùa, rồi đem cho người khác. Thật là uổng phí!”. Nếu không sáng suốt, khi người ta nói như vậy chúng ta sẽ nghe theo, không cúng dường và làm phước nữa. Nhưng nếu suy nghĩ thấu đáo chúng ta sẽ thấy rằng, do người ta nghĩ mình đem tiền đi cúng chùa, bố thí thì sẽ bị mất. Như vậy là họ chưa hiểu nhân quả. Khi chúng ta rải xuống đất một nắm lúa, nhìn thì tưởng những hạt lúa bị mất đi. Nhưng không, sau một thời gian chúng sẽ mọc thành cây lúa và cho ra hàng nghìn hạt lúa mới. Chúng ta làm những điều tốt, đem tiền do mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt đi cho người khác hoặc cúng dường Tam bảo thì trong tương lai chúng ta sẽ được giàu sang, sung sướng, hạnh phúc. Hơn nữa, tiền của mình làm ra, được hay mất tự mình chịu, khôn hay ngu tự mình biết. Chúng ta thấy điều gì đúng thì cứ làm, đừng bận tâm trước những lời khen chê. Được vậy, chúng ta mới có thể làm những việc lợi ích cho tự thân và tha nhân.

 Một hôm, có một cô Phật tử đến gặp thầy nói như thế này: Thưa thầy, con kể về thầy cho một cô bạn của con. Con nói thầy thuyết pháp hay và làm rất nhiều việc tốt cho Phật pháp. Con mời cô lên chùa Hoằng Pháp để cô được biết chùa, biết thầy. Nghe vậy, cô bạn con cũng bằng lòng đi. Nhưng sau khi gặp thầy, trên đường từ chùa về, cô ấy nói với con:

- Tôi nghe thầy chị nói rồi. Thầy chị không có trình độ. Tôi như vầy mà nghe thầy chị à? Thầy chị chỉ nói cho mấy bà già thôi! Còn tôi là người có học, không nghe đâu.

Con hỏi lại:

- Sao chị nói vậy, chị đọc sách của thầy chưa, nghe thầy giảng chưa?

- Tôi nghe rồi, ổng nói dở lắm!

Nghe cô bạn nói vậy, con cảm thấy rất buồn.

Thầy khuyên cô rằng: “Buồn làm chi, mình thấy tốt thì cứ khen, người ta chê thì mặc người ta. Khen hay chê là quyền của họ, mình đâu có ép người ta phải khen như mình được. Ở đời đâu có ai được khen hết, mà cũng đâu có ai bị chê hết”.

Nhiều khi ra đường, chúng ta thấy có những cặp vợ chồng, vợ thì rất xấu, chồng lại rất đẹp. Đàn ông không ai thích lấy vợ xấu, nhưng tại sao mấy ông chồng kia lại lấy? Rõ ràng là họ nhìn thấy vợ của mình có điều gì đó tốt đẹp, thu hút, hấp dẫn nên mới lấy. Như vậy, cùng là một người, nhưng dưới con mắt của người này thì người đó đẹp, hay, giỏi, tốt; dưới con mắt của người kia thì người đó lại xấu, dở, kém, tồi. Đánh giá thế nào là quyền của mỗi người.

Đức Phật có tốt không? Là đệ tử của đức Phật, chúng ta thấy Ngài rất tốt, rất tuyệt vời, đáng được cung kính, ca ngợiđảnh lễ. Nhưng đối với ngoại đạo thì khác. Họ chẳng những không thấy đức Phật tốt mà còn chửi mắng, nói xấu, vu khống, phỉ báng Ngài. Đó là sự thật. Bởi vì họ không tìm hiểu về cuộc đời và lời dạy của Ngài, chỉ nghe lời xuyên tạc về Ngài từ những người đồng đạo với mình, rồi hùa theo, chê bai đủ kiểu. Đó là quyền của họ.

