Giữa có và không

02/12/20201:00 SA(Xem: 7154)
Giữa có và không

GIỮA CÓ VÀ KHÔNG
Nguyễn Thế Đăng

 

lotus-hoa senThiền sư Đạo Hạnh (? -1117) trụ trì chùa Thiên Phước ở núi Phật Tích. Có vị tăng đến hỏi:

- Đi đứng nằm ngồi thảy đều là Phật tâm, thế nào là Phật tâm?

Sư nói kệ đáp:

Thấy có, muôn sự có
Là không, tất cả không
Có, không: trăng trong nước
Chớ vướng có không không.

(Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không).

 

Đời người bình thường sống là sống trong mọi sự có. Có tôi, có thân tôi, có tâm tôi, có nhà cửa của tôi, có bạn bè người thân của tôi, có quan điểm của tôi, có thế giới của tôi… Và khi chết thì mất tất cả những cái ấy, mọi sự trở thành không có.

Khổ đau, vui sướng đều do sự vướng mắc, trói buộc vào những cái có ấy. Khổ đau thì tương đương hoặc nhiều hơn vui sướng: không có cái được nào mà không mất, không có cái đến nào mà không đi, không có cái lấy nào mà không bỏ. Lao nhọc cả một đời để có được ‘những cái được, cái đến, cái lấy’ để ngay khi còn sống có khi giữ không được, còn đến khi chết thì mất tất cả. Cuộc đuổi theo ‘muôn sự có’ ấy để rồi mất tất cả, đó là cuộc đời của mọi con người bình thường. Và cái vòng lẩn quẩn, lập đi lập lại một cách vô ích ấy được gọi là sanh tử luân hồi.

 

Để giải thoát những vướng mắc, trói buộc vào ‘muôn sự có’ gây ra khổ đau ấy, người ta phải thấy:

Là không, tất cả không.

Cần chú ý ngài Đạo Hạnh không nói là ‘không có’ tiếng Hán là ‘vô’, mà nói ‘không’. Chữ không này là tánh Không, chủ đề trong lần Thuyết pháp thứ Hai của Đức Phật. Tánh Không này được nói đến trong tất cả các Kinh Đại Bát Nhã, giảng về Trí huệ thấy biết tánh Không.

Tánh Không trong các Kinh Đại Bát Nhã nói là “vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc”. Thật tướng của muôn sự là tánh Không, vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc. Thấy được thật tướng của muôn sự là tánh Không, vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc thì được giải thoát.

Gốc rễ của ràng buộc hay giải thoát, có và không, là tâm của mỗi người. Tâm thấy có là ràng buộc, tâm thấy không là giải thoát. Cho nên, Luận Đại Thừa Khởi Tín nói, “Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt”. Tâm là nguồn gốc của muôn sự Có và muôn sự Không.

Người tu hành không phải từ bỏ tất cả hoàn cảnh nghiệp riêng của mình, mà nhiếp dẫn tất cả hoàn cảnh trở về bản tánh Không của chúng. Như Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Sắc (thanh, hương, vị, xúc, pháp) tức là Không”.

Không ấy không chỉ là bản tánh của tất cả mọi sự, mà cũng là bản tánh của chính tâm chúng ta: “thọ tưởng hành thức cũng lại là Không như vậy”. Tận cùng cái tâm lăng xăng, phân biệt, nắm-bỏ, thương-ghét của chúng tabản tánh của tâm; bản tánh ấy là tánh Không, đó là con đường giải thoát.

Hành giả đưa chính mình và tất cả mọi sự về tánh Không, “sắc tức là Không”, đó là con đường giải thoát. Nhưng người tu đạo Bồ tát không giải thoát cho riêng mình, mà còn giải thoát cho chúng sanh, cho nên phải sống trong thế giới của chúng sanh, thế giới hình tướng của tất cả mọi sự. Thế nên người ấy cần phải đi từ tánh Không trở ra thế giới hình tướng, “Không tức là sắc”. Đó là con đường của phương tiện thiện xảo, tánh Không trở thành phương tiện thiện xảo hoạt động trong thế giới hình tướng.