Có một câu chuyện ngụ ngôn của Aesop rất hay: Có hai cha con nhà nọ dắt một con lừa ra chợ để bán. Trên đường đi, một vài người trông thấy bèn cười lớn và chê: “Sao ngu thế, có lừa không cưỡi mà lại đi bộ”. Người cha không muốn bị chê cười nên ông bảo con trai leo lên lưng lừa mà cưỡi. Nghe lời cha, người con leo lên lưng lừa, rồi họ đi tiếp. Được một quãng, họ gặp ba người lái buôn đi qua: “Sao bất hiếu thế, ngồi trên con lừa để cha đi bộ”. Mặc dù chẳng mệt, nhưng người cha cũng bảo con trai xuống và ông leo lên cưỡi, để khỏi phải giải thích với họ. Đi thêm một đoạn nữa, họ gặp những người phụ nữ. Có người nói: “Ông già làm cha mà không thương con, ngồi trên lưng lừa, bắt con đi bộ”. Người cha hơi phật ý, nhưng để khỏi chướng mắt họ, ông bảo con leo lên ngồi sau lưng lừa. Rồi hai cha con cùng cưỡi con lừa đi tiếp. Một lúc sau, có người nói: “Sao lười thế! Con lừa gầy yếu như vậy mà hai người ngồi lên lưng nó, làm sao nó chịu nổi”. Hai cha con nghe như vậy, vội nhảy xuống, khiêng con lừa đi. Tưởng không còn ai chê bai gì nữa, thế mà có yên đâu, đi được một đoạn, lại có người nói: “Hai cha con ông này đúng là bị điên rồi. Sao không để con lừa tự đi mà lại khiêng?”. Thật là:

Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,
Béo chê béo trục, béo tròn,
Gầy chê xương sống, xương sườn lòi ra.

Trên đời này, không có ai được lòng người. Ngay cả “ông trời” cũng vậy. Sáng ra, trời mưa, bà bán xôi không bán được chửi “ông trời”, nhưng ông nông dân thì lại vui mừng. Rõ ràng, “ông trời” còn không vừa được lòng người, đừng nói gì chúng ta. Cho nên có câu:

Khen chê là chuyện người ta,
Giữ tâm không động, Ta Bà thảnh thơi.

Nếu giữ được tâm mình không dao động trước những lời khen chê, chúng ta sẽ được thảnh thơi, an lạc khi sống trên cuộc đời này. Còn nếu chúng ta tối ngày cứ nghe theo người ta thì chắc chắn sẽ không sống nổi, bởi kiểu gì họ cũng nói được. Giống như trường hợp hai cha con đi bán lừa trong câu chuyện ngụ ngôn của Aesop vậy. Cho nên, chúng ta không nên bận lòng trước sự khen chê để có thể sống an vui, tự tại giữa cuộc đời đầy biến động.


VUI VÀ KHỔ

Vui là những điều làm cho chúng ta hài lòng, thích thú, hạnh phúc. Khổ là những điều làm cho chúng ta không hài lòng, khó chịu, đau đớn. Trong cuộc sống, sự vui buồn diễn ra không phải là cách năm, cách tháng, cách ngày, mà trong từng giờ, từng phút, từng giây. Mới vui đó lại khổ đó, mới cười đó lại khóc đó.

Khi chúng ta có được thân này là vui, là hạnh phúc, là phước báu lớn. Nhưng cũng chính vì cái thân này mà chúng ta phải chịu đủ thứ khổ: sinh, già, bệnh, chết, nóng, lạnh,… Như vậy, có vui thì phải có khổ.

Ở chùa Hoằng Pháp có cây Sa-la, không biết người ta đồn như thế nào mà cứ thấy nhiều người đứng quanh gốc cây để hứng hoa Sa-la. Người nào hứng được hoa sẽ cảm thấy rất vui, nhưng tới chừng kiểm tra lại ví tiền thì bị móc mất cái Iphone, lúc đó bắt đầu buồn khổ. Mới vui mừng đó lại buồn khổ đó.

Hai người ngồi nhậu với nhau, lúc đầu còn vui vẻ, cười đùa; đến khi say rồi bắt đầu cãi vã, đánh nhau, có khi còn đâm chém nhau khiến kẻ chết, người ở tù. Vui cười chưa được bao lâu, khổ đau lập tức kéo đến.

Khi đám cưới, cô dâu và chú rể đều rất vui, rất hạnh phúc, nhưng lúc thành vợ chồng, về ở với nhau rồi, lại bắt đầu chửi mắng, thậm chí đánh nhau. Thương nhau mà không lấy nhau được đã khổ, lấy nhau về sống không hòa hợp lại càng khổ hơn. Bởi vì không ưa nhau mà tối ngày ra vào cứ gặp mặt thì khổ vô cùng.