Để hiểu phương tiện thiện xảo, chúng ta trích từ Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, phẩm Phương Tiện Thiện Xảo, do ngài Thi Hộ dịch vào khoảng thế kỷ thứ 10; dịch tiếng Việt do nhóm phiên dịch Đại Tạng chùa Châu Lâm:

“Phật bảo Tu Bồ Đề: Vì thế Tu Bồ Đề, lúc Đại Bồ tát hành Bát nhã ba la mật, nên quán đúng thật tướng sâu xa của các pháp như thế. Tuy quán rồi nhưng không thủ chứng.

Bấy giờ, Tôn giả Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế Tôn, việc làm của đại Bồ tát rất khó, cực kỳ khó; tuy hành Không, học Không, nhập tam ma địa Không nhưng trong đó không chứng thật tế Không. Thế Tôn, thật là hiếm có, thật là hiếm có!

Phật bảo Tôn giả Tu Bồ Đề: Đúng thế, đúng thế. Đại Bồ tát tuy hành Không, học Không, nhập tam ma địa Không nhưng trong đó không chứng thật tế Không. Điều này rất khó, cực kỳ khó. Điều này hiếm có, rất hiếm có. Vì sao thế? Tu Bồ Đề, Bồ tát đó phát đại nguyện tối thắng như thế này: “Ta nên độ tất cả chúng sanh, không bỏ tất cả chúng sanh”. Bồ tát phát nguyện như thế rồi, liền vào ba cửa giải thoát tam ma địa Không, Vô tướng, Vô tác. Bồ tát tuy nhập các cửa giải thoát này nhưng trong đó không thủ chứng Thật tế. Vì sao thế? Vì Bồ tát này đã được sức hộ trì của phương tiện thiện xảo, có thể nghĩ thế này: “Ta không bỏ các chúng sanh. Chưa đầy đủ Phật pháp thì không bao giờ chứng thật tế Không trong đó”.

“Lại nữa, Tu Bồ Đề, Đại Bồ tát nếu muốn nhập tánh Không sâu xa, tức các cửa giải thoát tam ma địa Không, Vô tướng, Vô tác, thì nên sanh tâm như thế này: “Tất cả chúng sanh trong dòng sanh tử đeo bám tướng chúng sanh, khởi cái thấy có sở đắc. Ta được Giác ngộ vô thượng rồi sẽ vì chúng sanh tuyên thuyết pháp yếu, đoạn trừ tướng này”. Liền nhập các cửa giải thoát tam ma địa Không, Vô tướng, Vô tác. Vì Bồ tát dùng tâm như thế và sức phương tiện trước đó, nên trong các tam ma địa không thủ chứng Thật tế, cũng không giảm mất các pháp tam muội Từ, Bi, Hỷ, Xả. Vì sao thế? Vì Bồ tát này đã được sức phương tiện thiện xảo hộ trì, nên lại tăng thêm thiện pháp, các căn thông lợi, các sức giác đạo cũng được tăng ích”.

Như vậy phương tiện thiện xảo được sanh từ sự kết hợp của Đại TríĐại Bi; Đại Trí là trí thấu suốt tánh KhôngĐại Bi là cứu giúp chúng sanh đang trôi nổi trong dòng sanh tử luân hồi không dứt.

 

Con đường Bồ tát thì vượt khỏi Có, tức là thế giới sanh tử của chúng sanh, và cũng vượt khỏi Không, tức là “Thật tế Không”, sự giải thoát cho chính mình. Thế nên ngài Đạo Hạnh dạy:

Chớ vướng có, không không.