Những người hiếm muộn rất mong có con, có người còn đi cầu con ở đền này, chùa kia. Đến lúc sinh được con, họ vui mừng khôn xiết. Nhưng một thời gian sau, đứa con đau bệnh hay chẳng may bị chết, hoặc khi lớn lên lại không nghe lời, cãi cha mắng mẹ thì họ sẽ thấy đau khổ vô cùng.

Những cổ động viên bóng đá, khi đội mình đá vào lưới đội người ta thì vui mừng, vỗ tay ầm ầm. Tới chừng, đội người ta đá vào lưới đội mình thì buồn bã, thất vọng. Những trận bóng mà Việt Nam đá với nước ngoài, trận nào Việt Nam thắng là đường phố náo nhiệt, ai cũng vui mừng, phấn khởi; còn trận nào Việt Nam thua thì đường phố vắng hoe, ảm đạm, ai cũng buồn bã, tức tối.

Những người làm chính trị, khi được thăng quan tiến chức thì vui, nhưng khi không còn giữ chức vụ nữa thì buồn khổ. Thực ra, những người làm chính trị chỉ giữ chức vụ tối đa trong hai nhiệm kỳ. Ông bà ta có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Nghĩa là làm quan chỉ có một thời, sau đó lại phải về làm dân. Vì thế, người làm chính trị không nên nghĩ đến chuyện sau này mình không làm nữa rồi buồn khổ, mà nên tranh thủ lúc mình còn đương chức, làm lợi ích cho đất nước, cho mọi người.

Như vậy, chúng ta sống trên đời, có ngày vui mừng, ngày hạnh phúc thì cũng sẽ có ngày đau khổ, ngày bất hạnh. Vui đó rồi khổ đó, khổ đó rồi vui đó, xoay vần, biến chuyển không ngừng. Đây là một sự thật của thế gian vô thường này. Bởi:

Cuộc đời là khổ là vui
Là cay là đắng ngọt bùi cộng chung.


LỜI KẾT

Tóm lại, trong cuộc sống, nếu việc gì cũng thuận lợi thì con người sẽ dễ tăng trưởng cái tôi, cống cao ngã mạn, cho mình là nhất, thiên hạ không ai bằng, cuối cùng đi đến chỗ sa đọa, tội lỗi. Như Adolf Hitler, quá vinh quang, quá thuận lợi, cuối cùng trở thành kẻ độc ác, bất nhân. Có gặp nghịch cảnh thì con người mới biết nhìn lại, thấy được khuyết điểm, sửa đổi hành vi, tiến bộ, thăng hoa và hoàn thiện bản thân. Chúng ta phải giống như voi lâm trận, chấp nhận những mũi tên, làn đạn để tiến về phía trước. Nếu sợ tên, sợ đạn thì làm sao chúng ta tiến tới được? Có khó khăn thì con người mới vượt qua để phát triển và thành công. Bởi vậy mới có câu: “Từ bùn sen nở, từ khổ người tài”.

Trong cuộc sống phải chấp nhận mọi thứ được - mất, vinh - nhục, khen - chê, vui - khổ, rồi chuyển hóa những nghịch cảnh thành chất liệu cho sự tiến bộ, thăng hoa. Giống như đất chấp nhận tất cả mọi thứ tốt xấu, sạch dơ đổ lên nó, rồi chuyển hóa chúng thành phân bón để làm cho cây cỏ tốt tươi.

Đắng cay, nếm đủ mùi đời,
Gian nan, thử thách rèn người lớn khôn.

Cuối cùng thầy xin tặng quý Phật tử một bài thơ rất nổi tiếng của Thiền sư Vạn Hạnh:

Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời.
Sá chi suy thịnh việc đời,
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

 

(Quyển sách này được biên tập từ pháp thoại “Tám pháp thế gian”, giảng vào ngày 10 tháng 04 năm 2016, trong “Khóa tu một ngày” tại chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).

 

Xem thêm:
Những bước thăng trầm (HT. Narada Maha Thera-Phạm Kim Khánh dịch)
Tám Pháp Thế Gian (Bình Anson)
Biểu đồ:
blank





.



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.