Con đường Bồ tát đi giữa Có của sanh tử và Không của Niết bàn. Đi giữa Có và Không là Trung đạo của Bồ tát. Và muốn đi giữa Có và Không thì phải có cái thấy vượt khỏi Có và Không, không bị vướng mắc vào Có và Không:

Có, không: trăng trong nước

Phương tiện thiện xảo của Trí huệ Bát nhã là không trụ vào cái Có mà cũng không trụ vào cái Không. Phương tiện thiện xảo ấy là cái thấy Có, Không là như trăng trong nước, nghĩa là cái thấy như huyễn. Trong Kinh Đại Bát Nhã do ngài Huyền Trang Hán dịch, Phẩm Thiên Đế, Hội thứ nhất, ngài Tu Bồ Đề nương thần lực Phật nói cho vua trời Đế Thích rằng:

“Lại nữa, Kiều Thi Ca! Đại Bồ tát khi hành Bát nhã Ba la mật đa, chẳng nên trụ nội không hoặc thường hoặc vô thường; chẳng nên trụ ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bản tánh không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không hoặc thường hoặc vô thường. Vì sao thế? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện vậy”.

Không trụ, bởi vì Có và Không là như huyễn, như trăng trong nước.

Tiếp theo phẩm Thiên Đế là phẩm Chư Thiên Tử, kết luận chương này ngài Tu Bồ Đề nói:

“Thiên tử phải biết, chỗ thấy hữu vi giới thì như huyễn như hóa như mộng, chỗ thấy vô vi giới thì như huyễn như hóa như mộng. Vì sao thế? Vì tất cả hữu vi giới tự tánh Không vậy.

Thiên tử phải biết, vì duyên cớ này nên tôi nói rằng: Chúng sanh như huyễn, vì người như huyễn thuyết pháp như huyễn. Chúng sanh như hóa, vì người như hóa thuyết pháp như hóa. Chúng sanh như mộng, vì người như mộng thuyết pháp như mộng.

Khi ấy, các Thiên tử hỏi Tu Bồ Đề rằng: Nay Tôn giả chỉ nói chỗ thấy tất cả ngã, sắc, cho đến Giác ngộ vô thượngnhư huyễn như hóa như mộng, hay là cũng nói chỗ thấy Niết bàn vi diệu vắng lặng rốt ráonhư huyễn như hóa như mộng?

Tu Bồ Đề đáp: Các Thiên tử! Chẳng những nói chỗ thấy tất cả ngã, sắc, cho đến Giác ngộ vô thượngnhư huyễn như hóa như mộng, mà cũng lại nói chỗ thấy Niết bàn vi diệu vắng lặng rốt ráonhư huyễn như hóa như mộng.

Thiên tử phải biết, nếu lại có pháp nào hơn Niết bàn, ta cũng nói chỗ thấy ấy là như huyễn như hóa như mộng. Vì sao thế? Vì huyễn, hóa, mộng, cùng với tất cả pháp cho đến Niết bàn, thảy đều không hai không khác vậy”.

Cái thấy sanh tửNiết bàn đều như huyễn như mộng là cái thấy của Bồ tát để đi giữa Có và Không, không ở trong sanh tử cũng chẳng trụ trong Niết bàn: “Có, không: trăng trong nước”.

Tâm là gốc rễ của muôn sự Có và muôn sự Không. Như thế, một cách cụ thể, làm thế nào để sống và làm việc giữa muôn sự Có và muôn sự Không? “Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt”, vậy thì Trung đạo là thế nào giữa tâm sanh và tâm diệt?

Tâm sanh mà không sanh (vô sanh), tâm diệt mà không diệt. Sanh mà không sanh, vì như huyễn như mộng. Diệt mà không diệt, vì như huyễn như mộng. Đây là cái thấy và hoạt động “Có - Không trăng trong nước” của một vị Bồ tát vậy. 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/07/2017(Xem: 16374)
12/04/2019(Xem: 12794)
19/10/2019(Xem: 12739)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.